Chiếm tới 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, IPEF do Mỹ khởi xướng từ tháng 5/2022, bao gồm một số nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới và có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong 3 thập kỷ tới (2020 - 2050), mang lại lợi ích không chỉ cho khu vực mà còn cho thế giới. Mặc dù IPEF rất quan trọng đối với Mỹ song sáng kiến này đang phải đối diện với một số khó khăn, thách thức.
1. Mục tiêu và sự cần thiết thành lập sáng kiến IPEF
Do Mỹ thiếu trụ cột kinh tế để gắn kết với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kể từ khi rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (năm 2017) đã tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Sáng kiến về IPEF ra đời nhằm gắn kết Mỹ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - khu vực phát triển năng động của thế giới.
Việc Mỹ lập ra IPEF nhằm:
Thứ nhất, IPEF sẽ tập trung vào các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số, sự phục hồi của các chuỗi cung ứng, khử carbon, cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn làm việc.
Thứ hai, thiết lập các hệ thống lương thực bền vững và những quy định trong lĩnh vực nông nghiệp dựa trên cơ sở khoa học cũng như thực hành quản lý tốt và tạo thuận lợi cho thương mại.
Thứ ba, IPEF sẽ là phương tiện cho sự tái tham dự của Mỹ đối với kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và giúp lấp đầy khoảng trống đã được tạo ra khi Mỹ rời khỏi TPP.
IPEF được thiết kế như một công cụ để tăng cường hợp tác giữa Mỹ và các đối tác ở châu Á. Thông qua IPEF, Mỹ muốn khắc phục những thiếu sót về mặt kinh tế và thương mại đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường sự hiện diện về kinh tế ở khu vực này nhưng vẫn bảo vệ người dân Mỹ trước những mặt trái của tự do hóa thương mại.
IPEF sẽ giúp Mỹ củng cố quan hệ với các nền kinh tế chủ chốt ở châu Á - Thái Bình Dương thông qua xây dựng chuỗi cung ứng, giành lại vị thế về kinh tế sau khi đã quyết định đứng ngoài CPTPP và không tham gia RCEP.
Thông qua IPEF, Mỹ kêu gọi các nước tham gia cùng nhau củng cố mối quan hệ, tham gia vào những vấn đề kinh tế và thương mại quan trọng mà khu vực quan tâm, như xây dựng các chuỗi cung ứng có khả năng chống chọi với đại dịch. IPEF không phải là FTA, không có cơ hội tiếp cận thị trường khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và không được ưu đãi cắt giảm thuế quan. Mặc dù tránh thiết lập các thỏa thuận thương mại tự do, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng ở châu Á, thì với IPEF, Mỹ muốn tăng cường vị thế của mình ở châu Á - nơi tập trung các đối tác quan trọng là những nền kinh tế mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
IPEF là khung kinh tế được thiết kế nhằm giải quyết những thách thức kinh tế của thế kỷ 21 với một số đặc điểm nổi bật:
Một là, IPEF không phải là dự thảo về hiệp định tự do mậu dịch giữa Mỹ và các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là đòn bẩy cho thương mại trong khối.
Hai là, IPEF không thể là cơ sở tiền đề dẫn tới hiệp định tự do mậu dịch bởi 7/13 nước tham gia IPEF thuộc thành viên Hiệp hội ASEAN2 mà về thương mại thì Mỹ không thể nhập siêu với các đối tác trong ASEAN.
Ba là, RCEP quy tụ 15 thành viên, trong đó có cả những đối tác thân thiết nhất của Mỹ (Hàn Quốc, Nhật Bản), nhưng về kinh tế, RCEP tạo ra khoảng 30,5% GDP toàn cầu, thấp hơn so với IPEF (gần 41% GDP của thế giới).
Thông qua IPEF, Mỹ hy vọng sẽ gắn kết kinh tế với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì với khoảng 60% dân số toàn cầu, khu vực này sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong 3 thập niên (2020 - 2050), hỗ trợ 3 triệu việc làm cho người Mỹ và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá gần 900 tỉ USD vào Mỹ.
IPEF là thỏa thuận nhằm tăng cường vị thế kinh tế của Mỹ, là kế hoạch hợp tác nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với quy mô đóng góp lên tới 40% GDP của thế giới, IPEF tập trung vào bốn trụ cột:
Trụ cột 1: Kinh tế kết nối (thiết lập quy tắc mới cho thương mại và kinh tế kỹ thuật số). Tập trung vào thương mại công bằng và bền vững (bao trùm 7 lĩnh vực gồm: Lao động; môi trường và khí hậu; kinh tế số; nông nghiệp; minh bạch và khung chính sách tốt; chính sách cạnh tranh; xúc tiến thương mại).
Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng trong khu vực cũng như trên toàn cầu, IPEF ưu tiên theo đuổi các quy tắc tiêu chuẩn cao trong nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm tiêu chuẩn về các luồng dữ liệu xuyên biên giới, đồng thời giải quyết các quan ngại về quyền riêng tư trên mạng Internet và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách phi đạo đức. Nếu thực hiện tốt, những quy tắc thương mại kỹ thuật số có thể giúp các công ty tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở rộng hoạt động ra bên ngoài khu vực.
Trụ cột 2: Kinh tế bền bỉ (thúc đẩy hợp tác trên chuỗi cung ứng). Tập trung vào chuỗi cung ứng, bảo đảm chuỗi cung ứng hoạt động một cách an toàn. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự thiếu bền vững của chuỗi cung ứng khiến quá trình đóng gói chất bán dẫn ở Malaysia phải đóng cửa, buộc hàng nghìn công nhân ở Mỹ trong các nhà máy sản xuất chất bán dẫn không có việc làm. Nếu các bên minh bạch hơn, liên lạc thường xuyên hơn, chia sẻ dữ liệu nhiều hơn và thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm thì vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ không xảy ra.
Với IPEF, Mỹ tìm kiếm các cam kết đầu tiên và nhằm dự đoán, ngăn chặn hiệu quả hơn sự gián đoạn chuỗi cung ứng, từ đó tạo ra một nền kinh tế linh hoạt hơn và giúp giảm chi phí bằng cách làm cho chuỗi cung ứng của Mỹ linh hoạt hơn trong dài hạn, tránh những gián đoạn gây ra tốn kém chi phí, dẫn đến giá hàng hóa cao hơn cho người tiêu dùng. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng có thể thu hút nhiều đầu tư hơn cho các thành viên IPEF.
Trụ cột 3: Kinh tế xanh (cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch). Tập trung vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và phi carbon hóa, qua đó đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu. Đối với trụ cột năng lượng sạch, các thành viên IPEF sẽ tăng cường hợp tác về công nghệ và huy động tài chính, tài trợ ưu đãi thông qua hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
IPEF tìm kiếm thỏa thuận nhằm mục tiêu về năng lượng thay thế, loại bỏ sử dụng nhiên liệu carbon, đặt các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng và đưa ra những biện pháp mới nhằm ứng phó với sự phát thải khí methane. Mục tiêu mà thành viên IPEF đề ra phù hợp với các điều khoản của Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21). Các nước nỗ lực giảm tối đa lượng khí thải carbon, hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất không vượt quá 1,5oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Trụ cột 4: Kinh tế công bằng (ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng). Kinh tế công bằng xoay quanh các vấn đề về thuế và chống tham nhũng, nâng cao các tiêu chuẩn về tính minh bạch, công bằng thuế khóa, chống tham nhũng. Đối với trụ cột ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng, IPEF bảo đảm các bên đều thực hiện cùng bộ quy tắc để khắc phục tình trạng này bởi tham nhũng sẽ kéo lùi nền kinh tế của mọi quốc gia. IPEF cam kết để xây dựng hệ thống thuế hiệu quả, chống rửa tiền và chống tham nhũng phù hợp với giá trị của các bên.
Để ngăn chặn hành vi trốn thuế và chống tham nhũng, IPEF ban hành các chế độ thuế, chống rửa tiền và chống hối lộ, phù hợp với các nghĩa vụ đa phương hiện có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế công bằng. Các điều khoản của IPEF sẽ bao gồm trao đổi thông tin thuế, hình sự hóa hối lộ theo các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Nhờ vậy, IPEF sẽ tạo ra nền kinh tế mạnh mẽ hơn, công bằng hơn, linh hoạt hơn cho người lao động, doanh nghiệp Mỹ và trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong IPEF có một số nền kinh tế quan trọng nhưng chưa tham gia TPP (trước đây) hay CPTPP (sau này) như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Sự xuất hiện của các quốc gia này trong IPEF sẽ tạo động lực mới, bổ sung cho các thỏa thuận thương mại khu vực và tạo không gian hợp tác kinh tế lớn. IPEF sẽ giúp lấp đầy khoảng trống đã được tạo ra khi Mỹ rời khỏi TPP - tiền thân của CPTPP hiện nay. IPEF sẽ là phương tiện cho sự tái tham gia của Mỹ về kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
2. Sự khác biệt của IPEF với CPTPP và RCEP
Một trong những ưu điểm của IPEF là tính mở của khuôn khổ. Theo đó, các đối tác IPEF không nhất thiết phải tham gia tất cả bốn trụ cột, mà có thể lựa chọn tham gia vào một số trụ cột nhất định của khuôn khổ. Việc được tự do lựa chọn trụ cột tham gia hợp tác của mỗi nước giúp IPEF trở thành cơ chế hợp tác linh hoạt và mở hơn so với các FTA truyền thống.
IPEF sẽ là “cách tiếp cận từng bước”. Với việc đặt trọng tâm vào vấn đề kinh tế, IPEF không đặt các quốc gia tham gia khuôn khổ vào tình thế phải “chọn bên” trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, điểm khác biệt là IPEF không chú trọng tới vấn đề thuế quan và tiếp cận các thị trường như FTA truyền thống. IPEF không giảm thuế giữa các nước thành viên và sẽ tìm kiếm sự hợp tác trên những trụ cột chiến lược như tính bền vững của chuỗi cung ứng và kinh tế số.
Không giống các FTA như RCEP hoặc CPTPP, IPEF không bao gồm và cũng không hứa hẹn sẽ bao gồm các cuộc đàm phán để dỡ bỏ hàng rào thuế quan hoặc tăng cường tiếp cận thị trường. Hiện IPEF được hiểu theo nghĩa là một tầm nhìn, một tín hiệu, một tuyên bố về mục đích hoặc nỗ lực của Mỹ nhằm bắt kịp với lịch sử, địa lý và nền kinh tế đang phát triển của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mỹ khẳng định rằng IPEF không phải là FTA, đúng hơn, IPEF là một chiến lược kinh tế, trong đó các nước tham gia xích lại gần nhau để tăng cường mối quan hệ và thúc đẩy ổn định kinh tế.
IPEF có một số đặc điểm khác biệt với FTA truyền thống:
Thứ nhất, khác với CPTPP và RCEP (hai khối thương mại lớn nhất châu Á), IPEF không đề cập tới việc giảm thuế. Thay vào đó, Mỹ tìm kiếm sự hợp tác trên các trụ cột chiến lược, như phục hồi các chuỗi cung ứng và nền kinh tế kỹ thuật số. IPEF là một cơ chế được thiết kế nhằm tìm kiếm lợi ích từ quan hệ đối tác thương mại trong lúc vẫn bảo vệ người Mỹ trước những mặt trái của tự do hóa thương mại.
Thứ hai, việc thiết lập IPEF cũng khác với các FTA truyền thống vốn thường mất nhiều năm đàm phán và yêu cầu những nước tham gia phải phê chuẩn. IPEF sẽ là “cách tiếp cận từng bước” và là nhân tố quan trọng giúp lấp đầy khoảng trống khi Mỹ rời TPP và sẽ tiến gần hơn đến một mô hình tương tự như TPP.
Thứ ba, IPEF thúc đẩy giải quyết các thách thức nổi lên trong khu vực theo hướng xây dựng, thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Điểm bất lợi của IPEF là không thể hoàn toàn thay thế việc Mỹ không tham gia CPTPP. IPEF chưa xóa bỏ bớt các hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ. IPEF có thể phải đánh đổi giữa tính toàn diện rộng rãi với sự phát triển kịp thời của các thỏa thuận tiêu chuẩn cao. Đơn giản vì để đạt được đồng thuận đông đảo và rộng rãi thì khó có thể nhanh chóng đạt được các thỏa thuận có tiêu chuẩn cao vốn thường chỉ đạt ở một nhóm nhỏ.
Sự đa dạng của các thành viên trong IPEF phù hợp với cấu trúc trụ cột được xây dựng với sự linh động và sáng tạo để thích ứng với sự đa dạng của các quốc gia. IPEF hi vọng sẽ là tầm nhìn cho một nền kinh tế hiện đại và là cách thức để giải quyết những thách thức cũng như nắm bắt các cơ hội kinh tế để thúc đẩy đổi mới và sáng tạo.
3. Thách thức của IPEF
IPEF tập trung giải quyết ba thách thức cấp bách, đó là: (1) Chuỗi cung ứng. IPEF giúp khu vực có thể tránh lặp lại các vấn đề về chuỗi cung ứng như đã gặp phải trong đại dịch Covid-19; (2) Kinh tế sạch. IPEF có nghĩa vụ huy động tài chính và công nghệ để bảo đảm giảm phát thải khí nhà kính, kiềm chế sự nóng lên toàn cầu và giảm tốc các thảm họa thiên nhiên; (3) Kinh tế toàn cầu hóa công bằng hơn. IPEF bảo đảm tăng trưởng thương mại và kinh tế toàn diện, tạo cơ sở cho quản trị tốt và giảm tham nhũng tại các nước trong khu vực.
Với mục tiêu cuối cùng của IPEF là khôi phục vai trò kinh tế của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cho phép định hình lại các quy tắc định hướng cho nền kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn cầu. IPEF rất hấp dẫn đối với Ấn Độ bởi nó bao gồm các nước Đông và Đông Nam Á. Động thái gia cố liên minh với Mỹ của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại song phương Mỹ - Ấn đạt 119,42 tỉ USD (từ năm 2021 - 2022) so với 80,51 tỉ USD trong giai đoạn 2020 - 2021.
Tuy nhiên, IPEF đang phải đối diện với một số khó khăn:
Thứ nhất, bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể hình thành một nhóm “độc quyền” dẫn đến những bất ổn trong khu vực.
Thứ hai, cho dù IPEF đã hạ thấp các tiêu chuẩn tham gia khi khởi động đàm phán giúp thu hút số lượng lớn các đối tác so với các thỏa thuận thông thường, nhưng quá trình đàm phán (kéo dài từ 12 - 18 tháng) khó duy trì được sự nhiệt tình hợp tác lâu dài.
Thứ ba, quy tắc định hướng của IPEF đòi hỏi một khuôn khổ với các cam kết có tính ràng buộc dựa trên những quy tắc và luật lệ cụ thể. Các quy tắc này có thể được điều chỉnh để thu hút nhiều quốc gia tham gia.
Thứ tư, các khái niệm của IPEF (quy tắc, tiêu chuẩn và nguyên tắc) đã xuất hiện và được thử nghiệm trong Mạng lưới Chấm xanh (BDN) và Sáng kiến Xây dựng lại Thế giới tốt đẹp hơn (B3W)3. Tuy nhiên, cả BDN và B3W đều chưa tạo ra nhiều thành quả và động lực hữu hình.
Thứ năm, khó khăn do các tình huống khẩn cấp về địa chính trị ở một số nơi trên thế giới (như ở Trung Đông và Ukraine)...
4. Lợi ích tham gia IPEF của Việt Nam
IPEF sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho các nền kinh tế, nhất là những nước đang phát triển thông qua thu hút nguồn tài chính và đầu tư mới vào khu vực.
Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được nhiều lợi ích trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ trong hoạt động thương mại quốc tế và giải quyết vấn đề trước những biến cố bất lợi có thể xảy ra. Với tư cách thành viên của IPEF, các thỏa thuận về chuỗi cung ứng đa phương với những quốc gia thành viên được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích đối với nền kinh tế Việt Nam khi hầu hết các thành viên còn lại của IPEF đều là các cường quốc, đồng thời là đối tác thương mại quan trọng và lâu dài của Việt Nam trong nhiều năm (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan). Với thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có được sự ổn định hơn trong thương mại song phương, được hưởng sự bảo vệ đồng minh thường xuyên hơn, khi Việt Nam hợp tác sâu hơn với các thành viên để thực hiện những giải pháp và kế hoạch cùng có lợi cho chuỗi cung ứng.
Việt Nam đã tham gia FTA với ASEAN (1995) và rộng hơn với các nước khác trong khu vực thông qua RCEP (2022), với các nước châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) (2020). Vì vậy, việc tham gia IPEF của Việt Nam được xem là bước đệm để Việt Nam trở thành nền kinh tế nổi bật trong khu vực. IPEF với định hướng đúng đắn sẽ thúc đẩy môi trường kinh tế tích cực và hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân cũng như an ninh, hòa bình cho khu vực và trên toàn cầu.
Với mong muốn hòa mình vào các thể chế kinh tế quan trọng, Việt Nam đã tham gia CPTPP và RCEP. Tham gia IPEF, mục tiêu của Việt Nam là hợp tác đa hướng ở nhiều cấp độ hội nhập kinh tế. Khi là thành viên của IPEF, Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong các chương trình nghị sự chính trị và kinh tế của khuôn khổ, bởi lẽ sáng kiến kinh tế IPEF sẽ được dẫn dắt bởi các cuộc đối thoại quan trọng giữa những đối tác liên quan.
Bảo đảm sự ổn định của chuỗi cung ứng then chốt là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Đại dịch Covid-19 khiến cho tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á. Cộng thêm xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến thị trường xuất, nhập khẩu, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những cú sốc địa chính trị và sự gián đoạn thương mại. Do đó, đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các đối tác trong IPEF giúp Việt Nam tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.
Trở thành thành viên của IPEF giúp Việt Nam củng cố lợi ích địa kinh tế và địa chính trị, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung và các quốc gia đang đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, tránh tập trung đầu tư vào một thị trường Trung Quốc. Tham gia IPEF, Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng và bảo vệ môi trường. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Intel, Apple và Google tại Thung lũng Silicon đã mở cơ hội cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ và hệ sinh thái kỹ thuật số của Mỹ.
Năng lượng xanh - một trong bốn trụ cột của IPEF - là một lĩnh vực được đánh giá là có tiềm năng đáng kể của Việt Nam. Nhờ đặc điểm địa lý thuận lợi, Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành điểm đến tiếp theo để đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Để trở thành nền kinh tế sạch, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỉ lệ khoảng 40% năm 2030, lên đến 70% năm 2050. Việt Nam là một trong sáu quốc gia toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu4 như các mối đe dọa từ sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán, Việt Nam rất quan tâm đến năng lượng sạch, năng lượng xanh và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Tham gia IPEF, Việt Nam có cơ hội hợp tác với Mỹ về các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về môi trường, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ thiết thực từ Mỹ để Việt Nam trở thành “nhà lãnh đạo ASEAN về năng lượng tái tạo”. Mỹ cam kết triển khai 15,5 tỉ USD để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính Net Zero năm 20505. IPEF sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ lên cấp độ cao hơn, dựa trên mối quan hệ tích cực và xuất khẩu ngày càng tăng (xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ dự kiến đạt 90 tỉ USD năm 2024).
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ Mỹ và các cường quốc của IPEF trong chuyển đổi kỹ thuật số - lực đẩy quan trọng giúp Việt Nam vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm giải quyết khoảng cách về kỹ năng số và mở đường hướng tới nền kinh tế số. Tham gia IPEF giúp thúc đẩy năng lực và sự tự tin của Việt Nam trong phát triển kỹ thuật số bền vững. Việt Nam đã chi một khoản đáng kể cho việc tăng cường cơ sở hạ tầng so với các đối tác ASEAN. Việt Nam hiện đang phân bổ khoảng 6% GDP cho cơ sở hạ tầng, cao hơn gấp đôi so với mức chi trung bình của các quốc gia ASEAN khác là 2,3% GDP6. Mức đầu tư được mong đợi sẽ dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể trong xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam những năm tới. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho chuỗi cung ứng và hậu cần của Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam có thể không tham gia vào tất cả các trụ cột của IPEF, tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới và những bất ổn do xung đột Nga - Ukraine, tham gia IPEF giúp Việt Nam xây dựng các chính sách có giá trị thiết thực để tăng cường khả năng co giãn về kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. IPEF sẽ là hiệp ước thương mại lớn thứ 3 có sự tham gia của Việt Nam, Australia và New Zealand bên cạnh CPTPP và RCEP. Tham gia vào một khuôn khổ với nhiều lĩnh vực mới sẽ tăng cường mối quan hệ giữa các quốc gia. Bốn trụ cột của IPEF định hình các ngành kinh tế chủ chốt hướng đến một tương lai bền vững và cạnh tranh. Tham gia IPEF, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp vào việc hình thành các tiêu chuẩn quốc tế, vốn là yếu tố quan trọng nền tảng của tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh bình đẳng. Tham gia IPEF thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ lên cấp độ cao hơn nữa dựa trên mối quan hệ tích cực và xuất khẩu ngày càng tăng trong lịch sử thương mại song phương Việt - Mỹ. Trong khi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đứng thứ hai trong tổng quan thương mại của Việt Nam (trị giá 120 tỉ USD) chứng tỏ không gian hợp tác, tính chất bổ sung và vai trò quan trọng lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, giảm khí thải và củng cố cơ sở hạ tầng một cách bền vững.
IPEF giúp Mỹ thực hiện các cam kết lâu dài về kinh tế đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương toàn diện và thực chất hơn, giúp khu vực có nhiều lựa chọn hơn và giải quyết các nhu cầu thiết thực. Tuy nhiên, IPEF vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng về thành phần, sự ủng hộ của các bên và nội hàm cụ thể. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam sớm tham gia thảo luận về IPEF là lợi thế để vừa có thể tìm hiểu thông tin về những vấn đề còn chưa rõ, vừa định hình nội dung sáng kiến và thể hiện vai trò chủ động trong khu vực.
1 IPEF gồm 14 quốc gia: Mỹ, Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
2 Bảy (7) đối tác trong IPEF thuộc ASEAN là: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore Thái Lan và Việt Nam.
3 BDN do Mỹ khởi động năm 2019 và B3W do Mỹ đưa ra năm 2021.
4 Sáu (6) quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu gồm: Nepal, Peru, Việt Nam, Madagasca, Bangladesh và Thái Lan.
5 Ngọc Diệp (2023), Ngoại trưởng Hoa Kỳ khẳng định sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ, https://thoidai.com.vn
6 Hải Hồ (2023), Chuỗi cung ứng từ IPEF mang lại lợi thế gì cho Việt Nam? Báo Sài Gòn Đầu tư Tài chính.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ngọc Diệp (2023), Ngoại trưởng Hoa Kỳ khẳng định sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ, https://thoidai.com.vn
2. Song Minh (2023), IPEF hướng tới giải quyết ba thách thức cấp bách toàn cầu - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, https://www.congdoan.vn
3. Đào Từng (2022), 5 điều cần biết về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, https://bnews.vn
4. Thu Hiền (2024), Thỏa thuận đa phương đầu tiên của thế giới về chuỗi cung ứng IPEF.
5. Lê Hồng Hiệp (2022), Việt Nam tìm kiếm lợi ích thực dụng từ IPEF, https://nghiencuuquocte.org
6. Bùi Đại Thắng (2022), Tổng thống Mỹ công bố khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, https://www.vietnamPlus.vn
7. Ngô Minh Trí (2022), Cơ hội và thách thức cho Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, https://thanhnien.vn
8. Minh Hải (2022), Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là tâm điểm của sự chú ý - Báo Công an Nhân dân điện tử, https://cand.com.vn
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới)