Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng - Điểm nhấn trong 70 năm xây dựng và phát triển Ngân hàng Việt Nam

Kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam
Năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập (6/5/1951 - 6/5/2021). Trong 70 năm xây dựng và phát triển, toàn Ngành luôn nỗ lực, vượt qua nhiều gian nan, thử thách, đạt được nhiều thành...
aa

Năm 2021, ngành Ngân hàng Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập (6/5/1951 - 6/5/2021). Trong 70 năm xây dựng và phát triển, toàn Ngành luôn nỗ lực, vượt qua nhiều gian nan, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động ngân hàng đã phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của đất nước, của nền kinh tế trong từng giai đoạn.

Nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã được xây dựng, ban hành phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược) được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 là một văn bản quan trọng thể hiện tầm nhìn dài hạn, đảm bảo sự phát triển tổng thể, bền vững của toàn Ngành.

Chiến lược - kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành Ngân hàng

Với bất kỳ tổ chức nào, việc xây dựng chiến lược đều có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi chiến lược đóng vai trò định hướng hoạt động trong dài hạn, là cơ sở vững chắc cho việc triển khai các hoạt động của tổ chức một cách đồng bộ, nhất quán và có hệ thống. Sự thiếu vắng chiến lược hoặc chiến lược xây dựng không rõ ràng, không có luận cứ vững chắc sẽ khiến hoạt động của tổ chức mất phương hướng, chỉ thấy trước mắt mà không thấy được dài hạn hoặc chỉ thấy cục bộ mà không thấy được tổng thể toàn bộ hoạt động của hệ thống. Đối với ngành Ngân hàng, Chiến lược là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Ngành, bao gồm cả hoạt động quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Trong đó, hệ thống các quan điểm Chiến lược được coi là “điểm tựa” của Chiến lược, là “khởi nguồn” để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Quan điểm phát triển ngành Ngân hàng trong Chiến lược được xây dựng phù hợp với đặc điểm hệ thống tài chính Việt Nam cũng như các xu thế biến đổi của kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, bám sát các quan điểm, đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...

Theo đó, năm quan điểm được đề cập tại Chiến lược là: (1) Hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các TCTD là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam; (2) Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng không ngừng được hoàn thiện theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế tốt nhất; (3) Các TCTD thuộc mọi thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vai trò tiên phong, chủ lực, chủ đạo của các TCTD trong nước tiếp tục được khẳng định; (4) NHNN phát huy vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng; chỉ can thiệp hành chính trực tiếp trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng khi phát sinh nguy cơ mất ổn định thị trường tiền tệ, đe dọa an toàn hệ thống, có khả năng đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô; (5) Khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế tốt nhất; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược được đề cập theo hai cấp độ: (i) Hiện đại hóa NHNN; và (ii) Phát triển hệ thống các TCTD. Các mục tiêu cụ thể cũng được xây dựng một cách toàn diện, bao quát trên tất cả các khía cạnh, có sự tiếp nối cho hai giai đoạn: (i) 2018 - 2020; và (ii) 2021 - 2025. Đồng thời, để hiện thực hóa mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, Chiến lược đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho ngành Ngân hàng tại các nghị quyết, chiến lược, đề án của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Cụ thể: (1) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; (2) Tăng cường năng lực thể chế, nâng cao vị thế, tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của NHNN; (3) Đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ, công tác quản lý ngoại hối và vàng; (4) Phát triển, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; (5) Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; (6) Phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; (7) Phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế; (8) Hoàn thiện mô hình các tổ chức tài chính khác hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng; (9) Phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực ngành Ngân hàng; (10) Tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng; (11) Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của NHNN.

Sự nỗ lực của toàn Ngành và những thành công bước đầu trong triển khai Chiến lược

Ngay sau khi Chiến lược được phê duyệt, để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp theo từng giai đoạn, phấn đấu đạt được mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Chiến lược, NHNN đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược (ban hành theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07/01/2019).

Qua hơn 2 năm triển khai Chương trình hành động, các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng đều tích cực, chủ động, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thành mục tiêu tổng quát của ngành. Đến nay, có thể khẳng định, ngành Ngân hàng đã và đang làm tốt sứ mệnh của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số kết quả có thể kể đến như sau:

Một là, hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các TCTD là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam

Cho đến nay, tuy bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước đã có nhiều biến đổi so với thập kỷ trước, đặc biệt là xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, nhưng hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các TCTD vẫn tiếp tục là huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam. Vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế được thể hiện thông qua vai trò trung gian huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để cung ứng, phân bổ nguồn vốn tín dụng một cách có hiệu quả, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và vai trò thanh, quyết toán hỗ trợ khơi thông dòng tiền trong nền kinh tế. Thực tiễn thời gian qua, vai trò này được phát huy mạnh mẽ thông qua việc NHNN thực hiện tốt ba chức năng: Ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD.

Về việc duy trì ổn định giá trị đồng tiền: NHNN đã điều hành chủ động, đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bám sát diễn biến thị trường nhằm kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu lạm phát, ổn định thị trường. Chính sách tiền tệ được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa thông qua việc thường xuyên thông tin, phối hợp với các bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ, giá hàng hóa dịch vụ, dự báo lạm phát, làm cơ sở để tính toán liều lượng, mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát chung, ổn định thanh khoản thị trường nội tệ và ngoại tệ. Kết quả, lạm phát bình quân giai đoạn 2018 - 2020 duy trì ổn định quanh ngưỡng mục tiêu 4%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra1.

Tín dụng được điều hành phù hợp với các cân đối vĩ mô và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; đã chú trọng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Theo đó, kể từ thời điểm ban hành Chiến lược đến hết ngày 31/12/2020, dư nợ đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao đều có xu hướng tăng: tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng từ mức 21,4% năm 2018 lên gần 25%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng từ mức 15,6% lên gần 20%; công nghiệp hỗ trợ tăng từ mức 2,1% lên gần 2,5%; xuất khẩu từ mức 2,9% lên gần 3%; tín dụng xanh tăng từ mức 25% lên mức 38,4%. Bên cạnh đó, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cũng được kiểm soát chặt chẽ và triển khai đồng bộ với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp để hạn chế tín dụng đen. Với chính sách tín dụng như vậy, vốn từ khu vực tài chính, ngân hàng được luân chuyển sang khu vực kinh tế thực, phân bổ đúng địa chỉ và hiệu quả đóng góp quan trọng vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cơ chế tỷ giá được điều hành linh hoạt, kết hợp đồng bộ với công cụ lãi suất và quản lý chặt chẽ hoạt động ngoại hối. Thị trường ngoại tệ ổn định đã góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản thị trường, quy mô dự trữ ngoại hối ngày càng tăng cao góp phần tăng tiềm lực tài chính quốc gia, tạo nguồn can thiệp khi cần thiết. Thị trường vàng cũng diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt, giúp hạn chế tối đa việc can thiệp thị trường của NHNN.

Về bảo đảm an toàn, hiệu quả hệ thống thanh toán quốc gia: NHNN giám sát thường xuyên, liên tục hoạt động của các hệ thống thanh toán quan trọng, đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Sự phát triển của các phương tiện, dịch vụ thanh toán và các hệ thống thanh toán đã góp phần thúc đẩy tốc độ lưu thông tiền tệ, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông. Theo đó, tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán liên tục giảm từ mức 11,78% năm 2018 xuống 11,15% năm 2020.

Về đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD: Mục tiêu trọng tâm của giai đoạn 2018 - 2020 là tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Theo đó, năng lực cạnh tranh và quản trị điều hành của hệ thống các TCTD được từng bước nâng cao, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD được đảm bảo. Đến ngày 31/12/2020, hầu hết các TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật. Chất lượng tài sản được cải thiện. Nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát có xu hướng giảm dần và luôn được duy trì ở mức 3%.

Tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại (NHTM) có xu hướng tăng cho thấy cơ cấu thu nhập chuyển dịch dần theo hướng bền vững hơn. Một số chỉ tiêu phản ánh quy mô hoạt động như tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đều có sự tăng trưởng (tổng tài sản của hệ thống các TCTD tăng 8,7%, vốn điều lệ tăng 4%, vốn chủ sở hữu tăng 12,6% so với năm 2018).

Hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các TCTD vẫn giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến hết ngày 31/12/2020, tỷ trọng tổng tài sản của hệ thống các TCTD trong tổng tài sản hệ thống tài chính chiếm trên 95%. Hệ thống các TCTD vẫn là kênh dẫn vốn chính, chiếm gần 2/3 tổng số vốn cung ứng của nền kinh tế (61,8%).

Hai là, khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng không ngừng được hoàn thiện theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế tốt nhất

Trong hơn hai năm qua, NHNN đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 08 nghị định, 02 quyết định và trực tiếp ban hành 94 thông tư, tạo cơ sở pháp lý hiệu quả cho NHNN thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD; xử lý nợ xấu; tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát; điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, vàng, thanh toán... Các văn bản pháp quy này đều hướng tới việc tiệm cận thông lệ, chuẩn mực quốc tế và từng bước tuân thủ các nguyên tắc thị trường, qua đó đã có tác động tích cực đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Có thể kể đến như:

Việc ban hành, sửa đổi, thay thế các quy định điều chỉnh công cụ chính sách tiền tệ như tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, tín phiếu, cấp tín dụng...2 đã góp phần tăng tính minh bạch, an toàn, hiệu quả trong hoạt động của TCTD, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ phát triển thị trường tiền tệ, phái sinh phục vụ phát triển nền kinh tế. Khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối (đầu tư nước ngoài, kinh doanh vàng3…) đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động ngoại hối trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trước xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NHNN đã kịp thời ban hành các quy định liên quan đến hoạt động thanh toán theo hướng tạo điều kiện khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các phương tiện thanh toán điện tử hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến4; qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế.

Xuất phát từ mục tiêu trọng tâm Chiến lược của giai đoạn 2018 - 2020 là tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, NHNN đã chủ động hoàn thiện các quy định liên quan đến việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh theo hướng nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động của TCTD và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, tiệm cận với thông lệ quốc tế5. Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý mới về chuẩn mực an toàn để bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, xử lý các ngân hàng yếu kém trong trật tự, từng bước áp dụng chuẩn mực tiền tệ quốc tế vào hoạt động ngân hàng, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả.

Ba là, các TCTD thuộc mọi thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Vai trò tiên phong, chủ lực, chủ đạo của các TCTD trong nước tiếp tục được khẳng định

Luật Các TCTD được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là văn bản pháp lý cao nhất về hoạt động của các TCTD. Theo đó, mỗi loại hình TCTD phải tuân thủ các điều kiện để được thành lập, các quy định về quản trị điều hành, các giới hạn về phạm vi hoạt động, các nghĩa vụ bắt buộc và các chế tài xử lý nếu có vi phạm. Đồng thời, Luật khẳng định mọi TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình; không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của các định chế tài chính này (Điều 7). Ngoài ra, Luật cũng đã quy định rõ các hoạt động hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động của các TCTD, nghiêm cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có nguy cơ gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống các TCTD, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 9). Thời gian qua, các văn bản dưới Luật đã được ban hành phù hợp với tinh thần của Luật và các TCTD về cơ bản duy trì được an toàn trong hoạt động, tuân thủ quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, quán triệt quan điểm phát triển “Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, trong nhiều năm qua, các TCTD trong nước vẫn luôn duy trì được vai trò chủ lực, chủ đạo trong huy động và phân bổ tín dụng, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bốn là, NHNN phát huy vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng; chỉ can thiệp hành chính trực tiếp trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng khi phát sinh nguy cơ mất ổn định thị trường tiền tệ, đe dọa an toàn hệ thống, có khả năng đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô

Nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh an toàn, cạnh tranh lành mạnh, NHNN đã không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng đẩy mạnh triển khai ba trụ cột cải cách hành chính trong ngành Ngân hàng: (1) Cải cách hành chính theo chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước; (2) Cải cách thủ tục của NHNN với TCTD, trọng tâm là phương thức điều hành, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có, đáp ứng yêu cầu xử lý công việc, đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả; (3) Cải cách thủ tục của TCTD với doanh nghiệp, người dân theo hướng đơn giản hóa, giảm phí dịch vụ, nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các giao dịch với TCTD, trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, NHNN tiếp tục là đơn vị đứng đầu trong các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính 5 năm liên tiếp, góp phần đưa chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam tăng 7 bậc, đứng thứ 2 ASEAN6. Tỷ lệ hoàn thành đúng hạn các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi liên thông Văn phòng Chính phủ đạt 100%.

Trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN luôn hạn chế tối đa việc can thiệp bằng công cụ hành chính. Theo đó, NHNN đã chuyển dần từ điều hành theo khối lượng tiền sang điều hành theo giá; sử dụng các công cụ gián tiếp. Mục tiêu điều hành ổn định thị trường tiền tệ được thực hiện thông qua việc điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở; lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; thực hiện công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Việc sử dụng các biện pháp quản lý hành chính chỉ áp dụng ở những thời điểm đặc biệt.

Năm là, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Quán triệt quan điểm của Chiến lược, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được NHNN ngày càng chú trọng, xác định đây là yếu tố nền tảng, là động lực cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tinh thần đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được phổ biến, quán triệt sâu sắc trong toàn Ngành.

Giai đoạn 2018 - 2020, ngành Ngân hàng có gần 50 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ bao quát tất cả các lĩnh vực của Ngành, trong đó tập trung chủ yếu là các lĩnh vực trọng tâm như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, phát triển hoạt động thanh toán, ứng dụng công nghệ ngân hàng và phát triển dịch vụ ngân hàng...

Việc ứng dụng KH&CN được triển khai trong cả hoạt động quản lý, điều hành của NHNN và hoạt động kinh doanh của các TCTD. 100% đơn vị thuộc NHNN đã triển khai xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 100% văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được tích hợp chữ ký số của tổ chức và cá nhân NHNN. Nhiều văn bản định hướng, có tính hệ thống, bao trùm mọi mặt hoạt động công nghệ thông tin đã được xây dựng, ban hành7. Các TCTD cũng đã có những bước đi cụ thể triển khai các hoạt động ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) và điện toán đám mây (Cloud Computing) vào hoạt động quản trị, kinh doanh8.

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được chú trọng trong toàn Ngành. Đến cuối năm 2020, NHNN đã hoàn thành xây dựng, ban hành Khung năng lực, khung chương trình cho toàn bộ 04 lĩnh vực chuyên môn chính của NHNN9 và Khung đề án về việc chuẩn bị nguồn lực, cử và tiến cử đại diện tham gia học tập, công tác, nghiên cứu, biệt phái và trao đổi cán bộ tại các thể chế tài chính, ngân hàng quốc tế; dự kiến ban hành Khung năng lực, khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các vị trí trụ cột trong hoạt động của TCTD trong năm 2021. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đang được NHNN khẩn trương hoàn thiện. Bên cạnh đó, nhiều TCTD đã và đang xây dựng chiến lược phát triển của đơn vị, trong đó xác định phát triển nguồn nhân lực và công nghệ thông tin là những nền tảng quan trọng để bứt phá trong tương lai.

Thay cho lời kết

Những thành quả và bài học kinh nghiệm mà hệ thống ngân hàng Việt Nam tạo dựng trong 70 năm xây dựng và phát triển là nền tảng vững chắc cho niềm tin và thành công cho chặng đường tiếp theo. Trong đó, việc xây dựng, ban hành Chiến lược, đặc biệt là quá trình triển khai và giám sát Chiến lược một cách khoa học, bài bản, chặt chẽ trong hơn 2 năm vừa qua đã cho thấy các hành động cụ thể được thực hiện trong một định hướng tổng thể chung là một yếu tố giúp ngành Ngân hàng định vị được hướng đi của mình một cách tự tin, toàn diện.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, tình hình kinh tế, chính trị quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều biến động khó lường với nhiều xu hướng mới có thể tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, khi nội lực đã tăng lên nhiều lần, cùng hành trang bản lĩnh, trí tuệ, sự đồng tâm hiệp lực, sự kiên định thực hiện theo các quan điểm, mục tiêu Chiến lược đã đặt ra, tin tưởng rằng ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn tới tầm cao mới trên chặng đường phát triển và hội nhập, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.


1 Lạm phát bình quân các năm 2018 - 2020 lần lượt là 3,54%; 2,79%; 3,23%.

2 Ban hành Thông tư số 24/2019/TT-NHNN ngày 28/11/2019 quy định về tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với TCTD; Thông tư số 30/2019/TT-NHNN ngày 27/12/2019 quy định về dự trữ bắt buộc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 16/2019/TT-NHNN ngày 22/10/2019 quy định về phát hành tín phiếu NHNN; Thông tư số 36/2018/TT-NHNN ngày 25/12/2018 quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng...

3 Thông tư số 31/2018/TT-NHNN ngày 18/12/2018 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí; Thông tư số 29/2019/TT-NHNN ngày 27/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng...

4 Ban hành Thông tư số 28/2019/TT-NHNN ngày 25/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng; Thông tư 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán; Thông tư 02/2019/TT-NHNN ngày 28/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán...; Triển khai Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Báo cáo cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam; Đề án thử nghiệm các mô hình thanh toán mới, tăng cường quy định về an ninh, an toàn bảo mật thông tin trong hoạt động thanh toán phù hợp với xu thế phát triển ngân hàng số...

5 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư số 40/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-NHNN ngày 18/5/2018 của Thống đốc NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN; Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng...

6 Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020.

7 Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2655/QĐ-NHNN ngày 26/12/2019) và Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của NHNN năm 2020 (Quyết định số 2738/QĐ-NHNN ngày 31/12/2019).

8 Ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong xây dựng kho dữ liệu, phục vụ cho việc chấm điểm tín dụng, phân tích hành vi khách hàng, hỗ trợ ra quyết định; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng số; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin.

9 Thanh tra, giám sát ngân hàng; Thanh toán, ngân hàng số; Hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, ngân hàng; Nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương.



TS. Nguyễn Thị Hòa

Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN


Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề đặc biệt 2021
https://tapchinganhang.gov.vn

Tin bài khác

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy để xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy để xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững

Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chung của toàn dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến,...
Ký ức không quên về Dự án Hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán

Ký ức không quên về Dự án Hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán

Chiều một ngày cuối năm 1994, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đỗ Quế Lượng chủ trì một cuộc họp. Tham gia cuộc họp là đại diện một số vụ, cục thuộc NHNN, gồm: Cục Công nghệ tin học; ...
Những ngày đầu tham gia xây dựng Nhà máy In tiền Quốc gia

Những ngày đầu tham gia xây dựng Nhà máy In tiền Quốc gia

Tôi luôn có những cảm xúc sâu sắc, thiêng liêng, xen lẫn tự hào khi bồi hồi nhớ lại những năm tháng làm việc trong ngành Ngân hàng. Trong quãng thời gian ấy, tôi đã có những kỷ niệm không thể nào quên khi cùng với các anh chị em, các cán bộ, kỹ sư tham gia làm việc tại Ban Quản lý xây dựng công trình K84 (Nhà máy In tiền Quốc gia). Ôn lại những kỷ niệm đã qua thấy thật vinh dự, tự hào là một trong những cán bộ đã từng tham gia xây dựng công trình K84.
Hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh - Dấu ấn 30 năm đổi mới và phát triển

Hệ thống ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh - Dấu ấn 30 năm đổi mới và phát triển

Ngày 23/5/1990, Hội đồng Nhà nước ban hành hai Pháp lệnh về ngân hàng (Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Pháp lệnh về Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính)... Trụ sở NHNN...
35 năm cải cách Ngân hàng: Thành quả, hạn chế và thách thức, gợi mở các giải pháp

35 năm cải cách Ngân hàng: Thành quả, hạn chế và thách thức, gợi mở các giải pháp

Quá trình cải cách khu vực ngân hàng đi liền với sự đổi mới thể chế kinh tế, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2021, ngành Ngân hàng...
Dấu ấn xây dựng và đổi mới chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Dấu ấn xây dựng và đổi mới chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam, trải qua bao nhiêu thăng trầm, hệ thống ngân hàng đã có những bước phát triển trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Với hơn 15 năm làm việc trong lĩnh v...
Nhìn lại 35 năm đổi mới chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Nhìn lại 35 năm đổi mới chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Trải qua 70 năm xây dựng, củng cố và phát triển (1951 - 2021), hệ thống ngân hàng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và đạt được những thành tựu rất quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng...
Yêu cầu và thách thức trong công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam

Yêu cầu và thách thức trong công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Việt Nam

Trong bối cảnh hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ và đe dọa làm mất ổn định hệ thống tài chính, an ninh, chính trị, xã hội và cản trở sự thịnh vượng của...
Xem thêm
Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Vai trò của chính sách tín dụng xanh đối với chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam

Tín dụng xanh là một công cụ tài chính được thiết kế để hỗ trợ các dự án và hoạt động có lợi cho môi trường. Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là quá trình mà các công ty áp dụng những phương pháp và chiến lược bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

"Dòng chảy" tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bứt tốc cuối năm

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp tập trung tăng cường sản xuất, kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng nên nhu cầu tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát

Trong những tháng đầu năm 2024, dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động khó lường như xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng những thách thức nội tại của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai...
Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tăng cường hiểu biết tài chính cho cộng đồng nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Tầm quan trọng của hệ thống tiền gửi tại Việt Nam ngày càng được khẳng định thông qua sự an toàn và ổn định; từ đó, mang lại niềm tin đối với người gửi tiền.
Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

Để góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, trong bài viết này, tác giả làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Tại sao khu vực châu Á tránh được lạm phát cao?

Lạm phát gia tăng toàn cầu sau đại dịch Covid-19, vốn đã ảnh hưởng đến cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, nhưng dường như đã “bỏ qua” châu Á. Một trong những lý do chính là sự phục hồi chậm của các nền kinh tế châu Á do các đợt “đóng cửa”, “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách” kéo dài và lặp đi lặp lại.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Bahamas và kinh nghiệm đối với Việt Nam

Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững tại vùng đảo xa xôi, năm 2020, Bahamas trở thành quốc gia tiên phong trên toàn thế giới trong việc phát hành, lưu thông tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) - CBDC với hệ thống Sand Dollar - tiền kỹ thuật số do NHTW Bahamas phát hành.
Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và lợi ích tham gia của Việt Nam

Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050)...
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp toàn cầu đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự tăng trưởng đáng kể của thị trường trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (Green, Social, Sustainable, and Sustainability-Linked Bonds - GSSSB).
Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Kinh tế tư nhân: Động lực phát triển của Asean và bài học đối với Việt Nam

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Thông tư số 55/2024/TT-NHNN ngày 18/12/2024 Sửa đổi khoản 4 Điều 2 Thông tư số 19/2018/TT-NHNN ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Thông tư số 54/2024/TT-NHNN ngày 17/12/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2021/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối

Thông tư số 53/2024/TT-NHNN ngày 04/12/2024 Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3

Thông tư số 52/2024/TT-NHNN ngày 29/11/2024 Quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đồng và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Điều 55 của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14 xây dựng và thực hiện lộ trình để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15

Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 06/11/2024 Về tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng giai đoạn 2024 - 2028

Thông tư số 50/2024/TT-NHNN ngày 31/10/2024 Quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành Ngân hàng

Thông tư số 49/2024/TT-NHNN ngày 25/10/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng

Thông tư số 46/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 48/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đông Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Thông tư số 47/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024 Sửa đổi khoản 3 Điều 3 Thông tư số 04/2022/TT-NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài