
Chính thức khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam
Sau khi có thị trường cổ phiếu ra đời vào năm 2000 và thị trường trái phiếu chuyên biệt vào năm 2009, từ ngày 10/8, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) là trụ cột quan trọng thứ ba trong cấu trúc của một thị trường chứng khoán hiện đại chính thức đi vào hoạt động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, phát triển thị trường chứng khoán để tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời kỳ đổi mới. Hơn 20 năm trước, Bộ Chính trị đã thống nhất cho phép Chính phủ thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để chuẩn bị và thúc đẩy sự ra đời của TTCK Việt Nam. Thị trường cơ sở bao gồm hai thị trường chính là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu Chính phủ đã lần lượt ra đời và đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại diện các Bộ, ngành nhấn nút khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam
Quy mô của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã chiếm hơn 80% GDP, trong đó, thị trường cổ phiếu có quy mô bằng 57% GDP, thị trường trái phiếu có quy mô bằng 24% GDP; lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đã chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Nhiều doanh nghiệp cổ phần đã tận dụng được cơ hội do TTCK mang lại để huy động vốn, không ngừng phát triển và trở thành các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam. TTCK cũng đã tham gia thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ cho nguồn nội lực để phát triển, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong quá trình phát triển của TTCK nói chung, sự ra đời của TTCKPS là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển TTCK trong thời gian tới. Đây là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, qua đó làm tăng sự hấp dẫn và cơ hội của TTCK. Do vậy, TTCKPS thường được phát triển sau thị trường cơ sở; các nước trong khu vực thường mở cửa TTCKPS sau khoảng 30 năm kể từ ngày mở cửa thị trường chứng khoán cơ sở.
Nắm bắt được xu hướng này, ngay từ năm 2007, Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định chủ trương xây dựng TTCKPS vận hành theo các thông lệ quốc tế. Trong suốt thời gian từ đó tới nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và UBCKNN nghiên cứu, xây dựng thể chế để đưa TTCKPS vào hoạt động trên nguyên tắc thận trọng, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn và theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS tại Việt Nam và Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCKPS được ban hành năm 2015.
“Ngày hôm nay, tất cả chúng ta có mặt tại đây vừa chứng kiến khoảnh khắc ra đời của TTCKPS Việt Nam chỉ hơn 17 năm sau khi có thị trường chứng khoán cơ sở. Đây là một sự kiện quan trọng, một mốc son trong quá trình phát triển của TTCK Việt Nam, đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, thành viên thị trường và công chúng đầu tư. TTCKPS ra đời sẽ có tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của TTCK cơ sở, qua đó sẽ làm tăng tính thanh khoản, tăng quy mô thị trường, hỗ trợ TTCK phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian tới, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của nước ta là rất lớn, vì vậy TTCK phải phát triển mạnh hơn nữa để đảm nhận vai trò cung cấp vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế. Vì vậy, Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương, tranh thủ sự hợp tác của quốc tế để tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về chứng khoán và TTCK phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế đất nước để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước; trong đó tập trung xây dựng Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trình Chính phủ phương án cụ thể hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và sửa đổi Luật Chứng khoán, trong đó cần ưu tiên xây dựng cơ sở pháp lý các sản phẩm phái sinh và TTCKPS để tạo tiền đề cho phát triển sau này.
Cùng với đó là vận hành TTCKPS thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, minh bạch và hiệu quả với nhiều cấp độ, đa dạng hóa các loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với mức độ phát triển TTCK. Sau sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số, cần sớm nghiên cứu thời điểm thích hợp để tiếp tục đưa các sản phẩm phái sinh trái phiếu chính phủ và sản phẩm quyền chọn vào giao dịch. Tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên TTCKPS, đảm bảo khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao dịch và thanh toán bù trừ để bảo đảm an toàn, ổn định của thị trường, có khả năng kết nối, đồng bộ với các hệ thống giao dịch và giám sát thị trường.
Đồng thời ưu tiên đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao ở các cấp độ: Cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, thành viên bù trừ, nhân viên nghiệp vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và đào tạo để công chúng đầu tư sớm tiếp cận và tham gia tích cực vào TTCKPS. Chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực.
Theo thoibaonganhang.vn
Tin bài khác


Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68

Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo nên đột phá gì cho Báo cáo Phát triển bền vững trong ngành Ngân hàng?

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Thúc đẩy tín dụng xanh mở đường cho khu công nghiệp xanh

Những thách thức về biến đổi khí hậu và hàm ý chính sách đối với nợ công

Gợi mở hướng đi cho ngân hàng Việt vươn ra thế giới trong kỷ nguyên số

Thủ tướng: Năm 2025, dự kiến quy mô kinh tế Việt Nam trên 500 tỷ USD

Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách Xám”

Chính sách tín chỉ xe điện kép để giải quyết ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô
