CHI PHÍ CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG GIẢM ĐÁNG KỂ KHI CIC GIẢM GIÁ DỊCH VỤ
Kể từ ngày 1/9/2018, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) chính thức áp dụng chính sách giảm giá dịch vụ thông tin tín dụng đối với tất cả các sản phẩm, dịch vụ do CIC xây dựng và cung cấp cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), tổ chức tự nguyện có tham gia chia sẻ thông tin tín dụng. Theo đó, mức giảm bình quân là 20% so với mức giá hiện hành.
Đây là lần giảm giá thứ hai liên tiếp trong năm 2018 của CIC. Trước đó, ngày 15/1/2018, CIC đã giảm 12% giá toàn bộ sản phẩm do CIC thiết kế.
Việc giảm giá dịch vụ của CIC phù hợp với định hướng, chỉ đạo của NHNN để đồng hành cùng hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc giảm chi phí hoạt động, qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp.CIC giảm giá dịch vụ sẽ tạo điều kiện để các TCTD khai thác hiệu quả hơn kho dữ liệu của CIC với chi phí giảm đáng kể
Ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển của CIC lưu ý thêm, việc CIC giảm giá dịch vụ, đồng thời áp dụng một số giải pháp khác, sẽ tạo điều kiện để các TCTD khai thác hiệu quả hơn kho dữ liệu của CIC với chi phí giảm đáng kể.Bởi vì, giảm giá sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng được CIC tiến hành song song với việc áp dụng các phương thức cung cấp thông tin mới tiên tiến, trực tiếp từ hệ thống của CIC tới hệ thống phê duyệt tín dụng tập trung, hệ thống phân loại nợ, quản trị rủi ro của các TCTD. Điều này đã tạo điều kiện cho các TCTD rút ngắn thời gian tra cứu thông tin, giảm chi phí và đặc biệt giảm thiểu rủi ro do tác động của yếu tố con người, cải thiện tính minh bạch trong hoạt động đánh giá tín dụng.
Không chỉ giảm được chi phí đầu vào do giảm giá dịch vụ tra cứu thông tin tín dụng, các TCTD còn được chủ động lựa chọn và đặt yêu cầu các gói sản phẩm thông tin tín dụng linh hoạt hơn, phù hợp với từng loại đối tượng khách hàng vay và sản phẩm tín dụng của mình. Bên cạnh đó, TCTD còn lưu trữ và sử dụng được các thông tin lịch sử đã tra cứu từ CIC, qua đó giảm được chi phí phát sinh trong hoạt động.Đặc biệt trong lần giảm giá này, CIC áp dụng chính sách ưu đãi đối với một số tổ chức. Theo đó, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức giá dịch vụ thông tin tín dụng chỉ bằng 20% với mức giá sản phẩm tương ứng cấp cho các TCTD; Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng mức giá bằng 50% so với mức giá sản phẩm dịch vụ tương ứng áp cho các TCTD.
Mặc dù CIC hoàn toàn có thể miễn phí 100% cho những đối tượng này. Tuy nhiên đây là lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên, gồm chủ thể thông tin (khách hàng vay), TCTD và cả CIC, nên để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc khai thác và sử dụng thông tin, CIC vẫn tiến hành thu phí, nhưng với mức giá thấp, chỉ bằng 1/5 giá của các NHTM (khoảng 4.000 – 5.000 đồng/báo cáo tín dụng).
Cũng theo ông Lê Anh Tuấn thì việc giảm giá sản phẩm của CIC sẽ khiến lượng truy cập khai thác thông tin tăng mạnh. Tính từ lần giảm giá 12% trước đó của CIC, ngày 15/1/2018, đến nay, lượng truy cập khai thác thông tin lên tới trên 20 triệu báo cáo, tăng gần 50% so với cùng kỳ. Vì vậy, với đợt giảm giá lần này, dự kiến lượng truy cập có thể sẽ tăng thêm khoảng 30% nữa, khi các quỹ tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tài chính vi mô tham gia khai thác thông tin nhiều hơn từ CIC.
Được biết, từ năm 2018, CIC đưa toàn bộ hệ thống công nghệ mới theo chuẩn quốc tế từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới vào hoạt động, do vậy tính tự động của các quy trình nghiệp vụ tăng cao. Bên cạnh đó, số lượng tra cứu thông tin của TCTD tăng lên đáng kể. Đây cũng được xem là cơ sở để CIC thực hiện giảm giá sản phẩm của mình.
CIC cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, hiện đại hóa hệ thống công nghệ, cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin tín dụng trong thời gian tới để duy trì sự ổn định và tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy TCTD khai thác thông tin nhanh, hiệu quả, vừa góp phần giảm chi phí hoạt động của TCTD, vừa đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng theo mục tiêu của Chính phủ và NHNN.
Đặc biệt, việc giảm giá sản phẩm của CIC còn mang lại lợi ích thiết thực hơn cho khách hàng vay khi mà CIC đang miễn phí toàn bộ cho khách hàng vay tra cứu thông tin tín dụng tại CIC, từ đó thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng của các khách hàng. Bởi khi các TCTD và khách hàng vay có đủ thông tin, lịch sử tín dụng thì quá trình đánh giá, phê duyệt tín dụng sẽ nhanh chóng và minh bạch hơn. Khách hàng nào có thông tin tốt, rõ ràng thì cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí thấp hơn và ngược lại khách hàng nào có thông tin chưa tốt thì phải cải thiện tín nhiệm tín dụng của mình để tiếp cận các nguồn vốn từ TCTD.
Ý kiến một số chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãnh đạo TCTD
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Giúp ngân hàng tiết giảm chi phí
Động thái giảm phí dịch vụ của CIC là thông tin tích cực giúp ngân hàng cân đối bài toán chi phí. Qua đấy một phần nào đó có thể tạo cơ sở cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay dù mức độ không nhiều, tạo điều kiện để các khách hàng vay tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch trên thị trường.
Trong thời gian qua, CIC cũng đã khẳng định vai trò quan trọng giúp minh bạch hóa thông tin tín dụng của khách hàng, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng, cũng như tăng hiệu quả cho vay. Không chỉ về phía ngân hàng, việc đăng ký tín dụng tại CIC tự nguyện cũng giúp khách hàng vay biết được mức độ tín nhiệm và tình trạng tín dụng của bản thân để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, giảm thiểu thủ tục, hồ sơ, thời gian trong quá trình vay vốn… Ở góc độ này có thể thấy, CIC góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
TS., LS. Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight: Tăng khả năng cạnh tranh tiếp cận thông tin tín dụng
Việc CIC thực hiện giảm giá dịch vụ thông tin tín dụng từ ngày 1/9/2018 với tất cả sản phẩm, dịch vụ do CIC xây dựng và cung cấp cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tự nguyện có tham gia chia sẻ thông tin tín dụng giúp cho các ngân hàng mạnh dạn hơn trong quá trình tiếp cận thông tin từ CIC.
Động thái giảm giá lần thứ hai này của CIC, sau đợt giảm giá đầu tiên vào ngày 15/1/2018 (giảm 12% giá toàn bộ sản phẩm do CIC thiết kế) phù hợp với định hướng của NHNN nhằm mục tiêu hỗ trợ hệ thống ngân hàng Việt Nam tiết giảm chi phí hoạt động, từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, giúp DN và cá nhân thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng minh bạch từ các TCTD.
Khi các ngân hàng thẩm định hồ sơ của khách hàng, thông tin hẳn nhiên phải lấy từ CIC. Song ở khía cạnh khác, trong vấn đề cung cấp thông tin, chúng ta cũng cần nhìn nhận về bài toán kinh tế thị trường. Trong xu thế thông tin đòi hỏi ngày càng minh bạch, các tổ chức cung cấp thông tin tín dụng không những cạnh tranh về giá dịch vụ, mà còn ở việc thông tin cung cấp phải đầy đủ, chính xác. Thời buổi ngày nay, thông tin càng lúc càng được công nghệ hoá, các gói thông tin ngày càng dồi dào, giá thành rẻ hơn, CIC chắc chắn không đứng ngoài sự cạnh tranh với các tổ chức cung cấp thông tin tín dụng khác sẽ được thành lập trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB: Thông tin của CIC ngày càng chất lượng
Việc CIC giảm phí dịch vụ cung cấp sẽ giúp ngân hàng giảm được chi phí hoạt động. Nhất là trong điều kiện hiện nay, thông tin CIC là thông tin bắt buộc phải có khi ngân hàng thẩm định đánh giá khoản tín dụng dù lớn hay nhỏ. Đối với khoản lớn tác động không nhiều, nhưng đối với khoản nhỏ như cho vay tiêu dùng từ 200 triệu đồng trở xuống, cho vay qua thẻ tín dụng… thì tôi cho rằng cũng rất có ý nghĩa. Bởi chi phí của CIC được cấu thành trong giá các khoản tín dụng.
Đánh giá một cách tổng quát, thông tin của CIC có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Chất lượng thông tin của CIC càng ngày càng tốt. Theo đó, thông tin từ CIC có tác động cả hai chiều. Thứ nhất làm cho môi trường tín dụng minh bạch, các ngân hàng có đầy đủ thông tin đánh giá của khách hàng. Còn chiều thứ hai là khi thông tin rõ ràng minh bạch khả năng tiếp cận tín dụng của DN tốt hơn.
Ngoài yêu cầu bắt buộc phải lấy thông tin từ CIC, nhưng bản thân ngân hàng thấy đây là nguồn thông tin rất hữu ích cần phải tham khảo. Có thể ngân hàng phân tích được thực trạng kinh doanh của DN trên báo cáo tài chính. Nhưng báo cáo này chỉ phản ánh tương đối tình trạng của DN mà chủ yếu là trong quá khứ. Chưa kể có những báo cáo tài chính không theo quy chuẩn nên không phản ánh hết tình hình hoạt động của DN. Trong khi thông tin của CIC cung cấp cho ngân hàng đầy đủ từ lịch sử quan hệ tín dụng, trả nợ của các khách hàng giúp cho ngân hàng nhận diện được những DN tốt, giảm thiểu rủi ro
tín dụng…
Tôi cho rằng đối với ngân hàng, quan trọng nhất là lịch sử trả nợ của khách hàng để từ đó đánh giá được cam kết cao và khả năng trả nợ của khách hàng trong quá khứ. Thực tế là không phải khách hàng nào cũng muốn tập trung nguồn lực để trả nợ ngân hàng mà có những đối tượng khách hàng có nguồn tài chính nhưng không muốn trả nợ. Nhờ có thông tin DN tốt từ CIC cung cấp, ngân hàng giảm thiểu được thủ tục hồ sơ cho khách hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB: Hoan nghênh sự chia sẻ của CIC
Ngân hàng hoan nghênh khi CIC giảm phí dịch vụ liên tiếp trong thời gian vừa qua để chia sẻ với ngân hàng trên tinh thần chỉ đạo của Thống đốc về việc hỗ trợ ngân hàng giảm chi phí hoạt động. Điều đó cũng thể hiện trách nhiệm một tổ chức phi lợi nhuận chủ yếu hỗ trợ đảm bảo cung cấp thông tin để TCTD có cơ sở đưa ra quyết định tín dụng phù hợp.
Hiện nay, một trong những khâu quan trọng giúp ngân hàng nâng cao chất lượng thẩm định là lấy thông tin qua CIC.
Thanh Thủy
Nguồn: TCNH số 18-2018