10 sự kiện nổi bật của ngành Ngân hàng năm 2023
Kết thúc năm 2023, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% (tuy thấp hơn mục tiêu nhưng là mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực), lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu khoảng 4,5% Quốc hội đặt ra), các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tạo động lực bền vững trong thời gian tới. Trong thành công chung đó, có sự đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng. Tạp chí Ngân hàng xin điểm lại 10 sự kiện nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2023.
1. NHNN 04 lần giảm lãi suất điều hành
Năm 2023, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 04 lần các mức lãi suất điều hành (vào các ngày 15/3, 03/4, 25/5 và 19/6) với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới…
Nhờ vậy, đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh lãi suất điều hành và các biện pháp đồng bộ khác của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
2. NHNN ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Trong năm 2023, NHNN đã ban hành và triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, đã tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Lũy kế đến ngày 30/11/2023 có 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư này, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là 171.083 tỉ đồng.
Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 của Thống đốc NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN) đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
3. Tổ chức hàng trăm chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Ngành Ngân hàng đã tổ chức hàng trăm chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố và một số vùng trên cả nước (Đông Nam Bộ, Tây Nguyên), các tỉnh, thành phố trọng điểm (Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên…), các hội nghị tín dụng chuyên đề (lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực…) nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong năm 2023 đã có khoảng 460 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc. Thông qua các chương trình này, các TCTD đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hơn 185.000 doanh nghiệp và một số khách hàng khác, với dư nợ trên 1,7 triệu tỉ đồng.
4. Ngành Ngân hàng tiếp tục tiên phong trong chuyển đổi số
NHNN tiếp tục tổ chức triển khai tích cực các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Các hạ tầng dùng chung như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng (TTTD) quốc gia… thường xuyên được NHNN tổ chức vận hành hệ thống, đầu tư, nâng cấp, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ.
Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác, nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn (100%); nhiều ngân hàng Việt Nam có tỉ lệ trên 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số…
Trong 11 tháng đầu năm 2023 so với cùng kì năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49,95% về số lượng; giao dịch qua kênh Internet tăng 56,60% về số lượng và tăng 5,80% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 61,14% về số lượng và tăng 11,65% về giá trị, qua phương thức QR Code tăng 171,68% về số lượng và tăng 74,16% về giá trị, qua POS tăng 18,77% về số lượng và tăng 20,64% về giá trị… Các hệ thống thanh toán được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn, góp phần hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí thanh toán, tăng cường tính minh bạch trong nền kinh tế.
Việc tích cực chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã góp phần giảm chi phí cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng tiện ích cho người sử dụng, góp phần giảm tín dụng đen.
Đại hội TDTT ngành Ngân hàng lần thứ Nhất là sự kiện chính trị quan trọng của ngành Ngân hàng
5. Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) ngành Ngân hàng lần thứ Nhất thành công tốt đẹp
Đại hội TDTT ngành Ngân hàng lần thứ Nhất diễn ra từ ngày 08/8/2023 đến ngày 12/8/2023. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của ngành Ngân hàng, lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc.
Đại hội TDTT ngành Ngân hàng lần thứ Nhất có sự tham gia của gần 2.600 vận động viên đến từ 57 cơ quan, đơn vị, TCTD trong ngành Ngân hàng đã thi đấu với tinh thần thể thao trung thực, cao thượng, đoàn kết, thực hiện nghiêm túc quy định của Ban Tổ chức, cống hiến cho khán giả những trận đấu đẹp mắt, kịch tính, thể hiện tinh thần thể thao sôi nổi và phong trào rèn luyện sức khỏe trong ngành Ngân hàng vô cùng mạnh mẽ.
Đại hội TDTT ngành Ngân hàng lần thứ Nhất là nơi hội tụ niềm tin, tinh thần đoàn kết, sức mạnh và khát vọng vươn lên của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thể hiện ý chí phấn đấu vì một ngành Ngân hàng ổn định và phát triển. Đại hội là sân chơi chung, là cơ hội giao lưu, học hỏi, gắn bó, chia sẻ, hợp tác và trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên toàn Ngành. Đồng thời, đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, nét đẹp văn hóa của các đơn vị, TCTD trong ngành Ngân hàng đến toàn xã hội, đến với người dân và doanh nghiệp với mục đích và thông điệp “Vì sự phát triển của ngành Ngân hàng và sự phồn vinh của đất nước”.
6. Cải thiện và minh bạch hóa TTTD
NHNN đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy quy mô cơ sở dữ liệu TTTD phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Theo đó, cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đã tích hợp TTTD từ 100% các TCTD, 1.160 quỹ tín dụng nhân dân và 04 tổ chức tài chính vi mô chính thức, 61 tổ chức tự nguyện ngoài Ngành và các cơ quan quản lí khác. Mức độ bao phủ đạt tỉ lệ khoảng 79,7% trên tổng dân số trưởng thành với 55,3 triệu hồ sơ khách hàng, đã hoàn thành so với mục tiêu đến năm 2025 đạt 55 triệu hồ sơ khách hàng.
Bên cạnh đó, năm 2023 được đánh giá là năm tăng cường chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia khi NHNN tập trung kiểm soát chất lượng báo cáo của các TCTD, các tổ chức tự nguyện; tiến hành phối với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an làm sạch dữ liệu định danh thông qua việc ứng dụng kết quả của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tăng cường kết nối, hợp tác với các đơn vị ngoài Ngành để hoàn thiện và chuẩn hóa thông tin lưu trữ tại cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia.
7. Lần thứ 7 NHNN dẫn đầu các bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính
Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2022 của Bộ Nội vụ, NHNN đứng thứ nhất về chỉ số Par Index và là lần thứ 7 dẫn đầu các bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số này. Kết quả xếp hạng cho thấy những nỗ lực, quyết tâm không ngừng của NHNN để chủ động kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách đột phá, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh; đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trao Quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Phạm Quang Dũng
8. NHNN có thêm 01 Phó Thống đốc
Ngày 28/12/2023, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức Lễ công bố Quyết định số 1669/QĐ-TTg ngày 22/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó Thống đốc NHNN đối với đồng chí Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Đồng chí Phạm Quang Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ tài chính - ngân hàng tại Trường Đại học Birmingham (Vương quốc Anh). Đồng chí có 29 năm kinh nghiệm công tác tại Vietcombank và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kì 2018 - 2023 từ ngày 30/8/2021.
9. Tám ngân hàng được Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm
Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục công bố nâng xếp hạng tín nhiệm của một loạt ngân hàng sau quyết định nâng bậc tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên BB+, triển vọng dài hạn “Ổn định”.
Đối với nhóm ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, ba ngân hàng bao gồm: Ngân hàng HSBC, Ngân hàng ANZ và Ngân hàng Standard Chartered đã được nâng hạng tín nhiệm trong lần này.
Đối với nhóm các ngân hàng trong nước, những ngân hàng được Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm lần này bao gồm: Vietcombank, NHTMCP Quân đội, NHTMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Theo Fitch Ratings, môi trường kinh doanh đã được cải thiện. Tổ chức này cũng nâng điểm môi trường hoạt động (OE) hệ thống ngân hàng với kì vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn. Các điều kiện tín dụng đã dần được nới lỏng kể từ đầu năm 2023 nhờ hành động chính sách tiền tệ quyết đoán, phù hợp, đồng thời Fitch Ratings cũng kì vọng hiệu quả tài chính của ngành Ngân hàng sẽ phục hồi vào năm 2024, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng tăng lên và biên lãi ròng của các NHTM được cải thiện.
Năm 2023 là năm đặc biệt với Vietcombank khi Ngân hàng này kỷ niệm 60 năm ngày thành lập
10. Nhiều NHTM kỷ niệm dấu mốc thành lập
Năm 2023 có tới 10 ngân hàng cùng kỷ niệm 30 năm thành lập/có mặt tại Việt Nam. Đó là NHTMCP Kỹ thương Việt Nam, NHTMCP Á Châu, NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng, NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội, NHTMCP An Bình, NHTMCP Thịnh Vượng và Phát triển, Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí toàn cầu, NHTM TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam, Ngân hàng UOB Việt Nam. Ngoài ra, năm 2023 là năm đặc biệt với Vietcombank khi Ngân hàng này kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Bên cạnh đó, Agribank và VietinBank cùng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập.
TCNH