Các biến thể tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và những tác động lên bảng cân đối tài sản của ngân hàng trung ương

Nghiên cứu - Trao đổi
Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử đã mở đường cho sự ra đời và phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC.
aa

Tóm tắt: Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của tiền điện tử đã mở đường cho sự ra đời và phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC. Bài viết này tập trung phân tích bốn dạng biến thể khác nhau của CBDC và những ưu, nhược điểm của chúng, từ dạng biến thể đơn giản nhất, chỉ giới hạn ở hệ thống thanh toán bán buôn với rủi ro và lợi ích đều tương đối nhỏ, đến biến thể CBDC như tài khoản trong NHTW cho toàn bộ người dân - loại biến thể với mục tiêu cao nhất của NHTW là nhằm chấm dứt các khủng hoảng ngân hàng, ổn định hệ thống tài chính. Bài viết này cũng kết hợp phân tích những biến động trên bảng cân đối tài sản của NHTW dưới những tác động cụ thể của các biến thể CBDC.

Từ khóa: CBDC, NHTW, bảng cân đối tài sản, hệ thống thanh toán, ổn định tài chính.

VARIANTS OF CENTRAL BANK DIGITAL CURRENCY AND THEIR IMPACTS
ON THE CENTRAL BANK’S BALANCE SHEET

Abstract: The emergence and rapid development of cryptocurrencies have paved the way for the emergence and development of central bank digital currencies (CBDCs). This paper focuses on analyzing four different variants of CBDC and their respective advantages and disadvantages. The analysis spans from modest variants - limited to wholesale payment system, which entail relatively small risks and benefits, to the more ambitious variants of CBDC as accounts within the central bank for the general public. The latter variant aims at the central bank’s highest goal of ending banking crises and stabilizing the financial system. Additionally, this paper integrates an analysis of the changes of the central bank’s balance sheet under the specific impacts of the various CBDC variants.

Keywords: CBDC, central banks, balance sheet, payment system, financial stability.

1. Giới thiệu chung

Khái niệm về CBDC từng được đề cập từ những năm cuối thế kỷ XX. Dựa trên đa dạng góc nhìn, rất nhiều định nghĩa khác nhau được đưa ra nhằm giải thích cho CBDC. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, 2022), CBDC là dạng như tiền giấy của NHTW dưới dạng số, do đó, CBDC an toàn hơn và không biến động như các tài sản mã hóa khác. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE, 2023) định nghĩa CBDC là tiền điện tử, do NHTW phát hành, được chấp nhận rộng rãi cho tất cả các hộ gia đình và không như tiền giấy, chúng hoàn toàn dưới dạng kỹ thuật số. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS, 2021), CBDC là tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành, được xác định giá trị theo đơn vị hạch toán của quốc gia và thể hiện nghĩa vụ nợ của NHTW, chúng có thể được sử dụng bởi cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính để thanh toán các giao dịch trên thị trường tài chính.

Dựa trên các định nghĩa về CBDC, có thể kết luận, về bản chất, CBDC là tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành và thể hiện nghĩa vụ nợ của NHTW. Cụ thể, CBDC là dạng tiền tệ tồn tại dưới dạng dữ liệu số hóa, hoạt động trên nền tảng công nghệ số, có phạm vi tiếp cận giới hạn cho các ngân hàng thành viên và một số định chế tài chính. Là một dạng hình thức mới của tiền tệ, tồn tại song song với các hình thức tiền tệ hiện hữu là tiền giấy, tiền kim loại và được sử dụng như một phương tiện thanh toán, trao đổi, lưu trữ giá trị trong nền kinh tế.

Tiền điện tử nói chung, CBDC nói riêng được xây dựng nhờ ứng dụng Công nghệ sổ cái phân tán (DLT), cho phép tạo ra một cơ chế phi tập trung để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của tiền tệ và chuyển giao tài sản này. DLT là một hệ thống ghi chép và lưu trữ dữ liệu phi tập trung, được chia sẻ trên nhiều máy tính khác nhau. Thay vì lưu trữ dữ liệu trên một máy chủ trung tâm duy nhất, DLT phân tán dữ liệu trên nhiều nút (node) trong mạng lưới. Mỗi nút trong mạng lưới lưu trữ một bản sao của sổ cái và tất cả các bản sao này được đồng bộ hóa với nhau liên tục. Một trong những dạng phổ biến nhất của DLT là Blockchain, nơi các giao dịch được ghi lại dưới dạng các khối liên kết với nhau theo thời gian. Điểm đặc biệt của Blockchain là mỗi giao dịch mới được thêm vào hệ thống cần xác nhận bởi đa số hoặc tất cả các nút trong mạng lưới, trước khi được thêm vào khối mới và phát tán trên toàn mạng. Các giao dịch đã xác nhận và được ghi vào Blockchain không thể thay đổi hoặc xóa, đồng thời, tất cả các thành viên trong mạng lưới dễ dàng truy cập và xem, tạo ra một hệ thống lưu trữ dữ liệu an toàn, minh bạch, bảo mật và hiệu quả.

2. Các đặc trưng và biến thể của CBDC

Tiền mặt là một loại tài sản đặc biệt kết hợp bốn đặc điểm: Được trao đổi ngang hàng; có tính phổ biến (ai cũng có thể nắm giữ); có tính ẩn danh; không phát sinh lãi suất. CBDC là một giải pháp thay thế cho tiền mặt cũng có đặc điểm là được trao đổi ngang hàng, nhưng có nhiều khác biệt hơn trong ba đặc điểm còn lại: CBDC có thể phổ biến hoặc bị hạn chế đối với một nhóm người dùng cụ thể; có thể ẩn danh (như tiền mặt) hoặc được xác định (như tài khoản mở tại ngân hàng); có thể trả lãi hoặc không.

Dựa vào mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, NHTW sẽ lựa chọn phát hành biến thể CBDC khác nhau. Về cơ bản, có bốn mục tiêu NHTW muốn hướng đến khi phát hành CBDC, bao gồm: Cải thiện hoạt động của hệ thống thanh toán bán buôn; thay thế tiền mặt bằng một giải pháp hiệu quả hơn; tăng cường hiệu quả cho các công cụ chính sách tiền tệ; giảm tần suất và hậu quả của các cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Làm thế nào để mục tiêu này phù hợp với các biến thể khác nhau mà CBDC mang lại so với tiền mặt?

- Nếu mục tiêu là cải thiện chức năng của hệ thống thanh toán bán buôn, NHTW phát hành CBDC mà chỉ các ngân hàng và tổ chức tài chính khác tham gia vào hệ thống thanh toán bán buôn mới có thể truy cập được (biến thể 1). CBDC này sẽ bị hạn chế vì công chúng sẽ không có quyền truy cập vào hệ thống và sử dụng nó.

- Nếu mục tiêu là thay thế tiền mặt bằng một phương tiện thanh toán hiệu quả hơn, NHTW sẽ phát hành CBDC phổ biến, ẩn danh và không lãi suất (biến thể 2). Với tính phổ biến như tiền mặt, bất kỳ ai cũng có thể nắm giữ và sử dụng CBDC; người dùng không cần kê khai thông tin cá nhân khi sử dụng và không phát sinh lãi. CBDC trong trường hợp này có ưu thế hơn tiền mặt do nó giảm đáng kể các chi phí phát hành, lưu hành, quản lý và rút tiền mặt bởi vì cơ sở hạ tầng phục vụ nghiệp vụ lưu hành và quản lý tiền mặt là vô cùng tốn kém. Hơn nữa, các cơ sở hạ tầng này sẽ xuống cấp theo thời gian, đồng thời, khi sử dụng tiền mặt sẽ tạo ra cơ hội cho tội phạm làm giả. Vì vậy, việc chuyển từ tiền mặt sang CBDC là một cách để hệ thống thanh toán của nền kinh tế minh bạch và hiệu quả hơn.

- Nếu muốn tăng cường hiệu quả cho các công cụ chính sách tiền tệ, NHTW sẽ phát hành biến thể CBDC phổ biến, ẩn danh và phát sinh lãi (biến thể 3). CBDC này có tính phổ biến vì NHTW gia tăng khả năng tiếp cận đối với người dân (và cuối cùng là thay thế tiền giấy), ẩn danh do không cần cung cấp thông tin; nhiều lợi ích vì NHTW muốn khai thác cơ hội mà tiền kỹ thuật số mang lại, áp dụng công cụ lãi suất. Thông qua phát hành CBDC, các NHTW có thể thực thi cả chính sách lãi suất dương và âm, điều này sẽ giúp các NHTW có thể vượt qua “giới hạn thấp hơn 0” (zero lower bound) của lãi suất danh nghĩa, do đó, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn.

- Nếu mục đích là giảm (hoặc thậm chí loại bỏ) tác động gây mất ổn định của các khủng hoảng ngân hàng thì NHTW sẽ phát hành biến thể CBDC phổ biến, được xác định rõ ràng và không chịu lãi (biến thể 4). Sự phổ biến là do dạng CBDC này giống một tài khoản được người dân mở tại NHTW, giống như trường hợp tiền gửi ngân hàng. Trong hệ thống ngân hàng hiện đại, nếu xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt tại một ngân hàng thì ngân hàng đó có thể không đáp ứng được nhu cầu tức thời của người gửi tiền do thiếu thanh khoản. Trong trường hợp này, NHTW can thiệp bằng cách cung cấp tiền cho người dân dưới dạng CBDC sẽ giúp tránh được hầu hết các cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể xảy ra.

3. Ưu và nhược điểm của các biến thể CBDC

Các biến thể CBDC có ưu, nhược điểm, ý nghĩa khác nhau và khả năng tồn tại của chúng cũng khác nhau. Biến thể CBDC cho thanh toán bán buôn đơn giản hơn, chúng chỉ hàm ý sự thay đổi trong chức năng của hệ thống thanh toán bán buôn, trong khi các biến thể còn lại có thể tác động nhiều đến hệ thống tài chính như thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, tăng cường hiệu quả của chính sách tiền tệ...

Cụ thể như sau:

Biến thể 1: CBDC cho thanh toán bán buôn

Ưu điểm: CBDC cho thanh toán bán buôn thúc đẩy thị trường vốn; tăng khả năng tự bảo vệ trước tội phạm công nghệ cao; cải thiện hệ thống giao dịch, quyết toán chứng khoán; giảm chi phí và rủi ro thanh toán; cải thiện hiệu quả thanh toán nhờ tăng tốc độ và tính minh bạch.

Nhược điểm: Biến thể CBDC này chỉ dùng cho thanh toán bán buôn, tuy nhiên, nó lại không “rẻ” như tiền điện tử thông thường - một loại hình cũng dùng cho thanh toán bán buôn nhưng mang lại cơ hội giảm chi phí đáng kể, có thể thúc đẩy các giao dịch và ít tốn kém hơn, chẳng hạn như chuyển tiền. Do đó, tính cạnh tranh của biến thể CBDC này kém hơn nhiều so với tiền điện tử. Hơn thế nữa, biến thể CBDC này chỉ dành cho đối tượng là một số ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, không phải cho toàn hệ thống.

Biến thể 2: CBDC tương tự tiền mặt

Ưu điểm: CBDC tương tự như tiền mặt có thể được người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngân hàng trực tiếp sở hữu. Biến thể CBDC này cung cấp nền tảng mới để nắm giữ và trao đổi tiền tệ. Nó có thể cung cấp mạng lưới thanh toán thay thế tiền mặt (gồm tiền giấy và tiền xu) đến người dân chưa tiếp cận được ngân hàng và Internet, góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động thanh toán. CBDC này cũng liên kết với bảng cân đối tài sản của NHTW, người sử dụng có khả năng giao dịch điện tử mà không nhất thiết phải có một tài khoản thanh toán bảo đảm từ ngân hàng thương mại. Điều này giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế, góp phần phát triển tài chính toàn diện và nâng cao năng suất lao động. Ngoài ra, biến thể CBDC này tăng cường sức mạnh của tiền pháp định; cung cấp phương tiện thanh toán làm đối trọng với những đồng tiền kỹ thuật số neo theo giá trị của các đồng ngoại tệ.

Nhược điểm: Nhược điểm chính của biến thể CBDC này nằm ở tính ẩn danh. Giống như tiền mặt, biến thể CBDC này cũng có thể trở thành một kênh thanh toán bất hợp pháp, làm tăng các hoạt động tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trong trường hợp này, các NHTW cũng như ngân hàng thương mại phải thực hiện nhiều cơ chế rất tốn kém để ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Biến thể 3: CBDC như công cụ mới của chính sách tiền tệ

Ưu điểm: Biến thể CBDC này sẽ tăng cường hiệu quả cho chính sách tiền tệ. Trong những cuộc khủng hoảng gần đây, các NHTW phản ứng bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, đã đặt ra những câu hỏi mới liên quan đến giới hạn lãi suất dưới 0. Khi lãi suất đạt đến giới hạn này để kích thích nền kinh tế, NHTW sẽ thực hiện các chính sách nới lỏng định lượng (Quantitative Easing - QE) mới, bao gồm cả lãi suất âm trong một số trường hợp. Tuy nhiên, sự tồn tại của tiền mặt, với giá trị danh nghĩa cố định, lãi suất âm chỉ được phép tới một giới hạn nhất định. Điều này có nghĩa là NHTW không thể hạ lãi suất dưới một ngưỡng nào đó, đây sẽ là một hạn chế đối với các chính sách tiền tệ mở rộng được thực hiện trong thời kỳ suy thoái. Do đó, biến thể 3 dùng để mở rộng phạm vi lãi suất âm nhằm tăng cường sức mạnh của chính sách tiền tệ.

Nhược điểm: Hạn chế của biến thể này đó là, khi triển khai sẽ phải loại bỏ hoàn toàn tiền mặt. Hơn nữa, phương án này có thể sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, vì khi NHTW thực hiện chính sách lãi suất âm đối với đồng nội tệ, người dân sẽ có xu hướng sử dụng ngoại tệ, dẫn đến tình trạng ngoại tệ hóa, đặc biệt là đô la hóa trong nền kinh tế.

Bảng 1: Các biến thể CBDC

Nguồn: Santiago Fernández de Lis, Olga Gouveia (2018)


Biến thể 4: CBDC như tiền gửi ở NHTW

Ưu điểm: Biến thể CBDC này giống các tài khoản của người dân mở tại NHTW, nó yêu cầu nhận dạng người dùng, tất cả các giao dịch giữa các tài khoản sẽ được NHTW xác thực và xử lý. Biến thể CBDC này có thể được xem như là một ứng dụng hệ thống thanh toán liên ngân hàng nhưng ở quy mô toàn bộ nền kinh tế. NHTW sẽ đóng vai trò tương tự như ngân hàng thương mại, thực hiện giao dịch làm thay đổi các khoản mục trên bảng cân đối tài sản của mình. CBDC như tiền gửi ở NHTW mang tới khả năng cho người dân mở tài khoản tại NHTW, giúp giải quyết vấn đề khủng hoảng ngân hàng tái diễn. NHTW có thể sử dụng biến thể 4 vào các hoạt động khác của mình như: Cho chính phủ, các tổ chức tài chính, tư nhân vay.

Nhược điểm: NHTW phải thực hiện nhiều chức năng cùng một lúc: Thực thi chính sách tiền tệ, ổn định tài chính, hệ thống thanh toán, giám sát ngân hàng, bảo vệ người tiêu dùng tài chính... đồng thời, NHTW cũng chịu trách nhiệm cung cấp tiền gửi và tín dụng, tài trợ cho thâm hụt công hoặc nắm giữ một phần đáng kể tài sản nước ngoài của chính phủ. Điều này sẽ không tương thích với sự độc lập của NHTW. Ngoài ra, vai trò của NHTW khi nắm giữ biến thể 4 cũng có nhiều rủi ro theo từng trường hợp: (i) Cho chính phủ vay: Điều này có nghĩa là, NHTW sẽ thực hiện việc tài trợ cho khu vực công, một điều cần hạn chế đối với các NHTW độc lập hiện đại do có thể dẫn đến tình trạng chính sách tiền tệ phụ thuộc vào các mục tiêu chính sách tài khóa; (ii) Cho khu vực tư nhân vay: NHTW sẽ hoạt động như một ngân hàng đại chúng. Theo đó, NHTW sẽ phải đảm nhiệm nhiều chức năng khác (chức năng kinh doanh) bên cạnh chức năng quản lý tiền tệ của mình; (iii) Cho vay các tổ chức tín dụng (rủi ro sẽ được đề cập kỹ hơn trong mục 3.2).

4. Tác động của các biến thể CBDC đến bảng cân đối tài sản của NHTW

4.1. Tác động đến phần tài sản nợ trên bảng cân đối tài sản của NHTW


Khi đánh giá tác động đến các khoản mục trên bảng cân đối tài sản của NHTW, cần xem xét hai khía cạnh: Quyền truy cập vào CBDC và khả năng chuyển đổi của CBDC thành các loại “tiền hợp pháp” khác.

(i) Quyền truy cập vào CBDC: Để xác định quyền truy cập vào CBDC, cần xác định xem CBDC có tính chất phổ biến hay không? CBDC có tính chất phổ biến ở các biến thể 2, 3, 4; CBDC có tính chất hạn chế ở biến thể 1.

Theo biến thể 1, việc phát hành CBDC sẽ không có tác động đến các khoản mục thuộc tài sản nợ trên bảng cân đối tài sản của NHTW (không làm thay đổi khoản mục tiền tệ trong lưu thông). Ở các biến thể 2 và 3, hai loại CBDC này có tính phổ biến nhưng chỉ có các ngân hàng và tổ chức tương tự mới có quyền truy cập vào NHTW, biến thể 4 cũng có tính chất phổ biến nhưng mọi người đều có thể truy cập (do công chúng có tài khoản tại NHTW). Do vậy, việc phát hành CBDC có ảnh hưởng lớn đến tiền gửi của các ngân hàng thương mại, dự trữ của các ngân hàng thương mại tại NHTW, do vậy, sẽ có nhiều tác động lên phần tài sản nợ của NHTW.

(ii) Khả năng chuyển đổi của CBDC thành tiền mặt và dự trữ: Khả năng này cũng chỉ áp dụng cho các biến thể 2, 3 và 4. Do vậy, biến thể 1 không có nhiều tác động đến bảng cân đối tài sản của NHTW. Trong đó, biến thể 2 là loại CBDC giống với tiền mặt nhất, chúng có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt hoặc dự trữ theo yêu cầu. Việc CBDC không thể chuyển đổi thành tiền mặt và dự trữ sẽ đặt ra một số vấn đề như sẽ hạn chế độ tin cậy của NHTW, cũng như giảm niềm tin vào các loại tiền khác nhau và sự ổn định của quốc gia.

Bảng 2: Bảng cân đối tài sản rút gọn của NHTW

Nguồn: Santiago Fernández de Lis, Olga Gouveia (2018)


Đối với biến thể 2 và 3, chỉ các ngân hàng mới có quyền truy cập vào NHTW, công chúng nắm giữ CBDC ẩn danh dưới dạng mã thông báo, việc phát hành CBDC sẽ làm tăng lượng tiền cơ sở (lượng tiền cơ sở lúc này sẽ bao gồm tiền trong lưu thông, dự trữ của ngân hàng tại NHTW và CBDC). Điều này được giải thích như sau: Khi phát hành CBDC, công chúng có nhu cầu nắm giữ trực tiếp CBDC thay vì nắm giữ tiền mặt, do đó, lượng tiền trong lưu thông sẽ giảm nhẹ. Bên cạnh đó, khi đã nắm giữ CBDC, người dân cũng ít có nhu cầu gửi tiền tại các ngân hàng hơn, lượng tiền gửi tại ngân hàng sẽ giảm, kéo theo đó, tiền dự trữ của ngân hàng thương mại tại NHTW cũng giảm theo. Giả sử tổng mức cung tiền không đổi (tức là lượng tiền gửi, CBDC và tiền trong lưu thông không đổi), khi đó, sự sụt giảm tiền gửi của ngân hàng thương mại tại NHTW và tiền trong lưu thông được bù đắp bằng sự gia tăng của CBDC. Điều này sẽ dẫn đến hệ số nhân tiền (bằng tỉ số giữa tổng lượng cung tiền và lượng tiền cơ sở) giảm. (Bảng 3)

Bảng 3: Sự biến động của các khoản mục thuộc phần tài sản nợ trên bảng cân đối tài sản

của NHTW, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, mức cung tiền, hệ số nhân tiền tệ khi phát hành CBDC

Nguồn: Santiago Fernández de Lis, Olga Gouveia (2018) và tính toán của tác giả


Đối với biến thể 4, khi phát hành CBDC, mọi người dân đều có tài khoản tại NHTW. Giả sử NHTW duy trì cung tiền không đổi và có nhiều người sẵn sàng chuyển từ tiền gửi sang CBDC (vì họ có thể tiếp cận trực tiếp NHTW và điều này an toàn hơn so với việc giữ tiền tiết kiệm tại ngân hàng thương mại), lượng CBDC tăng lên trong khi lượng tiền gửi thậm chí còn giảm nhiều hơn và theo đó là dự trữ của các ngân hàng tại NHTW cũng giảm, hệ số nhân tiền sẽ giảm.

Có thể thấy, khi NHTW phát hành CBDC sẽ có những tác động nhất định đến tiền gửi tại ngân hàng thương mại và các khoản mục trong phần nợ trên bảng cân đối tài sản của NHTW, làm cho lượng tiền cơ sở tăng lên đáng kể nhưng hệ số nhân tiền tệ lại giảm xuống. Do đó, khả năng của các NHTW trong việc tác động đến cung tiền sẽ giảm đi.

4.2. Tác động đến phần tài sản có trên bảng cân đối tài sản của NHTW

Khi phát hành CBDC, NHTW sẽ dùng để cho chính phủ, các tổ chức tài chính, khu vực tư nhân vay, đây là các khoản mục thuộc phần tài sản có trên bảng cân đối tài sản của NHTW.

Giả sử khi NHTW phát hành biến thể 2 và 3 sẽ làm giảm lượng tiền trong lưu thông nhưng mức tăng của CBDC không bù đắp được mức giảm của tiền tệ trong lưu thông, khi đó, bảng cân đối tài sản của NHTW sẽ được mở rộng. NHTW sẽ mua chứng khoán khu vực công (chứng khoán của chính phủ) làm tăng khoản mục tài sản có trên bảng cân đối tài sản, qua đó NHTW sẽ trực tiếp tăng mức tài trợ cho khu vực công. (Bảng 4)

Bảng 4: Bảng cân đối tài sản của NHTW khi phát hành biến thể 2, 3

Nguồn: Santiago Fernández de Lis, Olga Gouveia (2018)


Khi NHTW phát hành biến thể 4, lượng tiền cơ sở tăng lên, mức tiền gửi tại tổ chức tín dụng giảm đáng kể, do đó, các khoản tín dụng được tổ chức tín dụng cấp cũng giảm mạnh. Trong trường hợp này, để bù đắp cho sự sụt giảm tiền gửi của tổ chức tín dụng và sau đó là sụt giảm các khoản tín dụng cho nền kinh tế, NHTW cần tài trợ cho khu vực tư nhân. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc mua chứng khoán của khu vực tư nhân và/hoặc cho các tổ chức tín dụng vay, sau đó các tổ chức tín dụng cho khu vực tư nhân vay, qua đó, kích thích mở rộng nền kinh tế. Vì vậy, theo phương án này, bảng cân đối tài sản của NHTW có thể sẽ mở rộng đáng kể. (Bảng 5)

Bảng 5: Bảng cân đối tài sản của NHTW khi phát hành biến thể 4


Nguồn: Santiago Fernández de Lis, Olga Gouveia (2018)

Trong trường hợp này, NHTW sẽ cho các tổ chức tín dụng vay và mua chứng khoán của khu vực tư nhân để duy trì mức cho vay đối với nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng ít phụ thuộc vào tiền gửi từ công chúng và phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tài trợ của NHTW, do đó, NHTW sẽ gặp nhiều rủi ro lớn như: (i) Rủi ro tín dụng: Khi tổ chức tín dụng không trả được nợ đúng hạn hoặc hoàn toàn không trả được nợ do gặp khó khăn tài chính hoặc phá sản; (ii) Rủi ro lạm phát: Khi NHTW cung cấp quá nhiều tiền cho các tổ chức tín dụng, lượng tiền trong nền kinh tế tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, làm giảm giá trị tiền tệ và tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ; (iii) Rủi ro đạo đức: Khi NHTW cho các tổ chức tín dụng vay quá dễ dàng, tổ chức tín dụng đó có thể lơ là trong quản lý rủi ro và đầu tư vào các dự án rủi ro cao vì biết rằng NHTW sẽ cứu trợ nếu gặp vấn đề. Điều này có thể dẫn đến các quyết định đầu tư thiếu thận trọng và gây mất ổn định cho hệ thống tài chính; (iv) Rủi ro hệ thống: Nếu NHTW cho một hoặc một nhóm tổ chức tín dụng vay lượng tiền lớn và các tổ chức tín dụng này gặp vấn đề, có thể dẫn đến khủng hoảng toàn hệ thống. Điều này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và gây mất niềm tin trong hệ thống tài chính; (v) Rủi ro chính trị: Quyết định cho vay của NHTW có thể bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị. Điều này có thể dẫn đến các quyết định cho vay không dựa trên cơ sở kinh tế mà dựa trên lợi ích chính trị, gây hại cho tính độc lập và uy tín của NHTW; (vi) Rủi ro thanh khoản: Nếu tổ chức tín dụng không có khả năng trả lại khoản vay đúng hạn, NHTW có thể gặp khó khăn trong việc duy trì thanh khoản, tác động tiêu cực đến công tác điều hành chính sách tiền tệ và quản lý cung tiền của NHTW. Những rủi ro này đòi hỏi NHTW phải có các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và nền kinh tế.

5. Kết luận

Có thể thấy, từng biến thể CBDC có những ưu và nhược điểm với những tác động khác nhau lên bảng cân đối tài sản của NHTW. Từ biến thể CBDC đơn giản nhất, chỉ giới hạn ở hệ thống thanh toán bán buôn sẽ gây rủi ro và mang lại lợi ích tương đối nhỏ, đến biến thể CBDC như tài khoản của người dân tại NHTW sẽ tạo ra những lợi ích lớn khi có thể hạn chế tối đa khủng hoảng ngân hàng và ổn định hệ thống tài chính. Tuy nhiên, biến thể này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, bao gồm rủi ro tín dụng, đạo đức, hệ thống, chính trị và thanh khoản. Để tận dụng tối đa các lợi ích của CBDC và giảm thiểu rủi ro mà chúng mang lại, NHTW cần có nhiều biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ. Điều này đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa các lợi ích và rủi ro khi phát hành CBDC, đồng thời, đảm bảo rằng các quyết định về chính sách tiền tệ được đưa ra dựa trên các căn cứ kinh tế vững chắc, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Chỉ khi đó, CBDC mới thực sự đóng vai trò là một công cụ hiệu quả trong việc duy trì ổn định tài chính và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. BIS (2021). BIS Innovation Hub work on CBDC. https://www.bis.org/about/bisih/topics/cbdc.htm

2. BoE (2023). What is central bank digital currency? https://www.bankofengland.co.uk/explainers/what-is-a-central-bank-digital-currency

3. Enea Caccia, Jens Tapking, Thomas Vlassopoulos (2024). Central bank digital currency and monetary policy implementation. ECB Occasional Paper No. 2024/345.

4. IMF (2022). The ascent of CBDCs: More than half of the world’s central banks are exploring or developing digital currencies. https://www.imf.org/en/Publications/fandd/issues/2022/09/Picture-this-The-ascent-of-CBDCs

5. Santiago Fernández de Lis, Olga Gouveia (2018). Central Bank digital currencies: features, options, pros and cons.


Phạm Thị Trang (NHNN)


https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Phương thức hậu kiểm chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước theo mô hình hai cấp

Phương thức hậu kiểm chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước theo mô hình hai cấp

Nghiên cứu phân tích phương thức hậu kiểm trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước trong bối cảnh hiện đại hóa tài chính công theo Quyết định số 385/QĐ-BTC. Trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu khẳng định hậu kiểm là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chi, giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy giải ngân. Tác giả đề xuất mô hình hậu kiểm gồm ba nội dung trọng tâm: Tổ chức bộ máy tách biệt chức năng thanh toán và kiểm soát, kiểm soát theo mức độ rủi ro và ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tài chính xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam

Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tài chính xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam

Việc nghiên cứu, giải quyết các rào cản trong tiếp cận nguồn tài chính xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam là rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, cũng như giúp doanh nghiệp nâng tầm giá trị trên thị trường quốc tế. Những rào cản hiện tại không chỉ làm chậm tiến trình thực hiện các dự án xanh mà còn cản trở việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Bài viết phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận tài chính xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam; từ đó, đề xuất một số khuyến nghị để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính xanh, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách phát triển bền vững của Chính phủ.
Các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hệ thống tổ chức, hoạt động, quản trị chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm từ nước ngoài và đội ngũ nhân sự bản địa được đào tạo chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng.
Kinh nghiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức thư tín dụng

Kinh nghiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức thư tín dụng

Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động hội nhập kinh tế khi tham gia sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Theo đó, phương thức thư tín dụng (L/C) cũng được sử dụng ngày càng phổ biến trong các hoạt động thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được, các doanh nghiệp trong nước cũng phải đối mặt với những chiêu trò lừa đảo chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại quốc tế với nhiều thủ đoạn đa dạng, tinh vi, khó phát hiện, gây tổn thất nặng nề về tài chính. Do đó, cần thiết có những bài học kinh nghiệm từ hoạt động thanh toán quốc tế bằng phương thức L/C trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Sử dụng phương pháp định tính và định lượng, nghiên cứu này điều tra các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên đại học khi tham gia mua sắm trực tuyến tại thành phố Thủ Dầu Một. Qua các bước kiểm định, nghiên cứu xác định những biến tác động đến sự hài lòng của sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một khi tham gia mua sắm trực tuyến bao gồm: Tính tiện ích của nền tảng trực tuyến, chất lượng thông tin sản phẩm, chất lượng sản phẩm.
Dân trí tài chính số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Dân trí tài chính số tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Bài viết nghiên cứu thực trạng dân trí tài chính số tại Việt Nam trong bối cảnh các sản phẩm tài chính số phát triển mạnh, nhưng hiểu biết của người dân còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các giải pháp nâng cao kiến thức tài chính số cho nhóm dễ tổn thương và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ an toàn, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số bền vững.
Kiểm soát hành vi “tẩy xanh” hướng tới tăng trưởng bền vững - Góc nhìn từ khía cạnh pháp lý

Kiểm soát hành vi “tẩy xanh” hướng tới tăng trưởng bền vững - Góc nhìn từ khía cạnh pháp lý

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, đòi hỏi sự chung tay hành động từ cả quốc gia và từng cá nhân. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính vẫn đặt lợi nhuận lên trên trách nhiệm xã hội, thể hiện qua hành vi “tẩy xanh”. Việc nhận diện và kiểm soát hành vi này là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Sự tham gia của Thừa phát lại vào hoạt động xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng: Thực trạng pháp luật và kiến nghị

Sự tham gia của Thừa phát lại vào hoạt động xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng: Thực trạng pháp luật và kiến nghị

Nợ xấu là thách thức lớn đối với sự ổn định tài chính, trong khi việc xử lý qua cơ quan thi hành án còn gặp nhiều khó khăn. Thừa phát lại được xem là giải pháp thay thế hỗ trợ các tổ chức tín dụng thu hồi nợ hiệu quả hơn, nhưng khung pháp lý hiện hành chưa tạo điều kiện phát huy vai trò này. Bài viết phân tích các quy định pháp luật liên quan, chỉ ra bất cập và tác động đến việc xử lý nợ xấu. Từ đó, nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp lý, tham khảo kinh nghiệm của Pháp.
Xem thêm
Xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai tại các tổ chức tín dụng

Xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai tại các tổ chức tín dụng

Trong những năm gần đây, chế định pháp lý về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại các tổ chức tín dụng (TCTD) ngày càng được các cơ quan có thẩm quyền chú trọng xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này vẫn chưa thực sự đầy đủ và còn những bất cập, gây khó khăn trong việc áp dụng, bởi đây là một loại tài sản mang tính chất đặc thù và tiềm ẩn nhiều rủi ro so với các loại tài sản hiện hữu. Vì vậy, cần có cơ chế rõ ràng, hướng dẫn cụ thể để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, giảm thiểu những rủi ro cho các TCTD trong việc nhận thế chấp loại hình tài sản này.
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy Fintech và chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Bước ngoặt chiến lược thúc đẩy Fintech và chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Ngày 29/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là Nghị định đầu tiên tại Việt Nam thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc thử nghiệm các sản phẩm, mô hình, dịch vụ tài chính mới ứng dụng công nghệ, đồng thời là bước tiến quan trọng trong quá trình thể chế hóa đổi mới sáng tạo tài chính tại Việt Nam. Không chỉ góp phần hiện thực hóa chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Nghị định này còn tạo ra các tác động sâu rộng đối với cả hệ thống ngân hàng thương mại và nền kinh tế.
Góc độ pháp lý về rào cản của thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh đối với hoạt động của doanh nghiệp

Góc độ pháp lý về rào cản của thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh đối với hoạt động của doanh nghiệp

Thủ tục thông báo tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh năm 2018, dù đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh nhưng lại đang tạo ra những rào cản đáng kể cho doanh nghiệp do thời gian thẩm định kéo dài, yêu cầu hồ sơ phức tạp, đòi hỏi nhiều tài liệu chuyên sâu như mô tả giao dịch và phân tích thị trường. Những yếu tố này không chỉ làm tăng chi phí tuân thủ, rủi ro pháp lý, nguy cơ rò rỉ thông tin, mà còn cản trở doanh nghiệp tận dụng cơ hội kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng.
Kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ các-bon làm tài sản bảo đảm ngân hàng  và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm thế giới về sử dụng tín chỉ các-bon làm tài sản bảo đảm ngân hàng và khuyến nghị đối với Việt Nam

Phát triển các sản phẩm tài chính mới gắn với tín chỉ các-bon là chiến lược then chốt để thu hút dòng vốn tư nhân vào lĩnh vực giảm phát thải. Các sản phẩm như trái phiếu xanh được gắn với việc phát hành hoặc mua tín chỉ các-bon có thể tạo ra các dòng tiền ổn định và hấp dẫn cho nhà đầu tư bền vững (Asian Development Bank, 2019). Các khoản vay xanh thế chấp bằng tín chỉ các-bon cho phép doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn nếu cam kết tạo ra lượng giảm phát thải xác thực. Việc đa dạng hóa các sản phẩm tài chính gắn với tín chỉ các-bon không chỉ tạo thêm động lực kinh tế cho các dự án xanh mà còn giúp thị trường các-bon phát triển theo hướng tích hợp sâu rộng với hệ sinh thái tài chính quốc gia.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, thích ứng với tình hình mới

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, thích ứng với tình hình mới

Sáng 09/7/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Tham dự Hội nghị có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và các đồng chí trong Ban Lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) và điểm cầu trực tuyến tới NHNN các khu vực trên cả nước.
Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Tháng 4/2025 chứng kiến cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng đối với đồng USD, bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Bài viết phân tích những bất thường trên thị trường tài chính toàn cầu sau các biện pháp thuế quan gây tranh cãi của Mỹ, đồng thời chỉ ra nguyên nhân từ sự thay đổi cấu trúc tài chính, phi toàn cầu hóa và biến động địa chính trị. Nếu xu hướng này tiếp diễn, USD có nguy cơ mất dần vị thế, đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III  trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiệp ước vốn Basel III là khuôn khổ nâng cao với sự sửa đổi và củng cố cả ba trụ cột của Basel II, đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để nâng cao chất lượng quản trị rủi ro và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Bài viết phân tích tình hình áp dụng các Hiệp ước vốn Basel của hệ thống ngân hàng trên thế giới, cùng với kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam trong việc áp dụng Hiệp ước vốn Basel III, tác giả đưa ra một số đề xuất giải pháp chính sách cho hệ thống ngân hàng...
Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Bài viết phân tích vai trò của hiểu biết tài chính trong việc truyền dẫn chính sách tiền tệ, dựa trên khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu; đồng thời, đề xuất tăng cường giáo dục và truyền thông tài chính để hỗ trợ chính sách tiền tệ và phát triển kinh tế bền vững.
Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Bài viết này tổng hợp bài học từ các nền kinh tế đã thành công vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả nêu một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm duy trì đà tăng trưởng, tránh rơi vào “bẫy” và hướng tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và tăng trưởng khu vực đang có xu hướng chậm lại, cùng với việc Hoa Kỳ thực hiện áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 vẫn có thể đạt được, với điều kiện phải có sự điều hành chính sách linh hoạt, đồng bộ và cải cách thể chế đủ mạnh để khơi thông các điểm nghẽn về đầu tư, năng suất và thị trường…

Thông tư số 10/2025/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của quỹ tín dụng nhân dân

Thông tư số 07/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2024/TT-NHNN ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng

Thông tư số 08/2025/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, Thông tư số 29/2024/TT-NHNN ngày 28 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về quỹ tín dụng nhân dân và Thông tư số 32/2024/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nướ

Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng