Phát triển kinh tế biển tổng hợp dựa trên tiềm năng, tài nguyên, vị thế ở huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh

Kinh tế - xã hội
Tài nguyên vị thế là những giá trị mà các đặc tính tự nhiên có thể đem lại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền, biên giới, biển đảo của quốc gia. Biển là cửa ngõ với hệ thống tài nguyên, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế.
aa

Tài nguyên vị thế là những giá trị mà các đặc tính tự nhiên có thể đem lại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, chủ quyền, biên giới, biển đảo của quốc gia. Biển là cửa ngõ với hệ thống tài nguyên, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế. Nằm trong vòng cung đảo gần bờ thuộc khu vực biển Đông Bắc, sở hữu vị trí địa chiến lược và tiềm năng tài nguyên vị thế đa dạng, huyện đảo Cô Tô có nhiều lợi thế để phát triển nền kinh tế biển tổng hợp đa ngành gắn với bảo tồn sinh thái, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, chủ quyền theo Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1. Tài nguyên vị thế huyện Cô Tô

1.1. Thuận lợi để phát triển kinh tế biển đa ngành


a. Nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá

Vùng biển Cô Tô có gần 200 loài thực vật phù du với 31 chi, 3 ngành tảo; hơn 60 loài động vật phù du gồm 2 giống thuộc 4 nhóm vỏ giáp, chân chèo và gần 100 loài động vật đáy, trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư, ốc nón, hải sâm, ngọc trai… Hệ sinh thái san hô ở Cô Tô phát triển rộng lớn ở độ sâu 10 - 20m, gồm 70 loài, 28 giống, 12 họ, trong đó có nhiều loài quý hiếm như san hô đỏ, san hô sừng1. Nguồn cá phong phú với hai nhóm cá nổi và cá đáy tập trung ở 3 bãi cá điển hình gồm: Bãi cá đáy và bãi cá nổi Bạch Long Vĩ, bãi cá nổi ven bờ tỉnh Quảng Ninh với những loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá miễn sành, cá mối thường, cá lượng, cá nục sồ, cá cơm, cá trích xương… Đặc biệt, điều kiện tự nhiên ở Cô Tô phù hợp để trai ngọc phát triển tốt. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để Cô Tô phát triển ngư nghiệp (khai thác gần bờ, đánh bắt xa bờ và thu mua hải sản).

Bên cạnh đó, vùng biển đảo Trần luôn có khoảng 60 - 80 thuyền đánh cá với hàng nghìn ngư dân từ 8 địa phương ven biển trong tỉnh từ Móng Cái đến Quảng Yên và nhiều tỉnh khác: Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi… đến khai thác và đánh bắt thủy sản tạo ra nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá. Khu vực quần đảo Cô Tô có điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển một trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển thực hiện các dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, thông tin cảnh báo thiên tai về gió, bão và lốc tố trên biển. Đặc biệt, nhu cầu dịch vụ y tế trên biển, mang tính nhân đạo và hỗ trợ người dân hoạt động kinh tế và thực hiện các quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên Vịnh Bắc Bộ.

b. Vận tải biển và giao thương quốc tế

Vịnh Bắc Bộ là một vùng biển phát triển kinh tế năng động với các lĩnh vực hàng hải, nghề cá, khai khoáng, du lịch và các dịch vụ khác. Thông qua Vịnh Bắc Bộ là những tuyến đường hàng hải quan trọng của Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc với các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là từ các cảng của Việt Nam: Hải Phòng, Hạ Long, Cẩm Phả tới Bắc Hải (Trung Quốc); trong đó, Cô Tô - đảo Trần có vai trò là cửa ngõ, là đảo án ngữ, kiểm soát con đường hàng hải quốc tế huyết mạch quan trọng này. Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển Bắc Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó mức tăng trưởng kinh tế các tỉnh, thành đến năm 2023 đều trên 12% với cơ cấu chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp và dịch vụ2. Trong không gian phát triển vùng, Cô Tô - đảo Trần có vai trò cửa ngõ nhất là trong quá trình hợp tác một vành đai và hai hành lang được thực hiện từ năm 2005. Các lĩnh vực hợp tác gồm thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, khai thác tài nguyên, chế biến và điện lực,... trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mê Kông3.


c. Phát triển du lịch

Cô Tô mang giá trị về sinh thái cảnh quan như một bảo tàng tự nhiên với các bãi tắm hoang sơ, nước biển trong, hệ sinh thái rừng nhiệt đới với 3 tầng cây cỏ và tầng dây leo, là hệ sinh thái rừng khá hiếm ở Việt Nam, thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và trải nghiệm. Nằm ở vị trí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, các bãi biển trên đảo Cô Tô còn có đặc điểm độc đáo là sườn ngầm khá sâu, hệ sinh thái san hô đa dạng, thích hợp với loại hình câu cá, lặn biển du lịch. Huyện Cô Tô có vị trí địa lí thuận lợi nằm trong quần thể du lịch trọng điểm Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái, là một lợi thế quan trọng để mở rộng thị trường và hợp tác phát triển.

d. Sản xuất năng lượng tái tạo

Ở huyện đảo Cô Tô có hai mùa gió trong năm, mùa gió Đông Bắc mang không khí lạnh (từ tháng 11 đến tháng 3) và mùa gió Đông Nam (từ tháng 4 đến tháng 10). Các hoàn lưu gió mùa này kết hợp với điều kiện địa hình phức tạp nơi đây tạo nên chế độ gió rất đặc trưng với hai hướng gió chính. Dựa vào cơ sở dữ liệu đo gió tại Cô Tô, các nhà khoa học đã tiến hành tính toán xác định các đại lượng đặc trưng về chế độ gió, tiềm năng năng lượng gió tại các độ cao 10m, 35m, 50m, 80m. Kết quả tính toán cho thấy, càng lên cao năng lượng gió tại Cô Tô càng lớn và khả năng khai thác càng hiệu quả. Nếu như ở độ cao 10m, mật độ năng lượng trung bình và tổng năng lượng trung bình năm mới chỉ đạt 55,6W/mét vuông và 489,1kWh/mét vuông thì các con số này đã tăng lên khoảng 7 lần là 383,1W/mét vuông và 3.371,5kWh/mét vuông ở độ cao 80m4.


Theo tiêu chuẩn đánh giá của Hiệp hội Năng lượng gió Thế giới, tại độ cao 25m thích hợp sử dụng điện gió công suất nhỏ, từ độ cao 50m đến 80m có khả năng sử dụng máy phát điện sức gió công suất vừa và lớn. Như vậy, các loại máy điện gió công suất nhỏ 10kW đến các máy điện gió công suất lớn 1,5MW có thể sử dụng hiệu quả ở Cô Tô và tại các vị trí trên vùng núi cao và các vùng biển gần bờ, thuận lợi nhất là vùng Đông và Đông Bắc của huyện đảo có khả năng xây dựng các nhà máy điện gió công suất lớn, đáp ứng nhu cầu năng lượng của Cô Tô, thậm chí có thể bổ sung nguồn năng lượng điện cho hệ thống điện lưới quốc gia nếu các nguồn điện gió được đấu nối vào hệ thống điện bằng hệ thống cáp ngầm dưới biển.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, Quảng Ninh có tới 250km đường biển, cùng hệ thống hạ tầng đấu nối, truyền tải điện tốt nhất cả nước là cơ sở để phát triển năng lượng điện gió trên đất liền và ngoài khơi, với khoảng 13.000MW dọc bờ biển, khoảng 2.300MW trên bờ, tập trung nhiều nhất ở đảo Cô Tô5; định hướng đến năm 2030, sẽ phát triển nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi với tổng công suất bước đầu khoảng 2.500MW, trong đó điện gió ngoài khơi là 500MW tại Cô Tô6.

1.2. Giá trị về an ninh quốc phòng, chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển

Cụm đảo Cô Tô - Thanh Lân: Cụm đảo bao quát vùng biển rộng lớn có thể kiểm tra, kiểm soát toàn bộ các tuyến đường thủy ra vào các cửa biển, bến cảng của Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn,... Với địa hình thuận lợi cho phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp (nhiều vũng vịnh, cửa biển, cao điểm, mũi đá, bến bãi...), đảo Thanh Lân có bờ mài mòn vũng vịnh phát triển, có sườn Đông hẹp và dốc cùng với các đảo nhỏ lân cận tạo thành căn cứ quân sự liên hoàn, trở thành lá chắn vững chắc bảo vệ lãnh hải và vùng nội thủy ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng.

Cụm đảo Trần: Thông qua nội dung Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 và nội dung của Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 25/12/2000, có thể thấy đảo Trần có giá trị to lớn và vững chắc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam khi nằm cách đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ khoảng gần 7 hải lí. Khu vực đảo Trần và quần đảo Cô Tô đã góp phần xác định (từ vị trí số 1 đến số 9, đặc biệt là điểm cực Đông của đảo Bồ Cát - đảo Trần Nhạn) thuộc về lãnh hải của Việt Nam7. Với 21 vị trí được xác định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích Vịnh Bắc Bộ. Việc quản lí một vùng biển rộng đầy tiềm năng xung quanh đảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế đất nước.


1.3. Giá trị trong nghiên cứu và bảo tồn

Với đặc tính đa dạng sinh học cao, vùng đảo Trần là một trong 16 khu bảo tồn biển của Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Dự án thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần để bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù và các loại sinh vật biển quý hiếm có tổng diện tích trên 18.400 ha, bao gồm khu bảo tồn trên 13.230 ha và vùng đệm trên 5.184 ha với phương án đầu tư dự kiến 184 tỉ đồng8.


2. Thực trạng phát triển kinh tế biển huyện Cô Tô

2.1. Khai thác nguồn lợi thủy sản, phát triển ngư nghiệp

Với lợi thế về ngư trường rộng lớn và nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao, ngư nghiệp từ lâu đã là sinh kế chủ yếu của người dân Cô Tô. Nhờ định hướng đúng và sự đầu tư của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh và của huyện, cũng như nỗ lực của ngư dân, khai thác thủy hải sản ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng nhanh, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Hình 1. Tổng sản lượng khai thác thủy sản giai đoạn từ 1994 – 2022

(đơn vị: Tấn/năm)

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo kinh tế - xã hội các năm của UBND huyện Cô Tô


Tổng sản lượng khai thác thủy sản và doanh thu từ nghề cá không ngừng gia tăng: Năm 1994, sản lượng đánh bắt là 218 tấn, doanh thu 5,5 tỉ đồng; giai đoạn 2010 - 2015, sản lượng bình quân hơn 9.916 tấn, doanh thu bình quân 442 tỉ đồng (Hình 1). Riêng năm 2022, sản lượng đánh bắt đạt 6.110 tấn, doanh thu đạt 460 tỉ đồng.

2.2. Tập trung phát triển dịch vụ, du lịch

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ VI (2020 - 2025) đã xác định “Phát huy lợi thế các ngành kinh tế biển gắn với phát triển mạnh dịch vụ du lịch; xây dựng Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao”. Ngày 12/01/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 99/QĐ-UBND về việc công nhận 3 tuyến, 2 điểm du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, đây là một trong những cơ sở pháp lí để huyện Cô Tô tập trung phát triển và khai thác lợi thế về biển; cụ thể:

Tuyến 1: Thị trấn Cô Tô - xã Đồng Tiến là tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái biển. Các điểm thăm quan như bãi đá Móng Rồng, Chợ trung tâm huyện, Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, chùa Cô Tô và Khu di tích lịch sử Đồn Cao, Đường tình yêu và Bãi tắm Nam Hải, Trạm Hải đăng - đèn biển, Hồ Trường Xuân, Bãi biển Hồng Vàn, rừng Chõi nguyên sinh và Bãi biển Vàn Chảy.

Tuyến 2: Thị trấn Cô Tô - đảo Cô Tô con với đặc trưng là du lịch sinh thái biển, khám phá trải nghiệm với các điểm du lịch như bãi Nam, bãi Đông, hòn Sư Tử, hòn Dê và hòn Cá Chép.

Tuyến 3: Thị trấn Cô Tô - xã Thanh Lân với đặc trưng là du lịch sinh thái biển, tham quan trải nghiệm. Các điểm thăm quan là bãi biển Vụng Ba Châu, hòn Miếu, hòn Thanh Mai và vụng Ăng ten.

Điểm du lịch: 02 điểm du lịch tại xã Thanh Lân và Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; trong thời gian tới, đảo Trần cách Cô Tô 50 km cũng là một điểm du lịch đặc biệt sẽ được đưa vào khai thác.


Huyện đảo Cô Tô có nhiều lợi thế để phát triển nền kinh tế biển tổng hợp đa ngành gắn với bảo tồn sinh thái, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, chủ quyền


Với định hướng phát triển nhất quán, du lịch Cô Tô đang có những bước phát triển khả quan. Lượng khách du lịch tới Cô Tô có xu hướng gia tăng (Hình 2). Đặc biệt, lượng khách đến Cô Tô trong năm 2022 tăng cao với 215.000 lượt du khách, tổng doanh thu du lịch đạt trên 600 tỉ đồng, lĩnh vực du lịch đã cơ bản phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19.


Hình 2: Lượng khách du lịch tới huyện Cô Tô giai đoạn 2015 - 2021

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo kết quả thực hiện đề án phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Cô Tô và báo cáo kinh tế - xã hội các năm của UBND huyện Cô Tô


Đến hết năm 2022, huyện Cô Tô có 228 cơ sở lưu trú với gần 3.000 phòng nghỉ trong đó có 4 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 3 cơ sở tương đương 3 sao với trên 450 phòng nghỉ, phần lớn là các cơ sở dân doanh. Chất lượng các cơ sở lưu trú được đánh giá còn hạn chế, hầu hết chưa được công nhận hay xếp hạng; chưa có các khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn đón khách chất lượng cao, có chi tiêu cao.

Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chiếm trên 65% (năm 2022) cơ cấu kinh tế của huyện.

3. Một số thách thức trong phát triển kinh tế biển huyện Cô Tô

Thứ nhất, hoạt động du lịch ở Cô Tô còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ và phân tán, chưa có các sản phẩm du lịch chủ lực, chưa có sự đầu tư đồng bộ với quy mô lớn vào hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Kết nối giao thông với đảo chủ yếu bằng đường thủy, thời gian đi lại kéo dài và thường bị tác động bởi gió, bão. Điều kiện thời tiết phân thành 2 mùa rõ rệt, do vậy, du lịch Cô Tô vẫn mang dáng dấp “Du lịch một mùa” và thường chỉ kéo dài 4 - 5 tháng, gây ra nhiều khó khăn và thách thức, cũng như hiệu quả trong việc thu hút đầu tư và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng.

Thứ hai, huyện đảo Cô Tô đã thực hiện nhiều đề án về phân loại, xử lí rác thải nhất là rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt để đảm bảo môi trường trong sạch, phù hợp với định hướng phát triển du lịch bền vững. Từ tháng 7/2020, huyện đã đầu tư hệ thống lò đốt rác mới với công suất thiết kế 750 kg/giờ, xử lí được khoảng 70% lượng rác thải phát sinh trong ngày tại đảo Cô Tô lớn. Tuy nhiên, vì nằm gần điểm giao nhau của các dòng hải lưu, Cô Tô luôn chịu những cuộc “đổ bộ theo mùa” của rác thải từ đại dương, trong đó, bãi Tình Yêu, Hồng Vàn là bãi biển bị rác "tấn công" nhiều nhất do bãi biển này nằm ở hướng Tây Nam và Đông Bắc của đảo, là nơi hứng gió và thủy triều lên. Chính vì thế, vấn đề môi trường và rác thải vẫn là điểm nóng cần được quan tâm giải quyết, nhất là vào các mùa cao điểm đón khách du lịch.

Thứ ba, sau năm 1979, cư dân Cô Tô hầu hết có nguồn gốc dân “kinh tế mới” được quần tụ từ 14 tỉnh ven biển trong cả nước; với đa dạng quê quán, vùng miền vì thế rất nhiều người dân Cô Tô vẫn còn gìn giữ những nét bản sắc văn hóa của cố hương. Điều này tạo ra thách thức trong việc xây dựng, kiến tạo và hình thành mẫu số văn hóa chung của huyện đảo Cô Tô, khiến huyện đảo gặp khó khăn trong việc thiết lập các lễ hội truyền thống mang tính đại diện và các sản phẩm du lịch chủ lực nhất là du lịch văn hóa, tâm linh.

4. Giải pháp phát triển kinh tế biển tổng hợp, bền vững huyện Cô Tô

Quy hoạch và thu hút đầu tư đồng bộ


Thực tế cho thấy, “có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt”, tỉnh Quảng Ninh và huyện Cô Tô cần có định hướng quy hoạch các phân khu, trong đó có các vùng bảo tồn sinh thái, vùng phát triển kinh tế và vùng dành cho quốc phòng an ninh nhằm đảm bảo sự ổn định và cân bằng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là các hạ tầng công cộng; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp, các tập đoàn có tiềm lực, có kinh nghiệm quản lí vận hành vào đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ lĩnh vực giao thông, dịch vụ hậu cần nghề cá và dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nghiên cứu, mở thêm phương thức kết nối giao thông đường không - thủy phi cơ, trực thăng9 để đưa khách cao cấp ra Cô Tô.


Kiến tạo văn hóa, tạo đa dạng sản phẩm, thúc đẩy du lịch

Một mô hình phát triển kinh tế biển bền vững không thể chỉ dựa vào các chỉ số kinh tế mà còn phụ thuộc vào mức độ cải thiện chất lượng cuộc sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Vì vậy, giữ gìn, phát huy và kiến tạo nền văn hóa biển sao cho phù hợp, thích nghi với nhu cầu chuyển biến không ngừng theo sự vận động và phát triển của xã hội là mối quan hệ cơ bản cần được giải quyết một cách hài hòa để phát triển bền vững kinh tế biển. Do đó, huyện Cô Tô cần tập trung tới việc tôn tạo, phục dựng và thiết lập đa dạng các điểm sinh hoạt tâm linh, văn hóa; tìm hiểu về đặc trưng văn hóa ngư - nông kết hợp để kiến tạo, phát triển các lễ hội văn hóa, các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng nhằm tạo môi trường tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh cho cư dân huyện đảo và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Xây dựng và áp dụng các mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và khai thác, sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển

Thực tế cho thấy, chỉ có cộng đồng dân cư tham gia quản lí tài nguyên và môi trường biển mới đảm bảo khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên, bảo tồn được sự đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Huyện Cô Tô có thể học tập kinh nghiệm và triển khai một số mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và khai thác, sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển được áp dụng thành công như: Mô hình quản lí rừng dừa nước ven sông Hoài, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An); Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi cá biển bằng nghề cá bền vững

Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, đánh bắt quá mức, bằng các hình thức hủy diệt là nguyên nhân chính gây suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi cá biển. Do đó, việc thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật về phát triển nghề cá bền vững; tập trung các giải pháp chống đánh bắt hủy diệt, trái phép, không khai báo và không đúng quy định (IUU fishing) là biện pháp cốt lõi để đảm bảo phát triển nghề cá bền vững. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần mạnh dạn đề xuất với Chính phủ về triển khai thí điểm thực hiện chính sách quy định cấm đánh bắt có thời hạn tại các khu vực phù hợp theo thời gian, nhất là trong mùa sinh sản của các loài thủy sản, để hệ sinh thái biển có thời gian khôi phục, phục hồi, đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi, đảm bảo sinh kế cho ngư dân và nhân dân trong khu vực.

Tập trung phát triển kinh tế biển xanh

Tăng cường bảo vệ môi trường biển, chú trọng đảm bảo quản lí, xử lí tốt các nguồn thải từ bờ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải nguy hại như kim loại nặng, rác thải nhựa bằng cách sử dụng vật liệu thay thế thân thiện môi trường hoặc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhằm giảm thiểu phát thải, giảm ô nhiễm môi trường cũng như phân loại, thu gom và tái chế, tái sử dụng và xử lí hiệu quả rác thải, nước thải.

Đảm bảo quyền sở hữu, sử dụng công cộng tại các bãi biển và các khu vực biển quan trọng để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển và sự liên tục của các hệ sinh thái từ dưới biển lên bờ. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo về việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Xây dựng các cơ chế tài chính sáng tạo để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Lượng giá các dịch vụ sinh thái biển và vùng bờ biển và sử dụng các công cụ tài chính để điều chỉnh một cách hiệu quả các hành vi khai thác tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái biển.

Cần có sự liên kết, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các địa phương ven biển và các huyện đảo ngoài khơi, xa bờ có tính tương đồng trong bảo vệ môi trường biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển.

5. Kết luận

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, dưới định hướng phát triển “năng động, toàn diện” của tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô đang nỗ lực, phấn đấu, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép là phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng, chủ quyền biên giới, biển đảo.

Bởi vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, có các chính sách ưu tiên cho việc đầu tư hạ tầng, các công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng như cảng bến kết nối các đảo; bến cất hạ cho thủy phi cơ, trực thăng; các tuyến đường giao thông kết nối nội đảo; các công trình chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống xâm thực; các công trình xử lí nước thải, rác thải; xây dựng trung tâm cứu hộ cứu nạn; khu neo đậu tránh trú bão với cầu cảng vừa sử dụng cho tàu cá, vừa có thể sử dụng cho tàu khách; nghiên cứu thực hiện chính sách đặc thù như phụ cấp thu hút đối với công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục; chế độ nhà công vụ cho cán bộ nơi khác ra đảo công tác; chính sách cho ngư dân bám biển…

1 Đỗ Văn Khương, Chu Tiến Vĩnh (2007), kết quả Đề tài: "Đánh giá nguồn lợi cá, rạn san hô ở một số vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển và một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao ở dốc thềm lục địa Việt Nam, đề xuất các giải pháp sử dụng bền vững nguồn lợi".

2Trần Đức Thạnh (2013), Tài nguyên vị thế địa - kinh tế và địa - chính trị đảo Bạch Long Vĩ, Tạp chí Khoa học
và Công nghệ biển, tập 13, số 3/2013, tr. 209.

3Trần Đức Thạnh, Nguyễn Hữu Cử, Đỗ Công Thung, Trần Đình Lân, Đinh Văn Huy, Phạm Hoàng Hải (2011), Định hướng quản lí tổng hợp vùng bờ biển Bắc Bộ, Nxb. KHTN&CN, Hà Nội.

4Viện Khoa học năng lượng (2009), Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học lập quy hoạch tổng thể cung cấp năng lượng bền vững phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh”

5Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

6Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

7Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ, kí ngày 25/12/2000, xác định: “Mặt thẳng đứng đi theo đường biên giới lãnh hải của hai nước quy định tại khoản 1 Điều này phân định vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải hai nước”. Xem: Ủy Ban Biên giới quốc gia: Quản lí biển trong vịnh Bắc Bộ, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 2005, tr. 121

8UBND tỉnh Quảng Ninh, Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần, tỉnh Quảng Ninh số 1614/QĐ-UBND ngày 19/5/2020.
9Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Tài liệu tham khảo:

1. Niên giám thống kê huyện Cô Tô năm 2021.
2. Trần Đức Thạnh (2013), Tài nguyên vị thế địa - kinh tế và địa - chính trị đảo Bạch Long Vĩ, Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển, tập 13, số 3/2013.
3. Trần Đức Thạnh, Nguyễn Hữu Cử, Đỗ Công Thung, Trần Đình Lân, Đinh Văn Huy, Phạm Hoàng Hải (2011), Định hướng quản lí tổng hợp vùng bờ biển Bắc Bộ, Nxb. KHTN&CN, Hà Nội.
4. UBND huyện Cô Tô, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của huyện Cô Tô giai đoạn 1994 - 2004, 2010 - 2020, năm 2021, 2022.
5. Ủy Ban Biên giới quốc gia (2005), Quản lí biển trong vịnh Bắc Bộ, Bộ Ngoại giao, Hà Nội.



TS. Nguyễn Việt Dũng (Bí thư Huyện ủy Cô Tô)
TS. Đoàn Thị Thu Hương (Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Thực thi ESG: Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Thực thi ESG: Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Chiều 23/4/2025, Báo Dân trí tổ chức Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”. Diễn đàn đã khẳng định, ESG không chỉ là xu hướng, mà đang trở thành kim chỉ nam cho Việt Nam phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh và hội nhập toàn cầu trong thời đại chuyển đổi xanh và số hóa nền kinh tế.
Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế: Nâng tầm vị thế Việt Nam

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế: Nâng tầm vị thế Việt Nam

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, nhiều quốc gia đã chủ động phát triển các trung tâm tài chính như một mũi nhọn chiến lược thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập. Với độ mở kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam liệu đã hội tụ đủ các điều kiện để phát triển các trung tâm tài chính. Sự ra đời của Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến trung tâm tài chính tại Việt Nam chính là bước đi đầu tiên trong hành trình đó. Nhằm làm rõ thêm tiềm năng, điều kiện, thách thức cũng như những đề xuất cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính.
Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Trân trọng giới thiệu bài viết "CHUNG TAY MỞ RA KỶ NGUYÊN PHÁT TRIỂN MỚI CỦA QUAN HỆ HỮU NGHỊ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC" của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị Trung ương 11: Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử

Hội nghị Trung ương 11: Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử

Sau ba ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc chiều 12/4.
Môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch: Sức hút để

Môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch: Sức hút để 'tăng tốc' dòng vốn FDI

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế của quốc gia và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn nữa thì xây dựng và bảo đảm một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, thuận lợi sẽ là điểm mạnh để các nhà đầu FDI hướng đến Việt Nam.
Tương lai cho thế hệ vươn mình

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Trân trọng giới thiệu bài viết "TƯƠNG LAI CHO THẾ HỆ VƯƠN MÌNH" của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Dòng vốn ngân hàng hỗ trợ kinh tế tư nhân phát huy thế mạnh vai trò huyết mạch của nền kinh tế

Dòng vốn ngân hàng hỗ trợ kinh tế tư nhân phát huy thế mạnh vai trò huyết mạch của nền kinh tế

Xác định phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia; thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khu vực này. Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “Vốn ngân hàng góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 21/3.
Đẩy mạnh các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Đẩy mạnh các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cơ quan này đã và đang triển khai nhiều chính sách cải cách, điều chỉnh pháp lý và hợp tác với tổ chức xếp hạng quốc tế đều hướng đến mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Xem thêm
Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, để đạt được sự phát triển bền vững và hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Trong bối cảnh các chính sách thuế quan và các biện pháp thương mại quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chiến lược linh hoạt và kịp thời để đối phó với những thách thức, đồng thời tận dụng các cơ hội từ thị trường nội địa và quốc tế.
Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Để xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, đồng thời tạo sự tương thích đối với Luật Giao dịch điện tử năm 2023, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường tính an toàn, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động giao dịch điện tử.
Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Nghiên cứu này đã hệ thống hóa khung pháp lý toàn cầu và thực tiễn Việt Nam về phát triển ngân hàng bền vững, qua đó làm nổi bật xu hướng hội tụ giữa tiêu chuẩn quốc tế và nỗ lực địa phương hóa. Nghiên cứu cũng khẳng định xu hướng tất yếu là hài hòa hóa tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về minh bạch hóa thông tin và hợp tác đa bên để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm môi trường.
Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, CBDC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, tăng cường tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả giám sát tiền tệ. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có một chiến lược rõ ràng, bao gồm: Xác định rõ mục tiêu của CBDC, xây dựng khung pháp lý toàn diện, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thử nghiệm các mô hình triển khai phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu.
Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực  truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Chuyển đổi số mang lại cơ hội cũng như thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông, báo chí ngành Ngân hàng Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp báo chí gia tăng khả năng truyền tải thông tin, mà còn làm thay đổi phương thức quản lý, sản xuất và phân phối tin tức. Điều này đòi hỏi báo chí ngành Ngân hàng phải đổi mới mô hình tổ chức, bảo đảm tính linh hoạt và sáng tạo.
Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Chính quyền Mỹ cho biết, khi xác định mức thuế quan đối ứng cho mỗi quốc gia, họ không chỉ xem xét thuế nhập khẩu mà còn các hoạt động khác mà họ cho là không công bằng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp của chính phủ, chiến lược thao túng tiền tệ, chuyển nhượng công nghệ và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hòa cùng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã từng bước tiếp cận và áp dụng các Hiệp ước vốn Basel. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 20 NHTM áp dụng Basel II và 10 NHTM tiên phong áp dụng Basel III. Đây là bước tiến quan trọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm đáp ứng các chuẩn mực và quy định quốc tế.

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 64/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc