Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi rất nhiều yếu tố làm suy giảm đà phục hồi, nền kinh tế các nước tại khu vực châu Á cũng nằm trong xu hướng đó và được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại với các động lực tăng trưởng yếu, áp lực lạm phát ở mức vừa phải.
Đồ thị: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhóm mới nổi và đang phát triển
châu Á năm 2022 - 2024 (%)
Nguồn: IMF
Xét về tổng thể, trong nửa cuối năm 2023 và cả năm 2024, các nền kinh tế châu Á dự báo có mức tăng trưởng thấp, một số nước thậm chí không tăng trưởng. Trung Quốc dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2023, đạt 5,2% song sẽ yếu đi trong năm 2024 (4,5%). Năm 2023, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tích cực một phần do mức nền tăng trưởng thấp của năm 2022 (3%). Nhật Bản dự kiến tăng trưởng 1,4% năm 2023, sau đó giảm xuống còn 1,0% năm 2024 - tương đương mức năm 2022. Ấn Độ - nền kinh tế được kì vọng là một trong những động lực tăng trưởng cho khu vực châu Á cũng chứng kiến sự suy giảm, từ mức tăng trưởng trên 7% trong năm 2022 giảm xuống còn 6,1% và 6,3% năm 2023 - 2024. Nhóm các nước ASEAN-5 (gồm Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Singapore) cũng chứng kiến mức tăng trưởng giảm trong hai năm 2023 - 2024, lần lượt là 4,6% và 4,5% so với mức 5,5% của năm 2022.
Xét về động lực tăng trưởng thì có thể thấy, động lực của các nước châu Á tương đối yếu do chịu những tác động tiêu cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục duy trì chính sách tăng lãi suất, sự tăng trưởng suy giảm và yếu đi của nền kinh tế lớn như Trung Quốc, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và dấu hiệu hồi phục yếu ớt... Bên cạnh đó, giá lương thực, năng lượng biến động lớn do tác động của xung đột Nga - Ukraine và nhu cầu năng lượng phục hồi trên toàn cầu để hồi phục kinh tế cũng là một trong những yếu tố tác động đến các nước nhập khẩu năng lượng ròng như Thái Lan, Hàn Quốc. Giá hàng hóa toàn cầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát tại châu Á thông qua kênh nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với các quốc gia xuất khẩu năng lượng ròng thì phần nào lại được hưởng lợi từ yếu tố này. Ngoài các tác động đến từ bên ngoài này, nền kinh tế châu Á còn chịu áp lực về tài chính tương đối lớn sau đại dịch Covid-19 khiến cho tiêu dùng và chi tiêu ở mức rất thấp. Mặc dù các nước cũng đã thực hiện cắt giảm lãi suất để giảm áp lực về tài chính, song, khả năng hấp thụ vốn lại khó khăn nên khó có thể tạo ra động lực tăng trưởng mạnh ngay lập tức. Như vậy, có thể thấy, sự phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á đang mất đà do các điều kiện tài chính bị siết chặt, môi trường toàn cầu suy yếu.
Về lạm phát, nhìn chung, lạm phát tại các nước châu Á đều có xu hướng dự báo sẽ giảm trong năm 2023. Đáng chú ý, khi nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tỉ lệ lạm phát cao thì Trung Quốc lại có nguy cơ rơi vào một giai đoạn giá cả sụt giảm kéo dài. Tỉ lệ lạm phát tháng 7/2023 giảm 0,3% so với cùng kì năm 2022 khi nhu cầu nội địa suy yếu, hoạt động sản xuất và chi tiêu tiêu dùng chững lại. Về mức dự báo lạm phát năm 2023, tỉ lệ lạm phát tại một số nền kinh tế châu Á năm 2022 - 2023 như sau: Trung Quốc: 2%; 1,4%; Hàn Quốc: 5,1%; 3,3%; Ấn Độ: 6,7%; 5,4%; Singapore: 6,1%; 4%; Thái Lan: 6,1%; 2,5%... Như vậy, cùng với áp lực về tài chính, việc lạm phát dự kiến giảm sẽ tạo cơ sở để các nước thực hiện cắt giảm lãi suất trong những tháng cuối năm 2023. Việc thực hiện chính sách giảm lãi suất cộng với áp lực tài chính yếu sẽ khiến các đồng tiền của các quốc gia ở khu vực châu Á (Nhân dân tệ, Yên Nhật, Rupi Ấn Độ...) suy yếu so với USD.
Đối với Việt Nam, mặc dù nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực và khởi sắc nhẹ (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cải thiện dần, xuất siêu; lạm phát diễn biến theo xu hướng chậm lại,...). Tuy nhiên, trong các yếu tố tích cực này thì đều cho thấy những thách thức đằng sau đó. Vốn FDI cải thiện nhưng tốc độ tăng khiếm tốn (8 tháng đầu năm 2023 tăng 1,3% so với cùng kì năm 2022), xuất khẩu bị thu hẹp (8 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu giảm 10%); lạm phát giảm do giá cả thế giới giảm mạnh và áp lực từ bên cầu giảm, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân. Về yếu tố bên ngoài, cầu thế giới thấp tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu, tiếp đó là ảnh hưởng đến thị trường lao động và việc làm: Tính chung 8 tháng đầu năm, số lượng lao động đang làm việc tại thời điểm tháng 8/2023 giảm 2,9%; doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,7% về vốn đăng kí và giảm 3,9% về số lao động, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 19,5% so với cùng kì năm 2022... Mặc dù có nhiều thách thức, khó khăn như vậy, song, với các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ liên tục được triển khai quyết liệt trong thời gian qua, tiêu dùng được thúc đẩy trong bối cảnh lãi suất giảm, đầu tư công được đẩy mạnh sẽ là các yếu tố chính hỗ trợ xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm 2023. Các tổ chức quốc tế dự kiến, năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong khoảng 4,4 - 5,8% (tháng 7/2023, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 4,4%; Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P dự đoán khoảng 5,5%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán khoảng 5,8%; tháng 8/2023; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đạt khoảng 4,7%). Các dự đoán trên cho thấy khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của Việt Nam là rất khó khăn. Về lạm phát, với xu hướng lạm phát giảm trong những tháng đầu năm 2023 thì lạm phát hoàn toàn có thể kiểm soát dưới mục tiêu đề ra là khoảng 4%.
Thái Sơn