Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022
Ngày 29/12/2021, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu tại NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các đoàn đại biểu Quốc hội...
Về phía ngành Ngân hàng có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thống đốc NHNN và các đồng chí Phó Thống đốc NHNN; các lãnh đạo, đại diện Đảng ủy cơ quan Ngân hàng Trung ương (NHTW), Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, các đơn vị vụ, cục thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính; cùng các điểm cầu tại 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước có sự tham dự của Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, đại diện một số ban, ngành của địa phương…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đây là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, cũng là năm mà làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát với mức độ lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời nhận định tình hình, đề ra chủ trương, đường lối, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chưa từng có tiền lệ, huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, từ trung ương tới địa phương, đưa đất nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn thích ứng, an toàn và linh hoạt trong kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Với ngành Ngân hàng, năm 2021cũng là một năm đặc biệt kỷ niệm 70 năm Ngân hàng Việt Nam, là năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) khi kinh tế thế giới biến động, khó lường, khi doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng, khó khăn trong quản trị, cơ cấu nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn...; nhưng với sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân do tác động của đại dịch Covid-19 đã được ban hành và triển khai hiệu quả. CSTT đã có những đóng góp quan trọng, góp phần vào kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, an toàn, hoạt động của hệ thống các TCTD được đảm bảo, công cuộc tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém có tiến triển, ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán, đa dạng hóa thị trường tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, từng bước chuyển đổi số...
Ngành Ngân hàng thực hiện tốt các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trình bày báo cáo kết quả hoạt động Ngân hàng năm 2021
Báo cáo tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 do Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú trình bày tại Hội nghị cho biết, trong bối cảnh đại dịch kéo dài sang năm thứ hai liên tiếp với mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề hơn, để có thể góp phần đưa đất nước ta từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, triển khai quyết liệt và mạnh mẽ hơn các giải pháp nhằm tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, từng bước khôi phục và phát triển nền kinh tế. Cụ thể:
NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết thanh khoản phù hợp, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng nguồn vốn hỗ trợ phục hồi kinh tế; lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, hỗ trợ các TCTD giảm chi phí vốn để có điều kiện tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác trong điều hành CSTT, giá hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát để góp phần kiểm soát lạm phát. Lạm phát năm 2021 được kiểm soát thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội và Chính phủ đặt ra (bình quân khoảng 2%, mức thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản ở mức thấp), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của người dân, thu hút FDI và là một trong những cơ sở để Việt Nam được cả 03 tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng mức triển vọng xếp hạng lên “Tích cực”.
NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; tín dụng tiếp tục được tập trung vào lĩnh vực là động lực cho tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chỉ đạo các TCTD triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện tăng cường tiếp cận tín dụng cho khách hàng; rà soát để giảm hoặc cắt bỏ nhiều loại phí cho khách hàng, nhất là các loại phí cho vay...
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020; tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với cuối năm 2020 (tổng vốn huy động của nền kinh tế đạt khoảng 11,23 triệu tỷ đồng, tăng 8,44%); 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế.
Đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi nền kinh tế, chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp
Sau khi cắt giảm mạnh lãi suất điều hành 3 lần vào năm 2020 và là một trong các NHTW giảm lãi suất mạnh nhất khu vực, NHNN tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; các NHTM có thị phần lớn cam kết tiếp tục giảm lãi suất cho vay trên tổng dư nợ hiện hữu với tổng số tiền khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng; 04 NHTM Nhà nước tiếp tục cam kết dành 4.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; NHCSXH thực hiện giảm 10% lãi suất cho vay đang áp dụng để hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm, trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm); tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, hệ thống ngân hàng đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là triển khai hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi nền kinh tế, chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Một số giải pháp đặc thù ngành Ngân hàng triển khai trong thời gian qua đã đạt được kết quả cụ thể, tích cực như: (i) Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN): các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng, hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng và miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; (ii) Chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán: NHNN đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, giảm 75-90% phí chuyển mạch qua ATM/POS, chuyển tiền nhanh 24/7, tổng số tiền phí đã giảm cho khách hàng khoảng trên 2,5 nghìn tỷ đồng; (iii) Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và gần nhất là Nghị quyết số 126/NQ-CP. Đến nay, NHCSXH đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng cho khoảng 2 nghìn đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho khoảng 430 nghìn lượt người lao động trên toàn quốc; (iv) Các gói hỗ trợ đặc thù như tái cấp vốn cho các TCTD cho vay Tổng Công ty Hàng không Việt Nam với tổng số tiền tối đa 4.000 tỷ đồng; tập trung nguồn vốn gần 5 nghìn tỷ đồng (trong thời gian tháng 6-7/2021) cho 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thu mua, tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu ...
Thực hiện tốt các nhiệm vụ khác
Thị trường ngoại tệ, tỷ giá tiếp tục giữ vững sự ổn định. Thị trường vàng trong nước tiếp tục tự điều tiết tốt, biến động của giá vàng không ảnh hưởng tới biến động của tỷ giá, thị trường ngoại hối cũng như nền kinh tế vĩ mô. Với nhiều nỗ lực, cố gắng của Chính phủ và NHNN, tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho thấy Việt Nam thao túng tiền tệ và quyết định không có hành động trừng phạt thương mại với Việt Nam. Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao việc NHNN đã thực hiện các thỏa thuận một cách nghiêm túc và minh bạch, tiếp tục duy trì được sự ổn định của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hết sức khó khăn thời gian qua.
Sau 4 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã đạt được những kết quả quan trọng; các mục tiêu tại Đề án về cơ bản đã đạt được (trừ một số mục tiêu bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch Covid-19); quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành tiếp tục được củng cố, nâng cao; từng bước hình thành đồng bộ các chuẩn mực, thiết chế an toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; các NHTM Nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các TCTD. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả. Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân về cơ bản hoạt động tương đối ổn định, phát huy được vai trò trong việc huy động và cho vay vốn hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao đời sống của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế "tín dụng đen”.
Năm 2021, ngành Ngân hàng đã thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền. Tại Hội nghị trực tuyến toàn thể đặc biệt của APG năm 2021, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên APG và Báo cáo đánh giá đa phương của Việt Nam được thông qua với 4 nội dung được nâng hạng, đạt được kỳ vọng cao theo dự kiến của Việt Nam.
NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng trưởng mạnh; bên cạnh các phương thức thanh toán qua POS, ATM, chuyển khoản, Internet, mã QR, NHNN tiếp tục cho phép các ngân hàng mở tài khoản trực tuyến bằng công nghệ eKYC, triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Việc TTKDTM đối với dịch vụ công, thanh toán trực tuyến các thủ tục hành chính, thanh toán tiền điện, nước, viện phí,... cũng đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM tiếp tục được coi trọng và tăng cường; các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cơ bản được kiểm soát và xử lý kịp thời...
Báo cáo tổng kết cũng đã chỉ ra những khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2022 trước những ảnh hưởng bởi dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường như: nguy cơ rủi ro lạm phát, vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt gãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, dẫn đến rủi ro về thu hồi nợ, ảnh hưởng đến việc đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động tiền tệ - ngân hàng đã được chú trọng và hoàn thiện, song một số quy định, kể cả luật vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, nhất là hành lang pháp lý trong việc cơ cấu lại các TCTD, xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu...
Các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2022
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát động phong trào thi đua ngành Ngân hàng năm 2022
Trên cơ sở bám sát chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ, báo cáo đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2022, NHNN tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế...
Thứ hai, điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung xử lý các TCTD yếu kém; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn (dưới 3%).
Thứ năm, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động TTKDTM. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng phù hợp với thực tiễn nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong đó trọng tâm là xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; hoàn thiện việc đề xuất gia hạn Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD...
Thứ bảy, thực hiện quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, duy trì chỉ số chiều sâu và nâng cao độ phủ thông tin tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức cơ chế một cửa, số hóa, điện tử hóa trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số.
Thứ tám, triển khai công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đối với hoạt động thông tin của NHNN và các cam kết quốc tế. Đẩy mạnh truyền thông trước, trong và sau khi ban hành chính sách nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận. Tiếp tục lựa chọn và xây dựng các chương trình truyền thông phổ biến kiến thức, hiểu biết của công chúng về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức về tài chính của người dân. Tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động truyền thông tạo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn Ngành.
Thứ chín, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao ý thức trách nhiệm, văn hóa và đạo đức công vụ, công chức trong toàn ngành Ngân hàng. Tăng cường tinh thần hợp tác, chia sẻ, văn hóa ứng xử, chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt nhất doanh nghiệp, người dân trong quan hệ tiền tệ - tín dụng - ngân hàng.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu ý kiến chia sẻ về công tác phối hợp với NHNN thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến tham luận của các đại diện đến từ các TCTD, NHTM, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố...
Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022
Ngành Ngân hàng có đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đợt dịch bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống của nhân dân... Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước từ đầu tháng 10, chủ động nới lỏng giãn cách, chuyển hướng sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, từng bước mở cửa nền kinh tế. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đã từng bước phục hồi và đạt những kết quả rất quan trọng, rất đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực. Những kết quả đáng trân trọng này của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng.
Phó Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với nội dung báo cáo của Hội nghị và các ý kiến tham luận của các đại biểu. Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN và toàn ngành Ngân hàng bước sang năm 2022 tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao, chú trọng vừa đảm bảo nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, tạo chuyển biến căn bản trong xử lý các TCTD yếu kém; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn; tăng cường công tác thanh tra giám sát, bảo đảm công khai và an toàn hệ thống; qua đó góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 và những năm tới. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách khác để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% mà Quốc hội đã thông qua. Chủ động bám sát tình hình quốc tế, trong nước, sẵn sàng ứng phó với những biến động, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế...
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, CSTT, tín dụng, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh; phấn đấu tiếp tục giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên; nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi gặp khó khăn; đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng, góp phần giảm nạn tín dụng đen và tội phạm về cho vay qua các ứng dụng công nghệ; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...; trong đó, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD, giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Thứ ba, có chương trình, kế hoạch, lộ trình triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được phê duyệt, trong đó chú trọng thực hiện cả hai nhiệm vụ: (i) Tạo điều kiện cho các ngân hàng có tiềm năng phát triển trở thành các ngân hàng ngang tầm khu vực (phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất từ 2 - 3 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài); (ii) Có giải pháp củng cố, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đang bị giám sát tăng cường và kiểm soát đặc biệt...
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát đảm bảo TCTD hoạt động đúng quy định của pháp luật và hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và bền vững.
Thứ tư, ngành Ngân hàng phải tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số, qua đó tạo sự lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và Đề án TTKDTM; qua đó vừa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa góp phần công khai, minh bạch thông tin tài sản của các tổ chức, cá nhân; tăng cường ứng dụng công nghệ vào việc phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tiện ích, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ năm, tiếp tục chú trọng xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả thị trường tài chính, tiền tệ theo hướng nâng cao hiệu quả tổng thể, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường, hội nhập quốc tế; tập trung rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để chủ động sửa đổi hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa các quy trình, thủ tục về tín dụng, ngân hàng, tạo môi trường thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và doanh nghiệp, người dân tiếp cận ngày càng dễ dàng hơn dịch vụ ngân hàng với chi phí ngày càng thấp hơn.
Thứ sáu, nguồn nhân lực là vấn đề đặc biệt quan trọng có tính quyết định đến sự phát triển hiệu quả, bền vững của ngành Ngân hàng - một lĩnh vực phát triển cao của nền kinh tế; tập trung làm tốt các khâu từ tuyển dụng - sử dụng - đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ nghị định về cơ cấu tổ chức, bộ máy NHNN; tăng cường kỷ luật, kỷ cường, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đi đôi với kiến tạo môi trường làm việc kiểu mới, sáng tạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Ngân hàng...
Thứ bảy, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt, NHNN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xử lý hài hòa mối quan hệ tiền tệ, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế; tiếp tục thực hiện tốt vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền.
Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, coi đây là một kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội đối với hệ thống tín dụng, ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế; đặc biệt, yêu cầu NHNN cần chủ động làm tốt công tác truyền thông trong quá trình cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an toàn hệ thống.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã phát động phong trào thi đua ngành Ngân hàng năm 2022.
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm hợp tác của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương. Thống đốc cũng biểu dương tất cả các tập thể, cá nhân trong Ngành đã có nhiều cố gắng vượt bậc, vượt qua khó khăn, thách thức để toàn Ngành đã được thành tích cao về mọi mặt hoạt động trong năm 2021.
Bước sang năm mới, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với những thành tựu đã đạt được, đặc biệt là sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ban, bgành trung ương và địa phương, Thống đốc mong tất cả các đồng chí lãnh đạo, các tập thể, cá nhân trong ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thành tựu đã đạt được, quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để cùng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Ngân hàng trong năm 2022.
Thống đốc đề nghị toàn Ngành quán triệt chủ trương, định hướng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế. Quán triệt phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn, hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro. Triển khai có hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD; thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao khả năng tiếp cận tiện ích thương mại cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hóa chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số...
TH