
Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền
Thời gian qua, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và chính quyền địa phương, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 với các chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước và của Ngành đến các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn nói chung, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng một cách kịp thời, hiệu quả.
Về cơ bản, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ổn định, các TCTD đều chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN. Đối với công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), hệ thống ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán trên địa bàn. NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD: Áp dụng các biện pháp phòng, chống rủi ro gian lận trong mở tài khoản thanh toán; triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ tín dụng và đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong quá trình phát hành, sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng; đẩy mạnh chuyển đổi số, TTKDTM trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế, chi trả an sinh xã hội trên địa bàn.
NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị chuyên đề về tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động chuyển tiền, thanh toán qua tài khoản của QTDND trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngày 15/6/2024. (Ảnh nguồn: Internet)
Cùng với đó, các TCTD trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tích cực thông tin, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến; cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; tuyên truyền để khách hàng nâng cao ý thức trong giao dịch điện tử; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong khai thác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; thực hiện tốt công tác TTKDTM, qua đó, hệ thống thanh toán hoạt động liên tục, ổn định, an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 118 ATM (trong đó có 12 CDM, tăng 2 máy so với năm 2023). Hệ thống ATM/CDM hoạt động thông suốt, ổn định an toàn; có 800 POS, doanh số thanh toán qua POS đạt 222,98 tỉ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 1 Phòng Giao dịch Ngân hàng Hợp tác xã và 11 QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, 11/11 QTDND được xếp loại A. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các QTDND vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Số lượng khách hàng và giao dịch ngày càng tăng, hệ thống kết nối giữa Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND khá phức tạp đã tạo ra một số khó khăn trong quản lí và bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền của QTDND. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin cũng như con người của QTDND phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn, tác nghiệp đối với công tác thanh toán, chuyển tiền. Nhiều vụ vi phạm, lừa đảo trong lĩnh vực thanh toán, chuyển tiền đã xảy ra, trong khi các biện pháp phòng ngừa, xử lí, giảm thiểu rủi ro vẫn chưa được xử lí triệt để.
Do đó, thực hiện yêu cầu của NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị, các QTDND đã nghiên cứu, nắm bắt quy trình nộp tiền, chuyển tiền, vận chuyển tiền mặt, thủ tục thanh toán, đối chiếu số dư tiền mặt giữa QTDND và Ngân hàng Hợp tác xã, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động thanh toán, chuyển tiền của QTDND và Ngân hàng Hợp tác xã trên địa bàn.
Trong thời gian tới, để tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền của Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND diễn ra an toàn, thuận tiện, hạn chế tối đa mọi rủi ro, các QTDND trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cần tập trung một số nhiệm vụ như sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND; Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018 của Thống đốc NHNN về việc chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND.
Nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động QTDND nói chung, nghiệp vụ thanh toán, chuyển tiền nói riêng của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng ban Kiểm soát; chấp hành và triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành Ngân hàng, NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đảm bảo hoạt động thanh toán, chuyển tiền của QTDND được an toàn, hiệu quả, bền vững.
Rà soát lại vị trí việc làm, tuyển dụng thêm cán bộ hoặc phân công cán bộ phù hợp làm công tác thanh toán, chuyển tiền; đảm bảo việc bố trí cán bộ thực hiện công việc đúng quy định, quy trình, đủ số lượng, nhất là các QTDND có quy mô hoạt động lớn, tránh việc kiêm nhiệm, làm thay sai quy định.
Tăng cường cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện làm việc, đầu tư vào công nghệ thông tin, đặc biệt có định hướng sớm về trang bị máy chủ đảm bảo lưu trữ an toàn, thông suốt. Đồng thời, có kế hoạch đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển tiền nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Các QTDND tăng cường kết nối hệ thống với Ngân hàng Hợp tác xã trong việc triển khai các dịch vụ, sản phẩm mới, đặc biệt là dịch vụ chuyển tiền, hướng đến sự thuận tiện cho khách hàng; đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, NHNN về quy trình, thủ tục, hồ sơ thanh toán, chuyển tiền, không qua loa, sơ sài, bỏ qua bất cứ một thao tác hay thủ tục quy định nào trong quá trình tác nghiệp. Yêu cầu khách hàng cung cấp trung thực và cập nhật kịp thời thông tin cá nhân; đồng thời có ý thức bảo mật tuyệt đối thông tin có liên quan đến việc sử dụng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền.
Tăng cường công tác chuyển đổi số trong hoạt động của QTDND, đặc biệt là chuyển đổi số trong nghiệp vụ thanh toán, chuyển tiền, lưu ý vấn đề cập nhật thường xuyên hồ sơ tài khoản khách hàng đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, chuyển tiền.
Các QTDND phải thường xuyên đảm bảo thông tin báo cáo về hoạt động thanh toán, chuyển tiền chính xác, kịp thời; báo cáo ngay những khó khăn, vướng mắc, những sai phạm (nếu có) xảy ra để NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng trị, Ngân hàng Hợp tác xã có quyết định xử lí kịp thời, đảm bảo an toàn hệ thống.
Ngân hàng Hợp tác xã cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ hoạt động thanh toán, chuyển tiền của các QTDND, đóng góp ý kiến trong việc lựa chọn đối tác cung cấp hạ tầng, phần mềm phục vụ thanh toán, chuyển tiền, bố trí nhân sự làm công tác thanh toán, chuyển tiền của QTDND; kết nối QTDND với các đơn vị cung cấp phần mềm thanh toán, chuyển tiền khi có vướng mắc xảy ra, phối hợp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả; kịp thời phản ánh với NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị về những hoạt động bất thường, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền của các QTDND trên địa bàn.
Thời gian tới, để triển khai hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về TTKDTM; đồng thời, khi Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chuẩn bị có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, nhiệm vụ của các QTDND trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là phải quán triệt đầy đủ nội dung của Nghị định và Quyết định trên đến toàn thể cán bộ, nhân viên để nắm bắt và thực hiện; có kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất, con người, đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo hoạt động thanh toán, chuyển tiền của Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND trên địa bàn phù hợp với chỉ đạo chung của ngành Ngân hàng về đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, chuyển tiền.
Nguyễn Xuân Hòa
NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Trị
Tin bài khác


Tín dụng tiếp tục là điểm sáng của ngành Ngân hàng

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi mua sắm trực tuyến: Nghiên cứu tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một

Tiếp tục phát huy hiệu quả tín dụng chính sách gắn với Chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ngãi

Hệ thống Ngân hàng Khu vực 14: Khơi thông vốn tín dụng phát triển kinh tế địa phương

Hoạt động của hệ thống ngân hàng Khu vực 15 góp phần phát triển kinh tế địa phương

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2025 - Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Thúc đẩy tín dụng xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo thông lệ quốc tế

Giải pháp "tích hợp mô hình D-SMART" dành cho doanh nghiệp ngành logistics tại Việt Nam và một số khuyến nghị

Xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị

Xây dựng hành lang pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị

Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ - tài khóa từ các nền kinh tế lớn đến tỉ giá tại Việt Nam

Hoạt động của ngân hàng chính sách trong cơ chế thị trường: Từ pháp luật đến thực tiễn thi hành

Khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng tại Việt Nam

Để đồng thuận xã hội chuyển đổi thuế hộ kinh doanh

Vị thế của đô la Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hiểu biết tài chính và truyền tải chính sách tiền tệ: Kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương châu Âu và một số khuyến nghị

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách
