Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và chiến lược ứng phó của ngành Ngân hàng
Tóm tắt: Bài viết này phân tích tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, đặc biệt là dự báo làn sóng thứ hai dự kiến trong năm 2025 đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu. Nghiên cứu tập trung vào các cơ chế truyền dẫn chính như gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động tỉ giá và thay đổi dòng vốn quốc tế, làm nổi bật những thách thức mà ngân hàng phải đối mặt, bao gồm suy giảm chất lượng tín dụng, giảm hoạt động cho vay, biến động thị trường gia tăng, gián đoạn hoạt động ngân hàng quốc tế và gia tăng chi phí. Bài viết cũng phân tích các chiến lược ứng phó chủ động mà các ngân hàng đang triển khai để giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi, bao gồm thành lập bộ phận chuyên biệt, nâng cao quản lý rủi ro và đa dạng hóa danh mục, quản lý thanh khoản chặt chẽ, điều chỉnh chiến lược tư vấn và tài trợ thương mại, tận dụng công nghệ và theo dõi chính sách tiền tệ toàn cầu. Kết luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp điều chỉnh chiến lược dài hạn và ứng dụng công nghệ để ngành Ngân hàng có thể duy trì sự ổn định và vai trò trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu trước những bất ổn thương mại gia tăng.
Từ khóa: Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, ngành Ngân hàng, tác động kinh tế, chiến lược ứng phó.
IMPACT OF US-CHINA TRADE CONFLICT ON THE BANKING INDUSTRY AND RESPONSE STRATEGIES
Abstract: This paper analyzes the impact of the US-China trade conflict, with a particular focus on the projected second wave anticipated in 2025, on the global banking sector. The study examines key transmission mechanisms, including supply chain disruptions, exchange rate volatility, and shifts in international capital flows. It highlights the multifaceted challenges that banks face, such as the deterioration of credit quality, reduced lending activity, increased market volatility, disruptions to international banking operations, and rising costs. The paper also explores proactive response strategies that banks are implementing to mitigate risks and enhance resilience. These strategies include establishing specialized units, enhancing risk management and portfolio diversification, tightening liquidity management, adjusting advisory and trade finance strategies, leveraging technology, and monitoring global monetary policy. The conclusion emphasizes the importance of integrating long-term strategic adjustments and the application of technology for the banking sector to maintain stability and its pivotal role in the global economy amidst escalating trade uncertainties.
Keywords: US-China trade conflict, banking industry, economic impact, response strategies.
1. Giới thiệu
Năm 2025, bức tranh kinh tế toàn cầu đang bị chi phối bởi nguy cơ tái diễn xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc với quy mô và mức độ phức tạp hơn giai đoạn 2018 - 2019. Việc Mỹ tăng cường các chính sách bảo hộ báo hiệu một làn sóng căng thẳng mới, tiềm ẩn những tác động sâu rộng đến hệ thống thương mại quốc tế và sự ổn định tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh này, ngành Ngân hàng toàn cầu - với vai trò trung tâm trong kết nối dòng vốn và thương mại xuyên biên giới - đối mặt với áp lực phải tái cấu trúc toàn diện từ khung quản lý rủi ro đến chiến lược hoạt động.
Cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, khởi phát năm 2017 dưới thời Tổng thống Donald Trump với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, đã định hình kỷ nguyên xung đột thương mại hiện đại thông qua hàng loạt biện pháp thuế quan và rào cản thương mại. Căng thẳng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố: Thâm hụt thương mại nghiêm trọng của Mỹ, cáo buộc về hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc như đánh cắp tài sản trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ, cùng với những lo ngại về an ninh quốc gia (Kapustina và cộng sự, 2020).
Bảng 1. Tổng hợp các sự kiện trong xung đột thương mại Mỹ - Trung
![]() |
Nguồn: Tổng hợp của nghiên cứu |
Diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc được đánh dấu bằng chuỗi sự kiện leo thang từ đầu năm 2018, bắt đầu với việc Mỹ áp thuế lên tấm pin mặt trời và máy giặt, tiếp theo là thuế quan đối với thép và nhôm vào tháng 3. Căng thẳng đạt đỉnh điểm vào tháng 7/2018 khi cả hai nước áp thuế lên hàng hóa trị giá hàng tỉ USD (Bảng 1). Mặc dù Thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một” được ký kết vào tháng 01/2020 đã tạm thời làm dịu tình hình, các vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết triệt để (Erica, 2025).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xung đột thương mại này đã tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành Ngân hàng. Với vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện cho dòng vốn và thương mại quốc tế, các ngân hàng trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương trước những biến động này (Poole College of Management, 2024). Nghiên cứu về tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với ngành Ngân hàng và các chiến lược thích ứng trở nên cấp thiết, không chỉ để bảo vệ sự ổn định tài chính mà còn bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững trong môi trường toàn cầu ngày càng thể hiện xu hướng phân mảnh.
2. Cơ chế truyền dẫn và tác động gián tiếp của xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đến hệ thống ngân hàng
Xung đột thương mại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tài trợ thương mại mà còn tác động sâu sắc đến hệ thống ngân hàng toàn cầu thông qua nhiều kênh gián tiếp. Những cơ chế này bao gồm sự biến động thị trường gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển hướng thương mại, rủi ro ngành cụ thể và biến động tiền tệ. Mỗi yếu tố này đều tạo ra những thách thức phức tạp đối với hoạt động và chiến lược của các ngân hàng.
(i) Biến động thị trường gia tăng: Xung đột thương mại là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự biến động trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Khi các quốc gia áp đặt thuế quan hoặc thay đổi chính sách thương mại, nhà đầu tư thường phản ứng bằng cách điều chỉnh danh mục đầu tư của mình, dẫn đến sự dao động mạnh mẽ trong giá cổ phiếu và các tài sản tài chính khác. Trong giai đoạn leo thang thuế quan năm 2018 - 2019, các chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500 (Mỹ) và MSCI China A Index (Trung Quốc) đã trải qua những đợt suy giảm đáng kể (Invesco, 2025).
Sự biến động này có tác động trực tiếp đến các ngân hàng, đặc biệt là những tổ chức có hoạt động giao dịch và nắm giữ đầu tư lớn. Thị trường suy thoái và sự không chắc chắn gia tăng có thể làm giảm doanh thu từ giao dịch và đầu tư, đồng thời làm tăng rủi ro thanh khoản và tín dụng. Điều này buộc các ngân hàng phải tái cấu trúc khung quản lý rủi ro để đối phó với môi trường bất ổn kéo dài.
(ii) Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu: Cuộc chiến thương mại đã khiến các doanh nghiệp phải đánh giá lại và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của mình nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế quan và sự không chắc chắn về địa chính trị. Nhiều công ty đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung ứng hoặc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh các biện pháp thuế quan (Cornell SC Johnson College of Business, 2024). Tuy nhiên, quá trình này không diễn ra ngay lập tức và thường gây ra những thách thức ngắn hạn, chẳng hạn như chi phí vận hành tăng cao, hiệu quả sản xuất giảm sút và dòng tiền bị ảnh hưởng.
Đối với các ngân hàng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể dẫn đến rủi ro vỡ nợ cho vay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng. Các ngân hàng cần theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính của khách hàng để đánh giá khả năng trả nợ và điều chỉnh các điều khoản tín dụng phù hợp.
(iii) Chuyển hướng thương mại: Một hậu quả quan trọng khác của xung đột thương mại là sự chuyển hướng thương mại, khi các quốc gia không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị trường mới. Khi Trung Quốc áp thuế đối với đậu nành của Mỹ, các nhà sản xuất đậu nành Brazil đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc (IMF, 2019). Sự thay đổi trong mô hình thương mại toàn cầu này đã tạo ra nhu cầu mới về tài trợ thương mại và dịch vụ ngân hàng ở các quốc gia “đứng ngoài cuộc”, nhưng đồng thời cũng làm giảm nhu cầu ở các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp.
Đối với các ngân hàng, điều này yêu cầu sự linh hoạt trong việc phân bổ nguồn lực và mở rộng dịch vụ sang các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đi kèm với rủi ro liên quan đến việc hiểu biết chưa đầy đủ về môi trường kinh doanh và quy định tại các thị trường mới.
(iv) Biến động tiền tệ: Xung đột thương mại thường đi kèm với biến động tiền tệ, khi các quốc gia cân nhắc thao túng tỉ giá hối đoái để giành lợi thế cạnh tranh. Trong cuộc chiến thương mại này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ yếu đi so với đồng USD Mỹ, giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc duy trì khả năng cạnh tranh (Global Finance, 2024). Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc và gây bất ổn tài chính.
Đối với các ngân hàng có hoạt động quốc tế hoặc nắm giữ tài sản bằng ngoại tệ, biến động tiền tệ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận và mức độ rủi ro. Các ngân hàng cần sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá để giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến động tiền tệ.
(v) Rủi ro ngành cụ thể: Một số ngành công nghiệp, chẳng hạn như ô tô, năng lượng và chế biến thực phẩm, chịu tác động không cân xứng từ các biện pháp thuế quan và gián đoạn thương mại. Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này thường phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận giảm sút và khả năng cạnh tranh suy yếu (PBS NewsHour, 2025).
Các ngân hàng cung cấp vốn cho các nhà sản xuất ô tô hoặc nhà máy chế biến thực phẩm có thể phải đối mặt với tỉ lệ vỡ nợ tăng cao khi họ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động trong môi trường thương mại thay đổi. Do đó, các ngân hàng cần đánh giá lại danh mục cho vay của mình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro.
3. Tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đến ngành Ngân hàng
Xung đột thương mại gây ra một loạt tác động tiêu cực đối với ngành Ngân hàng, phá vỡ các mô hình thương mại đã được thiết lập và gây ra sự biến động cho hệ thống tài chính. Những tác động này có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động ngân hàng, từ chất lượng tín dụng và sự ổn định của thị trường đến quan hệ ngân hàng quốc tế và hoạt động cho vay (Bảng 2). Cụ thể:
(i) Giảm chất lượng tín dụng: Việc áp đặt thuế quan và các rào cản thương mại khác làm gián đoạn chuỗi cung ứng đã được thiết lập, buộc các doanh nghiệp phải thích ứng với các thỏa thuận tìm nguồn cung ứng mới và thường kém hiệu quả hơn. Điều này có thể dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận và cuối cùng là khó khăn tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế (Investment Executive, 2025). Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, khả năng trả nợ cho ngân hàng của họ suy giảm, dẫn đến sự gia tăng nợ xấu và nợ khó đòi. Sự xói mòn chất lượng tín dụng này tác động trực tiếp đến bảng cân đối kế toán của ngân hàng, có khả năng phải tăng các khoản dự phòng tổn thất cho vay và ảnh hưởng đến lợi nhuận. Chẳng hạn, một công ty sản xuất phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu có thể phải đối mặt với chi phí đầu vào cao hơn đáng kể do thuế quan, làm giảm biên lợi nhuận và tăng rủi ro vỡ nợ.
(ii) Giảm hoạt động cho vay: Đối mặt với sự không chắc chắn lan rộng do xung đột thương mại gây ra, các ngân hàng thường áp dụng lập trường thận trọng hơn, đó là cắt giảm hoạt động cho vay (Liberty Street Economics, 2023). Sự lo ngại rủi ro này không giới hạn ở các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rào cản thương mại; điều này có thể mở rộng đến việc thu hẹp khả năng tiếp cận tín dụng trên toàn nền kinh tế. Các ngân hàng có thể trở nên do dự khi cung ứng tín dụng cho các loại hình doanh nghiệp, lo sợ rằng các tác động gián tiếp của xung đột thương mại có thể ảnh hưởng ngay cả đến các công ty tập trung vào thị trường nội địa. Sự suy giảm hoạt động cho vay có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và đầu tư. Sự thu hẹp khả năng tiếp cận tín dụng có thể kìm hãm hoạt động kinh doanh, giảm đầu tư và góp phần làm suy thoái nền kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) là những doanh nghiệp thường bị hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn tài chính thay thế, đặc biệt dễ bị tổn thương trước hoạt động bị giảm cho vay trong xung đột thương mại.
(iii) Gia tăng sự không chắc chắn và biến động thị trường: Xung đột thương mại gây ra một lượng đáng kể sự không chắc chắn vào thị trường tài chính. Những thay đổi trong chính sách thương mại có thể gây ra biến động nhanh chóng và khó lường về tỉ giá hối đoái khi các nhà đầu tư phản ứng với những thay đổi trong cán cân thương mại và triển vọng kinh tế. Tương tự, lãi suất có thể biến động khi các ngân hàng trung ương vật lộn với áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế có thể đi kèm với xung đột thương mại (Charles Schwab, 2024). Những biến động thị trường này tác động trực tiếp đến giá trị tài sản và nợ phải trả của ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có hoạt động quốc tế. Một ngân hàng nắm giữ tài sản bằng một loại tiền tệ bị mất giá do xung đột thương mại sẽ bị giảm giá trị tài sản đó khi được đo bằng đồng tiền trong nước của ngân hàng. Hơn nữa, sự không chắc chắn tổng thể xung quanh các chính sách thương mại có thể làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, khiến các ngân hàng khó khăn và tốn kém hơn trong việc huy động vốn trên thị trường. Các nhà đầu tư có thể sẽ do dự khi đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu ngân hàng vì lo ngại về những tác động rủi ro tiềm ẩn của xung đột thương mại đối với lợi nhuận và sự ổn định của ngân hàng.
(iv) Gián đoạn hoạt động và quan hệ ngân hàng quốc tế: Bản chất của xung đột thương mại, liên quan đến các hạn chế đối với dòng hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, chắc chắn lan sang lĩnh vực hoạt động ngân hàng quốc tế. Tăng cường giám sát quy định và các hạn chế tiềm ẩn đối với dòng vốn có thể cản trở khả năng kinh doanh xuyên biên giới của các ngân hàng (Corporate Finance Institute, 2025). Đối với các ngân hàng có mạng lưới quốc tế rộng lớn, xung đột thương mại có thể tạo ra những thách thức hoạt động đáng kể, đòi hỏi họ phải điều hướng một mạng lưới phức tạp gồm các quy định và hạn chế thay đổi ở các khu vực pháp lý khác nhau. Hơn nữa, xung đột thương mại giữa các quốc gia có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa các ngân hàng ở các quốc gia đó. Giảm sự hợp tác và chia sẻ thông tin, vốn rất quan trọng để quản lý rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu, có thể trở thành nạn nhân của xung đột thương mại. Sự đổ vỡ trong hợp tác ngân hàng quốc tế này có thể làm suy yếu các nỗ lực chống tội phạm tài chính, quản lý rủi ro hệ thống và bảo đảm hoạt động trơn tru của hệ thống tài chính toàn cầu.
(v) Gia tăng chi phí và lạm phát: Việc áp đặt thuế quan, về cơ bản là thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu, làm tăng trực tiếp giá của những hàng hóa đó đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp (Investopedia, 2025). Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng rộng hơn về mức giá chung, góp phần tăng lạm phát của nền kinh tế trong nước. Lạm phát gia tăng làm xói mòn sức mua, giảm chi tiêu tiêu dùng và có khả năng làm giảm hoạt động kinh tế. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng có thể phải đối mặt với chi phí hoạt động gia tăng do xung đột thương mại. Gián đoạn chuỗi cung ứng có thể dẫn đến chi phí đầu vào cao hơn cho hoạt động của chính ngân hàng. Việc tuân thủ các quy định thương mại mới và các hạn chế cũng có thể làm tăng chi phí hành chính và tuân thủ của ngân hàng. Những chi phí gia tăng này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng và có khả năng được chuyển cho người tiêu dùng dưới hình thức phí hoặc lãi suất cao hơn.
4. Chiến lược của ngành Ngân hàng để phòng tránh làn sóng thứ hai của xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc
Nhìn về phía trước, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn, với nhiều kịch bản có thể xảy ra. Chúng bao gồm từ một cuộc chiến thương mại kéo dài với thuế quan leo thang và sự phân mảnh thương mại toàn cầu gia tăng, đến một thỏa thuận thương lượng dẫn đến giảm các rào cản thương mại, hoặc một sự thay đổi tiềm năng hướng tới các hiệp định thương mại khu vực định hình lại mô hình thương mại toàn cầu. Mỗi kịch bản mang theo những tác động khác biệt đối với khu vực ngân hàng, đòi hỏi phải tiếp tục cảnh giác và khả năng thích ứng.
Để chuẩn bị cho khả năng xảy ra làn sóng xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc lần thứ hai, các ngân hàng đang triển khai một loạt các chiến lược chủ động và đa dạng. Những sự chuẩn bị này được đánh giá là toàn diện hơn đáng kể so với giai đoạn trước, phản ánh sự nhận thức sâu sắc hơn về những rủi ro kinh tế và tài chính tiềm ẩn. Nhìn chung, các ngân hàng không thụ động chịu trận trước xung đột thương mại, mà chủ động sử dụng nhiều chiến lược để giảm thiểu tác động tiêu cực và tăng cường khả năng phục hồi.
Bảng 2: Các kịch bản tiềm năng cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc và tác động đối với ngành Ngân hàng
![]() |
Nguồn: Tổng hợp của nghiên cứu |
(i) Thành lập bộ phận chuyên biệt: Một trong những hành động nổi bật là việc các tổ chức tài chính lớn thành lập các bộ phận chuyên biệt. Chẳng hạn, JPMorgan Chase được cho là đã thiết lập các nhóm giám sát 24/7 để theo dõi sát sao các thay đổi chính sách, dự đoán các tình huống xấu có thể xảy ra do xung đột thương mại và lên kế hoạch ứng phó nhanh chóng (Reuters, 2025a). Các bộ phận này đóng vai trò trung tâm điều phối, giúp ngân hàng phản ứng linh hoạt khi thị trường biến động hoặc chính sách mới được công bố. Cách tiếp cận chủ động này thể hiện sự thay đổi lớn, từ việc thụ động quan sát sang chủ động dự đoán và quản lý rủi ro từ xung đột thương mại.
(ii) Nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro và đa dạng hóa danh mục: Các ngân hàng đang cải tiến hệ thống quản lý rủi ro thông qua việc tối ưu hóa mô hình đánh giá tín dụng và tích hợp các bài kiểm tra căng thẳng nhằm mô phỏng tác động từ gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc suy thoái kinh tế tại các ngành nhạy cảm với biến động thương mại (Reuters, 2025b). Đặc biệt, trọng tâm được đặt vào việc phân tích rủi ro chuỗi cung ứng để xác định mức độ phụ thuộc và điểm yếu của khách hàng trước các cú sốc thương mại, từ đó điều chỉnh dự phòng cho các khoản nợ tiềm ẩn ở nhóm ngành dễ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, như sản xuất, công nghệ và nông nghiệp (Informa Connect, 2025).
Song song với cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa danh mục cho vay được xem là chiến lược then chốt để phân tán rủi ro. Các ngân hàng chủ động giảm tỉ trọng tín dụng đối với ngành phụ thuộc vào xuất nhập khẩu, đồng thời mở rộng phạm vi địa lý sang thị trường ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột thương mại (Investopedia, 2025). Bên cạnh đó, quy trình đánh giá tín dụng được nâng cấp để dự báo chính xác hơn khả năng trả nợ của khách hàng trong bối cảnh bất ổn, kết hợp với kiểm tra căng thẳng đa kịch bản và xây dựng kế hoạch dự phòng cho nợ xấu (Liberty Street Economics, 2023). Để tối ưu hóa hiệu quả, các biện pháp phòng ngừa rủi ro tiền tệ và lãi suất cũng được áp dụng nhằm giảm thiểu tổn thất từ biến động tỉ giá do xung đột thương mại.
Cách tiếp cận toàn diện này không chỉ giúp ngân hàng định lượng rủi ro hệ thống mà còn tăng tính linh hoạt trong quản trị danh mục, đảm bảo ổn định tài chính dài hạn.
(iii) Chú trọng quản lý thanh khoản: Quản lý thanh khoản cũng được các ngân hàng đặc biệt chú trọng. Sự biến động trên thị trường ngoại hối do thuế quan, thể hiện qua áp lực giảm giá của các đồng tiền, cho thấy sự cần thiết phải có các biện pháp kiểm soát thanh khoản mạnh mẽ (Reuters, 2025b). Các ngân hàng đang tăng cường dự trữ vốn và điều chỉnh kế hoạch huy động vốn ngắn hạn để đảm bảo khả năng chống chịu trước những biến động tiềm ẩn trên thị trường tiền tệ toàn cầu và sự thay đổi đột ngột trong tâm lý nhà đầu tư. Quản lý thanh khoản chủ động nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu vốn và duy trì hoạt động ổn định ngay cả trong điều kiện thị trường cực kỳ căng thẳng.
(iv) Điều chỉnh chiến lược tư vấn và tài trợ thương mại: Thêm vào đó, các ngân hàng đang điều chỉnh chiến lược tư vấn cho khách hàng và hoạt động tài trợ thương mại. Nhận thức được nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và thay đổi dòng chảy thương mại quốc tế, ngân hàng hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để tư vấn về các lựa chọn tìm nguồn cung ứng và tài chính thay. Vai trò tư vấn này đặc biệt quan trọng với các công ty trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ và các ngành nhạy cảm với thương mại khác, giúp họ vượt qua sự phức tạp của các rào cản thuế quan và điều chỉnh chuỗi cung ứng. Ngân hàng cũng khuyến khích sử dụng thư tín dụng để giảm thiểu rủi ro thương mại, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tham gia vào các đối tác thương mại mới hoặc chưa quen, mang lại sự an toàn và tin tưởng cao hơn trong giao dịch quốc tế (Citizens Bank, 2025).
(v) Tận dụng công nghệ: Công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc giúp ngân hàng thích ứng và phục hồi trước xung đột thương mại thông qua việc tối ưu hóa hoạt động, quản lý rủi ro và tuân thủ quy định (Franklin Templeton, 2025). Các nền tảng số, robot tự động hóa quy trình (RPA), trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain là công cụ quan trọng để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và tăng tính minh bạch.
Blockchain cách mạng hóa tài chính thương mại bằng sổ cái phân tán và hợp đồng thông minh, giảm thủ tục giấy tờ, tăng bảo mật và đẩy nhanh giao dịch quốc tế (Citi Bank, 2025). Trong khi đó, AI và học máy (ML) phân tích dữ liệu để dự báo rủi ro, tối ưu chiến lược đầu tư và hỗ trợ dịch vụ khách hàng thông qua chatbot, đặc biệt hữu ích trong bối cảnh thị trường biến động (World Economic Forum, 2018).
Công nghệ cũng đóng vai trò thiết yếu trong tuân thủ, giúp tự động kiểm tra giao dịch, phát hiện gian lận và đảm bảo tuân thủ quy định phức tạp (EY, 2025). Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ chịu ảnh hưởng của yếu tố địa chính trị như hạn chế xuất khẩu công nghệ và phân mảnh tiêu chuẩn số, đòi hỏi ngân hàng linh hoạt điều chỉnh chiến lược (Federal Reserve Bank of St. Louis, 2024). Sự kết hợp giữa công nghệ và nhận thức về rủi ro địa chính trị là chìa khóa duy trì hiệu quả hoạt động trong môi trường thương mại toàn cầu đầy thách thức.
(vi) Theo dõi sát sao chính sách tiền tệ toàn cầu: Để ứng phó với khả năng chính sách tiền tệ khác nhau giữa các quốc gia trong bối cảnh xung đột thương mại, các ngân hàng cần theo dõi sát sao hành động của ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Do Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể duy trì lãi suất cao trong khi các ngân hàng trung ương khác nới lỏng chính sách, ngân hàng đang đánh giá lại tỉ lệ vốn và các quyết định đầu tư chiến lược để bảo đảm sự vững chắc trong bối cảnh tài chính toàn cầu có thể bị phân mảnh (Financial Times, 2025). Các ngân hàng khu vực, đặc biệt ở châu Á, đang áp dụng chiến lược linh hoạt, vừa tìm cách hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao kéo dài, vừa tăng cường dự phòng nợ xấu cho các lĩnh vực có thể giảm nhu cầu. Sự điều chỉnh chiến lược theo khu vực và ngành cụ thể này phản ánh những tác động cũng như cơ hội mà xung đột thương mại mang lại cho các khu vực địa lý và lĩnh vực kinh tế khác nhau.
5. Kết luận
Viễn cảnh về làn sóng thứ hai của xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc được dự báo trong năm 2025, không chỉ là một sự kiện kinh tế đơn lẻ mà là một yếu tố cấu trúc định hình lại bối cảnh hoạt động của ngân hàng toàn cầu. Bài viết nghiên cứu, xác định và phân tích sâu các cơ chế truyền dẫn quan trọng, bao gồm biến động thị trường tài chính, gián đoạn chuỗi cung ứng, sự chuyển hướng dòng chảy thương mại, biến động tiền tệ và rủi ro ngành cụ thể. Những cơ chế này tạo ra một loạt các tác động đa chiều, từ suy giảm chất lượng tín dụng và giảm hoạt động cho vay, đến gia tăng biến động thị trường, gián đoạn hoạt động ngân hàng quốc tế và áp lực chi phí leo thang.
Ngành Ngân hàng không chỉ chịu tác động thụ động mà còn đóng vai trò trung tâm trong việc giảm thiểu những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế. Bài viết đã tập trung vào việc làm sáng tỏ các chiến lược ứng phó chủ động mà các ngân hàng đang triển khai. Các chiến lược này thể hiện một cách tiếp cận toàn diện và đa dạng, bao gồm việc thành lập các đơn vị chuyên trách để giám sát và ứng phó nhanh chóng với thay đổi chính sách, nâng cao năng lực quản lý rủi ro thông qua đa dạng hóa danh mục và kiểm tra căng thẳng, quản lý thanh khoản chặt chẽ để đảm bảo khả năng chống chịu, điều chỉnh chiến lược tư vấn và tài trợ thương mại để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh mới, tận dụng sức mạnh của công nghệ để tăng cường hiệu quả và tuân thủ, và theo dõi sát sao chính sách tiền tệ toàn cầu để thích ứng với môi trường lãi suất phân hóa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự thành công của ngành Ngân hàng trong việc duy trì sự ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh xung đột thương mại leo thang phụ thuộc vào khả năng kết hợp hài hòa giữa các biện pháp ứng phó ngắn hạn và điều chỉnh chiến lược dài hạn. Việc xây dựng năng lực phân tích và dự báo rủi ro tinh vi, cùng với việc ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ tiên tiến, sẽ là yếu tố then chốt để các ngân hàng không chỉ vượt qua những thách thức hiện tại mà còn định hình lại mô hình hoạt động và củng cố vai trò trụ cột trong hệ sinh thái kinh tế toàn cầu đang ngày càng phức tạp và bất định. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu này đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về những thách thức và cơ hội mà ngành Ngân hàng phải đối mặt, đồng thời cung cấp một khuôn khổ hữu ích cho việc xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của hệ thống tài chính trong kỷ nguyên thương mại toàn cầu đầy biến động.
Tài liệu tham khảo:
1. Charles Schwab. (2024). Five investing impacts of a trade war. https://www.schwab.com/learn/story/five-investing-impacts-trade-war
2. Citi Bank. (2025). How tech is changing the future of trade. https://www.citigroup.com/global/insights/how-tech-is-changing-the-future-of-trade
3. Citizens Bank. (2025). How to manage the dual risks facing international trade today. https://www.citizensbank.com/corporate-finance/insights/dual-risks-facing-international-trade.aspx
4. Cornell SC Johnson College of Business. 2024. Trade Titans: The Impact of the U.S.-China Trade War on Global Economics. https://business.cornell.edu/hub/2024/06/14/trade-titans-impact-us-china-trade-war-global-economics/
5. Corporate Finance Institute. (2025). Trade wars - Overview, impacts, good or bad. https://corporatefinanceinstitute.com/resources/economics/trade-wars/
6. Erica, Y. (2025). Trump Tariffs: Tracking the Economic Impact of the Trump Trade War. Tax Foundation. https://taxfoundation.org/research/all/federal/trump-tariffs-trade-war/
7. EY. (2025). How technology is reducing trade finance risk and compliance costs. https://www.ey.com/en_us/insights/banking-capital-markets/how-technology-is-reducing-trade-finance-risk-and-compliance-costs
8. Federal Reserve Bank of St. Louis. (2024). Trade wars, tech rivalry and geopolitical tensions. https://www.stlouisfed.org/on-the-economy/2024/sep/trade-wars-tech-rivalry-geopolitical-tensions
9. Financial Times. (2025). Trump’s trade war adds to ‘clear decoupling’ on central bank rate cuts. https://www.ft.com/content/674b751e-120e-4f0f-85ec-8ffdfcdd22e3
10. Franklin Templeton. (2025). The economic and market impact of escalating trade wars. https://global.beyondbullsandbears.com/2025/02/03/quick-thoughts-the-economic-and-market-impact-of-escalating-trade-wars/
11. Global Finance. (2024). Bracing for a tariff war. https://gfmag.com/economics-policy-regulation/trump-tariff-war-canada-mexico-china-europe-protectionism/
12. https://doi.org/10.1051/shsconf/20207301012
13. Informa Connect. (2025). The tariff wars: What's the impact on corporate and investment banking risk management? https://informaconnect.com/the-tariff-wars-whats-the-impact-on-corporate-and-investment-banking-risk-management/
14. International Monetary Fund (IMF). (2019). The impact of US-China trade tensions. https://www.imf.org/en/Blogs/Articles/2019/05/23/blog-the-impact-of-us-china-trade-tensions
15. Invesco. (2025). Tariffs rattle stock markets, but what's the long-term impact?. https://www.invesco.com/us/en/insights/tariffs-rattle-stock-markets-long-term-impact.html
16. Investment Executive. (2025). A trade war would hurt Canada's banks: DBRS. https://www.investmentexecutive.com/news/research-and-markets/a-trade-war-would-hurt-canadas-banks-dbrs/
17. Investopedia. (2025). Trade wars: History, pros & cons, and U.S.-China example. https://www.investopedia.com/terms/t/trade-war.asp
18. Kapustina, L., Lipková, Ľ., Silin, Y., & Drevalev, A. (2020). US-China trade war: Causes and outcomes. In SHS Web of Conferences (Vol. 73, p. 01012). EDP Sciences.
19. Liberty Street Economics. (2023). Does trade uncertainty affect bank lending? https://libertystreeteconomics.newyorkfed.org/2023/12/does-trade-uncertainty-affect-bank-lending/
20. PBS NewsHour. (2025). Analysis: The potential economic effects of Trump's tariffs and trade war, in 9 charts. https://www.pbs.org/newshour/economy/analysis-the-potential-economic-effects-of-trumps-tariffs-and-trade-war-in-9-charts
21. Poole College of Management. (2024). The challenges of unwinding a trade war. https://poole.ncsu.edu/thought-leadership/article/the-challenges-of-unwinding-a-trade-war/
22. Reuters. (2025b). Wall Street girds for market impact of Trump tariffs. https://www.reuters.com/markets/us/tariffs-worry-wall-street-over-earnings-hit-inflation-pressure-2025-02-02/
23. World Economic Forum. (2018). These 5 technologies have the potential to change global trade forever. https://www.weforum.org/stories/2018/06/from-blockchain-to-mobile-payments-these-technologies-will-disrupt-global-trade/
Tin bài khác


Phát triển kinh tế xanh của Đan Mạch và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam

Tài sản ảo: Nhìn từ góc độ pháp lý tại các quốc gia trên thế giới và Việt Nam

Sự kết hợp tối ưu giữa các chính sách: An toàn vĩ mô, tiền tệ, tài khóa trong nền kinh tế mới nổi - Kinh nghiệm từ NHTW Brazil và bài học đối với Việt Nam

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Kinh nghiệm quốc tế về thực thi chính sách tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu và bài học cho Việt Nam

Những “phép màu” năm mới của nền kinh tế

Sửa quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Giải pháp cho quyền tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Bảo đảm an toàn trong việc kết nối và xử lý dữ liệu của khách hàng khi triển khai Open API

Tài chính xanh doanh nghiệp - Giải pháp phát triển bền vững tại Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Phát triển kinh tế xanh của Đan Mạch và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và chiến lược ứng phó của ngành Ngân hàng

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
