
Đặc trưng pháp lý của mô hình Quỹ Bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tại Việt Nam
Tóm tắt: Để bảo đảm an toàn và ổn định cho hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động dưới mô hình hợp tác xã, nhiều mô hình quỹ ổn định (Stabilization Fund), chương trình ổn định tài chính đã được triển khai và hoạt động từ khá sớm trên thế giới. Ở Việt Nam, mô hình quỹ này được biết với tên gọi Quỹ bảo đảm an toàn (Quỹ bảo toàn) hệ thống QTDND xuất hiện vào những năm 2000 và đến nay, ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho sự phát triển bền vững của hệ thống QTDND. Tuy nhiên, trước những thay đổi mạnh mẽ của thị trường tài chính và sự cạnh tranh ngày càng lớn trong hoạt động tín dụng đặt ra những đòi hỏi về tính hiệu quả của việc tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo toàn. Bài viết tập trung làm rõ những đặc trưng pháp lý, phân tích ý nghĩa, vai trò QTDND để từ đó đưa ra một số gợi mở cho việc hoàn thiện quy định về Quỹ bảo toàn tại Việt Nam.
Từ khóa: Quỹ bảo toàn, QTDND, quỹ ổn định, hoàn thiện pháp luật.
|
IDENTIFYING THE LEGAL CHARACTERISTICS OF THE SYSTEM SAFETY ASSURANCE FUND MODEL FOR PEOPLE'S CREDIT FUNDS IN VIETNAM.
Abstract: To ensure the safety and stability of the cooperative credit institution system, various stabilization fund models and financial stabilization programs have so far been implemented globally. In Vietnam, this model is known as the Safety Assurance Fund for the People's Credit Funds, which has begun in the early 2000s and has been playing a crucial role in the sustainable development of this system. However, due to significant changes in the financial market and increasing competition in credit activities, there is a demand for improved efficiency in the organization and operation of the Safety Assurance Fund. The article focuses on clarifying the legal characteristics of the System Safety Assurance Fund model for People's Credit Funds, examining its significance and role, and proposing recommendations for enhancing regulations related to this fund in Vietnam.
Keywords: Safety Assurance Fund, People's Credit Funds, stabilization fund, legal improvement.
1. Giới thiệu
Với vai trò là hệ thống được thiết lập nhằm giải quyết nhu cầu tín dụng của các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, người sản xuất nhỏ, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hệ thống QTDND hiện nay không chỉ tồn tại ở các nước mà kinh tế tập thể vẫn giữ một vị trí đặc biệt, ở các nước tư bản phát triển như Mỹ, Canada, Hà Lan, Đức hệ thống này cũng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, xuất phát từ những đặc trưng của hệ thống QTDND là có năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành yếu, phạm vi hoạt động hạn chế hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng khác (hạn chế về địa bàn, đối tượng khách hàng, các hoạt động kinh doanh được cung cấp); đồng thời, có tính chất liên kết chặt chẽ nên dễ tạo ra nguy cơ đổ vỡ hệ thống khi có một hoặc một số QTDND yếu kém, sụp đổ; do đó, vấn đề bảo đảm an toàn và ổn định trong hoạt động của hệ thống QTDND luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Một trong những phương thức quan trọng mà các quốc gia thường áp dụng để bảo đảm an toàn, ổn định và hỗ trợ ngăn ngừa đổ vỡ hệ thống QTDND đó là thiết lập các quỹ tài chính, chương trình bình ổn nhằm thực hiện hoạt động cho vay hỗ trợ đối với QTDND gặp khó khăn tài chính, khó khăn chi trả để khắc phục và trở lại hoạt động bình thường. Ở Việt Nam, mô hình quỹ này chính thức được pháp luật quy định trong Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Thông tư số 03/2014/TT-NHNN).
2. Khái quát về Quỹ bảo toàn
Trên thế giới, có nhiều mô hình quỹ và chương trình bình ổn dành cho hệ thống các QTDND đã được thiết lập. Một số mô hình được vận hành bởi cơ quan quản lý của chính phủ (Hoa Kỳ, Canada (Newfoundland và Labrador)) và các tổ chức tư nhân tự thành lập như các liên đoàn và hiệp hội hợp tác xã tín dụng (Ireland, Ba Lan, Uzbekistan, và Giamaica). Các mô hình quỹ bảo toàn hay quỹ bình ổn cũng rất đa dạng, nó có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như: Quỹ dưới dạng bảo hiểm tiền gửi (Hoa Kỳ) hay quỹ do các hợp tác xã tín dụng thành lập dưới sự vận hành và quản lý của cơ quan nhà nước (Quỹ bình ổn - Stabilization Fund tại Philippines, Quỹ an toàn - Security Fund tại Canada). Trong quy định pháp luật về hợp tác xã tín dụng của nhiều quốc gia cũng đề cập đến các mô hình quỹ tài chính hỗ trợ cho hệ thống QTDND. Đơn cử như trong Đạo luật Hợp tác xã dịch vụ tài chính của Philippines xác định rõ: Quỹ bình ổn là một pháp nhân do Liên đoàn hợp tác xã tín dụng quốc gia thành lập. Quỹ bình ổn có vai trò: (i) Hỗ trợ thanh toán các khoản lỗ do hợp tác xã hoặc liên đoàn là thành viên của quỹ gánh chịu; (ii) Thành lập và quản lý quỹ bình ổn, quỹ tài sản thanh khoản hoặc hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của mạng lưới . Quy định của pháp luật Hoa Kỳ xác định: Quỹ Bảo hiểm chia sẻ Liên minh Tín dụng Quốc gia (The National Credit Union Share Insurance Fund) là một quỹ luân chuyển mà tiền trong quỹ sẽ được sử dụng để thực hiện các khoản thanh toán bảo hiểm trong trường hợp hợp tác xã tín dụng (credit union) bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, hoặc để cung cấp hỗ trợ và thực hiện chi tiêu liên quan đến việc thanh lý hoặc đe dọa thanh lý các hợp tác xã tín dụng được bảo hiểm.
Ở Việt Nam, vấn đề thiết lập các cơ chế bảo đảm an toàn và ổn định cho hệ thống QTDND bắt đầu được đặt ra đầu những năm 2000, khi các QTDND ngày càng xuất hiện nhiều trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống QTDND ở thời điểm này lại bộc lộ khá nhiều yếu kém, khuyết điểm. Trước thực trạng đó, Quỹ an toàn hệ thống QTDND được thành lập thí điểm đầu tiên tại Thái Bình vào năm 2004 theo Công văn số 1069/NHNN-TDHT ngày 21/9/2004 của NHNN. Sau hai năm thí điểm thực hiện Quỹ an toàn hệ thống QTDND, Thái Bình đã tiến hành sơ kết đánh giá kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai và NHNN đã cho phép mở rộng thí điểm việc thành lập Quỹ an toàn tại hai tỉnh An Giang và Hưng Yên. Với mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả, có nguy cơ mất an toàn cao và đứng trước bờ vực phá sản… vượt qua khó khăn, yếu kém, vươn lên, trở lại hoạt động bình thường. Từ việc thí điểm triển khai mô hình Quỹ an toàn hệ thống QTDND cho một số QTDND nhằm đánh giá hiệu quả và tính khả thi trên quy mô nhỏ, cùng với việc học tập kinh nghiệm xây dựng quỹ bình ổn cho hệ thống hợp tác xã tín dụng ở một số quốc gia, đến năm 2014, Quỹ bảo toàn chính thức được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là Thông tư số 03/2014/TT-NHNN. Theo đó, “Quỹ bảo toàn là một quỹ tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã (bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã và các QTDND) do Ngân hàng Hợp tác xã lập trên cơ sở phí trích nộp của Ngân hàng Hợp tác xã và các QTDND thành viên, đặt tại Ngân hàng Hợp tác xã và do Ngân hàng Hợp tác xã quản lý, sử dụng theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật”. Đến ngày 28/6/2024, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 27/2024/TT-NHNN quy định về Ngân hàng Hợp tác xã, việc trích nộp, quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Thông tư số 27/2024/TT-NHNN) để thay thế cho Thông tư số 03/2014/TT-NHNN, trong khái niệm về Quỹ bảo toàn được điều chỉnh một chút so với nội dung được quy định trong thông tư cũ, cụ thể là: “Quỹ bảo toàn là quỹ tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã (Ngân hàng Hợp tác xã và các QTDND) thuộc sở hữu chung của các thành viên trên cơ sở phí trích nộp của Ngân hàng Hợp tác xã và các QTDND thành viên, đặt tại Ngân hàng Hợp tác xã, do Ngân hàng Hợp tác xã quản lý và sử dụng theo quy định tại Thông tư này”. So với quy định trong Thông tư số 03/2014/TT-NHNN, định nghĩa Quỹ bảo toàn về cơ bản vẫn giữ nguyên các nội dung, tuy nhiên Thông tư số 27/2024/TT-NHNN có bổ sung thêm nội dung xác định Quỹ bảo toàn thuộc sở hữu chung của các thành viên và việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn sẽ phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.
Như vậy, qua phân tích mô hình cũng như các quy định về quỹ bình ổn hệ thống hợp tác xã tín dụng trên thế giới và Quỹ bảo toàn hệ thống QTDND có thể hiểu về bản chất: Quỹ bảo toàn là một quỹ tài chính do các thành viên của hệ thống QTDND đóng góp thành lập, thuộc sở hữu của hệ thống QTDND và được sử dụng với mục tiêu bảo đảm an toàn cho hệ thống QTDND.
3. Các đặc trưng pháp lý của Quỹ bảo toàn
Qua nghiên cứu các mô hình quỹ bình ổn trên thế giới cũng như thực tiễn mô hình Quỹ bảo toàn ở Việt Nam, có thể nhận diện một số đặc trưng pháp lý cơ bản của mô hình Quỹ này bao gồm:
Một là, Quỹ bảo toàn là quỹ tài chính do các thành viên trong hệ thống QTDND đóng góp thành lập. Do Quỹ bảo toàn được thành lập với mục tiêu bảo đảm an toàn cho hệ thống QTDND nên nguồn kinh phí đóng góp để hình thành nguồn vốn hoạt động cho quỹ phải do chính các thành viên của hệ thống QTDND thực hiện nộp phí mà không trông chờ vào các nguồn tài trợ, viện trợ từ bên ngoài. Chủ thể nộp phí sẽ bao gồm các QTDND và Ngân hàng Hợp tác xã như ở Việt Nam; các hợp tác xã tín dụng và Liên đoàn hợp tác xã tín dụng như ở Philippines. Trong một số trường hợp đặc biệt, nguồn vốn của quỹ có thể hình thành từ nguồn dự trữ tích lũy như mô hình quỹ của Tập đoàn Desjardins ở Canada hoặc từ tiền gửi của các thành viên vào National Credit Union Share Insurance Fund - NCUSIF của Hoa Kỳ.
Hai là, Quỹ bảo toàn thuộc sở hữu của hệ thống QTDND. Do Quỹ bảo toàn về cơ bản được hình thành trên cơ sở đóng góp tài chính của các thành viên trong hệ thống QTDND thông qua hình thức thu phí nên tài sản của Quỹ thuộc sở hữu của các thành viên trong hệ thống. Mọi hoạt động liên quan đến việc sử dụng, định đoạt tài sản của Quỹ phải được các đại diện của chủ sở hữu định đoạt. Tuy nhiên, trên thực tế ở phần lớn các mô hình quỹ ổn định và Quỹ bảo toàn trên thế giới, việc quyết định sử dụng tài sản của Quỹ thường bị chi phối bởi các liên minh hoặc liên đoàn hợp tác xã tín dụng, ở Việt Nam là Ngân hàng Hợp tác xã thông qua cơ chế thiết lập bộ máy quản lý, điều hành của Quỹ. Vai trò của các hợp tác xã tín dụng, QTDND tham gia vào việc định đoạt tài sản của Quỹ là chưa rõ rệt.
Ba là, Quỹ bảo toàn hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống QTDND không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục tiêu cơ bản của Quỹ bảo toàn là nhằm củng cố an toàn tài chính cho hệ thống QTDND do hệ thống này thường có nhiều điểm hạn chế trong năng lực tài chính, năng lực cung cấp dịch vụ và khả năng chống chịu rủi ro thấp. Sự tồn tại của Quỹ bảo toàn sẽ giúp kịp thời hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn. Khi các QTDND gặp phải khó khăn về tài chính, khó khăn trong thanh toán, Quỹ bảo toàn sẽ cung cấp các khoản vay hỗ trợ để giúp các QTDND này vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định hoạt động và tiếp tục phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Ngoài ra, Quỹ bảo toàn còn đóng vai trò như một "lưới an toàn" giúp giảm thiểu rủi ro đổ vỡ của các QTDND, góp phần bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và người vay vốn, đồng thời tăng cường niềm tin của người dân đối với các QTDND, khuyến khích người dân tin tưởng gửi tiền và sử dụng dịch vụ của hệ thống QTDND.
Bốn là, việc xuất hiện và hoạt động của Quỹ bảo toàn thường nằm trong sự quản lý, chi phối của tổ chức đứng đầu hệ thống QTDND. Về mặt lý thuyết, Quỹ bảo toàn thuộc sở hữu của hệ thống QTDND và được hình thành trên cơ sở đóng góp tài chính của các thành viên. Tuy nhiên, trên thực tế tổ chức đứng đầu hệ thống QTDND thường đóng vai trò chi phối trong việc hình thành và hoạt động của Quỹ bảo toàn. Trong quy định của nhiều quốc gia, các liên minh, liên đoàn hợp tác xã tín dụng sẽ là chủ thể nộp đơn đăng ký thành lập quỹ ổn định. Ví dụ ở Philippines, Quỹ bình ổn là một pháp nhân do Liên đoàn hợp tác xã tín dụng quốc gia thành lập. Ở Canada, theo quy định tại Điều 487 Luật Các hợp tác xã dịch vụ tài chính của Quebec năm 2000, thì Chính phủ sẽ phê duyệt việc thành lập Quỹ ổn định khi có sự đề xuất của một liên đoàn. Ở Việt Nam, trước đây có quy định Quỹ bảo toàn do Ngân hàng Hợp tác xã thành lập, hiện nay quy định được thay đổi theo hướng Quỹ bảo toàn đặt tại Ngân hàng Hợp tác xã, do Ngân hàng Hợp tác xã quản lý và sử dụng. Ngoài ra, các tổ chức đứng đầu hệ thống QTDND còn chi phối quỹ bảo toàn thông qua việc chỉ định các thành viên trong ban điều hành quỹ, như ở Canada các công việc của quỹ được quản lý bởi một ban giám đốc gồm bảy thành viên do hội đồng quản trị của liên đoàn chỉ định.
4. Vai trò của Quỹ bảo toàn
Sự ra đời của Quỹ bảo toàn là nhằm bảo đảm sự bền vững và ổn định của hệ thống QTDND, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ xuất hiện khủng hoảng kinh tế. Một số vai trò cơ bản của Quỹ bảo toàn có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, Quỹ bảo toàn đóng vai trò hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn, giúp các tổ chức này khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường. Xuất phát từ những hạn chế đặc thù của hệ thống QTDND nên việc một hoặc một số QTDND trong hệ thống gặp phải những khó khăn tài chính, khó khăn thanh khoản là không thể tránh khỏi. Lúc này việc hỗ trợ từ phía Quỹ bảo toàn là vô cùng cần thiết. Sự hỗ trợ này trước hết là những hỗ trợ về tài chính (thông qua việc cho các QTDND vay vốn để khôi phục hoạt động kinh doanh), tuy nhiên so với nhiều mô hình quỹ bảo toàn (quỹ ổn định) trên thế giới, sự hỗ trợ không chỉ dừng lại về tài chính mà còn cả về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm giúp QTDND tái lập hoạt động như bình thường.
Thứ hai, Quỹ bảo toàn giúp ngăn ngừa sự phá sản của các QTDND, từ đó giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ hệ thống các QTDND. Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính và chuyên môn cho các QTDND đang gặp khó khăn, Quỹ bảo toàn còn đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn ngừa sự phá sản của các QTDND thông qua việc cung cấp khoản vay khi các tổ chức này lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng (bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt). Khoản vay này sẽ đóng vai trò đắc lực trong việc hỗ trợ các QTDND tái cấu trúc và phục hồi hoạt động. Ở nhiều quốc gia, các quỹ bảo toàn (quỹ bình ổn) còn hỗ trợ quá trình sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển giao các QTDND.
Thứ ba, Quỹ bảo toàn giúp bảo vệ và tăng cường niềm tin của khách hàng vào hệ thống QTDND. Sự xuất hiện của Quỹ bảo toàn giúp tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống QTDND; mặt khác, cho thấy hệ thống QTDND đã có sự chuẩn bị tốt cho những biến động không mong muốn. Ngoài ra, ở một số mô hình Quỹ bảo toàn tồn tại dưới dạng bảo hiểm tiền gửi, các quỹ này còn đóng vai trò bảo vệ cho khoản tiền gửi của khách hàng tại hệ thống QTDND .
Thứ tư, Quỹ bảo toàn giúp phân phối chi phí trong việc khắc phục các rủi ro tài chính của hệ thống QTDND. Quỹ bảo toàn được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên trong hệ thống QTDND và được sử dụng khi các thành viên gặp khó khăn, khủng hoảng. Đây là một phương thức hiệu quả giúp phân phối chi phí của việc khắc phục các tổn thất tài chính trong một khoảng thời gian dài, thay vì đặt toàn bộ gánh nặng hỗ trợ tài chính cho QTDND khó khăn một cách đột ngột.
Thứ năm, Quỹ bảo toàn giúp khuyến khích sự tuân thủ và quản lý rủi ro trong hệ thống QTDND. Ở nhiều quốc gia, để được nhận hỗ trợ của quỹ, các QTDND phải tuân thủ các quy định pháp luật hay của hiệp hội. Nhiều trường hợp QTDND có tuân thủ tốt các quy định sẽ được mức phí ưu đãi hơn so với các QTDND kém tuân thủ. Điều này vô hình trung sẽ thúc đẩy các QTDND phải áp dụng biện pháp quản lý rủi ro tốt hơn trong hoạt động kinh doanh.
5. Một số gợi mở trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về Quỹ bảo toàn
Từ việc nghiên cứu các đặc trưng pháp lý và vai trò của Quỹ bảo toàn, có thể thấy một số vấn đề trong quy định hiện hành của Việt Nam cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện, cụ thể là:
Thứ nhất, về vấn đề nộp phí tham gia Quỹ bảo toàn. Hiện nay, theo quy định pháp luật, việc trích nộp Quỹ bảo toàn của các QTDND và Ngân hàng Hợp tác xã sẽ căn cứ vào dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước năm nộp phí. Cụ thể là: “Mức phí trích nộp hằng năm bằng 0,05% dư nợ cho vay bình quân năm liền kề trước kết thúc vào ngày 31/12 của Ngân hàng Hợp tác xã, QTDND, trong đó dư nợ cho vay bình quân năm được tính bằng tổng dư nợ cho vay (nhóm 1 và nhóm 2 theo quy định về phân loại nợ của Thống đốc NHNN đối với Ngân hàng Hợp tác xã và QTDND) tại thời điểm cuối mỗi tháng trong năm chia cho số tháng phải tính thực tế…”. Như vậy, có thể thấy ở Việt Nam, dư nợ cho vay là yếu tố duy nhất được xác định để tính mức phí phải nộp cho Quỹ bảo toàn. Tuy nhiên, cần thấy rằng dư nợ cho vay chỉ là một trong số những yếu tố để đánh giá mức độ rủi ro và nguy cơ phải sử dụng các khoản hỗ trợ từ Quỹ bảo toàn. Ngoài yếu tố này, ở một số quốc gia còn quan tâm đến các chỉ số về quản trị rủi ro và mức độ tuân thủ các quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp các QTDND có mức độ tuân thủ tốt các quy định pháp luật sẽ được mức phí ưu đãi hơn so với các QTDND kém tuân thủ hoặc có những vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động. Đây là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy các QTDND tuân thủ tốt hơn quy định pháp luật và nguyên tắc quản trị điều hành, từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm nguy cơ rủi ro đổ vỡ. Do đó, các nhà làm luật của Việt Nam cần nghiên cứu để bổ sung các yếu tố này làm căn cứ xây dựng mức phí đóng Quỹ bảo toàn.
Thứ hai, về phạm vi hoạt động của Quỹ bảo toàn. Theo quy định tại Thông tư số 27/2024/TT-NHNN, Quỹ bảo toàn thực hiện các hoạt động bao gồm: Cho các QTDND vay vốn trong một số trường hợp (cho vay khi QTDND gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường; cho vay khi QTDND bị can thiệp sớm, bị kiểm soát đặc biệt); thực hiện hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Tuy nhiên, cần thấy rằng ở nhiều quốc gia trên thế giới, phạm vi hoạt động của các quỹ bình ổn (có vai trò tương tự như quỹ bảo toàn) được mở rộng hơn, đặc biệt các quỹ bình ổn thường tham gia vào quá trình tái cơ cấu QTDND gặp vấn đề như là hỗ trợ quá trình sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển giao QTDND hoặc tham gia vào quá trình thanh lý QTDND bị phá sản như mô hình quỹ ổn định của Philippines. Rõ ràng việc mở rộng hoạt động của Quỹ bảo toàn - không chỉ dừng lại ở việc cấp khoản tín dụng mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình tái cơ cấu cho QTDND gặp khó khăn là vô cùng cần thiết, giúp hiện thực hóa được mục tiêu tồn tại của Quỹ bảo toàn là bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển bền vững của hệ thống QTDND.
Thứ ba, về vai trò của QTDND trong vấn đề sử dụng Quỹ bảo toàn. Cần thấy rằng, Quỹ bảo toàn được hình thành trên cơ sở đóng góp của các thành viên trong hệ thống QTDND bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã và các QTDND. Trong quy định của pháp luật Việt Nam cũng xác định Quỹ bảo toàn thuộc sở hữu chung của các thành viên trong hệ thống QTDND. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của các QTDND trong việc sử dụng Quỹ bảo toàn với tư cách là các đồng chủ sở hữu của Quỹ.
6. Kết luận
Rõ ràng sự hình thành và hoạt động của Quỹ bảo toàn ở Việt Nam là một yêu cầu tất yếu nhằm bảo đảm an toàn và bền vững cho hệ thống QTDND - mô hình tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc nghiên cứu, làm rõ các đặc trưng pháp lý cũng như vai trò của Quỹ bảo toàn là vô cùng cần thiết, không chỉ giúp cho các nhà nghiên cứu, nhà làm luật hiểu được bản chất của mô hình Quỹ này mà còn giúp định hướng việc nghiên cứu các mô hình có tính chất tương tự trên thế giới, từ đó giúp hoàn thiện các quy định pháp luật và tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo toàn trên thực tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Mạnh Phương (2020), “Pháp luật về tổ chức tín dụng là hợp tác xã”, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
2. Paul A Jones (2010), Stabilising British Credit Unions, Research Unit for Financial Inclusion Liverpool John Moores University, March 2010.
3. Lê Hà Diễm Chi (2020), Quỹ bảo toàn hỗ trợ QTDND: Thực trạng và giải pháp, Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ năm 2020.
4. Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 của Thống đốc NHNN quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND.
5. Thông tư số 27/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 của Thống đốc NHNN quy định về Ngân hàng Hợp tác xã, việc trích nộp, quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND.
6. Financial service cooperative act. Senate Bill No. 1300, 13th Congress of the Republic.
7. National Credit Union Share Insurance Fund, Chapter 14 - Federal Credit Unions.
8. Act respecting financial services cooperatives 2000.
Tin bài khác


Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của Nhân dân trong tinh giản biên chế ở Việt Nam

Quyền tiếp cận thông tin của nhà đầu tư trong hoạt động ngân hàng - Bất cập và một số giải pháp hoàn thiện

Nguyễn Thị Định - Vị nữ tướng huyền thoại suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam

Hoạt động truyền thông của ngân hàng trung ương: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản tại các ngân hàng thương mại - Điều kiện để triển khai

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Sửa quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam

Giải pháp cho quyền tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Vận dụng “Binh pháp Tôn Tử” vào trong hoạt động của ngân hàng trung ương

Bảo đảm an toàn trong việc kết nối và xử lý dữ liệu của khách hàng khi triển khai Open API

Tài chính xanh doanh nghiệp - Giải pháp phát triển bền vững tại Việt Nam

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và chiến lược ứng phó của ngành Ngân hàng

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam

Tài sản ảo: Nhìn từ góc độ pháp lý tại các quốc gia trên thế giới và Việt Nam

Sự kết hợp tối ưu giữa các chính sách: An toàn vĩ mô, tiền tệ, tài khóa trong nền kinh tế mới nổi - Kinh nghiệm từ NHTW Brazil và bài học đối với Việt Nam
