Nghiên cứu tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Bài viết khoa học chuyên sâu
Nghiên cứu tập trung phân tích tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng báo cáo tài chính của 19 NHTM giai đoạn 2013 - 2022 trước, trong và sau dịch Covid-19, tương ứng 190 quan sát.
aa

Tóm tắt: Nghiên cứu tập trung phân tích tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng báo cáo tài chính của 19 NHTM giai đoạn 2013 - 2022 trước, trong và sau dịch Covid-19, tương ứng 190 quan sát. Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu là hồi quy dữ liệu bảng theo phương pháp bình phương bé nhất tổng quát GLS và các kiểm định liên quan để thực hiện đề tài. Kết quả nghiên cứu cho thấy, rủi ro thanh khoản, tỉ lệ an toàn vốn tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng; rủi ro tín dụng, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Bên cạnh yếu tố rủi ro thanh khoản, quy mô ngân hàng cũng được tìm thấy là có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động ngân hàng với ý nghĩa nhất định trong phạm vi bài nghiên cứu. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất những gợi ý chính sách để nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro thanh khoản nhằm mang lại hiệu quả hoạt động tốt nhất cho hệ thống NHTM Việt Nam.


Từ khóa: Rủi ro thanh khoản, hiệu quả kinh doanh, đại dịch Covid-19.

IMPACT OF LIQUIDITY RISK ON BUSINESS PERFORMANCE OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS

Abstract: This paper focuses on analyzing the impact of liquidity risk on the business performance of Vietnamese commercial banks. The study uses financial statements of 19 commercial banks for the period from 2013 to 2022 - before and in the context of commercial banks were affected by the Covid-19 pandemic, including 190 observations. The method used in the study with the panel data regression are OLS, FEM, REM and GLS - respectively. The research results show that liquidity risk (LR), capital adequacy ratio (CAR) positively affects the bank's business performance; credit risk (CR), Covid-19 pandemic (COV) negatively impacts the business performance of banks. Besides the credit risk factor, bank size is also found to have a significantly positive impact on the business performance of banks. Based on the research results the authors make recommendations to improve the effectiveness of liquidity risk management in order to bring the best business performance to Vietnamese commercial banks.

Keywords: Liquidity risk, business performance, Covid-19 pandemic.

1. Giới thiệu

Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam. Nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh như đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu thụ, áp lực lạm phát và chi phí đầu vào tăng, vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội. Các đợt dịch đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tại các vùng kinh tế trọng điểm, nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn. Chính trong bối cảnh này, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế thì hoạt động của hệ thống ngân hàng được đánh giá là rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến ổn định lưu thông tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sự tăng trưởng và phát triển của quốc gia.

Nền kinh tế quốc gia sẽ gặp rất nhiều rủi ro nếu như việc lưu chuyển tiền tệ bị ứ đọng hoặc việc kiểm soát dòng tiền trong ngân hàng không thực sự tốt. Đặc điểm quan trọng nhất trong quá trình lưu chuyển tiền tệ là khả năng thanh khoản của ngân hàng. Trong quá trình quản trị ngân hàng, các nhà quản trị luôn đau đầu mỗi khi nhắc đến vấn đề làm sao kiểm soát tính thanh khoản và duy trì sự ổn định hoạt động cho ngân hàng và toàn hệ thống (Arif và Anees, 2012).

Chính trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới bất ổn và đặc biệt là đại dịch Covid-19 vừa qua, một số ngân hàng đã gặp khó khăn do không quản lí thanh khoản một cách thận trọng. Nói cách khác, rủi ro thanh khoản bắt nguồn từ việc không có nguồn chi trả cần thiết để trang trải các nghĩa vụ ngắn hạn và dòng tiền hoạt động ngoài dự kiến của ngân hàng (Diamond và Rajan, 2005). Dưới góc độ ngân hàng, khả năng thanh khoản là khả năng ngân hàng đáp ứng nhanh chóng và toàn diện các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh như thanh toán, cho vay và các giao dịch tài chính khác. Tình trạng thiếu thanh khoản kéo dài sẽ dẫn đến rủi ro thanh khoản. Barros và cộng sự (2014) cho rằng, sự phức tạp của vai trò trung gian tài chính ngân hàng làm phát sinh rủi ro thanh khoản. Khủng hoảng thanh khoản ảnh hưởng đáng kể đến môi trường hoạt động của các ngân hàng. Để đối phó với thảm họa này, các cơ quan tài chính như Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đã ủng hộ việc quản lí tích cực rủi ro thanh khoản.

Xuất phát từ những vấn đề trên, trong điều kiện hệ thống ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với những khó khăn từ thị trường, bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, các tác giả thực hiện nghiên cứu tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19.

2. Cơ sở lí luận và mô hình nghiên cứu

2.1. Các khái niệm

2.1.1. Khái niệm rủi ro thanh khoản

Theo “Nguyên tắc quản lí và giám sát rủi ro thanh khoản” của Basel (2008), rủi ro thanh khoản là rủi ro mà một định chế tài chính không đủ khả năng tìm kiếm đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hằng ngày và cũng không gây tác động đến tình hình tài chính.

Rudolf Duttweiler (2009) cho rằng, rủi ro thanh khoản là rủi ro phát sinh khi NHTM không có khả năng thanh toán tại một thời điểm nào đó, hoặc phải huy động nguồn vốn với chi phí cao để đáp ứng nhu cầu thanh toán, hoặc do các nguyên nhân khác làm mất khả năng thanh toán của NHTM, từ đó có thể kéo theo những tác động không tốt cho NHTM. Rủi ro thanh khoản là rủi ro xuất hiện khi ngân hàng không có đủ các nguồn tài chính để thanh toán các nghĩa vụ nợ vào thời điểm đến hạn hoặc là phải sử dụng những nguồn tài chính với chi phí cao mặc dù ngân hàng vẫn có khả năng thanh toán (A. Vento, 2009).

Nhiệm vụ quan trọng của các ngân hàng trong quá trình hoạt động là phải đảm bảo khả năng thanh khoản. Có nghĩa là, trong trường hợp cần thiết, ngân hàng hoặc là có thể sử dụng lượng vốn khả dụng có sẵn, hoặc là có khả năng tiếp cận nguồn vốn bên ngoài với chi phí hợp lí, hoặc là bán các tài sản với mức giá thỏa đáng để đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Một ngân hàng kém thanh khoản có nghĩa là ngân hàng đó không đáp ứng đủ vốn bằng cách tăng vay mượn hoặc chuyển đổi tài sản tức thời với mức giá hợp lí.

2.1.2. Khái niệm hiệu quả hoạt động NHTM

Có nhiều quan điểm về hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM. Theo Farrell (1957), hiệu quả là một phạm trù được sử dụng phổ biến nhằm đánh giá khả năng của một đơn vị trong việc tối đa hóa doanh thu đầu ra trong điều kiện chi phí đầu vào cho trước, hay nói cách khác, hiệu quả chính là những lợi ích mang lại từ hoạt động cụ thể. Theo Antonio, Ludger và Vito (2006) thì “hiệu quả là phép so sánh giữa giá trị đầu vào và đầu ra hay giữa lợi nhuận và chi phí. Với cùng đầu vào cho trước, hoạt động nào tạo ra đầu ra lớn hơn sẽ là hoạt động hiệu quả hơn”. Trương Quang Thông (2011) cho rằng, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được xem là kết quả lợi nhuận do hoạt động ngân hàng mang lại trong một khoảng thời gian nhất định.

Khái niệm về hiệu quả hoạt động kinh doanh là vấn đề gây tranh cãi trong tài chính vì ý nghĩa của nó rất rộng lớn. Hiệu quả hoạt động kinh doanh là tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Hiệu quả hoạt động được đo trên cả hai phương diện kế toán và thị trường. Trên phương diện kế toán, hiệu quả hoạt động kinh doanh được đo bằng chỉ tiêu tỉ suất sinh lời trên tổng tài sản, tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, thu nhập trên mỗi cổ phần. Trên phương diện thị trường, hiệu quả hoạt động được đo bằng chỉ tiêu Tobin’Q và tỉ số giá trị thị trường vốn cổ phần trên giá trị sổ sách vốn cổ phần, tỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu. Hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng thường được đo lường bằng tỉ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), có rất nhiều tác giả dùng ROA và ROE để đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như Abbasali Pouraghajan và cộng sự (2012); Akinyomi Oladele John (2013); Lucy Wamugo Mwangi và cộng sự (2014); Đoàn Ngọc Phúc (2014); Mohammad Hossein Khadem Dezfouli và cộng sự (2014); Bogdan Căpraru, Iulian Ihnatov (2014); Mahmoud Al-Rdaydeh, Ali Matar, Odai Alghzwai (2017); Jonathan A. Batten, Xuan Vinh Vo (2017); Md. Mohiuddin Chowdhury và Shafir Zaman (2018); Faisal Abbas, Shahid Iqbal và Bilal Aziz (2019); Alalade, Yimka S. (Ph.D) và cộng sự (2020); Ephias Munangi và Athenia Bongani Sibindi (2020); Hakimi Abdelaziz và cộng sự (2020); Isam Saleh và Malik Abu Afifa (2020); Md Saimum Hossain, Faruque Ahamed (2021).

Với mục đích nghiên cứu của bài viết này, hiệu quả kinh doanh của các NHTM sẽ được nghiên cứu dưới khía cạnh kết quả lợi nhuận hay khả năng sinh lời của các ngân hàng trong điều kiện đảm bảo hoạt động NHTM được ổn định và hạn chế rủi ro, mà chủ yếu xem xét trong mối quan hệ tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả kinh doanh của NHTM.

2.2. Các lí thuyết có liên quan

2.2.1. Lí thuyết cho vay thương mại và thanh khoản

Smith (1776) cho rằng, cho vay thương mại chủ yếu là ngắn hạn. Với giả định này, ngân hàng chắc chắn rủi ro cao trong một cuộc khủng hoảng tài chính ngay cả khi danh mục cho vay của ngân hàng đã phù hợp với các tiêu chuẩn lí thuyết. Về cơ bản, đây là lí thuyết về quản lí tài sản có nhấn mạnh tính thanh khoản, các ngân hàng có thể duy trì tính thanh khoản cần thiết để đáp ứng các yêu cầu rút tiền gửi của khách hàng.

Lí thuyết cho vay thương mại bên cạnh việc phân tích tính thanh khoản của các khoản cho vay thương mại đã không chú ý tới tính chất thanh khoản nguồn vốn của các khoản cho vay phi thương mại nên không đảm bảo tính thanh khoản cho ngân hàng. Thực tế, có rất nhiều khoản tiền gửi không bị rút ra khi đến hạn mà tiếp tục gia hạn mới, những nguồn tiền như vậy có thể sử dụng cho vay trung và dài hạn. Do đó, lí thuyết hàm ý các ngân hàng luôn trong tình trạng rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro thanh khoản, và các khoản cho vay càng tăng, rủi ro thanh khoản càng tăng.

2.2.2. Lí thuyết khả năng thay đổi (Shiftability theory)

Moulton (1918), một trong những người khởi đầu của lí thuyết này khẳng định rằng “thanh khoản là khả năng thay đổi”. Lí thuyết cho rằng, ngân hàng có thể tự đảm bảo rủi ro thanh khoản hiệu quả nhất bằng cách duy trì tỉ trọng lớn về tài sản có tính thanh khoản cao. Lí thuyết khả năng thay đổi làm chuyển hướng sự chú ý của các ngân hàng, các cơ quan chức năng và cho rằng các khoản vay hay đầu tư là nguồn gốc của vấn đề thanh khoản ngân hàng. Toby (2006) nghiên cứu về nguồn gốc gây ra rủi ro thanh khoản của các ngân hàng Hoa Kỳ dựa trên lí thuyết khả năng thay đổi giải thích rằng, tính thanh khoản của một ngân hàng phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi các tài sản ngắn hạn (công cụ ngắn hạn trên thị trường mở) trong một mức giá dự đoán được. NHTM sẽ có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản nếu có tài sản sẵn sàng để bán. Trong trường hợp số lượng lớn người gửi tiền quyết định rút tiền của họ, tất cả các ngân hàng cần phải bán các khoản đầu tư để trả cho người gửi tiền.

Lí thuyết này cho rằng, cho vay thương mại cũng không đảm bảo an toàn thanh khoản cho NHTM khi khủng hoảng xảy ra. Lí thuyết này chứng minh rằng, vấn đề chính để đảm bảo an toàn thanh khoản là khả năng tạo ra thu nhập của ngân hàng (tăng khả năng tích lũy) và khả năng chuyển đổi của tài sản. Với sự phát triển của thị trường tài chính, ngân hàng cần chủ động dự trữ các tài sản có khả năng chuyển đổi cao, đảm bảo thanh khoản khi phải đáp ứng nhu cầu thanh toán. Do vậy, các ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện các khoản cho vay phi thương mại mà vẫn đảm bảo khả năng thanh khoản của ngân hàng.

2.2.3. Lí thuyết quản lí trách nhiệm pháp lí

Theo Koch và Scott (2009), lí thuyết quản lí nợ cho thấy rằng, các ngân hàng có thể thỏa mãn nhu cầu thanh khoản của mình bằng cách đi vay trên thị trường tiền tệ và vốn. Theo lí thuyết này, các ngân hàng có thể đáp ứng yêu cầu thanh khoản của mình bằng cách huy động trên thị trường để có thêm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay và rút tiền gửi. Khi cần vốn có sẵn ngay lập tức, các ngân hàng có thể vay lẫn nhau thông qua thị trường liên ngân hàng. Lí thuyết quản lí nợ phải trả ngày càng trở nên phổ biến khi các ngân hàng có được khả năng thanh toán lãi suất thị trường đối với các khoản nợ lớn. Đóng góp cơ bản của lí thuyết này là việc xem xét cả hai mặt bảng cân đối kế toán của ngân hàng như các nguồn thanh khoản.

Ngày nay, các ngân hàng sử dụng cả tài sản có và tài sản nợ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản. Các nguồn thanh khoản sẵn có được xác định và so sánh với nhu cầu dự kiến ​​bởi Ủy ban tài sản và trách nhiệm pháp lí của ngân hàng. Ban Giám đốc xem xét tất cả các dòng tiền vào và dòng tiền ra khi quyết định cách phân bổ tài sản và hoạt động tài chính. Các cân nhắc chính bao gồm duy trì chất lượng tài sản cao và cơ sở vốn mạnh để giảm nhu cầu thanh khoản, cải thiện khả năng tiếp cận vốn của ngân hàng với chi phí thấp. Nghiên cứu này dựa trên lí thuyết quản lí nợ phải trả vì quản lí nợ phải trả tích cực kiểm soát các tác động của rủi ro tài chính, đặc biệt là rủi ro thanh khoản. Khi rủi ro thanh khoản được quản lí tốt, các tác động tiêu cực của rủi ro sẽ được cải thiện, do đó, lợi nhuận của các ngân hàng đó sẽ tăng lên.

2.3. Lược khảo các nghiên cứu trước

Kết quả nghiên cứu của Abdelaziz Hakimi và Khemais Zaghdoudi (2016) về “Rủi ro thanh khoản và hiệu quả hoạt động của ngân hàng: Mô hình thực nghiệm đối với các ngân hàng Tunisia” của 10 ngân hàng tại Tunisia trong giai đoạn 1990 - 2013 cho thấy, tỉ lệ an toàn vốn, chỉ số Hirshmen Herfindahl, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội có tác động cùng chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, quy mô ngân hàng, khủng hoảng tài chính quốc tế, tỉ lệ lạm phát có tác động ngược chiều với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Kết quả nghiên cứu của Sokol Ndoka, Manjola Islami và Joana Shima (2016) về “Tác động của quản lí rủi ro thanh khoản đối với hoạt động của các NHTM Albania trong giai đoạn 2005 - 2015” của 40 ngân hàng tại Albania trong giai đoạn 2005 - 2015 cho thấy, tiền gửi có tác động cùng chiều với lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó tiền mặt và khe hở thanh khoản có tác động ngược với lợi nhuận trước thuế.

Kết quả nghiên cứu của Aulia Imani và Antyo Pracoyo (2018) về “Phân tích ảnh hưởng của vốn, rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản đến khả năng sinh lời của ngân hàng” của 08 NHTM tại Indonesia giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, tỉ lệ an toàn vốn có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động ngân hàng, tuy nhiên, rủi ro tín dụng có tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động ngân hàng và tác giả cũng chỉ ra rằng, rủi ro thanh khoản và hiệu quả hoạt động ngân hàng có tác động ngược chiều với nhau.

Wamalwa, M. F. và Mukanzi, C. (2018) với nghiên cứu “Ảnh hưởng của thực tiễn quản lí rủi ro tài chính đến hiệu quả tài chính của các NHTM tại Kenya, trường hợp các ngân hàng tại tỉnh Kakamega” đã nghiên cứu thực tiễn của 09 NHTM ở tỉnh Kakamega thuộc Kenya giai đoạn 2011 - 2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy, rủi ro tín dụng có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM; đồng thời, rủi ro vốn cũng có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Ngược lại, tác giả kết luận rằng, rủi ro lãi suất tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM và rủi ro thanh khoản cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng theo hướng ngược chiều.

Md. Mohiuddin Chowdhury và Shafir Zaman (2018) nghiên cứu về ảnh hưởng của rủi ro thanh khoản đối với hoạt động của các ngân hàng Hồi giáo ở Bangladesh giai đoạn 2012 - 2016. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, tỉ lệ cho vay trên tiền gửi, tài sản có rủi ro thanh khoản trên tổng tài sản, vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động ngân hàng gồm ROA và ROE.

Faisal Abbas, Shahid Iqbal và Bilal Aziz (2019) đã nghiên cứu “Tác động của vốn ngân hàng, thanh khoản ngân hàng và rủi ro tín dụng đến khả năng sinh lời trong thời kì hậu khủng hoảng: Một nghiên cứu so sánh về Hoa Kỳ và châu Á”. Nghiên cứu bắt đầu với 942 NHTM tại hơn 40 quốc gia khu vực châu Á, tuy nhiên, sau quá trình lọc với tiêu chí lựa chọn các ngân hàng được đưa vào nghiên cứu với số vốn tối thiểu là 100 tỉ USD. Như vậy mẫu được giảm xuống còn 174 ngân hàng. Thời gian lấy mẫu là trong giai đoạn 2011 - 2017. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thanh khoản ngân hàng, rủi ro tín dụng, thị trường tài chính có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động của các NHTM. Trong khi đó, rủi ro tín dụng, tăng trưởng cho vay, chi phí hoạt động ngân hàng, quy mô ngân hàng có tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.

Isam Saleh và Malik Abu Afifa (2020) đã nghiên cứu về ảnh hưởng của rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng và vốn ngân hàng đến khả năng sinh lời của ngân hàng, bằng chứng từ một thị trường mới nổi giai đoạn 2010 - 2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, quy mô ngân hàng, chi phí tác động tiêu cực đến đến khả năng sinh lời của ngân hàng gồm ROA, ROE, tỉ lệ thu nhập lãi thuần.

Alalade, Yimka S. (Ph.D) và cộng sự (2020) nghiên cứu về rủi ro thanh khoản và khả năng sinh lời tiền gửi của các ngân hàng niêm yết ở Nigeria giai đoạn 2009 - 2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nợ ròng trên tổng tài sản tác động ngược chiều với khả năng sinh lời của các ngân hàng. Đồng thời, kết quả cũng cho thấy, tỉ lệ cho vay trên tiền gửi, tỉ lệ tài sản lưu động tác động cùng chiều với khả năng sinh lời của các ngân hàng.

Esha Pratiwi, Erni Masdupi (2021) nghiên cứu về ảnh hưởng của rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro thanh khoản đối với tỉ suất sinh lời trên tài sản của các NHTM thông thường đã đăng kí với cơ quan quản lí dịch vụ tài chính trong đại dịch Covid-19 trong giai đoạn từ quý I đến quý IV/2020 tại 272 ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, rủi ro tín dụng tác động tiêu cực đến ROA. Ngược lại rủi ro thị trường tác động tích cực đến ROA.

3. Mô hình, dữ liệu nghiên cứu và phương pháp phân tích dữ liệu

3.1. Mô hình nghiên cứu


Dựa vào nghiên cứu thực nghiệm đã được đề cập trong mô hình nghiên cứu của Abdelaziz Hakimi và Khemais Zaghdoudi (2016), kế thừa những nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam, mô hình nghiên cứu được đề xuất cụ thể như sau:

FROFi,t = β0 + β1*LRi,t + β2*CRi,t + β3*CARi,t+ β4*SIZi,t + β5*COVi,t+ β6*INFi,t+ εi,t


Trong đó:

FROFi,t là biến phụ thuộc, đại diện hiệu quả hoạt động của ngân hàng, được đo lường bởi chỉ số ROA và ROE.

LRi,t; CRii,t; CARi,t: Là các biến độc lập.

SIZi,t; COVi,t; INFi,t: Là các biến kiểm soát.

Mô hình được viết lại như sau:

ROAi,t = β0 + β1*LRi,t + β2*CRi,t + β3*CARi,t+ β4*SIZi,t + β5*COVt + β6*INFt + εi,t

ROEi,t= β0 + β1*LRi,t + β2*CRi,t + β3*CARi,t+ β4*SIZi,t+ β5*COVt + β6*INFt + εi,t

Trong đó:

- ROAi,t: Tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng i thời điểm t.

- ROEi,t: Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng i thời điểm t.

- LRi,t: Tỉ lệ rủi ro thanh khoản của ngân hàng i thời điểm t.

- CRi,t: Tỉ lệ rủi ro tín dụng ngân hàng i thời điểm t.

- CARi,t: Tỉ lệ an toàn vốn ngân hàng i thời điểm t.

- SIZi,t: Quy mô của ngân hàng i thời điểm t.

- COVt: Khủng hoảng dịch Covid-19 thời điểm t.

- INFi,t: Tỉ lệ lạm phát thời điểm t.

- β0: Tung độ góc.

- β1, β2, β3, β4, β5, β6: Hệ số góc.

- εi,t: Phần dư của doanh nghiệp i thời điểm t. (Bảng 1)

Bảng 1: Diễn giải các biến trong mô hình và dấu kì vọng

Nguồn: Tác giả tổng hợp


3.2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu được thực hiện trên dữ liệu bảng. Dữ liệu được tổng hợp từ các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của 19 NHTM Việt Nam và từ nguồn của: Bankscope, Orbid, Vietdata.vn, worldbank.org trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2022, bao gồm 190 quan sát. Dữ liệu kinh tế vĩ mô được thu thập từ các thống kê báo cáo kinh tế tổng hợp trên website của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Dữ liệu thu thập được kiểm tra trước khi phân tích nhằm đảm bảo tính chuẩn xác về mặt giá trị, tính phù hợp với mô hình và phương pháp nghiên cứu. Phương pháp GLS được sử dụng trong nghiên cứu này bởi nó có thể kiểm soát được hiện tượng tự tương quan và phương sai thay đổi. Phương pháp FGLS sẽ ước tính mô hình theo phương pháp OLS (ngay cả trong trường hợp có sự tồn tại của hiện tượng tự tương quan và phương sai thay đổi).

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Phân tích ma trận tương quan

Kết quả ma trận tương quan cho thấy, hệ số tương quan giữa các biến giải thích ở mức thấp từ 0,0112 đến 0,7455 nhỏ hơn 0,8 cho thấy, các biến giải thích ít có tác động qua lại lẫn nhau, hạn chế hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình hồi quy. Theo Kenedy (2008), hiện tượng đa cộng tuyến trở nên nghiêm trọng khi hệ số tương quan lớn hơn 0,8. Các biến giải thích có tác động qua lại lẫn nhau, hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình hồi quy có thể xảy ra. (Bảng 2)

Bảng 2: Kết quả ma trận tương quan

Nguồn: Xử lí số liệu của nhóm tác giả bằng Eview 8.0

LR và CR có tác động cùng chiều với ROA và ROE. Từ kết quả cho thấy, rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. CAR tác động tích cực đến ROA nhưng lại tiêu cực đến ROE với hệ số tương quan lần lượt là 0,3952 và -0,0112. SIZE và COV có tác động tích cực đến ROA với hệ số tương quan lần lượt là 0,3377 và 0,3517. Tương tự SIZE và COV có tác động tích cực đến ROE. INF có tác động ngược chiều đến cả ROA và ROE, chứng tỏ tỉ lệ lạm phát tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của NHTM tại Việt Nam.

4.2. Kết quả hồi quy

Bài nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến, với hai biến phụ thuộc là ROA, ROE và bảy biến giải thích là LR, CR, CAR, SIZE, COV, INF. Chi tiết kết quả mô hình hồi quy theo phương pháp GLS như Bảng 3.

Bảng 3: Kết quả hồi quy theo phương pháp GLS


* Có ý nghĩa thống kê ở mức 10% Nguồn: Xử lí số liệu của tác giả bằng Eview 8.0

** Có ý nghĩa thống kê ở mức 5%
*** Có ý nghĩa thống kê ở mức 1%

Giá trị xác suất Prob (F-statistic) hai mô hình đều bằng 0,0000 cho thấy mô hình có ý nghĩa thống kê ở mức 1%.

4.3. Thảo luận

LR tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng đo bằng ROA và ROE với mức ý nghĩa 1%, tương ứng khi LR tăng 1% thì ROA tăng 1,0181%, ROE tăng 1,2031%. Kết quả này phù hợp với kết quả phân tích ma trận tương quan ở phần trước và giống với giả thuyết đặt ra. Nghiên cứu này giống kết quả với các nghiên cứu trong và ngoài nước như nghiên cứu của Bourke (1989); Kosmidou, Tanna, và Pasiouras (2005); Olagunju, David, và Samuel (2012); Te-Kuang Chou và Agung Dharmawan Buchdadi (2016); Sayed Amin Abdellahi và cộng sự (2017); Md. Mohiuddin Chowdhury và Shafir Zaman (2018); Alalade, Yimka S. (Ph.D) và cộng sự (2020); Ni Putu Ratih Suryaningsih, I Made Surya Negara Sudirman (2020); Phan Thanh Hải và cộng sự (2020) cho thấy rủi ro thanh khoản tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 01/01/2020, tỉ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa ở mức 85%. Tỉ lệ LR dao động từ 80 - 85% là mức tốt nhất để ngân hàng tạo ra lợi nhuận. Tình hình thực tế cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022, có đến 22/27 ngân hàng tăng tỉ lệ rủi ro thanh khoản so với đầu năm, với mức bình quân 5,2%. Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Kiên Long tăng cao nhất với mức 13,7%, kế đó là NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam tăng 9,4% và NHTMCP Đông Nam Á tăng 8,2%… Tính đến ngày 30/6/2022, có 20/27 ngân hàng có tỉ lệ rủi ro thanh khoản trên 85%; 04 ngân hàng nằm trong khoảng 80 - 85%; 03 ngân hàng có rủi ro thanh khoản dưới 80%. Ghi nhận trên toàn hệ thống, 03 ngân hàng đưa tỉ lệ rủi ro thanh khoản lên trên 100% là NHTMCP Kỹ Thương Việt Nam (108%), NHTMCP Đông Nam Á (105,85%) và NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (102%).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đại dịch Covid-19 tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng đo bằng ROA nhưng không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tác động ngược chiều đến ROE với ý nghĩa 1%.

Kết quả các nghiên cứu của Barua và Barua (2020), Elnahass và cộng sự (2021) cho rằng, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu được thực hiện bởi Effendi và Hariani (2020) cho rằng, có sự khác biệt đáng kể về kết quả ROA ở các ngân hàng thương mại Sharia và các đơn vị kinh doanh Sharia trước và sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Tuy nhiên, theo kết quả của nghiên cứu của Lorna Katusiime (2021), dịch Covid-19 và khả năng sinh lời của ngân hàng ở các nước có thu nhập thấp: Trường hợp của Uganda cho thấy rằng, số trường hợp Covid-19 có tác động tích cực và không đáng kể đến tỉ suất sinh lời của tài sản trong khu vực NHTM thông thường. Điều này cho thấy rằng, số trường hợp Covid-19 và số ca tử vong do Covid-19 không có ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ suất sinh lời của tài sản tại các NHTM thông thường. Kết quả này hỗ trợ kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Ilhami và Thamrin (2021), trong nghiên cứu của họ về các NHTM Sharia, tác động tổng thể của Covid-19 đối với hiệu quả tài chính của ngân hàng Sharia ở Indonesia không cho thấy kết quả khác biệt đáng kể giữa trước và trong đại dịch Covid-19. Số trường hợp nhiễm Covid- 19 ngày càng tăng sẽ làm trầm trọng thêm tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng. Do số lượng các trường hợp Covid-19 ngày càng tăng khuyến khích Chính phủ ban hành các chính sách khác nhau sẽ làm gián đoạn lĩnh vực kinh doanh, việc thanh khoản và cho vay của ngân hàng bị ngưng trệ. Cuối cùng, nhiều bên gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình với ngân hàng. Chắc chắn đây sẽ là một tín hiệu tiêu cực đối với lĩnh vực ngân hàng. Trường hợp số lượng các khoản cho vay khó đòi của ngân hàng tăng lên, rủi ro tín dụng sẽ cao hơn và lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm xuống.

5. Kết luận và đề xuất


5.1. Kết luận


Bài nghiên cứu sử dụng báo cáo tài chính của 19 NHTMCP Việt Nam giai đoạn 2013 - 2022, tương ứng 190 quan sát nhằm trả lời cho câu hỏi nghiên cứu “Đánh giá mức độ tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM tại Việt Nam”.

Nghiên cứu đã kiểm định tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM tại Việt Nam thông qua biến phụ thuộc là ROA, ROE. Phương pháp nghiên cứu được thực hiện là phương pháp GLS. Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Đối với mô hình biến phụ thuộc ROA: LR, CAR và SIZE có tác động cùng chiều đến ROA với mức ý nghĩa 1%. Ngược lại, CR tác động ngược chiều đến ROA với mức ý nghĩa 1%. Trong khi COV và INF không tác động đến ROA.

Đối với mô hình biến phụ thuộc ROE: LR và SIZE tác động cùng chiều đến ROE với mức ý nghĩa 1%. Trong khi, CR và COV tác động ngược chiều đối với ROE với mức ý nghĩa 1%. CAR và INF không tác động đến ROE.

Kết quả nghiên cứu trên giúp các nhà quản trị ngân hàng nhận định rõ hơn về tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động của các NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn trước và trong khủng hoảng dịch Covid-19.

5.2. Đề xuất

Với kết quả nghiên cứu trên, các tác giả đưa ra một số gợi ý chính sách giúp NHTM có thể quản trị tốt rủi ro thanh khoản để có thể nâng cao hiệu quả hoạt động NHTM tại Việt Nam như sau:

(i) Kiểm soát chặt rủi ro thanh khoản để nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng. Tuy kết quả mô hình rủi ro thanh khoản tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động ngân hàng, nhưng không vì vậy mà tỉ lệ cho vay trên tiền gửi quá nhiều làm ảnh hưởng trầm trọng đến tính thanh khoản ngân hàng, có thể gây hậu quả xấu là tăng nợ xấu dẫn đến tăng chi phí và làm giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ngân hàng nên sử dụng cả hai biện pháp quản lí rủi ro thanh khoản bằng quản lí tài sản có và quản lí tài sản nợ một cách linh hoạt. Như vậy, ngân hàng có thể vừa tích trữ tài sản thanh khoản để đáp ứng một phần nhu cầu thanh khoản, phần còn lại sẽ được đáp ứng bằng cách đi vay trên thị trường tiền tệ hoặc phát hành kì phiếu ngắn hạn, trái phiếu dài hạn. Thực hiện việc phát hành các giấy tờ có giá, điều chỉnh cơ cấu huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng; điều chỉnh cơ cấu cho vay vào các lĩnh vực nhạy cảm và rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng.

(ii) Tăng tỉ lệ an toàn vốn làm giảm rủi ro thanh khoản ngân hàng. Tăng tỉ lệ an toàn vốn sẽ góp phần giảm rủi ro thanh khoản của ngân hàng, từ đó tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Thông qua việc tăng tỉ lệ an toàn vốn bằng cách tăng vốn chủ sở hữu sẽ làm quy mô ngân hàng phát triển hơn. Chính điều này cũng làm tăng hiệu quả cạnh tranh, tăng uy tín và vị thế ngân hàng, góp phần không nhỏ và việc gia tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Các ngân hàng cần xây dựng chiến lược tăng vốn đi kèm với sử dụng vốn hợp lí để đảm bảo sự phát triển vốn bền vững và giảm áp lực về cổ tức đối với các cổ đông do tăng vốn một cách ồ ạt nhưng chưa có kế hoạch sử dụng cụ thể, hiệu quả. Cân nhắc, lựa chọn cổ đông chiến lược trong và ngoài nước để bán cổ phiếu do ngân hàng phát hành trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi, góp phần tận dụng, học hỏi kinh nghiệm quản lí công nghệ... để nâng cao uy tín và thương hiệu ngân hàng. Đặc biệt, các NHTM lớn thuộc nhóm phải áp dụng Basel II và Basel III cần lựa chọn các cổ đông chiến lược là các NHTM đã áp dụng các kĩ thuật của Basel II, chuẩn bị tiềm lực tài chính để sẵn sàng áp dụng các quy định mới về an toàn vốn, đảm bảo phát triển đủ vốn tự có, từng bước hình thành tấm đệm vốn chống rủi ro chu kì kinh tế và tấm đệm vốn chống rủi ro hệ thống từ sự liên thông của các thị trường.

(iii) Gia tăng vai trò của quản lí nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nâng cao vai trò định hướng trong quản lí và tư vấn cho các NHTM thông qua việc thường xuyên tổng hợp, phân tích thông tin thị trường, đưa ra các nhận định và dự báo khách quan, mang tính khoa học để các NHTM có cơ sở tham khảo, định hướng trong việc hoạch định chính sách kinh doanh từng thời điểm kinh tế biến động sao cho phù hợp, vừa đảm bảo nâng cao khả năng sinh lời, vừa phòng ngừa được rủi ro, an toàn thanh khoản.

Tài liệu tham khảo:

1. Abdelaziz, H., Rim., B. and Helmi, H. (2020) “The Interactional Relationships Between Credit Risk , Liquidity Risk and Bank Profitability in MENA Region”. Global Business Review, pages 1-23.

2. Adelopo et al. (2018). “Adelopo, Ismail, Robert Lloydking, and Venancio Tauringana. 2018. Determinants of Bank Profitability before, during, and after the Financial Crisis”. International Journal of Managerial Finance 14: 378-98.

3. Ahmad Aref Almazari (2014). “Impact of internal factors on bank profitability: Comparative study between Saudi Arabia and Jordan”.

4. Alalade, Yimka S. (Ph.D) và cộng sự (2020). “Liquidity Risk and Profitability of Listed Deposit Money Banks in Nigeria”.

5. Ali (2015). “Effects of credit risk management on financial performance of 2 Jordanian commercial banks”. Financial and Investment Management Innovations. pages 338-344.

6. Amengor, E. C. (2010). “Importance of Liquidity and Capital Adequacy to Commercial Banks”. A Paper Presented at Induction Ceremony of ACCE, UCC Campus.

7. Arif, A. và Anees,A. (2012). “Liquidity Risk and Performance of Banking System”. Journal of Financial Regulation and Compliance, 20(2): pages 182-195.

8. Aulia Imani và Antyo Pracoyo (2018). “Analysis of The Effect of Capital, Credit Risk, and Liquidity Risk on Profitability in Banks”.

9. Barua và Barua (2020). “Covid-19 Implications for Banks: Evidence from an Emerging Economy”. SN Business và Economics 1: 19.

10. Chung-Hua Shen, Yi-Kai Chen (2018). “Bank liquidity risk and performance”.

11. Coyle, B. (2000). “Framework for credit risk management. Chartered Institute of Bankers”.

12. Effendi, I. and Hariani, P. (2020). “Dampak Covid-19 terhadap Bank Syariah : Impact of Covid-19 on Islamic Banks”, EKONOMIKAWAN : Jurnal Ilmu Ekonomi dan Studi Pembangunan, 20(79), pages 221- 230.

13. Fredrick Mwaura Mwangi, (2014). “The Effect of Liquidity Risk Management on Financial Performance of Commercial Banks In Kenya”. A Research Project Submitted In Partial Fulfillment of The Requirements For The Award of The Degree of Master of Science In Finance, School of Business, University of Nairobi.

14. Hai Thanh Phan, Tien Ngoc Hoang, Linh Viet Dinh và Dat Ngoc Hoang (2020). “The Determinants of Listed Commercial Banks’ Profitability in Vietnam”.

15. Hakimi Abdelaziz và cộng sự (2020). “The interactional relationships between credit risk, liquidity risk and bank profitability in MENA region”.

16. Ilhami and Thamrin, H. (2021). “Analisis Dampak Covid-19 terhadap Kinerja Keuangan Perbankan Syariah di Indonesia”. Jurnal Tabarru: Islamic Banking and Finance, 4(1), pages 37-45. doi: 10.25299/jtb.2021.vol4(1).6068.

17. Isam Saleh và Malik Abu Afifa (2020). “The effect of credit risk, liquidity risk and bank capital on bank profitability: Evidence from an emerging market”.

18. Jenkinson, N. (2008). “Strengthening regimes for controlling liquidity risk, Euro Money, in Conference on Liquidity and Funding Risk Management”.

19. John Echobu, Okika Nkiru Philomena (2019). “Credit Risks and Financial Performance of Nigerian Banking Industry”.

20. Jonathan A. Batten, Xuan Vinh Vo (2017). “Determinants of bank profitability - Evidence from Vietnam”.

21. Lorna Katusiime (2021). “Covid-19 and Bank Profitability in Low Income Countries: The Case of Uganda”.

22. Luckett (1984), “ARR vs. IRR: A review and an analysis”.

23. Lucy Wamugo Mwangi và cộng sự (2014). “Relationship between capital structure and performance of non-financial companies listed in the Nairobi Securities Exchange, Kenya”.

24. Mohammad Hossein Khadem Dezfouli và cộng sự (2014). “Assessing the profitability of the iranian banking system’s non-linear relationship with liquidity risk”.

25. Ndoka, S., Islami, M., và Shima, J. (2016). “The impact of liquidity risk management on the performance of Albanian Commercial Banks during the period 2005-2015”.

26. Phan Thị Hằng Nga, (2017). “Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận các NHTMCP Việt Nam sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 237, trang 65-73.

27. Ni Putu Ratih Suryaningsih, I Made Surya Negara Sudirman (2020). “The Influence of Credit Risk, Liquidity Risk, and Operational Risk on Profitability in Rural Banks in Bali Province”.

28. Njeri, M. M. (2014). “The effects of liquidity on financial performance of deposit taking microfinance institutions in Kenya: Nairobi: University of Nairobi”.

29. Olagunju, David, và Samuel, (2012). “Efficiency of financial ratios analysis for evaluating companies’ liquidity”.

30. Rahman et al. (2015). “Determinants of Bank Profitability: Empirical Evidence from Bangladesh”. International Journal of Business and Management 10: 135.

31. Saleh, I. và Afifa, M.A. (2020). “The effect of credit risk, liquidity risk and bank capital on bank profitability: Evidence from an emerging market”.

32. Sayed Amin Abdellahi và cộng sự (2017). “The effect of credit risk, market risk, and liquidity risk on financial performance indicators of the listed banks on Tehran Stock Exchange”.

33. Hoàng Ngọc Tiến và Võ Thị Hiền (2010). "Trao đổi về phương pháp tỷ lệ thu nhập ngoài tín dụng của NHTM", Tạp chí Công nghệ Ngân hàng.

34. Tyson, Judith. (2020). “The Impact of Covid-19 on Africa”s Banking System|ODI: Think Change. London: Overseas Development Institute (ODI)”.

35. Wamalwa, M. F. và Mukanzi, C. (2018). “Influence of Financial Risk Management Practices on Financial Performance of Commercial Banks In Kenya, A Case of Banks In Kakamega County”.


ThS. Nguyễn Đăng Khoa (Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh)

ThS. Phạm Minh Phương (Công ty Cổ phần Bất động sản Danh Khôi)

ThS. Lê Quốc Tuấn (Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh)


https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Nhóm nhân tố tác động đến chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và một số đề xuất, khuyến nghị

Nhóm nhân tố tác động đến chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và một số đề xuất, khuyến nghị

Mục đích của nghiên cứu là cung cấp cái nhìn toàn diện và sâu sắc về các nhân tố tác động đến chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 78 doanh nghiệp trong giai đoạn 2019 - 2023. Sử dụng phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính trên phần mềm Stata 17, kết quả cho thấy các yếu tố như kiểm soát nội bộ, khả năng sinh lời, vốn trí tuệ, đòn bẩy tài chính và chất lượng kiểm toán độc lập có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này, từ đó nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị cụ thể giúp các doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý thông tin tài chính, đồng thời, cung cấp góc nhìn hữu ích dành cho các nhà đầu tư, giúp họ có cơ sở để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Ứng dụng mô hình hồi quy nhị phân trong việc dự đoán rủi ro phá sản của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán

Ứng dụng mô hình hồi quy nhị phân trong việc dự đoán rủi ro phá sản của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán

Phân tích báo cáo tài chính cung cấp thông tin rõ ràng về tình hình tài chính, vốn và công nợ của doanh nghiệp, giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định điều hành và đầu tư chính xác. Nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa các chỉ số tài chính của nhóm doanh nghiệp có nguy cơ phá sản và nhóm doanh nghiệp không có nguy cơ phá sản. Các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản thường có chỉ số tài chính không ổn định (quá cao hoặc quá thấp) so với các doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Dự đoán xu hướng sử dụng công nghệ mới của người dùng thông qua chỉ số sẵn sàng công nghệ

Dự đoán xu hướng sử dụng công nghệ mới của người dùng thông qua chỉ số sẵn sàng công nghệ

Những năm gần đây, với sự chuyển đổi số mạnh mẽ và sự phát triển không ngừng của các công nghệ tiên tiến, việc đo lường mức độ chấp nhận và sử dụng công nghệ mới của người dùng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự sẵn sàng áp dụng công nghệ của một cá nhân sẽ phản ánh khuynh hướng chấp nhận công nghệ của họ trong các hoạt động thường ngày. Để đánh giá chính xác xu hướng này, Chỉ số sẵn sàng công nghệ đã trở thành một công cụ hữu ích, giúp đo lường tâm lý, thái độ và hành vi của người dùng đối với các ứng dụng công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn về mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ của các đối tượng mục tiêu, cũng như dự báo xu hướng phát triển của thị trường.
Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng các nền tảng cho vay ngang hàng của sinh viên

Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng các nền tảng cho vay ngang hàng của sinh viên

Để đánh giá nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng các nền tảng cho vay ngang hàng, nghiên cứu này sử dụng phương pháp định lượng kết hợp với định tính. Quy trình nghiên cứu được thực hiện theo các bước: Thống kê mô tả, đánh giá độ tin cậy của thang đo thông qua kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy tuyến tính bội và kiểm định giả thuyết. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua việc gửi phiếu khảo sát dưới hình thức online đến sinh viên các trường đại học.
Giải pháp cho quyền tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Giải pháp cho quyền tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Quyền tiếp cận đất đai của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế và hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, quá trình này vẫn gặp phải nhiều bất cập do những hạn chế về pháp lý, thủ tục hành chính phức tạp, thời hạn sử dụng đất ngắn và thiếu sự minh bạch trong quản lý đất đai. Các rào cản này không chỉ làm giảm sức hút của môi trường đầu tư Việt Nam mà còn cản trở sự phát triển bền vững của các dự án FDI. Để nâng cao hiệu quả quyền tiếp cận đất đai của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp...
Ứng dụng sinh trắc học trong hoạt động ngân hàng - Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả

Ứng dụng sinh trắc học trong hoạt động ngân hàng - Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả

Ứng dụng sinh trắc học trong hoạt động ngân hàng mang lại nhiều lợi ích vượt trội, góp phần hiện đại hóa hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và bảo đảm an toàn giao dịch. Các công nghệ sinh trắc học phổ biến như nhận diện khuôn mặt, quét vân tay, mống mắt hay xác thực giọng nói... không chỉ cải thiện quy trình vận hành mà còn gia tăng mức độ tin cậy trong các giao dịch tài chính.
Tính độc lập của thư tín dụng và ngoại lệ gian lận: Thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam

Tính độc lập của thư tín dụng và ngoại lệ gian lận: Thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam

Phương thức thanh toán bằng L/C được các doanh nghiệp sử dụng rộng rãi trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Phương thức thanh toán này giúp các bên giảm thiểu rủi ro do khoảng cách về địa lý và sự khác biệt của pháp luật giữa các quốc gia.
Cơ hội và thách thức của ngành Ngân hàng trong việc đạt mục tiêu ESG

Cơ hội và thách thức của ngành Ngân hàng trong việc đạt mục tiêu ESG

Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội và sự thiếu minh bạch trong quản trị, khái niệm ESG đã nổi lên như một giải pháp không thể thiếu để hướng tới sự phát triển bền vững.
Xem thêm
Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Công điện số 67/CĐ-TTg ngày 19/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách Xám”

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sớm đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách Xám”

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng dẫn một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn thực hiện các nghĩa vụ của đối tượng báo cáo. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đã cho thấy một số nội dung cần được điều chỉnh, cập nhật để bảo đảm phù hợp hơn với thực tế, đồng thời đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quốc tế. Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tích cực tại Hội thảo "Lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2023/TT-NHNN và cập nhật, phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố" do NHNN tổ chức ngày 15/5/2025.
Chính sách tín chỉ xe điện kép để giải quyết ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Chính sách tín chỉ xe điện kép để giải quyết ô nhiễm không khí ở Việt Nam

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách tín chỉ hiệu suất năng lượng và tín chỉ xe không phát thải để giảm ô nhiễm không khí. Mô hình này tạo động lực đầu tư vào xe điện, công nghệ tiết kiệm năng lượng và hạ tầng xanh. Việt Nam cần xây dựng hệ thống đánh giá tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính của các dòng xe; quy định về cấp và giao dịch tín chỉ để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh và đạt mục tiêu Net Zero.
Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Kế hoạch triển khai Phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” (Kế hoạch).
Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng cao tại Việt Nam

Tăng trưởng cao không nhất thiết đi kèm với lạm phát cao, bong bóng tài sản, nợ xấu gia tăng và đồng nội tệ mất giá. Nhưng các yếu tố này vẫn tiềm ẩn như các rủi ro kinh tế vĩ mô, tạo nguy cơ đối với sự ổn định vĩ mô tại Việt Nam trong thời gian tới. Bài viết này đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn tăng trưởng cao, với trọng tâm là phát huy điểm mạnh và hạn chế hiệu ứng tiêu cực từ vận hành chính sách tài khóa và tiền tệ.
Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Giải mã bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm Đông Á và một số khuyến nghị chính sách

Bài viết này tổng hợp bài học từ các nền kinh tế đã thành công vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, tác giả nêu một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam nhằm duy trì đà tăng trưởng, tránh rơi vào “bẫy” và hướng tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước các tháng đầu năm 2025: Rủi ro, thách thức và một số đề xuất, kiến nghị

Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Đây là một mục tiêu đầy thách thức, khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định và tăng trưởng khu vực đang có xu hướng chậm lại, cùng với việc Hoa Kỳ thực hiện áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 vẫn có thể đạt được, với điều kiện phải có sự điều hành chính sách linh hoạt, đồng bộ và cải cách thể chế đủ mạnh để khơi thông các điểm nghẽn về đầu tư, năng suất và thị trường…
Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Chiến lược của các nhà đầu tư toàn cầu: Con đường gập ghềnh đến “xanh hóa”

Bài viết phân tích chiến lược của các ngân hàng toàn cầu, sự rút lui của một số ngân hàng lớn khỏi các liên minh khí hậu và xu hướng chuyển đổi sang “tài trợ xanh” và "tài trợ chuyển đổi", trên cơ sở đó đề xuất một số hàm ý đối với Việt Nam.
Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại châu Á: Vai trò của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và kinh tế vĩ mô

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của cạnh tranh thị trường, chất lượng thể chế và các yếu tố kinh tế vĩ mô tới sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại tại châu Á. Nhóm nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu bảng gồm 43.232 quan sát từ 1.093 ngân hàng thương mại ở các nước châu Á trong giai đoạn quý I/2008 đến quý I/2024. Bằng cách tiếp cận theo phương pháp hồi quy 2SLS, nghiên cứu đã khắc phục được vấn đề nội sinh trong mô hình và mang lại các kết quả ước lượng vững. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa chỉ số Lerner và Z-score hay cạnh tranh thị trường có ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính của các ngân hàng thương mại.
Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Đối với Việt Nam, CBDC có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, tăng cường tài chính toàn diện và nâng cao hiệu quả giám sát tiền tệ. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có một chiến lược rõ ràng, bao gồm: Xác định rõ mục tiêu của CBDC, xây dựng khung pháp lý toàn diện, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, thử nghiệm các mô hình triển khai phù hợp và thúc đẩy hợp tác quốc tế để đảm bảo tính tương thích với hệ thống tài chính toàn cầu.

Nghị định số 26/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 64/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc