Tăng cường các mối quan hệ với Ngân hàng Thanh toán quốc tế
Sau một năm trở thành thành viên của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động tham gia và hưởng ứng các hoạt động của BIS, triển khai các khuyến nghị của BIS trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của ngân hàng trung ương (NHTW) thành viên.
Chức năng và nhiệm vụ của BIS
BIS là tổ chức quốc tế, được thành lập vào năm 1930 tại Basel (Thụy Sỹ) theo Công ước La Haye từ một nhóm thành viên ban đầu gồm NHTW các nước phát triển, chủ yếu là các nước Tây Âu, mục tiêu là nhằm thanh toán các khoản đền bù thiệt hại chiến tranh của Đức và những khoản nợ giữa các nước đồng minh sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất.
Theo thời gian, số lượng thành viên, chức năng, nhiệm vụ của BIS có sự thay đổi theo hướng ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thế giới. BIS đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết lập các nguyên tắc, chuẩn mực chung cho hoạt động của thị trường tài chính, ngân hàng, hệ thống thanh toán và bảo hiểm toàn cầu. Hiện nay, BIS gồm 63 thành viên - là các NHTW và cơ quan quản lý tiền tệ quốc gia trên thế giới, với đội ngũ 634 cán bộ, nhân viên đến từ 64 quốc gia khác nhau.
Mô hình tổ chức của BIS là công ty cổ phần, với ¾ nguồn vốn là cổ phần của NHTW các nước thành viên. BIS là ngân hàng của các NHTW, có vai trò hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc ổn định tài chính và tiền tệ thông qua hợp tác quốc tế.
Tổ chức bộ máy của BIS gồm có Hội nghị Toàn thể (cơ quan cao nhất) và Hội đồng các Giám đốc (cơ quan điều hành); trụ sở chính đặt tại Basel và hai chi nhánh tại Hồng Kông và Mexico.
Với vai trò là ngân hàng toàn cầu của các NHTW, BIS tổ chức diễn đàn để đối thoại và mở rộng hợp tác quốc tế, cung cấp nền tảng về đổi mới và chia sẻ kinh nghiệm, phân tích sâu rộng những vấn đề chủ yếu về mặt chính sách, khuyến khích cạnh tranh tài chính lành mạnh.
Về hợp tác quốc tế, BIS tổ chức các diễn đàn để thảo luận và cung cấp nền tảng phối hợp giữa các nhà tạo lập chính sách, nhằm nâng cao ổn định tài chính và tiền tệ, đáp ứng nhu cầu cần thiết theo hướng ngày càng hiệu quả, tăng cường đối thoại và cải tiến quy trình phối hợp.
Hỗ trợ các NHTW phối hợp trong việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng về công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và tránh những rủi ro liên quan, nổi bật là rủi ro về an ninh mạng. Theo chiến lược đến năm 2025, BIS sẽ đổi mới công nghệ đòn bẩy và những kênh phối hợp mới phục vụ cộng đồng các NHTW trong môi trường thay đổi nhanh chóng về công nghệ.
Về nghiên cứu và phân tích kinh tế, BIS soạn thảo và công bố thống kê quốc tế định kỳ về các thị trường và định chế tài chính (như thống kê hoạt động ngân hàng qua biên giới, tình hình thanh khoản toàn cầu), nâng cao năng lực quản lý và tăng cường khai thác các cơ sở dữ liệu đa dạng dựa trên nguồn dữ liệu lớn và công nghệ phân tích tiên tiến, như sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo tại NHTW, khả năng hình thành đồng tiền kỹ thuật số của NHTW.
Về dịch vụ ngân hàng, BIS cung cấp dịch vụ kỹ thuật tài chính cho các NHTW, cơ quan quản lý tiền tệ và các tổ chức quốc tế, chủ yếu là nhằm hỗ trợ trong việc quản lý tài sản ngoại hối, đảm bảo an toàn và ổn định thanh khoản.
BIS gồm 06 ủy ban, bao gồm: (1) Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng, triển khai các tiêu chuẩn điều chỉnh toàn cầu đối với các ngân hàng và tăng cường giám sát thận trọng: (2) Ủy ban Thanh toán và Hạ tầng thị trường, thiết lập và tăng cường các tiêu chuẩn giám sát/điều chỉnh toàn cầu về thanh toán và các vấn đề về hạ tầng thị trường; (3) Ủy ban Hệ thống tài chính toàn cầu, nhằm giám sát và phân tích những vấn đề liên quan đến hệ thống và thị trường tài chính; (4) Ủy ban Thị trường, theo dõi diễn biến trên các thị trường tài chính và đối sách của các NHTW; (5) Cơ quan Quản trị NHTW, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến thiết kế và nghiệp vụ NHTW; (6) Ủy ban Irving Fisher về thống kê NHTW, xử lý những vấn đề thống kê liên quan đến ổn định kinh tế, tài chính và tiền tệ.
Bên cạnh những ủy ban trên đây, BIS có 03 tổ chức/diễn đàn trực thuộc, bao gồm: (1) Ủy ban Ổn định tài chính, phối hợp với các cơ quan tài chính quốc gia và các cơ quan, sắp đặt tiêu chuẩn quốc tế nhằm triển khai các quy định về giám sát, điều chỉnh và những chính sách khác; (2) Hiệp hội các cơ quan quốc tế về bảo hiểm tiền gửi, sắp đặt tiêu chuẩn toàn cầu về hệ thống bảo hiểm tiền gửi và thúc đẩy hợp tác về bảo hiểm tiền gửi và những vấn đề liên quan; (3) Hiệp hội các cơ quan quốc tế về giám sát bảo hiểm, sắp đặt các tiêu chuẩn toàn cầu đối với khu vực bảo hiểm nhằm nâng cao hiệu quả và giám sát thống nhất, góp phần nâng cao ổn định tài chính toàn cầu.
Ngoài ra, BIS còn là đối tác thực hiện các nghiệp vụ đầu tư ngoại hối cho các NHTW; diễn đàn hợp tác giữa các NHTW; là nơi các NHTW/cơ quan quản lý tiền tệ tiến hành phối hợp chính sách tiền tệ, trao đổi kinh nghiệm điều hành chính sách và hệ thống tài chính, ngân hàng...
Với tư cách là tổ chức của các NHTW, hằng năm BIS tổ chức các hội nghị Thống đốc NHTW để thảo luận về các vấn đề tiền tệ quốc tế và điều chỉnh vĩ mô, tăng cường tính minh bạch và dễ dự báo của chính sách tiền tệ quốc gia. Mặc dù là đối tượng thuộc về chủ quyền quốc gia, song chính sách tiền tệ cũng là điều kiện cần thiết đối với hoạt động NHTW và tư nhân, cả đối với hoat động đầu cơ ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái, nhất là của các nước xuất khẩu. BIS có hai mục tiêu cụ thể, quy định về tỷ lệ vốn tự có và minh bạch về tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Quy định về tỷ lệ vốn tự có của ngân hàng (gọi tắt là quy định BIS) được đề ra, sau khi một ngân hàng lớn tại Mỹ là Continental Illinois phá sản vào năm 1984, gây những chấn động quốc tế thông qua các giao dịch hải ngoại của nó. Theo yêu cầu, tỷ lệ vốn tự có của ngân hàng (tỷ lệ giữa vốn và tài sản) phải cao hơn một mức tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu do BIS đề ra, nhằm bảo vệ tất cả các NHTW liên quan. Từ quan điểm quốc tế, đảm bảo tỷ lệ vốn tự có là vấn đề quan trọng nhất giữa các NHTW, nguyên nhân là do hoạt động cho vay mang tính đầu tư, vượt quá tiềm lực vốn của ngân hàng có thể gây ra khủng hoảng kinh tế ( định luật Gresham).
Minh bạch hóa tỷ lệ dự trữ: Chính sách tỷ lệ dự trữ là công cụ rất mạnh để kiểm soát lạm phát và bong bóng tài sản, nên BIS cố gắng chuẩn hóa chính sách này.
Mối quan hệ của BIS với Việt Nam
Tháng 01/2020, Hội đồng Quản trị của BIS đã ra thông cáo chính thức, mời NHNN làm hội viên cùng với NHTW các nước Morocco và Kuwait, nâng tổng số hội viên của BIS lên 63 thành viên, đánh dấu bước tiến mới trong tiến trình hội nhập quốc tế của NHNN nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung.
Trở thành thành viên của BIS, NHNN và hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp cận được các nguyên tắc, chuẩn mực cao nhất của hệ thống tài chính toàn cầu, góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế, từng bước tăng cường năng lực và khả năng cạnh tranh của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam cũng như của nền kinh tế.
Tháng 02/2021, tại buổi làm việc trực tuyến với ông Augustin Carstens - Tổng Giám đốc BIS, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao ông Carsten và Lãnh đạo BIS trong việc hỗ trợ NHNN hoàn tất các thủ tục để trở thành hội viên của BIS. Thống đốc nhấn mạnh, việc gia nhập BIS là quyết định sáng suốt và đúng đắn trên nhiều mặt. Những diễn đàn, nghiên cứu mà BIS thực hiện để phân tích tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực là đầu vào rất hữu ích, giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện điều hành chính sách và kiểm soạt lạm phát một cách hiệu quả. NHNN đặc biệt quan tâm đến các diễn đàn của BIS liên quan đến các chủ đề như sáng tạo đổi mới, Fintech, đảm bảo an ninh an toàn không gian mạng, ứng dụng dữ liệu lớn trong ngân hàng.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng, việc tiếp cận những sản phẩm nghiên cứu, tham gia các hoạt động của BIS là cơ hội đặc biệt hữu ích cho các cán bộ của NHNN trong việc nghiên cứu, ban hành quy định, khuôn khổ pháp lý, nhất là trong bối cảnh ngành Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) ngày càng tăng cả về quy mô và phạm vi hoạt động.
Đối với hệ thống thanh toán, NHNN đặc biệt quan tâm đến các diễn đàn của BIS liên quan đến các chủ đề như sáng tạo đổi mới, Fintech, đảm bảo an ninh an toàn không gian mạng, ứng dụng dữ liệu lớn. Đây là nguồn thông tin quan trọng, có tác dụng hỗ trợ NHNN trong việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp chính sách cho lĩnh vực này.
Về lĩnh vực cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng, NHNN và BIS từ lâu đã thiết lập quan hệ tài khoản với khoản tiền gửi đầu tiên tại BIS từ giữa những năm 1990. Kể từ thời điểm này, NHNN đã nghiên cứu và triển khai hàng loạt khuyến nghị đề xuất của BIS như: Nghiêm túc thực hiện các quy định Basel, nhất là về tỷ lệ an toàn vốn; triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát ngân hàng; bảo đảm an toàn hệ thống, an ninh tiền tệ tín dụng, đồng thời thông qua tái cơ cấu để hỗ trợ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Nhờ đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đẩy lùi được tình trạng lạm phát triền miên, tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối và uy tín của VND ngày càng tăng cao, không còn tình trạng bất ổn tài chính, hệ thống ngân hàng Việt Nam trở thành nguồn cung cấp vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Triển vọng thời gian tới
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và phá hoại các nền kinh tế toàn cầu, BIS đã kịp thời đưa ra những đánh giá, nhận định về diễn biến kinh tế toàn cầu, nhất là về tăng trưởng GDP và những vấn đề liên quan đến hệ thống ngân hàng, góp phần duy trì ổn định tài chính và tiền tệ toàn cầu. Để các ngân hàng có thêm nguồn vốn hỗ trợ nền kinh tế và giảm thiểu tác động của đại dịch, BIS đã khuyến nghị các cơ quan quản lý quốc gia tạm thời điều chỉnh giảm một số quy định về vốn, sử dụng linh hoạt, thận trọng các biện pháp về vốn và thanh khoản, khuyến khích các ngân hàng làm việc một cách kiến tạo và thận trọng với khách hàng vay vốn; phát hành hướng dẫn cách thức xử lý các khoản vay tái cơ cấu, tạm hoãn thanh toán nợ công và tư nhân thông qua dự phòng và phân loại tài sản.
BIS cũng kịp thời đánh giá tác động của các nền tảng trực tuyến liên quan đến hệ thống thanh toán toàn cầu, nhận định triển vọng phát triển trong tương lai, nổi bật là khả năng hình thành đồng tiền kỹ thuật số của NHTW; đưa ra những khuyến nghị quan trọng đảm bảo để hệ thống ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thế giới. Với những đóng góp như vậy, BIS xứng đáng là tổ chức quốc tế lâu đời nhất và là một trong những tổ chức uy tín nhất trong hệ thống tài chính, tiền tệ toàn cầu, là ngân hàng của các NHTW.
Cùng đồng hành với BIS trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chủ động trong việc tham gia các hoạt động của BIS và triển khai các khuyến nghị của BIS liên quan đến hoạt động ngân hàng. Động thái này thể hiện rõ nét tại Kế hoạch của NHNN về hợp tác với BIS, được ban hành vào ngày 08/6/2021. Mục tiêu hàng đầu của Kế hoạch này là đảm bảo quyền lợi, thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ hội viên; củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác với BIS và với các NHTW thành viên. Việt Nam cũng sẽ tận dụng tốt các cơ chế, diễn đàn hợp tác trong BIS, cơ sở dữ liệu, tri thức, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hoạt động của NHNN và củng cố hệ thống các TCTD, tăng cường vị thế của Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng tại BIS và các tổ chức trực thuộc.
Theo Kế hoạch, các đơn vị trực thuộc NHNN tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: Thực hiện nghĩa vụ cổ đông; hợp tác đầu tư dịch vụ tài chính ngân hàng và những lĩnh vực khác với BIS; tham gia các ủy ban, tổ chức trực thuộc BIS; phối hợp trong công tác đào tạo, tăng cường năng lực; coi trọng thông tin tuyên truyền về BIS và các hoạt động của NHNN tại BIS.
Với tư cách là thành viên chính thức của BIS, mối quan hệ giữa NHNN và BIS sẽ được đẩy mạnh, ngày càng trở nên chặt chẽ và hiệu quả, BIS sẽ là một trong những đối tác quan trọng nhất của NHNN trong lĩnh vực quản lý tài sản, quản lý dự trữ ngoại hối, Fintech và nhiều lĩnh vực khác.
Xuân Thanh
Nguồn tham khảo: BIS, Website NHNN, Wikipedia.