VietinBank đổi mới, phát triển cùng đất nước và ngành Ngân hàng Việt Nam
Trải qua hơn 32 năm xây dựng, phát triển, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng với nhiều nỗ lực đột phá đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng trong nước.
VietinBank khẳng định và phát huy tốt vai trò là ngân hàng thương mại chủ lực, trụ cột của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ. Vốn tín dụng của VietinBank góp phần quan trọng thúc đẩy kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân, định hình mô hình phát triển kinh tế của nhiều ngành và địa phương, khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò của ngành Ngân hàng Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với việc tái cấu trúc toàn diện hoạt động theo hướng nâng cao tiêu chuẩn hoạt động, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh, VietinBank đã hoàn thành tốt Phương án Cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2018 - 2020. Bước vào giai đoạn phát triển mới, khát vọng của VietinBank trở thành ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, thuộc Top ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên quan điểm phát triển là ngân hàng thương mại (NHTM) quốc gia, đóng vai trò trụ cột và chủ lực của nền kinh tế, đồng hành phục vụ cho sự phát triển của đất nước, phát huy lợi thế tiềm năng của ngân hàng, khai thác tối đa nguồn lực nội tại, gắn chặt chẽ tăng trưởng của Ngân hàng với các ngành kinh tế chủ lực, các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập. Nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, phát triển Ngân hàng tương đương với các ngân hàng hàng đầu khu vực và phát triển bền vững.
VietinBank kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước năm 2018
1. Dấu ấn quá trình phát triển của VietinBank gắn với sự phát triển của đất nước
VietinBank được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 08/7/1988, ban đầu là ngân hàng chuyên doanh trong lĩnh vực công thương. Trải qua hơn 32 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, VietinBank đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam và có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển của nền kinh tế theo định hướng của Đảng, Nhà nước, thể hiện qua sự lớn mạnh của Ngân hàng và sự tham gia đóng góp trong các lĩnh vực được ưu tiên phát triển.
So với ngày đầu thành lập, tổng tài sản của VietinBank đến hết năm 2020 đã vượt 1 triệu 340 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1.800 lần; dư nợ tín dụng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, gấp gần 1.700 lần. Sau quá trình không ngừng xây dựng, đổi mới, kiện toàn hệ thống mạng lưới để phục vụ doanh nghiệp, người dân trong cả nước, VietinBank là NHTM có mạng lưới giao dịch lớn thứ 2 trong hệ thống NHTM tại Việt Nam với 155 chi nhánh, gần 1.000 phòng giao dịch trên 63 tỉnh, thành phố và hơn 22.000 cán bộ, nhân viên. VietinBank đóng vai trò là cầu nối quan trọng đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trao đổi, tìm kiếm và mở rộng quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư trực tiếp với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. VietinBank đã đẩy mạnh đổi mới, cải cách, tái cấu trúc hoạt động, thực hiện thành công Phương án Cơ cấu lại giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020, các kế hoạch kinh doanh trung hạn. Hoạt động kinh doanh của hệ thống VietinBank luôn đạt mức tăng trưởng cao, an toàn, hiệu quả, các chỉ số sinh lời luôn nằm trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu. Là ngân hàng nhiều năm liền nằm trong top 10 doanh nghiệp đóng góp Ngân sách Nhà nước cao nhất.
Bảo đảm đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế
Với đặc thù tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phát huy vai trò là NHTM Nhà nước lớn, chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, hoạt động của VietinBank đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo từng giai đoạn từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, trước hết ở việc bảo đảm đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Kể từ ngày thành lập1, VietinBank luôn tích cực, chủ động đẩy mạnh huy động nguồn vốn, đồng thời mở rộng hoạt động tín dụng và đầu tư đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Nguồn vốn được tăng trưởng đều đặn, đáp ứng nhu cầu cung ứng vốn cho các ngành kinh tế, dự án trọng điểm của đất nước. Quy mô kinh doanh ngày một lớn, tốc độ phát triển nhanh. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, hoạt động tín dụng của VietinBank cũng như các ngân hàng tập trung chủ yếu vào khu vực quốc doanh thuộc các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và thương nghiệp vật tư (chiếm hơn 76%). Từ năm 1995, VietinBank là ngân hàng đầu tiên mở rộng cho vay khu vực ngoài quốc doanh. Trong những giai đoạn khó khăn, tăng trưởng thấp của nền kinh tế (cuối những năm 90 của thế kỷ trước, giai đoạn 2008 -2009, 2012 - 2014), VietinBank vừa đồng thời tự thân triển khai tái cơ cấu hoạt động, xử lý nợ xấu, vừa đẩy mạnh phát triển các hoạt động kinh doanh đảm bảo an toàn, hiệu quả, đóng góp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng danh mục tín dụng VietinBank cho nền kinh tế là hơn 1 triệu tỷ đồng, khẳng định vai trò là ngân hàng có thị phần lớn trong quan hệ với các khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp lớn, dẫn đầu các ngành kinh tế trọng điểm. Thị phần tín dụng của VietinBank luôn chiếm trên 11% - 12% tổng dư nợ tín dụng cả nước, là một trong ba ngân hàng đóng góp lớn nhất (có thị phần trên 10%, cùng với Agribank và BIDV) về cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Đóng góp trong sự phát triển của các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia
Vốn tín dụng của VietinBank góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, định hình mô hình phát triển kinh tế của nhiều ngành và địa phương. VietinBank chủ động điều hành tín dụng vào các ngành, lĩnh vực được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích phát triển2 với quy mô chiếm 60% tổng danh mục tín dụng của VietinBank; phân bổ nguồn lực dành cho các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước với hơn 75% tổng danh mục tín dụng, đồng hành cùng các vùng, các địa phương để thúc đẩy kinh tế vùng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia.
Trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, VietinBank luôn mở rộng cho vay những ngành kinh tế mũi nhọn: Dầu khí, xăng dầu, bưu chính viễn thông, than - khoáng sản, điện, hóa chất, sắt thép, xi măng, vận tải…; cung ứng tài chính cho nhiều doanh nghiệp thuộc ngành hàng xuất khẩu, góp phần thực thi chiến lược tăng trưởng xuất khẩu như: Dệt may, da giày, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, nông lâm sản... trên phạm vi cả nước. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, VietinBank cũng mở rộng đầu tư vốn, được công nhận là ngân hàng đầu tiên xây dựng các dự án, các cơ chế cho vay và là một trong những ngân hàng mạnh nhất trong cung cấp dịch vụ tài chính với phân khúc này, được nhiều tổ chức quốc tế lớn như JBIC, EC, KFW, ADB… tín nhiệm tài trợ vốn.
Lễ ra mắt ứng dụng VietinBank iPay Mobile phiên bản mới (năm 2019)
2. VietinBank góp phần nâng cao vai trò, vị thế ngành Ngân hàng
Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước. Trong đó, mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện chất lượng tăng trưởng luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu trong quá trình điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD (số theo đánh giá lại GDP), đứng trong Top 40 thế giới và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực ASEAN. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Những kết quả trên chứng tỏ vai trò và nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước3.
Phát huy vai trò ngân hàng chủ lực, trụ cột của nền kinh tế, dẫn dắt thị trường, góp phần định hướng và điều tiết vĩ mô thị trường tài chính - tiền tệ
Với vai trò là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn nhất, hoạt động trên lĩnh vực tài chính - tiền tệ, VietinBank là ngân hàng có đủ nguồn lực về vốn, nhân sự, mạng lưới để phát huy vai trò dẫn dắt thị trường, góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương qua các thời kỳ, đặc biệt là thúc đẩy thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập. VietinBank duy trì mặt bằng lãi suất cho vay trong nhóm thấp nhất thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng với chi phí hợp lý nhất.
Đặc biệt, trong năm 2020, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam chứng kiến những biến động lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, với phương châm tập trung thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc sớm, chủ động nắm bắt tình hình, triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tập trung mọi nguồn lực nhằm góp phần ổn định vĩ mô; kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, đối phó với tác động tiêu cực của dịch bệnh. Trong năm 2020, VietinBank đã cắt giảm lợi nhuận gần 5.000 tỷ đồng bằng việc hạ lãi suất cho vay, phí dịch vụ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đồng hành chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. VietinBank đã cho vay mới hơn 400 nghìn tỷ đồng cho hơn 7.000 khách hàng gặp khó khăn; hỗ trợ hạ lãi suất với mức hạ phổ biến 2% - 2.5%/năm với dư nợ được miễn giảm gần 280 nghìn tỷ đồng.
Hoàn thành tốt Phương án Cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng, tham gia hỗ trợ, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém
Trong mỗi giai đoạn hoạt động, VietinBank đã vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn của nền kinh tế và nội tại ngân hàng để thực hiện thành công các đề án, phương án: Đề án Cơ cấu lại tổ chức và hoạt động VietinBank đến năm 2010; Phương án Cơ cấu lại giai đoạn 2011 - 2015; Phương án Cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Đặc biệt, kể từ năm 2018, với việc tái cấu trúc toàn diện hoạt động theo hướng nâng cao tiêu chuẩn hoạt động, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh, kết quả kinh doanh của VietinBank có sự thay đổi cơ bản về chất, hiệu quả được nâng cao, cơ cấu thu nhập chuyển dịch theo hướng bền vững. Cơ cấu khách hàng chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng của các phân khúc có hiệu quả sinh lời cao. Hiệu quả hoạt động kinh doanh cải thiện mạnh mẽ, kết quả kinh doanh của VietinBank đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả kinh doanh tích cực tạo nguồn lực để VietinBank tiếp tục phát huy tốt vai trò ngân hàng chủ lực, trụ cột, chủ động đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ tài chính của nền kinh tế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới, đồng thời tạo nguồn lực để tăng năng lực tài chính của Ngân hàng, bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.
VietinBank cũng thực hiện vai trò của NHTM lớn, chủ lực và trụ cột của Nhà nước, tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu các TCTD tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống ngân hàng Việt Nam vững mạnh và phát triển hiệu quả, an toàn theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Có thể nói, những kết quả như trên của VietinBank đã góp phần rất lớn vào kết quả chung thực hiện cơ cấu lại các TCTD của toàn hệ thống, giảm nợ xấu, tăng cường năng lực tài chính của hệ thống, củng cố niềm tin đối với thị trường.
Góp phần cùng ngành Ngân hàng thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững
Ngân hàng phát triển đa dạng các kênh phân phối từ quầy đến ngân hàng điện tử, hỗ trợ cho mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, với chi phí hợp lý; Mở rộng độ bao phủ các điểm cung ứng dịch vụ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ người dân, VietinBank là ngân hàng có quy mô mạng lưới giao dịch lớn thứ 2 trong các TCTD tại Việt Nam với 324 chi nhánh, phòng giao dịch mở tại xã/thị trấn ở địa bàn nông thôn.
VietinBank là ngân hàng triển khai tích cực các chủ trương về tín dụng xanh (green finance) và phát triển bền vững của Chính phủ và NHNN theo Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 của Thống đốc NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; chủ động xây dựng các chính sách, sản phẩm tạo cơ chế linh hoạt trong tài trợ các dự án xanh, đặc biệt là các dạng năng lượng mới như điện khí LNG (Khí thiên nhiên hóa lỏng), thủy điện tích năng, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch,...
Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện hoạt động góp phần phát triển kinh tế số và phát triển các dịch vụ mới
VietinBank vươn mình đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kinh doanh, quản trị điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hệ thống CoreBanking của VietinBank được Tạp chí The Asian Banker ghi nhận và trao tặng danh hiệu Chương trình đổi mới CoreBanking tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ứng dụng Mobile Banking của VietinBank được xem là ứng dụng ngân hàng số hiện đại, tiện dụng, đón nhận sự hào hứng và yêu thích sử dụng của khách hàng. VietinBank đã thí điểm thành công Hệ thống “Smart Digital Branch - Chi nhánh số hóa thông minh” giúp nhận diện, phân luồng khách hàng và nâng cao trải nghiệm cũng như chất lượng dịch vụ. Đây là bước đi đột phá trong ứng dụng sinh trắc học vào hoạt động kinh doanh của VietinBank. Các ứng dụng về công nghệ như học máy, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn… cũng được lan tỏa mạnh mẽ trong hoạt động quản trị điều hành của ngân hàng giúp nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ đào tạo trực tuyến, góp phần cảnh báo rủi ro…
Những bước đi trên của VietinBank góp phần không nhỏ trong thực hiện định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Định vị thương hiệu ngân hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế
Năm 2008, VietinBank thực hiện cổ phần hóa đồng thời thay đổi tên thương hiệu đăng ký quốc tế, trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được đăng ký bản quyền quốc tế. Thương hiệu mới VietinBank đánh dấu một bước đi tất yếu trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của VietinBank để định vị uy tín thương hiệu trên thị trường tài chính thế giới trong giai đoạn tiếp theo. VietinBank là NHTM Nhà nước đầu tiên lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, qua đó cải thiện mạnh mẽ năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh; là ngân hàng Việt Nam đầu tiên có mặt tại châu Âu với việc khai trương chi nhánh tại Frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức. VietinBank cũng là ngân hàng trong nước đầu tiên phát hành thành công trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Đến nay, VietinBank là ngân hàng Việt Nam duy nhất 3 lần liên tiếp vào Top 300 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới (Brand Finance), 9 lần liên tiếp nằm trong Top 2.000 Forbes Global... góp phần khẳng định, nâng cao thương hiệu, uy tín của ngân hàng Việt Nam.
3. Chiến lược phát triển hướng tới tương lai
Trong giai đoạn phát triển mới, VietinBank xây dựng định hướng Chiến lược phát triển VietinBank giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch kinh doanh trung hạn giai đoạn 2021 - 2023. Chiến lược phát triển VietinBank gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng, chủ trương của NHNN về việc triển khai xây dựng Chiến lược tại các TCTD giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 và bám sát nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Quan điểm phát triển của VietinBank là “NHTM quốc gia, đóng vai trò trụ cột và chủ lực của nền kinh tế, đồng hành phục vụ cho sự phát triển của đất nước, phát huy lợi thế tiềm năng của ngân hàng, khai thác tối đa nguồn lực nội tại, gắn chặt chẽ tăng trưởng của Ngân hàng với các ngành kinh tế chủ lực, các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập. Nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, phát triển Ngân hàng tương đương với các ngân hàng hàng đầu khu vực và phát triển bền vững”.
VietinBank xác định tầm nhìn là Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu, uy tín nhất Việt Nam, nằm trong Top 20 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với sứ mệnh là ngân hàng tiên phong trong phát triển đất nước trên cơ sở mang lại giá trị tối ưu cho khách hàng, cổ đông và người lao động.
Với vị thế là NHTM hàng đầu Việt Nam, đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế, đồng hành phục vụ cho sự phát triển của đất nước, bên cạnh mục tiêu kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng lợi nhuận, VietinBank tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thực hiện các chính sách cải thiện môi trường an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Bắt đầu giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 cùng cả nước, VietinBank cũng bước vào năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển 10 năm, Kế hoạch kinh doanh trung hạn 3 năm 2021 - 2023 với những mục tiêu, yêu cầu hết sức thách thức để phát triển bứt phá, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của toàn ngành Ngân hàng và của đất nước. Toàn hệ thống VietinBank sẽ tiếp tục nỗ lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội thị trường, khắc phục khó khăn, hạn chế; tiếp tục nâng cao năng lực tài chính để tạo nguồn lực cho phát triển dài hạn; tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động kinh doanh; đổi mới về quản trị điều hành, kiểm soát theo hướng thực chất để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tiếp tục khẳng định vai trò là ngân hàng chủ lực, trụ cột trong sự phát triển của nền kinh tế và ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam.
1
Năm 1988, tổng tài sản của VietinBank là 718 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động 638 tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế
601 tỷ đồng.
Hiện nay, theo định hướng của Chính phủ, NHNN, VietinBank triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
3
Chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam ở mức 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ theo đánh giá của WorldBank (2019), đứng thứ 2 trong ASEAN và thứ 2 trong khu vực châu Á (chỉ sau Brunei - hạng 1/190).
TS. Lê Đức Thọ
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam
Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2021