Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước ít đọc báo, tạp chí chuyên ngành đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công việc mà còn làm giảm hiệu quả của hệ thống hành chính công. Bài viết này phân tích thực trạng, tìm hiểu các nguyên nhân cơ bản và đề xuất các giải pháp khắc phục để nâng cao nhận thức và thói quen đọc báo, tạp chí chuyên ngành đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước hiện nay.
Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí là kênh thông tin quan trọng, là phương tiện, là công cụ đắc lực trong việc lãnh đạo, quản lý và điều hành hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; qua đó góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân.
Ảnh minh họa; Nguồn: Internet
Hiện nay, hầu hết các cơ quan trung ương, các bộ, ban, ngành đều có riêng một tờ báo và/hoặc một tạp chí chuyên môn. Báo, tạp chí chuyên ngành là những cơ quan ngôn luận và là diễn đàn về lý luận nghiệp vụ, khoa học và công nghệ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đơn vị, có chức năng tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; báo chí chuyên ngành đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức và hỗ trợ quyết định các vấn đề, nội dung cần phải giải quyết công việc được giao đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực chuyên môn, việc theo dõi thông tin chính thống từ các cơ quan báo chí chuyên ngành giúp cán bộ, công chức, viên chức nắm bắt được các thay đổi và xu hướng mới. Tuy nhiên, tình trạng ít quan tâm đọc báo chí chuyên ngành đang ngày càng trở nên phổ biến trong các cơ quan nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc và chất lượng dịch vụ công.
1. Thực trạng cán bộ, công chức, viên chức quan tâm và đọc báo, tạp chí chuyên ngành hiện nay
Chưa có một khảo sát hay thống kê chính thức từ các cơ quan chuyên môn, nhưng bằng quan sát thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị cho thấy, hiện nay tỉ lệ đọc báo, tạp chí chuyên ngành là rất thấp so với việc cập nhật các thông tin từ các nền tảng đa phương tiện. Điều này được chứng minh bằng việc đặt và mua báo in, tạp chí chuyên ngành bằng giấy, kể cả lượng truy cập, theo dõi trên các báo điện tử cũng đang ở mức thấp đối với các đối tượng là công chức, viên chức, người lao động không giữ các chức vụ lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Thực tế hiện nay, việc đọc báo, tạp chí chuyên ngành chỉ tập trung hầu hết vào các đối tượng là lãnh đạo đơn vị. Tuy nhiên, những đối tượng này không phải ai cũng có thể dành thời gian đọc, nghiên cứu báo, tạp chí chuyên ngành một cách thường xuyên, liên tục. Mặc dù họ vẫn cập nhật tin tức, thời sự từ nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau, nhưng những thông tin mà họ tiếp cận thường không từ các cơ quan báo chí chuyên ngành chính thống. Dường như công chức, viên chức, người lao động chỉ quan tâm, tìm đọc báo, tạp chí chuyên ngành khi có những tin, bài, sự kiện “nóng” phản ánh các vụ việc tiêu cực liên quan đến tổ chức, cá nhân; còn những vấn đề về chủ trương, chính sách, định hướng của cơ quan, bộ, ngành, của đơn vị trong ngắn hạn và dài hạn thường sẽ được tiếp cận từ hệ thống văn bản chính thức chứ không trực tiếp tiếp cận từ nguồn báo, tạp chí chuyên ngành. Một lý do nữa được đưa ra là khối lượng công việc quá lớn khiến họ không có đủ thời gian để đọc và theo dõi các báo, tạp chí chuyên ngành.
Một thực tế đặt ra hiện nay, những giới hạn về hàm lượng và nội dung thông tin của các báo, tạp chí chuyên ngành là một trong những trở ngại để thu hút độc giả nói chung, trong đó có lượng độc giả là những cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực đó nói riêng. Một số báo, tạp chí chuyên ngành có thể thiếu sự hấp dẫn trong cách trình bày nội dung, dẫn đến việc không thu hút được sự chú ý của người đọc. Bên cạnh đó, hình thức thể hiện cũng là một trở ngại cho độc giả khi tiếp cận báo, tạp chí chuyên ngành, ví dụ như việc thiếu các bản tin tóm tắt hay các điểm nhấn chính.
2. Lợi ích của việc đọc báo và tạp chí chuyên ngành
Việc cán bộ, công chức, viên chức đọc báo và tạp chí chuyên ngành mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cá nhân và tổ chức. Cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên có thói quen đọc báo và tạp chí chuyên ngành sẽ nắm bắt được các xu hướng mới, các quy định và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực của mình, thông tin về các sự kiện quan trọng, cập nhật chính sách và nghiên cứu mới giúp họ có cái nhìn chính xác và kịp thời về tình hình hiện tại, qua đó giúp giải quyết, xử lý công việc theo các quy định của pháp luật hiện tại, góp phần giúp đơn vị hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Cán bộ, công chức, viên chức đọc báo, tạp chí chuyên ngành thường xuyên, liên tục sẽ củng cố được kiến thức chuyên môn vững vàng hơn, là kênh thông tin để học tập chuyên môn nghiệp vụ hữu hiệu và nhanh chóng nhất. Vì đây là những tài liệu chuyên ngành chứa đựng thông tin chi tiết và phân tích sâu về các vấn đề cụ thể, giúp nâng cao hiểu biết và mở rộng kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó, thông qua việc đọc các bài viết nghiên cứu, phân tích chuyên sâu từ các chuyên gia đối với các trường hợp cụ thể, các tình huống thực tế, các vấn đề khoa học sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức học hỏi thêm kinh nghiệm và bài học từ lý luận cũng như thực tiễn để áp dụng hiệu quả vào công tác chuyên môn của mình.
Cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên đọc báo, tạp chí chuyên ngành sẽ tăng cường được kỹ năng và khả năng xử lý tình huống đối với công việc hằng ngày của mình. Mỗi một bài báo, mỗi một công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành chứa đựng giá trị, gợi ý chính sách nhất định, qua đó, người đọc sẽ lĩnh hội được các phương pháp, công cụ và kỹ thuật mới giúp cải thiện kỹ năng cá nhân và khả năng giải quyết vấn đề, từ đó áp dụng các giải pháp và kỹ thuật tiên tiến vào công việc hằng ngày, giúp nâng cao hiệu quả và hiệu suất công việc trong thực tiễn, đồng thời có thể kích thích tư duy sáng tạo và khuyến khích đổi mới trong thực tiễn.
Cán bộ, công chức, viên chức duy trì đọc báo và tạp chí chuyên ngành sẽ cải thiện các vấn đề liên quan đến thực thi công vụ. Từ những gợi ý, kinh nghiệm thực tiễn trong các bài viết, chúng ta sẽ có cơ sở thông tin và dữ liệu chính xác để giúp đưa ra các quyết định dựa trên thực tế, làm tăng chất lượng của quyết định và chính sách của riêng mình, từ đó đề xuất các chính sách và giải pháp hợp lý hơn. Những kiến thức cập nhật giúp giảm thiểu các bất cập và thiếu sót trong công việc, đồng thời qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng thảo luận, chia sẻ về các vấn đề chuyên môn với đồng nghiệp và đối tác.
3. Những ảnh hưởng tiêu cực khi không đọc báo, tạp chí chuyên ngành
Mỗi một tờ báo, tạp chí chuyên ngành xuất hiện trong các cơ quan nhà nước đều mang tư cách pháp lý và sứ mệnh chính trị cao cả. Thông qua những bài báo được đăng tải sẽ giúp người đọc cảm nhận những thông điệp quý giá, trong đó, có những thông tin mới nhất về các chính sách, quy định, xu hướng và phát triển trong lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc không đọc báo chí chuyên ngành có thể dẫn đến sự thiếu cập nhật thông tin về những thay đổi quan trọng trong chính sách của ngành. Cán bộ, công chức, viên chức không nắm bắt được những thông tin, chính sách cập nhật sẽ khó áp dụng các phương pháp, công cụ hoặc kỹ thuật tiên tiến vào công việc của mình, có thể làm giảm hiệu quả công việc và khả năng giải quyết vấn đề.
Các bài viết chuyên ngành thường giới thiệu các ý tưởng, giải pháp sáng tạo và đổi mới. Nhiều lĩnh vực chuyên môn yêu cầu cập nhật liên tục để đáp ứng các yêu cầu của công việc. Việc không nắm bắt thông tin mới, không tiếp cận được các tài liệu mới có thể làm giảm khả năng của cán bộ, công chức, viên chức trong việc đề xuất các giải pháp mới hoặc cải tiến quy trình làm việc chuyên môn, dẫn đến hạn chế khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, gây ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công việc được giao.
Các tài liệu chuyên ngành thường chứa đựng những kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết. Thiếu sự cập nhật có thể dẫn đến việc cán bộ, công chức, viên chức không phát triển được các kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực của mình để phục vụ tốt nhất cho xã hội, đồng thời có thể ảnh hưởng đến cả đội ngũ làm việc và tổ chức, vì những người không nắm bắt được thông tin mới có thể tạo ra sự không đồng nhất trong cách thức làm việc và thiếu sự đồng bộ trong tổ chức, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.
Hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay ít quan tâm đọc báo, tạp chí chuyên ngành có thể do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, do thời gian và áp lực từ khối lượng công việc cần phải giải quyết. Cán bộ, công chức, viên chức ngày càng phải đối mặt với nhiều deadline và yêu cầu công việc, nên có thể ưu tiên các nhiệm vụ cấp bách hơn là việc cập nhật thông tin từ báo chí. Tình trạng hiện nay hầu hết các cơ quan, đơn vị đang thu hẹp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy, trong khi đó khối lượng, quy mô đối tượng phục vụ ngày càng phát triển, khối lượng công việc ngày càng nhiều. Điều đó, dẫn đến việc cán bộ, công chức, viên chức thường phải đối mặt với khối lượng công việc lớn cần được giải quyết, do vậy sẽ không có thời gian để đọc báo, tạp chí chuyên ngành. Thay vào đó, họ thường đọc, tìm hiểu thông tin qua các trang mạng xã hội, các nền tảng khác như zalo, facebook, fanpage, hội nhóm mạng xã hội khác nhau.
Thứ hai, do thiếu động lực và nhận thức trong việc đọc báo, tạp chí chuyên ngành. Tình trạng phổ biến là một số cán bộ, công chức, viên chức không thấy được lợi ích trực tiếp của việc đọc báo, tạp chí chuyên ngành đối với công việc của họ, dẫn đến việc thiếu động lực để duy trì thói quen đọc. Một số khác lại chưa nhận thức về tầm quan trọng của việc cập nhật thông tin và kiến thức chuyên ngành trong việc nâng cao hiệu quả công việc. Họ cho rằng, báo, tạp chí chuyên ngành khô khan, không có thông tin thời sự hấp dẫn như các trang mạng xã hội.
Thứ ba, do chất lượng thông tin báo chí chuyên ngành và phương thức tiếp cận. Mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng thực tế, một số báo, tạp chí chuyên ngành có chất lượng nội dung cũng như hình thức vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người đọc nói chung, cán bộ, công chức, viên chức nói riêng; đặc biệt là tính cập nhật chưa cao làm giảm giá trị của thông tin. Phương thức phân phối thông tin có thể chưa phù hợp với thói quen và nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức. Điều này được lý giải rằng, báo, tạp chí chuyên ngành có nhiệm vụ phải định hướng một cách chính thống các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề thực tiễn của ngành. Đây là nguồn tham khảo, trích dẫn có độ chính xác cao nhất trong phát ngôn, giải quyết công việc hằng ngày giữa cơ quan quản lý và đông đảo tầng lớp nhân dân; trong đó, báo, tạp chí chuyên ngành cung cấp thông tin chi tiết và chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể để nhằm hỗ trợ các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó.
4. Một số giải pháp nhằm tăng cường sự thu hút, quan tâm của cán bộ, công chức, viên chức đối với báo chí chuyên ngành
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông. Điều này vừa là động lực thúc đẩy, nhưng cũng là thách thức lớn đặt ra đối với hệ thống báo chí, đặc biệt là báo chí chuyên ngành. Báo, tạp chí chuyên ngành cần phải đối mặt để thu hút đông đảo bạn đọc nói chung và khối lượng cán bộ, công chức, viên chức của từng ngành theo dõi, đón đọc, cập nhật, nghiên cứu, áp dụng, tra cứu các thông tin, sản phẩm, bài viết của báo, tạp chí chuyên ngành là vấn đề số một. Muốn làm được điều đó, tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức để định vị lại vai trò của báo, tạp chí chuyên ngành. Báo, tạp chí chuyên ngành là vũ khí sắc bén về lý luận, tư tưởng, là kim chỉ nam trong định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt trong thời đại ngày nay, mỗi người có một chiếc điện thoại thông minh trên tay cũng sẽ trở thành một tòa soạn để đưa tin, làm báo. Do vậy, cần phải nâng cao nhận thức để định vị lại rõ ràng vai trò của báo, tạp chí chuyên ngành là nơi cung cấp thông tin chính thống về ngành, lĩnh vực hoạt động để tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước thực hiện đúng chủ trương, đường lối và theo đúng tôn chỉ, mục đích.
Thứ hai, bản thân các cơ quan báo và tạp chí chuyên ngành cần phải cải thiện hơn nữa về chất lượng và nội dung thông tin bằng cách cung cấp thông tin chính xác, cập nhật, tuyên truyền nhanh chóng các văn bản pháp lý chuyên ngành và phân tích các bài viết chuyên sâu về phương pháp, cách thức, nhận diện rủi ro, đề ra xu hướng để dẫn dắt độc giả; sử dụng các hình thức trình bày hấp dẫn như infographic và video để thu hút người đọc. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật mới, cần thể hiện dưới dạng phân tích, chỉ ra những điểm mới, quy định bắt buộc. Các cơ quan báo chí cũng cần nghiên cứu và nắm bắt tâm lý hiện nay của độc giả, đó là tình trạng ít quan tâm và ít đọc, đặc biệt có cảm giác mệt mỏi khi nhìn thấy những tít, những tin, những bài quá dài thì càng ít đọc, trừ số ít cần nghiên cứu, tham khảo cho mục đích nghiên cứu khoa học. Do vậy, biện pháp khắc phục là cung cấp các bản tóm tắt và điểm nhấn chính trong các bài viết để giúp cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng nắm bắt thông tin quan trọng.
Thứ ba, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức đọc báo, tạp chí chuyên ngành thông qua các buổi nói chuyện, tọa đàm, trao đổi thông tin nội bộ. Bằng cách dẫn dắt những câu chuyện thời sự, những vấn đề nóng đang diễn ra với ngành, với đơn vị, hoặc những tình huống phải xử lý thông qua các nghiệp vụ chuyên môn cần thực hiện…, qua đó sẽ thu hút được độc giả nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng. Bên cạnh đó, các báo, tạp chí chuyên ngành cũng nên giới hạn và chỉ cung cấp thông tin, liên quan đến ngành, lĩnh vực chuyên môn của mình, hạn chế truyền dẫn tin từ các nguồn của các cơ quan báo khác, điều này sẽ làm giảm tính thời sự, tính trùng lắp dẫn đến dư thừa, nhàm chán của sự kiện, bởi mỗi một sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội ngay lập tức được xuất hiện trên các trang cá nhân như zalo, facebook, tiktok.
Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về tầm quan trọng của việc đọc báo, tạp chí chuyên ngành và làm rõ lợi ích của việc này đối với công việc của họ. Song song với đó là tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về quản lý thời gian và kỹ năng đọc hiệu quả để giúp cán bộ, công chức, viên chức cân bằng công việc và thời gian đọc báo, tạp chí chuyên ngành.
Thứ tư, cần thay đổi phương thức tiếp cận thông tin. Thời đại chuyển đổi số là thách thức và cơ hội để các cơ quan báo chí ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là AI vào phát triển báo chí. Các cơ quan báo chí đã và đang áp dụng công nghệ số để phát triển các nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động cung cấp thông tin từ báo chí chuyên ngành một cách tiện lợi và dễ tiếp cận, do đó, cần cung cấp thêm các phiên bản điện tử và thông tin cập nhật qua email hoặc các nền tảng mạng xã hội để cán bộ, công chức, viên chức có thể dễ dàng tiếp cận thông tin ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào.
Thứ năm, cần thực hiện khảo sát định kỳ để nâng cao chất lượng, phương thức phục vụ độc giả. Thiết lập các hệ thống đánh giá hiệu quả việc đọc báo chí chuyên ngành trong các cơ quan nhà nước để theo dõi và cải thiện thói quen đọc của cán bộ, công chức, viên chức. Khuyến khích thói quen đọc, tìm hiểu, nghiên cứu thông qua việc cung cấp các phần thưởng hoặc sự công nhận cho những cá nhân và đơn vị tích cực trong việc đọc và sử dụng thông tin từ báo chí chuyên ngành. Có thể khuyến khích, động viên những cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên đọc báo, nghiên cứu tạp chí khoa học chuyên ngành sẽ được ưu tiên trong công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá, xếp loại chất lượng cuối năm.
5. Kết luận
Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước ít đọc báo, tạp chí chuyên ngành sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc và hiệu quả quản lý nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ cải thiện chất lượng nội dung báo chí chuyên ngành; khuyến khích, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức; đến thay đổi phương thức tiếp cận thông tin và thiết lập hệ thống đánh giá và theo dõi. Việc thực hiện các giải pháp này sẽ giúp nâng cao thói quen đọc báo, tạp chí chuyên ngành và cải thiện hiệu quả công việc./.
Trần Phú Dũng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam