Thực tiễn báo cáo ESG của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng đe dọa môi trường sống, nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong tương lai. Trong bối cảnh này, phát triển bền vững là giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu những tổn thất về mặt môi trường, xã hội và con người (Rauf và cộng sự, 2020).
aa

Tóm tắt: Bài viết này đánh giá thực trạng ngân hàng trong việc thực thi phát triển bền vững và công bố báo cáo ESG (môi trường, xã hội, quản trị), từ đó, đưa ra một số khuyến nghị điều chỉnh để hệ thống ngân hàng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao trong hành trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.

Từ khóa: ESG, ngân hàng, doanh nghiệp, phát triển bền vững.

THE PRACTICE OF ESG REPORTS IN VIETNAMESE BANKING SYSTEM

Abstract: This article evaluates the current situation in implementing sustainable development and ESG (Environmental, Social, Governance) implement action reports at banks, thereby making some recommendations for Vietnamese banking system in carring out the tasks assigned by the Government to achieve net - zero emissions commitment by 2050 of Vietnam.


Keywords: ESG, banking, enterprises, sustainable development.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng đe dọa môi trường sống, nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong tương lai. Trong bối cảnh này, phát triển bền vững là giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu những tổn thất về mặt môi trường, xã hội và con người (Rauf và cộng sự, 2020). Để đạt được mục tiêu này, một trong những bước đi quan trọng là các chủ thể trong nền kinh tế phải đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững, công bố kết quả đạt được thông qua báo cáo ESG (FFV, 2022), chứa đựng các thông tin mà doanh nghiệp đã triển khai và kết quả đạt được liên quan đến yếu tố về ESG.

Tại Việt Nam, việc triển khai hoạt động phát triển bền vững và công bố báo cáo ESG được hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên United Overseas Bank (UOB) (2023), 94% doanh nghiệp Việt Nam thực hiện khảo sát cho rằng ESG quan trọng và là định hướng trọng tâm của họ trong tương lai, trong đó 1/3 công ty Việt Nam thực hiện báo cáo ESG một cách kĩ lưỡng và toàn diện (EY, 2023). Tuy nhiên, số lượng báo cáo ESG được công bố bởi các tổ chức tín dụng (TCTD) còn khá khiêm tốn, trong khi đó, đây là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu về chính sách tiền tệ, định hướng phát triển kinh tế của đất nước thông qua việc điều hướng dòng vốn của ngân hàng đến các lĩnh vực cần thiết, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

2. Báo cáo ESG và các yếu tố tác động đến việc thực hiện ESG

2.1. Báo cáo ESG

Báo cáo phát triển bền vững xuất hiện từ cuối những năm 1990, gắn liền với sự ra đời của Sáng kiến báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiative - GRI), một tổ chức tiêu chuẩn độc lập quốc tế giúp các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức khác hiểu và truyền đạt tác động của họ đối với các vấn đề về phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, nhân quyền và tham nhũng. Tuy nhiên, sự hình thành của báo cáo phát triển bền vững nằm trong một quá trình phát triển lâu dài hơn của các báo cáo phi tài chính (Non - Financial Reporting). Từ những năm 1970, tại các nước châu Âu, châu Mỹ đã xuất hiện các báo cáo xã hội bổ sung thông tin cho các báo cáo tài chính truyền thống. Những báo cáo này thể hiện các thông tin về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đến những năm 1980, mối quan tâm về các yếu tố phi tài chính của doanh nghiệp chuyển dịch sang các vấn đề liên quan đến môi trường như là lượng khí thải hay xử lí rác thải. Trong giai đoạn này, các báo cáo môi trường xuất hiện thay thế cho báo cáo xã hội. Đến cuối những năm 1990, những nghiên cứu và thực hành báo cáo doanh nghiệp bắt đầu xem xét các yếu tố tác động đến xã hội và môi trường một cách đồng thời và công bố các thông tin này trong một báo cáo chung song song với các báo cáo tài chính truyền thống, từ đó hình thành báo cáo phát triển bền vững như chúng ta biết hiện nay.

Báo cáo phát triển bền vững ra đời là sự bổ sung cho các báo cáo tài chính truyền thống trên các khía cạnh thông tin về chính sách và thực hành các vấn đề liên quan đến xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Hiện nay, đa số các công ty đại chúng lớn trên thế giới đều thực hiện một dạng nào đó của báo cáo phát triển bền vững. Thông thường, những công ty này sẽ công bố một báo cáo phát triển bền vững riêng biệt song song với báo cáo thường niên của công ty. Năm 2020, 90% các công ty trong danh sách S&P 500 (Mỹ) đã công bố báo cáo phát triển bền vững riêng biệt. Một dạng khác để các công ty truyền đạt các thông tin về phát triển bền vững là thông qua các báo cáo tích hợp, trong đó thông tin về chính sách và hoạt động xã hội, môi trường của doanh nghiệp được đưa chung vào trong báo cáo thường niên.

Báo cáo ESG bao gồm các đo lường về lượng khí thải, sử dụng tài nguyên, môi trường và tài nguyên thiên nhiên của công ty, chính sách lao động và nhân quyền, sức khỏe và an toàn lao động, quản lí chuỗi cung ứng, trách nhiệm sản phẩm, chống tham nhũng và đầu tư cộng đồng: (1) Môi trường: Đánh giá tác động môi trường (Environmental Impact Assessment) xem xét ảnh hưởng của công ty đối với môi trường tự nhiên. Bao gồm các nội dung chính về phát thải carbon, quản lí nước và chất thải, nguồn cung nguyên liệu thô, tác động từ biến đổi khí hậu; (2) Xã hội: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility) xem xét các công ty quản lí mối quan hệ với nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng nơi công ty có hoạt động (sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, quản lí lao động, an ninh và bảo mật dữ liệu, quan hệ cộng đồng); (3) Quản trị (Governance) xem xét khí cạnh quản trị công ty, đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lãnh đạo của công ty, lương của nhân viên cấp điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ và quyền của cổ đông.

2.2. Các yếu tố tác động đến việc công bố báo cáo ESG

Các yếu tố tác động đến việc công bố thông tin ESG đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu định lượng và định tính. Trong khi nghiên cứu định tính tìm các khung lí thuyết cho thấy mối liên hệ giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin ESG, thì các nghiên cứu định lượng cung cấp bằng chứng thực nghiệm ủng hộ hoặc bác bỏ khung lí thuyết đã được xây dựng trước đó. Nhìn chung, các nghiên cứu đều xoay quanh các lí thuyết phản ánh các yếu tố có thể tác động đến việc công bố thông tin ESG, bao gồm: Lí thuyết đại diện, lí thuyết các bên liên quan, lí thuyết tín hiệu, lí thuyết thể chế, lí thuyết về tính hợp pháp.

Lí thuyết đại diện phân tích mối quan hệ mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và các nhà quản lí (Eisenhardt, 1989). Đây là lí thuyết được sử dụng phổ biến để giải thích mối quan hệ giữa đặc điểm quản trị doanh nghiệp và thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp (Tarmuji và cộng sự, 2016). Đối với hoạt động công bố thông tin ESG, lí thuyết đại diện liên quan đến thực tiễn công bố thông tin ESG và tác động của chúng đến hiệu quả hoạt động của đơn vị công bố thông tin (Helfaya và cộng sự, 2023). Theo đó, nhà quản lí tham gia vào hoạt động ESG và công bố thông tin để theo đuổi mục tiêu kì vọng đã đặt ra, trong đó, có bao gồm mục tiêu vì lợi nhuận để tăng cường tiếp xúc giữa nhà doanh nghiệp và nhà đầu tư, khách hàng; việc tiết lộ thông tin ESG là một công cụ làm giảm thông tin bất cân xứng và làm giảm thiểu rủi ro, bao gồm rủi ro môi trường, uy tín và rủi ro về pháp luật.

Lí thuyết về các bên liên quan cho rằng tổ chức có nghĩa vụ phải đối xử công bằng, trong trường hợp các bên có xung đột lợi ích, tổ chức có nghĩa vụ đảm bảo được sự cân bằng tối ưu giữa các bên (Pesqueux và Damak ‐ Ayadi, 2005). Lí thuyết này thúc đẩy việc sử dụng công cụ quản lí nội bộ tập trung vào các chiến lược hướng tới các mục tiêu phi tài chính như tìm cách cải thiện phúc lợi xã hội và môi trường xung quanh (Peng và Isa, 2020).

Lí thuyết tín hiệu dựa trên nền tảng thông tin bất cân xứng, nghĩa là khi có sự bất cân xứng thông tin thì bên nắm giữ thông tin cần phát tín hiệu cho bên cần thông tin nhằm đạt được một mục tiêu nhất định (Connelly và cộng sự, 2011). Với điều này, việc tăng các kênh liên lạc sẽ làm tăng thông tin có sẵn giữa công ty và người dùng, do đó làm giảm sự bất cân xứng thông tin (Peng và Isa, 2020). Thông tin công bố ESG được sử dụng như một công cụ cung cấp thông tin tự nguyện giúp các nhà đầu tư dự đoán thu nhập kinh tế; do đó, các công ty sử dụng nó để báo hiệu những kết quả bền vững, giúp tăng cường uy tín của công ty.

Lí thuyết thể chế phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất tổng hợp của doanh nghiệp (Kostova và Marano, 2019). Đây là một khuôn khổ được áp dụng thường xuyên trong các tài liệu về ESG, vì việc công bố ESG góp phần quan trọng trong việc thể hiện uy tín về tính bền vững của doanh nghiệp (Campbell, 2007). Các công ty hoạt động ở các quốc gia có cơ cấu thể chế tương tự có xu hướng áp dụng các hình thức hành vi tương tự. Do đó, lí thuyết thể chế phản ánh tác động của hoạt động xã hội và môi trường đến sự thành công của doanh nghiệp (Bilyay-Erdogan, 2022).

Lí thuyết về tính hợp pháp: Tính hợp pháp của công ty đạt được bằng cách công bố nhiều thông tin về ESG phù hợp với quy định của pháp luật (Ellerup Nielsen và Thomsen, 2018). Bằng cách sử dụng báo cáo ESG, doanh nghiệp cho công chúng thấy sự tuân thủ của họ với các chuẩn mực xã hội, đây là một hình thức truyền thông quan trọng mà các công ty tham gia nhằm đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Do đó, lí thuyết về tính hợp pháp là động lực quan trọng để các công ty tiết lộ nhiều thông tin ESG hơn nhằm phù hợp với các quy định của pháp luật, nhờ đó đạt được sự tăng trưởng bền vững thông qua sự đồng thuận của xã hội (Eccles và Viviers, 2011).

Căn cứ lí thuyết và các yếu tố tác động đến việc công bố thông tin ESG của doanh nghiệp nêu trên cho thấy, việc công bố báo cáo ESG có thể phản ánh mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, nhờ đó sẽ có sự ủng hộ của xã hội, góp phần giúp hoạt động của doanh nghiệp ngày một phát triển. Vì vậy, nếu khuôn khổ pháp lí chưa đủ mạnh sẽ làm yếu đi hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp liên quan đến ESG (Roberts và cộng sự, 2005). Do vậy, nghiên cứu này tập trung đánh giá hành lang pháp lí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối với việc công bố thông tin ESG của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

2.3. Lợi ích của việc công bố báo cáo ESG

(i) Nâng cao hình ảnh và thu hút nhiều người tiêu dùng thế hệ mới.

Người tiêu dùng hiện đại có nhu cầu chọn lựa sản phẩm khắt khe hơn về chất lượng, giá thành sản phẩm, đồng thời còn đòi hỏi tính nhân văn của sản phẩm, bao gồm sự thân thiện với môi trường, chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động và cộng đồng. Cụ thể, theo báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, 80% người tiêu dùng ở khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường (Hành, 2020).

Với sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu dùng nêu trên, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư để đạt chuẩn ESG. Các tiêu chuẩn này phản ánh hành động của doanh nghiệp trong các cam kết với ESG, từ đó tác động lớn đến xu hướng hành vi của người tiêu dùng. Kéo theo đó là sự gia tăng thương hiệu của doanh nghiệp. Trong tình huống ngược lại, thương hiệu của doanh nghiệp có thể bị tẩy chay nếu các yếu tố ESG không được đảm bảo (Naveen, 2023).

(ii) Dễ dàng thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư

Xu hướng đầu tư vào doanh nghiệp có nền tảng quản trị tốt, trách nhiệm với môi trường, xã hội nhằm mục tiêu phát triển bền vững trở nên rõ rệt trong thời gian tới, khi đó, các doanh nghiệp công bố ESG sẽ có lợi thế rất lớn trong việc huy động vốn (Zahid và cộng sự, 2023). Với các nguồn vốn từ nước ngoài, yếu tố ESG của một doanh nghiệp đang ngày càng được cân nhắc khi đầu tư vào các doanh nghiệp để cung cấp góc nhìn rộng hơn về rủi ro và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một công ty. ESG càng cao, công ty càng có lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư lớn với những ưu đãi về lãi vay và các điều khoản hấp dẫn hoặc phát hành trái phiếu xanh.

(iii) Thúc đẩy doanh nghiệp tinh chỉnh, bảo vệ các giá trị kinh doanh

Việc kiểm tra lại các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu từ thực tế hoặc tận dụng các cơ hội mới, sẵn sàng ứng biến rủi ro là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Do đó, việc các doanh nghiệp điều hành theo xu hướng phát triển bền vững ESG là yếu tố mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Khi tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh sẽ làm gia tăng tính năng sản phẩm, cải thiện năng suất, doanh thu hay tái định vị thương hiệu. Ngoài ra, việc cam kết thực hiện các tiêu chuẩn của ESG đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi những vấn đề vĩ mô hơn: Tầm nhìn, giá trị cốt lõi và lợi ích con người (gồm cả nhân viên lẫn khách hàng).

Khi giá trị cốt lõi được chú trọng thì những yếu tố khác của doanh nghiệp cũng sẽ cải thiện, như tinh thần làm việc, đạo đức kinh doanh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng... Tất cả các yếu tố này góp phần nâng cao niềm tin của tất cả các bên - yếu tố quan trọng nhất trong sự thành bại của doanh nghiệp.

(iv) Đem đến lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp

Phát triển bền vững trên các tiêu chí của ESG mang lại những đóng góp tích cực cho cuộc sống của tất cả mọi người, khi tích hợp ESG vào vận hành, tất cả các doanh nghiệp có cùng chung cam kết về môi trường, xã hội và yếu tố quản trị. Nhờ đó, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên sẽ được bảo vệ, lượng khí nhà kính được giảm thiểu, giảm nguy cơ biến đổi khí hậu, vì vậy, sức khỏe và môi trường sống sẽ được cải thiện. Đây chính là yếu tố nền tảng trong việc đảm bảo chất lượng sống cho toàn thế giới.

Tóm lại, ESG được sử dụng để đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, là cơ sở và tiêu chí cho việc xem xét lựa chọn hợp tác kinh doanh của các nhà đầu tư tài chính, đối tác thương mại. Những nhà đầu tư tập trung vào giá trị bền vững sẽ xem xét những yếu tố về ESG để đưa vào đánh giá rủi ro, tính toán các chỉ số về lợi nhuận tài chính trong trung và dài hạn. Vì vậy, doanh nghiệp có thực hành và báo cáo ESG tốt sẽ có lợi thế hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn và gia tăng khả năng thu hút đơn hàng, mở rộng thị phần hoạt động. Với các yếu tố nêu trên, các doanh nghiệp công bố báo cáo ESG sẽ đạt được nhiều lợi ích và trở thành xu hướng được lựa chọn trong chiến lược kinh doanh trên toàn thế giới.

3. Thực tiễn báo cáo ESG của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam

3.1. Hành lang pháp lí cần tuân thủ

Với vai trò là cơ quan quản lí nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến yếu tố ESG.

Bảng 1: Các văn bản pháp lí liên quan đến thực hiện ESG tại Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả


Bảng 1 cho thấy, mặc dù Net Zero mới được Chính phủ cam kết vào năm 2021 nhưng hệ thống văn bản pháp lí về ESG đã được NHNN ban hành từ rất sớm. Văn bản đầu tiên được NHNN ban hành vào năm 2015 để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cho đến nay, có 11 văn bản còn hiệu lực về yếu tố ESG trong ngành Ngân hàng. Có thể nhận định sơ bộ về các văn bản trên như sau:

Một là, chính sách tín dụng xanh mang tính khuyến khích nhưng chưa có cơ chế cụ thể tạo động lực để các NHTM tập trung nguồn vốn vào các đối tượng này. Các văn bản như Chỉ thị số 03/CT-NHNN, Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, Quyết định số 1731/QĐ-NHNN, Quyết định số 1408/QĐ-NHNN, Quyết định số 813/QĐ-NHNN, Văn bản số 9050/NHNN-TD đều đề cập đến việc thúc đẩy tăng trưởng, kế hoạch hành động, khuyến khích phát triển tín dụng xanh. Qua đó cho thấy, việc thực hiện các văn bản pháp luật này phụ thuộc vào tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của các TCTD. Mặt khác, các khách hàng thuộc đối tượng cấp vốn tín dụng xanh sẽ được ưu đãi về chính sách tín dụng, đặc biệt là chính sách lãi suất. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp luật quy định về việc hỗ trợ ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay này. Thêm vào đó, cũng chưa có cơ chế ưu tiên đặc thù hoặc chính sách vinh danh các NHTM tích cực trong hoạt động cung ứng tín dụng xanh. Do đó, các yếu tố này phần nào đã hạn chế động lực thực hiện các văn bản liên quan đến ESG được NHNN ban hành.

Hai là, rất ít văn bản mang tính chất ràng buộc NHTM thực hiện các yếu tố ESG. Hiện nay, yếu tố ràng buộc thể hiện mạnh nhất thông qua Thông tư số 39/2016/TT-NHNN - nguyên tắc cho vay phù hợp với pháp luật bảo vệ môi trường và Thông tư số 17/2022/TT-NHNN - hướng dẫn quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Từ hai văn bản này, các ngân hàng ban hành những quy định cụ thể về việc thẩm định yếu tố rủi ro môi trường đối với từng khoản vay. Ngoài ra, các văn bản khác mang tính định hướng và khuyến khích ngân hàng thực hiện. Bên cạnh đó, các văn bản chú trọng đến yếu tố môi trường mà chưa đề cập đến các yếu tố xã hội và quản trị. Điều này cho thấy, các yếu tố mang tính ràng buộc chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là sự ràng buộc về yếu tố xã hội và quản trị.

Ba là, chưa có văn bản yêu cầu công bố các cam kết và báo cáo kết quả thực hiện liên quan đến ESG. Việc công bố các cam kết và kết quả thực hiện các cam kết ESG là hoạt động quan trọng nhằm ghi nhận nỗ lực của ngân hàng trong việc thực hiện ESG. Hiện nay, các ngân hàng có niêm yết trên thị trường chứng khoán bắt buộc phải công bố thông tin về phát triển bền vững theo quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, công ty niêm yết có thể lập riêng báo cáo phát triển bền vững hoặc trình bày tích hợp trong báo cáo thường niên. Nội dung doanh nghiệp phải báo cáo tác động đến môi trường và xã hội, cụ thể bao gồm 06 vấn đề: (1) Quản lí nguồn nguyên liệu; (2) Tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước; (3) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; (4) Chính sách liên quan đến người lao động; (5) Báo cáo liên quan đến trách nhiệm với cộng đồng địa phương; (6) Báo cáo liên quan đến thị trường vốn xanh. Tuy nhiên, chất lượng báo cáo liên quan đến ESG của các doanh nghiệp có sự chênh lệch rất lớn và chưa được kiểm soát chặt chẽ.

3.2. Thực trạng công bố báo cáo ESG của các NHTM Việt Nam

Mặc dù hành lang pháp lí liên quan đến 03 trụ cột của ESG là môi trường - xã hội - quản trị đã được NHNN ban hành từ năm 2015, tuy nhiên, chất lượng thực hiện cho đến nay vẫn đang trong giai đoạn đầu (FFV, 2020). Năm 2020, Tổ chức Tài chính công bằng Việt Nam (Fair Finance Vietnam - FFV) thực hiện nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện ESG của 10 ngân hàng tại Việt Nam (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), NHTM cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank), NHTM cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB), NHTM cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), NHTM cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) (Bảng 2).

Bảng 2: Đánh giá của FFV về thực hiện ESG của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Nguồn: FFV 2020


Qua thời gian, sự quan tâm của các NHTM đến ESG ngày càng tăng, đặc biệt là lồng ghép ESG vào quá trình thẩm định khách hàng. Nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế đã rất quan tâm đến việc thực hành ESG cũng như thông qua việc xét duyệt dự án định hướng cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và thực hiện ESG. Ví dụ, năm 2012, NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tiên phong xây dựng hệ thống quản lí môi trường và xã hội (ESMS). Hệ thống này bao gồm các quy định, hướng dẫn và thủ tục nhằm quản lí các tác động môi trường và xã hội từ hoạt động của Sacombank. Từ đây, Sacombank đưa ra quy trình đánh giá các tác động đến môi trường - xã hội đối với các khoản vay từ khâu thẩm định cho đến xuyên suốt quá trình sử dụng vốn của khách hàng1. Ngoài ra, NHTM cổ phần Phương Đông (OCB) đã ban hành chính sách quản lí rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng vào năm 2012 với sự tư vấn của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

Để xem xét việc công bố thông tin ESG, nhóm tác giả tìm kiếm các thông tin về thực thi ESG trên báo cáo tài chính và báo cáo thường niên được công bố của một số NHTM Việt Nam, kết quả chính được trình bày tại Bảng 3.

Bảng 3: Tổng hợp việc thực hiện ESG của các NHTM Việt Nam




Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ báo cáo thường niên của các NHTM


Bảng 3 cho thấy, mặc dù yêu cầu công bố thông tin về ESG của các doanh nghiệp niêm yết là yêu cầu bắt buộc theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính, tuy nhiên, số lượng và chất lượng thông tin được công bố bởi các ngân hàng có sự chênh lệch đáng kể. Ngoại trừ một số ít ngân hàng công bố báo cáo phát triển bền vững năm 2022 riêng, các ngân hàng còn lại đều lồng ghép vào báo cáo thường niên. Bên cạnh đó, một số ngân hàng không tìm thấy thông tin ESG trong các báo cáo được công bố. Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng đều không công bố đủ các thông tin được yêu cầu theo Thông tư số 155. Điều này cho thấy, NHNN cần có những biện pháp tăng cường nhằm yêu cầu các ngân hàng công bố thông tin liên quan đến ESG góp phần hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

4. Một số khuyến nghị

Không chỉ là kênh truyền dẫn vốn chính của nền kinh tế, ngành Ngân hàng còn là cơ quan giúp thực hiện các chính sách của Chính phủ đạt hiệu quả cao hơn. Với mục tiêu phát triển bền vững, các ngân hàng cần tích cực hơn nữa trong các hoạt động liên quan đến ESG; đồng thời, thông qua việc truyền dẫn vốn, ngành Ngân hàng có thể tăng cường dòng vốn vào các doanh nghiệp thực thi tốt chính sách ESG, nhờ đó, quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững sẽ có hiệu quả sớm hơn. Để đạt được chính sách này, NHNN cần thực hiện một số khuyến nghị sau:

Một là, ban hành hướng dẫn công bố thông tin ESG cho ngành Ngân hàng. Việc các ngân hàng thực hiện báo cáo phát triển bền vững dựa trên các chỉ tiêu không đồng nhất là rào cản để nhà đầu tư so sánh và sử dụng thông tin liên quan đến ESG. Do đó, NHNN cần xây dựng và ban hành khung công bố các tiêu chuẩn ESG để các ngân hàng thống nhất áp dụng. Hiện nay, ACB đã phát hành báo cáo phát triển bền vững riêng theo tiêu chuẩn GRI, bên cạnh đó, tiêu chuẩn GRI cũng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để sử dụng làm chuẩn mực báo cáo như Tập đoàn Bảo Việt, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam. Do đó, NHNN có thể nghiên cứu, xây dựng và ban hành chuẩn mực công bố thông tin ESG dựa trên bộ tiêu chuẩn GRI được ban hành năm 2023.

Hai là, xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá công bố ESG của ngành Ngân hàng. Sau khi các thông tin ESG của ngành Ngân hàng được công bố, NHNN cần có những chỉ tiêu để đánh giá mức độ công bố thông tin của các ngân hàng. Theo FFV (2020), FFGI là phương pháp phân tích đánh giá hữu hiệu chính sách của các ngân hàng và đã được thực hiện tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan... Năm 2020, FFV cũng sử dụng phương pháp FFGI để xếp hạng các ngân hàng tại Việt Nam trong việc công bố ESG với điểm bình quân là 1,06/10. NHNN có thể giao cho các NHTM tự chấm điểm theo bộ chỉ tiêu được công bố, thông qua kết quả nhận được, NHNN công bố mức điểm tối thiểu cần đạt được để các ngân hàng có lộ trình cải thiện các hoạt động ESG. Nhờ đó, các hoạt động và việc công bố thông tin ESG sẽ từng bước được cải thiện.

Ba là, tạo động lực để ngân hàng công bố thông tin ESG. Ngoài mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, các doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG còn nhằm mục đích tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu trên thị trường. Các doanh nghiệp thực thi ESG tốt sẽ có nhu cầu tìm kiếm dòng vốn tại các ngân hàng đạt chất lượng cao về hoạt động ESG. Do đó, để tạo động lực cho các ngân hàng khi tham gia vào hoạt động công bố báo cáo ESG trước khi NHNN xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, NHNN có thể thông qua công đoàn tổ chức giải thưởng “Báo cáo phát triển bền vững chất lượng cao ngành Ngân hàng” hoặc sử dụng kết quả đánh giá của các giải thưởng uy tín tương tự “Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết”2, đồng thời, công bố kết quả giải thưởng rộng rãi trên toàn xã hội. Đây sẽ trở thành một động lực lớn giúp ngân hàng tiếp cận được các nhà đầu tư bền vững, nhờ đó gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh gắn liền với chất lượng báo cáo ESG.

Bốn là, gia tăng các ràng buộc để hệ thống ngân hàng nghiêm túc thực hiện báo cáo ESG. Việc công bố thông tin ESG được yêu cầu từ năm 2015, tuy nhiên cho đến nay, các thông tin ESG của ngân hàng vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Một trong các nguyên nhân được chỉ ra là ngành Ngân hàng chưa có ràng buộc pháp lí yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện báo cáo ESG. Vì vậy, NHNN cần có những văn bản pháp luật mang tính chất ràng buộc, yêu cầu các ngân hàng cam kết và báo cáo kết quả thực hiện các cam kết liên quan đến ESG. Đồng thời, có biện pháp chế tài cần thiết để kiểm tra, đánh giá tính tuân thủ của các ngân hàng. Chẳng hạn, các ngân hàng tuân thủ tốt quy định công bố thông tin ESG sẽ có những chính sách ưu tiên trong hoạt động ngân hàng.

1 https://dantri.com.vn/thi-truong/sacombank-ap-dung-he-thong-esms-theo-chuan-muc-quoc-te-1355621065.htm

2 https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/trao-giai-doanh-nghiep-niem-yet-2023-nhieu-bao-cao-mang-tinh-dot-pha-lan-dau-tien-post336012.html

Tài liệu tham khảo:

1. Bilyay-Erdogan, S. (2022). Corporate ESG engagement and information asymmetry: The moderating role of country-level institutional differences. Journal of Sustainable Finance & Investment, pages 1-37.

2. Brown, D. L., & Argent, N. (2016). The impacts of population change on rural society and economy. In Routledge international handbook of rural studies, pages 85-96.

3. Campbell, J. L. (2007). Why would corporations behave in socially responsible ways? An institutional theory of corporate social responsibility. Academy of management Review, 32(3), pages 946-967.

4. Connelly, B. L., Certo, S. T., Ireland, R. D., & Reutzel, C. R. (2011). Signaling theory: A review and assessment. Journal of management, 37(1), pages 39-67.

5. Eccles, N. S., & Viviers, S. (2011). The origins and meanings of names describing investment practices that integrate a consideration of ESG issues in the academic literature. Journal of business ethics, 104, pages 389-402.

6. Ellerup Nielsen, A., & Thomsen, C. (2018). Reviewing corporate social responsibility communication: a legitimacy perspective. Corporate Communications: An International Journal, 23(4), pages 492-511.

7. Eisenhardt, K. M. (1989). Agency theory: An assessment and review. Academy of management review, 14(1), pages 57-74.

8. Fair Finance VietNam. (2020). Cam kết môi trường - xã hội - quản trị trong ngành Ngân hàng: Tổng quan và phân tích trường hợp mười ngân hàng thương mại Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam.

9. Friedman, H. L., Heinle, M. S., & Luneva, I. (2021). A theoretical framework for ESG reporting to investors. Available at SSRN 3932689.

10. Hành, N.Đ. (2020). Thói quen người tiêu dùng ASEAN thay đổi thế nào năm 2030: Định hình bởi Covid-19, công nghệ và hơn thế nữa. https://trungtamwto.vn/chuyen-de/15551-thoi-quen-nguoi-tieu-dung-asean-thay-doi-the-nao-nam-2030-dinh-hinh-boi-covid-19-cong-nghe-va-hon-the-nua

11. Helfaya, A., Morris, R., & Aboud, A. (2023). Investigating the Factors That Determine the ESG Disclosure Practices in Europe. Sustainability, 15(6), 5508.

12. Kostova, T., & Marano, V. (2019). Institutional theory perspectives on emerging markets. Oxford handbook of management in emerging markets, pages 99-126.

13. Ozili, P. K., & Arun, T. (2023). Spillover of Covid-19: impact on the Global Economy. In Managing inflation and supply chain disruptions in the global economy, pages 41-61.

14. Pesqueux, Y., & Damak‐Ayadi, S. (2005). Stakeholder theory in perspective. Corporate Governance: The international journal of business in society, 5(2), pages 5-21.

15. Peng, L. S., & Isa, M. (2020). Environmental, social and governance (ESG) practices and performance in Shariah firms: agency or stakeholder theory?. Asian Academy of Management Journal of Accounting & Finance, page 16 (1).

16. Naveen, A. (2023). Analysis: Conservatives’ Boycotts Wipe Off Billions From Target and Bud Light Valuations More Brand Battles Upcoming. https://www.theepochtimes.com/article/conservatives-boycotts-wipe-off-billions-from-target-and-bud-light-valuations-more-brand-battles-upcoming-5305913

17. Nguyễn, N. N. (2023). Thực hành ESG: Xu hướng tất yếu của doanh nghiệp. https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thuc-hanh-esg-xu-huong-tat-yeu-cua-doanh-nghiep-post331422.html

18. Rauf, A., Liu, X., Amin, W., Rehman, O. U., Li, J., Ahmad, F., & Bekun, F. V. (2020). Does sustainable growth, energy consumption and environment challenges matter for Belt and Road Initiative feat? A novel empirical investigation. Journal of Cleaner Production, 262, 121344.

19. Roberts, J., McNulty, T., & Stiles, P. (2005). Beyond agency conceptions of the work of the non‐executive director: Creating accountability in the boardroom. British journal of management, 16, S5-S26.

20. Tarmuji, I., Maelah, R., & Tarmuji, N. H. (2016). The impact of environmental, social and governance practices (ESG) on economic performance: Evidence from ESG score. International Journal of Trade, Economics and Finance, 7(3), page 67.

21. Zahid, R. A., Saleem, A., & Maqsood, U. S. (2023). ESG performance, capital financing decisions, and audit quality: empirical evidence from Chinese state-owned enterprises. Environmental Science and Pollution Research, 30(15), pages 44086-44099.


PGS., TS. Hạ Thị Thiều Dao, Nguyễn Phạm Thuận Hằng (Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)

ThS. Lê Chí Minh (Agribank Chi nhánh Bình Dương)

https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tài chính xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam

Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tài chính xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam

Việc nghiên cứu, giải quyết các rào cản trong tiếp cận nguồn tài chính xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam là rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, cũng như giúp doanh nghiệp nâng tầm giá trị trên thị trường quốc tế. Những rào cản hiện tại không chỉ làm chậm tiến trình thực hiện các dự án xanh mà còn cản trở việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Bài viết phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tài chính xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam; từ đó, đề xuất một số khuyến nghị để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính xanh, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách phát triển bền vững của Chính phủ.
Các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hệ thống tổ chức, hoạt động, quản trị chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm từ nước ngoài và đội ngũ nhân sự bản địa được đào tạo chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng.
Kinh nghiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức thư tín dụng

Kinh nghiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức thư tín dụng

Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động hội nhập kinh tế khi tham gia sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Theo đó, phương thức thư tín dụng (L/C) cũng được sử dụng ngày càng phổ biến trong các hoạt động thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được, các doanh nghiệp trong nước cũng phải đối mặt với những chiêu trò lừa đảo chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại quốc tế với nhiều thủ đoạn đa dạng, tinh vi, khó phát hiện, gây tổn thất nặng nề về tài chính. Do đó, cần thiết có những bài học kinh nghiệm từ hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức L/C trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Sử dụng phương pháp định tính và định lượng, nghiên cứu này điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đại học khi tham gia mua sắm trực tuyến tại thành phố Thủ Dầu Một. Qua các bước kiểm định, nghiên cứu xác định những biến tác động đến sự hài lòng của sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một khi tham gia mua sắm trực tuyến bao gồm: Tính tiện ích của nền tảng trực tuyến, chất lượng thông tin sản phẩm, chất lượng sản phẩm.
Dân trí tài chính số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Dân trí tài chính số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Bài viết nghiên cứu thực trạng dân trí tài chính số tại Việt Nam trong bối cảnh các sản phẩm tài chính số phát triển mạnh, nhưng hiểu biết của người dân còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các giải pháp nâng cao kiến thức tài chính số cho nhóm dễ tổn thương và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ an toàn, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số bền vững.
Kiểm soát hành vi “tẩy xanh” hướng tới tăng trưởng bền vững - Góc nhìn từ khía cạnh pháp lý

Kiểm soát hành vi “tẩy xanh” hướng tới tăng trưởng bền vững - Góc nhìn từ khía cạnh pháp lý

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, đòi hỏi sự chung tay hành động từ cả quốc gia và từng cá nhân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính vẫn đặt lợi nhuận lên trên trách nhiệm xã hội, thể hiện qua hành vi “tẩy xanh”. Việc nhận diện và kiểm soát hành vi này là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Sự tham gia của Thừa phát lại vào hoạt động xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng: Thực trạng pháp luật và kiến nghị

Sự tham gia của Thừa phát lại vào hoạt động xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng: Thực trạng pháp luật và kiến nghị

Nợ xấu là thách thức lớn đối với sự ổn định tài chính, trong khi việc xử lý qua cơ quan thi hành án còn gặp nhiều khó khăn. Thừa phát lại được xem là giải pháp thay thế hỗ trợ các tổ chức tín dụng thu hồi nợ hiệu quả hơn, nhưng khung pháp lý hiện hành chưa tạo điều kiện phát huy vai trò này. Bài viết phân tích các quy định pháp luật liên quan, chỉ ra bất cập và tác động đến việc xử lý nợ xấu. Từ đó, nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp lý, tham khảo kinh nghiệm của Pháp.
Những điểm dễ tổn thương của hệ thống tài chính trong kỷ nguyên biến động mạnh địa chính trị và kinh tế - Một số khuyến nghị chính sách

Những điểm dễ tổn thương của hệ thống tài chính trong kỷ nguyên biến động mạnh địa chính trị và kinh tế - Một số khuyến nghị chính sách

Bài viết phân tích những thách thức lớn đối với ổn định của hệ thống tài chính quốc tế trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, bao gồm bất định kinh tế vĩ mô, định giá tài sản cao, đòn bẩy tài chính và sự phát triển nhanh của khu vực phi ngân hàng. Các rủi ro mang tính hệ thống có thể làm khuếch đại cú sốc thị trường và lan truyền toàn cầu. Từ đó, bài viết đề xuất các khuyến nghị chính sách như tăng cường quản trị rủi ro, kiểm soát đòn bẩy, mở rộng giám sát và thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống tài chính.
Xem thêm
Xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai tại các tổ chức tín dụng

Xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai tại các tổ chức tín dụng

Trong những năm gần đây, chế định pháp lý về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng (TCTD) ngày càng được các cơ quan có thẩm quyền chú trọng xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này vẫn chưa thực sự đầy đủ và còn những bất cập, gây khó khăn trong việc áp dụng, bởi đây là một loại tài sản mang tính chất đặc thù và tiềm ẩn nhiều rủi ro so với các loại tài sản hiện hữu. Vì vậy, cần có cơ chế rõ ràng, hướng dẫn cụ thể để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, giảm thiểu những rủi ro cho các TCTD trong việc nhận thế chấp loại hình tài sản này.
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy Fintech và chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy Fintech và chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Ngày 29/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là Nghị định đầu tiên tại Việt Nam thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc thử nghiệm các sản phẩm, mô hình, dịch vụ tài chính mới ứng dụng công nghệ, đồng thời là bước tiến quan trọng trong quá trình thể chế hóa đổi mới sáng tạo tài chính tại Việt Nam. Không chỉ góp phần hiện thực hóa chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Nghị định này còn tạo ra các tác động sâu rộng đối với cả hệ thống ngân hàng thương mại và nền kinh tế.
Góc độ pháp lý về rào cản của thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh đối với hoạt động của doanh nghiệp

Góc độ pháp lý về rào cản của thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh đối với hoạt động của doanh nghiệp

Thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh năm 2018, dù đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh nhưng lại đang tạo ra những rào cản đáng kể cho doanh nghiệp do thời gian thẩm định kéo dài, yêu cầu hồ sơ phức tạp, đòi hỏi nhiều tài liệu chuyên sâu như mô tả giao dịch và phân tích thị trường. Những yếu tố này không chỉ làm tăng chi phí tuân thủ, rủi ro pháp lý, nguy cơ rò rỉ thông tin, mà còn cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng.
Kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ các-bon làm tài sản bảo đảm ngân hàng  và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ các-bon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và khuyến nghị đối với Việt Nam

Phát triển các sản phẩm tài chính mới gắn với tín chỉ các-bon là chiến lược then chốt để thu hút dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực giảm phát thải. Các sản phẩm như trái phiếu xanh được gắn với việc phát hành hoặc mua tín chỉ các-bon có thể tạo ra các dòng tiền ổn định và hấp dẫn cho nhà đầu tư bền vững (Asian Development Bank, 2019). Các khoản vay xanh thế chấp bằng tín chỉ các-bon cho phép doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn nếu cam kết tạo ra lượng giảm phát thải xác thực. Việc đa dạng hóa các sản phẩm tài chính gắn với tín chỉ các-bon không chỉ tạo thêm động lực kinh tế cho các dự án xanh mà còn giúp thị trường các-bon phát triển theo hướng tích hợp sâu rộng với hệ sinh thái tài chính quốc gia.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, thích ứng với tình hình mới

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, thích ứng với tình hình mới

Sáng 09/7/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Tham dự Hội nghị có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và các đồng chí trong Ban Lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) và điểm cầu trực tuyến tới NHNN các khu vực trên cả nước.
Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Tháng 4/2025 chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng đối với đồng USD, bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Bài viết phân tích những bất thường trên thị trường tài chính toàn cầu sau các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Mỹ, đồng thời chỉ ra nguyên nhân từ sự thay đổi cấu trúc tài chính, phi toàn cầu hóa và biến động địa chính trị. Nếu xu hướng này tiếp diễn, USD có nguy cơ mất dần vị thế, đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III  trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiệp ước vốn Basel III là khuôn khổ nâng cao với sự sửa đổi và củng cố cả ba trụ cột của Basel II, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để nâng cao chất lượng quản trị rủi ro và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Bài viết phân tích tình hình áp dụng các Hiệp ước vốn Basel của hệ thống ngân hàng trên thế giới, cùng với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam trong việc áp dụng Hiệp ước vốn Basel III, tác giả đưa ra một số đề xuất giải pháp chính sách cho hệ thống ngân hàng...
Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Bài viết phân tích vai trò của hiểu biết tài chính trong việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, dựa trên khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu; đồng thời, đề xuất tăng cường giáo dục và truyền thông tài chính để hỗ trợ chính sách tiền tệ và phát triển kinh tế bền vững.
Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Bài viết này tổng hợp bài học từ các nền kinh tế đã thành công vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả nêu một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm duy trì đà tăng trưởng, tránh rơi vào “bẫy” và hướng tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và tăng trưởng khu vực đang có xu hướng chậm lại, cùng với việc Hoa Kỳ thực hiện áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 vẫn có thể đạt được, với điều kiện phải có sự điều hành chính sách linh hoạt, đồng bộ và cải cách thể chế đủ mạnh để khơi thông các điểm nghẽn về đầu tư, năng suất và thị trường…

Thông tư số 10/2025/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân

Thông tư số 07/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2024/TT-NHNN ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

Thông tư số 08/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Thông tư số 29/2024/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 32/2024/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nướ

Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng