Tóm tắt: Từ lâu, hoạt động bán khống đã trở thành phương thức giao dịch thông dụng trên thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng. Tại Việt Nam, kể từ ngày 15/02/2021, pháp luật Việt Nam đã công nhận và có quy định về giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, cho đến nay, các giao dịch liên quan đến bán khống vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động vì nhiều lý do, trong đó có rủi ro về pháp lý. Mục tiêu của bài viết nhằm xem xét cơ chế giao dịch và hoạt động công bố thông tin trong giao dịch bán khống thông qua những quy định hiện hành tại một số quốc gia; qua đó, đưa ra các hàm ý đối với Việt Nam. Với quá trình hội nhập kinh tế - xã hội sâu rộng ở phạm vi toàn cầu, nhu cầu xây dựng và hoàn thiện cơ chế giao dịch bán khống ở nước ta nên được xem xét trong thời gian tới.
Từ khóa: Bán khống, cơ chế giao dịch, công bố thông tin.
EXPERIENCE OF SOME COUNTRIES ON TRADING MECHANISMS AND INFORMATION
DISCLOSURE ACTIVITIES IN SHORT SELLING
Abstract: For a long time, short selling has become a popular trading method in the financial market in general and the stock market in particular. In Vietnam, short selling has been recognized by law since February 15, 2021. Additionally, Vietnamese law has had its regulations on covered short selling. However, transactions related to short selling have not operated yet officially for many reasons, including legal risks. The article aims to assess the trading mechanism and information disclosure activities in short selling through current regulations in some countries. Thereby, the author proposes some recommendations for Vietnam to build and complete the short selling transaction mechanism in the near future, especially, in the context of increasingly, deeply international economic integration.
Keywords: Short selling, trading mechanism, information disclosure.
Ảnh minh họa, nguồn ảnh: Internet
1. Giới thiệu
Bán khống là một chiến lược giao dịch trong thị trường tài chính, cho phép nhà đầu tư kiếm lợi nhuận từ việc dự đoán giá của một tài sản như chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) hay các loại hàng hóa sẽ giảm trong tương lai. Một điểm độc đáo trong hoạt động bán khống là nhà đầu tư chứng khoán vẫn có thể thực hiện bán khống mà không cần phải có cổ phiếu hoặc trái phiếu tại thời điểm giao dịch. Nói cách khác, giao dịch bán khống là giao dịch bán thứ mà cá nhân/tổ chức đang không sở hữu trên TTCK. Đơn cử như trong Thông tư MRD/DoP/SE/Dep/Cir-14/2007 của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Ấn Độ (SEBI), bán khống được định nghĩa là bán cổ phiếu mà người bán không sở hữu tại thời điểm giao dịch.
Tính đến năm 2023, bán khống trên TTCK đã được chính phủ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận. Nhiều nước đã xây dựng những quy định pháp luật riêng biệt về giao dịch bán khống. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát cơ chế hoạt động của bán khống, đánh giá rủi ro và nâng cao tính minh bạch của các giao dịch thông qua hoạt động công bố thông tin.
2. Cơ chế hoạt động của bán khống
Hiện nay, hầu hết các khu vực tài phán khác trên thế giới, bán khống không có tài sản bảo đảm sẽ bị cấm. Ở Việt Nam, tại Thông tư số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán, giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm được quy định là giao dịch bán chứng khoán đã được vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.
Hình 1: Cơ chế của hoạt động giao dịch bán khống trên thị trường
Về mặt cơ chế giao dịch, các giao dịch bán khống hình thành trên TTCK dựa trên nguyên tắc mượn trả cổ phiếu, nếu giá cổ phiếu giảm, người bán khống sẽ mua lại cổ phiếu ở mức giá thấp hơn và kiếm lời; nếu giá cổ phiếu tăng, người bán khống sẽ bị lỗ. Đặc điểm của những doanh nghiệp được lựa chọn bán khống là khả năng sinh lời thực sự rất thấp so với mức định giá "khổng lồ" trên TTCK hiện tại. Nhìn chung, cơ chế của hoạt động bán khống là cơ chế giao dịch vừa bán và vừa mua cổ phiếu.
Đa số các nước cho phép giao dịch bán khống đều yêu cầu đặt cọc bằng 150% giá trị của vị thế tại thời điểm việc bán khống được thực hiện1. Đây được xem là số tiền ký quỹ ban đầu. Nếu giá trị của vị thế giảm xuống dưới mức yêu cầu ký quỹ duy trì, người bán khống sẽ phải đối mặt với lệnh gọi ký quỹ và được yêu cầu đóng vị thế hoặc tăng tiền vào tài khoản ký quỹ.
Ở các quốc gia sẽ có những quy định riêng biệt đối với hoạt động bán khống. Tại Malaysia, một giao dịch bán khống quy định không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày giao dịch2. Các giao dịch bán khống và những khoản vay tương ứng phải được xác nhận thông qua RENTAS (hệ thống thanh toán của Bank Negara Malaysia) vào các ngày giao dịch tương ứng. Ủy ban Chứng khoán Malaysia có quyền: (i) Không cho phép các bên thực hiện giao dịch bán khống; (ii) Tạm dừng hoạt động bán khống của một số mã chứng khoán; (iii) Bất kỳ hành động nào khác mà Ủy ban Chứng khoán cho là phù hợp với thị trường3. Hay giao dịch bán khống tại Vương quốc Anh yêu cầu nhà đầu tư đảm bảo thực hiện đầy đủ ba hoạt động: (i) Vay chứng khoán từ người cho vay; (ii) Nhận sự đồng ý vay chứng khoán từ người cho vay; (iii) Có thỏa thuận giữa người vay và người cho vay về việc đặt lệnh bán khống chứng khoán, đảm bảo số lượng chứng khoán theo quy định và tuân thủ các nguyên tắc giao dịch chứng khoán4.
3. Công bố thông tin trong giao dịch bán khống
Một số quốc gia dần chú trọng hơn đến nghĩa vụ công bố thông tin trong giao dịch bán khống. Tại Liên minh châu Âu (EU) quy định về trách nhiệm thông báo khi thực hiện giao dịch bán khống theo chiều hướng kiểm soát khắt khe hơn. Bất kỳ thể nhân (cá nhân) hay pháp nhân nào nắm giữ vị thế bán bằng hoặc cao hơn 0,1% vốn cổ phần tại một doanh nghiệp thì phải tuân thủ trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về vị thế bán khống trong vòng một ngày giao dịch. Trong trường hợp vị thế bán ròng bằng hoặc cao hơn 0,5% vốn cổ phần, cơ quan có thẩm quyền phải công bố thông tin rộng rãi trên thị trường5.
Ở Vương quốc Anh, mức ngưỡng thông báo quy định yêu cầu nhà đầu tư bán khống phải thông báo cho Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) khi vị thế bán ròng vượt quá 0,1% vốn cổ phần đã phát hành của doanh nghiệp, tính trên tổng giao dịch trên thị trường. Cụ thể, các nhà đầu tư bán khống phải báo cáo các thay đổi gia tăng đối với các giao dịch trên ngưỡng 0,1% theo quy định6.
Tại Malaysia, để kiểm soát rủi ro trong các giao dịch bán khống, các bên tham gia đảm bảo thực hiện: (i) Báo cáo trên cơ sở hằng tuần đối với các vị thế bán khống chưa thanh toán trong ngày (phân loại theo mã chứng khoán); (ii) Báo cáo ngay lập tức bất kỳ vị thế bán khống nào có giá trị từ 5% trở lên; (iii) Báo cáo ngay việc không giao (không trả) được bất kỳ chứng khoán nào từ các bên tham gia thị trường7.
Tại Nhật Bản, giao dịch bán khống trên TTCK Nhật Bản phải được báo cáo đầy đủ. Thay mặt cho những người bán khống, công ty chứng khoán thực hiện lệnh bán khống có trách nhiệm báo cáo các vị thế bán khống trong ngày. Cụ thể, trường hợp các vị thế bán khống có tỉ lệ bán khống từ 0,2% phải được báo cáo với sàn giao dịch chứng khoán. Trường hợp các vị thế bán khống có tỉ lệ bán khống từ 0,5% trở lên sẽ được báo cáo với Sở Giao dịch chứng khoán và tiến hành công bố thông tin trên thị trường8.
4. Hàm ý cho Việt Nam
Một là, giao dịch bán khống là một công cụ tài chính có thể mang lại nhiều lợi ích cho thị trường, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong thời gian tới, nước ta cần ban hành những quy định chi tiết về cơ chế hoạt động và giám sát trong việc quản lý giao dịch bán khống trên TTCK, bao gồm: (i) Quy định về tỉ lệ ký quỹ; (ii) Quy định về ngưỡng báo cáo của vị thế bán khống; (iii) Quy định về nội dung và thời hạn công bố thông tin; (iv) Quy định về trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch bán khống.
Hai là, công bố thông tin đầy đủ và minh bạch là một trong những biện pháp quan trọng để kiểm soát rủi ro trong giao dịch bán khống. Việt Nam có thể tham khảo áp dụng quy định liên quan về công bố thông tin của các bên tham gia giao dịch bán khống theo hướng tương tự như các quốc gia EU, Vương quốc Anh, Malaysia hay Nhật Bản. Cụ thể, người bán khống phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền khi vị thế bán khống đạt đến một ngưỡng nhất định.
Ba là, bán khống sẽ là một công cụ mới trên TTCK Việt Nam nếu nước ta đưa vào hoạt động chính thức trên thị trường. Giống như TTCK phái sinh (hoạt động từ ngày 10/8/2017) hay sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (hoạt động từ ngày 28/6/2019), hầu hết các nhà đầu tư đều cần có thời gian để làm quen với sản phẩm chứng khoán mới. Vì thế, trước khi vận hành thí điểm chính thức, rất cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giao dịch bán khống cho nhà đầu tư tiếp cận và tìm hiểu; giúp nhà đầu tư hiểu rõ về cơ hội và rủi ro của hoạt động bán khống trước khi tham gia để đạt hiệu quả giao dịch tối ưu nhất.
1https://www.investopedia.com/ask/answers/05/shortmarginrequirements.asp
2Bank Negara Malaysia (2017), “Regulated Short-Selling of Securities in the Wholesale Money Market”, pp.5.
3Bank Negara Malaysia (2017), “Regulated Short-Selling of Securities in the Wholesale Money Market”, pp.7.
4HM Treasury (2022), “Short Selling Regulation Review: Call for Evidence”, pp.11.
5Regulation (EU) No 236/2012 of the European Parliament and of the Council of 14 March 2012 on short selling.
6HM Treasury (2022), “Short Selling Regulation Review: Call for Evidence”, pp.12.
7Bank Negara Malaysia (2017), “Regulated Short-Selling of Securities in the Wholesale Money Market”, pp.6-7.
8https://www.jpx.co.jp/english/equities/trading/regulations/02.html
Tài liệu tham khảo:
1. Bank Negara Malaysia (2017). Regulated Short-Selling of Securities in the Wholesale Money Market, pages 1-12.
2. HM Treasury (2022). Short Selling Regulation Review: Call for Evidence, pages 1-20.
3. Regulation related to Restrictions on Trading, updated on March 22, 2023 by Japan Exchange Group (JPX).
4. Regulation (EU) No 236/2012 dated on March 14, 2012, issued by the European Parliament and of the Council.
5. The Circular No. MRD/DoP/SE/Dep/Cir- 14/2007 dated on December 20, 2007, issued by Securities and Exchange Board of India (SEBI).
6. Thông tư số 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Nguyễn Hoàng Nam
Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH)