Thành phố Cần Thơ đã trở thành một trong bốn tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cũng là vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của Việt Nam. Trong chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ tạo được những dấu ấn, vị thế và tiềm lực kinh tế chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và tạo sức lan tỏa để các tỉnh trong vùng ĐBSCL cùng phát triển. Cùng đồng hành và góp phần khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của một thành phố năng động và phát triển, hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ với vai trò là trung gian tài chính và thanh toán khu vực, đã và đang phát huy hiệu quả mối quan hệ chặt chẽ giữa hoạt động tín dụng với quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế của thành phố.
1. Tình hình phát triển kinh tế thành phố Cần Thơ giai đoạn 2004 - 2023
Sau 20 năm từ khi thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (01/01/2004 - 01/01/2024), Cần Thơ ngày nay được nhắc đến là một thành phố trẻ, năng động, thân thiện và đầy tiềm năng. Mặc dù phải trải qua những khó khăn ở giai đoạn đầu mới chia tách, cùng với đó là sự tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực, đại dịch Covid-19… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trong nước và thành phố. Song, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ngành trong việc ban hành và cụ thể hóa thực hiện các Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố, Cần Thơ đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tăng trưởng kinh tế của thành phố duy trì tốc độ tăng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2004 - 2010 tăng bình quân 15,18%/năm; giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 5,64%. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, hằng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Năm 2023, GRDP (giá hiện hành) đạt 119.271 tỉ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004.
Kết quả phát triển các ngành, lĩnh vực có nhiều tiến bộ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp, tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học và kĩ thuật, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả. Tỉ trọng khu vực nông nghiệp năm 2004 từ 20,76% giảm xuống còn 9,53%; tỉ trọng các khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ tăng từ 79,24% lên 90,47% vào năm 2023.
Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ cũng đã cụ thể hóa các chính sách, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác, thu hút đầu tư, quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng.
Thành phố giờ đây đang có một diện mạo, vị thế mới. Sự phát triển của thành phố Cần Thơ đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Đạt được những kết quả tích cực trên phải kể đến sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ trong suốt 20 năm qua, đã và đang đóng vai trò là huyết mạch của kinh tế thành phố, góp phần khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của một thành phố trực thuộc Trung ương trẻ và sôi động.
2. Hành trình 20 năm hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ đồng hành và góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố
2.1. Hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ không ngừng mở rộng quy mô, mạng lưới hoạt động tăng trưởng vượt bậc, đa dạng các loại hình hoạt động
Năm 2004, khi chia tách tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ thì thành phố Cần Thơ chỉ có 17 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD), 08 chi nhánh quận, huyện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), 01 văn phòng đại diện (VPĐD) với 86 địa điểm có giao dịch ngân hàng hoạt động. Khi đó chủ yếu là ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, NHTM cổ phần còn ít. Mạng lưới TCTD chủ yếu hoạt động tại địa bàn quận Ninh Kiều, các quận, huyện, còn lại chủ yếu là các chi nhánh của NHTM nhà nước. Trên địa bàn nông thôn, hầu hết người dân nếu có giao dịch với ngân hàng thì chủ yếu qua Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thời điểm mới chia tách, hoạt động cho vay và huy động của các ngân hàng tương đối thấp và chưa nổi trội so với mặt bằng chung cả nước và khu vực ĐBSCL. Nghiệp vụ hoạt động của ngân hàng tương đối đơn giản, chỉ có thanh toán liên ngân hàng, thanh toán bù trừ, thanh toán tiền mặt là chủ yếu, hoạt động của hệ thống ATM, POS cũng hạn chế. Hoạt động của các TCTD khác chủ yếu là cho vay các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cho vay khách hàng cá nhân không nhiều. Vì vậy, khả năng tiếp cận vốn và cạnh tranh giữa các ngân hàng chỉ ở mức vừa phải.
Khi thành phố Cần Thơ được thành lập, hạ tầng thương mại, dịch vụ, giao thông được quan tâm phát triển, dần khẳng định vị thế trung tâm vùng ĐBSCL. Do vậy, hầu hết các ngân hàng đã lựa chọn Cần Thơ để mở chi nhánh hoạt động. Nhiều ngân hàng không chỉ hoạt động tại trung tâm thành phố mà còn vươn tới các quận/huyện, không giới hạn địa giới hành chính.
Hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ không ngừng phát triển. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có 49 chi nhánh TCTD, 08 chi nhánh quận, huyện của Agribank, 187 phòng giao dịch (PGD), 07 VPĐD và 07 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 258 địa điểm có giao dịch ngân hàng hoạt động. So với năm 2004, tăng gần 03 lần số lượng chi nhánh TCTD, tăng hơn 03 lần số lượng địa điểm có giao dịch ngân hàng, tăng 06 VPĐD, 07 QTDND, 153 PGD và bao gồm đủ loại hình: NHTM nhà nước, NHTM cổ phần, ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, QTDND, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.
Có thể nói, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã có những bước chuyển biến rõ rệt theo hướng tạo ra một thị trường mở và có tính cạnh tranh cao, thúc đẩy dịch vụ ngân hàng tăng trưởng cả về quy mô và loại hình hoạt động, thích ứng nhanh hơn với những tác động từ bên ngoài, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng, từ đó tăng khả năng đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
2.2. Hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ luôn chủ động, tích cực triển khai các cơ chế chính sách, chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế thành phố
Với chức năng quản lí về hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh thành phố Cần Thơ trong suốt thời gian qua đã thực hiện tốt chức năng quản lí nhà nước, giữ vai trò là đầu mối chỉ đạo, điều hành hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn; tổ chức triển khai kịp thời đến các TCTD trên địa bàn các cơ chế, chính sách về tiền tệ, ngân hàng của Chính phủ, NHNN, các Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo mục tiêu xuyên suốt của ngành Ngân hàng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong 20 năm qua, bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, NHNN Chi nhánh đã tổ chức, quán triệt, phổ biến, xây dựng Kế hoạch về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, trọng tâm đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tập trung thực hiện các nội dung:
- Tổ chức học tập, tuyên truyền cho tất cả cán bộ, đảng viên, công chức trong Chi nhánh nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của các Nghị quyết về phát triển thành phố Cần Thơ, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm cùng toàn Thành phố tổ chức thực hiện thắng lợi các Nghị quyết.
- Tổ chức, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, phát triển hệ thống ngân hàng an toàn, bền vững, góp phần đẩy mạnh kinh tế thành phố tăng trưởng theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
- Các TCTD trên cơ sở khả năng tài chính, áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lí, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Thực hiện tốt kế hoạch kinh doanh, cải cách thủ tục nhanh, gọn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu, nguyên tắc cho vay của TCTD và của pháp luật.
Qua đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã chấp hành tốt các quy định về tiền tệ và ngân hàng, nỗ lực triển khai các giải pháp huy động để tạo lập nguồn vốn cho vay với mặt bằng lãi suất phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương; nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng không ngừng tăng qua các năm.
Vốn huy động đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004 - 2023 là 21,10%/năm, năm 2023 đạt 117,752 tỉ đồng, tăng 4,64 lần so với năm 2010 và 32,42 lần so với năm 2004.
Tổng dư nợ tín dụng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,07%/năm; năm 2023 đạt 156,441 tỉ đồng, tăng 4,24 lần so với năm 2010 và 19,91 lần so với năm 2004. Trong đó, nguồn vốn tập trung cho vay đối với ngành thương mại - dịch vụ chiếm 68,35% tổng dư nợ, tiếp đến là công nghiệp - xây dựng với tỉ trọng 23,13% và nông nghiệp chiếm 8,52%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh bền vững hơn, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, giảm tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp trong GDP, tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Cơ cấu tín dụng theo kì hạn cũng có sự chuyển dịch. Nếu vào năm 2004, cho vay ngắn hạn chiếm 73,02%; cho vay trung, dài hạn chiếm 26,98%; đến cuối năm 2023 cơ cấu tín dụng theo kì hạn đã dịch chuyển theo xu hướng giảm cho vay ngắn hạn và tăng cho vay trung, dài hạn, tương ứng với tỉ lệ 61,85% và 38,15%. Sự thay đổi cơ cấu tín dụng đã góp phần giúp các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng sản xuất, cải tiến kĩ thuật, mua sắm máy móc, thiết bị, thực hiện các dự án đầu tư mới và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.
Tỉ lệ nợ xấu ở mức thấp, chiếm 2,34% tổng dư nợ cho vay. Việc xử lí nợ xấu, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động, việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đã giúp các ngân hàng trên địa bàn giải quyết khá tốt vấn đề nợ xấu, chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể.
Cùng với việc hỗ trợ tín dụng chung cho các thành phần kinh tế khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh, từ năm 2013, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các TCTD trên địa bàn đều quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; sản xuất, kinh doanh; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động cho vay hỗ trợ và các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thế mạnh của địa phương như lúa gạo, thủy sản cũng đạt tăng trưởng tốt. Tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 40.552 tỉ đồng, tăng 2,46 lần; cho vay xuất khẩu đạt 15.500 tỉ đồng, tăng 3,25 lần; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 34.600 tỉ đồng, tăng 1,30 lần; cho vay thu mua lúa gạo đạt 16.700 tỉ đồng, tăng 3,29 lần và cho vay thủy sản với dư nợ đạt 12.300 tỉ đồng, tăng 1,44 lần so với dư nợ năm 2013.
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ, trong thời gian qua, các TCTD đã tích cực tham gia Chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, một số NHTM thông qua các chương trình an sinh xã hội đã tài trợ xây dựng cơ sở vật chất, góp phần hoàn thành chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (36/36 xã và 04/04 huyện) vào năm 2020, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra của thành phố. Đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 11.500 tỉ đồng, tăng 62,98% so với cuối năm 2013, thành phố hiện có 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong giai đoạn 2004 - 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ triển khai cho vay kịp thời, đáp ứng được nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Năm 2023, tín dụng chính sách đạt 4.077 tỉ đồng, bình quân giai đoạn 2004 - 2023 tăng 16,54%/năm, từ 02 chương trình tín dụng ban đầu, hiện nay đã và đang triển khai 18 chương trình tín dụng với trên 90.000 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã kịp thời giúp đỡ cho hơn 634.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp hơn 85.000 hộ dân thoát nghèo, cận nghèo, tạo việc làm cho hơn 310.000 lao động, giúp hơn 65.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Đồng thời, hỗ trợ xây mới, cải tạo hơn 222.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và hỗ trợ mua nhà ở xã hội, xây dựng, sửa chữa hơn 6.000 ngôi nhà cho hộ nghèo.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng thời gian qua đã góp phần nâng cao sức sản xuất, tạo sinh kế phát triển bền vững, hạn chế “tín dụng đen”, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thực hiện giảm nghèo bền vững và giúp đảm bảo an sinh xã hội; tỉ lệ hộ nghèo thành phố đến năm 2023 chỉ còn 0,21%, đây là mức thấp nhất vùng ĐBSCL và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc.
Chặng đường 20 năm qua, mặc dù có những giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008 và sự suy thoái kinh tế thế giới kéo dài vài năm sau đó, giai đoạn 2020 - 2023 là đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, xung đột, chiến tranh Nga - Ukraine làm gián đoạn thương mại toàn cầu,…Có thể nói, trước những diễn biến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực cao, hệ thống ngân hàng trên địa bàn luôn chủ động, quyết liệt, kịp thời triển khai đồng bộ nhiều chính sách, chiến lược theo sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và địa phương, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn vẫn duy trì sự ổn định và đạt được những kết quả tích cực, đúng định hướng điều hành của NHNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, chặn đà suy giảm kinh tế, ổn định lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương phục hồi và phát triển.
Điển hình như giai đoạn 2020 - 2023 là giai đoạn hệ thống ngân hàng phải đối mặt với những áp lực, khó khăn và thách thức chưa từng có tiền lệ, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã triển khai kịp thời Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, địa phương và các giải pháp chỉ đạo của NHNN với tinh thần luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn 2020 - 2023, các TCTD trên địa bàn đã có những đợt giảm lãi suất cho vay sau khi NHNN có các điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Triển khai các nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, hệ thống ngân hàng thành phố cũng đã triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục và phát triển sản xuất; giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng từ 0,5 - 1,5% cho tất cả các khách hàng. Với phương châm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của mình, các TCTD trên địa bàn đã nỗ lực cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, cân đối từ lợi nhuận và khả năng tài chính để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, triển khai những nhiệm vụ, giải pháp về chính sách tín dụng tại Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố về phục hồi, phát triển kinh tế tại thành phố Cần Thơ, hệ thống ngân hàng trên địa bàn cũng đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid -19 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung của Thống đốc NHNN. Tính đến thời điểm kết thúc Chương trình, ngày 30/6/2022, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu và miễn, giảm lãi lũy kế từ ngày 13/3/2020 là 5.673,6 tỉ đồng cho 5.461 khách hàng, doanh số cho vay có lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến cuối tháng 6/2022 đạt 102.448,7 tỉ đồng cho 9.074 khách hàng vay.
Sau tác động sâu, rộng và kéo dài của đại dịch Covid-19, tiếp đến là những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, qua 3 tháng đầu năm 2023, trước những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế tăng chậm, hệ thống ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Đến cuối năm 2023, tổng giá trị nợ (gốc và/hoặc lãi) đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế là 1.484 tỉ đồng với 383 lượt khách hàng, dư nợ (gốc và/hoặc lãi) được cơ cấu là 1.356,9 tỉ đồng cho 319 khách hàng vay.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ mà hệ thống ngân hàng trên địa bàn triển khai đã đạt được kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho khách hàng trong việc trả nợ vay ngân hàng, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện với nhiều ưu đãi để người dân, doanh nghiệp tiếp tục vay mới, quay vòng vốn để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, duy trì hoạt động của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn thành phố để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Dòng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn qua các chương trình, chính sách tín dụng thời gian qua đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn, mặt bằng lãi suất cũng đã được điều chỉnh giảm, tạo sự ổn định cho hoạt động tín dụng phát triển, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực thế mạnh của thành phố Cần Thơ, góp phần phát triển những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh, từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố Cần Thơ. Trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế với những cú sốc kéo dài khiến động lực tăng trưởng kinh tế tăng chậm lại, những giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của hệ thống ngân hàng thành phố đã góp phần đưa Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và Kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế của địa phương đi vào thực tế cuộc sống, nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục được duy trì, phục hồi và khởi sắc. Năm 2022 kinh tế thành phố đã bứt phá mạnh mẽ, tăng 12,64% so với năm 2021 (đứng thứ 6 cả nước và thứ 2 vùng ĐBSCL), năm 2023 tiếp tục tăng 5,75% so với năm 2022.
2.3. Hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn
Để thúc đẩy chuyển đổi số và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 15/4/2022 về triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kĩ thuật thanh toán, phát triển các hình thức thanh toán trực tuyến qua Internet, thiết bị di động, ATM, POS/EFTPOS/EDC, dịch vụ thẻ...; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội); quan tâm công tác phát triển dịch vụ thẻ tại địa bàn nông thôn; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng số. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn giao dịch thanh toán cho các hệ thống đã liên kết.
Nếu như vào năm 2004, số lượng ATM, POS rất hạn chế thì hiện nay, các ngân hàng đã lắp đặt hệ thống ATM, POS đến tận vùng nông thôn để khuyến khích người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, trên địa bàn đã lắp đặt 413 ATM, 8.263 POS/EFTPOS/EDC và có 6.179 đơn vị chấp nhận thẻ.
Đến năm 2023, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện mở tài khoản giao dịch thanh toán cho 2.604.412 người, trong đó 1.620.932 người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thành phố Cần Thơ có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động, tăng 56,5% so với năm 2022. Số thẻ đã phát hành và đang còn hoạt động là 1.797.332 thẻ.
Sau khi tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 15/4/2022, các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mà hệ thống ngân hàng trên địa bàn cung cấp đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tổng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 3,81 lần về mặt số lượng và tăng 2,52 lần về giá trị thanh toán so với năm 2021. Thói quen sử dụng tiền mặt đã có sự thay đổi tích cực, người dân sử dụng ngày càng phổ biến hơn các dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhìn chung, trong những năm qua, hoạt động của hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ đạt được những kết quả tăng trưởng tích cực, thực hiện tốt vai trò trung gian tài chính trong nền kinh tế, góp phần huy động vốn và đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của thành phố được triển khai thực hiện và đưa vào thực tiễn. Công tác quản lí nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng được tăng cường. Hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ đã hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng cùng cả nước kiểm soát lạm phát, đáp ứng có hiệu quả các nhu cầu vốn phục vụ phát triển sản xuất, xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng thành phố không ngừng tăng cường năng lực cạnh tranh, đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, nghiên cứu, đầu tư và phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thay đổi thói quen thanh toán của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy nhanh thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ và góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành đô thị thông minh.
Có thể nhìn nhận và khẳng định, trong giai đoạn 2004 - 2023, hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ đã luôn đồng hành, đóng góp tích cực trong tiến trình thúc đẩy sự phát triển về diện mạo, vị thế kinh tế - xã hội và góp phần vào tiến trình đạt được những thành tựu nổi bật của thành phố Cần Thơ sau chặng đường 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục hành trình 20 năm với nhiều dấu ấn nổi bật, cùng với định hướng phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống ngân hàng thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả tối đa vai trò là cầu nối và kênh dẫn vốn, qua đó, hiện thực hóa các mục tiêu và cơ hội mang lại cho thành phố Cần Thơ, phấn đấu và quyết tâm đồng hành để thành phố Cần Thơ sớm trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL và thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á theo đúng kế hoạch và định hướng phát triển của thành phố trong những năm tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tổ chức các hoạt động kỉ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (2023), Thành tựu nổi bật 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và Định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cổng Thông tin điện tử thành phố Cần Thơ .
2. Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ năm 2023, Cục Thống kê thành phố Cần Thơ.
ThS. Trần Quốc Hà (Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ)
ThS. Lê Thị Kim Hằng (NHNN Chi nhánh thành phố Cần Thơ)