Một số yếu tố ảnh hưởng tới cơ chế quản lý quỹ bảo hiểm tiền gửi
Các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đổ vỡ có thể gây ảnh hưởng xấu tới niềm tin của người gửi tiền, cũng như làm giảm sức cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Mục đích cơ bản và cốt lõi của chính sách BHTG là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Do đó, áp dụng cơ chế xử lý đổ vỡ hiệu quả và đa dạng không chỉ giúp bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền, mà còn hỗ trợ để tiếp tục duy trì hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi nhiều nguồn lực tài chính, trong đó, theo Nguyên tắc 09 - Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế - IADI (2014) khuyến nghị: Nguồn quỹ của tổ chức BHTG có thể được sử dụng cho mục đích xử lý tổ chức tham gia BHTG như một hình thức thay thế cho việc chi trả.
Tại Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (2017) đã trao thêm cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam một số nhiệm vụ nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), cụ thể: Cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi TCTD và tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Không những bảo vệ trực tiếp cho người gửi tiền thông qua việc chi trả tiền bảo hiểm, tổ chức BHTG còn đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần ổn định thị trường tài chính tiền tệ thông qua việc xử lý các TCTD hoạt động yếu kém, giúp các TCTD này ổn định trở lại, hay rút lui có trật tự mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường tài chính tiền tệ. Muốn vậy, quỹ BHTG cần được quản lý một cách chặt chẽ và hiệu quả. Theo khuyến nghị của IADI (2014) thì quỹ BHTG đem lại hiệu quả trong quá trình tham gia xử lý đổ vỡ hoặc tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Tuy nhiên, cơ chế quản lý quỹ BHTG bị tác động bởi một số yếu tố sau:
- Khuôn khổ pháp lý: Khuôn khổ pháp lý của hoạt động BHTG là một trong những yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến cơ chế quản lý quỹ BHTG. Khuôn khổ pháp lý của hoạt động BHTG ở Việt Nam là chính sách do Nhà nước ban hành. Chính sách này luôn được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy khi có thay đổi về chính sách BHTG sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHTG cũng như cơ chế quản lý quỹ BHTG. Ví dụ, khi chính sách pháp luật về BHTG quy định các TCTD đều phải tham gia BHTG thì đối tượng tham gia đóng góp vào quỹ sẽ rất lớn. Ngược lại, nếu chỉ một số đối tượng phải tham gia BHTG thì đối tượng tham gia đóng phí BHTG sẽ ít đi, ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHTG. Đồng thời, nếu quy định đối tượng, loại hình tổ chức tham gia BHTG khác nhau thì nguồn thu đối với quỹ BHTG cũng khác nhau. Tương tự, nếu chính sách, pháp luật quy định mức đóng góp của từng loại đối tượng như thế nào, sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến nguồn thu, sự phát triển của nguồn thu quỹ BHTG.
Khung pháp lý quy định loại hình của tổ chức BHTG cũng quyết định cơ chế quản lý tài chính của tổ chức BHTG đó. Khung pháp lý quy định loại hình tổ chức BHTG là các quy định pháp luật tạo ra môi trường, ảnh hưởng đến cơ chế quản lý tài chính của tổ chức đó trên các mặt: Huy động vốn, sử dụng vốn, tự chủ tài chính… Ví dụ, khuôn khổ thể chế pháp lý quy định tổ chức BHTG hoạt động với loại hình tổ chức nào (tổ chức tài chính Nhà nước hay doanh nghiệp…) sẽ có các quy định hướng dẫn về cơ chế tài chính liên quan đến hoạt động với mô hình tổ chức đó, từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành, quản lý và sử dụng quỹ của tổ chức BHTG. Khuôn khổ pháp lý đầy đủ, nhất quán sẽ tạo môi trường tốt cho việc vận hành quỹ BHTG và ngược lại.
Đối với hoạt động BHTG, cấu trúc và đặc điểm của hệ thống tài chính là nhân tố được coi là có ảnh hưởng nhiều nhất tới quỹ BHTG.
- Đặc điểm của hệ thống tài chính: Đối với hoạt động BHTG, cấu trúc và đặc điểm của hệ thống tài chính có ảnh hưởng nhiều nhất tới quỹ BHTG.
Cấu trúc của hệ thống tài chính ảnh hưởng tới quy mô quỹ BHTG bao gồm: Số lượng các tổ chức tham gia BHTG, năng lực tài chính của các tổ chức tham gia BHTG, mức độ rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, loại tiền gửi và người gửi tiền được bảo hiểm, mức độ tập trung. Ngoài ra, các yếu tố khác của hệ thống tài chính được xem xét là mức độ kết nối liên ngân hàng, khả năng xảy ra đổ vỡ…
Số lượng các tổ chức tham gia BHTG nhiều, tình trạng tài chính của các tổ chức tham gia BHTG tốt, tổ chức BHTG sẽ có nhiều thuận lợi trong việc phát triển nguồn thu của mình. Đồng thời, mức độ rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG cũng tỷ lệ thuận đối với rủi ro của quỹ BHTG.
Các tổ chức BHTG phát triển đến một trình độ nhất định, thường sử dụng các công cụ tài chính để đầu tư một cách linh hoạt, nâng cao khả năng sinh lời cho vốn của đơn vị mình. Nếu thị trường tài chính phát triển, tổ chức BHTG có điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng các công cụ tài chính để phát triển quỹ BHTG. Ngược lại, ở các quốc gia có thị trường tài chính chưa phát triển, tổ chức BHTG gặp khó khăn hơn trong phát triển nguồn thu thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính.
- Cơ chế giám sát, xử lý đổ vỡ: Các quy định về cơ chế giám sát, xử lý đổ vỡ các tổ chức tham gia BHTG là nhân tố ảnh hưởng đến quỹ BHTG. Việc giám sát hiệu quả các tổ chức tham gia BHTG, xử lý đổ vỡ một cách thận trọng làm giảm thiểu nguy cơ gây đổ vỡ ngân hàng, gây thiệt hại cho quỹ BHTG.
Tổ chức BHTG thực hiện giám sát các tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện kịp thời các rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, từ đó có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời. Tổ chức BHTG có quyền can thiệp sớm vào hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG có thể làm giảm nguy cơ gây đổ vỡ ngân hàng, đồng thời giảm thiệt hại phát sinh do sử dụng quỹ BHTG để chi trả cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ. IADI (2014) khuyến nghị: “Việc thực hiện các biện pháp như giám sát, can thiệp sớm và xử lý đổ vỡ hiệu quả sẽ làm giảm thiểu các chi phí phát sinh liên quan đến đổ vỡ ngân hàng”.
- Điều kiện kinh tế vĩ mô: Điều kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự ổn định của hệ thống tài chính nói chung và xác suất đổ vỡ tiềm ẩn.
Cơ chế quản lý quỹ BHTG chịu tác động khách quan của điều kiện kinh tế vĩ mô. Những biến động, thay đổi của môi trường kinh tế trong và ngoài nước ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô quỹ BHTG thông qua hoạt động đóng phí BHTG của các TCTD, hoạt động đầu tư, hay việc sử dụng quỹ BHTG để chi trả BHTG.
Khi nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng, TCTD thường huy động được nguồn vốn nhiều hơn, quỹ BHTG cũng vì vậy mà phát triển thông qua nguồn thu phí BHTG. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái, doanh nghiệp phá sản, người lao động không có việc làm, sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động huy động vốn của TCTD, nguồn thu quỹ BHTG cũng vì thế mà suy giảm. Mặt khác, khi thị trường vào giai đoạn khó khăn, tổ chức BHTG cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng vốn thông qua thu nhập từ hoạt động đầu tư, kế hoạch tài chính…
Đối với tổ chức tham gia BHTG, khi nền kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng hoạt động khó khăn, khó có khả năng trả nợ, dẫn đến nợ xấu của ngân hàng tăng, ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có thể dẫn đến phá sản ngân hàng. Trường hợp này gây rủi ro mất vốn cho quỹ BHTG do phát sinh chi trả BHTG.
Vì vậy, sự biến động của nền kinh tế vĩ mô trong nước là một trong những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến quỹ BHTG.
- Khả năng tiếp cận nguồn tài trợ/dự phòng khẩn cấp: Khác với nguồn vốn nội bộ chủ yếu được hình thành từ nguồn thu phí, nguồn vốn bên ngoài là các nguồn mà các tổ chức BHTG huy động được khi cần thiết.
- Việc chấp hành các quy định của các tổ chức tham gia BHTG: Thông qua việc đóng phí đầy đủ, đúng hạn từ các tổ chức tham gia BHTG, tạo nên nguồn thu dồi dào, sát kế hoạch dự toán cho quỹ BHTG, từ đó ảnh hưởng đến việc quản lý và sử dụng quỹ BHTG. Ngược lại, nếu các tổ chức tham gia BHTG không hợp tác, hay chấp hành chưa đúng các quy định về đóng phí BHTG, dẫn đến khó khăn trong việc thu đúng, thu đủ phí BHTG, ảnh hưởng đến nguồn thu của quỹ BHTG, từ đó ảnh hưởng tới cơ chế quản lý quỹ BHTG.
Bên cạnh các yếu tố nêu trên, cơ chế quản lý quỹ BHTG còn chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác như: Hệ thống văn bản quản trị, điều hành; hệ thống kế toán, kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Một số khuyến nghị:
- Các tổ chức BHTG nên xem xét tính đáp ứng và khả năng tiếp cận nguồn tài trợ/dự phòng khi cần thiết. Đó là nguồn vốn bên ngoài sẵn có mà tổ chức BHTG có thể tiếp cận để đáp ứng yêu cầu về thanh khoản khi cần thanh toán các yêu cầu về chi trả tiền bảo hiểm, ví dụ khoản vay từ Chính phủ.
- Đối với hệ thống văn bản quản trị điều hành cần đồng nhất, có quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân liên quan, quy định rõ các quy trình nghiệp vụ sẽ giúp cho việc quản lý và sử dụng quỹ BHTG hiệu quả. Thông thường, các tổ chức BHTG sẽ xây dựng quy chế quản lý và sử dụng quỹ BHTG. Hệ thống văn bản này sẽ quy định rõ cơ chế quản lý và sử dụng quỹ, là kim chỉ nam cho việc vận hành, quản lý quỹ hiệu quả, đồng thời cũng là căn cứ, cơ sở cho các hoạt động kiểm soát, kiểm toán liên quan.
- Để có cơ chế quản lý tài chính quỹ BHTG hiệu quả, các tổ chức tham gia BHTG cần có hệ thống kế toán và kiểm soát đảm bảo cho việc quản lý rủi ro, quản lý quỹ BHTG hiệu quả. Điều này bao gồm chế độ kế toán theo chuẩn mực quốc tế và hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ phân cấp hợp lý, đảm bảo việc tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra... Cần đảm bảo nhân sự quản lý tài chính quỹ BHTG không những là những người am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, mà còn là những người tận tâm, tận lực, trung thực, tôn trọng các nguyên tắc quản lý tài chính, tránh thất thoát, lãng phí cho đơn vị.
Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến cơ chế quản lý quỹ BHTG giúp cho công tác hoạch định tài chính quỹ BHTG được sát với thực tế và việc tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn quỹ BHTG cho quá trình tái cơ cấu các TCTD, góp phần bảo vệ người gửi tiền cũng như ổn định thị trường tài chính tiền tệ.
Tuấn Hưng
Tạp chí Ngân hàng số 14/2021