
Hoàn thiện Luật Bảo hiểm tiền gửi - Củng cố an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền
Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất điều chỉnh hoạt động BHTG. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, Luật BHTG cần sớm được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành, qua đó, góp phần ngày càng củng cố an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền.
Chặng đường 10 năm triển khai Luật BHTG
Luật BHTG số 06/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, đánh dấu bước phát triển lớn cũng như vai trò quan trọng của chính sách BHTG tại Việt Nam. Theo đó, các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực BHTG được điều chỉnh tại một đạo luật riêng, độc lập. Trước đây, những quan hệ này được điều chỉnh tại nhiều văn bản dưới luật khác nhau của các cấp có thẩm quyền.
Luật BHTG ra đời đã quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động BHTG như: Mục đích, nguyên tắc BHTG, cơ quan quản lý Nhà nước về BHTG, người được BHTG, quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG, chứng nhận tham gia BHTG, phí BHTG, thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm…
Triển khai các quy định tại Luật BHTG, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động BHTG, đặc biệt là các văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về BHTG, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) yếu kém, quản lý an toàn nguồn vốn, nâng cao năng lực tài chính. Đặc biệt, BHTGVN luôn chú trọng việc giám sát, kiểm tra đối với các QTDND.
Thông qua các nghiệp vụ giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN chủ động kiến nghị NHNN xem xét xử lý nếu phát hiện vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực BHTG hoặc những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời, BHTGVN cũng tích cực đẩy mạnh, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền chính sách BHTG, trong đó có Luật BHTG nhằm giữ vững niềm tin của người gửi tiền đối với các tổ chức tham gia BHTG, ngăn ngừa các nguy cơ về rút tiền hàng loạt khi xảy ra tin đồn thất thiệt đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng. Khi TCTD gặp sự cố mất thanh khoản, BHTGVN cũng thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời cho người gửi tiền để niềm tin ấy luôn được củng cố vững chắc.
Có thể nói, những năm qua, với việc triển khai có hiệu quả Luật BHTG - hành lang pháp lý cao nhất cho hoạt động của BHTGVN, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo đảm, sự ổn định của hệ thống các TCTD cũng được duy trì.
Cần sớm hoàn thiện Luật BHTG trong thời gian tới
Sự ra đời của Luật BHTG đã cho thấy sự phát triển tích cực của chính sách BHTG tại Việt Nam, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật trước đó về BHTG, bổ sung những quy định có hiệu lực thực thi cao hơn và tiếp thu nhiều tiến bộ từ thông lệ quốc tế về BHTG. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác như: Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi BHTG...
Những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Theo đó, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, Thủ tướng chỉ đạo NHNN: “Tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và BHTGVN trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND; thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đầu mối liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã trong điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với QTDND gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý các TCTD yếu kém”.
Theo đó, được sự chỉ đạo của NHNN, BHTGVN đã chủ động thực hiện việc tổng kết thi hành Luật BHTG và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Với tinh thần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và phát huy hơn nữa vai trò hỗ trợ các TCTD yếu kém, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, BHTGVN đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo 03 định hướng lớn như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung những nội dung tại Luật BHTG nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung những nội dung tại Luật BHTG nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật BHTG sau hơn 10 năm thực hiện như: Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, về việc tổ chức tham gia BHTG thực hiện tính phí, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi BHTG...
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để thống nhất với các luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 17/2017/QH14, Luật Phá sản...
Quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chính sách BHTG cần được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG. Do vậy, việc nghiên cứu, khảo sát các bài học thành công của các tổ chức BHTG trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là của các quốc gia có hệ thống tài chính - ngân hàng tương đồng với điều kiện Việt Nam là yêu cầu thiết thực đặt ra đối với BHTGVN. Tiêu biểu có thể kể đến các tổ chức BHTG tại Nhật Bản (JDIC), Hàn Quốc (KDIC), Indonesia (LPS) là những tổ chức đã được trao quyền sử dụng công cụ mua lại và tiếp nhận nợ (P&A), ngân hàng bắc cầu, thanh lý, chi trả BHTG và sử dụng rất hiệu quả.
Đại diện BHTGVN cho biết, tổ chức này đang tích cực nghiên cứu đề xuất bổ sung các quy định này trong Luật BHTG để tổ chức BHTG tại Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, trước mắt là tái cơ cấu hệ thống QTDND với chi phí tối thiểu nhằm hạn chế tổn thất của người gửi tiền, của nền kinh tế cũng như của xã hội, tránh nguy cơ đổ vỡ TCTD.
Cũng theo BHTGVN, trong thời gian tới, tổ chức này sẽ tiếp tục củng cố năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; tích cực tham gia và phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách về hoạt động ngân hàng, BHTG đến người gửi tiền để giữ vững vai trò, tôn chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN trong đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Phạm Tuấn (Hà Nội)
Tin bài khác


Gợi mở hướng đi cho ngân hàng Việt vươn ra thế giới trong kỷ nguyên số

Thủ tướng: Năm 2025, dự kiến quy mô kinh tế Việt Nam trên 500 tỷ USD

Thư chúc mừng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhân dịp kỷ niệm 74 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Bức thư gửi về quá khứ

Một số giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam

Thực thi ESG: Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Cấp thiết hoàn thiện pháp luật về tài sản bảo đảm là tài sản số, tín chỉ carbon

Những rào cản trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp và một số giải pháp khắc phục

Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, kịp thời để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội từ thị trường nội địa, quốc tế

Đánh giá thực tiễn triển khai CBDC tại ngân hàng trung ương của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế về mô hình chuyển đổi số báo chí và một số khuyến nghị đối với lĩnh vực truyền thông ngành Ngân hàng Việt Nam

Thông điệp sau làn sóng tăng thuế đối ứng của Mỹ

Vươn mình trong hội nhập quốc tế
