
Triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP: Những chuyển động bước đầu và hướng đi trong thời gian tới
Ngày 07/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023. Đây là một văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng, được kì vọng tạo lập khuôn khổ pháp lí đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng như thúc đẩy hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - cơ quan thực thi chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Những thay đổi quan trọng về chính sách
Theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước chủ yếu là các dự án tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích như: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp; các dự án đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 (Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa) và các xã biên giới thuộc Chương trình 120 (Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt –Trung đến năm 2010), các xã vùng bãi ngang (không bao gồm dự án nhiệt điện than, sản xuất xi măng, sắt thép), dự án đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Chính phủ, dự án cho vay theo Hiệp định của Chính phủ.
So với quy định trước đây tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP có nhiều nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động cho vay (lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, giới hạn tín dụng, xử lí rủi ro…) đã được Chính phủ điều chỉnh theo hướng trao quyền tự chủ lớn hơn cho VDB.
Đáng lưu ý, tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, Chính phủ cho phép VDB được quyết định mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ vay được kí hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22/12/2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kì. Đây là một nội dung rất quan trọng, làm thay đổi căn bản phương pháp xác định lãi suất cho vay phụ thuộc vào tỉ lệ chi phí quản lí hoạt động và dự phòng rủi ro của VDB mà việc phê duyệt tỉ lệ này phải được thực hiện thông qua nhiều cơ quan quản lí nhà nước khác nhau ngoài VDB.
Các bước triển khai quan trọng ban đầu
Ngay sau khi Nghị định số 78/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, VDB đã khẩn trương, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho việc triển khai Nghị định này một cách hiệu quả.
Một là, VDB đã kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một loạt quy chế, quy trình liên quan đến hoạt động cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, như: Quy chế cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, Quy chế xác định và thông báo lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB năm 2024, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng tín dụng, Quy chế bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại VDB, Quy trình, hướng dẫn Quy chế cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, công văn hướng dẫn công tác thẩm định cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước... Hiện nay, VDB đang tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các quy định nội bộ khác để triển khai hoạt động cho vay tín dụng đầu tư theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP (công văn hướng dẫn một số nội dung của Quy chế bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại VDB, công văn hướng dẫn thực hiện Quy chế xử lý rủi ro tín dụng...).
Hai là, trên cơ sở văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính về số liệu lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kì, VDB đã nhanh chóng tính toán, xác định và thông báo lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Theo đó, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng VND được công bố ngày 12/01/2024 là 8,4%/năm, sau đó được điều chỉnh giảm xuống còn 7,72%/năm vào ngày 02/02/2024. Mặc dù, mức lãi suất này vẫn chưa đáp ứng được kì vọng của VDB, tuy nhiên, trong bối cảnh các khoản cấp bù lãi suất và phí quản lí từ ngân sách nhà nước giảm mạnh và chi phí phát sinh thêm nhiều do phải huy động vốn để bù đắp phần thiếu hụt từ các khoản nợ của ngân sách nhà nước, nhưng VDB đã rất nỗ lực cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước dễ dàng hơn.
Ba là, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác tín dụng đầu tư của VDB do cơ quan có thẩm quyền ban hành và các quy chế, quy trình, các văn bản hướng dẫn nội bộ, VDB đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu và tập huấn chuyên sâu cho cán bộ nghiệp vụ tại Trụ sở chính và các chi nhánh, đảm bảo cán bộ nghiệp vụ hiểu rõ và nắm vững các quy chế, quy trình và văn bản hướng dẫn để triển khai công việc hiệu quả và đúng quy định. VDB cũng đã chỉ đạo rà soát, kiện toàn bộ máy làm công tác tín dụng, thẩm định tại Trụ sở chính và các chi nhánh theo hướng ưu tiên cho bộ phận tín dụng, thẩm định những cán bộ có năng lực và kinh nghiệm công tác, có ý thức tự giác và trách nhiệm công vụ, tính tuân thủ trong quá trình tác nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động tín dụng ngày càng nâng cao, hạn chế được rủi ro.
Bốn là, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp... tìm kiếm các dự án có nhu cầu vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện tiếp nhận, thẩm định, xem xét cho vay theo đúng quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP và pháp luật có liên quan. Kết quả là, đến hết tháng 02/2023, đã có hơn 100 dự án thuộc danh mục được Chính phủ quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đăng kí vay vốn tại VDB với số vốn vay dự kiến lên đến gần 68 nghìn tỉ đồng. Các dự án có nhu cầu vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB đa phần là dự án có tổng mức đầu tư lớn, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển hạ tầng, như: Hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, các dự án an sinh xã hội, năng lượng tái tạo…
Năm là, song song với việc triển khai các công việc chuyên môn, VDB cũng đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước cũng như việc thực thi chính sách này tại VDB đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Nổi bật trong đó là việc tổ chức thành công Hội nghị triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước ngày 05/3/2024 với sự tham dự của lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo hàng chục tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như các doanh nghiệp khác đang vay vốn tín dụng đầu tư tại VDB hoặc có nhu cầu vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư thuộc danh mục do Chính phủ quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP. Bên cạnh nhiều thỏa thuận tài trợ vốn được kí kết giữa VDB và các chủ dự án, Hội nghị còn nhận được nhiều ý kiến chia sẻ từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy sự cần thiết của việc triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước qua VDB nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư của nền kinh tế phù hợp với các chiến lược, kế hoạch đã được Đảng, Nhà nước đặt ra.
Tổng Giám đốc VDB Đào Quang Trường phát biểu tại Hội nghị triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước ngày 05/3/2024
Một số công việc VDB cần triển khai trong thời gian tới
Sự ra đời của Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước nhằm hỗ trợ nguồn vốn có kì hạn dài và chi phí thấp đối với các chủ dự án có nhu cầu đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn được Chính phủ khuyến khích. Để chính sách này sớm phát huy được hiệu quả như mong đợi, VDB đã rất tích cực và khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để triển khai Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngay từ thời điểm có hiệu lực và đã đạt được một số kết quả ban đầu.
Tuy nhiên, để nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước phát huy được hiệu quả như mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan cho vay cũng như các cơ quan hoạch định chính sách khi xây dựng và ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, trong thời gian tới, VDB cần tập trung nỗ lực thực hiện tốt một số công việc quan trọng dưới đây:
Thứ nhất, tích cực để tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án cũng như hồ sơ vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, tập trung nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ để thẩm định dự án được các doanh nghiệp đề xuất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, qua đó lựa chọn được dự án hiệu quả, khả thi để cho vay nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu ban hành đầy đủ hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động cho vay phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như thông lệ của các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư dự án trong quá trình vay vốn và sử dụng vốn vay.
Thứ tư, tập trung các nguồn vốn khả dụng thông qua công tác thu hồi nợ từ các dự án đã được cho vay trước đây kết hợp với việc huy động vốn bằng các hình thức phù hợp để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu giải ngân trong năm 2024 và các năm tiếp theo của các dự án được VDB thẩm định và chấp thuận cho vay theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP.
Thứ năm, nỗ lực tiết giảm hơn nữa chi phí hoạt động thông qua việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiện đại hóa công nghệ, làm cơ sở để giảm mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp vay vốn trong việc tiết kiệm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả dự án.
TS. Nguyễn Cảnh Hiệp
Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Tin bài khác


Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ
