Cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân và dữ liệu sinh trắc học: Bảo mật tài khoản và an toàn giao dịch trực tuyến
Ngày 28/6/2024, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư 18), trong đó quy định về phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử. Theo đó, kể từ ngày 01/01/2025, chủ thẻ phải hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và xác thực thông tin sinh trắc học mới được giao dịch bằng phương tiện điện tử (Điều 6); từ ngày 01/7/2025, chủ thẻ sẽ bị ngừng giao dịch khi căn cước công dân hết hạn (Điều 17). Ngoài ra, ngày 17/7/2024, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 40/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư 40), trong đó quy định mở ví điện tử bằng phương tiện điện tử (Điều 22) có hiệu lực từ ngày 01/10/2024, theo đó, cá nhân đăng ký mở ví điện tử qua kênh online phải thực hiện xác thực sinh trắc học theo quy định. Đây được coi là những "lá chắn" bảo mật, không chỉ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng mà còn tăng cường bảo mật, bảo đảm tính chính xác thông tin của khách hàng.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Các quy định nêu trên nhằm kiểm tra xác minh thông tin chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ, người đại diện của chủ tài khoản thanh toán (đối với khách hàng cá nhân), người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản thanh toán (đối với khách hàng tổ chức) bảo đảm “chính chủ”, không yêu cầu khách hàng phải xác thực thông tin sinh trắc học đối với từng giao dịch thẻ, giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử. Việc kiểm tra, xác minh thông tin sinh trắc học của khách hàng chỉ cần thực hiện một lần trước khi thực hiện các giao dịch thẻ, giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử; đối với các giao dịch phi tài chính (ví dụ: Xem sao kê, tra cứu thông tin…), vẫn được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Qua đó, góp phần hạn chế việc sử dụng giấy tờ giả mạo để mở tài khoản thanh toán/phát hành thẻ phục vụ cho mục đích giao dịch gian lận, lừa đảo vi phạm pháp luật; phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản thanh toán, ví điện sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.
Đến năm 2025, chủ thẻ, chủ tài khoản đều phải hoàn tất đối chiếu sinh trắc học
Tại Điều 10 Thông tư 18 quy định: “Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) phải thực hiện đối chiếu, bảo đảm sự khớp đúng giữa thông tin sinh trắc học của chủ thẻ (đối với khách hàng cá nhân) hoặc đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với: (i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc (ii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (bảo đảm sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập”.
Tại khoản 6, Điều 16 Thông tư 18 quy định: “Thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu đảm bảo khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ với: a) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc b) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc c) Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc d) Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa”.
Liên quan đến việc cập nhật của giấy tờ tùy thân của chủ thẻ, tại điểm q, khoản 1, Điều 17 Thông tư 18 quy định: “Tổ chức phát hành thẻ phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam để kịp thời cập nhật, bổ sung; tạm dừng giao dịch thẻ với các trường hợp giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng hết hiệu lực”. Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, riêng với các tổ chức phát hành thẻ là tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện từ ngày 01/7/2025.
Quy định này nhằm bảo đảm tính pháp lý của giấy tờ tùy thân của người sử dụng thẻ ngân hàng, cũng như nâng cao trách nhiệm của TCPHT, chủ thẻ ngân hàng trong việc quản lý rủi ro và bảo đảm an ninh, bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ ngân hàng.
Cùng ngày 28/6/2024, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 17). Trong đó, có quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của các tài liệu, thông tin, dữ liệu xác minh thông tin nhận biết khách hàng và phải thực hiện đối chiếu khớp đúng thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản thanh toán (đối với khách hàng là cá nhân), người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng là tổ chức) với: (i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc (ii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập) (tại Điều 16). Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2024.
Quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 Thông tư 17 áp dụng đối với tài khoản thanh toán của cá nhân có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025; áp dụng đối với khách hàng là tổ chức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 (sau 01 năm kể từ khi Thông tư có hiệu lực). Cụ thể: “Khách hàng chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với: (i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước của người đó đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc (ii) Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc (iii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc (iv) Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư 17 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025: “Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi thời hạn hiệu lực giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản và người liên quan trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán; thông báo cho khách hàng tối thiểu 30 ngày trước ngày hết hiệu lực của giấy tờ tùy thân để kịp thời yêu cầu khách hàng cập nhật, bổ sung thông tin; tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán đối với các trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng”. Đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, khoản 3 Điều 19 Thông tư 17 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Các quy định trên nhằm kiểm tra xác minh thông tin chủ thẻ bảo đảm “chính chủ”, góp phần hạn chế việc sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để mở thẻ ngân hàng. Việc kiểm tra, xác minh thông tin sinh trắc học của khách hàng theo quy định này chỉ cần thực hiện một lần trước khi thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử; không yêu cầu khách hàng phải xác thực thông tin sinh trắc học đối với từng giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Ngoài ra, tại Điều 22 Thông tư 40 quy định: “Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử: Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của các tài liệu, thông tin, dữ liệu xác minh thông tin nhận biết khách hàng và phải thực hiện đối chiếu khớp đúng thông tin sinh trắc học của chủ ví điện tử (đối với khách hàng cá nhân), người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với: (i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc (ii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập)”.
Do đó, trước ngày 01/01/2025, chủ tài khoản, chủ thẻ cần hoàn thành đối chiếu, xác thực thông tin sinh trắc học; cập nhật, bổ sung thông tin mới thay thế cho giấy tờ tùy thân đã hết hạn. Đến năm 2025, tất cả chủ thẻ, chủ tài khoản đều phải hoàn tất đối chiếu sinh trắc học thì mới thực hiện được giao dịch bằng phương tiện điện tử. Từ ngày 01/01/2025, các ngân hàng sẽ tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán đối với các trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng.
Theo Điều 46 Luật Căn cước (Luật số 26/2023/QH15 ngày 27/11/2023) thì từ ngày 01/01/2025, chứng minh nhân dân (CMND) sẽ không còn hiệu lực sử dụng. Do đó, ai đã từng dùng CMND đăng ký với ngân hàng mà đến ngày này chưa cập nhật thông tin Căn cước công dân thì sẽ bị tạm ngưng giao dịch.
Quy định tại điểm c khoản 6 Điều 25; khoản 3 Điều 28 Thông tư 40 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025: “Khách hành chỉ được sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Thông tư 40 bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ ví điện tử hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với: (i) Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước của người đó đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; hoặc (ii) Dữ liệu sinh trắc học được thu thập thông qua gặp mặt trực tiếp người đó đối với trường hợp là người nước ngoài không sử dụng danh tính điện tử, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; hoặc (iii) Dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra (đảm bảo sự khớp đúng giữa dữ liệu sinh trắc học của người đó với dữ liệu sinh trắc học trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước đã được xác thực chính xác là do cơ quan Công an cấp hoặc với dữ liệu sinh trắc học của người đó thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử do Hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập); hoặc (iv) Dữ liệu sinh trắc học của người đó được lưu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong trường hợp sử dụng thẻ căn cước công dân không có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa”.
Các giao dịch theo khoản 2 Điều 25 Thông tư 40 gồm: “a) Rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản đồng Việt Nam của chủ ví điện tử tại ngân hàng liên kết; b) Chuyển tiền đến tài khoản đồng Việt Nam mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này; c) Chuyển tiền đến ví điện tử khác trong cùng hệ thống (do một tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở); d) Chuyển tiền đến ví điện tử khác ngoài hệ thống (do tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khác mở); đ) Thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ; nộp phí, lệ phí cho các dịch vụ công hợp pháp theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, chủ ví điện tử phải hoàn tất xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân trước ngày 01/01/2025 mới thực hiện được các giao dịch trên.
Trước đó, ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định số 2345). Theo Quyết định số 2345, từ ngày 01/7/2024, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học. Ngoài ra, trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng điện tử (Mobile Banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, người dân cũng phải được nhận dạng xác thực sinh trắc học. Để thực hiện giao dịch tuân thủ theo Quyết định số 2345, người dân, khách hàng cần bổ sung và cập nhật thông tin sinh trắc học với các ngân hàng bằng 2 phương thức: Qua ứng dụng ngân hàng điện tử (Mobile Banking App) hoặc trực tiếp tới chi nhánh/phòng giao dịch.
Theo NHNN, qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, sau khoảng 3 tháng triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345, số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng cá nhân và số lượng tài khoản khách hàng cá nhân có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể, cụ thể: Số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền từ ngày 01/7/2024 đến ngày 18/10/2024 giảm khoảng 30% so với số vụ việc trung bình 6 tháng đầu năm 2024; Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo từ ngày 01/7/2024 đến ngày 18/10/2024 giảm khoảng 60% so với trung bình 6 tháng đầu năm 2024.
Ngân hàng khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật xác thực sinh trắc học và giấy tờ tùy thân
Một số ngân hàng thương mại (NHTM) vừa gửi tới khách hàng, khuyến nghị sớm cập nhật xác thực sinh trắc học hoặc giấy tờ tùy thân, trước ngày 01/01/2025, theo quy định của NHNN.
Theo NHTM cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), từ ngày 01/01/2025, khách hàng sẽ không thể giao dịch online nếu chưa xác thực sinh trắc học. Với những chủ tài khoản chưa có dữ liệu sinh trắc học hoặc giấy tờ tùy thân hết hạn, thông tin dữ liệu tại ngân hàng không khớp đúng với dữ liệu của Bộ Công an sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch.
VPBank khuyến khích người dùng nhanh chóng cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân và cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng hoặc tại các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc. Theo VPBank, ngân hàng này vừa công bố chương trình tặng quà lên tới gần 7 tỉ đồng cho khách hàng thực hiện xác minh sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân trong khoảng thời gian từ ngày 07/11/2024 đến hết ngày 12/01/2025. Việc người dùng tuân thủ quy định hiện hành sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, tăng mức độ bảo mật khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Tương tự, NHTM cổ phần Nam Á (Nam A Bank) cũng thông báo kể từ đầu năm 2025, ngân hàng sẽ tạm dừng giao dịch thẻ, giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán trong trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng và/hoặc giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng hết hiệu lực.
Đối với giao dịch thẻ, giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử, Nam A Bank sẽ tạm dừng giao dịch khi chưa hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của khách hàng.
NHTM cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng thông báo, trường hợp thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước, CMND, hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương mà khách hàng đã cung cấp cho ngân hàng khi mở tài khoản đã thay đổi hoặc đã hết hiệu lực, đề nghị khách hàng cập nhật giấy tờ tùy thân mới cho TPBank.
Gần đây, một loạt ngân hàng khác như NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), NHTM cổ phần Phương Đông (OCB), NHTM cổ phần Lộc Phát (LPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)… đã thông báo quy định mới và khuyến khích khách hàng chủ động cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam còn hiệu lực và thông tin sinh trắc học.
Để bảo đảm an ninh, an toàn và phòng chống tội phạm lừa đảo trực tuyến, Thống đốc NHNN đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (Thông tư 17, Thông tư 18, Thông tư 40), Quyết định số 2345 và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường an ninh, bảo mật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng khi giao dịch ngân hàng trên môi trường mạng.
Thời gian tới, NHNN cần triển khai mở rộng Hệ thống thông tin hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán (SIMO). Hệ thống SIMO cho phép các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán báo cáo NHNN thông tin về các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận, từ đó hình thành kho dữ liệu tập trung các tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ gian lận; các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tra cứu tài khoản có thuộc danh sách tài khoản thanh toán, ví điện tử nghi ngờ trong kho dữ liệu (trả về đúng/sai). Trên cơ sở kho dữ liệu tập trung của hệ thống SIMO và nguồn dữ liệu về danh sách tài khoản thanh toán, ví điện tử đã tham gia vào quá trình luân chuyển dòng tiền lừa đảo đã được Bộ Công an thu thập, các tổ chức tín dụng có thể đưa ra các quyết định thực hiện ngăn chặn giao dịch ngay lập tức hoặc yêu cầu xác thực, định danh trước thực hiện giao dịch trực tuyến. Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng:
(i) Triển khai các giải pháp nhằm phòng, chống, phát hiện các hành vi can thiệp trái phép vào ứng dụng Mobile Banking đã cài đặt trong thiết bị di động của khách hàng; giải pháp phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn sử dụng ứng dụng Mobile Banking đối với các thiết bị bị phá khóa hoặc thiết bị đã kích hoạt quyền trợ năng; áp dụng các cơ chế phát hiện đăng nhập trên thiết bị lạ.
(ii) Rà soát, thiết lập các tiêu chí kỹ thuật của giải pháp xác thực sinh trắc học bảo đảm xác định chính xác chủ thể thực hiện giao dịch, có tính năng phát hiện các hành vi giả mạo dấu hiệu sinh trắc học của vật thể sống để phòng, chống gian lận, giả mạo khách hàng qua hình ảnh (ảnh tĩnh, ảnh động), video, mặt nạ 3D và các hình ảnh, video tạo bởi công nghệ Deepfake. Xem xét áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về xác thực sinh trắc học.
(iii) Triển khai các cơ chế giám sát, phòng chống giao dịch bất thường, giao dịch gian lận đối với kênh ngân hàng điện tử để có cảnh báo sớm và biện pháp ngăn chặn kịp thời với các giao dịch đáng ngờ của khách hàng. Thực hiện nhận diện khách hàng (KYC) đối với các giao dịch nhạy cảm như chuyển tiền số lượng lớn, kích hoạt lại thiết bị mới.
(iv) Tăng cường truyền thông giúp người dân (khách hàng) nâng cao nhận thức về an toàn, bảo mật thông tin, nâng cao kỹ năng nhận biết và phòng chống lừa đảo trực tuyến khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
2. Thông tư số 17/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 của Thống đốc NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
3. Thông tư số 18/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
4. Thông tư số 40/2024/TT-NHNN ngày 17/7/2024 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Phan Linh
NHNN