Quốc tế hóa Nhân dân tệ và hợp tác tiền tệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN
20/05/2024 4.296 lượt xem
Tóm tắt: Nghiên cứu này phân tích tình hình và kết quả triển khai chiến lược quốc tế hóa Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc từ năm 2009 đến nay, trong đó tập trung vào các nội dung hợp tác tiền tệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc triển khai các sáng kiến hợp tác tiền tệ với Trung Quốc. Kết quả rà soát cho thấy xu hướng phát triển chung các nước ASEAN đều thúc đẩy hợp tác tiền tệ với Trung Quốc, tuy nhiên, mức độ hợp tác tiền tệ của các quốc gia ASEAN với Trung Quốc khác nhau, phụ thuộc vào quy mô hợp tác và kết nối kinh tế và cân bằng chi phí - lợi ích của mỗi nước. Kinh nghiệm của các nước có những giá trị tham khảo nhất định cho Việt Nam trong việc xác định định hướng, cách thức và mức độ triển khai hợp tác tiền tệ với Trung Quốc.
 
Từ khóa: Quốc tế hóa CNY, chính sách nới lỏng, thanh toán, Trung Quốc, các nước ASEAN.
 
RENMINBI INTERNATIONALISATION AND THE CURRENCY COOPERATION
BETWEEN CHINA AND ASEAN COUNTRIES

 
Abstract: This study analyzes the situation and outcomes of China’s internationalization strategy of the Renminbi from 2009 up to now, focusing on currency cooperation between China and ASEAN countries, to draw lessons for Vietnam in implementing currency initiatives with China. The review results show that most ASEAN countries tend to promote currency cooperation with China, but the level of cooperation varies depending on the scale of cooperation, economic connectivity, and cost - benefit balance between China and ASEAN countries. The experience of each country have certain value for Vietnam in determining the direction, methods, and extent of currency cooperation with China.
 
Keywords: Renminbi internationalization, loosening policy, payment, China, ASEAN countries.
 
Sau một thời gian dài đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế kỷ lục (trung bình 10%/năm trong suốt 30 năm từ 1980 - 2010), Trung Quốc đã xây dựng được tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quốc gia xuất khẩu đứng đầu thế giới từ năm 20151. Đi đôi với phát triển kinh tế, Trung Quốc dần hình thành và triển khai chiến lược bài bản xây dựng và củng cố sức mạnh tài chính - tiền tệ với trọng tâm là phát triển CNY trở thành đồng tiền quốc tế. Năm 2009, Trung Quốc đã ban hành Chiến lược quốc tế hóa CNY với các bước đi tuần tự để thúc đẩy việc sử dụng CNY trong thanh toán ngoại thương, đầu tư quốc tế và dự trữ ngoại hối. Từ đó đến nay, Chiến lược quốc tế hóa CNY được Trung Quốc kiên trì thực hiện với nhiều kết quả rõ rệt trên một số lĩnh vực và đối với một số khu vực/quốc gia. 
 
Với vai trò là vùng đất tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Nam của nước này và cũng là một trong các khu vực phát triển kinh tế năng động, ổn định và nhiều tiềm năng nhất trên thế giới, các nước ASEAN có vai trò quan trọng và luôn là một phần trong các chiến lược kinh tế đối ngoại của Trung Quốc. Theo thống kê của ASEAN2, kể từ năm 2009, Trung Quốc liên tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của các nước ASEAN và ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ba năm liền kể từ năm 2020. Kim ngạch thương mại ASEAN - Trung Quốc đạt mức kỷ lục 722 tỉ USD vào năm 2022, trong khi tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào các nước ASEAN lên đến 15,5 tỉ USD. Trung Quốc và ASEAN có các sáng kiến hợp tác trên mọi mặt, bao gồm nhiều sáng kiến hợp tác tài chính - tiền tệ đan xen cả trong khuôn khổ ASEAN và song phương với từng quốc gia, trong đó tăng cường sử dụng bản tệ trong thanh toán thương mại, tài trợ và đầu tư ngày càng trở thành một nội dung quan trọng. 
 
Trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển (Trung Quốc liên tục và tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại năm 2023 đạt mức kỷ lục 171 tỉ USD), các sáng kiến và cam kết hợp tác kinh tế và tài chính tiền tệ giữa hai bên, cả trong khuôn khổ song phương và đa phương ngày một nhiều, đan xen với những tác động đa chiều, việc xem xét tình hình, kinh nghiệm triển khai các nội dung hợp tác tài chính - tiền tệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trên nền tảng các nội dung của Chiến lược quốc tế hóa CNY của Trung Quốc sẽ cung cấp cho Việt Nam nguồn tham khảo hữu ích để có cái nhìn tổng thể hơn phục vụ việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách và biện pháp phù hợp nhằm khai thác tối đa lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ việc tham gia các chiến lược, sáng kiến này.
 
1. Nội dung và kết quả thực hiện Chiến lược quốc tế hóa CNY của Trung Quốc 
 
Một đồng tiền quốc tế là đồng tiền được sử dụng và nắm giữ bên ngoài biên giới của nước phát hành ra đồng tiền đó, không chỉ cho các giao dịch với người cư trú tại nước đó mà quan trọng hơn, là cho cả các giao dịch giữa các đối tượng không cư trú. Nói một cách khác, một đồng tiền quốc tế là đồng tiền được các bên sử dụng thay cho đồng tiền nước mình khi tham gia trực tiếp vào các giao dịch quốc tế, bao gồm giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc tài sản tài chính. Đồng tiền quốc tế thực hiện một số hoặc tất cả các chức năng của một đồng tiền, bao gồm các chức năng làm phương tiện thanh toán, thước đo giá trị và cất giữ giá trị. Theo đó, để một đồng tiền trở thành đồng tiền quốc tế, một quốc gia cần đảm bảo phần lớn trong các điều kiện sau: (i) Bãi bỏ các hạn chế đối với việc người dân trong nước và nước ngoài mua, bán đồng tiền nước đó trên thị trường giao ngay và có kỳ hạn; (ii) Các doanh nghiệp trong nước được phép sử dụng đồng tiền nước mình và doanh nghiệp nước ngoài được dùng đồng tiền nước đó làm đồng tiền ghi hóa đơn một phần hoặc toàn bộ giá trị hàng xuất khẩu; (iii) Doanh nghiệp, định chế tài chính, các tổ chức chính thức và cá nhân nước ngoài được nắm giữ đồng tiền của nước đó và các công cụ tài chính với mệnh giá là đồng tiền nước đó; (iv) Các doanh nghiệp và định chế tài chính được sử dụng các công cụ yết giá bằng đồng tiền đó có giao dịch trên thị trường; (v) Các định chế tài chính và phi tài chính của nước phát hành đồng tiền có thể phát hành các công cụ có mệnh giá được yết bằng đồng tiền nước đó trên thị trường nước ngoài; (vi) Các định chế tài chính quốc tế có thể phát hành các công cụ nợ trên thị trường của nước phát hành đồng tiền đó và sử dụng đồng tiền của nước đó trong hoạt động tài chính của các định chế này; và (vii) Đồng tiền đó có thể được đưa vào “rổ tiền tệ” của nước khác và được các nước này sử dụng để điều hành chính sách tỉ giá của nước mình3
 
Xét trên khái niệm và nền tảng lý thuyết đó, thực tế cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược với các bước đi dài hạn và bài bản để CNY có được vai trò là đồng tiền quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với vai trò là đơn vị chủ trì triển khai Chiến lược quốc tế hóa CNY, từ năm 2009, Ngân hàng Nhân dân (NHND) Trung Quốc đã triển khai nhiều bước đi tạo khuôn khổ và thuận lợi để CNY trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi bên ngoài biên giới Trung Quốc, cụ thể gồm: (i) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý với nhiều chính sách được ban hành để khuyến khích việc sử dụng CNY trong thương mại, đầu tư quốc tế; (ii) Xây dựng cơ chế hợp tác với ngân hàng trung ương (NHTW) các nước để cho phép và tạo thuận lợi cho việc sử dụng CNY trong thanh toán, tài trợ và đầu tư quốc tế; (iii) Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ hỗ trợ hoạt động thanh toán, đầu tư bằng CNY xuyên biên giới; (vi) Ứng dụng công nghệ tài chính hỗ trợ mở rộng sử dụng CNY nói chung và xuyên biên giới nói riêng và (v) Mở cửa thị trường tài chính trong nước, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại thị trường tài chính Trung Quốc, nâng cao mong muốn nắm giữ CNY của các đối tượng này. 
 
Thứ nhất, về xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Trung Quốc áp dụng cách thức tiếp cận từng bước, theo đó, trong giai đoạn đầu áp dụng các quy định mang tính thí điểm và triển khai các chương trình thử nghiệm để khuyến khích các doanh nghiệp thanh toán ngoại thương và đầu tư ra nước ngoài bằng CNY và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư vào Trung Quốc bằng CNY; từ đó làm cơ sở xem xét tiến tới ban hành quy định chính thức trong các lĩnh vực này. Việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý có sự tham gia của tất cả các cơ quan và địa phương có liên quan của Chính phủ, đảm bảo sự đồng thuận và khả năng xử lý đồng bộ, toàn diện các vấn đề liên quan. Nhờ đó, trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã dần dần gỡ bỏ các chính sách hạn chế việc sử dụng CNY xuyên biên giới, ban hành khuôn khổ chính sách và từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán CNY trên phạm vi quốc tế.
 
Thứ hai, song song với việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trong nước, Trung Quốc khẩn trương ký kết với đối tác cả trong khu vực và trên thế giới các thỏa thuận tạo khuôn khổ và cơ chế hợp tác với các nước cho việc sử dụng CNY trong thanh toán, tài trợ và đầu tư quốc tế, đảm bảo/hỗ trợ thanh khoản CNY cho các giao dịch này. Tính đến tháng 9/2023, NHND Trung Quốc đã ký Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương (BSA) với 40 NHTW/cơ quan quản lý tiền tệ của các quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng giá trị hơn 4.000 tỉ CNY, trong đó, giá trị CNY mà NHTW các nước sử dụng thông qua BSA là 117,1 tỉ CNY, giá trị ngoại tệ mà NHND Trung Quốc sử dụng thông qua BSA quy đổi sang CNY là 3,43 tỉ CNY. Việc xây dựng các cơ chế thanh toán bù trừ CNY tại các quốc gia thông qua việc chỉ định ngân hàng quyết toán CNY cũng được triển khai nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2023, NHND Trung Quốc đã ủy quyền cho 33 ngân hàng tại 5 châu lục làm ngân hàng quyết toán CNY4. Tại khu vực ASEAN, 06 nước đã có ngân hàng quyết toán CNY là: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Lào và Campuchia. Trung Quốc cũng xây dựng cơ chế giao dịch trực tiếp CNY với các đồng tiền khác nhằm giảm chi phí chuyển đổi ngoại tệ; tính đến cuối năm 2019, trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng của Trung Quốc, CNY đã được yết giá giao dịch trực tiếp với 28 đồng tiền của các quốc gia5.
 
Thứ ba, về phát triển hạ tầng hỗ trợ thanh toán và đầu tư bằng CNY xuyên biên giới, từ năm 2012, Trung Quốc đã xây dựng và dần hoàn thiện Hệ thống thanh quyết toán CNY xuyên biên giới (CIPS). Sau hai giai đoạn, CIPS đã xử lý từ các giao dịch thanh toán tổng tức thời (RTGS), chuyển giao chứng khoán đối ứng thanh toán (Delivery Versus Payment - DVP) trái phiếu (giai đoạn 1), tiến tới cung cấp phương thức thanh toán theo phiên (DNS - Deferred Net Settlement) và thanh toán đối thanh toán (PVP - Payment versus Payment) cho CNY với các ngoại tệ khác và phương thức bù trừ trung tâm cho các đối tác. Chức năng của CIPS được cải thiện liên tục, số lượng tổ chức tham gia và khối lượng giao dịch ngày càng tăng. Tính đến tháng 02/2024, CIPS có 139 thành viên trực tiếp và 1.353 thành viên gián tiếp tại tất cả các châu lục, kết nối dịch vụ cho 4.300 ngân hàng từ 200 quốc gia và khu vực. Có thể nói, hệ thống CIPS đã giúp mở rộng đáng kể việc sử dụng CNY trong thanh toán quốc tế6. Một hạ tầng quan trọng khác được Trung Quốc xây dựng phục vụ thanh toán và đầu tư là Hệ thống Thông tin quản lý thanh toán Xuyên biên giới bằng CNY (RCPMIS) do NHND Trung Quốc thực hiện từ năm 2009. Đây hiện đang là hệ thống quản lý thông tin toàn quốc duy nhất ở Trung Quốc đã được chuyên môn hóa để theo dõi dòng vốn CNY xuyên biên giới. Hệ thống này thu thập toàn bộ thông tin giao dịch, dòng vốn và chứng khoán liên quan đến nhận và thanh toán xuyên biên giới bằng CNY. Chức năng thống kê và theo dõi của RCPMIS cũng dần được cải thiện để đáp ứng nhu cầu của NHND Trung Quốc trong việc phân tích, theo dõi, đánh giá và ra quyết định kiểm soát vĩ mô liên quan đến các hoạt động thanh toán xuyên biên giới bằng CNY. 
 
Hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới còn bao gồm dịch vụ vận chuyển tiền giấy CNY xuyên biên giới. Từ năm 2010, việc cung ứng tiền giấy CNY xuyên biên giới có thể thực hiện qua 03 kênh: (i) Kho tiền ký gửi ở nước ngoài; (ii) Ngân hàng bù trừ ở nước ngoài; và (iii) Ngân hàng đại lý. Ngoài ra, từ năm 2018, Trung Quốc đã xây dựng các tuyến vận chuyển tiền giấy trên bộ song phương với Lào, Nga và Kazakhstan. Nhờ đó, quy mô hoạt động vận chuyển tiền giấy CNY xuyên biên giới đã tăng liên tục từ năm 2009, với tốc độ tăng trung bình hằng năm là 28,9% trong 10 năm tiếp theo.
 
Thứ tư, ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) để thúc đẩy sử dụng CNY. Từ năm 2014, NHND Trung Quốc đã triển khai nghiên cứu về CNY phiên bản điện tử (DCEP)7. Tháng 5/2020, NHND Trung Quốc cho phép việc thực hiện theo hình thức thí điểm thanh toán điện tử dùng tiền kỹ thuật số tại một số NHTM và trung gian thanh toán trên quy mô nhỏ tại 04 thành phố. Đến tháng 10/2020, phạm vi thử nghiệm đã mở rộng thêm 06 tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Tháng 01/2021, NHND Trung Quốc thành lập liên doanh với Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) (trong đó SWIFT chiếm 55% cổ phần) với mục tiêu nghiên cứu ảnh hưởng của đồng tiền kỹ thuật số đến các giao dịch thanh toán chuyển tiền quốc tế. Tháng 02/2021, NHND Trung Quốc đã cùng Cơ quan Quản lý tiền tệ Hồng Kông, NHTW Thái Lan và NHTW UAE (United Arab Emirates - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) triển khai dự án nghiên cứu việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số của NHTW trong thanh toán thương mại xuyên biên giới. Trước đó, tháng 7/2017, cơ quan quản lý của Trung Quốc đã cấp giấy phép cho 30 công ty kỹ thuật số đủ điều kiện để thực hiện các khoản thanh toán qua biên giới.
 
Thứ năm, về mở cửa các thị trường tài chính, sau dự án thí điểm thanh toán bằng CNY trong thương mại xuyên biên giới với phạm vi hẹp năm 2009, các nghiệp vụ CNY xuyên biên giới đã được mở rộng về địa lý và phạm vi sang tất cả các giao dịch vãng lai và giao dịch tài khoản vốn. Sau giai đoạn thí điểm từ tháng 7/2009, đến tháng 3/2012, việc sử dụng CNY trong giao dịch xuyên biên giới được mở rộng phạm vi ra toàn bộ Trung Quốc. Bên cạnh đó, từ tháng 01/2011, Trung Quốc cho phép các tổ chức trong nước được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bằng CNY. Tháng 10/2011, các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc bằng CNY. Tháng 9/2013, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập, mua lại và đầu tư vào các định chế tài chính ở Trung Quốc bằng CNY. Thủ tục đầu tư trực tiếp bằng CNY từng bước được đơn giản hóa. Song song với đó, từ tháng 10/2011, các ngân hàng tại Trung Quốc được phép cho vay bằng CNY cho các dự án ở nước ngoài. Tháng 7/2013, các ngân hàng tại Trung Quốc được phép tài trợ thương mại xuyên biên giới bằng CNY và các tổ chức phi ngân hàng tại Trung Quốc được phép cung cấp các khoản vay và bảo lãnh bằng CNY cho các hạng mục ở nước ngoài. Tháng 9/2014, Trung Quốc đã cho phép các tổ chức phi tài chính nước ngoài phát hành các công cụ huy động vốn bằng CNY trên thị trường trái phiếu của Trung Quốc.
 
Đối với đầu tư chứng khoán, từ tháng 8/2010, các tổ chức nước ngoài được phép tham gia trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng Trung Quốc. Tháng 12/2011, Trung Quốc bắt đầu cho phép các nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài đủ điều kiện (RQFII) được đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc theo hạn ngạch và sau thời gian điều chỉnh tăng, đến tháng 01/2019 đã gỡ bỏ và gỡ bỏ hoàn toàn rào cản này vào tháng 9/2019. Sau một thời gian thí điểm, Trung Quốc cũng bỏ hạn chế về các khu vực thí điểm RQFII nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng và thúc đẩy sử dụng CNY trong các giao dịch quốc tế.
 
Xuyên suốt quá trình thực hiện các giải pháp trên 05 lĩnh vực nêu trên, Trung Quốc sử dụng mô hình các Khu Thương mại Tự do (FTZ) như một công cụ hữu hiệu cho việc tập trung nguồn lực và thử nghiệm các cơ chế, phương thức mới. Điển hình là FTZ đầu tiên ở Thượng Hải8 (thành lập năm 2013) với nhiệm vụ trở thành “thị trường tài chính mang tính toàn cầu có khả năng phân bổ và truyền dẫn nguồn lực tài chính, trong đó các sản phẩm bằng CNY là chủ đạo”. Đến tháng 02/2019, Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển Vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area), kết nối Hồng Kông, Ma Cao và 09 thành phố ở phía Nam nhằm thúc đẩy việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế với trọng tâm tài trợ đặc biệt, bao gồm tài trợ hàng hải, tài trợ công nghệ và cho thuê tàu bay. Bên cạnh việc đi đầu trong áp dụng các giải pháp hợp tác mới, các FTZ của Trung Quốc còn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy mở cửa và kết nối thương mại với các nước trong khu vực ASEAN, tạo thêm các mối liên kết về kinh tế làm cơ sở cho việc tăng cường sử dụng bản tệ, nhất là CNY. 
 
Các kết quả trên cho thấy, sau gần 15 năm kể từ khi chiến lược quốc tế hóa CNY chính thức được triển khai, CNY đã dần thực hiện được đầy đủ các chức năng của một đồng tiền quốc tế và ngày càng có vị trí trong hệ thống tiền tệ toàn cầu.
 
Về vị thế của CNY trong thanh toán quốc tế, theo báo cáo của NHND Trung Quốc, trong năm 2022, tổng giá trị sử dụng CNY trong thanh toán xuyên biên giới của các ngân hàng đạt hơn 42 nghìn tỉ CNY, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021, và trong 9 tháng đầu năm 2023, con số này đạt 38,9 nghìn tỉ CNY, tăng 24% so với cùng kỳ9. Theo thống kê của BIS, tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ các công cụ chứng khoán nợ quốc tế bằng CNY đạt 173,3 tỉ USD, dẫn đến việc CNY tăng thêm 02 bậc, trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 7 trên thế giới so với năm 2021 trong tài trợ. Còn theo thống kê của SWIFT10, trong giai đoạn từ 2019 - 2023, CNY liên tục giữ vị trí từ thứ 6 đến thứ 4 (năm 2023 ở vị trí thứ 5) trong số các đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thanh toán quốc tế, vươn lên trên một đồng tiền được xếp trong nhóm các đồng tiền có khả năng chuyển đổi như CAD, AUD, CHF và HKD. Mặc dù vậy, khoảng cách giữa tỉ trọng sử dụng trong thanh toán quốc tế của CNY so với các đồng tiền khác như USD và EUR là rất lớn.
 
Về chức năng đồng tiền định giá, ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn sử dụng CNY làm đồng tiền định giá và thanh toán cho thương mại quốc tế. CNY đã được sử dụng để yết giá hợp đồng tương lai dầu thô trên Sàn giao dịch Năng lượng quốc tế Thượng Hải với quy mô chiếm khoảng 6% tổng giao dịch hợp đồng tương lai về dầu thô trên toàn thế giới, đứng thứ 3 sau WTI trên sàn New York và Brent trên sàn London. 
 
Vai trò của CNY trong dự trữ quốc tế: Báo cáo quốc tế hóa CNY năm 2023 của NHND Trung Quốc cho biết, tính đến năm 2023, đã có khoảng 80 NHTW và cơ quan quản lý tiền tệ các nước và vùng lãnh thổ nắm giữ CNY trong dự trữ ngoại hối quốc gia, trong đó 06 NHTW các nước thuộc ASEAN bao gồm: NHTW Malaysia, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore, NHTW Thái Lan, NHTW Indonesia, NHTW Philippines và Ngân hàng Quốc gia Campuchia. Về quy mô, theo thống kê của cơ sở dữ liệu về cơ cấu các đồng tiền dự trữ ngoại hối chính thức (COFER) của IMF, dự trữ ngoại hối bằng CNY của NHTW các nước đã tăng từ mức tương đương 90,78 tỉ USD vào quý IV/2016 lên mức tương đương 261,73 tỉ USD vào quý IV/2023, chiếm tỉ trọng 2,29% trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, theo đó, CNY tiếp tục là đồng tiền dự trữ lớn thứ 6 trên toàn cầu, sau đồng USD, EUR, JPY, GPB và CAD.
 
2. Tình hình hợp tác về sử dụng CNY giữa Trung Quốc và các nước ASEAN 
 
Kể từ khi thành lập Khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN năm 2010, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, đến đầu năm 2019, ASEAN cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Quan hệ thương mại ngày càng phát triển đã thúc đẩy nhu cầu hợp tác tài chính giữa Trung Quốc với ASEAN ngày càng mạnh mẽ và đã đạt được các tiến triển tích cực. Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã: (i) Ký Hiệp định hoán đổi tiền tệ với NHTW 05 nước ASEAN (NHTW Malaysia, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore, NHTW Thái Lan, NHTW Indonesia, Ngân hàng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) với tổng giá trị cam kết là 800 tỉ CNY; (ii) Thiết lập cơ chế giao dịch trực tiếp giữa đồng CNY với đồng tiền của 05 nước ASEAN (bao gồm MYR, THB, SGD, KHR, PHP) nhằm giảm chi phí chuyển đổi ngoại tệ, thiết lập cơ chế ngân hàng quyết toán đồng CNY tại 04 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines); (iii) Kêu gọi các NHTM các nước ASEAN tham gia hệ thống CIPS.

Bảng 1: Số liệu thanh toán xuyên biên giới bằng CNY tại các nước ASEAN
(Giai đoạn 2019 - 2022)

Nguồn: Hiệp hội Tài chính Quảng Tây, 2020 - 2023 “Báo cáo sử dụng CNY tại các nước ASEAN”, Nhà xuất bản Tài chính Trung Quốc

Với các nỗ lực đó, cùng với thực tế là quy mô quan hệ thương mại, tài trợ, đầu tư giữa Trung Quốc và các nước ASEAN không ngừng gia tăng, kim ngạch thanh toán bằng CNY giữa Trung Quốc và các nước ASEAN thời gian qua đã tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Theo báo cáo của Hiệp hội Tài chính Quảng Tây, trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022, tổng kim ngạch thanh toán xuyên biên giới bằng CNY của Trung Quốc với các nước ASEAN tăng từ 2,4 nghìn tỉ CNY lên 4,9 nghìn tỉ CNY, chiếm trên 11% tổng kim ngạch thanh toán bằng CNY toàn cầu. Trong đó, thanh toán thông qua tài khoản vãng lai tăng 60,7% so với năm 2021 lên trên 1,5 nghìn tỉ CNY, còn thanh toán qua tài khoản vốn giảm 12,6%, còn 3,4 nghìn tỉ CNY (mặc dù vẫn ở mức tăng gấp đôi so với năm 2019, trước đại dịch Covid-19).
 
Mặc dù đều có xu hướng gia tăng, nội dung, mức độ và kết quả hợp tác tiền tệ tài chính nói chung và trong sử dụng CNY nói riêng giữa Trung Quốc và từng nước ASEAN có khác biệt, cụ thể như sau:   
 
Thái Lan 
 
Là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan, nhiều năm qua Trung Quốc luôn chú trọng thúc đẩy hợp tác tài chính - tiền tệ với quốc gia này. NHND Trung Quốc và NHTW Thái Lan đã ký Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đầu tiên vào tháng 12/2011 có giá trị tương đương 70 tỉ CNY (khoảng 10,8 tỉ USD) để hoán đổi 320 tỉ Baht, được liên tiếp gia hạn 3 năm vào tháng 01/2014 và tháng 01/2017 và tiếp đó gia hạn 5 năm kể từ ngày 22/12/2020. 
 
Tháng 01/2015, NHND Trung Quốc và NHTW Thái Lan đã lựa chọn Ngân hàng ICBC (Thái Lan) làm ngân hàng quyết toán cho giao dịch bằng CNY11. Tháng 02/2018, Trung Quốc đã công bố cho phép giao dịch trực tiếp cặp tiền tệ CNY/THB trên sàn giao dịch ngoại hối liên ngân hàng của Trung Quốc, qua đó thiết lập cơ chế giao dịch trực tiếp chính thức giữa hai đồng tiền.   
 
Trong lĩnh vực Fintech, tháng 6/2019, NHTW Thái Lan và NHND Trung Quốc đã ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực Fintech nhằm tăng cường hợp tác xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ việc sử dụng công nghệ trong dịch vụ thanh toán và tài chính giữa hai nước, từ đó giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính. Tháng 9/2021, Trung Quốc và Thái Lan đã thực hiện kết nối thanh toán sử dụng mã QR giữa UnionPay và Bangkok Bank, một dịch vụ dự kiến có mức độ sử dụng cao xét thực tế Thái Lan nằm trong top 5 quốc gia ưa thích của khách du lịch Trung Quốc12.
 
Về dự trữ ngoại hối, NHTW Thái Lan đã đưa CNY vào cơ cấu các đồng tiền dự trữ ngoại hối của Thái Lan.
 
Như vậy, có thể thấy Thái Lan và Trung Quốc đã xây dựng các khuôn khổ hợp tác tương đối toàn diện để hỗ trợ thanh toán bằng đồng bản tệ. Tuy nhiên, theo phát biểu của bà Alisara Mahasandana, Phó Thống đốc NHTW Thái Lan trả lời phỏng vấn của Bangkok Post tại thời điểm tháng 8/2023, tính đến hết năm 2022, tỉ trọng sử dụng CNY trong thanh toán thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước, không có bước tăng trưởng quá lớn so với mức 0,3% của năm 2015.
 
Malaysia
 
Trung Quốc luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và thị trường quan trọng của Malaysia và ngược lại, Malaysia cũng là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia luôn ở mức trên 100 tỉ USD và năm 2022 đạt 130,5 tỉ USD (Malaysia nhập siêu 33,5 tỉ USD). Malaysia luôn là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ chiến lược tăng cường sử dụng CNY trong thanh toán song phương, đồng thời, cũng có thị trường trái phiếu phát triển nhất trong khu vực, là tiền đề để Trung Quốc phát hành trái phiếu CNY tại thị trường Malaysia.
 
Hợp tác tiền tệ giữa NHTW Malaysia (BNM) và NHND Trung Quốc được triển khai rất tích cực. Hai bên đã ký BSA giá trị 80 tỉ CNY tương đương 40 tỉ MYR (tháng 02/2009), gia hạn thêm 3 năm và tăng giá trị hoán đổi lên 180 tỉ CNY tương đương 90 tỉ MYR năm 2012 và năm 2015 tiếp tục gia hạn. Cũng trong năm 2009, NHTW Malaysia đã trở thành NHTW đầu tiên của khu vực châu Á được công nhận là nhà đầu tư đủ điều kiện (QFII) tham gia thị trường trái phiếu liên ngân hàng Trung Quốc (CIBM).
 
Năm 2010, cặp tiền tệ MYR/CNY được giao dịch trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng Trung Quốc và thị trường liên ngân hàng Kuala Lumpur, bước đi tạo điều kiện cho tỉ giá chính thức giao ngay và tương lai giữa CNY/MYR được hình thành. Tháng 3/2012, NHTW Malaysia đã cho phép CNY trở thành đồng tiền quyết toán tổng tức thời của Hệ thống Chuyển tiền và Chứng khoán điện tử tức thời của NHTW Malaysia (Real Time Electronic Transfer of Funds and Securities (RENTAS). 
 
CNY trở thành đồng tiền được NHTW Malaysia đưa vào cơ cấu dự trữ ngoại hối của Malaysia.
 
Năm 2013, NHTW Malaysia mở văn phòng đại diện tại Trung Quốc, qua đó thực hiện một số biện pháp thúc đẩy việc sử dụng bản tệ giữa Malaysia và Trung Quốc, bao gồm: Triển khai nghiệp vụ thanh khoản CNY (Renminbi Liquidity Facility - RLF), bao gồm vay và cho vay các NHTM hoạt động tại Malaysia nhằm cung cấp thanh khoản CNY tại thị trường Malaysia; ký Bản ghi nhớ để xây dựng Thỏa thuận về tài sản bảo đảm xuyên biên giới (Cross - Border Collateral Arrangement - CBCA) với NHND Trung Quốc cho phép sử dụng tài sản bảo đảm bằng đồng tiền của mỗi nước (tiền mặt hoặc chứng khoán) để vay vốn tại nước còn lại.  
 
Tháng 11/2014, NHTW Malaysia và NHND Trung Quốc ký Bản ghi nhớ về hỗ trợ cơ chế thanh toán bù trừ CNY tại Malaysia, tạo khuôn khổ để NHTW hai nước điều phối và hợp tác trong thanh tra, giám sát các nghiệp vụ CNY, trao đổi thông tin và chỉ định Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) Malaysia là ngân hàng quyết toán. Hai bên cũng tiến hành kết nối thanh toán song phương sử dụng mã QR giữa UnionPay và Boost Malaysia vào tháng 11/2018 và giữa UnionPay và Bank of China Malaysia vào tháng 7/2020.
 
Có thể thấy, NHTW Malaysia và NHND Trung Quốc đã rất tích cực trong việc tạo thuận lợi cho việc sử dụng CNY trong quan hệ thanh toán thương mại giữa hai nước. Nhờ đó, tỉ trọng sử dụng CNY và MYR trong thanh toán thương mại giữa Trung Quốc và Malaysia đã tăng từ 1,2% năm 2009 lên 24,4% năm 202313.
 
Singapore 
 
Với vị trí là trung tâm tài chính của châu Á, Chính phủ Singapore luôn tích cực thúc đẩy hợp tác liên quan đến CNY với Trung Quốc với mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ tài chính CNY trong khu vực. Tháng 7/2010, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore và NHND Trung Quốc đã ký Thỏa thuận Hoán đổi bản tệ trị giá 150 tỉ CNY tương đương 30 tỉ SGD thời hạn 3 năm. Thỏa thuận này đã được hai bên gia hạn 3 lần với giá trị không đổi trong các năm 2013, 2016 và 2019. Để phục vụ thanh toán, Ngân hàng ICBC chi nhánh Singapore đã được chỉ định làm ngân hàng quyết toán nghiệp vụ CNY tại Singapore từ tháng 02/2013. Từ năm 2014, giao dịch trực tiếp cặp tiền tệ CNY/SGD trên sàn giao dịch ngoại hối Trung Quốc cũng bắt đầu được tiến hành. 
 
Về dự trữ ngoại hối, CNY đã được MAS (Monetary Authority of Singapore - Cơ quan tiền tệ Singapore) đưa vào cơ cấu dự trữ ngoại hối của Singapore.
 
Tại Tuyên bố chung về thiết lập Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện giữa Trung Quốc và Singapore vào năm 2015, nội dung về hợp tác đồng bản tệ được cam kết như sau: “Hai bên đồng ý thúc đẩy sử dụng CNY trong thương mại và đầu tư song phương, tăng cường việc sử dụng nền tảng ngân hàng quyết toán CNY tại Singapore, đẩy nhanh các nghiệp vụ xuyên biên giới bằng CNY và tìm kiếm các cơ hội hợp tác về quản lý tài chính”.
 
Đến nay, về cơ bản Singapore không có hạn chế đối với các giao dịch bằng CNY, bao gồm giao dịch tiền gửi, mua bán, thanh toán, đầu tư. Tháng 12/2020, MAS công bố một số sáng kiến liên quan đến hợp tác CNY, trong đó bao gồm một gói công cụ tài chính trị giá 25 triệu CNY sử dụng nghiệp vụ thị trường tiền tệ để tăng cường thanh khoản CNY cho thị trường. Tháng 6/2022, Trung Quốc và Singapore đã thực hiện kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR giữa Union Pay QR của Trung Quốc và DBS Paylah của Singapore. Theo số liệu của SWIFT, đến tháng 7/2021, 4,1% giao dịch CNY trên toàn cầu được thực hiện tại thị trường Singapore. 
 
Indonesia 
 
Trung Quốc và Indonesia xây dựng quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Từ đó đến nay, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai bên ngày càng phát triển. Trong 8 năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn và là quốc gia có đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai tại Indonesia.    
 
Để tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, tăng cường hợp tác tài chính và hỗ trợ cung cấp thanh khoản ngắn hạn giúp ổn định thị trường tiền tệ giữa hai nước, tháng 3/2009, NHND Trung Quốc và NHTW Indonesia đã ký BSA trị giá 100 tỉ CNY (tương đương 175 nghìn tỉ IDR) với kỳ hạn 3 năm. Tháng 11/2018, NHTW hai nước tiếp tục gia hạn Thỏa thuận và tăng gấp đôi giá trị hoán đổi thỏa thuận ban đầu, lên 200 tỉ CNY (tương đương 440 nghìn tỉ IDR). Indonesia và Trung Quốc cũng đã ký Thỏa thuận về thúc đẩy sử dụng bản tệ trong thanh toán thương mại và đầu tư (tháng 9/2021) và đã thực hiện kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR thông qua UnionPay và Bank Negara Indonesia từ tháng 11/2022.
 
NHTW Indonesia cũng đã bổ sung CNY vào cơ cấu dự trữ ngoại hối của Indonesia.
 
Philippines 
 
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Philippines. Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước, NHTW hai nước đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến CNY, cụ thể bao gồm: (i) Cấp phép cho Bank of China Manila làm ngân hàng quyết toán các giao dịch tiền mặt CNY tại Philippines và cho phép các ngân hàng của Philippines được cung cấp các dịch vụ tiền mặt CNY (năm 2009); (ii) Cho phép ngân hàng Bank of China Manila và 06 ngân hàng khác của Philippines cùng xây dựng hệ thống chuyển CNY tại Philippines và giữa Philippines với các nước trên thế giới, trong đó Bank of China Manila đóng vai trò ngân hàng quyết toán (năm 2014); (iii) Cho phép thành lập Hiệp hội giao dịch CNY tại Philippines do Bank of China Manila là chủ tịch với sự tham gia của 14 thành viên là các TCTD đang hoạt động tại Philippines với mục đích tạo lập thị trường giao dịch cặp tiền tệ CNY/PHP tại Philippines (2018); (iv) Chỉ định Bank of China Manila là ngân hàng quyết toán CNY tại Philippines (năm 2019); (v) Kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR thông qua UnionPay và Asia United Bank (tháng 12/2018).
 
Về dự trữ ngoại hối, NHTW Philippines đã đưa CNY vào làm đồng tiền dự trữ ngoại hối của Philippines từ tháng 10/2016.
 
Campuchia 
 
Năm 2017, Ngân hàng Quốc gia (NHQG) Campuchia và NHND Trung Quốc đã chính thức niêm yết tỉ giá CNY/KHR trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng tỉnh Quảng Tây. Năm 2018, NHQG Campuchia đã cho phép một số ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Campuchia được cung cấp dịch vụ bằng CNY, trong đó, Bank of China Phnompenh và Ngân hàng ICBC Phnompenh được chọn là ngân hàng quyết toán14. Về cơ bản, Chính phủ Campuchia khuyến khích và không có hạn chế đối với các giao dịch hối đoái giữa CNY và KHR. 
 
Bên lề Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 2 tại Trung Quốc tháng 4/2019, Bank of China (Trung Quốc) và Bộ Du lịch Campuchia đã ký Bản Ghi nhớ tạo khuôn khổ cho các trung gian tài chính của Trung Quốc như Union Pay, Wechat Pay và Alipay được cung cấp dịch vụ thanh toán tại các khách sạn, nhà hàng và công ty du lịch tại Campuchia. Trên cơ sở đó, NHQG Campuchia đã cấp phép cho 15 ngân hàng được thực hiện thanh toán bằng CNY thông qua các trung gian thanh toán này, tạo thuận lợi cho khách du lịch Trung Quốc tại Campuchia. 
 
Tháng 11/2023, Trung Quốc và Campuchia đã thực hiện kết nối thanh toán song phương sử dụng mã QR thông qua kết nối giữa KHQR payment và Alipay.
 
Lào 
 
Trung Quốc là đối tác đầu tư lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Lào. Trong những năm qua, hai nước đã tăng cường mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực tài chính. NHTW hai nước đã thúc đẩy hợp tác tài chính tiền tệ thông qua thúc đẩy hợp tác tài chính tại khu vực biên giới: (i) Hoạt động vận chuyển đồng bản tệ tiền mặt qua biên giới liên tục tăng; (ii) Một số ngân hàng tại khu vực biên giới hai nước đã thực hiện yết giá trực tiếp cặp tiền tệ CNY/LAK (tháng 6/2011); (iii) Phương thức thanh quyết toán xuyên biên giới ngày càng được đổi mới, NHND Trung Quốc khuyến khích, chỉ đạo Ngân hàng Fu Dian (Vân Nam, Trung Quốc) xây dựng và kết nối thành công hệ thống thanh quyết toán xuyên biên giới giữa Ngân hàng Fu Dian (Trung Quốc) với Ngân hàng liên doanh Trung - Lào.
 
Tháng 01/2020, hai bên đã ký BSA, theo đó, NHTW hai nước nhất trí cho phép người dân hai nước sử dụng Kíp và CNY trong thương mại và đầu tư phù hợp với luật pháp hai nước, khuyến khích các ngân hàng thương mại hai bên tăng cường hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi LAK và CNY giữa người dân hai nước. Đến tháng 5/2020, hai bên ký Thỏa thuận Hoán đổi đồng bản tệ để hỗ trợ cán cân thanh toán. 
 
3. Một số gợi ý cho Việt Nam
 
Từ các hoạt động hợp tác tiền tệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cho thấy, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ việc sử dụng CNY xuyên biên giới với tất cả các nước ASEAN. Không chỉ trong các hợp tác song phương, Trung Quốc đã đạt được đồng thuận với các nước ASEAN về việc bổ sung CNY trong các thể thức cho vay ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng trong khuôn khổ Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai. Bên cạnh đó, bản thân trong nội khối các nước ASEAN, các sáng kiến/khuôn khổ hợp tác thúc đẩy sử dụng đồng bản tệ cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Điều này cho thấy, việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán xuyên biên giới đã trở thành một xu thế tất yếu hiện nay.
 
Về cơ bản, các nước ASEAN đều hưởng ứng và triển khai khá toàn diện các sáng kiến hợp tác với Trung Quốc về tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, kết quả đạt được của mỗi nước lại không đồng đều. Như trường hợp của Thái Lan và Malaysia, NHTW của cả hai nước đều đã hưởng ứng đầy đủ các sáng kiến hợp tác thúc đẩy sử dụng CNY xuyên biên giới của Trung Quốc từ thời điểm nước này triển khai Chiến lược Quốc tế hóa CNY năm 2009, nhưng tỉ trọng sử dụng CNY trong giao dịch xuyên biên giới giữa hai quốc gia này với Trung Quốc lại rất khác biệt. Điều này cho thấy, cho dù các khuôn khổ hợp tác đã được xây dựng nhưng để đạt được hiệu quả trong thực tiễn triển khai, ta cần nghiên cứu kỹ không chỉ các cơ chế hợp tác mà còn cả những yếu tố đặc thù về quan hệ thương mại, đầu tư cũng như các bài học thành công của các nước. 
 
Đối với Việt Nam, bên cạnh các yếu tố tích cực như giúp doanh nghiệp có thêm lựa chọn về đồng tiền thanh toán và tài trợ, giảm bớt sự phụ thuộc vào USD, tăng cơ hội huy động vốn và tối ưu hóa chi phí vay, đa dạng hóa tài sản dự trữ thì việc thúc đẩy hợp tác đồng bản tệ nói chung và CNY nói riêng với Trung Quốc còn một số vấn đề cần cân nhắc. Cụ thể, trong bối cảnh Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Việt Nam luôn duy trì trạng thái nhập siêu ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng với Trung Quốc15, nếu việc sử dụng CNY gia tăng, phía Việt Nam phải có giải pháp xử lý nguồn cung CNY để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Các câu hỏi này cần được giải đáp trên cơ sở cân nhắc kỹ và toàn diện các tác động về điều hành chính sách và so sánh chi phí - lợi ích về kinh tế và tài chính. 
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh việc sử dụng đồng bản tệ xuyên biên giới là xu thế không thể đảo ngược, bên cạnh việc nghiên cứu cơ chế, kinh nghiệm của các nước trong hợp tác tiền tệ với Trung Quốc, ta cần chuẩn bị sẵn sàng, rà soát tổng thể khuôn khổ pháp lý trong nước để xác định những thiếu hụt về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán xuyên biên giới trong tương lai.
 

1 IMF, WEO tháng 4/2016 và WTO, “Trade growth to remain subdued in 2016 as uncertainties weigh on global demand”.
2 https://asean.org/wp-content/uploads/2024/03/
Overview-of-ASEAN-China-Comprehensive-Startegic-Partnership-Feb-2024.pdf
eter B Kenen, Giáo sư Danh dự chuyên ngành Kinh tế và Tài chính Quốc tế, Đại học Princeton: “Currency Internationalization: an overview”.
4 16 ngân hàng ở châu Á, 08 ngân hàng ở châu Âu, 06 ngân hàng ở châu Mỹ, 02 ngân hàng ở châu Phi và 01 ngân hàng ở châu Đại Dương bao gồm hiện có 26 quốc gia/vùng lãnh thổ có ngân hàng quyết toán đồng CNY tại tất cả các châu lục, bao gồm châu Á (Hồng Kông, Ma Cao, Đài Bắc, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Philippinnes, Lào, Kazakhstan, Qatar), châu Âu (Anh, Đức, Pháp, Luxembourg, Hungary, Thụy Sỹ, Nga), châu Đại Dương (Australia), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Nam Mỹ (Chi-lê, Argentina) và châu Phi (Nam Phi, Zambia). 
5 Theo Báo cáo Quốc tế đồng CNY 2023 của NHND Trung Quốc.
6 ASEAN+3 Finance Process Study Group 1, 2020
7 DCEP là đồng tiền kỹ thuật số, trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và kỹ thuật số, là một dạng tiền pháp định được phát hành, kiểm soát và bảo đảm bởi NHTW Trung Quốc (thông qua giá trị đồng CNY).
8 Đến năm 2019, Trung Quốc có tổng cộng 18 Khu thương mại tự do.
9 Báo cáo về Quốc tế hóa CNY năm 2023, NHND Trung Quốc.
10 SWIFT RMB Tracker.
11 ICBC được NHTW Trung Quốc lựa chọn làm ngân hàng quyết toán được ủy quyền tại 07 quốc gia, bao gồm Singapore, Luxembourg, Qatar, Thái Lan, Canada, Argentina, Nga. Đây là NHTM đầu tiên thiết lập mạng lưới quyết toán bằng CNY trên 3 khu vực địa lý châu Âu, Mỹ và châu Á, cung cấp dịch vụ 24h/ngày.
12 Theo China Tourism Academy.
13 Theo Báo cáo Thường niên của Bank Negara Malaysia 2023.
14 Theo https://www.khmertimeskh.com/545687/
central-bank-explains-its-yuan-promotion-policy/
15 Nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc ở mức trung bình trên 20 tỉ USD/năm (giai đoạn 2013-2018), tăng lên trên 30 tỉ USD (giai đoạn 2019-2021), đặc biệt trong năm 2022 lên mức 60,9 tỉ USD.

Tài liệu tham khảo:
 
1. PBoC (2021), CNY Internationalization Report.
2. PBoC (2022), CNY Internationalization Report.
3. People’s Daily Online (2019), Foreign investors increase holdings of Chinese bonds, http://en.people.cn/n3/2019/1225/c90000-9643726.html, 25/12/2019.
4. SWIFT Watch, RMB Tracker, báo cáo hằng tháng từ năm 2016 - 2023.
5. Bankok Post (2023), Thailand pushes yuan, ringgit use to curb baht volatility, https://www.bangkokpost.com/business/general/2625562/thailand-pushes-yuan-ringgit-use-to-curb-baht-volatility.
6. “2023年人 民 币 东 盟 国 家 使 用 报 告 ” 发 布 , https://news.cctv.com/2023/12/30/ARTIQyoGFF1SBtwDdTgR6jBY231230.shtml

ThS. Khương Thanh Hà và Nhóm nghiên cứu 
Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam: Thực trạng và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả
Hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam: Thực trạng và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả
08/07/2024 1.310 lượt xem
Bài viết tập trung nghiên cứu, làm rõ thực trạng của hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, trình bày những khó khăn và đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh quốc tế tại Việt Nam trong thời gian tới.
Kinh nghiệm một số quốc gia về cơ chế giao dịch và hoạt động công bố thông tin trong giao dịch bán khống
Kinh nghiệm một số quốc gia về cơ chế giao dịch và hoạt động công bố thông tin trong giao dịch bán khống
03/07/2024 1.843 lượt xem
Mục tiêu của bài viết nhằm xem xét cơ chế giao dịch và hoạt động công bố thông tin trong giao dịch bán khống thông qua những quy định hiện hành tại một số quốc gia; qua đó, đưa ra các hàm ý đối với Việt Nam.
Thực trạng phát triển sản phẩm và dịch vụ tài chính số tại các quốc gia châu Á
Thực trạng phát triển sản phẩm và dịch vụ tài chính số tại các quốc gia châu Á
19/06/2024 2.473 lượt xem
Dựa trên dữ liệu được thu thập từ các báo cáo về tài chính toàn diện của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nghiên cứu tập trung đánh giá thực trạng tiếp cận các dịch vụ tài chính số tại 19 quốc gia châu Á từ phía chủ thể cung cấp và chủ thể tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tiền mã hóa của thế hệ Gen Z trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư tiền mã hóa của thế hệ Gen Z trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
06/06/2024 3.333 lượt xem
Trong kỉ nguyên của công nghệ số, sự xuất hiện của một hình thức tiền tệ số hay tiền mã hóa là hoàn toàn cần thiết để đáp ứng sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ (Milutinovic, 2018). Tiền mã hóa sử dụng công nghệ mã hóa và chuỗi khối (Blockchain) để bảo đảm tính an toàn và bảo mật cho các giao dịch tài chính.
Các yếu tố mang lại thành công của một số ngân hàng phát triển nước ngoài và kinh nghiệm cho Việt Nam
Các yếu tố mang lại thành công của một số ngân hàng phát triển nước ngoài và kinh nghiệm cho Việt Nam
24/05/2024 4.204 lượt xem
Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) là những định chế tài chính phát triển lớn, thành công trên thế giới...
Quản lí tiền mã hóa ở một số quốc gia - Kinh nghiệm và một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
Quản lí tiền mã hóa ở một số quốc gia - Kinh nghiệm và một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
16/05/2024 5.883 lượt xem
Trong kỉ nguyên của nền công nghiệp 4.0, tiền mã hóa là một ứng dụng tiêu biểu của công nghệ số Blockchain. Các loại tiền mã hóa xuất hiện là tất yếu trong quá trình phát triển của các hình thái tiền tệ, đem đến sự phát triển vượt bậc về thương mại điện tử và mở ra cho thị trường tài chính một trang mới.
Tác động của thực thi ESG đến hệ thống ngân hàng: Góc nhìn từ Việt Nam và tham chiếu thế giới
Tác động của thực thi ESG đến hệ thống ngân hàng: Góc nhìn từ Việt Nam và tham chiếu thế giới
08/05/2024 4.941 lượt xem
Trong những năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây rất nhiều khó khăn, tổn thất về người, kinh tế cho các doanh nghiệp nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, doanh nghiệp nào theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, công bố các chỉ tiêu ESG (Enviromental - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị) trong nhiều năm qua luôn thu hút được sự đồng hành của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
16/04/2024 5.727 lượt xem
Chính sách tín dụng nông thôn (tín dụng nông thôn) ở Brazil là các chương trình cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, năng suất và đầu tư; nâng cao thu nhập của các trang trại và doanh nghiệp; nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
04/04/2024 7.406 lượt xem
Bài viết phân tích, đánh giá một số kinh nghiệm quốc tế về cơ cấu thu NSNN bền vững thông qua bốn loại thuế, gồm: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ cấu thu NSNN bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 9.048 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 27.744 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 10.156 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 14.764 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 10.287 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 10.348 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

77.500

79.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

77.500

79.500

Vàng SJC 5c

77.500

79.520

Vàng nhẫn 9999

75.600

77.000

Vàng nữ trang 9999

75.500

76.600


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,127 25,477 26,885 28,360 31,917 33,274 156.80 165.96
BIDV 25,157 25,477 27,090 28,390 32,186 33,429 157.71 166.56
VietinBank 25,157 25,477 27,180 28,380 32,396 33,406 158.36 166.11
Agribank 25,160 25,477 27,065 28,310 32,089 33,255 157.73 165.80
Eximbank 25,130 25,476 27,140 27,981 32,273 33,175 158.91 163.85
ACB 25,140 25,477 27,136 28,068 32,329 33,306 158.59 164.86
Sacombank 25,190 25,477 27,338 28,340 32,507 33,217 159.66 164.69
Techcombank 25,132 25,477 27,000 28,353 31,994 33,324 155.51 167.92
LPBank 24,937 25,477 26,998 28,670 32,415 33,421 157.95 169.10
DongA Bank 25,180 25,477 27,140 28,010 32,200 33,300 156.60 164.60
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,30
3,60
4,30
4,40
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,60
2,60
2,90
3,80
3,80
4,50
4,50
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
2,00
2,00
2,30
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
2,90
3,10
3,20
4,00
4,00
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?