Một số bất cập của Quy tắc thống nhất về bảo lãnh theo yêu cầu URDG 758 2010 của ICC

Nghiên cứu - Trao đổi
Bảo lãnh là một biện pháp đảm bảo nghĩa vụ dân sự thông dụng, nhưng cho đến nay trên thế giới chưa có luật quốc tế nào được ban hành để điều chỉnh phương thức bảo lãnh này ngoài các tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ban hành là Quy tắc Thống nhất về Bảo lãnh theo yêu cầu (Uniform Rules for Demand Guarantees) số 458 năm 1992 (gọi tắt là URDG 458 1992) và bản sửa đổi hiện hành năm 2010, số 758 (gọi tắt là URDG 758 2010).
aa

Tóm tắt: Bảo lãnh là một biện pháp đảm bảo nghĩa vụ dân sự thông dụng, nhưng cho đến nay trên thế giới chưa có luật quốc tế nào được ban hành để điều chỉnh phương thức bảo lãnh này ngoài các tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ban hành là Quy tắc Thống nhất về Bảo lãnh theo yêu cầu (Uniform Rules for Demand Guarantees) số 458 năm 1992 (gọi tắt là URDG 458 1992) và bản sửa đổi hiện hành năm 2010, số 758 (gọi tắt là URDG 758 2010).

URDG 758 2010 là một bộ quy tắc rõ ràng, chính xác và toàn diện hơn các quy tắc trước đó về bảo lãnh. Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng URDG 758 2010 vào đời sống kinh tế - xã hội đã xuất hiện một số bất cập. Bài viết này phân tích những bất cập trong một số điều khoản của URDG 758 2010 nhằm lưu ý người sử dụng bảo lãnh và hướng tới các bổ sung chỉnh sửa cần thiết cho một URDG trong tương lai.

Từ khóa: Bảo lãnh theo yêu cầu, bảo lãnh, người bảo lãnh, người yêu cầu, người thụ hưởng.

SOME INADEQUACIES OF THE UNIFORM RULES ON DEMAND GUARANTIESN- URDG 758 ICC 2010

Abstract: Guarantee is a common method of ensuring civil obligations, but until now in the world, no international law has been issued to regulate this method of guarantee, other than international trade practices established by the International Chamber of Commerce (ICC). ICC issued Uniform Rules for Demand Guarantees No. 458 of 1992 (referred to as URDG 458 1992) and the current amendment in 2010, No. 758 (referred to as URDG 758 2010 ICC).

URDG 758 2010 is a clearer, more precise and comprehensive set of rules than the previous rules on guarantees. However, through the actual application of URDG 758 2010 to socio-economic life, some inadequacies have appeared. This article analyzes the inadequacies in some provisions of URDG 758 2010 to draw attention to guarantee users and point towards necessary additions and corrections for a future URDG.

Keywords: Demand guarantee, guarantee, guarantor, aspplicant, beneficiary.

1. Giới thiệu

Trong lĩnh vực thương mại quốc tế cũng như thương mại quốc gia, nếu phương thức tín dụng chứng từ là phương thức được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực tài trợ cho người mua, nhà nhập khẩu và đảm bảo tài trợ thanh toán cho người bán, nhà xuất khẩu, thì phương thức bảo lãnh có phạm vi tài trợ rộng hơn nhiều, không chỉ ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, đầu tư, mà còn cả lĩnh vực hoạt động dân sự. Có thể liệt kê các loại hình bảo lãnh như: Bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh các hoạt động dân sự như bảo lãnh tái bảo hiểm, bảo lãnh hợp đồng phụ, bảo lãnh tòa án, bảo lãnh của công ty mẹ và bảo lãnh sự đảm bảo…

Bảo lãnh có phạm vi sử dụng rất rộng nên ICC đã ban hành một số các quy tắc thống nhất về bảo lãnh hiện đang được lưu hành trên thị trường, gồm: Các quy tắc Thống nhất về trái phiếu hợp đồng (Uniform Rules for Contract Bonds - URCB); Các quy tắc Thống nhất về bảo lãnh hợp đồng (Uniform Rules for Contract Guarantees - URCG) và URDG.

URDG 758 2010 được Ban điều hành ICC nhất trí thông qua tại cuộc họp ở New Delhi vào ngày 03/12/2009, có hiệu lực vào ngày 01/7/2010. URDG 758 2010 không chỉ cập nhật URDG 458 1992, mà còn là kết quả của một quá trình đầy tham vọng nhằm xây dựng một bộ quy tắc mới vào thế kỉ 21 rõ ràng, chính xác và toàn diện hơn. URDG 758 2010 nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, cơ quan quản lí ngân hàng, nhà lập pháp và liên đoàn nghề nghiệp, được sử dụng bởi các ngân hàng, doanh nghiệp trên thế giới và ở các lĩnh vực công nghiệp. Ở Việt Nam, URDG 758 2010 được chủ yếu sử dụng khi các ngân hàng phát hành bảo lãnh có yếu tố nước ngoài.

2. Tổng quan về URDG 758 2010 của ICC

Trải qua 18 năm kể từ khi được ICC ban hành và ứng dụng trên thị trường (1992 - 2010), URDG 458 1992 đã gặt hái được những thành công nhất định, đặc biệt, đã đem lại sự tin tưởng cho các ngân hàng, doanh nghiệp, các tổ chức phi tài chính và các cá nhân. Tuy nhiên, để thích ứng với sự thay đổi và xu thế phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, URDG 458 1992 cần phải sửa đổi cho phù hợp. Theo đó, ngày 03/12/2010, phiên bản URDG 758 2010 đã chính thức được ICC ban hành và 10 năm sau, ICC tiếp tục ban hành Tập quán Tiêu chuẩn quốc tế đối với cam kết bảo lãnh theo yêu cầu (International Standard Demand Guarantee Practice - ISDGP 758) để sử dụng trong hoạt động bảo lãnh.

Trong số các quy tắc trên, URDG 758 2010 hiện được tham chiếu phổ biến trong các thư bảo lãnh và được các ngân hàng phát hành cho các doanh nghiệp trên khắp thế giới, đặc biệt là các ngân hàng châu Âu và ngân hàng theo thông lệ châu Âu, trong đó có các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam. URDG 758 2010 gồm 35 điều khoản, thể hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến một giao dịch bảo lãnh như: Áp dụng URDG; định nghĩa; diễn giải; phát hành và hiệu lực; tính độc lập của bảo lãnh và bảo lãnh đối ứng; chứng từ đối với hàng hóa, dịch vụ hoặc việc thực hiện; các điều kiện phi chứng từ; nội dung của các chỉ thị và bảo lãnh; thông báo bảo lãnh và sửa đổi; các sửa đổi; xuất trình; yêu cầu thanh toán; kiểm tra; thanh toán; bất khả kháng; chuyển nhượng bảo lãnh và chuyển nhượng tiền thu được; luật điều chỉnh; giải quyết tranh chấp... Điều 2 URDG 758 2010 cũng đã quy định: Bảo lãnh theo yêu cầu hoặc bảo lãnh có nghĩa là bất kì một cam kết đã kí nào, dù được đặt tên hoặc mô tả như thế nào để thanh toán khi xuất trình một yêu cầu phù hợp.

So với URDG 458 1992, URDG 758 2010 có rất nhiều đổi mới, cụ thể:

Thứ nhất, URDG 758 2010 được sửa đổi nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích của ba bên, gồm bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh và bên thụ hưởng. Việc thêm điều khoản bảo lãnh đối ứng (Counter - Gurantees) vào URDG 758 2010 nhằm thỏa mãn lợi ích giữa người được bảo lãnh và người thụ hưởng bảo lãnh (Điều 2). Điều 15 và 24 về chứng từ yêu cầu thanh toán quy định những cơ sở pháp lí thanh toán, nếu xuất trình chứng từ phù hợp. Các điều khoản này nhằm cân bằng lợi ích của cả ba bên.

Thứ hai, quy định về chuyển nhượng bảo lãnh của URDG 758 2010 cũng hoàn toàn khác với quy định trong URCB (số 524) và URDG 458 1992. Trái phiếu phát hành tuân thủ URCB 524 chỉ có thể được chuyển nhượng theo Luật thương phiếu của nước tạo lập trái phiếu, URCB không điều chỉnh loại trái phiếu này. Nếu URDG 458 1992 chỉ quy định chuyển nhượng tiền thu được của cam kết bảo lãnh thì URDG 758 2010 còn quy định thêm quyền chuyển nhượng cam kết bảo lãnh (Điều 33).

Thứ ba, đặc trưng nổi bật của URDG 758 2010 là tính chứng từ của cam kết bảo lãnh, thể hiện tại Điều 6: “Các bên bảo lãnh giao dịch bằng chứng từ, không giao dịch bằng hàng hóa, các dịch vụ hoặc các thực hiện mà chứng từ có liên quan”.

Thứ tư, tính chất cơ bản của cam kết bảo lãnh theo yêu cầu thể hiện ở tính độc lập của cam kết bảo lãnh. Cam kết bảo lãnh tuân thủ URDG 758 2010 độc lập với: Giao dịch cơ sở; đơn yêu cầu phát hành cam kết bảo lãnh; các giao dịch khác có liên quan đến việc hình thành và vận hành cam kết bảo lãnh. Tính độc lập của cam kết bảo lãnh còn được thể hiện ở quy định tại Điều 18 về sự riêng biệt của mỗi chứng từ yêu cầu thanh toán.

Thứ năm, cấu trúc nội dung URDG 758 2010 dễ hiểu, dễ nhận biết và khoa học. Ví dụ: Điều 2 URDG 758 2010 bao gồm các định nghĩa rõ ràng như: “Thời hạn hiệu lực”, “Ngày hết hạn hiệu lực”, “Sự kiện hết hạn hiệu lực”...; URDG 758 2010 khẳng định rằng Cam kết bảo lãnh là không thể hủy bỏ (Điều 4 (b)); Đơn giản hóa quy định của Luật điều chỉnh bảo lãnh (Điều 34): “Trừ trường hợp bảo lãnh có quy định khác, Luật điều chỉnh bảo lãnh sẽ là địa điểm của chi nhánh hoặc văn phòng của người phát hành bảo lãnh”...

Có thể nói, URDG 758 2010 là một quy tắc rõ ràng, chính xác và toàn diện hơn các quy tắc trước đây về bảo lãnh. Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng vào thực tiễn, ICC URDG 758 2010 đã bộc lộ một số bất cập cần tiếp tục hoàn thiện.

3. Phân tích một số bất cập của URDG 758 2010 cần lưu ý

3.1. Điều 1: Nguyên tắc áp dụng URDG 758 2010

Điều 1(a) URDG 758 2010 quy định: Các quy tắc thống nhất đối với bảo lãnh theo yêu cầu “URDG” áp dụng cho bất kì cam kết bảo lãnh theo yêu cầu hoặc cam kết bảo lãnh đối ứng nào chỉ ra một cách rõ ràng là có dẫn chiếu đến các quy tắc này. Các quy tắc này ràng buộc tất cả các bên trong cam kết bảo lãnh theo yêu cầu hoặc cam kết bảo lãnh đối ứng trừ khi cam kết bảo lãnh theo yêu cầu hoặc cam kết bảo lãnh đối ứng loại trừ hoặc sửa đổi các quy tắc này trong một chừng mực nhất định. URDG 758 2010 quy định 2 nguyên tắc áp dụng sau đây:

Một là, các bên muốn áp dụng URDG 758 2010 vào hợp đồng phải dẫn chiếu áp dụng các quy tắc của URDG 758 2010, nếu không dẫn chiếu, thì sẽ không áp dụng các quy tắc của URDG 758 2010.

Hai là, một khi URDG 758 2010 được dẫn chiếu áp dụng vào hợp đồng thì các quy tắc của URDG 758 2010 ràng buộc các bên trong cam kết bảo lãnh, trừ khi cam kết bảo lãnh loại trừ hoặc thay đổi các quy tắc đó trong một chừng mực nhất định.

Theo đó, nguyên tắc thứ hai có quy định chưa rõ ràng, cụ thể: Về “loại trừ”, liệu có thể “loại trừ” tất cả các quy tắc của URDG 758 hay là chỉ một số quy tắc và là những quy tắc loại nào?; về “sửa đổi” các quy tắc mà chúng làm thay đổi cơ bản tính chất “độc lập” hoặc tính chất “chứng từ” của cam kết bảo lãnh có làm trái quy định của Điều 1(a) URDG 758 không?

3.2. Điều 1(d): Dẫn chiếu áp dụng phiên bản URDG nào?

Điều 1(d) quy định: Khi cam kết bảo lãnh theo yêu cầu hoặc cam kết bảo lãnh đối ứng được phát hành vào hoặc sau ngày 01/7/2010 có dẫn chiếu đến URDG nhưng không ghi năm sửa đổi 1992 hay 2010 hoặc không ghi số phiên bản ban hành, thì cam kết bảo lãnh theo yêu cầu hoặc cam kết bảo lãnh đối ứng sẽ tuân thủ URDG sửa đổi năm 2010. Quy định như vậy không linh hoạt và chỉ đúng nếu như đến ngày dẫn chiếu URDG vào hợp đồng cơ sở chưa có phiên bản URDG sửa đổi mới nào, ngược lại, trong trường hợp đã có một phiên bản sửa đổi mới mang kí hiệu (xxxx), mà vẫn dẫn chiếu áp dụng như quy định của Điều 1(d) thì không hợp lí, trừ khi trong hợp đồng, hai bên thỏa thuận áp dụng phiên bản cũ URDG 758 2010.

Trong trường hợp Cam kết bảo lãnh phát hành sau ngày 01/7/2010, tức là năm URDG 758 2010 có hiệu lực, nhưng không tuyên bố số phiên bản và năm ban hành của URDG, thì giải quyết thế nào? Có thể áp dụng Điều 1(d) của URDG 758 2010, nếu hợp đồng cơ sở và cam kết bảo lãnh không có quy định gì khác; hoặc nếu hợp đồng cơ sở quy định áp dụng phiên bản URDG 758 2010 thì dẫn chiếu áp dụng vào cam kết bảo lãnh. Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng cơ sở và cam kết bảo lãnh không có quy định dẫn chiếu áp dụng phiên bản URDG nào, thì khi phát sinh những trường hợp trong tương lai có nhiều phiên bản URDG cùng tồn tại và đang có hiệu lực, thì dẫn chiếu áp dụng phiên bản nào?

Bảo lãnh là phương thức tài trợ tài chính chắc chắn và thông dụng nhất trên thị trường quốc gia cũng như trên quốc tế, cho nên theo thông lệ và theo yêu cầu của thị trường, nó thường được sửa đổi để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. URDG 458 1992 được sửa đổi lần thứ nhất vào 18 năm sau - năm 2010 với phiên bản số 758. Có thể phiên bản số 758 URDG 2010 sẽ không phải là phiên bản cuối cùng, cho nên quy định như Điều 1(d) là không phù hợp.

Vì vậy, Điều 1(d) nên được sửa đổi và bổ sung như sau: “Nếu cam kết bảo lãnh phát hành vào hoặc sau ngày 01/6/2010 tuyên bố rằng nó tham chiếu URDG nhưng không tuyên bố phiên bản số 458 1992 hoặc số 758 2010 thì có thể dẫn chiếu phiên bản URDG sửa đổi gần đây nhất”.

3.3. Điều 2 URDG 758 2010: Các định nghĩa

Điều 2 của phiên bản URDG 758 2010 quy định: Sự xuất trình phù hợp thuộc cam kết bảo lãnh, trước tiên là phù hợp với các điều kiện và điều khoản của cam kết bảo lãnh đó; thứ hai là phù hợp trong chừng mực nhất định với các điều kiện và điều khoản của quy tắc này; thứ ba là trong trường hợp không có các điều khoản tương thích trong cam kết bảo lãnh hoặc của các quy tắc này thì phải phù hợp với thực tiễn bảo lãnh theo yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế. Chứng từ yêu cầu thanh toán là một loại chứng từ rất quan trọng. Người thụ hưởng bảo lãnh lập ra để đòi tiền người bảo lãnh khi người được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ quy định trong bảo lãnh; người bảo lãnh kiểm tra chứng từ yêu cầu thanh toán xem có phù hợp với các điều kiện và điều khoản của bảo lãnh và phù hợp với các quy tắc có liên quan của URDG 758 2010, nếu phù hợp thì phải thanh toán, ngược lại có quyền từ chối thanh toán.

URDG 758 2010 đưa ra khái niệm rất chung chung về chứng từ yêu cầu thanh toán, đó là chứng từ đã kí bởi Bên thụ hưởng yêu cầu thanh toán thuộc một cam kết bảo lãnh. Vậy, theo khái niệm này thì mọi chứng từ đã kí bởi người thụ hưởng đều có thể trở thành chứng từ yêu cầu thanh toán? Trong khi theo Điều 2, chứng từ chỉ có thể là chứng từ yêu cầu thanh toán và bản xác minh, khi cả hai chứng từ này đều được kí bởi người xác lập nó, tức là người thụ hưởng. Vậy, các phương tiện đòi tiền do người thụ hưởng kí cũng có thể là Hối phiếu đòi nợ, Lệnh đòi tiền, Yêu cầu thanh toán… Chúng có thể trở thành chứng từ yêu cầu thanh toán như quy định của Điều 2 URDG 758 2010 hay không?

3.4. Điều 2 và 10: Bên thông báo và Bên thông báo thứ hai

Điều 2 URDG 758 2010 quy định: Bên thông báo là bên tiến hành thông báo cam kết bảo lãnh theo yêu cầu của Bên bảo lãnh. Bên bảo lãnh là bên yêu cầu thông báo bảo lãnh. Điều 10(a) URDG 758 2010 quy định: Một cam kết bảo lãnh có thể được thông báo cho Bên thụ hưởng thông qua một Bên thông báo. Thực hiện thông báo một cam kết bảo lãnh hoặc là trực tiếp hoặc là sử dụng dịch vụ của một bên khác (Bên thông báo thứ hai). Vậy ai là người yêu cầu Bên thông báo thứ hai thông báo một cam kết bảo lãnh: Bên bảo lãnh hay Bên thông báo?

Điều 10(f) chỉ định: Một Bên bảo lãnh sử dụng các dịch vụ của một Bên thông báo hoặc của một Bên thông báo thứ hai, cũng như một Bên thông báo sử dụng các dịch vụ của Bên thông báo thứ hai để thông báo một cam kết bảo lãnh, thì cũng có thể sử dụng bên đó bất cứ lúc nào để thông báo bất cứ sửa đổi nào đối với cam kết bảo lãnh đó. Phải chăng có sự mâu thuẫn trong nội dung của Điều 10 này.

Theo quan điểm của nhóm tác giả, chỉ có một người duy nhất có quyền yêu cầu một Bên thông báo bảo lãnh, trong trường hợp bên đó không có khả năng thực hiện, thì cho phép bên đó sử dụng dịch vụ thông báo bảo lãnh của một bên khác, đó là Bên thông báo thứ hai.

3.5. Điều 4: Khái niệm phát hành một bảo lãnh

Điều 25(c) URDG 758 2010 quy định: Nếu bảo lãnh không quy định ngày hết hạn hiệu lực và cũng không quy định trường hợp hết hiệu lực, thì bảo lãnh sẽ kết thúc sau thời gian 3 năm kể từ ngày phát hành bảo lãnh. Vậy, ngày phát hành bảo lãnh là ngày nào? Có mấy kịch bản trả lời như sau:

Thứ nhất, trong trường hợp phát hành bảo lãnh bằng thư thông thường, ngày phát hành bảo lãnh là ngày được ghi trên thư bảo lãnh. Tuy nhiên, để tránh bị phạt do phát hành bảo lãnh chậm so với quy định trong hợp đồng cơ sở, người bảo lãnh có thể ghi ngày phát hành trên thư bảo lãnh phù hợp với hợp đồng cơ sở. Ví dụ, hợp đồng cơ sở quy định người yêu cầu phải chỉ thị cho ngân hàng phát hành bảo lãnh không chậm quá 30 ngày kể từ ngày kí hợp đồng cơ sở, nếu phát hành chậm sẽ bị phạt 0,1% tổng trị giá bảo lãnh trên mỗi ngày phát hành chậm. Do hoàn cảnh khó khăn nào đó, phát hành bảo lãnh chậm mất 10 ngày, để tránh bị phạt, người yêu cầu đề nghị ngân hàng vẫn ghi ngày phát hành phù hợp với quy định của hợp đồng cơ sở.

Thứ hai, trong trường hợp phát hành bảo lãnh bằng thư điện tử, ngày phát hành bảo lãnh có thể được ghi trong nội dung thư điện tử hoặc có thể là ngày mà bảo lãnh thoát ra khỏi sự kiểm soát của người bảo lãnh như quy định tại Điều 4(a) URDG 758 2010: Một cam kết bảo lãnh đã được phát hành khi nó thoát ra khỏi sự kiểm soát của Bên bảo lãnh.

Từ khái niệm phát hành nói trên có thể sẽ phát sinh những tranh luận như: Bằng chứng nào xác minh một bảo lãnh phát hành bằng điện đã được phát hành? Hoặc bằng chứng nào xác thực một bảo lãnh phát hành bằng điện đã rời khỏi sự kiểm soát của người bảo lãnh? Ngày bảo lãnh phát hành bằng điện là ngày mà bức điện bảo lãnh được phát đi từ người bảo lãnh hay là ngày mà người thụ hưởng nhận được bức điện bảo lãnh?

3.6. Điều 9: Trách nhiệm về việc không thông báo/thông báo chậm trễ

Điều 9 URDG 758 2010 quy định: Khi nhận được đơn yêu cầu phát hành cam kết bảo lãnh, Bên bảo lãnh không sẵn sàng hoặc không có khả năng phát hành cam kết bảo lãnh thì Bên bảo lãnh phải thông báo không chậm trễ thông tin cho bên đã đưa ra chỉ thị cho Bên bảo lãnh. Quy định này làm phát sinh 3 khe hở pháp lí: Một là, trường hợp người bảo lãnh không thông báo việc không thể tiếp nhận đơn yêu cầu phát hành bảo lãnh; Hai là, trường hợp có thông báo, nhưng thông báo chậm; Ba là, nếu thông báo chậm trễ thì so với mốc thời gian nào, quy định ở đâu?

3.7. Điều 10: Thỏa mãn tính chân thật bề ngoài là gì?

Điều 10(a) URDG 758 2010 quy định: Bên thông báo báo cho Bên thụ hưởng và Bên thông báo thứ hai, nếu có áp dụng, biết rằng tự nó đã thỏa mãn về tính chân thật bề ngoài của cam kết bảo lãnh và thông báo phản ảnh chính xác các điều kiện và điều khoản của cam kết bảo lãnh đã nhận được của Bên thông báo. Quy định Bên thông báo kiểm tra bảo lãnh nếu thấy thỏa mãn được tính chân thật bề ngoài của bảo lãnh thì mới được thông báo cho người thụ hưởng, ngược lại, có quyền từ chối thông báo. Nguyên tắc quy định như thế quả là thỏa đáng và có thể chấp nhận được.

Sở dĩ Bên thông báo phải kiểm tra tính chân thật bề ngoài của bảo lãnh là để cho nó tương thích với nguyên tắc kiểm tra chứng từ yêu cầu thanh toán chỉ dựa trên bề mặt của chứng từ, nếu thấy phù hợp với điều kiện và điều khoản của bảo lãnh thì thanh toán, ngược lại thì từ chối.

Tuy nhiên, nguyên tắc này cần quy định rõ như thế nào là “tính chân thật bề ngoài”, cũng như quy định nào trong bảo lãnh xác định được “tính chân thật bề ngoài”?

3.8. Điều 11: Chấp nhận hoặc từ chối thông báo sửa đổi

(i) Điều 11(a) URDG 758 2010 quy định trách nhiệm của người bảo lãnh phải thông báo chấp nhận hay từ chối sửa đổi: Khi nhận được các chỉ thị phát hành một sửa đổi đối với Cam kết bảo lãnh, vì một lí do nào đó mà Bên bảo lãnh không sẵn sàng hoặc không có khả năng phát hành sửa đổi, thì Bên bảo lãnh sẽ thông báo không chậm trễ thông tin như thế cho Bên ra chỉ thị cho Bên bảo lãnh.

Trong trường hợp người bảo lãnh, tức là người được yêu cầu sửa đổi bảo lãnh không có khả năng hoặc không sẵn sàng thực hiện sửa đổi bảo lãnh, thì người bảo lãnh phải thông báo không chậm trễ thông tin như thế cho bên ra chỉ thị biết để thông báo lại cho người thụ hưởng. Nếu không thông báo hoặc thông báo chậm thì trách nhiệm của người bảo lãnh trước người thụ hưởng như thế nào? Quy định này chưa được Điều 11 URDG 758 2010 đề cập đến.

(ii) Điều 11(b) URDG 758 2010 dường như quy định trách nhiệm của người thụ hưởng phải chấp nhận hay từ chối sửa đổi: Một sửa đổi không có sự thỏa thuận của Bên thụ hưởng sẽ không ràng buộc Bên thụ hưởng. Về nguyên tắc, người thụ hưởng phải thông báo chấp nhận hay từ chối sửa đổi, nếu không thông báo thì trách nhiệm pháp lí của người thụ hưởng sẽ như thế nào, rất tiếc là quy định này chưa được đề cập trong Điều 11(b). Có thể có hai kịch bản, một là sửa đổi chưa hoàn thành; hai là việc xuất trình chứng từ yêu cầu thanh toán phù hợp với các điều kiện và điều khoản của bảo lãnh và với các yêu cầu sửa đổi chưa được chấp nhận sẽ được coi như là thông báo chấp nhận sửa đổi của người thụ hưởng.

3.9. Điều 19: Như thế nào là kiểm tra trên bề mặt của chứng từ?

Điều 19 quy định:

(a) Chỉ dựa trên cơ sở của sự xuất trình, Bên bảo lãnh sẽ quyết định thể hiện trên bề mặt của xuất trình có sự xuất trình phù hợp hay không; và (b) Dữ liệu trong một chứng từ do một cam kết bảo lãnh yêu cầu phải được kiểm tra theo văn cảnh với dữ liệu chứng từ đó, với cam kết bảo lãnh và với các quy tắc này. Dữ liệu không nhất thiết phải giống hệt, nhưng không được mâu thuẫn với dữ liệu trong chứng từ đó, với bất cứ chứng từ yêu cầu nào khác hoặc với cam kết bảo lãnh.

Vậy, kiểm tra trên bề mặt của chứng từ xuất trình là vấn đề phát sinh không những trong thực tiễn mà còn cả trong lí thuyết về mặt pháp lí. Những câu hỏi sau đây chưa được Điều 19 trả lời:

(i) Chứng từ thường có hai mặt, kiểm tra mặt trước hay mặt sau hay cả hai mặt?

(ii) Chứng từ thường gồm nhiều trang, kiểm tra trang nào?

Kiểm tra trên bề mặt của chứng từ bằng giấy có khác gì trên bề mặt của chứng từ điện tử? hay kiểm tra theo văn cảnh của dữ liệu có khác gì với kiểm tra trực tiếp nội dung dữ liệu?

3.10. Điều 33 (b): Quy định về Chuyển nhượng cam kết bảo lãnh và Chuyển nhượng tiền thu được

Điều 33(b) quy định: Ngay cả khi một bảo lãnh có tuyên bố cụ thể rằng nó có thể chuyển nhượng được, thì người bảo lãnh không bắt buộc phải thực hiện yêu cầu chuyển nhượng bảo lãnh đó sau khi phát hành, ngoại trừ mức độ và cách thức được sự đồng ý rõ ràng của người bảo lãnh. Quy định này có vẻ thừa vì:

(i) Chỉ sau khi bảo lãnh đã được phát hành thì quyền được hưởng lợi từ số tiền của hình thức bảo lãnh đó mới tồn tại trong thời gian hiệu lực của bảo lãnh, đương nhiên người thụ hưởng quy định trong bảo lãnh sẽ là người thụ hưởng hợp pháp số tiền bảo lãnh. Người thụ hưởng bảo lãnh có quyền chuyển nhượng quyền lợi của mình cho người thụ hưởng khác, nếu bảo lãnh là loại bảo lãnh có thể chuyển nhượng; (ii) Quyền chuyển nhượng bảo lãnh chỉ có thể được thực hiện và thực hiện sau khi bảo lãnh đã được phát hành.

4. Kết luận

Trên thực tế, URDG 758 2010 của ICC là một bộ quy tắc tương đối đầy đủ, được áp dụng bởi các luật sư, trọng tài viên, ngân hàng, doanh nghiệp và các cá nhân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, URDG 758 2010 cũng được Ngân hàng Thế giới (WB), Ủy ban Thương mại Liên hợp quốc (UNCITRAL) và Hiệp hội các nhà tư vấn xây dựng quốc tế (FIDIC) tuyên bố áp dụng. Tuy nhiên, sau 13 năm ứng dụng vào thực tế, URDG 758 2010 bộc lộ một số bất cập đã được đề cập ở trên để lưu ý các bên, đặc biệt là đối với các ngân hàng và doanh nghiệp khi sử dụng URDG trong các giao dịch bảo lãnh của mình, cũng như mong muốn một bản sửa đổi URDG của ICC trong tương lai sẽ rõ ràng và hoàn thiện hơn.

Tài liệu tham khảo:


1. Đinh Xuân Trình, Đặng Thị Nhàn (2021). Bảo lãnh và bảo lãnh dự thầu, sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Bách khoa, Hà Nội.

2. Disputes involving demand guarantees/in Principle, from https:// codozasady.pl3. ICC Demand Guarantee Rules URDG 758 celebrate two years of rising popularity, from https://iccwbo.org

4. ISP98 - International Banking Law & Practice, from https://iiblp.org5. The ICC Uniform Rules for Demand Guarantees (“URDG”) in practice: a Decade of experience, from https://fidic.org6. Understanding UCP600, ISP98 and URDG 758 with global court case studies, from https://www.iccdonesia.org


GS., TS. Đinh Xuân Trình (Giảng viên cao cấp Đại học Ngoại thương Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC))

PGS., TS. Đặng Thị Nhàn (Giảng viên cao cấp Đại học Ngoại thương)

https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quan điểm Hồ Chí Minh về quản lý xã hội và sự vận dụng của Nhà nước trong kỷ nguyên mới

Quản lý xã hội luôn là vấn đề quan trọng, cần thiết đối với mỗi quốc gia, dân tộc, nhà nước nào cũng phải quan tâm, chăm lo, thực hiện một cách hiệu quả. Bởi lẽ, có quản lý tốt xã hội thì nhà nước mới vận hành, phát triển một cách trật tự, ổn định và bền vững, giúp cho đất nước phát triển lành mạnh, ổn định, vững chắc, từ đó mới nâng cao được chất lượng đời sống của Nhân dân trên các mặt, các lĩnh vực. Theo Hồ Chí Minh, để quản lý xã hội - xã hội mới, chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, lĩnh vực khác nhau; tính chất quản lý phải toàn diện, rộng khắp trên tất cả các mặt của xã hội; yêu cầu quản lý thật chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực và hiệu năng; cách thức quản lý phải đa dạng, phong phú, linh hoạt.
Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và  quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, tinh giản biên chế trở thành một nhiệm vụ chính trị mang tính cấp thiết; cần phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành sáng tạo của Nhà nước và sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân để mang lại hiệu quả thiết thực.
Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư là một trong những quyền quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.
Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - vị nữ tướng huyền thoại với những dấu ấn chiến công lừng lẫy gắn liền với phong trào Đồng Khởi, với “Đội quân tóc dài”, với phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”, vị thuyền trưởng chỉ huy tàu “không số” đầu tiên chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc để chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc…, tên tuổi và sự nghiệp của bà luôn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế, sự gia tăng của các cú sốc kinh tế và tài chính, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng xã hội… đã làm gia tăng tính phức tạp và tầm quan trọng của hoạt động truyền thông ngân hàng trung ương (NHTW). Truyền thông hiệu quả có thể giúp NHTW xây dựng lòng tin của công chúng, tăng cường uy tín và nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức kinh tế.
Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thanh khoản ổn định, giúp ngân hàng tránh tình trạng mất khả năng thanh toán có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như phá sản hoặc tổn thất lớn. Ngoài ra, quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản còn đóng vai trò hỗ trợ ngân hàng tuân thủ các chỉ số thanh khoản như: Tỉ lệ bao phủ thanh khoản, tỉ lệ nguồn vốn ổn định ròng... giúp ngân hàng hoạt động an toàn và bền vững.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Học tập suốt đời". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Chính sách tiền tệ đòi hỏi sự linh hoạt và sự kết hợp của nhiều biện pháp khác nhau, tương tự như nghệ thuật chiến tranh được mô tả trong chuyên luận nổi tiếng của Tôn Tử. Các ngân hàng trung ương (NHTW) có thể học được điều gì đó từ một chiến lược gia người Trung Quốc sống cách đây hơn 2.500 năm. Bài viết giới thiệu sáu nguyên tắc chiến lược được vận dụng tư tưởng của Tôn Tử dành cho các NHTW, được đề xuất bởi Giáo sư Kristin Forbes - Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhằm qua đó, giúp họ quản lý hiệu quả các khủng hoảng và duy trì sự ổn định kinh tế.
Xem thêm
Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, để đạt được sự phát triển bền vững và hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Trong bối cảnh các chính sách thuế quan và các biện pháp thương mại quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những chiến lược linh hoạt và kịp thời để đối phó với những thách thức, đồng thời tận dụng các cơ hội từ thị trường nội địa và quốc tế.
Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong việc bảo đảm an toàn giao dịch điện tử - Thực trạng và giải pháp

Để xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, đồng thời tạo sự tương thích đối với Luật Giao dịch điện tử năm 2023, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về nghĩa vụ của tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều bất cập, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường tính an toàn, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động giao dịch điện tử.
Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Khung pháp lý cho phát triển ngân hàng bền vững - Cơ hội và thách thức

Nghiên cứu này đã hệ thống hóa khung pháp lý toàn cầu và thực tiễn Việt Nam về phát triển ngân hàng bền vững, qua đó làm nổi bật xu hướng hội tụ giữa tiêu chuẩn quốc tế và nỗ lực địa phương hóa. Nghiên cứu cũng khẳng định xu hướng tất yếu là hài hòa hóa tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về minh bạch hóa thông tin và hợp tác đa bên để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm môi trường.
Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, CBDC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, tăng cường tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả giám sát tiền tệ. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có một chiến lược rõ ràng, bao gồm: Xác định rõ mục tiêu của CBDC, xây dựng khung pháp lý toàn diện, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thử nghiệm các mô hình triển khai phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu.
Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực  truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Chuyển đổi số mang lại cơ hội cũng như thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông, báo chí ngành Ngân hàng Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ không chỉ giúp báo chí gia tăng khả năng truyền tải thông tin, mà còn làm thay đổi phương thức quản lý, sản xuất và phân phối tin tức. Điều này đòi hỏi báo chí ngành Ngân hàng phải đổi mới mô hình tổ chức, bảo đảm tính linh hoạt và sáng tạo.
Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Chính quyền Mỹ cho biết, khi xác định mức thuế quan đối ứng cho mỗi quốc gia, họ không chỉ xem xét thuế nhập khẩu mà còn các hoạt động khác mà họ cho là không công bằng, bao gồm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp của chính phủ, chiến lược thao túng tiền tệ, chuyển nhượng công nghệ và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Vươn mình trong hội nhập quốc tế

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Tổng Bí thư.
Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng Hiệp ước vốn Basel III trong hoạt động ngân hàng và khuyến nghị cho Việt Nam

Hòa cùng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã từng bước tiếp cận và áp dụng các Hiệp ước vốn Basel. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 20 NHTM áp dụng Basel II và 10 NHTM tiên phong áp dụng Basel III. Đây là bước tiến quan trọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm đáp ứng các chuẩn mực và quy định quốc tế.

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 64/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc