Kinh tế - tài chính thế giới năm 2025 và một số khuyến nghị điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ở Việt Nam
Tóm tắt: Các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Nhìn chung trong năm 2025, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng ổn định nhưng dưới mức trung bình dài hạn, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, thương mại toàn cầu phục hồi, đồng USD có xu hướng tăng giá, thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục và xu hướng chính sách của các quốc gia có nhiều thay đổi. Việc điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với chính sách vĩ mô khác, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tài chính thế giới sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội; đồng thời, ứng phó kịp thời với những biến động từ môi trường kinh tế quốc tế, bảo đảm phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ khóa: Biến động, tác động, kinh tế, tài chính thế giới, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.
GLOBAL FINANCE AND ECONOMY IN 2025 AND SOME RECOMMENDATIONS FOR MONETARY AND FISCAL POLICY MANAGEMENT IN VIETNAM
Abstract: The global economic growth forecasts for 2025 present both opportunities and challenges for Vietnam. Overall, global economic growth in 2025 is expected to be stable but below the long-term average, with global inflation trending downward, global trade recovering, the US dollar strengthening, global stock markets rebounding, and significant changes in the policy directions of various countries. Flexible management and close coordination of fiscal policies with monetary policies and other macro policies, while closely monitoring global economic and financial developments, will help Vietnam make the most of these opportunities and promptly respond to fluctuations in the international economic environment, ensuring sustainable development and macroeconomic stability.
Keywords: Fluctuation, effect, economic, global finance, monetary policy, fiscal policy.
1. Bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới năm 2024 và triển vọng năm 2025
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định nhưng dưới mức trung bình dài hạn: Các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2025 từ nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều cho thấy mức tăng trưởng ổn định quanh ngưỡng 3%. Cụ thể, IMF (10/2024) và OECD (9/2024) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ ổn định ở mức 3,2% năm 2025, trong khi mức dự báo của WB (6/2024) thấp hơn, vào khoảng 2,7% cho năm 2025. Mức tăng trưởng được coi là ổn định nhưng dưới mức trung bình dài hạn, vẫn thấp hơn mức trung bình 3,5% trước đại dịch Covid-191. Những dự báo tích cực của tăng trưởng kinh tế thế giới phản ánh hiệu quả của các chính sách tiền tệ thắt chặt trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Việc duy trì lãi suất cao đã không dẫn đến suy thoái mạnh như lo ngại.
Mặc dù dự báo tổng thể là tích cực, nhưng có sự khác biệt giữa các khu vực. Chẳng hạn, kinh tế châu Âu được dự báo sẽ phục hồi chậm. OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 đạt 3,3%, với kinh tế châu Âu dự kiến chỉ tăng 1,3%, cho thấy sự phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác. Các dự báo này cũng đi kèm với cảnh báo về những rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng, bao gồm căng thẳng địa chính trị, gia tăng bảo hộ thương mại và áp lực từ chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ. (Bảng 1)
Bảng 1: Tăng trưởng kinh tế thế giới (%)
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của WB (6/2024), IMF (10/2024), OECD (9/2024) |
Thứ hai, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm: Lạm phát toàn cầu năm 2024 đã giảm so với năm 2023, nhưng vẫn có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. Các nền kinh tế phát triển như Mỹ và khu vực đồng Euro ghi nhận lạm phát giảm dần, gần đạt mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, nhờ những biện pháp thắt chặt tiền tệ hiệu quả. Lạm phát tại Mỹ giảm từ 3,1% vào tháng 01/2024 xuống còn 2,7% vào tháng 11/2024, trong khi khu vực đồng Euro giảm từ 2,8% xuống 2,2% trong cùng kỳ. Ngược lại, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Thái Lan có mức lạm phát thấp hơn, với Trung Quốc chỉ khoảng 0,2% vào tháng 11/2024, chủ yếu nhờ giá cả nhóm phi lương thực và chi phí giao thông giảm. Tính chung 11 tháng năm 2024, lạm phát giảm đều tại hầu hết các quốc gia, ngoại trừ một số quốc gia chịu tác động từ giá năng lượng tăng nhẹ vào cuối năm. Đây là minh chứng cho sự tác động mạnh mẽ của giá hàng hóa toàn cầu đối với lạm phát tại từng quốc gia.
Các yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát năm 2024 bao gồm sự giảm giá hàng hóa và những biện pháp chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo WB, chỉ số giá hàng hóa toàn cầu giảm 4,68% so với cùng kỳ năm 2023, với giá năng lượng giảm 9,14%, giá thực phẩm giảm 6,07% và giá phân bón giảm mạnh nhất, lên đến 23,82%. Điều này đã làm giảm áp lực chi phí sản xuất tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước nhập khẩu lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, tác động này không đồng đều, vì giá năng lượng vẫn biến động ở mức cao trong một số tháng, gây áp lực lên chi phí sinh hoạt tại các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ. Song song đó, chính sách tiền tệ thắt chặt, như việc duy trì lãi suất cao tại các nền kinh tế lớn, đã giúp kiềm chế áp lực lạm phát, đồng thời, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở một số khu vực.
Dự báo cho năm 2025, lạm phát toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm, tiến gần hơn đến mục tiêu ổn định giá. Theo IMF, lạm phát toàn cầu dự kiến giảm từ 5,8% năm 2024 xuống còn 4,3% năm 2025 và theo OECD (9/2024), các nền kinh tế phát triển có thể đạt mức 2,0%, gần sát mục tiêu của ngân hàng trung ương. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng ghi nhận sự cải thiện, với lạm phát giảm từ 7,9% năm 2024 xuống 5,9% năm 2025. Giá dầu, một yếu tố quan trọng tác động đến lạm phát toàn cầu, được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sẽ tiếp tục giảm, với giá dầu WTI trung bình ở mức 69,12 USD/thùng vào năm 2025. Tuy nhiên, rủi ro từ căng thẳng địa chính trị và biến động trong các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là những yếu tố khó lường, có thể làm gián đoạn xu hướng giảm lạm phát trong tương lai gần. (Bảng 2)
Bảng 2: Lạm phát thế giới (%)
Nguồn: IMF (10/2024) |
Thứ ba, sự phục hồi thương mại toàn cầu: Thương mại toàn cầu đã ghi nhận sự phục hồi rõ rệt trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng 3,1%, tăng mạnh từ mức 0,8% của năm 2023 (IMF, 2024). Những yếu tố hỗ trợ chính bao gồm lạm phát toàn cầu giảm, triển vọng kinh tế tích cực và sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi năng lượng. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và khu vực châu Á, cùng với Brazil và Ấn Độ, đã đóng góp quan trọng vào sự phục hồi này thông qua tăng trưởng nhập khẩu và thương mại hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn như căng thẳng địa chính trị, chi phí vận chuyển cao và các chính sách công nghiệp hướng nội có thể làm suy giảm đà tăng trưởng thương mại toàn cầu trong những năm tiếp theo. Đối với Việt Nam, sự phục hồi này tạo điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực có thế mạnh như dệt may, điện tử và nông sản. Đồng thời, Việt Nam cần theo dõi sát sao các diễn biến toàn cầu để điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Thứ tư, xu hướng tăng giá của đồng USD: Trong năm 2024, đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt tăng mạnh so với đồng JPY (5,6%) và KRW (13,7%). Sang năm 2025, tỉ giá USD/VND sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), mức độ nghiêm trọng của các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới… Chính sách thuế quan của Mỹ có thể làm tăng giá trị USD và gây áp lực lên tỉ giá.
Thứ năm, thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục: Thị trường chứng khoán thế giới năm 2024 có sự phục hồi đáng kể với các chỉ số chính như NASDAQ, S&P 500 và NIKKEI 225 tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 27,5%, 25,1% và 19,3%. Đây là kết quả của môi trường lãi suất thấp hơn tại các nền kinh tế lớn và sự lạc quan về tăng trưởng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, một số thị trường như KOSPI của Hàn Quốc lại giảm 9,7% do lo ngại về bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị khu vực. Đối với Việt Nam, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán toàn cầu mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng trước những rủi ro từ biến động dòng vốn quốc tế, đặc biệt khi nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang các thị trường phát triển ổn định hơn. Việc tăng cường minh bạch và cải thiện hiệu quả quản trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam là cần thiết để tận dụng cơ hội và đối phó với thách thức.
Thứ sáu, xu hướng chính sách của các quốc gia:
(i) Về chính sách tiền tệ toàn cầu, trong năm 2024, nhiều quốc gia và khu vực đã chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau thời kỳ thắt chặt kéo dài. Các ngân hàng trung ương tại Mỹ, châu Âu, Canada và những nước mới nổi như Chile, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2024, với mục tiêu khuyến khích tiêu dùng và đầu tư. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất tiền gửi xuống 3,0% vào tháng 12/2024, Fed giảm lãi suất xuống 4,25 - 4,5%, mức thấp nhất trong hai năm qua. Xu hướng này giúp làm dịu chi phí vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại các khu vực này. Với Việt Nam, chính sách tiền tệ toàn cầu có tác động tích cực đến tỉ giá hối đoái và dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việc các nền kinh tế lớn giảm lãi suất có thể giúp ổn định tỉ giá đồng VND và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn với chi phí thấp hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
(ii) Về chính sách tài khóa: Các chính sách tài khóa trong năm 2024 được thiết kế linh hoạt, tập trung vào kích thích kinh tế và giải quyết những thách thức dài hạn. Trung Quốc, một trong những nền kinh tế lớn nhất, triển khai gói cứu trợ trị giá 10.000 tỉ CNY trong 5 năm, bao gồm phát hành trái phiếu đặc biệt và các ưu đãi thuế để hỗ trợ thị trường bất động sản và giảm gánh nặng nợ công. Tương tự, Nhật Bản áp dụng các biện pháp hỗ trợ thu nhập cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm trợ cấp tiền mặt và giảm giá năng lượng. Các biện pháp tài khóa này không chỉ giúp ổn định kinh tế mà còn cải thiện đời sống xã hội.
(iii) Về xu hướng điều chỉnh chính sách ngành và lĩnh vực: Nhiều quốc gia đã điều chỉnh chính sách theo hướng thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế chiến lược và bền vững. Australia cam kết ưu đãi thuế 7 tỉ AUD để phát triển ngành công nghiệp khoáng sản và hydro tái tạo, trong khi Hàn Quốc chi 8.800 tỉ KRW để hỗ trợ ngành bán dẫn nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh toàn cầu.
Bên cạnh đó, một số yếu tố rủi ro lớn đối với bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới năm 2025 là: Chính sách thuế quan của Mỹ, xung đột địa chính trị và chính sách phát triển của Trung Quốc. Nếu chính quyền ông Donald Trump gia tăng thuế quan, đặc biệt với mức 10 - 20% cho hàng nhập khẩu và 60% cho hàng hóa từ Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến lạm phát tăng trở lại, kinh tế toàn cầu giảm tốc và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng từ mức thấp như hiện tại. Chính sách này có thể làm chậm quá trình cắt giảm lãi suất của Fed, dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế khác và khối nợ USD tăng cao. Các xung đột tại Ukraine và Trung Đông, kết hợp với tình trạng bất ổn chính trị tại một số quốc gia như Đức và Pháp đang góp phần làm gia tăng chi phí năng lượng và tạo thêm áp lực lên sự ổn định kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đối mặt với sự giảm tốc, đòi hỏi chuyển đổi từ mô hình sản xuất sang tập trung vào tăng thu nhập cho người dân có thu nhập thấp. Trung Quốc đang chịu áp lực phải tái cơ cấu mô hình kinh tế, chấm dứt phụ thuộc quá mức vào sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Nếu các chính sách thương mại và thuế quan gây ra biến động lớn, áp lực lạm phát và thâm hụt đầu tư sẽ gia tăng. Nhiều ngân hàng trung ương đang nỗ lực đưa lãi suất về mức bình thường, với kỳ vọng kinh tế toàn cầu có thể vượt qua các thách thức hiện tại. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính vẫn đặt niềm tin rằng nền kinh tế thế giới sẽ tìm được hướng đi ổn định trong bối cảnh đầy thách thức.
2. Tác động của tình hình kinh tế, tài chính thế giới tới Việt Nam
Thứ nhất, các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 ổn định quanh ngưỡng 3%. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may và nông sản. Nhu cầu tiêu thụ từ các đối tác thương mại chính như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc được duy trì, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước. Ngoài ra, môi trường kinh tế toàn cầu tích cực cũng thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và tạo việc làm. Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn giúp ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm thiểu gián đoạn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu.
Thứ hai, với một nền kinh tế mở, Việt Nam chịu tác động lớn từ biến động giá cả và chính sách kinh tế toàn cầu. Sự chênh lệch lạm phát giữa các khu vực có thể tạo ra áp lực cạnh tranh về tỉ giá và thu hút dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, những rủi ro địa chính trị và biến động từ chính sách kinh tế của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thương mại và tăng trưởng. Do đó, việc theo dõi sát sao các yếu tố toàn cầu, cùng với điều chỉnh kịp thời những chính sách trong nước là yếu tố then chốt để Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển bền vững trong giai đoạn tới. Trong năm 2024, lạm phát của Việt Nam chỉ ở mức 3,63%, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan (4,3%) hay Indonesia (5,1%). Điều này cho thấy, Việt Nam đã kiểm soát tốt những cú sốc giá cả quốc tế, đồng thời, tận dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định giá cả trong nước. Việc giữ lạm phát ở mức thấp không chỉ bảo vệ sức mua của người dân mà còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư vào khả năng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Sự ổn định này sẽ là nền tảng để Việt Nam duy trì tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Thứ ba, xu hướng tăng giá của đồng USD và sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu tạo ra áp lực đáng kể đối với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Việt Nam. Mặc dù lạm phát trong nước được kiểm soát ở mức thấp, nhưng áp lực từ lạm phát nhập khẩu do đồng USD mạnh và giá cả hàng hóa quốc tế có thể gây ra rủi ro gia tăng chi phí sản xuất. Đồng USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa định giá bằng USD. Đối với Việt Nam, đồng USD mạnh có thể tạo áp lực lên tỉ giá USD/VND, dẫn đến chi phí nhập khẩu tăng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, sự ổn định tỉ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì giúp giảm thiểu rủi ro biến động lớn, bảo vệ môi trường kinh doanh trong nước. Để ứng phó, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao biến động ngoại hối toàn cầu và áp dụng các biện pháp điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Lãi suất toàn cầu cao tiếp tục gây áp lực lớn lên chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam, đặc biệt đối với các khoản vay có lãi suất thả nổi hoặc được định giá bằng USD và EUR.
Thứ tư, sự phục hồi thương mại toàn cầu mang lại cơ hội đáng kể cho Việt Nam trong việc thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt ở các ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày và điện tử. Đồng thời, nhu cầu gia tăng đối với những sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo tạo ra cơ hội mở rộng thị trường cho các ngành công nghiệp mới nổi tại Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và chiến lược “Trung Quốc +1” của các tập đoàn lớn đã đặt Việt Nam vào vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng mới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỉ USD. Lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh những năm qua nhờ ưu thế lực lượng lao động trẻ, chi phí cạnh tranh và chính sách thu hút đầu tư tích cực. Các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử và lắp ráp ô tô tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này.
Tuy nhiên, sự gia tăng chi phí vận chuyển và các rào cản thương mại có thể làm tăng chi phí xuất khẩu, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để ứng phó, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng logistics, tăng cường đàm phán thương mại và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tỉ giá hối đoái cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến động thương mại toàn cầu.
Thứ năm, xu hướng nới lỏng tiền tệ và linh hoạt tài khóa trên toàn cầu tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho kinh tế Việt Nam. Một mặt, các chính sách này hỗ trợ dòng vốn đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu, giúp duy trì động lực phát triển kinh tế. Mặt khác, áp lực từ biến động giá cả, cạnh tranh đầu tư và những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực sản xuất và quản trị tài chính công.
Ngoài ra, chính sách của các quốc gia phản ánh xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kinh tế tri thức, đồng thời, đặt ra yêu cầu cạnh tranh cao hơn với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy những ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư, nhằm giữ vững lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
3. Một số khuyến nghị
Thứ nhất, định hướng điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa: Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Việt Nam cần được điều chỉnh linh hoạt để vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời, tối ưu hóa nguồn lực cho các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, năng lượng tái tạo và đổi mới sáng tạo.
Cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và đầu tư còn tương đối thấp, lưu ý trước những rủi ro từ dòng vốn quốc tế dịch chuyển, nguy cơ gây áp lực lên tỉ giá và thanh khoản trong nước. Việc tiếp tục áp dụng cơ chế tỉ giá linh hoạt có quản lý, với biên độ +/-5%, sẽ giúp giảm áp lực tỉ giá trước diễn biến tăng giá của đồng USD. Ngoài ra, tăng cường dự trữ ngoại hối nhằm ổn định thị trường và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Các giai đoạn dòng vốn FDI và kiều hối dồi dào cần được tận dụng để mua lại ngoại tệ, tăng cường dự trữ ngoại hối, hướng tới mức tương đương 6 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn quốc tế. Trong điều hành lãi suất, việc duy trì mức ổn định và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất và xuất khẩu là quan trọng. Song song đó, các biện pháp bảo đảm thanh khoản hệ thống ngân hàng, điều chỉnh lãi suất phù hợp và hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và cải cách cơ cấu sẽ giúp ứng phó hiệu quả với tác động từ biến động tài chính toàn cầu.
Chính sách tài khóa có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm môi trường kinh tế ổn định và thúc đẩy tăng trưởng. Trong năm 2025, việc tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm trong ngắn hạn và thực hiện chính sách tài chính bền vững trong dài hạn nên được ưu tiên. Trong đó, nguồn lực nên tập trung vào các chương trình đầu tư công hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng và những ngành kinh tế chiến lược, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việc duy trì kỷ luật tài khóa, kiểm soát nợ công và tối ưu hóa chi tiêu công là yếu tố thiết yếu để bảo đảm bền vững tài chính quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh USD tăng giá có thể làm gia tăng chi phí trả nợ ngoại tệ. Bên cạnh đó, năng lực quản lý ngân sách nên được cải thiện, đồng thời, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong những ngành xuất khẩu chủ lực, cần được triển khai nhằm duy trì động lực tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng cường khả năng thích ứng với rủi ro toàn cầu: Mặc dù triển vọng kinh tế thế giới tích cực, vẫn tồn tại những rủi ro như căng thẳng địa chính trị, biến động giá năng lượng và chính sách bảo hộ thương mại. Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến này để có biện pháp ứng phó phù hợp. Năm 2025 sẽ chứng kiến sự điều chỉnh chính sách mạnh mẽ từ các quốc gia lớn nhằm ứng phó với thách thức kinh tế và địa chính trị.
Áp lực từ đồng USD mạnh và rủi ro dòng vốn đảo chiều yêu cầu Việt Nam điều chỉnh linh hoạt chính sách kinh tế vĩ mô. Việc nắm bắt xu hướng toàn cầu và điều chỉnh chính sách phù hợp là yếu tố then chốt để duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính. Do đó, bên cạnh việc phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, thúc đẩy đầu tư công và cải cách thể chế nhằm tận dụng cơ hội, cần nâng cao hiệu quả quản trị và đầu tư công sẽ giúp xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn trước các biến động toàn cầu. Đồng thời, phải tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường hoặc ngành hàng cụ thể.
Thứ ba, tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua những gói tín dụng ưu đãi và giảm thuế sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, đầu tư công vào cơ sở hạ tầng logistics và cảng biển là yếu tố then chốt để giảm chi phí vận chuyển, cải thiện khả năng kết nối thương mại. Trong bối cảnh này, việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) và cải thiện môi trường kinh doanh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần lưu ý bảo đảm kỷ luật tài khóa để tránh gánh nặng nợ công trong dài hạn.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành chính sách: Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo là bắt buộc để nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành chính sách. Việc sử dụng công nghệ giúp theo dõi sát sao biến động tỉ giá, dòng vốn và các yếu tố kinh tế vĩ mô, từ đó, đưa ra quyết định kịp thời, chính xác hơn. Đồng thời, phát triển các công cụ thanh toán điện tử và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp giảm áp lực lên hệ thống thanh toán truyền thống, giảm phụ thuộc vào ngoại tệ trong giao dịch thương mại và hỗ trợ ổn định tỉ giá. Trong quản lý ngân sách, việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là phân tích dữ liệu lớn, giúp quản lý chi tiêu công minh bạch, hiệu quả hơn, góp phần giảm nguy cơ thất thoát ngân sách.
1 Theo IMF, 2023.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. IMF (2024). World economic outlook 2024 oct. Policy pivot, rising threats
2. OECD (2024). OECD Economic Outlook, Interim Report September 2024.
3. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính (2025). Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 12/2024.
4. World Bank (2024). World Economic Outlook.