Bảo hiểm nông nghiệp: "Lá chắn" tài chính trước rủi ro thiên tai
Nông nghiệp không chỉ là một ngành kinh tế đơn thuần mà còn là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù Việt Nam là một quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhưng khái niệm bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn khá xa lạ đối với người dân.
Sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro từ thiên tai nhưng chưa tiếp cận nhiều đến bảo hiểm
Theo dự đoán của Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức), Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai, với dự báo vào cuối thế kỷ này, các vùng đồng bằng trọng yếu sẽ phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới 12% dân số và gây thất thoát 10% GDP. Trong khi đó, nông nghiệp là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, đem lại sinh kế cho hơn 60% dân số nông thôn, chiếm đến 30% lực lượng lao động trong cả nước và đóng góp gần 12% vào GDP.
Trong tháng 9/2024, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão Yagi (bão số 3), tình trạng mưa lũ kéo dài ở nhiều địa phương tại miền Bắc gây thiệt hại lớn về sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), qua rà soát, thống kê thiệt hại, tính đến hết ngày 12/9/2024, bão số 3 và mưa lũ đã gây ảnh hưởng trên diện rộng về sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền Bắc. Cụ thể, 202.094 ha lúa và 39.298 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 22.288 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.848 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 4.594 gia súc, 1.786.872 gia cầm bị chết...
Để phòng ngừa tổn thất do thiên tai và những rủi ro khác, nhiều nông dân, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đã lựa chọn bảo hiểm nông nghiệp như một “tấm lưới” tài chính an toàn.
Vừa ký hợp đồng mua bảo hiểm nông nghiệp cho 150 ha rừng keo với mức phí 2,5 triệu đồng/ha/năm, ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận (Quảng Nam) chia sẻ, địa phương thường xuyên xảy ra bão lớn, năm 2020, một cơn bão đã gây đổ rừng keo, chủ rừng phải cho người dân khai thác lấy đất trồng lại, nên việc mua bảo hiểm nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp. Mức phí cho hợp đồng bảo hiểm không lớn trong chi phí sản xuất nhưng hỗ trợ tối đa được 75% giá trị. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Hiệp Thuận đã lập quỹ hỗ trợ rủi ro, theo đó, mỗi chủ rừng sẽ đóng góp từ 200.000 - 400.000 đồng/ha. Trong trường hợp gặp thiên tai, ngã, đổ, hư hại cây trồng từ 30% sẽ được chi trả gấp 10 lần số tiền đã đóng để tái sản xuất.
Thực tế cho thấy, bảo hiểm nông nghiệp đóng vai trò thiết yếu giúp ổn định nền kinh tế Việt Nam qua việc hỗ trợ người nông dân khi bị thiên tai, rủi ro; giảm thiểu biến động giá trên thị trường lương thực; ngăn ngừa lạm phát và bất ổn kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn ít vì sự thiếu liên kết giữa các tổ chức tín dụng, người dân và doanh nghiệp bảo hiểm. Người dân chưa có các khoản tài chính dành cho chi phí dự phòng và quản lý rủi ro, sản xuất còn manh mún. Trong khi đó, rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cao nên có ít doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào mảng này. Các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp trên thị trường mới dừng ở thí điểm theo đối tượng và khu vực.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp bảo hiểm, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo Minh cho biết, việc chào bán sản phẩm khó khăn do nông dân chưa có thói quen mua bảo hiểm vì tâm lý chung của nông dân khi mua bảo hiểm là nếu có thiệt hại xảy ra phải được bồi thường, tuy nhiên, nguyên tắc của ngành bảo hiểm là không bao trùm hết các rủi ro nên không phải trường hợp nào cũng được bồi thường; việc xác định giá trị bồi thường dựa theo đánh giá thiệt hại phải mất nhiều thời gian cũng khiến người mua ngần ngại.
Thông thường, mỗi khi gặp sự cố thiên tai hay dịch bệnh, nông dân thường trông chờ các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác hơn là bảo hiểm. Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm cũng ít có sản phẩm liên quan đến ngành nông nghiệp vì tính chất rủi ro cao, nguy cơ thua lỗ lớn do chi phí nhiều (chi phí quản lý, truyền thông, triển khai nghiệp vụ mới)…
Nhân viên bảo hiểm giám định thiệt hại sau mưa bão để bồi thường cho khách hàng
Bàn về giải pháp để gia tăng “lá chắn” của bảo hiểm nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam - Công ty công nghệ bảo hiểm đề xuất, cần có sự chung tay của các bên liên quan, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân để đầu tư cho những sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật số. Một mặt, các khoản trợ cấp của Chính phủ và các khung chính sách có thể khuyến khích áp dụng bảo hiểm, mặt khác, sự đổi mới của khu vực tư nhân có thể đem lại những giải pháp dễ dàng tiếp cận, tích hợp công nghệ. Về phía người nông dân, khi nhận thức được lợi ích lâu dài của hình thức bảo hiểm này sẽ tích cực tham gia để bảo vệ mùa màng và nguồn thu cho chính mình.
Ngoài ra, cần có thêm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm để tăng động lực tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, trong đó cho phép dùng ngân sách hỗ trợ cho bà con nông dân đến 20% phí bảo hiểm, song Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể về quy tắc, quy trình bảo hiểm để triển khai.
Tuy nhiên, trong điều kiện có hạn, việc hỗ trợ phí cho bảo hiểm nông nghiệp tạo ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến các cân đối lớn. Việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cần phải có thời hạn cụ thể và giảm dần mức hỗ trợ theo thời gian chứ không nên hỗ trợ trong một thời gian quá dài.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quy mô, mức độ tổn thất do thiên tai, dịch bệnh xảy ra làm cơ sở thống nhất cho việc xác định tổn thất và thiệt hại để bồi thường nhằm bảo đảm tính minh bạch trong quá trình xác định thiệt hại; cần quy định cơ quan có trách nhiệm giám sát việc thanh toán, chi trả bồi thường đối với người nông dân bị tổn thất, để việc nhận tiền được đúng hạn, kịp thời tái đầu tư, sản xuất.
Hương Giang