Sự tương thích trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 về Hội đồng quản trị với thông lệ quản trị ngân hàng trên thế giới

Chính sách
Trong những năm gần đây, vấn đề quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng đang trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu của những người làm chính sách, các học giả nghiên cứu cũng như các ngân hàng nhằm duy trì sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng và thúc đẩy niềm tin của công chúng.
aa

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, vấn đề quản trị công ty trong lĩnh vực ngân hàng đang trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu của những người làm chính sách, các học giả nghiên cứu cũng như các ngân hàng nhằm duy trì sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng và thúc đẩy niềm tin của công chúng. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như First Republic, Silicon Valley, Signature và Silvergate của Mỹ, Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ phải sụp đổ hoặc đối điện với nguy cơ sụp đổ, vấn đề quản trị ngân hàng và tăng cường hiệu quả trong hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT) - cơ quan quản trị cao nhất trong ngân hàng lại càng trở nên cấp thiết. Bài viết tập trung làm rõ các khuyến nghị của Ủy ban Basel về tổ chức và hoạt động của HĐQT trong ngân hàng và đánh giá sự tương thích trong quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 với các thông lệ quốc tế; từ đó đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam trong quá trình tiếp nhận các thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng thương mại (NHTM).

Từ khóa: Quản trị công ty trong ngân hàng, HĐQT, Luật Các TCTD năm 2024, thông lệ quốc tế.

COMPATIBILITY OF REGULATIONS IN THE LAW ON CREDIT INSTITUTIONS 2024
REGARDING THE BOARD OF DIRECTORS WITH GLOBAL BANKING GOVERNANCE PRACTICES


Abstract: In recent years, the issue of corporate governance in the banking sector has become a focus of research for policymakers, academics and banks to maintain the safety and soundness of the banking system and promote public confidence. Especially in the context of many large banks in the world such as First Republic Bank, Silicon Valley Bank, Signature Bank and Silvergate Bank of the US, and Credit Suisse of Switzerland facing the risk of collapse, the issue of bank governance and enhancing the effectiveness of the Board of Directors - the highest governance body in the bank has become even more urgent. The article focuses on clarifying the recommendations of the BASEL Committee on the organization and operation of the Board of Directors in banks and assessing the compatibility of the provisions of the Law on Credit Institutions 2024 with international practices; thereby providing some suggestions for Vietnam in the process of adopting international practices on commercial bank governance.

Keywords: Corporate governance in banks, Board of Directors, Law on Credit institutions 2024, international practices.

1. Quản trị công ty trong ngân hàng và tầm quan trọng của HĐQT trong hoạt động quản trị NHTM

Nhắc đến quản trị công ty là nói đến một hệ thống các quy chế nhằm tổ chức, vận hành và kiểm soát các hoạt động của công ty, trong đó bao hàm việc thiết lập cơ chế xử lý có hiệu quả các mối quan hệ giữa chủ sở hữu công ty (cổ đông, người góp vốn) với những người nắm quyền quản lý, điều hành công ty (HĐQT, ban giám đốc…) và người kiểm tra, giám sát các hoạt động của công ty (ban kiểm soát). Việc xử lý có hiệu quả các mối quan hệ này sẽ giúp công ty vận hành ổn định, bền vững, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các xung đột lợi ích và hướng tới mục tiêu cao nhất là gia tăng lợi ích cho chủ sở hữu. Trong lĩnh vực ngân hàng, vấn đề quản trị công ty về cơ bản vẫn bao hàm các nội dung như đối với doanh nghiệp nói chung, tuy nhiên do những đặc thù của hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này dẫn đến thực tế hoạt động quản trị công ty trong các ngân hàng tồn tại một số những điểm khác biệt sau:

Một là, về tổng thể, hoạt động quản trị công ty tại các ngân hàng thường chịu sự điều chỉnh chặt chẽ hơn bởi các quy định pháp luật chuyên ngành. Điều này xuất phát từ vai trò quan trọng đặc biệt của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế cũng như tính chất rủi ro của các hoạt động ngân hàng. Vì vậy, pháp luật của các quốc gia thường có xu hướng quy định chặt chẽ hơn đối với tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp này.

Hai là, về nội dung, hoạt động quản trị công ty trong các ngân hàng thường chú trọng giải quyết một số vấn đề trọng tâm bao gồm: (i) Sự bất cân xứng thông tin tiềm ẩn trong hoạt động của các ngân hàng. Mặc dù sự bất cân xứng thông tin xảy ra ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh, bằng chứng cho thấy những sự bất cân xứng thông tin này là lớn hơn với các ngân hàng1. Sự bất cân xứng thông tin có thể xảy ra giữa những người quản lý, điều hành với cổ đông, chủ nợ, người gửi tiền… hoặc ngay giữa những người quản lý và điều hành trong ngân hàng; (ii) Sự thiếu minh bạch trong hoạt động của ngân hàng2. Trong ngân hàng, thông tin về hoạt động cấp tín dụng và chất lượng khoản tín dụng không dễ dàng quan sát được và có thể bị che giấu trong thời gian dài, đặc biệt là trong trường hợp các khoản vay này được cung cấp cho các đối tượng có quan hệ mật thiết với những người quản lý, điều hành trong ngân hàng3; (iii) Quyền lợi của người gửi tiền - chủ nợ của ngân hàng được ưu tiên trước quyền lợi của cổ đông. Đây là điểm khác biệt khá rõ ràng đối với quản trị công ty thông thường - tập trung quan tâm đến quyền lợi của cổ đông. Ngay trong bộ nguyên tắc quản trị công ty dành cho ngân hàng của Ủy ban Basel đã nêu rõ: “Mục tiêu chính của quản trị công ty trong ngân hàng phải là bảo vệ lợi ích của các bên liên quan phù hợp với lợi ích công cộng trên cơ sở bền vững. Trong số các bên liên quan, đặc biệt là đối với các ngân hàng bán lẻ, lợi ích của cổ đông sẽ đứng thứ yếu so với lợi ích của người gửi tiền”4.

Trong quản trị công ty có sự tham gia của nhiều chủ thể bao gồm cổ đông, HĐQT, ban giám đốc, ban kiểm soát và các chủ thể có liên quan. Tuy nhiên, HĐQT với tư cách là cơ quan quản trị cao nhất đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, điều này không chỉ được nhìn thấy trong các doanh nghiệp thông thường mà đặc biệt được nhấn mạnh trong hoạt động quản trị công ty tại các ngân hàng. Các vai trò cơ bản của HĐQT bao gồm: Xây dựng chiến lược theo mục tiêu chung đã được đại hội đồng cổ đông đặt ra; xây dựng chính sách quản lý rủi ro và giám sát việc thực hiện; thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ và giám sát quá trình hoạt động của hệ thống; quản lý và phát triển nguồn nhân lực; quản lý tài chính của doanh nghiệp… Ngoài ra, HĐQT cũng đóng vai trò quan trọng trong giám sát hành vi cũng như tư vấn cho giám đốc về việc xác định và triển khai chiến lược doanh nghiệp. Kiến thức cụ thể của thành viên HĐQT về tính phức tạp của hoạt động kinh doanh ngân hàng cho phép họ giám sát và tư vấn cho các giám đốc một cách hiệu quả5. Hiện nay, ngày càng có nhiều nghiên cứu thể hiện rằng cơ chế quản trị công ty thông qua hoạt động của HĐQT có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát một cách hiệu quả các rủi ro trong hoạt động của ngân hàng nhằm tăng cường sự ổn định hệ thống ngân hàng của một quốc gia6. Vì vậy, trong các khuyến nghị về quản trị công ty đối với ngân hàng của các tổ chức quốc tế, như Ủy ban Basel..., đã đưa ra nhiều nguyên tắc riêng về HĐQT, trong đó nhấn mạnh vào vai trò giám sát tập thể và quản trị rủi ro của cơ quan này7.

2. Một số khuyến nghị của Ủy ban Basel về tổ chức và hoạt động của HĐQT NHTM

Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking Supervision - BCBS) là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cơ bản cho các quy định về an toàn của ngân hàng và cung cấp một diễn đàn hợp tác thường xuyên về vấn đề giám sát ngân hàng. 45 thành viên của Ủy ban bao gồm các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát ngân hàng từ 28 khu vực pháp lý8. Vào tháng 7/2015, BCBS đã công bố các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp cập nhật dành cho các ngân hàng. Bộ nguyên tắc này được đưa ra nhằm thay thế cho bộ nguyên tắc đã được Ủy ban Basel ban hành vào năm 2010. Bộ nguyên tắc nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của quản trị công ty hiệu quả đối với hoạt động an toàn và lành mạnh của các ngân hàng, nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị rủi ro như một phần của khuôn khổ quản trị ngân hàng; thúc đẩy giá trị và các chức năng kiểm soát của HĐQT cũng như các ủy ban trong HĐQT9. Các nội dung cơ bản về 13 nguyên tắc quản trị công ty dành cho ngân hàng của Ủy ban Basel bao gồm10: (i) Trách nhiệm chung của HĐQT đối với ngân hàng; (ii) Trình độ và thành phần HĐQT; (iii) Cấu trúc và hoạt động của HĐQT; (iv) Ban quản lý cấp cao của ngân hàng; (v) Quản trị cấu trúc tập đoàn; (vi) Chức năng quản lý rủi ro; (vii) Nhận diện, giám sát và kiểm soát rủi ro; (viii) Truyền thông rủi ro; (ix) Tuân thủ; (x) Kiểm toán nội bộ; (xi) Vấn đề thù lao; (xii) Công bố và minh bạch; (xiii) Vai trò của cơ quan giám sát. Như vậy, trong 13 nguyên tắc quản trị công ty dành cho ngân hàng, Ủy ban Basel đã dành riêng 3 nguyên tắc đầu tiên để đưa ra những yêu cầu đối với HĐQT, trong đó tập trung vào 3 vấn đề cơ bản là: Trách nhiệm của HĐQT; trình độ và thành phần HĐQT; cấu trúc và hoạt động của HĐQT.

Trách nhiệm của HĐQT11

Theo Ủy ban Basel, HĐQT sẽ là cơ quan có trách nhiệm cuối cùng đối với chiến lược kinh doanh; sự lành mạnh về tài chính; các quyết định về nhân sự chủ chốt; cơ cấu, hoạt động quản trị và tổ chức nội bộ; các nghĩa vụ tuân thủ và quản lý rủi ro. Trong một số trường hợp, HĐQT có thể ủy quyền một số chức năng của mình cho các ủy ban HĐQT thực hiện. HĐQT cần phải có thẩm quyền trong việc thiết lập cấu trúc của ngân hàng, điều này sẽ cho phép HĐQT và ban quản lý cấp cao thực hiện trách nhiệm của mình và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định quản trị hiệu quả. Nội dung này cũng bao gồm việc xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của HĐQT, ban quản lý cấp cao và những người chịu trách nhiệm về các chức năng quản lý và kiểm soát rủi ro trong ngân hàng. Các thành viên của HĐQT nên thực hiện "nghĩa vụ cẩn trọng" và "nghĩa vụ trung thành" của mình đối với ngân hàng theo luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn giám sát hiện hành.

Về các hoạt động cụ thể, Ủy ban Basel khuyến nghị HĐQT nên:

(i) Tích cực tham gia vào các hoạt động của ngân hàng và theo kịp những thay đổi quan trọng trong hoạt động kinh doanh và môi trường bên ngoài cũng như hành động kịp thời để bảo vệ lợi ích lâu dài của ngân hàng; (ii) Giám sát việc phát triển, phê duyệt các mục tiêu và chiến lược kinh doanh của ngân hàng; theo dõi việc thực hiện trên thực tế; (iii) Đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập văn hóa và giá trị doanh nghiệp của ngân hàng; (iv) Giám sát việc thực hiện khuôn khổ quản trị của ngân hàng và định kỳ xem xét rằng khuôn khổ này vẫn phù hợp khi xét đến những thay đổi đáng kể về quy mô, tính phức tạp, chiến lược kinh doanh, thị trường và các yêu cầu pháp lý của ngân hàng; (v) Cùng với ban quản lý cấp cao và giám đốc quản lý rủi ro (CRO), thiết lập mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng, có tính đến bối cảnh cạnh tranh và pháp lý cũng như lợi ích dài hạn, mức độ tiếp xúc với rủi ro và khả năng quản lý rủi ro hiệu quả của ngân hàng; (vi) Giám sát việc tuân thủ chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro của ngân hàng; (vii) Phê duyệt cách tiếp cận và giám sát việc thực hiện các chính sách quan trọng liên quan đến quy trình đánh giá mức độ đủ vốn, kế hoạch vốn và thanh khoản, chính sách, nghĩa vụ tuân thủ và hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng; (viii) Phê duyệt báo cáo tài chính hằng năm và yêu cầu đánh giá độc lập định kỳ các lĩnh vực quan trọng; (ix) Phê duyệt việc lựa chọn và giám sát hiệu quả làm việc của giám đốc điều hành, các thành viên chủ chốt của ban quản lý cấp cao và người đứng đầu ban kiểm soát; (x) Giám sát các vấn đề về chế độ đãi ngộ, bao gồm giám sát và xem xét chế độ đãi ngộ của ban điều hành và đánh giá xem chế độ này có phù hợp với văn hóa rủi ro và khẩu vị rủi ro của ngân hàng; (xii) Giám sát tính toàn vẹn, tính độc lập và hiệu quả của các chính sách và quy trình của ngân hàng đối với việc khiếu nại.

Ngoài ra, Ủy ban Basel còn nhấn mạnh đến vai trò của HĐQT trong việc duy trì năng lực tài chính lành mạnh; chịu trách nhiệm về hoạt động kế toán và dữ liệu tài chính của ngân hàng. HĐQT cũng phải đảm bảo các giao dịch với các bên liên quan (bao gồm các giao dịch nội bộ của nhóm) được xem xét để đánh giá rủi ro và phải tuân theo các hạn chế thích hợp (ví dụ yêu cầu các giao dịch đó phải được thực hiện theo điều khoản độc lập) và nguồn lực của ngân hàng không bị chiếm dụng hoặc sử dụng sai mục đích. Khi thực hiện những trách nhiệm này, HĐQT cần xem xét đến lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cổ đông và các bên liên quan khác, đồng thời đảm bảo rằng ngân hàng duy trì mối quan hệ hiệu quả với các giám sát viên.

Trình độ và thành phần HĐQT12

Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động của HĐQT, nhất là trong việc xây dựng chiến lược, giám sát hoạt động của ngân hàng, Ủy ban Basel khuyến nghị thành viên HĐQT phải có trình độ, năng lực phù hợp với vị trí. Các thành viên phải hiểu vai trò giám sát và quản trị doanh nghiệp của mình và có thể đưa ra phán đoán khách quan, sáng suốt về các vấn đề của ngân hàng.

Thành phần của HĐQT phải phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát hiệu quả, vì vậy thường phải bao gồm một số lượng hợp lý các thành viên độc lập. Cơ cấu thành viên của HĐQT cần có sự cân bằng về kỹ năng, trình độ, tính đa dạng và chuyên môn tương xứng với quy mô, tính phức tạp và rủi ro của ngân hàng. Khi đánh giá tính phù hợp chung của HĐQT, cần lưu ý những điều sau: (i) Các thành viên HĐQT phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan (có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở thị trường vốn, phân tích tài chính, các vấn đề ổn định tài chính, báo cáo tài chính, công nghệ thông tin, lập kế hoạch chiến lược, quản lý rủi ro, lương thưởng, pháp lý, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng quản lý…) và có nhiều nền tảng khác nhau để thúc đẩy sự đa dạng về quan điểm; (ii) HĐQT phải có sự hiểu biết hợp lý về các yếu tố kinh tế và thị trường địa phương, khu vực và quốc tế; hiểu biết về môi trường pháp lý, kinh nghiệm quốc tế; thái độ của từng thành viên HĐQT phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp, hợp tác và tranh luận trong quá trình ra quyết định.

Ủy ban Basel cũng khuyến nghị các ngân hàng phải có quy trình lựa chọn và đánh giá trình độ của thành viên HĐQT. Theo đó:

- HĐQT phải có quy trình rõ ràng và nghiêm ngặt để xác định, đánh giá và lựa chọn các ứng viên HĐQT. Trừ khi luật pháp quốc gia có quy định khác, HĐQT (không phải ban quản lý) sẽ đề cử ứng viên và thúc đẩy kế hoạch kế nhiệm phù hợp cho các thành viên HĐQT13.

- Quy trình lựa chọn phải bao gồm việc xem xét các điều kiện của ứng viên: (i) Có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đặc biệt trong trường hợp của các thành viên không điều hành, sự độc lập về tư duy khi xét đến trách nhiệm của họ trong HĐQT và xét đến hoạt động kinh doanh, hồ sơ rủi ro của ngân hàng; (ii) Có hồ sơ liêm chính và uy tín tốt; (iii) Có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình; (iv) Có khả năng thúc đẩy sự tương tác tốt giữa các thành viên HĐQT.

- Các ứng viên HĐQT không được có bất kỳ xung đột lợi ích nào có thể cản trở khả năng thực hiện nhiệm vụ của họ một cách độc lập và khách quan, khiến họ chịu ảnh hưởng không đúng mực từ: (i) Những người khác (chẳng hạn như ban quản lý hoặc các cổ đông khác); (ii) Các vị trí trước đây hoặc hiện tại đang nắm giữ; (iii) Các mối quan hệ cá nhân, chuyên môn hoặc kinh tế khác với các thành viên của HĐQT hoặc ban quản lý (hoặc với các thành viên khác trong tập đoàn).

- Ngân hàng nên thành lập một ủy ban đề cử hoặc cơ quan tương tự, bao gồm một số lượng đủ các thành viên HĐQT độc lập để xác định và đề cử các ứng viên đủ điều kiện.

- Nhằm giúp các thành viên HĐQT duy trì và nâng cao kiến thức, kỹ năng để hoàn thành trách nhiệm của mình, HĐQT nên đảm bảo rằng các thành viên tham gia vào các chương trình đào tạo và có quyền tham gia vào chương trình đào tạo liên tục về các vấn đề có liên quan đến những nguồn lực nội bộ hoặc bên ngoài. HĐQT nên dành đủ thời gian, ngân sách, các nguồn lực khác cho mục đích này và tận dụng chuyên môn bên ngoài khi cần thiết; cần nỗ lực nhiều hơn để đào tạo và cập nhật những thành viên có ít kinh nghiệm về kiến thức tài chính, quy định hoặc các vấn đề liên quan đến rủi ro.

- Khi những cổ đông có thẩm quyền bầu chọn thành viên HĐQT, HĐQT nên đảm bảo rằng những cổ đông đó hiểu rõ nhiệm vụ của mình. Các thành viên HĐQT có trách nhiệm đối với lợi ích chung của ngân hàng và bất kể ai đã bầu chọn họ. Trong trường hợp thành viên HĐQT được một cổ đông kiểm soát chọn, HĐQT cần đưa ra các thủ tục cụ thể hoặc tiến hành đánh giá định kỳ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện trách nhiệm phù hợp của tất cả các thành viên HĐQT.

Cấu trúc và hoạt động của HĐQT14

Cấu trúc của HĐQT được đề cập đến trong nguyên tắc thứ 3. Theo đó, cấu trúc của HĐQT cần được xây dựng phù hợp và đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đã đề ra. Nguyên tắc cũng đề cập đến việc HĐQT cần thường xuyên hoàn thiện các quy tắc tổ chức, điều lệ hoặc các tài liệu tương đương để làm rõ cơ cấu tổ chức, quyền, trách nhiệm và các hoạt động chính của mình, đồng thời cần tiến hành đánh giá thường xuyên đối với toàn thể hội đồng, các ủy ban và từng thành viên hội đồng. Các nội dung đánh giá bao gồm: (i) Định kỳ xem xét, đánh giá lại cơ cấu, quy mô và thành phần của mình cũng như cơ cấu và sự phối hợp của các ủy ban; (ii) Định kỳ đánh giá mức độ phù hợp và hiệu suất của từng thành viên hội đồng (ít nhất là hằng năm); (iii) Định kỳ hoặc riêng lẻ xem xét hiệu quả của các quy trình quản trị và việc thực hiện để cải thiện và thay đổi.

Ngoài ra, trong nguyên tắc thứ 3, Ủy ban Basel rất chú trọng đến vai trò của chủ tịch HĐQT. Chủ tịch HĐQT được xác định là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động chung của Hội đồng, bao gồm duy trì mối quan hệ tin cậy với các thành viên HĐQT. Nguyên tắc cũng đặt ra các yêu cầu với chủ tịch HĐQT, cụ thể là: Phải có đủ kinh nghiệm, năng lực và phẩm chất cá nhân cần thiết để hoàn thành các trách nhiệm; phải đảm bảo các quyết định của HĐQT được đưa ra trên cơ sở hợp lý và có thông tin đầy đủ; phải khuyến khích, thúc đẩy thảo luận và đảm bảo rằng các quan điểm bất đồng có thể được bày tỏ và thảo luận một cách tự do trong quá trình ra quyết định. Một trong những khuyến nghị đáng chú ý của Ủy ban Basel về chủ tịch HĐQT đó là chủ tịch HĐQT phải là thành viên HĐQT độc lập hoặc không điều hành. Tại các khu vực pháp lý mà chủ tịch được phép đảm nhiệm nhiệm vụ điều hành, ngân hàng phải có các biện pháp để giảm thiểu mọi tác động bất lợi đến hoạt động kiểm tra và cân bằng của ngân hàng15 (ví dụ có thể chỉ định một thành viên HĐQT lãnh đạo, một thành viên HĐQT độc lập cấp cao hoặc một vị trí tương tự và có nhiều thành viên không điều hành hơn trong HĐQT).

Về các ủy ban trong HĐQT, nguyên tắc thứ 3 đề cập đến việc để tăng hiệu quả và cho phép tập trung sâu hơn vào các lĩnh vực cụ thể, HĐQT có thể thành lập một số ủy ban chuyên biệt. Số lượng và nhiệm vụ của các ủy ban phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm quy mô của ngân hàng và HĐQT, bản chất của các hoạt động kinh doanh và mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng. Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, mỗi ủy ban phải có điều lệ hoặc văn bản khác xác định rõ nhiệm vụ, phạm vi và quy trình làm việc. Có thể cân nhắc việc luân chuyển các thành viên và chủ tịch của các ủy ban đó, điều này có thể giúp tránh việc tập trung quyền lực và thúc đẩy các quan điểm mới. Chủ tịch ủy ban nên là một thành viên HĐQT độc lập, không điều hành.

Theo quan điểm của Ủy ban Basel, HĐQT của ngân hàng nên có các ủy ban sau đây:

- Ủy ban Kiểm toán: Đây là ủy ban được khuyến nghị là bắt buộc đối với các ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống và nên có đối với các ngân hàng khác (tùy thuộc vào quy mô, mức độ rủi ro hoặc phức tạp của tổ chức). Ủy ban Kiểm toán nên có một chủ tịch độc lập và không phải là chủ tịch HĐQT hoặc bất kỳ ủy ban nào khác. Các thành viên của ủy ban nên là thành viên HĐQT độc lập hoặc không điều hành, có kinh nghiệm trong hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính và kế toán. Các trách nhiệm cơ bản của Ủy ban Kiểm toán bao gồm: Xây dựng chính sách về kiểm toán nội bộ và báo cáo tài chính; giám sát quy trình báo cáo tài chính; giám sát và trao đổi với các kiểm toán viên nội bộ và kiểm toán viên độc lập; phê duyệt hoặc đề xuất với HĐQT hoặc cổ đông để phê duyệt việc bổ nhiệm, trả thù lao và sa thải các kiểm toán viên độc lập; xem xét và phê duyệt phạm vi và tần suất kiểm toán; nhận các báo cáo kiểm toán quan trọng và đảm bảo rằng ban quản lý cấp cao đang thực hiện các hành động khắc phục cần thiết, kịp thời để giải quyết các điểm yếu về kiểm soát, không tuân thủ các chính sách, quy định pháp luật, cũng như các vấn đề khác do kiểm toán viên và các vị trí chức năng kiểm soát khác xác định; giám sát việc thiết lập các chính sách và thông lệ kế toán của ngân hàng; xem xét ý kiến của bên thứ ba về thiết kế và hiệu quả của khuôn khổ quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ.

- Ủy ban Rủi ro: Ủy ban Rủi ro được khuyến nghị là bắt buộc đối với các ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống và cần có với các ngân hàng khác dựa trên quy mô, mức độ rủi ro hoặc phức tạp của ngân hàng. Chủ tịch của ủy ban nên là thành viên độc lập và không phải là chủ tịch HĐQT hoặc bất kỳ ủy ban nào khác. Cấu trúc của ủy ban nên bao gồm phần lớn các thành viên là thành viên độc lập có kinh nghiệm về các vấn đề hoạt động quản lý rủi ro. Trách nhiệm của Ủy ban Rủi ro là tư vấn cho HĐQT về khẩu vị rủi ro hiện tại và tương lai chung của ngân hàng; báo cáo về tình trạng văn hóa rủi ro trong ngân hàng và tương tác, giám sát giám đốc quản lý rủi ro; giám sát các chiến lược quản lý vốn và thanh khoản cũng như tất cả các rủi ro có liên quan của ngân hàng (bao gồm rủi ro tín dụng, thị trường, hoạt động và danh tiếng…) để đảm bảo phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng.

- Ủy ban Lương thưởng: Ủy ban này cũng được khuyến nghị là bắt buộc đối với các ngân hàng quan trọng trong hệ thống. Ủy ban phải hỗ trợ HĐQT trong việc giám sát, thiết kế và hoạt động của hệ thống thù lao, lương thưởng, đảm bảo chế độ thù lao phù hợp và nhất quán với văn hóa, hoạt động kinh doanh dài hạn và khẩu vị rủi ro của ngân hàng.

- Các ủy ban HĐQT khác bao gồm:

+ Ủy ban Đề cử/nguồn nhân lực/quản trị: Ủy ban sẽ đưa ra khuyến nghị cho HĐQT về các thành viên HĐQT mới và các thành viên ban quản lý cấp cao.

+ Ủy ban Đạo đức và tuân thủ: Hoạt động của ủy ban nhằm đảm bảo ngân hàng có những phương tiện phù hợp để thúc đẩy việc ra quyết định đúng đắn, cân nhắc đúng mức các rủi ro đối với danh tiếng của ngân hàng và tuân thủ luật pháp, quy định, quy tắc nội bộ.

3. Đánh giá tính tương thích trong quy định của Luật Các TCTD năm 2024 về HĐQT với các thông lệ về quản trị ngân hàng

Luật Các TCTD năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 gồm 15 chương, 210 điều và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Nội dung của Luật có nhiều điểm mới tích cực, trong đó các quy định liên quan đến HĐQT của TCTD cổ phần đã có nhiều sửa đổi, bổ sung so với Luật Các TCTD năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nhìn chung, các sửa đổi, bổ sung trong Luật Các TCTD năm 2024 về HĐQT khá tương thích với các khuyến nghị của Ủy ban Basel về quản trị công ty trong ngân hàng. Cụ thể là:

Về nhiệm vụ và quyền hạn của HĐQT


Nhiệm vụ và quyền hạn của HĐQT được quy định tương đối chi tiết tại Điều 71 của Luật Các TCTD năm 2024. Nhìn chung, các quy định này là tương đồng với các các khuyến nghị mà Ủy ban Basel đã đưa ra. Tuy nhiên, có một nội dung về nhiệm vụ của HĐQT được thể hiện khá rõ trong khuyến nghị của Ủy ban Basel nhưng lại chưa được thể hiện rõ ràng trong quy định của Luật Các TCTD năm 2024, đó là nhiệm vụ giám sát tổng thể các hoạt động của TCTD. Cần thấy rằng, ngay trong nguyên tắc đầu tiên của bộ quy tắc quản trị công ty đối với các ngân hàng, Ủy ban Basel đã nhấn mạnh đến các chức năng giám sát của HĐQT bao gồm: Giám sát việc phát triển, phê duyệt các mục tiêu và chiến lược kinh doanh của ngân hàng; theo dõi việc thực hiện trên thực tế; giám sát việc thực hiện khuôn khổ quản trị của ngân hàng; giám sát việc tuân thủ chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro của ngân hàng; giám sát các vấn đề về chế độ đãi ngộ, chính sách lương thưởng; giám sát tính toàn vẹn, tính độc lập và hiệu quả của các chính sách, quy trình của ngân hàng đối với việc khiếu nại… Việc đề cao chức năng giám sát của HĐQT không chỉ được nhìn thấy trong các khuyến nghị của Ủy ban Basel mà còn được thể hiện trong quan điểm của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, HĐQT hiệu quả đòi hỏi có cấu trúc hỗ trợ mạnh mẽ và phải chứng minh được khả năng giám sát độc lập của mình đối với các chức năng kiểm soát - rủi ro, tuân thủ phòng chống rửa tiền (AML) và kiểm toán nội bộ16. Trong quy định của Luật Các TCTD năm 2024 cũng đã đề cập đến chức năng giám sát của HĐQT bao gồm: Kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tổng giám đốc (giám đốc) thực hiện nhiệm vụ được phân công; định kỳ hằng năm đánh giá về hiệu quả làm việc của tổng giám đốc (giám đốc); quyết định chính sách quản lý rủi ro và giám sát việc thực thi các biện pháp phòng ngừa rủi ro của TCTD; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của đại hội đồng cổ đông và HĐQT17. Có thể thấy rằng, trong quy định về chức năng giám sát của HĐQT TCTD cổ phần đã được đề cập đến trong Luật Các TCTD năm 2024, tuy nhiên mới dừng ở mức độ chung, tổng thể mà chưa có các quy định cụ thể, chi tiết về các lĩnh vực, nội dung giám sát như thông lệ quốc tế. Rõ ràng quy định về nhiệm vụ HĐQT của TCTD hiện nay vẫn tập trung nhiều vào các nhiệm vụ quản lý hơn là nhiệm vụ giám sát, điều này sẽ dẫn đến thực tế trong quá trình thực hiện HĐQT cũng sẽ ít chú trọng các nhiệm vụ giám sát.

Về trình độ và thành phần của HĐQT

Theo khuyến nghị của Ủy ban Basel, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chiến lược, giám sát hoạt động của ngân hàng một cách hiệu quả, HĐQT thường phải bao gồm một số lượng hợp lý các thành viên độc lập. Đây là những thành viên không nắm giữ trách nhiệm quản lý trong ngân hàng và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố nào từ nội bộ, hoặc bên ngoài, hoặc do quyền sở hữu cổ phần… từ đó có thể cản trở thành viên đó đưa ra đánh giá khách quan18. Hiện nay trong nguyên tắc số 2, Ủy ban Basel không khuyến nghị cụ thể về số lượng thành viên độc lập mà tùy thuộc vào pháp luật của mỗi quốc gia tự xác định số lượng thành viên độc lập hợp lý. Cần thấy rằng, do đặc tính của thành viên độc lập là có khả năng đưa ra các quyết định một cách khách quan, không bị chi phối bởi yếu tố lợi ích, nên thành viên độc lập dễ dàng thực hiện tốt các chức năng về giám sát, phát hiện vi phạm, rủi ro và xung đột lợi ích trong ngân hàng. Trong quy định của Luật Các TCTD năm 2024, HĐQT phải có tối thiểu 2 thành viên độc lập19 so với 1 thành viên độc lập trong quy định của Luật Các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)20. Một điểm mới nữa trong Luật Các TCTD năm 2024 về cơ cấu của HĐQT là yêu cầu hai phần ba tổng số thành viên phải là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành TCTD thay vì quy định một phần hai như trong Luật Các TCTD năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các quy định này nhìn chung đều phù hợp với khuyến nghị của Basel khi tăng cường số lượng thành viên độc lập và thành viên không điều hành trong cơ cấu của HĐQT nhằm đảm bảo các quyết định mà HĐQT đưa ra sẽ khách quan, minh bạch và bảo đảm cao nhất lợi ích của TCTD.

Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý trong khuyến nghị của Ủy ban Basel, mà hiện nay trong các quy định pháp luật ít quan tâm điều chỉnh, đó là tính cân bằng về kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ, tính đa dạng và chuyên môn tương xứng với quy mô, tính phức tạp và rủi ro trong ngân hàng của các thành viên HĐQT. Hiện nay, Luật Các TCTD năm 2024 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên HĐQT chủ yếu nhấn mạnh đến yếu tố trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, cụ thể là: "Có trình độ từ đại học trở lên; có một trong các điều kiện sau đây: Có ít nhất 03 năm là người quản lý, người điều hành TCTD; có ít nhất 05 năm là người quản lý doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc của doanh nghiệp khác có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với loại hình TCTD tương ứng; có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp tại bộ phận nghiệp vụ về tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán". Cần thấy rằng, các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên HĐQT trong Luật Các TCTD năm 2024 mang tính khái quát chung. Trên thực tế, để đảm bảo hoạt động hiệu quả của HĐQT thì các thành viên cần phải có kiến thức, kinh nghiệm không chỉ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kiểm toán mà còn phải mở rộng sang các lĩnh vực có liên quan như kiến thức về thị trường vốn, phân tích tài chính, ổn định tài chính, báo cáo tài chính, công nghệ thông tin, lập kế hoạch chiến lược, quản lý rủi ro, lương thưởng, pháp lý, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng quản lý…

Về cấu trúc của HĐQT

Về chủ tịch HĐQT của ngân hàng, hiện nay tại nguyên tắc thứ 3, Ủy ban Basel khuyến nghị chủ tịch HĐQT nên là thành viên độc lập hoặc thành viên không điều hành. Trường hợp pháp luật cho phép chủ tịch được phép đảm nhiệm các nhiệm vụ điều hành, ngân hàng phải có các biện pháp để giảm thiểu mọi tác động bất lợi đến hoạt động kiểm tra và cân bằng của ngân hàng. Hiện nay, quy định trong Luật Các TCTD năm 2024 là tương thích với khuyến nghị của Ủy ban Basel khi quy định rõ tại khoản 1 Điều 43: "Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên của TCTD không được đồng thời là người điều hành, thành viên Ban kiểm soát của TCTD đó và TCTD khác".

Một trong những nội dung liên quan đến cơ cấu của HĐQT tiếp tục được ghi nhận trong Luật Các TCTD năm 2024 đó là quy định về các ủy ban giúp việc cho HĐQT bao gồm Ủy ban Quản lý rủi ro và Ủy ban Nhân sự21. Rõ ràng đã có sự tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam trong quy định về các ủy ban trong HĐQT với các nguyên tắc về quản trị công ty của Ủy ban Basel khi ngay từ Luật Các TCTD năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và đến Luật Các TCTD năm 2024 đều đã đưa ra quy định về việc yêu cầu HĐQT của TCTD cổ phần phải thiết lập các ủy ban nhằm hỗ trợ cho hoạt động HĐQT trong vấn đề kiểm soát rủi ro và nhân sự.

Tuy nhiên, có một nội dung hiện nay còn có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật Việt Nam và khuyến nghị của Basel, đó là quy định về Ủy ban Kiểm toán. Hiện nay, theo nguyên tắc số 3, Ủy ban Basel khuyến nghị trong cơ cấu của HĐQT nên thiết lập Ủy ban Kiểm toán với vai trò là bộ phận giúp HĐQT thực hiện việc xây dựng chính sách về kiểm toán nội bộ và báo cáo tài chính; giám sát các vấn đề liên quan đến chức năng kiểm toán của ngân hàng (bao gồm kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập). Cần hiểu rằng, Ủy ban Kiểm toán không đồng nhất với hệ thống kiểm toán nội bộ của ngân hàng, mà đây là một bộ phận nằm trong HĐQT và hỗ trợ HĐQT thực hiện nhiệm vụ giám sát toàn bộ các hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính. Cũng theo khuyến nghị của Basel, Ủy ban Kiểm toán là bắt buộc đối với ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống và nên có đối với các ngân hàng khác (tùy vào quy mô, mức độ rủi ro hoặc phức tạp của tổ chức). Tuy nhiên trong quy định của Luật Các TCTD năm 2024 chưa có quy định về việc phải thiết lập Ủy ban Kiểm toán trong cơ cấu của HĐQT TCTD cổ phần mà chỉ đề cập đến Ủy ban Quản lý rủi ro và Ủy ban Nhân sự. Đây sẽ là một khó khăn cho HĐQT khi không có một ủy ban chuyên trách với các thành viên có đủ các điều kiện về kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện chức năng giám sát các hoạt động kiểm toán, xem xét, đánh giá các báo cáo kiểm toán nội bộ hoặc độc lập của ngân hàng, trong khi đây lại là một nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn sâu trong lĩnh vực về kế toán, kiểm toán và tài chính.

4. Gợi mở cho Việt Nam trong quá trình tiếp nhận các thông lệ quốc tế về quản trị NHTM

Một là, để đảm bảo hài hòa giữa chức năng quản lý và chức năng giám sát của HĐQT, cần nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến chức năng giám sát của HĐQT trong TCTD cổ phần. Hiện nay, các quy định về chức năng giám sát của HĐQT đã được quy định trong Luật Các TCTD năm 2024, tuy nhiên mới dừng lại ở các quy định chung và tập trung vào ba nội dung giám sát cơ bản là giám sát hoạt động của giám đốc, giám sát việc thực thi các biện pháp phòng ngừa rủi ro và giám sát việc thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, HĐQT. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả vai trò giám sát của HĐQT cần bổ sung các quy định cụ thể về chức năng giám sát của cơ quan này đối với các nội dung quan trọng như: Nhân sự, lương thưởng; chế độ quản trị của ngân hàng; vấn đề về vốn, thanh khoản, hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng; quy trình khiếu nại của ngân hàng…

Hai là, cần bổ sung các quy định nhằm khuyến khích việc đa dạng hóa các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của thành viên HĐQT. Có thể thấy rằng, trong khuyến nghị của Ủy ban Basel, thành phần HĐQT của các ngân hàng cần phải có sự đa dạng và cân bằng về các kỹ năng, chuyên môn bao gồm, nhưng không giới hạn ở thị trường vốn, phân tích tài chính, các vấn đề ổn định tài chính, báo cáo tài chính, công nghệ thông tin, lập kế hoạch chiến lược, quản lý rủi ro, lương thưởng… Điều này giúp cho HĐQT với tư cách là cơ quan quản trị của ngân hàng có đủ năng lực về chuyên môn để giải quyết các vấn đề ngày càng đa dạng, phức tạp trong hoạt động nội bộ của ngân hàng (các hoạt động này không chỉ dừng lại ở hoạt động kinh doanh thuần túy của ngân hàng mà được mở rộng ra toàn bộ hoạt động tổ chức, vận hành của doanh nghiệp). Đối chiếu, so sánh với thực tiễn ở Việt Nam có thể thấy rằng, thành phần HĐQT các ngân hàng ở Việt Nam tương đối thiếu sự đa dạng khi chủ yếu là nhân sự có trình độ và kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh hoặc kinh tế. Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả cho hoạt động của HĐQT ở các ngân hàng tại Việt Nam và phù hợp với khuyến nghị của Ủy ban Basel, cần khuyến khích các ngân hàng đa dạng hóa kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của thành viên HĐQT bằng cách bổ sung chuyên gia trong các lĩnh vực như pháp lý, công nghệ thông tin… vào làm thành viên của HĐQT.

Ba là, để đảm bảo hiệu quả của chức năng giám sát hoạt động kiểm toán, cần bổ sung quy định mang tính bắt buộc về việc thiết lập Ủy ban Kiểm toán trong cơ cấu HĐQT của các TCTD cổ phần. Điều này là vô cùng cần thiết, bởi lẽ HĐQT là cơ quan có trách nhiệm đảm bảo tính trung thực của hệ thống báo cáo kế toán và tài chính của công ty, kể cả báo cáo kiểm toán độc lập, đồng thời phải chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống kiểm soát luôn hoạt động, đặc biệt là hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát tài chính và hoạt động, tuân thủ theo pháp luật, chuẩn mực liên quan. Tuy nhiên, cần thấy rằng, trong nhiều doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam hiện nay (bao gồm cả các TCTD cổ phần), không có nhiều thành viên HĐQT có thể thực hiện hoạt động này22. Vì vậy, việc có Ủy ban Kiểm toán với các thành viên có đủ năng lực và trình độ sẽ giúp cho HĐQT giám sát hoạt động kiểm toán, kế toán, tài chính của TCTD một cách hiệu quả.

Nhìn chung, qua đối chiếu, so sánh có thể thấy rằng, các quy định của Luật Các TCTD năm 2024 về HĐQT đã tiệm cận được với các nguyên tắc về quản trị công ty đối với ngân hàng mà Ủy ban Basel khuyến nghị. Mặc dù vẫn còn những điểm khác biệt, tuy nhiên hoàn toàn có thể tiếp tục bổ sung trong các văn bản hướng dẫn, điều quan trọng là bản thân các TCTD và cơ quan quản lý nhà nước cần nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp nhận thông lệ quốc tế về quản trị công ty và sẵn sàng xây dựng cơ chế để thực thi có hiệu quả các thông lệ này. Có như vậy thì việc tiếp nhận các nguyên tắc về quản trị công ty đối với ngân hàng mới thực sự đạt được hiệu quả, hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và giữ vững niềm tin của cộng đồng.

1 Furfine, C.H. (2001). Banks as monitors of other banks: Evidence from the Overnight Federal Funds Market, Journal of Business 74, pages 33-57.
2 Ross Levine (2004), The Corporate Governance of Banks: A Concise Discussion of Concepts and Evidence, https://doi.org/10.1596/1813-9450-3404
3 Câu chuyện về NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là một minh chứng rõ ràng cho việc thông tin về hoạt động cấp tín dụng cho nhóm doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với lãnh đạo ngân hàng đã bị che giấu và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4 Basel Committee (n. 12) (2015), The Basel Committee on Banking Supervision’s benchmark guidelines, p 3, Introduction No. 2.
5 Pablo de Andres, Eleuterio Vallelado (2008), Corporate governance in banking: The role of the board of directors, Journal of Banking & Finance. Volume 32, Issue 12, December 2008, pages

2570-2580.

6 Abhishek Srivastav, Jens Hagendorff (2015), Corporate Governance and Bank Risk-taking, Volume24, Issue3 Special Issue:Review of corporate governance. https://doi.org/10.1111/corg.12133
7 Basel Committee on Banking Supervision (2015), Guidelines Corporate governance principles for banks, page 4.
8 https://www.bis.org/bcbs/index.htm
9 https://www.bis.org/bcbs/publ/d328.htm
10 Basel Committee on Banking Supervision, 2015, Guidelines Corporate governance principles for banks, page 8-40.
11 Principle 1: Board’s overall responsibilities.
12 Principle 2: Board qualifications and composition.
13 Tại một số khu vực pháp lý, cổ đông hoặc các bên liên quan khác có quyền đề cử thành viên HĐQT và/hoặc chấp thuận lựa chọn của họ. Trong những trường hợp như vậy, HĐQT vẫn nên làm bất cứ điều gì trong khả năng của mình để đảm bảo rằng các thành viên được chọn vào HĐQT có đủ điều kiện.
14 Principle 3: Board’s own structure and practices.
15 Kiểm tra và cân bằng: Là việc phân chia quyền lực để tránh một thực thể hoặc cơ quan nắm giữ quá nhiều quyền lực. Đây là hoạt động giúp giảm thiểu sai sót, ngăn chặn hành vi không đúng mực hoặc giảm nguy cơ tập trung hóa trong một tổ chức (nguồn: https://www.investopedia.com/terms/c/checks-and-balances.asp).
16 Elizabeth McCaul (2020), Bank boards and supervisory expectations. https://www.bankingsupervision.europa.eu/press/speeches/date/2020/html/ssm.sp201203~4c2c39db9d.en.html. Truy cập ngày 02/7/2024.

17 Khoản 11, 13, 21 Điều 71 Luật Các TCTD năm 2024.

18 Basel Committee on Banking Supervision, 2015, Guidelines Corporate governance principles for banks, page 1.
19 Khoản 1 Điều 69 Luật Các TCTD năm 2024.
20 Khoản 1 Điều 62 Luật Các TCTD năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
21 Khoản 5 Điều 50 Luật Các TCTD 2024.
22 VIOD (2022), HĐQT nên giám sát chất lượng báo cáo tài chính, https://viod.vn/en-US/bai-viet/hoi-dong-quan-tri-can-giam-sat-chat-luong-bao-cao-tai-chinh. Truy cập ngày 02/7/2024.

Tài liệu tham khảo:

1. Furfine, C.H. (2001). Banks as monitors of other banks: Evidence from the Overnight Federal Funds Market, Journal of Business 74, pages 33 - 57.

2. Ross Levine (2004), The Corporate Governance of Banks: A Concise Discussion of Concepts and Evidence, https://doi.org/10.1596/1813-9450-3404

3. Basel Committee (n. 12) (2015), The Basel Committee on Banking Supervision’s benchmark guidelines, p 3, Introduction No. 2.

4. Pablo de Andres, Eleuterio Vallelado (2008), Corporate governance in banking: The role of the board of directors, Journal of Banking & Finance. Volume 32, Issue 12, December 2008, pages

2570 - 2580.

5. Abhishek Srivastav, Jens Hagendorff (2015), Corporate Governance and Bank Risk-taking, Volume24, Issue3 Special Issue: Review of corporate governance. https://doi.org/10.1111/corg.12133

6. Basel Committee on Banking Supervision, 2015, Guidelines Corporate governance principles for banks.

7. Elizabeth McCaul (2020), Bank boards and supervisory expectations. https://www.bankingsupervision.europa.eu/press/speeches/date/2020/html/ssm.sp201203~4c2c39db9d.en.html

8. VIOD (2022), HĐQT nên giám sát chất lượng báo cáo tài chính, https://viod.vn/en-US/bai-viet/hoi-dong-quan-tri-can-giam-sat-chat-luong-bao-cao-tai-chinh


PGS., TS. Bùi Hữu Toàn
Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng


https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Ngày 09 10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2025 với chủ đề Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Trong những tháng đầu năm 2024, dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động khó lường như xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng những thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Để góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, trong bài viết này, tác giả làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Xây dựng và thiết lập hạ tầng chung cho phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam

Xây dựng và thiết lập hạ tầng chung cho phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam

Thời gian tới, để triển khai và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số, hướng đến ngân hàng mở (Open Banking) thành công, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng
Để dòng vốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Để dòng vốn ngân hàng tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với những giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, cộng với nhu cầu vốn thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 là hoàn toàn khả thi.
Xem thêm
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2025

Ngày 09 10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2025 với chủ đề Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Trong những tháng đầu năm 2024, dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động khó lường như xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng những thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam và một số hàm ý chính sách

Bài viết thông qua phân tích nhanh các cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2023 và trên cơ sở số liệu nghiên cứu kinh tế vĩ mô, nhận diện những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất một số hàm ý về chính sách cho mục tiêu tăng trưởng ổn định và bền vững...
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).

Thông tư số 59/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 của 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước

Thông tư số 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 61/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 62/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 63/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 Quy định về hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hồ sơ, thủ tục thu hồi Giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng

Thông tư số 57/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Thông tư số 56/2024/TT-NHNN ngày 24/12/2024 Quy định hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép lần đầu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Thông tư số 54/2024/TT-NHNN ngày 17/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thông tư số 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3