
Đại dịch Covid-19 làm gia tăng nhu cầu về hỗ trợ tài chính trên toàn cầu
Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) đã công bố báo cáo định kỳ về hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính quốc tế.
Mục tiêu của báo cáo là nghiên cứu những tổn thương tiềm tàng và rút ra bài học kinh nghiệm về giám sát thị trường nợ quốc tế, qua đó xác định rủi ro mất cân đối bắt nguồn từ việc phát hành chứng khoán nợ trong đại dịch Covid-19, góp phần bổ sung những dữ liệu cần thiết về bảng cân đối kế toán của khách hàng vay vốn và mô hình kinh doanh, cũng như tình trạng nợ nần. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng đối với việc đánh giá hiệu quả phân bổ nguồn vốn vay giữa các khu vực kinh tế và doanh nghiệp. Liên quan đến việc theo dõi nhu cầu tài trợ của doanh nghiệp, nhất là tại các nước mới nổi (EMEs), báo cáo phân tích tập trung vào hoạt động phát hành của các doanh nghiệp phi tài chính (NFCs) tại nước ngoài, do hoạt động này của NFC thường nhạy cảm trước những thay đổi về điều kiện tài chính toàn cầu.
Theo đó, nợ nước ngoài của NFCs liên tục tăng trong thập kỷ qua và có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện tài chính toàn cầu, trong đó các trụ sở và chi nhánh ở nước ngoài đóng vai trò chủ chốt. Cụ thể là, chứng khoán nợ tồn đọng so GDP tăng từ 3,9% vào năm 2009 lên 6,8% GDP vào năm 2020 tại các nước phát triển (AEs)và tăng từ 1,2% lên 2,2% GDP tại EMEs. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, nợ phát hành chứng khoán quốc tế của các trụ sở công ty tại EMEs có mối liên hệ chặt chẽ với những thay đổi về điều kiện tài chính toàn cầu. Tính đến cuối quý I/2021, nợ tồn đọng do phát hành chứng khoán nợ quốc tế (IDS) dưới nhiều loại tiền tệ khác nhau tại những chi nhánh trên chiếm 55% trong tổng số IDS của NFCs tại EMEs và dưới 30% tại AEs.
Trong 30 năm qua, chứng khoán nợ quốc tế do NFCs phát hành ghi nhận mức gia tăng đáng kể. Nợ chưa trả tăng từ 0,5 nghìn tỷ USD vào năm 1990 lên 7,7 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020, góp phần nâng cao vị thế của các thị trường nợ chứng khoán trên thị trường tài chính toàn cầu, trong bối cảnh tín dụng ngân hàng trầm lắng.Tại AEs, nợ quốc tế của NFCs diễn biến theo chiều hướng tăng dần cùng với xu hướng tăng trưởng GDP từ cuối những năm 1990 (từ 1,7% vào năm 1997 lên 3,9% vào năm 2009 và lập kỷ lục 6,8% vào cuối năm 2020). Điều này tương phản với xu hướng mở rộng IDS trong khu vực tài chính, với đỉnh điểm 36% GDP vào năm 2020, nhưng tăng chậm trong những năm sau đóvà đến cuối năm 2020, chỉ chiếm 28% GDP.Nợ quốc tế của những doanh nghiệp đang hoạt động tại EMEs cũng tăng rất nhanh và có thể chia thành hai giai đoạn: Nợ phát hành tăng cao từ tỷ trọng 0,2% GDP vào năm 1990 lên 1,7% năm 1999 và giảm xuống tỷ trọng 1,2% GDP vào năm 2009, do GDP tăng cao. Sau thời gian đó, nợ phát hành tăng cao trở lại và lên tới 2,2% GDP vào cuối năm 2020. Nợ của NFCs chiếm vị thế áp đảo trong cơ cấu nợ quốc gia tại EMEs, mặc dù các doanh nghiệp tài chính tại những quốc gia này cũng mở rộng phát hành nợ quốc tế.
Xu hướng gia tăng phát hành chứng khoán nợ quốc tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu tại NFCs đang hoạt động tại EMEs có thể được giải thích từ phía cung và cầu, nhất là dưới dạng USD. Thứ nhất, mặt bằng lãi suất tăng cao hơn so với tại Mỹ đã khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động tại EMEs mở rộng vay nợ qua phát hành chứng khoán dài hạn dưới dạng USD.Thứ hai, chính sách tiền tệ nới lỏng tại AEs đã dẫn dắt làn sóng tìm kiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp tại EMEs. Nhu cầu cũng tăng cao, nhờ triển vọng kinh tế lạc quan tại EMEs, trong bối cảnh thể chế ổn định và thành công của chính sách kinh tế vĩ mô.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng mở rộng phát hành nợ vay tại các chi nhánh ở nước ngoài.Thứ nhất, môi trường pháp lý tại nước ngoài an toàn hơn đã khuyến khích xu hướng này. Thứ hai, việc phát hành ở nước ngoài và chuyển về nước có thể tiết kiệm chi phí hành chính hoặc thuế phát sinh và đòi hỏi pháp lý nhẹ hơn.Thứ ba, cho vay giữa các công ty được coi là đầu tư trực tiếp, nên việc kiểm soát không khắt khe như những dòng vốn vào khác.Thứ tư, EMEs có thị trường trái phiếu trong nước kém phát triển, việc phát hành trái phiếu ở nước ngoài sẽ cho phép NFCs tiếp cận được những nhà đầu tư lớn, nhất là khi vay vốn ngoại tệ, từ đó có thể giảm chi phí vay vốn. Hơn nữa, các chi nhánh có thể phát hành chứng khoán nợ để tài trợ cho hoạt động của chi nhánh tại quốc gia cư trú.
Trên toàn cầu, NFCs có xu hướng mở rộng phát hành chứng khoán nợ quốc tế thông qua các chi nhánh ở nước ngoài, với mức độ phụ thuộc rất khác nhau. Trong nhóm AEs, mức phát hành IDS ở nước ngoài của các doanh nghiệp Thụy Sỹ chiếm tỷ trọng cao nhất (90%); tiếp đến là các doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức (60%), với giá trị IDS phát hành lớn nhất. Nếu tính cả những doanh nghiệp khác tại khu vực đồng Euro, tới 80% nợ tồn đọng bắt nguồn từ các chi nhánh hoạt động tại khu vực này. NFCs tại Mỹ ghi nhận xu hướng nổi bật, cả về giá trị IDS phát hành rất lớn ở nước ngoài và mức độ phụ thuộc vào các trung tâm tài chính nước ngoài (chủ yếu là tại Caribe).Trong số NFCs sử dụng các trung tâm tài chính nước ngoài, các doanh nghiệp Canada và Vương quốc Anh ít phụ thuộc hơn vào các chi nhánh ở nước ngoài.
Đối với các doanh nghiệp tại EMEs, các chi nhánh ở nước ngoài đóng vai trò cực kỳ quan trọng - chiếm tới 55% nợ nước ngoài (tính đến cuối quý I/2021), cao hơn nhiều so với tỷ lệ dưới 30% của NFCs tại AEs. Sáu quốc gia thuộc nhóm EMEs ghi nhận trên 50% là nợ nước ngoài tại các chi nhánh, đứng đầu danh sách là Trung Quốc với tổng nợ nước ngoài cao hơn EMEs khác gộp lại, chủ yếu là tại các quần đảo Cayman và British Virgin. Tiếp đến là NFCs Brazil, Liên bang Nga, Cộng hòa Nam Phi và Israel - chủ yếu là phát hành chứng khoán nợ tại AEs, tập trung tại Hà Lan và Luxembourg. Tại một số EME hàng đầu như Hàn Quốc, NFCs ghi nhận mức độ phụ thuộc không đáng kể vào nghiệp vụ phát hành nợ vay thông qua các chi nhánh ở nước ngoài.
Đại dịch Covid-19 làm gia tăng nhu cầu về hỗ trợ tài chính trên toàn cầu,các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận tín dụng và NFCs tại AEs đã phát hành lượng IDS kỷ lục để đáp ứng nhu cầu về tài chính và thanh khoản. Kể từ khi đại dịch bùng phát, nợ phát hành của NFCs tăng dần, nổi bật là nợ dưới dạng USD. Cùng với USD, các NFC tại AEs cũng mở rộng phát hành nợ dưới dạng Euro. Nguyên nhân là do, tín dụng mở rộng trong 12 tháng tính đến quý I/2021 tăng cao hơn so với những năm trước. Trong quý II/2020, lượng trái phiếu phát hành ròng lên tới 221 tỷ USD (gần gấp đôi so với con số 122 tỷ USD phát hành vào quý IV/2012), chủ yếu là các trụ sở NFCs tại Mỹ với trên 50% tổng giá trị phát hành.Trong năm 2020, NFCs tại EMEs liên tục phát hành IDS, đa phần dưới dạng USD, kể cả tại Trung Quốc (chiếm 37% tổng nợ nước ngoài) và EMEs khác.
Sau khi đại dịch bùng phát, chứng khoán nợ tăng mạnh về lượng và bao phủ khắp nơi trên thế giới, tập trung vào ba lĩnh vực chính: Dịch vụ kinh doanh và xã hội (như y tế và viễn thông), hàng hóa (xây dựng, chế tạo), dịch vụ khách hàng (giao thông, nhà hàng). Trong 12 tháng qua, tính đến cuối quý I/2021, hai lĩnh vực dịch vụ đầu tiên chiếm trên 40% tại các doanh nghiệp AEs, dịch vụ thứ ba chiếm khoảng 30% tại AEs và 25% tại EMEs, mục tiêu là tìm cách bù đắp những thiếu hụt về dòng tiền mặt. Đa phần chứng khoán nợ có kỳ hạn dài, ngoại trừ dịch vụ khách hàng tại AEs giảm xuống kỳ hạn trung bình 2,5 năm.
Có thể nói, thị trường chứng khoán nợ quốc tế gia tăng với quy mô lớn trong những thập kỷ gần đây và tiếp tục mở rộng sau khi đại dịch bùng phát, đa phần dưới dạng USD và được phát hành thông qua các chi nhánh NFCs ở nước ngoài nhằm thích ứng với những thay đổi về điều kiện tài chính toàn cầu. Các giải pháp chính sách trong thời kỳ khó khăn do đại dịch gây ra đã hỗ trợ NFCs đẩy mạnh phát hành chứng khoán nợ, mặc dù thị trường tài chính bất ổn với nhiều thay đổi.
Nguồn: BIS tháng 6/2021
Vũ Xuân Thanh (NHNN)
Tin bài khác


Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam
