Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, đồng thời, là năm tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021.
Những thuận lợi và thách thức
Về thuận lợi, Việt Nam tiếp tục có sức hút đầu tư mạnh ở khu vực do hiện đứng ở vị trí thứ 8 (tăng 15 bậc, từ vị trí 23 năm 2018) trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019 theo báo cáo của U.S. News & World Report. Đồng thời, Việt Nam đang có những tiến bộ về tăng trưởng, lạm phát, thâm hụt ngân sách, dự trữ ngoại hối và gia tăng tổng cầu nội địa của nền kinh tế gần 100 triệu dân. Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng từ B1 (tích cực) lên Ba3 (ổn định). Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 lan rộng và sự “góp mặt” của các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, giúp cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam. Bên cạnh đó, các FTA này tác động tích cực tới lao động, trong đó những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày... dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ngoài ra, tác động từ CPTPP và EVFTA còn có thể đến từ việc tạo sức ép cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, từ đó, kỳ vọng tạo ra tác động tích cực trong trung và dài hạn. Riêng EVFTA và CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm lần lượt 4,3% và 1,3% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến sẽ tăng thêm 44,4%; xuất khẩu sang các nước CPTPP đến năm 2035 tăng 14,3%. Giai đoạn 2020 - 2030, thông qua các hiệp định thương mại RCEP, CPTPP và EVFTA, Việt Nam có thêm cơ hội đa dạng hóa quan hệ hợp tác, bổ sung động lực tăng trưởng và giảm phụ thuộc quá nhiều vào các nền kinh tế lớn. Cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản); lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế); các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ). Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh). Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản (nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp)... cũng có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá…
Về thách thức, là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới và nhiều nước lớn nới lỏng tiền tệ trong thập niên tới, gắn với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công các nước tăng cao... Đồng thời, tiếp tục chịu tác động của các xu thế đa cực địa chính trị, xu thế già hóa của dân số, cách mạng công nghệ 4.0, xu thế hình thành các mega - FTA và gia tăng tính kết nối khu vực, xu thế dịch chuyển dữ liệu xuyên biên giới, tác động của biến đổi khí hậu, sự nổi lên của châu Á với 2 quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ trong khi đồng USD sẽ giảm dần sức mạnh vốn có.
Năm 2020, mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài ra, trong phát triển kinh tế, Việt Nam đã, đang và sẽ còn tiếp tục đối diện với nhiều áp lực về kiểm soát độc quyền kinh tế (nhà nước và tư nhân); bảo vệ quyền lợi người lao động; tăng cường bảo vệ môi trường và an sinh xã hôi; tình trạng chuyển giá, né và trốn thuế; sản xuất hàng giả, nhái, kém chất lượng; tội phạm buôn lậu núp bóng công ty trong cho vay nặng lãi và buôn ma túy, động vật quý hiếm…
Đồng thời, việc tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%). Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ, trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic còn cao. Đặc biệt, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng. Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới...
Triển vọng năm 2020
Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2020 của Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Việt Nam sẽ phấn đấu đạt 12 chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; Tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP; Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nợ công năm 2020 khoảng 54,3% GDP, thấp hơn nhiều mức 63,7% GDP cách đó 4 năm. Dù vậy, điều hành ngân sách còn tiếp tục gặp khó khăn, khi tỷ lệ huy động thuế, phí giảm dần và chưa đạt mục tiêu 21% GDP giai đoạn 2019 - 2020. Nguyên nhân là nguồn đóng góp từ dầu thô, xuất nhập khẩu giảm nhanh trong vài năm qua, từ mức 7,3% GDP năm 2015, xuống 4,5% năm 2016, dự kiến còn 4,2% 2019 và giảm tốc về 3,6% năm 2020. Thu từ một số lĩnh vực tăng trưởng cao trước đây đều giảm, trong đó, thu từ nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất giảm tới 19%, còn thu từ ngành than chỉ 8,2%... Mặt khác, thu nội địa một số thành phố lớn có điều tiết về ngân sách trung ương đều giảm, như Hà Nội năm 2020 giảm gần 10% so với 2017; TP HCM giảm hơn 3%, Bình Dương gần 8%...
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 có thể diễn ra với 2 kịch bản:
Kịch bản 1, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5 - 4,5%/năm. Năng suất lao động được cải thiện hơn với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm. Với kết quả này, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao.
Kịch bản 2, nếu Việt Nam có thể tận dụng được công nghệ trong CMCN 4.0 và thu hút đầu tư có sự cải thiện chất lượng, phát triển tốt nền tảng kinh tế hiện tại thì kỳ vọng GDP tăng trưởng có thể lên tới 7,5%/năm.
Các tổ chức và chuyên gia quốc tế thì thận trọng hơn khi dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ thấp hơn so với năm 2019, tương ứng 6,5% (theo WB) hoặc 6,7% (theo ADB).
Theo chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường ASEAN của HSBC, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2020 sau khi đạt được mục tiêu 6,7% trong năm nay. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, lần lượt ở mức 1,7% và 5,8% trong năm 2020, so với mức 2,1% và 6,2% sẽ đạt được trong năm 2019. Đồng thời, Việt Nam còn đang đối mặt với 4 thách thức về cải thiện cơ cấu xuất - nhập khẩu, giảm nhập khẩu quá nhiều từ thị trường Trung Quốc; kiểm soát lạm phát, với mức dự báo CPI lần lượt ở mức 2,7% và 3% trong năm 2019 và 2020; kiểm soát những rủi ro tài chính, nhất là nợ tiêu dùng tăng nhanh và thúc đẩy dịch chuyển dòng vốn vay chảy từ bất động sản sang những ngành công nghiệp, trong khi kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Tỉ lệ nợ công ở mức 61,3% GDP trong năm 2019 và 2020. Cán cân thanh toán dương cho phép Ngân hàng Nhà nước gia tăng dự trữ ngoại hối, nhờ đó, tỉ giá sẽ giữ ổn định trong năm 2020.
Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB, 5 lĩnh vực Việt Nam cần tập trung trong chu kỳ phát triển kinh tế mới: Cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia, không chỉ về mặt số lượng những công trình mà còn trong cả những yếu tố “mềm” hơn như các dịch vụ hậu cần và tính hiệu quả của những dịch vụ đó; Phát triển nguồn lực con người, tăng cường giáo dục thực chất từ các cấp độ để đào tạo kỹ năng mà các thị trường yêu cầu, trong đó đặc biệt là kỹ năng về sử dụng công nghệ; Tạo thêm nguồn lực tăng trưởng cho khu vực tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong nước; Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước và thể chế; Tạo ra các động lực tăng trưởng kinh tế có khả năng kháng chịu với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng của Việt Nam cần phải đạt chuẩn quốc tế của Hiệp ước Basel II vào đầu năm tới, bởi đây là chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro mà hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến từng bước áp dụng, nhằm tăng cường năng lực quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện nay, mới chỉ có khoảng 1/3 số ngân hàng của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hiệp ước Basel II và một số trong đó còn gặp vướng mắc về vấn đề vốn sở hữu nước ngoài hay thanh khoản. Việt Nam cần nhận thức và quan tâm đến thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa, tránh để đất nước rơi vào trường hợp bị đánh giá là đang lợi dụng những căng thẳng thương mại trên thế giới để cạnh tranh không công bằng. Những sản phẩm có giá trị gia tăng sản xuất tại Việt Nam phải được gắn mác rõ ràng để đề phòng trường hợp tái xuất bất hợp pháp; Các cuộc thanh kiểm tra tại các cảng hàng hóa xuất - nhập khẩu, sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành cũng là rất cần thiết để đảm bảo rằng sẽ không có hàng hóa của một nước thứ ba nào được “đội lốt” một cách trái phép và rời khỏi Việt Nam.
Dòng vốn ngoại được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ sự ổn định chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô, lợi thế giá nhân công rẻ; Đồng thời, sự căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cùng cơ hội từ những FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết như CPTPP, EVFTA..., khiến Việt Nam được xem là một đích đến của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ cấu kinh tế sẽ có sự chuyển dịch sâu sắc hơn theo hướng phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, trước hết với các nước thành viên tham gia FTA với Việt Nam. Các ngành du lịch, nông nghiệp, thủy, hải sản sẽ tiếp tục tăng trưởng thuận lợi.
Các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ đa dạng hơn, nhóm ngành dệt may, giày dép và gạo có khả năng cạnh tranh nhờ giảm hàng rào thuế quan và mua được nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm công.
Quá trình tái cơ cấu các DNNN và các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh hơn. Các hoạt động M&A cũng được thúc đẩy cả bề rộng và bề sâu, nhất là trong lĩnh vực bất động sản; sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng; ngân hàng và cả dệt may, chế tạo cơ khí...
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, nhất là xuất khẩu.
Thị trường hàng tiêu dùng sẽ có cải thiện với cơ cấu hàng hóa phong phú hơn, giá rẻ hơn và chất lượng từng bước được cải thiện. Hàng công nghệ thông tin tiếp tục đa dạng hóa và giảm giá nhanh do cạnh tranh và sự phát triển khoa học công nghệ.
Thị trường xuất khẩu lao động sẽ tiếp tục tăng mạnh và là một trọng tâm cải thiện việc làm và an sinh xã hội cho các vùng, đối tượng liên quan.
Thị trường bất động sản sẽ hình thành một chu kỳ đầu tư mới, với những điều chỉnh sâu về định hướng, quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn, với tiêu điểm nóng vẫn là phân khúc nhà ở xã hội và các căn hộ chung cư, mặt bằng kinh doanh giá hợp lý, ở vị trí thuận lợi, đủ cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội, được tiêu thụ theo phương thức cho thuê, “thuê - mua” và “mua - cho thuê” và được quản lý bởi các công ty ủy thác, khai thác chuyên nghiệp có trách nhiệm cao.
Thị trường chứng khoán năm 2020 không nhiều dư địa để tăng điểm, sau khi mức vốn hóa trên thị trường đã đạt 76,4% GDP vào cuối năm 2018 (về đích trước hạn 2 năm so với mục tiêu ban đầu ước chiếm 70% GDP vào năm 2020) và cuối quý III/2019, vốn hóa thị trường cho riêng nhóm cổ phiếu niêm yết đã đạt khoảng 195 tỉ USD, chiếm hơn 80% GDP. Động lực chủ yếu và kỳ vọng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt mốc 100% GDP năm 2020 là nỗ lực đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ở khối DNNN và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp tư nhân lớn (dự kiến các doanh nghiệp lớn Mobifone, VNPT, Agribank, VICEM... sẽ IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán với giá trị lên tới 8 tỉ USD). Ngoài ra, nhà đầu tư cũng kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được MSCI nâng hạng, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Khi đó, các quỹ ETF sẽ dễ dàng tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo dự đoán của VDSC, các ETF dựa trên các chỉ số mới như VN Diamond, VNFin Select và VNFin Lead hứa hẹn sẽ thu hút dòng tiền của khối ngoại. Dù vậy, nút thắt về sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài vẫn là yếu tố trở ngại cho việc nâng hạng. Ngoài ra, thị trường chứng khoán năm 2020 có thể đối diện với những rủi ro từ xu hướng tăng nhẹ lãi suất trung và dài hạn; đồng thời, triển vọng chung còn phụ thuộc vào kết quả triển khai Luật Chứng khoán sửa đổi; trong đó có việc nới room, bổ sung công cụ chứng khoán phái sinh, tăng cường minh bạch, tăng cung cho thị trường trái phiếu, đặc biệt là khả năng chuyển đổi tiền tệ...
Năm 2020, tái cấu trúc ngân hàng sẽ có bước tiến tích cực (nợ xấu toàn ngành đến tháng 8.2019 ở dưới 2%, tính cả tại VAMC là dưới 5%); Nhiều ngân hàng bước vào chuyển đổi số; Tuy nhiên, dòng vốn cho doanh nghiệp đang bị siết lại từ phía các tổ chức tín dụng do thách thức đặt ra trong quản trị theo yêu cầu Basel II ở nhiều ngân hàng và xử lý một số ngân hàng yếu kém với nợ xấu nhóm 4 - 5 còn cao.
Bối cảnh đó tạo áp lực buộc một số doanh nghiệp Việt tìm kiếm nguồn huy động vốn khác qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả phát hành trái phiếu quốc tế (theo Asia Bond Monitor, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng VND của Việt Nam đã đạt 4,3 tỉ USD vào năm 2018, tăng trưởng kép 66%/năm, giai đoạn 2014 - 2018. Trong đó, 30 doanh nghiệp như Vingroup, Masan, ACB, CII, BIDV, VPBank, Techcombank, REE, PAN... đã chiếm 85% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Để phát hành trái phiếu quốc tế, các doanh nghiệp phải được xếp hạng tín dụng, hiểu biết pháp lý và trình tự thủ tục để chuẩn bị hồ sơ, đợi phê duyệt thủ tục, tổ chức quảng bá, xúc tiến đầu tư, công bố, dựng sổ, định ra thị trường thứ cấp. Trong đó, quảng bá marketing rất quan trọng.
Về trung và dài hạn, Việt Nam cần nhiều hơn các đột phá thực chất về nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, gia tăng các động lực tăng trưởng mới; đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường; phát triển của khu vực tư nhân; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo chiều sâu và tận dụng tối đa các lợi ích, cơ hội từ hội nhập quốc tế và xu hướng CMCN 4.0...
Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số là chủ đề trọng tâm, mục tiêu ưu tiên và động lực phát triển mạnh mẽ hàng đầu của Việt Nam trong nhiều thập kỷ tới. Kinh tế số là một phần của nền kinh tế, trong đó gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp; với sự hội tụ loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...) trong bối cảnh CMCN 4.0. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng... Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019” (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, tại TPHCM, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỉ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, với trung bình 38%/năm so với 33% của cả khu vực tính từ năm 2015. Tổng giá trị giao dịch (GMV) trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 5 tỉ USD trong năm 2019, cao gấp 12,5 lần mức 0,4 tỉ USD của năm 2015 và sẽ tăng tới 23 tỉ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 49%. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến cũng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam. Ở Việt Nam, các công ty hàng đầu nền kinh tế số đang đi theo hướng ngược lại: mang đến thật nhiều dịch vụ trên cùng một ứng dụng, dù vẫn có dịch vụ kinh doanh cốt lõi để giữ chân người dùng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng lựa chọn hình thức cộng sinh, bắt tay hợp tác để mở rộng kho sản phẩm dịch vụ. Để đẩy mạnh ngành CNTT và viễn thông, cần thực hiện đổi mới, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm về việc phát triển ngành CNTT và viễn thông. Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển ngành CNTT và viễn thông. Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển ngành CNTT và viễn thông quốc gia đồng bộ, hiện đại. Có kiến trúc tổng thể hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm kết nối liên thông nhằm tránh phát triển thiếu định hướng, đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao, sự kết nối thiếu tính liên thông, không có tính kế thừa. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất. Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là nền tảng, là hạt nhân của chuyển đổi số. Phát triển công nghệ và công nghiệp ICT sẽ góp phần đưa Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển. Ngành thông tin và truyền thông Việt Nam sẽ đi đầu trong một số lĩnh vực. Trong các lĩnh vực cụ thể, cần định hướng phát triển bưu chính trong nền kinh tế số theo hướng thương mại điện tử, áp dụng mạnh mẽ công nghệ số, hình thành một số công ty lớn làm nòng cốt. Cùng với đó, sẽ phát hành sách tham khảo về kinh tế số và hoạt động bưu chính số toàn cảnh thế giới, xây dựng hệ thống mã bưu chính tới từng địa chỉ, hoàn thiện đề án cung cấp dịch vụ công qua hệ thống bưu chính... Đối với lĩnh vực viễn thông, yêu cầu tập trung chuyển dịch hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua giảm cước kết nối thoại; phổ cập smartphone, quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình tắt sóng 2G, 3G, thử nghiệm mobile money; xử lý các vấn nạn rác viễn thông... Về ứng dụng công nghệ thông tin, cùng với việc tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, Việt Nam sẽ ban hành các khung về Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, nghị định về đầu tư và thuê công nghệ thông tin; xây dựng các nghị định quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số, định danh và xác thực điện tử, thúc đẩy Chính phủ điện tử mà trọng tâm là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 với mục tiêu đạt 30% đến hết năm 2019. Ngành thông tin và truyền thông sẽ không chỉ sắp xếp, mà còn tạo cơ chế chính sách phát triển báo chí, nhằm nâng cao năng lực của 6 cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực đa phương tiện; đào tạo nhân lực báo chí, giải quyết tốt các phát sinh khi dự kiến đến 2025, cả nước còn 688 cơ quan báo chí. Trong công nghiệp ICT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, về “Make in Vietnam”. Theo đó, sẽ thúc đẩy phát triển các loại doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chuyển sang làm công nghệ, công nghiệp; các doanh nghiệp ICT cần hoạt động theo sứ mạng mới phát triển công nghệ Việt Nam chuyển đổi số cho đất nước theo hướng doanh nghiệp tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khác; doanh nghiệp start-up và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới. Bộ sẽ có quy định về thử nghiệm chính sách Sandbox, đặc khu về thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới; triển khai Trung tâm chính sách cho CMCN 4.0; thúc đẩy nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G để năm 2020 Việt Nam có thiết bị 5G.
Theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, Việt Nam đã xác định mục tiêu tổng quát: Tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0 để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2025: Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030: Duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Để Việt Nam chủ động phát triển kinh tế số và tham gia cuộc CMCN 4.0 cần: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia; Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực các ngành và công nghệ ưu tiên, tăng cường hội nhập quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội... Đồng thời, bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập, hỗ trợ an sinh và tái hòa nhập xã hội cho những tầng lớp yếu thế, dễ bị tổn thương, cũng như tăng cường bảo vệ môi trường sống trong quá trình phát triển kinh tế đất nước theo yêu cầu CMCN 4.0.
Cuộc CMCN 4.0 mà nòng cốt là chuyển đổi số sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội, quản trị quốc gia. Cùng với việc thay đổi tư duy cần thay đổi cả về thể chế để thể hiện rõ về việc coi kinh tế số là một trụ cột và chỉ có dựa vào kinh tế số và chuyển đổi số chúng ta mới đảm bảo được quá trình phát triển nhanh, bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực. Tầm vóc và vị trí quan trọng của kinh tế số đang gợi mở về Việt Nam cần thiết phải có một Bộ chuyên ngành để quản lý và làm bệ phóng cho kinh tế số cất cánh (Thái Lan đã thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế số; Các quốc gia G20 thì giao cho các Bộ, ban, ngành quản lý kinh tế số, trong đó 60% giao cho Bộ Thông tin truyền thông, 20% giao cho Bộ Thương mại, 20% còn lại giao cho Bộ Khoa học công nghệ).
Năm 2020, có nhiều kỳ vọng mới vào động lực tăng trưởng kinh tế tích cực hơn cho nền kinh tế cả từ việc thông qua các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA); từ việc EU rút thẻ vàng ngành thủy sản Việt Nam và từ việc Việt Nam tiếp tục ký tham gia nốt 2/8 công ước còn lại của Tổ chức lao động quốc tế.
Xuất khẩu dịch vụ phải là mục tiêu và động lực của năm 2020. Việt Nam tự hào năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu hàng hóa, nhưng chưa có năm nào cả nước xuất siêu dịch vụ. Ngay cả niềm tự hào ngầm rằng có Mỹ là thị trường xuất khẩu và xuất siêu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, thì Việt Nam cũng luôn nhập siêu dịch vụ từ Mỹ. Nhập siêu dịch vụ tăng nhanh cùng với đà tăng xuất nhập khẩu hàng hóa vì trên 80% thị phần vận chuyển hàng biển, dù xuất hay nhập khẩu, cũng là do các hãng nước ngoài đảm nhận. Nhập siêu dịch vụ tăng mạnh cùng đà tăng của hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm, do thị phần hàng không của Việt Nam, dù bay ra hay bay vào, cũng đa phần do hãng hàng không nước ngoài đảm nhận. Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, so với 12,6 tỷ USD ở Indonesia; 18,4 tỷ USD ở Singapore và 52,5 tỷ USD ở Thái Lan. Theo số liệu thống kê năm 2018 của Master Card, trung bình, du khách tại Bangkok chi tiêu mỗi ngày khoảng 173USD (so với chỉ tiêu 96 USD mỗi ngày ở Việt Nam) do các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt ngày đêm ở đây…Việt Nam được xếp thứ 24/141 quốc gia về tài nguyên du lịch, nhưng chỉ đứng thứ 75/141 về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu, mặc dù đã có nhiều chủ trương và chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn... Các dịch vụ du lịch và tài chính - ngân hàng quốc tế và phục vụ ngoại giao đoàn hạn chế, nghèo nàn và ít giá trị gia tăng cũng làm chậm tăng các thu nhập từ xuất khẩu dịch vụ tại chỗ của Việt Nam và mất cơ hội cân bằng cán cân thanh toán dịch vụ tổng thể của nước ta. Sự thiếu vắng dịch vụ logicstics, bảo quản và chế biến nông sản nông nghiệp là căn nguyên của tình trạng hư hỏng và thất thoát tới 30% sản lượng nông sản; kéo dài tình trạng “được mùa mất giá” và hạ giá bán nông sản tại đầu bờ chỉ bằng 1/3 giá tại chợ và thậm chí bằng 1/10 giá xuất khẩu.
Về triển vọng, Việt Nam cần chủ động quy hoạch và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển chuỗi các cơ sở dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho cả cộng đồng người dân trong nước và người nước ngoài... Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin cập nhật, rõ ràng và chính xác danh mục địa chỉ và giá cả những dịch vụ chất lượng cao; tổ chức những hoạt động xúc tiến thị trường rộng rãi cả trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Xuất khẩu dịch vụ (trước hết, trong các dịch vụ chính phủ, dịch vụ du lịch, tài chính, vận tải và kinh doanh công nghệ cao khác, như dịch vụ viễn thông, máy tính và thông tin, dịch vụ tư vấn, bảo hiểm và hưu trí, dịch vụ sở hữu trí tuệ…) phải được coi là mục tiêu và động lực mới của năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới, như CPTPP và cả EVFTA. Điều đó không chỉ giúp cân bằng cán cân thanh toán thương mại hàng hóa - dịch vụ chung, mà còn trực tiếp góp phần phát triển sản xuất công, nông nghiệp, cải thiện cơ cấu kinh tế và khai phá các thị trường tiềm năng trị giá hàng trăm tỷ USD trong và ngoài nước; giúp người dân bớt tâm lý sính ngoại, cải thiện chất lượng sống, cải thiện việc làm, thu nhập, tạo sức hút vốn đầu tư và du khách nước ngoài tìm đến Việt Nam khám phá, trải nghiệm và gửi gắm niềm tin.
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn và bất trắc khó lường, để bảo đảm thành công, theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, các ngành cần nghiêm túc thực hiện 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Quốc hội đề ra cho năm 2020, với mục tiêu tổng quát là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Năm 2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ sẽ tập trung hành động tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể về thể chế để khai thông, giải phóng tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá trong các ngành, lĩnh vực. Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm tổ trưởng với sự tham gia của các bộ cho nhiệm vụ rà soát và xử lý các vướng mắc về thể chế, chính sách, phân cấp mạnh mẽ, giao quyền chủ động cho ngành, địa phương tốt hơn nữa, nhất là cho địa phương, hạn chế xin cho, đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ để tiếp tục đổi mới sáng tạo, cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho sự phát triển, giải phóng được nguồn lực, giải phóng sức sản xuất.
Dự kiến 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2020 là:
(1) Công tác thể chế: đẩy mạnh đổi mới, cải cách trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường các chính sách khơi thông nguồn lực; tập trung chỉ đạo thực thi pháp luật nghiêm minh.
(2) Điều hành chính sách vĩ mô linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; phát huy mạnh mẽ vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; chỉ đạo quyết liệt tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.
(3) Bảo đảm sự gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
(4) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
(5) Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Thực hiện tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN; thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
(6) Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc; chuẩn bị tốt mọi mặt cho đại hội Đảng các cấp và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử Hội đồng dân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Quốc hội khóa XV.
Trên cơ sở 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành, dự kiến xây dựng 42 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được sắp xếp trong 10 nhóm. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là về thể chế gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp.
Về điều hành vĩ mô gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp; về đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp.
Về huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị gồm 5 nhiệm vụ, giải pháp; về tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, gồm 2 nhiệm vụ, giải pháp.
Về phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế gồm 9 nhiệm vụ, giải pháp; về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường gồm 3 nhiệm vụ, giải pháp.
Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gồm 3 nhiệm vụ, giải pháp.
Về củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế gồm 3 nhiệm vụ, giải pháp.
Về đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp gồm 2 nhiệm vụ, giải pháp.
TS. Nguyễn Minh Phong
ThS. Nguyễn Trần Minh Trí
TCNH số 3/2020