Hội thảo Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn
Ngày 02/12/2021, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an và Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn". Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 đầu cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước. Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tham dự và chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo trực tiếp tại điểm cầu trụ sở NHNN có ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, NHNN, Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; đại diện các phòng, ban thuộc Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an; Công an Thành phố Hà Nội; Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân và các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng, pháp luật…
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội; đại diện lãnh đạo và các bộ phận chuyên môn của các tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 (Chỉ thị số 12), các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao. Đặc biệt, ngành Ngân hàng cũng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, là những đối tượng yếu thế trong xã hội. Các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, NHCSXH, các công ty tài chính tiêu dùng đã mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư; góp phần tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức đối với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lao động ở các khu công nghiệp, những người có thu nhập thấp... Tuy nhiên, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn xảy ra ở nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây lo lắng và bức xúc trong Nhân dân.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm giúp người dân nhận diện được bản chất của “tín dụng đen”; tổng kết, đánh giá các kết quả đạt được cũng như đưa ra giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen” trong thời gian tới; đồng thời, cũng tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý, các TCTD và người dân, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai tín dụng tiêu dùng hiện nay. Toàn cảnh Hội thảo
Ngành Ngân hàng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, qua 2 năm triển khai Chỉ thị số 12, ngành Ngân hàng đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau: Thứ nhất, NHNN đã tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến. Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã ban hành 85 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, NHNN đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách quan trọng tạo điều kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng; Thứ hai, NHNN thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, cụ thể, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; đến cuối tháng 10/2021 đã cho hơn 609 nghìn lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt trên 45,4 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt 1.956 tỷ đồng; Thứ ba, mạng lưới ngân hàng không ngừng phát triển nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; Thứ tư, tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách, dịch vụ ngân hàng, kiến thức tài chính đến đông đảo người dân, giải đáp nhiều kiến nghị, cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen”.
Đặc biệt, đối với khu vực nông thôn nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều chính sách, chương trình, giải pháp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân ở khu vực này. Kết quả, đến ngày 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020 và tăng 34,5% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 12 (trong đó, dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ nông nghiệp, nông thôn). Đặc biệt, các TCTD cũng đã đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, trong đó, 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 9,6% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Chia sẻ về các giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen” của NHCSXH, bà Trần Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, là một trong những ngân hàng có mạng lưới rộng khắp cả nước, từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm), đến nay, NHCSXH đang triển khai trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay. Đến ngày 30/11/2021, tổng dư nợ các chương trình tại NHCSXH đạt trên 245 nghìn tỷ đồng với gần 6,4 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tạo sinh kế và việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống.
"Tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp
Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, sau hơn 2 năm quyết liệt thực hiện, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh. Hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước theo chức năng của lực lượng công an từng bước được nâng cao. Hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính được duy trì thường xuyên. Theo thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỷ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.
Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị số 12, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện 1047 vụ với 1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ với 990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ với 593 đối tượng, gồm các tội danh: Giết người, cố ý gây thương tích; làm nhục người khác; bắt, giữ, giam người trái pháp luật... Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ với 884 đối tượng (chiếm 51,48%), trong đó đã khởi tố 314 vụ với 541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ với 249 đối tượng.
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi, nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên… vay tiền. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.
Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân...
Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các TCTD, công ty tài chính…, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, TCTD. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Chia sẻ về những khó khăn trong phát hiện, xử lý hành vi hoạt động “tín dụng đen”, ông Nguyễn Văn Tất - Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án trật tự xã hội - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, “tín dụng đen” rất khó phát hiện, chỉ khi đã xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác như bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, hoặc tố giác của công dân thì vụ việc mới được phát hiện. Đặc biệt, hiện nay, các đối tượng cho vay nặng lãi đã chuyển sang sử dụng công nghệ cao, cho vay tiền qua website, vay tiền qua ứng dụng, chúng sử dụng các thuê bao, tài khoản không chính chủ, rất khó quản lý, nên rất khó phát hiện đã làm cản trở công tác đấu tranh với “tín dụng đen”.
Giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”
Để giải quyết được vấn đề “tín dụng đen”, trên cơ sở sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát Hình sự đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như sau: Một là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo; chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” kịp thời, đúng trọng tâm, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là trong những diễn biến phức tạp của tình hình đã dự báo trong và sau dịch bệnh Covid-19. Hai là, thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Ba là, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với NHNN và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19; kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến “tín dụng đen”; phối hợp với ngành Ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống, đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, quan tâm, kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn; xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế người dân, đoàn viên, hội viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến “tín dụng đen” để vay vốn. Bốn là, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Năm là, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Để ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, theo ông Nguyễn Văn Tất - Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án trật tự xã hội - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, cần có giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về "tín dụng đen", nhất là hệ lụy của nó gây ra. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp bóng công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính. Các ngân hàng, TCTD cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều khoản vay nhỏ. Trong đó, về lâu dài cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, đơn giản về thủ tục, chặt chẽ hơn về trách nhiệm thực hiện quy trình của cán bộ tín dụng.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác truyền thông góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, bà Trần Thị Thanh Bích, Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường tài chính - tiền tệ cho rằng, cần sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương với báo chí, truyền thông trong cuộc chiến với “tín dụng đen”. Các cơ quan báo chí cần tăng cường lượng tin, bài, phóng sự cảnh báo những thủ đoạn của “tín dụng đen” để người dân cảnh giác; thường xuyên cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân, giáo dục tài chính, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hồ Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FE Credit đề xuất, NHNN phối hợp cùng các bộ, ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý tăng cường, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân thông qua công nghệ. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét tạo điều cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp công ty tài chính định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn, đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng được chính xác, tiết kiệm nguồn lực cho các TCTD cũng như cả xã hội.
Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ở nhiều địa phương người dân không biết công ty tài chính nào hợp pháp và công ty nào bất hợp pháp để đi vay. Thực tế cho thấy, người dân vẫn khó tiếp cận vốn vay chính thức và không thể ngăn chặn hết hiện tượng công ty tài chính trá hình. Vì vậy, theo bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, giải pháp cốt lõi là phải tăng cường công tác truyền thông. Ngân hàng phối hợp với các địa phương, giới thiệu sản phẩm về các vùng nông thôn, đặc biệt, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt thông qua hệ thống các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, để giải quyết được vấn đề “tín dụng đen”, về tổng thể, cần có bốn giải pháp: Thứ nhất, đời sống của người dân phải được nâng lên, tỷ lệ đói nghèo tiếp tục được giảm xuống mạnh mẽ để không bị rơi vào tình cảnh “nhắm mắt đưa chân” tới “tín dụng đen”. Thứ hai, cùng với đời sống người dân nâng lên thì dân trí cũng cần được nâng cao, đây là điều kiện để giải quyết “tín dụng đen”. Thứ ba, hành lang pháp lý cần đồng bộ, rõ ràng, thể hiện sự thống nhất trong việc trấn áp, xử lý tội phạm, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Thứ tư, hệ thống tài chính toàn diện được triển khai rộng khắp và người dân là đối tượng thụ hưởng tích cực.
Về những giải pháp trước mắt, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, cần làm cho người dân hiểu về tác hại, hậu quả của “tín dụng đen” để cảnh giác và đấu tranh thông qua công tác truyền thông, giáo dục tài chính toàn diện; tiếp tục trấn áp, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức bảo kê cho “tín dụng đen”, kể cả các tổ chức chính thức và phi chính thức; đặc biệt, cần tăng cường các kênh tiếp cận vốn chính thức cho người dân, đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của chính các TCTD.
Việt Bảo