Ký ức không quên về Dự án Hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán

Kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam
Chiều một ngày cuối năm 1994, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đỗ Quế Lượng chủ trì một cuộc họp. Tham gia cuộc họp là đại diện một số vụ, cục thuộc NHNN, gồm: Cục Công nghệ tin học; ...
aa

Chiều một ngày cuối năm 1994, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đỗ Quế Lượng chủ trì một cuộc họp. Tham gia cuộc họp là đại diện một số vụ, cục thuộc NHNN, gồm: Cục Công nghệ tin học; Vụ Tài chính - Kế toán; Vụ Nghiên cứu kinh tế; Vụ Quan hệ quốc tế và Văn phòng NHNN.

Đoàn cán bộ NHNN do Phó Thống đốc Đỗ Quế Lượng làm trưởng đoàn đi khảo sát Hệ thống thanh toán tại NHTW Nhật Bản năm 1995

Tại cuộc họp, anh Nguyễn Quang Thép - Vụ phó Vụ Quan hệ quốc tế báo cáo với Phó Thống đốc về nội dung làm việc của đoàn cán bộ Ngân hàng Thế giới với NHNN, trong đó có việc Ngân hàng Thế giới muốn dành khoản tiền khoảng 30 triệu USD để giúp Việt Nam xây dựng hệ thống thanh toán. Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Phó Thống đốc NHNN Đỗ Quế Lượng kết luận thành lập một tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo các vụ, cục tham dự cuộc họp để chuẩn bị nội dung làm việc với Ngân hàng Thế giới khi họ cử chuyên gia về thanh toán sang Việt Nam. Tổ công tác gồm: Tôi là tổ trưởng, anh Đào Y - Vụ phó Vụ Tài chính - Kế toán, anh Nguyễn Toàn Thắng - Vụ phó Vụ Nghiên cứu kinh tế, anh Nguyễn Quang Thép - Vụ phó Vụ Quan hệ quốc tế.

Sau một thời gian khẩn trương làm việc, tổ công tác đã soạn thảo ra được bộ tài liệu thực trạng và yêu cầu xây dựng hệ thống thanh toán tại Ngân hàng Việt Nam, trình Thống đốc phê duyệt làm tài liệu để làm việc với chuyên gia thanh toán của Ngân hàng Thế giới sau này. Tuy được giao làm nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu nhưng thực sự anh em chúng tôi chưa ai được đi nghiên cứu hệ thống thanh toán của các ngân hàng hiện đại trên thế giới. Do vậy, tài liệu chủ yếu tập trung vào việc mô tả hiện trạng của hệ thống thanh toán tại Việt Nam lúc bấy giờ. Ở Việt Nam thời điểm ấy vừa mới thực hiện đổi mới, xây dựng hệ thống ngân hàng hai cấp. NHNN thực hiện nhiệm vụ Ngân hàng Trung ương và các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện chức năng kinh doanh. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngân hàng thời đó rất lạc hậu, hạ tầng viễn thông quốc gia chưa phát triển, thanh toán qua ngân hàng chủ yếu thực hiện theo phương pháp thủ công nên rất ách tắc, trì trệ. Một lệnh thanh toán trong nội thành Hà Nội chuyển từ chi nhánh ngân hàng này sang chi nhánh ngân hàng khác có khi cả tuần mới được thực hiện. Do thanh toán qua ngân hàng ách tắc nên các đơn vị kinh tế, doanh nghiệp thanh toán với nhau chủ yếu bằng tiền mặt. Lượng tiền mặt ngành Ngân hàng phát hành ra nền kinh tế quay trở lại các ngân hàng rất ít, tạo nên hiện tượng các ngân hàng khan hiếm tiền mặt một cách trầm trọng. Việc xây dựng hệ thống thanh toán hiện đại đối với ngành Ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong kế hoạch hiện đại hóa ngân hàng.

Tuy yêu cầu xây dựng hệ thống thanh toán của ngành Ngân hàng cấp bách như vậy, nhưng xây dựng như thế nào, học tập áp dụng mô hình của ngân hàng nào trên thế giới cho phù hợp với đặc thù của Việt Nam là một câu hỏi hóc búa chưa ai trả lời được. NHNN và các NHTM đã cử nhiều đoàn cán bộ sang các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore… để học tập kinh nghiệm.

Năm 1995, nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật về hệ thống thanh toán của Ngân hàng Thế giới sang Việt Nam làm việc. Thống đốc NHNN giao cho tôi thay mặt NHNN tiếp và làm việc với đoàn. Thật khó khăn khi trao đổi để có được tiếng nói chung. Tôi còn nhớ, nhiều lần làm việc với ông ViNit Naia - Trưởng đoàn cán bộ của Ngân hàng Thế giới để bàn về mô hình thanh toán cho hệ thống ngân hàng Việt Nam nhưng không thành công. Lý do rất đơn giản là Ngân hàng Thế giới chỉ tài trợ vốn vay cho các Ngân hàng Trung ương chứ chưa tài trợ cho NHTM nào trên thế giới vay để xây dựng hệ thống thanh toán.

Từ thực tế ở Việt Nam lúc bấy giờ hệ thống ngân hàng mới tách ra, ngoài NHNN đóng vai trò là Ngân hàng Trung ương thì chỉ có 6 NHTM, trong đó 4 NHTM Nhà nước và 2 NHTM ngoài quốc doanh. Các ngân hàng này vừa mới thành lập nên cơ sở vật chất rất nghèo nàn, hệ thống thanh toán rất lạc hậu, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế qua ngân hàng lại do các NHTM thực hiện. Theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới thì họ chỉ cho NHNN vay để xây dựng hệ thống thanh toán liên ngân hàng của NHNN. Như vậy, các NHTM không được vay vốn để xây dựng hệ thống thanh toán kế toán của nội bộ mỗi ngân hàng, điều đó không giải quyết được vấn đề cải tiến hệ thống thanh toán ở Việt Nam. Tôi nêu quan điểm đề nghị Ngân hàng Thế giới, ngoài tài trợ vốn vay cho NHNN thì tài trợ thêm cho 4 NHTM Nhà nước. Ý kiến này không được ông ViNit Naia chấp nhận. Khi ấy thực sự tôi rất lo lắng về khả năng Ngân hàng Thế giới không linh hoạt như đề xuất của mình, nhưng mạnh dạn nêu quan điểm: Đây là đặc thù của chúng tôi, nếu các ông có thiện chí giúp Ngân hàng Việt Nam thì chấp nhận đặc thù này, còn nếu chỉ đầu tư xây dựng hệ thống thanh toán liên ngân hàng của NHNN thì rất lãng phí, không khác gì xây dựng hệ thống đường sắt mà chỉ xây nhà ga, không xây dựng các hệ thống đường ray cho tàu chạy, như vậy “nhà ga” chỉ bỏ không mà thôi. Tôi cũng nói thêm rằng, nội dung này tôi mới biết trong cuộc đàm phán hôm nay nên chưa kịp báo cáo xin ý kiến Thống đốc, đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi. Cuộc thảo luận gay cấn chưa có lối thoát thì đến giờ nghỉ trưa. Tôi đề xuất buổi chiều tạm dừng thảo luận để hai bên báo cáo xin ý kiến lãnh đạo của mình. Tôi tranh thủ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của anh Cao Sỹ Kiêm - Thống đốc NHNN thời bấy giờ. Sau khi nghe tôi trình bày, anh Cao Sỹ Kiêm rất đồng tình và chỉ đạo kiên trì đàm phán theo hướng đề nghị Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn vay cho cả các NHTM, nếu họ chưa đồng ý thì báo cáo lại để lãnh đạo NHNN có văn bản đề nghị lên cấp cao của Ngân hàng Thế giới. Sáng hôm sau, bước vào cuộc đàm phán, mới gặp nhau ở cửa phòng họp, ông ViNit Naia đã tươi cười bắt tay tôi và chúc mừng, thông báo rằng ý kiến của tôi tối qua (ban ngày bên Mỹ) đã được lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Thế giới chấp thuận.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới không trực tiếp ký hợp đồng với các NHTM, mà thực hiện theo nguyên tắc Ngân hàng Thế giới ký hiệp định vay vốn với NHNN, các NHTM ký hợp đồng vay lại với NHNN. Việc theo dõi giải ngân cho các tiểu dự án và trả nợ cũng thông qua NHNN.

Khó khăn bước đầu đã được tháo gỡ, nhưng xây dựng hệ thống thanh toán của Ngân hàng Việt Nam theo mô hình nào là câu hỏi rất lớn đặt ra, bởi chính sách của Ngân hàng Thế giới chỉ tài trợ để xây dựng duy nhất hệ thống thanh toán liên Ngân hàng cho các Ngân hàng Trung ương, không trực tiếp cho vay các NHTM.

Sau khi xác định được mô hình, bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ tiền khả thi của dự án (việc này do chuyên gia tư vấn hỗ trợ bằng khoản tiền viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản). Đầu năm 1996, Hiệp định tín dụng tài trợ vốn vay 49 triệu USD được ký kết giữa NHNN và Ngân hàng Thế giới. Dự án đầu tư vốn vay cho dự án “Hiện đại hóa Ngân hàng và hệ thống thanh toán” gồm 7 tiểu dự án: Tiểu dự án Thanh toán liên ngân hàng do NHNN thực hiện; tiểu dự án Ngân hàng Ngoại thương; tiểu dự án Ngân hàng Công thương; tiểu dự án Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tiểu dự án Ngân hàng Đầu tư và Phát triển; tiểu dự án Ngân hàng Eximbank; tiểu dự án của Ngân hàng Hàng Hải. Sở dĩ thêm 2 ngân hàng ngoài quốc doanh vì sau khi biết tin NHNN và 4 NHTM Nhà nước được Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn vay thì 2 NHTM ngoài quốc doanh đề nghị Thống đốc NHNN được cùng tham gia. Thời điểm ấy, ngoài 4 NHTM Nhà nước, ở Việt Nam chỉ có thêm 2 NHTM ngoài quốc doanh này. Do vậy, 2 ngân hàng này cũng được NHNN và Ngân hàng Thế giới chấp thuận tham gia dự án.

Để triển khai dự án, NHNN đã thành lập Ban Quản lý các dự án ngân hàng tiếp quản hồ sơ và điều hành. Tuy nhiên, từ năm 1996 đến năm 1998, dự án thực hiện không trôi chảy. Ngân hàng Thế giới thông báo nếu dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ thì sẽ bị cắt tài trợ vốn vay. Trước tình hình này, Thống đốc NHNN đã quyết định chuyển việc quản lý và triển khai dự án từ Ban Quản lý các dự án ngân hàng về Cục Công nghệ tin học, từ đó dự án mới được khởi động lại, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý và tổ chức đấu thầu. Trong 7 tiểu dự án, triển khai đầu tiên là tiểu dự án “Thanh toán liên ngân hàng”.

Sau mấy tháng khẩn trương chuẩn bị lập hồ sơ, thảo luận, hoàn chỉnh nội dung đấu thầu gửi Ngân hàng Thế giới và nhận được thư phản hồi “không phản đối”, đầu năm 1999, tiểu dự án “Thanh toán liên ngân hàng” hoàn thành hồ sơ đấu thầu và được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt, cho phép NHNN tổ chức đấu thầu quốc tế. Thống đốc NHNN thành lập tổ đấu thầu gồm 13 người, bao gồm cán bộ của NHNN, các bộ, ngành liên quan, đại diện các NHTM tham gia. Theo quy chế của Ngân hàng Thế giới, dự án được đấu thầu theo phương pháp chấm điểm kỹ thuật. Căn cứ vào hồ sơ dự thầu, các thành viên tổ tư vấn đấu thầu thực hiện chấm điểm độc lập, chọn ra những nhà thầu có năng lực kỹ thuật nhất, kết quả, tổ tư vấn đấu thầu đã chọn ra nhà thầu có điểm số cao nhất là nhà thầu Hyundai Hàn Quốc. Sau khi có kết quả đấu thầu, NHNN đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt kết quả đấu thầu.

Lễ ký hợp đồng giữa NHNN và tập đoàn Hyundai, Hàn Quốc triển khai dự án “Hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán” giai đoạn I năm 1999

Nhận được quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu do Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, công nhận nhà thầu Hyundai của Hàn Quốc thắng thầu, NHNN tiến hành tổ chức lễ ký hợp đồng giữa NHNN và nhà thầu Hyundai để chuẩn bị triển khai. Một tình huống bất ngờ đã xảy ra là trước giờ ký hợp đồng, khi các quan chức bộ, ngành, nhà thầu, các ngân hàng và các công ty liên quan được mời đến tham dự đã có mặt đông đủ thì nhận được lệnh khẩn cấp từ Văn phòng Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN dừng ký hợp đồng. Sự việc quá đột ngột làm tất cả mọi người có mặt buổi hôm ấy ngơ ngác nhìn nhau và giải tán ra về mà không biết lý do tại sao. Sau buổi ký hợp đồng với nhà thầu bị hoãn lại, Văn phòng Đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thông báo có đơn kiện về kết quả đấu thầu.

Những tháng liên tiếp sau đó, thay vì triển khai dự án, những người thực hiện dự án lại phải tập trung viết giải trình và dự nhiều cuộc họp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì để NHNN giải trình về những câu hỏi của đơn kiện. Trong đơn kiện họ chỉ nêu hai lý do: Một là tại sao không chọn nhà thầu Mỹ hoặc châu Âu mà chọn Hàn Quốc; hai là hệ thống “Đóng” hay “Mở”. Đứng đơn kiện là một người Việt Nam giấu tên liên danh với Công ty máy tính UNISYS, Mỹ. NHNN đã trả lời đầy đủ tất cả các câu hỏi của đơn kiện. Ý kiến kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là: Việc tổ chức đấu thầu do NHNN tổ chức đúng quy định của Ngân hàng Thế giới và pháp luật Việt Nam; không có tiêu cực trong quá trình tổ chức đấu thầu. Nhà thầu được chọn là công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Hàn Quốc, đủ năng lực tài chính và kỹ thuật, đã trúng thầu và xây dựng nhiều hệ thống công nghệ thông tin ở Hàn Quốc trong đó có nhiều ngân hàng. Hệ thống kỹ thuật công nghệ nhà thầu được lựa chọn là công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất thời điểm bấy giờ, dựa trên nền tảng công nghệ “Mở”... Cuối cùng, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp, kết luận yêu cầu thành lập đoàn công tác đi khảo sát ở một số nước mà nhà thầu Hyundai đã xây dựng các hệ thống tương tự xem công nghệ có thực sự “Mở” hay không. Đoàn công tác do Phó Thống đốc Nguyễn Văn Giàu làm trưởng đoàn, tham gia đoàn có đại diện một số lãnh đạo vụ, cục NHNN, đại diện lãnh đạo 4 NHTM Nhà nước; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ. Đoàn đi Hàn Quốc và Trung Quốc khảo sát một số cơ sở ngân hàng mà nhà thầu Hyundai đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin. Đoàn đã chứng kiến thấy tất cả các hệ thống đang hoạt động rất tốt, dựa trên công nghệ hiện đại, hệ thống “Mở”. Sau gần 10 ngày, đoàn khảo sát tổng hợp báo cáo Thủ tướng về kết quả thu nhận được, Thủ tướng đã đồng ý cho NHNN được ký hợp đồng với nhà thầu Hyundai để triển khai dự án. Tưởng vậy là xong, nhưng khi kiện ở Việt Nam không xong, họ lại gửi đơn sang Ngân hàng Thế giới để kiện tiếp. Ngân hàng Thế giới phải lập Ủy ban Điều tra về gian lận trong đấu thầu để xem xét lại những vấn đề mà đơn kiện nêu ra. Cuối cùng, Ủy ban Điều tra gian lận trong đấu thầu của Ngân hàng Thế giới kết luận nội dung của đơn kiện không có cơ sở nên đã đồng ý để NHNN tiếp tục công việc. Tuy mọi khiếu kiện đều được làm sáng tỏ, nhưng tiến độ bị chậm mất 6 tháng, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả đấu thầu. Đến cuối năm 1999, dự án mới được ký hợp đồng và triển khai.

Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng được thiết kế theo mô hình tập trung hóa tài khoản, mỗi ngân hàng thành viên chỉ mở một tài khoản thanh toán duy nhất tại Sở Giao dịch NHNN, tất cả các chi nhánh trong một ngân hàng đều dùng chung tài khoản này. Việc quản lý vốn của các chi nhánh trong nội bộ các ngân hàng do tự các ngân hàng thực hiện. Trung tâm thanh toán quốc gia đặt tại Hà Nội, được kết nối với 5 trung tâm thanh toán khu vực gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Hệ thống được chia ra thành 2 tiểu hệ thống là: Thanh toán giá trị cao (theo quy định lúc bấy giờ là 500 triệu đồng trở lên) và thanh toán bù trừ giá trị thấp. Hội sở chính của các NHTM tham gia hệ thống thanh toán, kết nối mạng với Trung tâm thanh toán tại Hà Nội, các chi nhánh của các NHTM tham gia hệ thống thanh toán kết nối mạng trực tiếp với các trung tâm thanh toán trên địa bàn để thực hiện thanh toán điện tử.

Cuối năm 2000, Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng đã hoàn thành về mặt kỹ thuật, thực hiện chạy thử nghiệm nhưng chưa thể đưa vào vận hành được vì chưa có luật sử dụng chứng từ và chữ ký điện tử trong hạch toán kế toán và thanh toán ngân hàng. Ngoài việc tập trung khẩn trương hoàn thành dự thảo quy trình vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng, Thống đốc NHNN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép được áp dụng chứng từ và chữ ký điện tử cho Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng. Mấy tháng sau, Thủ tướng Chính phủ mới ra quyết định cho phép được sử dụng chứng từ và chữ ký điện tử.

Sau khi đầy đủ các cơ sở pháp lý, ngày 02/5/2001, tiểu dự án “Thanh toán điện tử liên ngân hàng” đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. Tiếp theo là các tiểu dự án của các NHTM cũng hoàn thành, được đưa vào sử dụng. Đến năm 2002, toàn bộ 7 tiểu dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và bước sang giai đoạn 2.

Điều đáng tiếc là đến thời điểm chạy thử dự án “Thanh toán điện tử liên ngân hàng” do NHNN quản lý vận hành, nhưng buổi đầu chạy thử nghiệm chỉ có 6 NHTM tham gia, NHNN không tham gia được bởi chưa có hệ thống tài khoản hạch toán cho hệ thống này. Hai tháng sau, NHNN mới là thành viên của hệ thống và chính thức tham gia.

Phải nói rằng: “Vạn sự khởi đầu nan”, việc triển khai dự án được tiến hành trong điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông kém, thiếu cơ sở pháp lý, kiện cáo vô căn cứ kết quả đấu thầu gây khó khăn… kéo dài thời gian triển khai dự án, nhưng với sự quyết tâm cao của các cán bộ được phân công thực hiện dự án và dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo NHNN thời bấy giờ, đặc biệt là anh Nguyễn Văn Giàu - Phó Thống đốc NHNN, dự án đã hoàn thành một cách ngoạn mục, đặt nền tảng công nghệ quan trọng cho ngành Ngân hàng để phục vụ nền kinh tế đất nước.

Ngày nay, công nghệ số đang là xu hướng phát triển, ngành Ngân hàng đang bước vào giai đoạn đầu tư công nghệ mới, nhớ lại những ngày đầu tiên xây dựng hệ thống công nghệ cho ngành Ngân hàng, tôi cảm thấy những sự việc như mới diễn ra gần đây. Dự án “Hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán” do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn vay triển khai thành công đã đặt nền tảng công nghệ quan trọng cho hiện đại hóa ngành Ngân hàng Việt Nam. Đến nay nó vẫn đang phát huy hiệu quả và ngày càng được nâng cấp hoàn thiện, cải tiến công nghệ tốt hơn, phục vụ đắc lực cho hoạt động ngành Ngân hàng nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung.

Truyền thống của ngành Ngân hàng là luôn vượt khó để vươn lên, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một hệ thống Ngân hàng Việt Nam hiện đại, xứng tầm với khu vực và thế giới. Là những người vinh dự được tham gia quá trình hiện đại hóa ngân hàng từ những ngày đầu, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành, tôi xin chúc các bạn đồng nghiệp sức khỏe, thành công trong sự nghiệp hiện đại hóa Ngân hàng nói riêng và phát triển ngành Ngân hàng nói chung.

TS. Tạ Quang Tiến

Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN

Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2021


https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy để xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy để xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững

Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến,...
Những ngày đầu tham gia xây dựng Nhà máy In tiền Quốc gia

Những ngày đầu tham gia xây dựng Nhà máy In tiền Quốc gia

Tôi luôn có những cảm xúc sâu sắc, thiêng liêng, xen lẫn tự hào khi bồi hồi nhớ lại những năm tháng làm việc trong ngành Ngân hàng. Trong quãng thời gian ấy, tôi đã có những kỷ niệm không thể nào quên khi cùng với các anh chị em, các cán bộ, kỹ sư tham gia làm việc tại Ban Quản lý xây dựng công trình K84 (Nhà máy In tiền Quốc gia). Ôn lại những kỷ niệm đã qua thấy thật vinh dự, tự hào là một trong những cán bộ đã từng tham gia xây dựng công trình K84.
Hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh - Dấu ấn 30 năm đổi mới và phát triển

Hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh - Dấu ấn 30 năm đổi mới và phát triển

Ngày 23/5/1990, Hội đồng Nhà nước ban hành hai Pháp lệnh về ngân hàng (Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Pháp lệnh về Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính)... Trụ sở NHNN...
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng - Điểm nhấn trong 70 năm xây dựng và phát triển Ngân hàng Việt Nam

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng - Điểm nhấn trong 70 năm xây dựng và phát triển Ngân hàng Việt Nam

Năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập (6/5/1951 - 6/5/2021). Trong 70 năm xây dựng và phát triển, toàn Ngành luôn nỗ lực, vượt qua nhiều gian nan, thử thách, đạt được nhiều thành...
35 năm cải cách Ngân hàng: Thành quả, hạn chế và thách thức, gợi mở các giải pháp

35 năm cải cách Ngân hàng: Thành quả, hạn chế và thách thức, gợi mở các giải pháp

Quá trình cải cách khu vực ngân hàng đi liền với sự đổi mới thể chế kinh tế, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2021, ngành Ngân hàng...
Dấu ấn xây dựng và đổi mới chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Dấu ấn xây dựng và đổi mới chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam, trải qua bao nhiêu thăng trầm, hệ thống ngân hàng đã có những bước phát triển trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Với hơn 15 năm làm việc trong lĩnh v...
Nhìn lại 35 năm đổi mới chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Nhìn lại 35 năm đổi mới chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Trải qua 70 năm xây dựng, củng cố và phát triển (1951 - 2021), hệ thống ngân hàng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và đạt được những thành tựu rất quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng...
Yêu cầu và thách thức trong công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam

Yêu cầu và thách thức trong công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam

Trong bối cảnh hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ và đe dọa làm mất ổn định hệ thống tài chính, an ninh, chính trị, xã hội và cản trở sự thịnh vượng của...
Xem thêm
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Trong những tháng đầu năm 2024, dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động khó lường như xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng những thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Để góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, trong bài viết này, tác giả làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Thông tư số 54/2024/TT-NHNN ngày 17/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thông tư số 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3

Thông tư số 52/2024/TT-NHNN ngày 29/11/2024 Quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đồng và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15

Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 06/11/2024 Về tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng giai đoạn 2024 - 2028

Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 Quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 49/2024/TT-NHNN ngày 25/10/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 46/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 48/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đông Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 47/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài