
Phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025
![]() |
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. (Ảnh: DUY LINH) |
Sáng 19/2/2025, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 459/461 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua nghị quyết này, chiếm tỷ lệ 96,03%.
Theo nghị quyết, Quốc hội quyết nghị mục tiêu củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
![]() |
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. (Ảnh: DUY LINH) |
Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Nghị quyết cũng điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu, theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD. GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Để đạt mục tiêu trên, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
![]() |
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. (Ảnh: DUY LINH) |
Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…).
Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công.
Theo đó, trong năm 2025, cơ bản hoàn thành cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia.
Bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.
Triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động, bổ sung nguồn lực cho phát triển…
Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế; đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
Nghị quyết cũng nêu rõ, Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, tăng tốc, bứt phá, về đích, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, làm nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo.
Tin bài khác


Thủ tướng: Năm 2025, dự kiến quy mô kinh tế Việt Nam trên 500 tỷ USD

Thư chúc mừng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhân dịp kỷ niệm 74 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thực thi ESG: Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Hội nghị Trung ương 11: Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử

Môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch: Sức hút để 'tăng tốc' dòng vốn FDI

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ
