Keywords: Sustainable development, banking system, ESG.
1. Giới thiệu
Xu hướng kinh doanh phát triển bền vững đã tác động đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp và tổ chức tài chính đang tận dụng những cơ hội và đối mặt với các thách thức của việc thích nghi với mô hình kinh doanh bền vững. Sự điều chỉnh của tổ chức tài chính trong việc thực thi ESG không chỉ ảnh hưởng đến họ mà còn tác động đến mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ tác động này có thể biến đổi tùy theo khu vực kinh doanh và mô hình hệ thống tài chính cụ thể. Trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng đóng vai trò quan trọng như nhà tài trợ vốn cho doanh nghiệp, là nhân tố quan trọng đối với doanh nghiệp khi quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển bền vững. Khi đánh giá rủi ro ESG, tổ chức tài chính xác định các điều kiện tài chính mà họ sẽ cung cấp cho doanh nghiệp và mức độ nghiêm ngặt của các yêu cầu này sẽ tương ứng với mức độ rủi ro ESG của doanh nghiệp. Rủi ro danh tiếng mà các ngân hàng coi là rủi ro liên quan đến các công ty niêm yết đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này (Zioło và cộng sự, 2023).
Ở góc nhìn khác, các yếu tố ESG lại có tác động đáng kể đến hệ thống ngân hàng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hiệu suất về việc công bố ESG ảnh hưởng đến chi phí nợ của các công ty, cụ thể là hiệu suất công bố ESG mạnh hơn sẽ dẫn đến chi phí nợ thấp hơn (Eliwa và cộng sự, 2021). Ngoài ra, điểm đánh giá ESG được cho là có ảnh hưởng đến việc chấp nhận rủi ro và giá trị của ngân hàng và mối liên hệ gián tiếp tích cực giữa điểm đánh giá ESG và giá trị ngân hàng thông qua tác động của chúng đối với việc chấp nhận rủi ro (Tommaso và Thornton, 2020). Bên cạnh đó, theo Rastogi và Singh (2022), cùng với những thay đổi về môi trường, xã hội và quản trị, các yếu tố ESG cũng tác động đến việc định giá ngành Ngân hàng. Các yếu tố này đóng một vai trò quan trọng trong xếp hạng tín dụng của các tổ chức phi tài chính và phản ứng của những thay đổi xếp hạng tín dụng khác nhau giữa các lĩnh vực khác nhau (Chodnicka-Jaworska, 2021). Hơn nữa, tác động của yếu tố quản trị doanh nghiệp đến việc công bố ESG cũng đã được chỉ ra, cụ thể là cơ cấu sở hữu ảnh hưởng đến việc công bố ESG ở các công ty phi tài chính (Ellili, 2022). Tương tự như vậy, các nghiên cứu nhằm phát triển các khuôn khổ đổi mới, chẳng hạn như “Chỉ số tích hợp ESG quản trị ngân hàng” để tích hợp tính bền vững vào hệ thống quản trị tại các ngân hàng (Dicuonzo và cộng sự, 2022). Việc kết hợp các yếu tố ESG vào quá trình ra quyết định của các tổ chức tài chính đã được đề xuất để làm cho hệ thống tài chính bền vững hơn (Zioło và cộng sự, 2019).
Mặc dù còn có những tranh cãi về việc liệu ESG có ảnh hưởng đến việc chấp nhận rủi ro của ngân hàng, nhưng các ngân hàng vẫn thể hiện sự tuân thủ các chiến lược ESG để giảm thiểu rủi ro, dẫn đến tài sản có rủi ro thấp hơn và hệ số nguy cơ phá sản (điểm Z) cao hơn (Galletta và Mazzù, 2022). Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy các hoạt động ESG có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, ủng hộ giả thuyết đánh đổi rằng, việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG có thể làm tăng chi phí ngân hàng dẫn đến việc giảm lợi nhuận. Ngoài ra, có mối quan hệ hình chữ U giữa ESG và lợi nhuận ngân hàng, cho thấy hoạt động ESG có thể giúp cải thiện hiệu quả hoạt động ngân hàng trong dài hạn (Yuen và cộng sự, 2022).
Theo Phạm Minh Tú (2023), ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng như một kênh cung ứng tài chính chủ chốt trong nền kinh tế và luôn có trách nhiệm quan trọng trong việc định hình và xác định vai trò của mình trong quá trình thúc đẩy tiến trình “xanh hóa” dòng vốn đầu tư với mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững. Báo cáo toàn cầu về tiến trình cải cách hướng tới tài chính bền vững năm 2019, được thực hiện bởi Mạng lưới ngân hàng bền vững do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tạo điều kiện cho việc thành lập, đã xác định rằng, Việt Nam thuộc vào nhóm 38 thị trường đang phát triển và đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và đối phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, sự phát triển bền vững của từng ngân hàng cá nhân đóng một vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của toàn hệ thống ngân hàng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững của quốc gia.
Bài viết này nhằm phân tích tác động của việc thực thi ESG đến hệ thống ngân hàng, từ đó đưa ra các gợi ý chính sách về giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công bố các chỉ tiêu ESG tại Việt Nam trong thời gian tới.
2. Cơ sở lí thuyết
Lí thuyết các bên liên quan (Freeman, 1984) có thể được áp dụng để hỗ trợ sự hiểu biết về mối liên hệ phức tạp giữa việc chấp nhận rủi ro của các ngân hàng và giá trị của họ, đồng thời cũng liên quan đến việc quản trị ngân hàng dựa trên các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Lí thuyết này đưa ra gợi ý rằng, sự chuyển đổi từ một mô hình quản trị tập trung vào lợi ích của cổ đông sang một mô hình quản trị tập trung vào lợi ích của tất cả các bên liên quan sẽ cân bằng lợi ích của các bên khi họ quyết định đầu tư vào một ngân hàng hay không. Điều này giúp hạn chế việc ban quản trị chấp nhận rủi ro vượt quá mức và bảo vệ giá trị của ngân hàng. Vì vậy, quản trị dựa trên ESG có thể tạo ra một tương quan tiêu cực đối với việc chấp nhận rủi ro của các ngân hàng. Sự tương quan này thường được thể hiện trong bản chất của danh mục đầu tư của ngân hàng và mức độ đòn bẩy mà họ sử dụng. Ngoài ra, nó cũng có thể bao gồm việc giảm rủi ro do lòng trung thành của khách hàng tốt hơn (Bebbington, Larrinaga và Moneva, 2008) và giảm chi phí liên quan đến tuân thủ các quy định và biện pháp quản trị (Oikonomou, Brooks và Pavelin, 2012).
Khái niệm ESG là yếu tố trọng điểm trong việc đánh giá trách nhiệm xã hội và môi trường của các ngân hàng. Nghĩa vụ môi trường của ngân hàng có thể được phân tích dưới ba góc độ chính: Hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực nội bộ của ngân hàng, mức độ tài trợ của ngân hàng cho các dự án công nghiệp có ý thức về môi trường và việc giảm rủi ro trong việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có các dự án gây tổn hại đến môi trường (Jacobs và cộng sự, 2010; Gangi và cộng sự, 2019).
Về mặt tài chính, các khía cạnh xã hội rộng lớn hơn cũng có thể được xem xét. Điều này bao gồm việc tài trợ của ngân hàng cho các tổ chức phi chính phủ, quỹ đầu tư có đạo đức, khả năng chuyên môn trong việc quản lí rủi ro cho khách hàng, cũng như hiệu quả chi phí của các dịch vụ thanh toán điện tử và việc giáo dục tài chính cho công chúng (Siueia và cộng sự, 2019).
Cuối cùng, quản trị ngân hàng được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bao gồm: Quy mô của hội đồng quản trị, năng lực của giám đốc, kiến thức và tính độc lập của giám đốc, sự đa dạng về văn hóa và bình đẳng giới trong hội đồng quản trị, tính chất kép của giám đốc điều hành (CEO) - chủ tịch, thù lao điều hành và quản trị rủi ro.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, việc ngân hàng thông qua ESG để truyền tải các mục tiêu bền vững của mình đến khách hàng và đối tác kinh doanh trở nên quan trọng. Việc này có thể giúp họ xây dựng niềm tin của khách hàng, củng cố danh tiếng và đạt được lợi nhuận (Esteban-Sanchez và cộng sự, 2017; Gangi và cộng sự, 2019). Vì vậy, tình huống lí tưởng nhất là khi ngân hàng áp dụng các yêu cầu quản trị doanh nghiệp có chất lượng cao nhất, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường trong khi tham gia vào các hoạt động trách nhiệm xã hội.
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong bài viết, khi nghiên cứu về các vấn đề lí luận có liên quan, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính (cụ thể là phương pháp nghiên cứu tình huống hay còn gọi là phương pháp nghiên cứu điển hình). Tác giả thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin từ các nguồn dữ liệu thứ cấp như các bài báo nghiên cứu khoa học, giáo trình, tạp chí kinh tế, luận văn, luận án... để từ đó hệ thống hóa lí luận về các vấn đề liên quan đến việc thực thi các chỉ tiêu ESG và tác động của nó đến hệ thống ngân hàng. Dựa trên kết quả thu được, tác giả sẽ đưa ra lời giải thích, nhận xét và tổng kết được các bài học kinh nghiệm và dựa vào đó để đề xuất các giải pháp phù hợp cho các giai đoạn triển khai việc công bố các chỉ tiêu ESG tại Việt Nam.
4. Kết quả và thảo luận
Báo cáo Rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2022 cho thấy tầm quan trọng của rủi ro môi trường và xã hội (tức là rủi ro phi tài chính) có tăng lên trong những năm gần đây so với rủi ro kinh tế. Khái niệm rủi ro phi tài chính được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, bao gồm: Rủi ro hoạt động, rủi ro tuân thủ, rủi ro pháp lí, rủi ro mô hình, rủi ro chiến lược, rủi ro công nghệ thông tin, rủi ro an ninh mạng, rủi ro bên thứ ba và rủi ro danh tiếng (Deloitte, 2018). Một cách tiếp cận tương tự được trình bày bởi Leo và cộng sự (2019) về cách phân loại rủi ro cho các ngân hàng. Họ phân biệt rủi ro tài chính và phi tài chính, trong đó rủi ro phi tài chính bao gồm: Rủi ro quốc gia, rủi ro tuân thủ, rủi ro pháp lí, rủi ro hành vi, rủi ro mô hình, rủi ro kinh doanh và chiến lược, rủi ro hoạt động, rủi ro danh tiếng. Rủi ro về các yếu tố phi tài chính trong bối cảnh phát triển bền vững được xác định là rủi ro ESG, tức là rủi ro do các yếu tố ESG gây ra. Đối với các tổ chức tài chính, Cơ quan Ngân hàng châu Âu định nghĩa: “Rủi ro ESG là rủi ro của bất kì tác động tài chính tiêu cực nào đối với tổ chức xuất phát từ tác động hiện tại hoặc tương lai của các yếu tố ESG đối với đối tác hoặc tài sản đầu tư của tổ chức đó” (EBA 2021). Bên cạnh áp lực pháp lí và thị trường, các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường còn phải đối mặt với rủi ro ESG, hệ quả tất yếu đến từ sự gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của các yếu tố ESG của chủ sở hữu, cũng như tầm quan trọng của những yếu tố này trong việc định giá rủi ro. Từ đó dẫn đến việc các tổ chức tài chính kết hợp các yếu tố phi tài chính vào mô hình kinh doanh cũng như vào quy trình đầu tư và tài chính (Eccles và cộng sự, 2017; Grim và Berkowitz, 2020; Signori và cộng sự, 2021). Ảnh hưởng tích cực của các yếu tố ESG đến hiệu quả tài chính của ngân hàng thể hiện ở tăng trưởng cho vay, trong khi đưa những yếu tố này vào quyết định cho vay của ngân hàng dẫn đến hiệu quả tài chính tốt hơn. Gangi và cộng sự (2019) cho thấy các ngân hàng có tính đến yếu tố ESG có mức độ rủi ro thấp hơn và sự tham gia của ngân hàng vào các vấn đề ESG giúp giảm nguy cơ mất khả năng thanh toán (Neitzert và Petras, 2019). Ngày càng có nhiều tổ chức tài chính cân nhắc các yếu tố ESG trong quá trình ra quyết định do nhu cầu đầu tư vốn vào sản phẩm tài chính bền vững. Xiong (2021) tiết lộ rằng, lợi nhuận cho cổ phiếu có xếp hạng rủi ro ESG thấp (cổ phiếu xanh) cao hơn và chúng cũng giúp cải thiện rủi ro đuôi trong danh mục đầu tư (so với các cổ phiếu có xếp hạng rủi ro ESG cao (cổ phiếu nâu)), đặc biệt, trong thời kì khủng hoảng do Covid-19. Maiti (2021) cho thấy, trong mọi trường hợp, danh mục đầu tư được hình thành trên các yếu tố xã hội và quản trị mang lại hiệu quả tốt hơn hiệu quả đầu tư hơn so với danh mục đầu tư truyền thống chỉ dựa trên quy mô và giá trị.
Xét về góc độ thực thi ESG, nghĩa vụ môi trường của ngân hàng được xem xét đầu tiên và đánh giá quan trọng nhất, bao gồm ba góc độ: Hiệu quả nguồn lực nội bộ, tài trợ cho các dự án công nghiệp có ý thức về môi trường và giảm rủi ro cung cấp vốn cho doanh nghiệp có các dự án gây tổn hại đến môi trường (Gangi và cộng sự, 2019; Batae và cộng sự, 2021). Trong khi đó, về khía cạnh trách nhiệm xã hội của ngân hàng, có thể kể đến các hoạt động như tài trợ cho tổ chức phi chính phủ, quỹ đầu tư có đạo đức, tài trợ tài chính giáo dục cho công chúng...
(Esteban-Sanchez và cộng sự, 2017; Siueia và cộng sự, 2019). Cuối cùng, sự thành công trong quản trị bị ảnh hưởng bởi quy mô hội đồng quản trị, năng lực, kiến thức và tính độc lập của ban giám đốc, sự đa dạng về văn hóa và bình đẳng giới trong hội đồng quản trị, thù lao điều hành và quản trị rủi ro... Trong nền kinh tế toàn cầu, ngân hàng phải phổ biến các mục tiêu bền vững của mình thông qua ESG tới khách hàng và đối tác kinh doanh để có được niềm tin của khách hàng, cải thiện danh tiếng cũng như lợi nhuận (Esteban-Sanchez và cộng sự, 2017; Gangi và cộng sự, 2019). Theo đó, tình huống lí tưởng nhất là khi ngân hàng vừa có thể áp dụng cơ chế quản trị doanh nghiệp có chất lượng cao nhất trong khi giảm thiểu hậu quả môi trường và tham gia tích cực vào các hoạt động trách nhiệm xã hội.
Tuy nhiên, xung đột lợi ích của các bên liên quan và bộ phận quản lí có thể gây nguy hiểm cho việc cải thiện chính sách ESG và hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Ví dụ, việc theo đuổi lợi nhuận trong các khoản đầu tư rủi ro hơn có thể ngăn cản ngân hàng thực hiện việc áp dụng các chính sách ESG tốt hơn. Lập luận này dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng trong việc đánh giá mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trên toàn cầu (Friede và cộng sự, 2015; Azmi và cộng sự, 2021; El Khoury và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, những kết quả này không có tính thuyết phục cao do chưa đồng nhất (có thể các kết quả nghiên cứu mâu thuẫn nhau đến từ việc bỏ qua sai số biến đổi, cỡ mẫu nhỏ và kết quả sơ cấp không nhất quán...). Bên cạnh đó, theo Friede và cộng sự (2015) khi tiến hành tổng hợp hơn 2.000 kết quả nghiên cứu về việc xem xét mối liên hệ giữa việc thực thi ESG và hiệu quả tài chính cho thấy, hơn 90% kết quả nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ thuận chiều giữa việc thực thi các tiêu chí ESG với thành công trong kinh doanh. Trong bối cảnh xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, Cornett và cộng sự (2016) cho rằng, thành công về mặt tài chính của các ngân hàng Hoa Kỳ từ năm 2003 đến năm 2013 có liên quan mạnh mẽ, thuận chiều với điểm đánh giá ESG. Có nghĩa là, các ngân hàng được khen thưởng vì có trách nhiệm xã hội cũng đồng thời có thành công về mặt tài chính kinh doanh. Bischof và cộng sự (2021) giải thích rằng, việc kết hợp ESG vào mô hình kinh doanh giúp các ngân hàng hiểu rõ hơn và gắn kết với khách hàng về rủi ro biến đổi khí hậu và các chuyển đổi bền vững, từ đó đảm bảo mối quan hệ với khách hàng. Wang và cộng sự (2015), Broadstock và cộng sự (2021), El Khoury và cộng sự (2021), Yoo và cộng sự (2021), Zhang và cộng sự (2022) đều ủng hộ ý kiến ESG có tác động tích cực đến hiệu quả tài chính, ngay cả trong lĩnh vực phi tài chính.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh nhận thức về tầm quan trọng của việc thực thi các tiêu chuẩn ESG trong các hoạt động tài chính, tín dụng, đầu tư và quản trị ngày càng gia tăng, sự ảnh hưởng của ngân hàng đối với nền kinh tế và xã hội trở nên đáng kể. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của xã hội và bảo vệ môi trường, mà còn kéo theo một loạt tác động kinh tế, xã hội và môi trường có thể kéo dài vào tương lai.
Được xem là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo phát triển bền vững, Ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Á Châu (ACB) đã lựa chọn và trình bày các chỉ số liên quan đến phát triển bền vững trong các lĩnh vực ESG dựa trên các tiêu chuẩn thông tin công bố được thiết lập bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Báo cáo Bền vững Toàn cầu (GSSB) cùng với sự tham chiếu đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. ACB cũng tuân theo 18 tiêu chí của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI). Báo cáo Phát triển Bền vững của ACB năm 2022 bao gồm các thông tin liên quan đến việc xác định hướng đi và cách tiếp cận các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, phương thức quản lí những lĩnh vực quan trọng và kết quả mà ACB đã đạt được trong lĩnh vực này.
Tháng 6/2023, Finance Asia, một trong những tạp chí hàng đầu và uy tín nhất trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại khu vực châu Á, đã trao danh hiệu "Ngân hàng có tác động ESG xuất sắc nhất tại Việt Nam" cho NHTM cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Sự vinh dự này được thể hiện nhờ những tác động tích cực của SHB đối với môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Sự thành công trong việc xây dựng và triển khai hiệu quả khung quản trị ESG đã giúp SHB thu hút một lượng lớn vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) từ các tổ chức quốc tế, đạt tổng giá trị hàng tỉ USD. Đây là nguồn vốn cần thiết để SHB tiếp tục hỗ trợ các dự án chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh, có tác động tích cực đối với cả khía cạnh kinh tế và xã hội. Đồng thời, thành tựu này đã củng cố vị thế của SHB như một trong những ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực tài trợ và quản lí nguồn vốn xanh và bền vững tại Việt Nam.
NHTM cổ phần Quân đội (MB) cũng đã nhận thấy vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động và dự án xanh. MB đã sử dụng nguồn vốn huy động của mình để cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh như nông nghiệp bền vững và cung cấp nguồn nước trong cả khu vực đô thị và nông thôn, giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế có tầm quan trọng lớn trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo sự bền vững của nguồn lực. Ngoài việc tập trung vào cấp tín dụng nội địa, MB cũng đã tiến hành nghiên cứu và thực hiện tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các định chế tài chính và tổ chức phi chính phủ. Điều này giúp mở rộng khả năng ảnh hưởng của MB đối với các dự án và hoạt động quốc tế có mục tiêu xanh, đồng thời tạo cơ hội cho việc hợp tác quốc tế trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu về môi trường và phát triển bền vững. Từ những nỗ lực này, MB không chỉ đóng góp vào sự thịnh vượng của xã hội và bảo vệ môi trường mà còn xác định mình như một đối tác quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững và xanh hơn.
Tuy nhiên, việc phát triển và thực hiện các tiêu chí ESG cũng như tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn đòi hỏi sự đầu tư thời gian và nguồn lực tài chính, vì vậy, không phải tất cả các tổ chức tài chính và doanh nghiệp trên thị trường đều đặt sự quan tâm cao đối với việc này. Để đảm bảo, các ngân hàng và tổ chức tài chính thực hiện “Hành trình xanh” toàn diện và hiệu quả, cần thiết phải có một hệ thống cơ chế định hướng, giám sát và chế tài mạnh mẽ được thiết lập bởi các cơ quan quản lí nhà nước, trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò quan trọng.
5. Kết luận và giải pháp
Bài viết đã trình bày và thảo luận về tác động của việc thực thi các yếu tố ESG đối với hệ thống ngân hàng và đặc biệt tập trung vào ngân hàng Việt Nam. Bài viết cũng so sánh với thực trạng thế giới để đánh giá tầm quan trọng của ESG trong việc định hình hệ thống ngân hàng và quản trị rủi ro.
Từ góc nhìn Việt Nam, bài viết cho thấy sự gia tăng tầm quan trọng của ESG đối với các ngân hàng trong việc xây dựng và điều chỉnh mô hình kinh doanh. Việc thực thi ESG đã giúp các ngân hàng thu hút nguồn vốn ODA quốc tế và đảm bảo nguồn vốn để hỗ trợ dự án chuyển đổi xanh. Ngoài ra, những nỗ lực trong việc thực hiện ESG đã giúp ngân hàng ở Việt Nam đạt được danh hiệu về tác động tích cực đến môi trường, xã hội và quản trị, góp phần củng cố vị thế là các ngân hàng xanh và bền vững hàng đầu trong nước.
Từ góc nhìn toàn cầu, bài viết đã cho thấy ESG được coi là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Rủi ro phi tài chính bao gồm rủi ro ESG, đã được phát triển và tích hợp vào quy trình ra quyết định của các tổ chức tài chính trên thế giới. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tích hợp yếu tố ESG vào hoạt động ngân hàng có thể mang lại nhiều lợi ích như: Tăng trưởng cho vay, hiệu quả tài chính tốt hơn và giảm nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Để thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng (mà trước hết là các doanh nghiệp đại chúng) công bố thông tin ESG một cách ngày càng chất lượng hơn, minh bạch và đáng tin cậy hơn, các cơ quan, ban, ngành, Chính phủ cần có những động thái rõ ràng.
Thứ nhất, phải có cơ chế chấm, công bố xếp hạng báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp đại chúng hằng năm. Từ đó, có cơ sở tham chiếu nhằm khuyến khích những doanh nghiệp có thứ hạng cao bằng những cơ chế ưu đãi về chính sách thuế, chính sách ưu đãi khi đầu tư cũng như khi tham gia đấu thầu để doanh nghiệp có thể nhận thấy những lợi ích cụ thể, từ đó sẽ chú trọng nâng cao chất lượng báo cáo phát triển bền vững bằng cách công bố cụ thể các chỉ tiêu ESG.
Thứ hai, do đây là một hoạt động còn tương đối mới ở Việt Nam nên không thể bỏ qua vai trò của tổ chức đào tạo (bao gồm cả các trường đại học) trong việc đào tạo ra các chuyên gia có đầy đủ kiến thức không chỉ về tài chính mà còn chuyên ngành về môi trường, xã hội.
Thứ ba, NHNN cần thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng và áp dụng các chính sách và quy định cụ thể về lĩnh vực tín dụng xanh, đảm bảo các NHTM và tổ chức tài chính thực hiện nguyên tắc và tiêu chuẩn xanh một cách nghiêm túc và hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong tham gia và thực thi ESG trong toàn Ngành.
Sự hợp tác và đóng góp của tất cả các bộ, ban, ngành có thẩm quyền cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc thực thi ESG được triển khai một cách toàn diện và được thực hiện đúng các cam kết của Chính phủ liên quan đến giảm phát thải ròng. Thông qua sự đoàn kết và cùng hành động của tất cả các bên liên quan, chúng ta có thể đảm bảo sự bền vững của hệ thống tài chính và môi trường tự nhiên trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Azmi, W., Hassan, M.K., Houston, R. and Karim, M.S. (2021). “ESG activities and banking performance: international evidence from emerging economies”, Journal of International Financial Markets, Institutions and Money, Vol. 70, 101277.
2. Batae, O.M., Dragomir, V.D. and Feleaga, L. (2021). “The relationship between environmental, social, and financial performance in the banking sector: a European study”, Journal of Cleaner Production, Vol. 290, 125791.
3. Bebbington, J., Larrinaga, C., & Moneva, J. M. (2008). Corporate social reporting and reputation risk management. Accounting, Auditing & Accountability Journal, 23, pages 337 - 361. https://doi.org/10.1108/ 09513570810863932.
4. Bischof, R., Bourdier, N., Gassmann, P., Wackerbeck, P. and Marek, S. (2021), “European bank transformation: why banks can no longer ignore ESG”, available at: https://www.strategyand.pwc.com/de/en/industries/financial-services/transforming-eu-banks/esg.html
5. Cornett, M.M., Erhemjamts, O. and Tehranian, H. (2016). “Greed or good deeds: an examination of the relation between corporate social responsibility and the financial performance of U.S. commercial banks around the financial crisis”, Journal of Banking and Finance, Vol. 70, pages 137 - 159.
6. Chodnicka-Jaworska, P. (2021). Esg as a measure of credit ratings. Risks, 9(12), page 226 https://doi.org/10.3390/risks9120226
7. Deloitte (2018). The future of Non-Financial Risk in financial services: Building an effective Non-Financial Risk management program. Available at: https://www2. deloitte.com/de/de/pages/financial-services/articles/non-financial-risk-financial services.html (Accessed December 18, 2023).
8. Dicuonzo, G., Donofrio, F., Iannuzzi, A., & Dell’Atti, V. (2022). The integration of sustainability in corporate governance systems: an innovative framework applied to the european systematically important banks. International Journal of Disclosure and Governance, 19(3), pages 249 - 263. https://doi.org/10.1057/s41310-021-00140-2
9. EBA (2021). EBA report on management and supervision of ESG risks for credit institutions and investment firms. European Banking Authority. EBA/REP/2021/18 Available: https://www.eba.europa.eu/sites/default/documents/files/document_library/Publications/Reports/2021/1015656/EBA%20Report%20on%20ESG%20risks%20management%20and%20supervision.pdf (accessed December 18, 2023).
10. Eccles, R. G., Kastrapeli, M. D., and Potter, S. J. (2017). How to integrate ESG into investment decision-making: Results of a global survey of institutional investors. J. App. Corp. Fin. 29 (4), pages 125 - 133. doi:10.1111/jacf.12267.
11. Ellili, N. (2022). Impact of corporate governance on environmental, social, and governance disclosure: any difference between financial and non‐financial companies? Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 30(2), pages 858 - 873. https://doi.org/10.1002/csr.2393
12. Eliwa, Y., Aboud, A., & Saleh, A. (2021). Esg Practices and the cost of debt: evidence from eu countries. Critical perspectives on accounting, 79, 102097. Https://doi.org/10.1016/j.cpa.2019.102097.
13. Esteban-sanchez, p., de la cuesta-gonzalez, m. And paredes-gazquez, j.d. (2017). “Corporate social performance and its relation with corporate financial performance: international evidence in the banking industry”, journal of cleaner production, vol. 162, pages 1102 - 1110.
14. Freeman, r. (1984). Strategic management: a stakeholder approach. Boston: Pitman publishing.
15. Khoury, r., nasrallah, n., & alareeni, b. (2021). The determinants of esg in the banking sector of mena region: A trend or necessity? Competitiveness review an international business journal incorporating journal of global competitiveness, 33(1), pages 7 - 29. https://doi.org/10.1108/cr-09-2021-0118.
16. Galletta, s. And mazzù, s. (2022). Esg controversies and bank risk taking. Business strategy and the environment, 32(1), pages 274 - 288. https://doi.org/10.102/bse.3129
17. Gangi, f., meles, a., d’angelo, e. And daniele, l.m. (2019). “Sustainable development and corporate governance in the financial system: are environmentally friendly banks less risky?”, corporate social responsibility and environmental management, vol. 26 no. 3, pages 529-547.
18. Grim, d. M., and berkowitz, d. B. (2020). Esg, sri, and impact investing: a primer for decision-making. J. Impact esg invest. 1 (1), pages 47 - 65. Doi:10.3905/jesg.2020.1.1.047.
19. Jacobs, b.w., singhal, v.r. and subramanian, r. (2010). “An empirical investigation of environmental performance and the market value of the firm”, journal of operations management, vol. 28 no. 5, pages 430 - 441.
20. Leo, m., sharma, s., and maddulety, k. (2019). Machine learning in banking risk management: a literature review. Risks 7 (1), 29. Doi:10.3390/risks7010029.
21. Maiti, m. (2021). Is esg the succeeding risk factor? J. Sustain. Finance invest. 11 (3), pages 199 - 213. Doi:10.1080/20430795.202.
22. Neitzert, f., and petras, m. (2019). Corporate social responsibility and bank risk. Ssrn electron. J. Doi:10.2139/ssrn.3456754.
23. Nguyễn Văn Tú (2023). Các nguyên tắc ngân hàng bền vững - kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng.
24. Oikonomou, i., brooks, c., & pavelin, s. (2012). The impact of corporate social performance on financial risk and utility: a longitudinal analysis. Financial management, 41, pages 483-515. https://doi.org/10.1111/j.1755- 053x.2012.01190.x
25. Rastogi, s. And singh, k. (2022). The impact of esg on the bank valuation: Evidence of moderation by ict. Journal of global responsibility, 14(2), pages 273 - 288. https://doi.org/10.1108/jgr-07-2022-0075.
26. Signori, s., san-jose, l., retolaza, j. L., and rusconi, g. (2021). Stakeholder value creation: comparing esg and value added in european companies. Sustainability 13 (3), 1392. Doi:10.3390/su13031392.
27. Siueia, t.t., wang, j. And deladem, t.g. (2019). “Corporate social responsibility and financial performance: a comparative study in the sub-saharan africa banking sector”, journal of cleaner production, vol. 226, pages 658 - 668.
28. Tommaso, c. And thornton, j. (2020). Do esg scores effect bank risk taking and value? Evidence from european banks. Corporate social responsibility and environmental management, 27(5), 2286-2298. https://doi.org/10.1002/csr.1964
29. Xiong, j. X. (2021). The impact of esg risk on stocks. J. Impact esg invest. 2 (1), pages 7 - 18. Doi:10.3905/jesg.2021.1.025.
30. Zioło, m., bąk, i., cheba, k., filipiak, b., & spoz, a. (2023). Environmental, social, governance risk versus cooperation models between financial institutions and businesses. Sectoral approach and esg risk analysis. Frontiers in environmental science, 10. https://doi.org/10.3389/fenvs.2022.1077947.
31. Friede, g., busch, t. And bassen, a. (2015). “esg and financial performance: Aggregated evidence from more than 2000 empirical studies”, journal of sustainable finance and investment, vol. 5 no. 4, pages 210 - 233.
32. Yoo, s., keeley, a.r. and managi, s. (2021). “Does sustainability activities performance matter during financial crises? Investigating the case of covid-19”, energy policy, vol. 155, page 112330.
33. Yuen, m., ngo, t., le, t., & ho, t. (2022). The environment, social and governance (esg) activities and profitability under covid-19: evidence from the global banking sector. Journal of economics and development, 24(4), pages 345 - 364. https://doi.org/10.1108/jed-08-2022-0136
34. Zhang, d., wang, c. And dong, y. (2022). “How does firm esg performance impact financial constraints? An experimental exploration of the covid-19 pandemic”, the european journal of development research (online first).
35. Zioło, m., filipiak, b., bąk, i., & cheba, k. (2019). How to design more sustainable financial systems: the roles of envi-ronmental, social, and governance factors in the decision-making process. Sustainability, 11(20), 5604. https://doi.org/10.3390/su11205604