Quá trình phát triển ngoạn mục cả về số lượng và chất lượng của công nghệ thanh toán điện tử ở Việt Nam luôn song hành cùng sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin viễn thông trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Dịch vụ thanh toán điện tử với các tiện ích đa dạng, vượt trội các dịch vụ thanh toán truyền thống, đồng thời ngày càng trở nên phổ biến, dễ dàng tiếp cận đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội đang là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức để các ngân hàng thương mại (NHTM) nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần cung ứng dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam. Cơ sở nền tảng để phát triển dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam không chỉ là sự phát triển nhanh chóng hạ tầng mạng lưới thiết bị công nghệ viễn thông mà còn là sự củng cố và phát triển đáng kể cả về lượng và chất cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng như khuôn khổ pháp lý liên quan được từng bước sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn.
1. Mức độ sẵn sàng về điều kiện hạ tầng kỹ thuật - công nghệ
i) Mạng lưới hạ tầng viễn thông, internet, điện thoại thông minh với kết nối 3G, wifi trong thời gian qua đã nhanh chóng phát triển và trở nên phổ cập rộng rãi trên toàn quốc. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 12/2014, số lượng thuê bao internet băng rộng ở Việt Nam đạt 11.923.000 thuê bao, trong đó có 6.980.000 thuê bao băng rộng cố định, 4.943.000 thuê bao băng rộng di động; thuê bao 3G đạt 20% của 138.630.000 điện thoại di động. Hiện nay, tỷ trọng người dân Việt Nam sử dụng internet mỗi ngày đạt bình quân khoảng 30% tổng dân số và theo dự báo đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 45-50%. Internet và các thiết bị điện tử viễn thông đã hỗ trợ tích cực thúc đẩy thương mại điện tử phát triển: khoảng 58% số người sử dụng Internet đã tham gia mua hàng trực tuyến và theo đại diện lãnh đạo Bộ Công thương tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) thì ước tính trong số hơn 120 triệu thuê bao di động hiện nay ở Việt Nam có gần hai phần ba khách hàng sử dụng smartphone để mua hàng trực tuyến. Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 của Bộ Công Thương cho thấy, mua bán trực tuyến đã phát triển rất nhanh thời gian qua với doanh thu B2C năm 2014 đạt gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện nay vẫn còn đang phổ biến tình trạng thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng mua trực tuyến; theo khảo sát 2014 của Bộ Công thương thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong thanh toán các giao dịch mua hàng trực tuyến, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay với tỷ trọng khoảng 64%. Thực tế này đặt ra thách thức cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT) ở Việt Nam cần tranh thủ tận dụng điều kiện cơ sở hạ tầng sẵn có của mạng lưới viễn thông với nguồn cung dồi dào các thiết bị điện tử hiện đại, giá cả hợp lý trên thị trường Việt Nam hiện nay như máy tính bảng, điện thoại thông minh có các ứng dụng hỗ trợ thuận lợi để phát triển và cung ứng các dịch vụ thanh toán điện tử như mobile banking, mobile payment mang lại cho khách hàng nhiều lựa chọn phong phú các kênh giao dịch thanh toán điện tử.
Hiện nay, tại Việt Nam, có khoảng 60 TCCUDVTT triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet và gần 40 TCCUDVTT cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Xu hướng thanh toán điện tử qua internet và điện thoại di động ngày càng trở nên phổ biến và gia tăng cả về giá trị lẫn số lượng giao dịch. Dịch vụ thanh toán qua internet banking, tuy mới phát triển từ năm 2009 đến nay, nhưng đã nhanh chóng khẳng định được vị thế quan trọng trên thị trường với những thành công ở các tính năng cơ bản ban đầu (truy vấn thông tin, xem số dư, nạp tiền điện thoại…) cho đến việc hỗ trợ thêm các dịch vụ gia tăng (chuyển tiền liên ngân hàng, thanh toán thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng…) và cung ứng các dịch vụ cao cấp hơn như chuyển tiền theo lô, quản lý danh bạ thụ hưởng, cá thể hóa giao diện với khách hàng… Dịch vụ thanh toán dựa trên kết nối trực tuyến với các nhà cung cấp hàng hóa cũng được mở rộng khắp mọi nơi, giúp cho khách hàng mọi nơi, mọi lúc có thể mua hàng qua mạng, thanh toán hóa đơn (tiền điện, nước, học phí…), nạp tiền điện tử, sử dụng dịch vụ tài chính bảo hiểm, kết nối thanh toán chứng khoán…, từ đó thị phần và hiệu quả kinh doanh của các NHTM được cải thiện đáng kể. Một giao dịch được xử lý trong vòng trên dưới một phút, thông qua máy tính cá nhân, máy tính bảng, hay đơn giản hơn là chiếc điện thoại đi động sẽ đáp ứng được yêu cầu tiện lợi của khách hàng, đồng thời giúp ngân hàng dễ dàng tiếp cận với khách hàng và khách hàng sẽ hài lòng hơn với dịch vụ ngân hàng. Hiện đang thịnh hành xu hướng dịch chuyển dần từ máy tính sang điện thoại di động, giúp người sử dụng có thể thao tác nhanh gọn khi thanh toán. Phạm vi phổ biến của điện thoại di động đã vượt qua mọi rào cản về địa lý và đối tượng người dùng trên toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Người tiêu dùng hiện nay luôn mong muốn tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng thông qua điện thoại di động và các thiết bị cầm tay do tính năng tiện lợi, có thể tiếp cận mọi nơi mọi lúc, thay vì qua các kênh giao dịch ngân hàng truyền thống khác luôn bị giới hạn về cả không gian và thời gian.
Trong thực tiễn, một số NHTM đã bước đầu triển khai thành công các dịch vụ hiện đại để phục vụ thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác như học phí, phí giao thông không dừng… Ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử giúp các NHTM tự động hóa nhiều quá trình xử lý tác nghiệp, hỗ trợ cung cấp các thông tin quản lý giúp cho việc ra quyết định một cách nhanh chóng, điện tử hóa chứng từ và lưu giữ chứng từ…
Sự hiện diện của các tổ chức công nghệ thông tin đóng vai trò bên thứ ba cung cấp giải pháp hỗ trợ dịch vụ thanh toán xuất hiện ngày càng nhiều, được xem như một xu hướng mới nổi trên thị trường dịch vụ thanh toán vào những năm cuối của thập kỷ 21, cho thấy sự chuyên môn hóa ngày càng cao trong các nghiệp vụ ngân hàng cũng như sự kết hợp ngày càng khăng khít giữa tổ chức công nghệ và NHTM giúp gia tăng không ngừng chủng loại, chất lượng và sự tinh tế của sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng.
ii) Hạ tầng kỹ thuật thanh toán điện tử của toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam từ hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), hệ thống thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng cho đến các hệ thống thanh toán nội bộ core banking của các NHTM; hệ thống quản lý và thanh toán dịch vụ công được kết nối với ngân hàng của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước đã tạo cơ hội và điều kiện hạ tầng kỹ thuật – công nghệ để các NHTM, TCCUDVTT triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán phong phú đa dạng, nhiều tiện ích. Khách hàng có thể thực hiện dịch vụ chuyển tiền tại nhà, nộp thuế qua kênh điện tử (theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, ước tính trong năm 2015 tổng số tiền nộp thuế vào khoảng 45 tỷ USD, trong đó trên 90% là thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thực tế thanh toán thuế trực tuyến chỉ vào khoảng 30%).
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng ngày càng được mở rộng và nâng cấp hiện đại hóa, hiện đã kết nối 359 đơn vị thành viên, trong đó có 66 đơn vị trực thuộc NHNN. Theo số liệu thống kê trong năm 2015, IBPS đã xử lý gần 62 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt 49,38 triệu tỷ đồng – tương đương gần 11,8 lần GDP. Tính đến hết tháng 5 năm 2016, IBPS đã xử lý hơn 30 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt 18 triệu tỷ đồng.
Hệ thống thanh toán nội bộ các NHTM đã có sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến trên nền tảng hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), cho phép các NHTM xử lý nhanh chóng, chính xác các giao dịch thanh toán giữa các chi nhánh của cùng NHTM, đồng thời có thể cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Bên cạnh đó, các NHTM cũng hết sức chú trọng nâng cấp, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán thẻ: đến cuối tháng 12/2015, cả nước có khoảng 16.855 ATM và gần 217.600 POS/EDC được lắp đặt, sử dụng.
Dưới sự chỉ đạo của NHNN, các công ty chuyển mạch thẻ đã hoàn thành kết nối liên thông hệ thống ATM, liên thông mạng lưới POS trên phạm vi toàn quốc. Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và Công ty dịch vụ thẻ Smartlink đã hoàn thành sáp nhập để hình thành Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán thẻ, đồng thời áp dụng chính sách thống nhất và mang lại lợi ích tối đa cho người sử dụng.
2. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và thanh toán điện tử
Trong năm 2015, các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đã phát triển khá thuận lợi, một mặt nhờ ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử và phát triển thương mại điện tử, mặt khác được hỗ trợ bởi khuôn khổ pháp lý về thanh toán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng đã được củng cố và hoàn thiện thêm một bước với việc xây dựng và ban hành các Thông tư của NHNN về thanh toán:
- Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 về Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại TCCUDVTT;
- Thông tư 33/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định một số trường hợp được thanh toán bằng tiền mặt của các tổ chức sử dụng vốn nhà nước;
- Thông tư 35/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN;
- Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán;
- Thông tư 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cũng đã được củng cố, hoàn thiện thêm một bước với:
- Chương trình Phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 và Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/10/2015.
- Thỏa thuận ghi nhớ liên Bộ (Bộ Tài chính - Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước) về “Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ” được đại diện ba Bộ ký tại Diễn đàn Thanh toán điện tử ngày 16/12/2015.
Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp lý riêng quy định đầy đủ về quy trình cung ứng các dịch vụ ngân hàng điện tử, tiền điện tử để tạo dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, thống nhất cho việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Căn cứ vào Luật các TCTD và Luật NHNN, Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101) đã đưa ra các quy định mang tính khuôn khổ về các dịch vụ trung gian thanh toán và điều kiện cung ứng dịch vụ cũng như quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp, thu hồi và cấp lại Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Điều 5.3; Điều 15 và Điều 16. Để hướng dẫn thực hiện Nghị định 101, các Thông tư của Thống đốc NHNN như Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 về Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại TCCUDVTT (Thông tư 23), Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (Thông tư 39) và Thông tư 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (Thông tư 46) đưa ra quy định về điều kiện khuôn khổ mang tính nguyên tắc chung, đã tạo ra hành lang pháp lý cơ bản, quan trọng cho các TCCUDVTT khi cung ứng dịch vụ thanh toán giao dịch bằng phương tiện điện tử ở Việt Nam.
Thông tư 39 hướng dẫn chung về dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, cổng thanh toán điện tử) và dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (hỗ trợ thu hộ, chi hộ; hỗ trợ chuyển tiền điện tử và ví điện tử); đồng thời cũng đưa ra các quy định về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan.
Để hoàn thiện thêm một bước khuôn khổ pháp lý hỗ trợ phát triển thanh toán điện tử, theo chỉ đạo của Chính phủ, sau khi xin ý kiến các Bộ, ngành và các bên liên quan khác, NHNN là cơ quan đầu mối đã tổng hợp sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 nên nghiên cứu theo hướng sau để trình Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới:
Một là, bổ sung quy định theo phương thức liệt kê cụ thể các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để có quy định pháp lý phân biệt rõ ràng giữa phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, việc liệt kê cụ thể các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như séc, lệnh chi,... thẻ ngân hàng sử dụng trong thanh toán là rất quan trọng để thực hiện vai trò quản lý nhà nước về các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế; cũng như làm cơ sở để đưa ra các quy định “không thừa nhận” những phương tiện thanh toán khác.
Hai là, quan niệm đối với sản phẩm “Bitcoin”, “Onecoin”... mà dư luận xã hội gọi là “tiền ảo” cũng còn khác nhau, không rõ ràng. Theo quy định của Luật NHNN và các văn bản pháp luật khác liên quan của Việt Nam đều không có khái niệm “tiền điện tử” và “tiền ảo” - đây không phải là tiền thật sự, không được pháp luật thừa nhận là tiền hợp pháp ở Việt Nam mà chỉ đơn giản là một loại tài sản có giá trị nhất định và khi được đem mua bán, chuyển nhượng thì trở thành một loại hàng hóa có giá trị theo cung cầu thị trường. Dự thảo Nghị định sửa đổi là văn bản dưới Luật NHNN, tập trung hướng dẫn thi hành Luật nên sẽ không đưa thêm nội dung chưa được quy định tại Luật NHNN, do đó không đưa các khái niệm này vào Nghị định.
Ba là, về nội dung thẻ mua hàng có liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung: Về bản chất, thẻ mua hàng chủ yếu được các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát hành, (i) được lưu hành trong phạm vi hẹp xác định trước, (ii) không phải là vật ngang giá chung để trao đổi mọi loại hàng hóa, dịch vụ và (iii) không do ngân hàng phát hành nên việc quản lý phát hành thẻ mua hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương là hợp lý. Do vậy, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 sẽ không quy định về nội dung thẻ mua hàng.
Đồng hành với đó là định hướng của NHNN trong việc tích cực triển khai phát triển dịch vụ thanh toán POS trên thiết bị điện thoại di động mPOS kết hợp với sắp xếp, hợp lý hóa mạng lưới POS đã được lắp đặt, phát triển thanh toán mPOS để một mặt nâng cao số lượng, giá trị giao dịch thanh toán; mặt khác đưa dịch vụ thanh toán qua POS trở thành thói quen không chỉ của người dân thành thị mà còn lan rộng đến các địa bàn nông thôn rộng khắp kể cả những vùng sâu, vùng xa – phục vụ chủ trương chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước. Cụ thể:
- Ban Chỉ đạo phát triển POS các tỉnh, thành phố chỉ đạo các NHTM trên địa bàn sắp xếp lại, bố trí hợp lý mạng lưới POS đảm bảo hoạt động một cách hiệu quả, thực chất; triển khai lắp đặt thêm POS, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán qua POS; nghiên cứu, triển khai mở rộng đến các lĩnh vực tiềm năng như bệnh viện, trường học, dịch vụ công, chợ đầu mối, hộ tiểu thương…; phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng triển khai dịch vụ thanh toán thẻ qua mPOS nhằm phát triển nhanh các đơn vị chấp nhận thẻ mới.
- Yêu cầu các đơn vị chấp nhận thẻ niêm yết công khai và nghiêm túc thực hiện cam kết chấp nhận thanh toán tất cả các loại thẻ và không thu phụ phí của khách hàng khi thanh toán bằng thẻ; tổ chức kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các vi phạm về thanh toán qua POS theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
- Nghiên cứu, phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe bus, đi taxi...); đẩy mạnh liên kết với các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ thanh toán theo định kỳ, thường xuyên để mở rộng mạng lưới, nâng cao các tiện ích thanh toán qua POS.
Liên quan tới mục tiêu phát triển thanh toán điện tử tại các điểm bán lẻ, số lượng POS được lắp đặt đã tăng nhanh nhưng số lượng giao dịch qua POS lại chưa cao. Để đạt được mục tiêu nâng dần số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua POS, đưa thanh toán qua POS trở thành thói quen của các chủ thẻ rất cần có những biện pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, mà cụ thể ở đây là sự phối kết hợp giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để tạo ra động lực cho các điểm bán lẻ tích cực hưởng ứng thanh toán bằng thẻ qua POS lắp đặt tại cửa hàng.
3. Một số xu hướng thúc đẩy phát triển dịch vụ thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mới
Dịch vụ công
Theo Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/10/2015, trong năm 2015 tỷ lệ doanh nghiệp khai nộp thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 98%, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537
giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng giao dịch trong thực tế còn chưa được như kỳ vọng. Để cải thiện tình hình này, theo Ngân hàng Nhà nước, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có sự đồng bộ, kết nối liên thông giữa hệ thống thông tin dữ liệu của Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán của các ngân hàng. Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên để hỗ trợ doanh nghiệp sau khi đăng ký có thể nộp thuế điện tử dễ dàng, thuận tiện hơn.
Theo đại diện Lãnh đạo Bộ Tài chính nên xem xét chuyển cơ chế, hạ mức được phép khấu trừ chi phí của doanh nghiệp khi thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng như hiện nay xuống 5 triệu đồng. Đây sẽ là công cụ mạnh nhất thúc đẩy thanh toán điện tử bởi về công nghệ, hạ tầng thanh toán của Việt Nam đã cho phép điều này. Hơn nữa, Nhà nước nên có chính sách hướng đến hóa đơn điện tử, bởi đây là tiền đề bắt buộc để phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam. Ngoài ra, với các ngân hàng tham gia thanh toán điện tử, theo đại diện ngành Tài chính, có thể đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép dùng 10% quỹ khoa học công nghệ của các NHTM để hỗ trợ cho các đối tác của mình.
Đứng từ góc độ hỗ trợ thu thuế điện tử thì ngành Tài chính là một trong những khách hàng tiềm năng lớn của thanh toán điện tử tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2015, tổng số tiền nộp thuế khoảng 45 tỷ USD, trong đó trên 90% là thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng thực tế thanh toán thuế điện tử mới chỉ chiếm khoảng 30%. Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những khách hàng rất tiềm năng đối với thanh toán điện tử với số lượng trên 500.000 doanh nghiệp; 1,3 triệu hộ kinh doanh thường xuyên, hơn 100.000 người không kinh doanh nhưng nộp thuế thường xuyên; 4,7 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân và trên dưới 10 triệu hộ phải thường xuyên nộp thuế phi nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong số đó phần doanh thu đến từ thanh toán trực tuyến lại khá hạn chế với chỉ khoảng 5%. Do đó, theo Ngân hàng Nhà nước, một trong những yêu cầu đặt ra là cần có sự kết nối, tích hợp tốt hơn giữa các website thương mại điện tử với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng để khách mua hàng, thanh toán trực tuyến dễ dàng, thuận lợi và an toàn.
Xu thế tiêu dùng mới
Với kết cấu dân số trẻ, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là những người thông minh trong thời đại số, sẵn sàng tiếp cận và học hỏi các xu hướng mới trên thế giới. Nielsen Việt Nam đã dự báo: tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng gần gấp 3 lần, từ 13 triệu người lên 33 triệu vào năm 2020, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo đại diện Lãnh đạo Bộ Công thương, đây sẽ là động lực chính làm thay đổi cách tiêu dùng của người Việt, tạo xu hướng ứng dụng và trải nghiệm công nghệ trong quá trình mua hàng. Hiện nay, Internet và thiết bị điện tử đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt đối với nhóm trong độ tuổi 25-34. Các phương thức thương mại hiện đại như mua hàng trực tuyến hoặc mua hàng trên các thiết bị di động thông minh đang nổi lên như một xu hướng mới đối với người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam nằm trong khu vực có mức độ tăng trưởng về smartphone cao nhất toàn cầu hiện nay, vì vậy, xu hướng này được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới”. Bên cạnh đó, với quỹ thời gian ngày càng eo hẹp, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những thứ tiện lợi, lựa chọn các phương thức mua hàng hiệu quả, không tốn nhiều thời gian. Thương mại điện tử sẽ trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, người tiêu dùng có thêm một phương thức mua sắm hiện đại, hiệu quả.
Các phương thức thương mại hiện đại, xu hướng tiêu dùng mới chưa thể thực sự khởi sắc và phát huy hết ưu điểm nếu người tiêu dùng vẫn phải sử dụng tiền mặt như một công cụ chính trong quá trình mua hàng. Thanh toán điện tử có vai trò thúc đẩy thương mại điện tử, hiện đại hóa ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam phát triển đúng với quy mô và tiềm năng của thị trường. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để xây dựng, phát triển một Cổng thanh toán thương mại điện tử quốc gia nhằm cung cấp, hỗ trợ cho các giao dịch trong lĩnh vực này. Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 nhằm định hướng, lộ trình phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử 5 năm tới cũng đang được xây dựng. Trong đó, cơ quan nhà nước cũng rất chú trọng việc xây dựng, phát triển các tiện ích và hệ thống quản lý thanh toán thương mại điện tử quốc gia.
Năm 2011, thương mại điện tử chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa tới 1% tổng doanh số bán lẻ tại Việt Nam (154 triệu USD trên 60 tỷ USD). Đến cuối năm 2016, dự kiến tỷ trọng này sẽ tăng gần gấp 3 lần, đạt 0,71% với giá trị vốn hóa tăng gấp 6 lần, đạt trên 900 triệu USD. Điều này cho thấy thị trường thanh toán trực tuyến nói riêng và thương mại điện tử ở Việt Nam rất tiềm năng, được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất trong khu vực.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, cần có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính trong việc giảm thuế cho cả doanh nghiệp và người dùng. Để nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán trực tuyến, ngoài những nỗ lực riêng của các hệ thống ngân hàng và trung gian thanh toán cần thêm sự cải thiện chất lượng dịch vụ của các bên thứ 3 cung cấp hạ tầng mạng, dịch vụ viễn thông. Công nghệ thông tin và viễn thông không ngừng phát triển sẽ tạo nền tảng công nghệ hiện đại hỗ trợ phát triển mạnh mẽ các phương tiện, dịch vụ thanh toán ngân hàng hiện đại, nhất là các các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử như tiền điện tử, tiền ảo…. Thực tiễn phát triển này đòi hỏi NHNN làm đầu mối tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thêm một bước khuôn khổ pháp lý và các cơ chế chính sách liên quan để giảm thiểu các rào cản pháp lý nhằm hỗ trợ tích cực cho quá trình hiện đại hóa công nghệ thanh toán ngân hàng.
Toàn ngành Ngân hàng cần nỗ lực tham gia đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, phổ biến, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch và đầu tư tài chính để tạo sự chuyển biến căn bản về thói quen, thanh toán không dùng tiền mặt của người dân và giảm đáng kể việc sử dụng tiền mặt hiện nay của người dân Việt Nam. Ở đây cần có sự vào cuộc tích cực của cả Chính phủ, NHNN với các Bộ ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông) để làm thay đổi nhận thức và thói quen thanh toán của người dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/10/2015.
3. Thông tư 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán;
4. Thông tư 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
5. Tài liệu Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) ngày 16/12/2015.