Phản biện xã hội - vai trò và sức mạnh của báo chí
01/07/2024 541 lượt xem
Theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương hoàn thành giai đoạn 1 sắp xếp các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, ngành; 33/33 tổ chức Trung ương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 31/31 địa phương.

Tính đến tháng 5/2023, Việt Nam có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí; trong đó có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực gồm: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Tổng nhân sự lĩnh vực báo chí là 42.400 người, trong đó báo in và điện tử là 24.000 người, với khoảng 17.000 người được cấp thẻ nhà báo.



Báo chí phát huy vai trò là kênh phản biện xã hội hiệu quả (Nguồn ảnh: Internet)

Ngoài ra, cả nước còn có 9.812 đài truyền thanh cấp xã/10.599 xã, phường, thị trấn; có 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện/705 huyện, quận, thị xã, thành phố (trong đó, 595 đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện đã sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao hoặc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện).
Với sự phát triển ngày càng hùng hậu về số lượng, đa dang về loại hình và không ngừng nâng cao về chất lượng, báo chí có vai trò ngày càng quan trọng trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội đất nước nói chung, đặc biệt trong hoạt động phản biện xã hội nói riêng...
 
Phản biện xã hội - thước đo vai trò và sức mạnh của báo chí

Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống, xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí; cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí; cải chính thông tin trên báo chí; xuất bản, in, phát hành báo in; truyền dẫn báo điện tử và truyền dẫn, phát sóng báo nói, báo hình.

Việt Nam là thành viên của 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản luôn quan tâm phát triển nền báo chí Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; có vai trò là công cụ truyền thông chính sách, tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, Nhà nước; là phương tiện thông tin thiết yếu, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả; là cầu nối Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thống nhất trong Đảng, củng cố đoàn kết dân tộc và đồng thuận trong xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng cao đẹp vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Có thể nói, nhận thức đúng và thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội không chỉ góp phần làm tốt vai trò, nhiệm vụ chính trị, mà còn là công cụ và thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động và sức mạnh của báo chí.

Điều 4 Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống, xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn: Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Việt Nam thực hiện quyền tự do báo chí, là biện pháp chủ yếu để người dân phản ánh, giám sát, phản biện đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích của bản thân hoặc những vấn đề về an ninh, an toàn xã hội và những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước; tiếp thu đúng đắn nguồn tin khổng lồ và đa chiều, nắm rõ được sự thật, tránh được “bẫy” tự do báo chí của các thế lực thù địch. Mỗi công dân Việt Nam đều được quyền tham gia và tự do ngôn luận trên các ấn phẩm, tạp chí, website, bản tin của tổ chức, đoàn thể, cơ quan về tình hình đất nước và thế giới; về xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Theo nghĩa hẹp, phản biện là “biện luận ngược”, là dùng chứng cứ, lập luận để góp ý hoàn thiện hay bác bỏ chứng cứ, lập luận, chủ trương chính sách đang được xây dựng hoặc đã được đưa ra trước đó. Phản biện xã hội là sự phản ánh dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị của cộng đồng xã hội về một sự kiện có liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng trên cơ sở tổng hợp phân tích, luận chứng khoa học có cơ sở thực tiễn, vạch ra những cái đúng, cái sai nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra.

Phản biện xã hội trong hoạt động báo chí là việc báo chí đề xuất, phản ánh, tổng hợp, phân tích dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị và kháng nghị của cộng đồng xã hội, tập thể; đưa ra các lập luận, phân tích nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hoặc bác bỏ một đề án (phương án, dự án) xã hội hoặc chính sách công của cơ quan công quyền nhằm đáp ứng đúng những yêu cầu do cuộc sống đặt ra, thỏa mãn được lợi ích chung của cộng đồng, tập thể, xã hội.

Trong hoạt động báo chí có hai dạng phản biện xã hội:

Thứ nhất, phản biện xã hội qua báo chí là những tác phẩm được các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhân dân... (gọi là cộng tác viên của báo chí) thực hiện quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận mà luật pháp Nhà nước cho phép để phản biện những vấn đề đang nảy sinh trong quá trình xây dựng chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước. Lúc này, báo chí thực hiện chức năng chuyển tải, phản ánh những tiếng nói đồng tình, không đồng tình, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến góp ý của người dân trước những vấn đề nảy sinh trong xã hội. Trong trường hợp này, ý kiến chủ quan của tòa soạn đóng vai trò thứ yếu; chính kiến, ý kiến góp ý của người dân đóng vai trò chủ yếu.

Thứ hai, phản biện xã hội của báo chí là việc các tòa soạn và phóng viên báo chí thông qua tác phẩm báo chí không lấy việc phản ánh là chủ yếu, mà với tư cách một chủ thể, tổ chức chính trị - xã hội lên tiếng phản biện và chịu trách nhiệm về quan điểm, chính kiến của mình về một vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, luật pháp nào đó đang diễn ra trong đời sống, xã hội. Trong trường hợp này, chính kiến của cơ quan báo chí và nhà báo đóng vai trò chủ yếu; qua đó góp phần xây dựng chính sách đúng đắn, có sức sống trong thực tiễn, góp phần vào giữ vững ổn định chính trị và phát triển đất nước, mở rộng dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xã hội. Các tác phẩm báo chí phản ánh và cung cấp những luận cứ khoa học, kịp thời, chính xác, khách quan cho quá trình dự thảo, ban hành và thực thi các chủ trương, đề án, quyết sách của Đảng và Nhà nước.

Về cơ bản, phản biện xã hội thông qua báo chí an toàn và “dễ làm” hơn là thực hiện phản biện của chính cơ quan báo chí... Trong số các nguyên nhân của tình trạng này có thể nêu ra là chức năng, nhiệm vụ chính trị cụ thể của tờ báo, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn của cơ quan báo chí và một số yếu tố khác...

Trong thực tế, không phải lúc nào cũng phân định rạch ròi được đâu là phản biện của báo chí và đâu là phản biện xã hội thông qua báo chí. Trong quy trình chuyển tải mọi ý kiến phản biện trên báo chí đều trải qua các khâu, quá trình biên tập, kiểm duyệt của tòa soạn và tòa soạn báo có trách nhiệm với những tin, bài đã đăng hay xuất bản. Thực tế cho thấy, nếu cơ quan báo chí biết cách khơi gợi vấn đề, khuyến khích, động viên và tổ chức các diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục..., tập hợp được nhiều ý kiến, góp ý phản biện của đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, bạn đọc sẽ làm cho chức năng phản biện xã hội của báo chí ngày càng được xác lập rõ hơn, sâu sắc, đa dạng, đa chiều, nhanh nhạy, sắc sảo, hấp dẫn hơn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn điều chỉnh, bổ sung, không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của công dân, nhân dân lao động và các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể chính trị - xã hội, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, làm cho các chủ trương, chính sách ngày càng đúng đắn, có sức sống trong đời sống, xã hội.

Một cơ quan báo chí sẽ có uy tín và sức ảnh hưởng xã hội cao hơn nếu trên ấn phẩm luôn có nhiều tuyến bài phản biện của tòa soạn hoặc tổ chức tập hợp và phản ánh được nhiều ý kiến phản biện xã hội có chất lượng chuyên môn và chính trị tốt.

Phản biện xã hội thường gắn chặt với truyền thông chính sách; song phản biện xã hội khác với tuyên truyền chính sách. Tuyên truyền là thông tin về những nội dung, quan điểm đã được khẳng định, chính sách đã được ban hành, để tạo đồng thuận và thống nhất ý chí thực thi của hệ thống chính trị, xã hội. Còn báo chí phản biện xã hội khi cần xây dựng, thực thi chính sách công, đòi hỏi nhiều góc nhìn với các khía cạnh vấn đề trên cơ sở dữ liệu khoa học - thực tiễn cùng những luận điểm, luận cứ chắc chắn, qua đó giúp công chúng xã hội nhận thức vấn đề sâu hơn, đa chiều hơn và cùng tìm kiếm cách thức tiếp cận chính sách công thực sự vì lợi ích công, tránh bị lợi ích nhóm chi phối. Văn hóa phản biện đòi hỏi sự chuẩn mực trong dữ liệu được sử dụng, trong cách tiếp cận nhân văn, trong ngôn từ, giọng điệu thuyết phục, biết lắng nghe và tiếp nhận đa chiều các ý kiến, không chụp mũ, quy kết, không soi mói…

Mục đích cao nhất của phản biện xã hội trong hoạt động báo chí là tạo cơ hội và điều kiện huy động, tập hợp, kết nối nguồn lực trí tuệ và cảm xúc của đông đảo nhân dân, gia tăng hàm lượng trí tuệ trên cơ sở dữ liệu và minh chứng khoa học, có luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách công, hạn chế chi phối của lợi ích nhóm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội và hệ sinh thái truyền thông online, việc nâng cao chất lượng phản biện xã hội của báo chí là vấn đề có ý nghĩa vừa cơ bản, vừa cấp thiết. Việt Nam chủ trương xây dựng “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”,

Tổ chức tốt phản biện xã hội trong hoạt động báo chí là trực tiếp và gián tiếp phát huy, thúc đẩy quyền dân chủ, tự do ngôn luận báo chí của Nhân dân, tạo diễn đàn sâu rộng của Nhân dân một cách công khai, minh bạch và có định hướng đúng đắn, tuân theo pháp luật, có cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn trong hành trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Mọi sự phản biện xã hội trên báo chí phải trở thành kênh thông tin hữu ích giúp tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, điều hành và quản lý của Nhà nước trên mọi mặt đời sống, xã hội.

Thực hiện phản biện xã hội của báo chí chính là công cụ, cầu dẫn quan trọng và hiệu quả để người dân tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách công. Thực tiễn cho thấy, những ý kiến phản biện xã hội được báo chí phản ánh đã trực tiếp và gián tiếp góp phần tích cực vào việc hoàn thiện hay điều chỉnh nhiều chính sách, quyết định của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; qua đó, báo chí góp phần tác động đến nhận thức và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường sự đồng thuận xã hội, niềm tin vào chính sách và môi trường đầu tư về cả vĩ mô, vi mô, trước mắt và lâu dài... Trên thực tế, mỗi khi báo chí nêu lên những phản biện về chính sách, quyết sách, dự án công liên quan đến quyền lợi của quần chúng nhân dân, thì sẽ được công chúng xã hội quan tâm nhiều hơn và nhận được sự tin tưởng hơn so với mạng xã hội. Đó chính là thế mạnh và cơ hội truyền thông của báo chí trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí, truyền thông chính sách với truyền thông mạng xã hội hiện đại...

Vì vậy, coi nhẹ, buông lỏng và làm mất đi tính chất phản biện xã hội của báo chí không chỉ không làm tròn nhiệm vụ chính trị, vai trò của báo chí, mà còn tự làm mất đi uy tín, sức mạnh ảnh hưởng của báo chí trong đời sống, xã hội nói chung và trong quá trình xây dựng, triển khai chính sách công nói riêng hiện nay.
 
Phát huy vai trò phản biện của báo chí với hoạt động ngành Ngân hàng


Thời gian qua, hoạt động phản biện của báo chí đã có nhiều dấu ấn và tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng. Ngành Ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho hoạt động phản biện xã hội của báo chí trong và ngoài Ngành. Những nội dung phản biện của báo chí liên quan đến hoạt động và công tác điều hành chính sách của ngành Ngân hàng đã được các cơ quan chức năng liên quan tiếp thu, xử lý chủ động và nghiêm túc. Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngành Ngân hàng đã kịp thời điều chỉnh chính sách và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Những tác động tích cực của phản biện xã hội đến hoạt động của ngành Ngân hàng có thể được ghi nhận qua các kết quả điều chỉnh chính sách quản lý thị trường vàng và thị trường tín dụng trong thời gian qua nói chung, cũng như công tác quản lý lãi suất và đấu thầu cung ứng vàng ra thị trường, trực tiếp góp phần giảm nhanh lãi suất cho vay và thu hẹp cách biệt giá vàng trong nước và quốc tế, cũng như cơn sốt nóng đầu cơ vàng... đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế và sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD… trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Đặc biệt, truyền thông chính sách luôn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các hoạt động truyền thông chính sách tại NHNN hiện đang được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống, hướng đến thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến thức pháp luật, minh bạch hóa thông tin theo các cam kết quốc tế, triển khai các chiến lược và đề án của Chính phủ;  hướng tới mục tiêu đưa các chính sách của Ngành đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao niềm tin nhân dân với các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành Ngân hàng. Truyền thông chính sách cũng chính là một trong những kênh để tiếp nhận, lắng nghe, phản hồi và xây dựng chính sách, nhất là các chính sách mới liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. 

Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo NHNN, sự phối hợp tích cực của các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, sự chủ động, nỗ lực trong hoạt động truyền thông của các TCTD, sự ủng hộ, hỗ trợ của các chuyên gia kinh tế và các cơ quan báo chí, truyền thông... các hoạt động truyền thông chính sách trong ngành Ngân hàng thời gian qua được triển khai một cách bài bản, đa dạng và phong phú, hấp dẫn cả về nội dung và hình thức, tập trung vào các chính sách mới, tác động trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro tài chính.

Tùy từng nhóm công chúng và mục tiêu chính sách, NHNN đã lựa chọn các hình thức truyền thông khác nhau như: Tổ chức các cuộc họp báo định kì theo quy định của pháp luật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các vấn đề cần truyền thông; phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí đưa các chủ trương chính sách của ngành Ngân hàng đến với công chúng; thực hiện truyền thông trước, trong, sau khi ban hành chính sách nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận...

NHNN luôn chủ động, tích cực, kịp thời cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của NHNN. Các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính đã góp phần tích cực trong việc truyền thông chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng của NHNN, góp phần nâng cao niềm tin công chúng; trực tiếp và gián tiếp góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của công chúng, phòng tránh rủi ro và tạo ra một cộng đồng tài chính tốt. 

NHNN cũng đã có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan và tổ chức hữu quan tổ chức nhiều hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tăng cường phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và diễn biến, kết quả về chính sách tiền tệ và hoạt động của ngân hàng; tiếp nhận và đăng tải, xử lý các ý kiến đóng góp của nhân dân tham gia vào các quy định, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; tiếp nhận, giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của nhân dân liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, góp phần hoàn thiện, đổi mới các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, lành mạnh hóa các TCTD. Qua đó, tăng cường phối hợp, góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền, chủ động công tác thông tin, tài liệu được phép công bố về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; các kết quả hoạt động và đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng; định hướng điều hành chính sách, các chương trình, giải pháp triển khai hoạt động ngân hàng; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh... góp phần định hướng dư luận xã hội, không để có tình trạng thông tin sai lệch làm ảnh hướng tới hoạt động của ngân hàng, giảm niềm tin trong nhân dân.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các xu hướng truyền thông hiện đại, ứng dụng mạng xã hội để triển khai truyền thông các chủ trương chính sách của Chính phủ liên quan đến tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo cung cấp được những thông tin chính xác, kịp thời đến người dân và doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tạo cộng đồng có thói quen tài chính tốt, bảo vệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, củng cố và duy trì niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
 
Giải pháp tăng cường phản biện xã hội của báo chí

Thời gian qua, báo chí đã bám sát diễn biến thực tiễn đời sống, xã hội; thông tin trách nhiệm, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, vừa cơ bản thỏa mãn nhu cầu thông tin của người dân; thể hiện được vai trò định hướng dư luận xã hội, chủ động dẫn dắt thông tin về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, những sự kiện, vấn đề quan trọng, tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.

Công tác phản biện xã hội được nhiều cơ quan báo chí làm tốt, đúng quy định, góp phần hoàn thiện chính sách vĩ mô. Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động tìm tòi, đột phá, ứng dụng nhiều phương thức tác nghiệp hiện đại, thể hiện nội dung thông tin dưới những hình thức mới, hiện đại, làm chủ không gian truyền thông mới.

Thời gian tới, cần tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội mạnh mẽ, sắc sảo và lành mạnh để báo chí Việt Nam thực sự cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, “đưa ý Đảng đến gần dân hơn”; góp phần xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách Việt Nam.

Với tinh thần đó, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo cần đồng hành làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản ánh; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, bảo đảm tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, tác động mạnh cả về lý trí và cảm xúc của công chúng; đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình tiên tiến, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.

Đặc biệt, cần tăng cường thông tin xây dựng, tiếp tục truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân và phản ánh nguyện vọng của nhân dân, nhất là những chính sách tác động lớn, chủ trương đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, hạ tầng, y tế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chủ trương đại đoàn kết dân tộc; tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn; mạnh dạn định hướng, gợi mở giải pháp tháo gỡ những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế, góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; củng cố sự tạo đồng thuận và đoàn kết xã hội, niềm tin vững chắc của Nhân dân với Đảng và Nhà nước...

Để phản biện lành mạnh và an toàn, trong quá trình phản biện xã hội, báo chí cần tuân thủ các quy định pháp lý liên quan, nhất là Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam; theo đó, nghiêm cấm đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chiến tranh tâm lý; gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với hệ thống chính trị; gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai, xâm phạm quyền bình đẳng dân tộc; gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế; chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong, mĩ tục Việt Nam; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; đăng lại các nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính; cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng; đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Văn hóa phản biện phải được thực hiện từ “tâm sáng”, “lòng trong” đến “ngòi bút sắc” với hàm lượng trí tuệ cao của người cầm bút về nội dung, hình thức, cách thức triển khai các sản phẩm, tác phẩm báo chí. Đặc biệt, văn hóa phản biện đòi hỏi sự chuẩn mực thuyết phục trong cách tiếp cận, lắng nghe, sử dụng dữ liệu, ngôn từ, giọng điệu, không chụp mũ, quy kết, soi mói và phủ định sạch trơn, không lồng ghép quan điểm cá nhân mang danh “dư luận” thiếu tính khách quan. Sức mạnh của phản biện trong hoạt động báo chí làm kết quả tổng hòa của sự dũng cảm về chính trị, tôn trọng sự thực khách quan, nhu cầu phát triển cuộc sống lành mạnh và sự sắc sảo về chuyên môn, nghiệp vụ của người viết bài và được nhân lên khi có sự tham gia của độc giả và các chuyên gia kinh tế, xã hội; thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm chứng, thẩm định nguồn thông tin, liều lượng cung cấp thông tin, không để tình trạng thông tin thiếu khách quan, sai lệch bản chất, không rõ nguồn gốc, vi phạm các chuẩn mực văn hóa, đạo đức được đăng tải và cân nhắc đến khả năng các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá...

Vì vậy, một mặt, cần coi trọng việc xây dựng các chuyên trang, chuyên đề, diễn đàn và các hình thức phản biện xã hội trên các ấn phẩm báo chí; mặt khác, cần thu hút, xây dựng và duy trì đội ngũ chuyên gia, nhà phản biện chính sách chuyên nghiệp trình độ cao trong các lĩnh vực; đồng thời, hết sức coi trọng xây dựng và bảo vệ đội ngũ những người làm báo đủ phẩm chất chính trị, tư tưởng, năng lực, trình độ chuyên môn, nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, hiểu biết về khoa học và công nghệ; chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp; giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí; đồng thời, xử lý nghiêm những vi phạm, lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích của Nhân dân. Tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, nhà báo. Tập trung xây dựng tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh; khuyến khích đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách một cách chủ động, kịp thời, phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; đổi mới, nâng tầm và nâng cao chất lượng giải thưởng báo chí các cấp và các loại.

Bộ Thông tin và Truyền thông cần chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tới hoạt động báo chí; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do báo chí, theo quy định của pháp luật và bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các lợi ích chính đáng của người làm báo; chủ động hỗ trợ bảo đảm hạ tầng số cho các cơ quan báo chí, tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu ngành, lĩnh vực báo chí; tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, cân đối nguồn lực chung cho hoạt động báo chí, bảo đảm hoạt động của các cơ quan báo chí minh bạch, công khai, hiệu quả, nằm trong tổng thể chung của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Đồng thời, các bộ, ngành cần chủ động thực hiện nghiêm các quy định về phát ngôn; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho báo chí; theo dõi những phản ánh từ báo chí, tăng trách nhiệm giải trình và giải đáp kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của ngành mình, cấp mình; tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tác nghiệp của báo chí; tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn để báo chí tiếp cận thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất; tạo điều kiện và tăng cường bảo vệ các cơ quan tòa soạn và nhà báo trong cuộc đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng; lạm dụng hình sự hóa và ngăn cản hoạt động nghề nghiệp của một số cơ quan chức năng không chỉ vi phạm Luật Báo chí, mà còn hạn chế năng lực, hiệu quả và nhiệt tình của các cơ quan báo chí.

Công tác quản lý báo chí ngày càng phải chủ động hơn, kịp thời hơn, sát thực tiễn hơn trong chỉ đạo, định hướng thông tin và chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo có văn hóa; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí; tích cực nghiên cứu có các giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng.
 
Tài liệu tham khảo:


1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.109, 165, 172, 173.
2. Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
3.Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.
4. Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
5. Nguyễn Văn Dững (Chủ biên): Báo chí giám sát và phản biện xã hội ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, tr. 5
6.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/823660/tinh-phan-bien-xa-hoi-cua-bao-chi-hien-nay.aspx
7. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/tu-dien-mo/item/1035-phan-bien-xa-hoi-cua-bao-chi-va-phan-bien-xa-hoi-qua-bao-chi.html
8. https://tapchitoaan.vn/vai-suy-nghi-ve-chuc-nang-phan-bien-xa-hoi-cua-bao-chi7028.html
9. TS. Lương Ngọc Vĩnh (2023), Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về truyền thông chính sách ở Việt Nam, Tạp chí Lãnh đạo và Chính sách.
10. https://tapchinganhang.gov.vn/truyen-thong-chinh-sach-cua-ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam-sang-tao-doi-moi-trong-hoat-dong-truyen-thon.htm
 
TS. Nguyễn Minh Phong (Hà Nội) 
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Vai trò truyền thông chính sách về hoạt động ngân hàng đối với đời sống xã hội hiện nay
Vai trò truyền thông chính sách về hoạt động ngân hàng đối với đời sống xã hội hiện nay
29/06/2024 918 lượt xem
Để kịp thời chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công tác tổ chức và chỉ đạo thực hiện của NHNN đến công chúng, thì truyền thông đóng vai trò quan trọng, trong đó truyền thông chính sách là trụ cột số một.
Tạp chí Ngân hàng phát động Cuộc thi viết Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam
Tạp chí Ngân hàng phát động Cuộc thi viết "Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam"
05/06/2024 186 lượt xem
Hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), được sự đồng ý của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Tạp chí Ngân hàng tổ chức Cuộc thi viết với chủ đề “Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam”.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

74.980

76.980

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

74.980

76.980

Vàng SJC 5c

74.980

77.000

Vàng nhẫn 9999

74.000

75.600

Vàng nữ trang 9999

73.900

74.900


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,221 25,471 26,605 28,064 31,481 32,819 156.24 165.36
BIDV 25,251 25,471 26,786 28,052 31,719 32,813 156.92 165.09
VietinBank 25,251 25,471 26,773 28,068 31,886 32,896 158.15 165.95
Agribank 25,270 25,471 26,744 28,047 31,626 32,796 157.51 165.28
Eximbank 25,210 25,471 26,827 27,748 31,813 32,808 158.51 163.96
ACB 25,230 25,471 26,819 27,739 31,881 32,842 157.91 164.14
Sacombank 25,263 25,471 27,040 27,801 32,059 32,769 159.46 164.47
Techcombank 25,277 25,471 26,665 28,022 31,468 32,803 154.21 166.62
LPBank 25,011 25,471 26,667 28,248 31,936 32,833 157.42 168.06
DongA Bank 25,270 25,471 26,840 27,700 31,780 32,830 156.40 164.30
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,30
3,60
4,30
4,40
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,60
2,60
2,90
3,80
3,80
4,50
4,50
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
2,00
2,00
2,30
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
2,90
3,10
3,20
4,00
4,00
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?