Giải pháp ổn định thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam dưới tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra
Đại dịch Covid-19 trên thế giới hiện nay được gây ra bởi một loại virus có tên là SARS-CoV-2. Ca lây nhiễm đầu tiên được xác định ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố sự bùng phát của Covid-19 là đại dịch toàn cầu (pandemic). Đến nay, đại dịch Covid-19 lan rộng gây ra suy thoái kinh tế cho nhiều quốc gia trên thế giới. Bài viết phân tích những hệ lụy từ đại dịch Covid-19 đến thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam, từ đó đề xuất những giải pháp chuẩn bị cho thời kỳ hậu Covid-19, góp phần phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thị trường tài chính, ngân hàng chịu tác động bởi hệ lụy từ đại dịch Covid-19
Do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói riêng không tránh khỏi những tác động tiêu cực, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tác động tiêu cực đó. Đối với thị trường tài chính, ngân hàng, các tác động tiêu cực có thể kể đến như sau:
Thứ nhất: Trong tháng 8 đầu năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư (từ tháng 4/2021) vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu; thị trường hàng hóa, sản xuất tiêu dùng trong nước bị thu hẹp, thu nhập người dân giảm mạnh. Tín dụng tăng trưởng chậm do các ngân hàng thương mại (NHTM) thận trọng cho vay vì thị trường, doanh nghiệp biến động mạnh. Nợ xấu khu vực có tâm dịch, thành phố lớn tăng do khó khăn từ khối doanh nghiệp cầm cự với giãn cách xã hội và chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khả năng thanh toán hạn chế do doanh nghiệp ứ đọng hàng hóa, bất động sản đóng băng… đã ảnh hưởng trực tiếp tới các NHTM.
Thứ hai: Các dòng vốn đầu tư biến động mạnh theo hướng tiêu cực, thị trường chứng khoán bị tác động do ảnh hưởng lớn từ việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, mặt khác, một lượng tiền mặt lớn đọng trong khối dân cư vì tâm lý tiêu cực do dịch bệnh nên nắm giữ tiền mặt. Hoạt động đầu tư các dòng vốn mua cổ phần giảm do chiến lược tăng vốn điều lệ của NHTM và ảnh hưởng của quá trình hiện đại hóa hoạt động sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Tuy chỉ là tác động tạm thời nhưng đã ảnh hưởng đến quản trị chiến lược của các NHTM.
Thứ ba: Hoạt động liên kết chuỗi kinh doanh các sản phẩm của NHTM bị gián đoạn, đứt gãy hoạt động tạm thời, làm giảm đi đáng kể lượng khách hàng cũ và mới.
Thứ tư: Lãi suất, giá vàng và ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế biến động khó lường, tạo ra bất lợi cho thị trường kinh doanh ngoại hối.
Thứ năm: Với việc hoạt động sản xuất ngưng trệ, các doanh nghiệp có thể tạm thời ngừng hoạt động. Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021, có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 43,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo đó, một số lượng lớn người lao động ngưng việc hay thậm chí rơi vào trạng thái thất nghiệp. Sự mất mát trong thu nhập sẽ khiến cho cầu của đối tượng này giảm mạnh. Ảnh hưởng kể trên sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với những người nằm ngoài vùng phủ của bảo hiểm thất nghiệp. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp (thuộc các lĩnh vực hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ) có khả năng phá sản hàng loạt hậu Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung, lĩnh vực ngân hàng nói riêng.
Thứ sáu: Do biện pháp chống dịch được áp dụng chủ yếu là giải pháp cách ly xã hội khiến nguồn cung lao động giảm mạnh, đặc biệt trong những khu vực đòi hỏi sự cách ly trực tiếp lao động vào quá trình sản xuất. Ngoài ra, với những vùng tâm dịch, việc đóng cửa những hoạt động không thiết yếu, thực thi những quy tắc hạn chế đi lại, khiến cho nhiều hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, tác động gián tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Thứ bảy: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát rồi lại bùng phát ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh khó có thể được kiểm soát một cách triệt để trên bình diện rộng, hoạt động sản xuất có thể rơi vào trạng thái “tắt/bật” (on/off) trước những diễn tiến cụ thể của tình hình dịch bệnh. Điều này gây bị động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến nhu cầu vốn, do đó, ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động ngân hàng ít nhất 2 đến 3 năm nữa.
Thứ tám: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra tâm lý tiêu cực trong và sau đại dịch khiến cho khách hàng tiêu dùng và nhà đầu tư có trạng thái tâm lý trì hoãn tiêu dùng, không có nhu cầu vay vốn và đầu tư, điều này ảnh hưởng gián tiếp đến các dịch vụ ngân hàng như Internet banking, giao dịch các sản phẩm ngân hàng… ảnh hưởng lợi nhuận ròng từ tín dụng và phi tín dụng của ngân hàng.
Thứ chín: Sau đại dịch Covid-19, sự phá sản của các doanh nghiệp có thể tạo ra khủng hoảng nợ, là tiền đề cho nợ xấu ngân hàng tăng và hệ lụy ảnh hưởng những “đổ vỡ” trong hệ thống tài chính.
Giải pháp ổn định thị trường tài chính, ngân hàng thời kỳ hậu Covid-19
Để chuẩn bị cho thời kỳ trong và hậu Covid-19, góp phần phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Một là, trong giai đoạn hiện nay, vai trò chủ yếu của NHNN là đưa ra chính sách tiền tệ đảm bảo hệ thống tài chính vận hành thông suốt, duy trì khả năng thanh khoản của các tổ chức tài chính, hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (giải ngân vốn dự án) cần tham mưu Chính phủ có các biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, các giải pháp dân sinh thời kỳ trong và hậu Covid-19. Mặt khác, NHNN tiếp tục thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; bám sát diễn biến thị trường để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng; chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Ngày 24/8/2021, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 8/2021. Theo báo cáo, trong tháng 7, doanh số bán lẻ giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020, trong khi Chỉ số sức mua hàng (PMI) cũng giảm đáng kể. Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 tái bùng phát diện rộng đã buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất... Báo cáo nhận định, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021, dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo do Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của các đợt dịch Covid-19 đến hoạt động kinh tế. Do vậy, nước ta sẽ phải đương đầu với các chỉ số tài chính “ốm yếu” thời gian tới, do đó, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN là cần thiết sao cho không bị đổ vỡ hệ thống tài chính, ngân hàng với những hệ lụy trên.
Hai là, các NHTM tiếp tục chủ động cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; căn cứ tình hình thực tiễn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí đối với khách hàng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đang phải đối mặt với việc sụt giảm nguồn thu để bù đắp cho các chi phí khác hay hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành dưới mức bình thường. Bên cạnh đó, 43,4% doanh nghiệp trong số này gặp khó khăn do không có nguồn thu; 39,4% không thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh, chẳng hạn, phải đóng cửa trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định để phòng, chống dịch. Ngoài ra, 31,2% doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa sản xuất trong nước; 17,20% không xuất khẩu được. Các vấn đề về thiếu hụt vốn, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất cũng là một khó khăn lớn, đặc biệt nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu.
Ba là, theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể trong từng lĩnh vực mà mình phụ trách, các NHTM tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kết hợp Tổng cục Thuế gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; xem xét thời điểm đóng phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Bốn là, cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán, củng cố niềm tin cho các bên tham gia thị trường. Theo đó, cần có hướng dẫn, quy định để cụ thể hóa nhiệm vụ theo cơ chế tác động san sẻ rủi ro giữa các thành phần kinh tế. Ðiều đó sẽ tạo cơ sở cho các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ cũng như sức bền của thị trường.
Năm là, tích cực, chủ động tháo gỡ các rào cản, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đại dịch, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn. Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2021 đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận khía cạnh tích cực từ bối cảnh hiện tại, khi Việt Nam vẫn đang được coi là đất nước an toàn. Một số nhà đầu tư vẫn chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam vẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào một số dự án lớn như: Dự án nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore); dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản); dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc)...
Sáu là, các NHTM phát huy tối đa các kênh thanh toán, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện dịch vụ liên kết với Bảo hiểm xã hội như tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, thanh toán phí điện, nước bên cạnh việc Chính phủ chỉ đạo không tăng chi phí điện, nước và rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đây cũng là những chính sách rất cần thiết giúp giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khắc phục những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra.
Bảy là, kinh tế Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn sau khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế. Trong bối cảnh này, các NHTM cần thực hiện nhanh, nhạy, đúng các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ và NHNN có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh để lại. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ vốn là yếu tố quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không một khi bệnh dịch đã được kiểm soát. Phân tích được tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn để kiến nghị với NHNN.
Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt như hàng không, du lịch, dịch vụ nếu vay vốn ngân hàng thì Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ lãi suất phù hợp. Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt như cung cấp nông sản, thực phẩm, dược phẩm… thì tiếp tục hỗ trợ vốn bên cạnh việc khơi nguồn các thị trường ngoài nước để tăng GDP. Do vậy, NHNN cần lựa chọn hợp lý các chính sách, cũng như đối tượng để hỗ trợ. Bổ sung thêm danh mục về các đối tượng được hưởng ưu tiên về lãi suất trần trong khoản 2, Điều 13, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Việc kích thích tổng cầu nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay hầu như không có tác dụng trong ngắn hạn do sức mua ở những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp sẽ không thể tăng do sau dịch bệnh doanh nghiệp, người dân đã kiệt sức. Do đó, các chính sách lãi suất là liều thuốc kháng sinh cho doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, đầu tư và mua sắm trở lại, dòng tiền khơi thông sẽ sớm khôi phục nền kinh tế. Lãi suất có thể cắt giảm thêm 1 - 2 điểm phần trăm. Khi chính sách tiền tệ hay tài khóa truyền thống không đủ hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp, thì cần có các can thiệp tài khóa trực tiếp từ Chính phủ như mua lại nợ, tăng sở hữu vốn Nhà nước… ở một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng; tránh tối đa sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giải cứu thị trường chứng khoán, tăng cường các biện pháp ổn định tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn. Các NHTM tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới, tăng cường phát triển thanh toán Internet banking và Mobile banking.
Tám là, kiểm định lại tính hiệu quả của các chính sách đã xây dựng về quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro hoạt động. Đây là cơ hội tốt để các tổ chức tín dụng đánh giá quy trình hoạt động và hệ thống nhân sự hiện tại có vận hành hiệu quả không, có chỗ nào có thể điều chỉnh để tối ưu hóa. Các tổ chức tín dụng cũng xác định được nhân sự tốt và nhân sự có thể cắt giảm, từ đó tối ưu hóa được chi phí hoạt động. Ngoài ra, dịch bệnh còn là thời cơ giúp lãnh đạo các tổ chức tín dụng nhìn nhận lại các chính sách đối phó với các loại rủi ro, chủ động điều chỉnh hoặc xây dựng lại các kịch bản có thể gặp phải, từ đó hình thành các phương án đối phó hiệu quả hơn hậu Covid-19.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021. Tổng cục Thống kê.
2. https://www.gso.gov.vn
3. https://www.pwc.com/gx/en/industries/financial-services/publications/future-of-financial-services.html
ThS. Đỗ Văn Hữu
Ban Kiểm soát - Agribank