1. Ngân hàng ảo là gì?
Theo Forbes, ngân hàng ảo (neobanks, virtual banks) là các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực tài chính chuyên cung cấp ứng dụng, phần mềm, các công nghệ khác để đơn giản hóa việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trên thiết bị di động và thiết bị trực tuyến. Hay theo Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông, ngân hàng ảo là ngân hàng chủ yếu cung cấp các dịch vụ của ngân hàng bán lẻ thông qua Internet hoặc hình thức tương tự trên kênh điện tử thay vì thông qua các chi nhánh hữu hình.
Một đặc điểm của ngân hàng ảo là không hướng đến việc thành lập các chi nhánh, điểm giao dịch vật lí, máy rút tiền tự động (ATM) và máy gửi tiền tự động (CDM) như các ngân hàng truyền thống, mà hướng đến việc tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng bằng cách ứng dụng công nghệ và phân tích dữ liệu. Mọi hoạt động của ngân hàng ảo đều được xây dựng, xử lí và quản lí thông qua nền tảng điện tử, khách hàng có thể truy cập và sử dụng dịch vụ hoàn toàn bằng thiết bị di động có kết nối Internet mà không phải đến các chi nhánh hay trụ sở ngân hàng.
Khác với các ngân hàng khác, ngân hàng ảo chỉ tập trung vào việc cung cấp một số dịch vụ cơ bản như mở tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, phát hành thẻ, cho vay... Nhờ đó, ngân hàng ảo có lợi thế trong việc tối ưu hóa và minh bạch hoạt động của mình so với các ngân hàng lớn khác, không (hoặc ít) phải chi trả chi phí mặt bằng, lương nhân viên, chi phí vận hành hệ thống... nên có lợi thế về phí dịch vụ. Ngân hàng truyền thống thường đưa ra mức phí cao do phải bỏ ra chi phí vận hành, thuê trụ sở, nhân sự... khá lớn, trong khi đó, ngân hàng ảo với lợi thế sử dụng công nghệ hiện đại, nên phí thường khá thấp hoặc miễn phí (Tuyết Mai, 2022)1.
Trên cơ sở đó, ngân hàng ảo hướng đến đối tượng khách hàng là các cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, thuận tiện mà không cần phải đến chi nhánh và các doanh nghiệp quy mô nhỏ (MSMEs) muốn tối ưu chi phí hoạt động và có nền tảng quản lí tài chính hiệu quả.
2. Một số điểm nổi bật trong khung cấp phép ngân hàng ảo của Thái Lan
Đầu năm 2024, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã có kế hoạch cấp giấy phép hoạt động cho 3 ngân hàng ảo đầu tiên. Lộ trình được BoT đưa ra bao gồm 3 giai đoạn chính, trong đó năm 2023 là năm BoT hoàn thiện khung pháp lí và từ quý I/2024 sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký và đánh giá ứng viên. Quý II/2024, BoT sẽ công bố những hồ sơ được chấp thuận. Từ quý II/2025, các ngân hàng ảo đầu tiên của Thái Lan sẽ chính thức đi vào hoạt động. Với quy định này, Thái Lan sẽ là nước thứ ba trong khối ASEAN, sau Singapore và Malaysia, cấp phép ngân hàng ảo vào thời điểm những phát triển đột phá của số hóa buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang hoạt động trực tuyến, bao gồm cả ngân hàng (Lê Linh, 2023)2.
Mục tiêu của BoT là mở ra cơ hội cho các chủ thể có chuyên môn về công nghệ, dịch vụ số và phân tích dữ liệu có thể cung cấp các dịch vụ tài chính một cách hiệu quả thông qua nền tảng kỹ thuật số, trong khi có thể giảm chi phí nhân sự và vận hành. Các ngân hàng ảo mới phải tập trung vào khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của nhóm khách hàng cá nhân chưa sử dụng dịch vụ, chưa có tài khoản ngân hàng, chưa được ngân hàng phục vụ và MSMEs.
2.1. Mục tiêu của BoT
Trong khung pháp lí, BoT đưa ra hai khái niệm, đồng thời là thước đo để đánh giá hoạt động của ngân hàng ảo.
Thứ nhất, Green Lines là những tiêu chuẩn mà BoT yêu cầu ngân hàng ảo phải đạt được, thông qua việc tận dụng chuyên môn về công nghệ, dữ liệu và dịch vụ số để cung cấp các dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bao gồm:
- Cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp với từng phân khúc khách hàng, nhất là nhóm chưa được ngân hàng phục vụ và nhóm chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ trong số các khách hàng cá nhân và MSMEs để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tuân thủ kỷ luật tài chính.
- Cung cấp trải nghiệm sử dụng các dịch vụ tài chính tốt hơn cho khách hàng.
- Có khả năng hoạt động ổn định và hiệu quả trong hệ thống các định chế tài chính.
Thứ hai, Red Lines bao gồm các hành vi đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính, xâm phạm đến quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng nói chung, bao gồm:
- Có mô hình kinh doanh không bền vững.
- Có hành vi cắt giảm chi phí quá mức cần thiết bằng cách giảm lương của người lao động, hi sinh lợi ích chính đáng, giảm tiêu chuẩn về chất lượng hay các hành vi cắt giảm khác nhằm mục đích tạo ra lợi thế cạnh tranh hoặc cắt giảm chi phí sản xuất (hay còn gọi là cuộc đua xuống đáy - race to the bottom).
- Có hành vi đối xử, đãi ngộ đặc biệt đối với người liên quan (như ưu đãi cấp tín dụng) hoặc lợi dụng vị thế độc quyền trên thị trường.
2.2. Một số điều kiện cấp phép nổi bật
2.2.1. Về phạm vi kinh doanh và kênh dịch vụ
Ngân hàng ảo phải được thành lập tại Thái Lan và có khả năng cung cấp đầy đủ các hoạt động ngân hàng mà không có chi nhánh hữu hình. Việc thành lập doanh nghiệp để thực hiện hoạt động ngân hàng cũng cần phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính chấp thuận. Sau khi thành lập, doanh nghiệp sẽ nộp đơn xin cấp giấy phép đến Bộ Tài chính thông qua BoT.
Trụ sở của ngân hàng ảo phải được đặt trên lãnh thổ Thái Lan nhằm hỗ trợ việc giám sát, kiểm tra của BoT và tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của khách hàng khi cần thiết. Trụ sở này sẽ không được sử dụng để thực hiện các hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng ảo phải hoạt động thuần kỹ thuật số, không được thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, không có ATM/CDM nhằm tối ưu hóa chi phí nhân sự và vận hành. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khi lượng khách hàng sử dụng tiền mặt vẫn còn nhiều và hệ thống ngân hàng quốc gia chưa hoàn toàn được số hóa, ngân hàng ảo có thể cung cấp dịch vụ rút gửi tiền thông qua ATM/CDM của các ngân hàng khác nhưng không được lạm dụng kênh giao tiếp này.
2.2.2. Về tiêu chuẩn đối với chủ thể nộp đơn đăng ký giấy phép
Thứ nhất, ngân hàng phải có mô hình kinh doanh bền vững có thể đáp ứng Green Lines:
- Chủ thể nộp đơn cần có khả năng tìm kiếm và mở rộng tệp khách hàng nhằm bảo đảm khả năng tồn tại trên thị trường.
- Kế hoạch kinh doanh cần phục vụ các phân khúc khách hàng khác nhau, trong đó tập trung vào MSMEs, nhóm chưa được ngân hàng phục vụ và nhóm chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ.
- Có năng lực kinh doanh, khả năng quản lí chi phí, tạo doanh thu bền vững; mô hình kinh doanh và dự báo tài chính hợp lí, được xác nhận bởi chuyên gia độc lập.
Thứ hai, ngân hàng phải có chuyên môn về dịch vụ số và nền tảng công nghệ tiên tiến:
- Chiến lược về ứng dụng kỹ thuật số của ngân hàng ảo phải rõ ràng và phù hợp với mô hình kinh doanh, đặc biệt là về quản trị, hệ thống và nhân sự về công nghệ thông tin. Các vấn đề về công nghệ thông tin phải được tiến hành bởi chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm được chứng nhận.
- Có ít nhất một giám đốc và một người quản lí của ngân hàng có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ số hoặc dịch vụ công nghệ thông tin trong thời gian ít nhất là 3 năm. Giám đốc công nghệ thông tin không được đồng thời đảm nhiệm chức danh tương đương hoặc làm việc toàn thời gian cho doanh nghiệp khác.
Thứ ba, ngân hàng cần có khả năng truy cập và sử dụng dữ liệu đa nguồn:
- Khả năng và phương pháp thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau cần phải được chuyên biệt hóa và có tính thực tế.
- Chủ thể nộp đơn phải có khả năng sử dụng các nguồn dữ liệu này để phát triển dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là nhóm chưa được ngân hàng phục vụ và nhóm chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ dựa trên phân tích và đánh giá rủi ro (chẳng hạn như đánh giá khả năng trả nợ). Ngân hàng ảo có thể sử dụng nhiều dạng công nghệ khác để quản lí và phân tích dữ liệu, chẳng hạn như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu thay thế (Alternative data)...
2.2.3. Về điều kiện khác
Thứ nhất, về giai đoạn vận hành hạn chế: Ngân hàng ảo phải trải qua giai đoạn hạn chế và chịu sự giám sát chặt chẽ trong thời gian đầu hoạt động (khoảng từ 3 - 5 năm) nhằm bảo đảm vận hành bền vững và hạn chế rủi ro hệ thống. Sau giai đoạn này, ngân hàng ảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện do BoT quy định sẽ kết thúc giai đoạn hạn chế và bắt đầu được vận hành đầy đủ. Những ngân hàng ảo không thể đáp ứng các điều kiện đó có thể bị BoT yêu cầu chấm dứt hoạt động và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính thu hồi giấy phép đã cấp cho ngân hàng.
Thứ hai, về điều kiện về vốn: Chủ thể nộp đơn phải có vốn đăng ký tối thiểu là 5 tỉ baht (khoảng 150 triệu USD) và phải tăng vốn lên 10 tỉ baht (khoảng 300 triệu USD) khi ngân hàng đi vào hoạt động chính thức.
Với mức đầu tư ban đầu cao, quy định về vốn đăng ký sẽ dẫn đến tình trạng là chỉ có các doanh nghiệp quy mô và khả năng tài chính vững mạnh mới có thể tham gia vào cuộc đua xin cấp phép ngân hàng ảo, hoặc cũng có thể là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính sẽ hợp tác với nhau để cùng nộp đơn thay vì đăng ký độc lập. Thực tế bởi không phải tổ chức nào cũng có thể đáp ứng đủ các điều kiện theo khung cấp phép, các ngân hàng thương mại không thể có thế mạnh về công nghệ như các Fintech, ngược lại các Fintech lại không thể có kinh nghiệm và năng lực quản trị rủi ro như các ngân hàng truyền thống. Từ đó, BoT đã gợi ý về việc các doanh nghiệp vừa có thể liên kết với các công ty khác để cùng nộp đơn đăng ký.
Thứ ba, yêu cầu về kế hoạch chấm dứt hoạt động (trong giai đoạn vận hành hạn chế): Kế hoạch chấm dứt hoạt động phải được xây dựng trước khi ngân hàng đi vào vận hành, được BoT chấp thuận và phải gồm ít nhất những nội dung sau:
- Trường hợp chấm dứt hoạt động: Từng hoàn cảnh phải phù hợp với mô hình kinh doanh của ngân hàng và phải đủ nghiêm trọng đến mức phải chấm dứt hoạt động.
- Thời điểm chấm dứt hoạt động: Thời gian chuẩn bị chấm dứt hoạt động phải đủ để ngân hàng có thể chuẩn bị trong khoảng thời gian hợp lí. Khi xảy ra việc chấm dứt hoạt động, người gửi tiền tại ngân hàng phải được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng được hoàn trả tiền gửi.
2.3. Khung giám sát và tuân thủ
Ngân hàng ảo phải tuân theo quy định của pháp luật và chịu sự giám sát như các ngân hàng truyền thống. Trong đó, ngân hàng ảo phải tham gia Quỹ Phát triển Định chế tài chính (Financial Institutions Development Fund) và bảo hiểm tiền gửi, nghĩa là người gửi tiền tại ngân hàng ảo cũng được bảo hiểm tiền gửi như người gửi tiền tại các ngân hàng truyền thống.
Mức độ giám sát của BoT đối với ngân hàng ảo sẽ tương ứng với mức độ rủi ro, tập trung vào quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro, bên cạnh một số vấn đề khác như tính liên tục của hệ thống công nghệ thông tin (hệ thống không được ngưng hoạt động vì sự cố quá 8 giờ/năm và thời gian để khôi phục hệ thống không được quá 2 giờ/lần xảy ra sự cố), hiệu quả hỗ trợ khách hàng thông qua kênh trực tuyến (như có phương án hướng dẫn rút tiền trong trường hợp khẩn cấp).
Tóm lại, BoT đã theo dõi chặt chẽ sự phát triển của các hệ thống tài chính ở nước ngoài và nhận thấy rằng ngân hàng ảo cần có những đặc điểm khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu và bối cảnh của mỗi quốc gia. Với Thái Lan, ngân hàng ảo có thể là lựa chọn giúp đáp ứng quá trình chuyển đổi số của hệ thống tài chính quốc gia, nhưng để cho phép thành lập ngân hàng thì cần phải xem xét rõ ràng các mục tiêu, tác động và rủi ro xung quanh nó.
3. Một số gợi ý cho Việt Nam
Trong khi phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn và cá nhân có thu nhập cao đã dần về tay các ngân hàng lớn trong Ngành với lợi thế về thương hiệu, độ phủ sóng, hoạt động lâu năm, thì thị trường MSMEs và nhóm chưa được ngân hàng phục vụ và nhóm chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ lại chính là mảnh đất tiềm năng cho các ngân hàng ảo thế hệ mới.
Tại buổi họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 do NHNN tổ chức ngày 25/4/2024 tại Hà Nội, NHNN cho biết: Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...).
Theo Vụ Thanh toán, NHNN, tính đến hết tháng 6/2024, trên 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR Code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm. Số liệu hoạt động thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2024 so với 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị, qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị. Số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 2,83% về số lượng và 26,94% về giá trị; qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 38,18% về số lượng và 23,26% về giá trị.
Về phân khúc khách hàng doanh nghiệp, hiện nay, trên 97% doanh nghiệp cả nước là doanh nghiệp MSMEs; hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam năng động và đang hướng đến vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á.
Theo báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024” được công bố bởi StartupBlink, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực vào năm 2024. Cụ thể, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 năm 2023 lên 56 năm 2024. Xét trên khu vực Đông Nam Á, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 5 và vị trí thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đứng thứ 31 toàn cầu về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là lượng khách hàng tiềm năng mà ngân hàng ảo có thể tập trung khai thác. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy, các đối tượng MSMEs còn ngần ngại sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, nguyên nhân chính là do cảm giác không an toàn do tội phạm mạng. Một số ít người được hỏi cảm thấy rằng chi phí giao dịch, hạn chế về khối lượng giao dịch và thiếu kiến thức sử dụng các thiết bị thông minh cũng là những e ngại trong việc sử dụng ngân hàng số của MSMEs ở Việt Nam (Anh, Hương, 2021)3. Như vậy, có thể thấy vấn đề an ninh và bảo mật là một trong những rào cản chính đối với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, đây là thời cơ cho ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số, phát triển mô hình Neobank (ngân hàng số không có chi nhánh vật lí) và việc xây dựng mô hình Neobank là xu thế tất yếu cho các ngân hàng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Hồng Hà, 2022)4. Từ đó, các quy định của Thái Lan về cấp phép ngân hàng ảo có thể gợi mở cho Việt Nam một số giải pháp để xây dựng khung pháp lí nhằm phát triển ngân hàng ảo trong tương lai, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành Ngân hàng nói riêng.
Một là, xây dựng bộ tiêu chuẩn để đánh giá ngân hàng ảo. Xuất phát từ nền tảng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới nên ngân hàng ảo cần được cơ quan có thẩm quyền quản lí và đánh giá ngay từ khâu chủ thể nộp đơn xin cấp phép hoạt động và trong quá trình vận hành. Chẳng hạn, NHNN có thể xây dựng các điều kiện về vốn ban đầu, điều kiện về hệ thống công nghệ thông tin, cơ cấu tổ chức... nhằm kiểm soát khả năng ngân hàng ảo đe dọa đến toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và khách hàng. Hai thước đo Green Lines và Red Lines và yêu cầu xây dựng phương án chấm dứt hoạt động như cách BoT đang đặt ra đối với ngân hàng ảo tại quốc gia này là một gợi ý. Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có xây dựng và triển khai khung quản lí rủi ro tổng thể bao gồm tối thiểu các rủi ro hoạt động, nghiệp vụ, công nghệ thông tin và pháp lí. Trên cơ sở đó, NHNN có thể đưa vào khung quản lí rủi ro tổng thể này các tiêu chuẩn về hoạt động, nghiệp vụ, công nghệ thông tin và pháp lí dành cho ngân hàng ảo và lấy đó làm cơ sở để đánh giá hiệu quả của ngân hàng sau thời gian vận hành.
Hai là, đặt ra cơ chế giám sát của ngân hàng trung ương. NHNN có thể giám sát hoạt động của ngân hàng ảo trong giai đoạn đầu hoạt động nhằm bảo đảm an toàn và hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm cho ngân hàng ảo có thể thực hiện tốt các hoạt động ngân hàng dựa trên mô hình hoạt động mới, nhất là các vấn đề quản trị rủi ro và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, yêu cầu ngân hàng ảo xây dựng kế hoạch chấm dứt hoạt động trong trường hợp NHNN thấy ngân hàng ảo không thể đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu để tiếp tục hoạt động (như đề xuất phía trên). Trong tương lai, các ngân hàng ảo có thể xây dựng phương án chấm dứt dựa trên Khung quản lí rủi ro tổng thể của NHNN nhằm đồng bộ hóa chính sách và tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan này.
Ba là, đặt ra yêu cầu đối với người quản lí. Vì hoạt động hoàn toàn trên nền tảng công nghệ, nên ngân hàng ảo cần phải có mô hình, hệ thống, cách vận hành hiệu quả và chặt chẽ. Việt Nam có thể tham khảo yêu cầu về điều kiện của ngân hàng ảo Thái Lan đối với giám đốc/người quản lí của ngân hàng: Phải có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ số hoặc dịch vụ công nghệ thông tin trong thời gian ít nhất là 3 năm; giám đốc công nghệ thông tin không được đồng thời đảm nhiệm chức danh tương đương hoặc làm việc toàn thời gian cho doanh nghiệp khác; ngoài ra có thể yêu cầu kinh nghiệm cả ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng (như Fintech) nhằm bảo đảm người quản lí có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả khi điều hành hay khi xảy ra sự cố.
Bốn là, tạo điều kiện để phân khúc khách hàng MSMEs, nhóm chưa được ngân hàng phục vụ và nhóm chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng thông qua ngân hàng ảo. Để đạt được mục tiêu trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lí nhà nước cùng NHNN để tạo điều kiện cho ngân hàng ảo có thể tìm kiếm và tiếp cận các đối tượng này. Một gợi ý có thể tham khảo từ Thái Lan đó là cho phép các tổ chức tín dụng truyền thống (như một ngân hàng thương mại đã có sẵn lượng khách hàng cùng kinh nghiệm và năng lực quản lí rủi ro) kết hợp cùng với doanh nghiệp Fintech, viễn thông, công nghệ thông tin thành lập ngân hàng ảo để tận dụng thế mạnh của cả hai chủ thể. Với sự phổ biến của hệ thống ngân hàng, tỉ lệ truy cập Internet và người sử dụng điện thoại di động nhiều như hiện nay, việc vươn đến vùng sâu, vùng xa hay tiếp cận các doanh nghiệp mới thành lập là điều hoàn toàn có thể. Bên cạnh đó, việc cho phép các chủ thể từ các lĩnh vực khác nhau cùng khai thác ngân hàng ảo đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội liên kết dữ liệu, nhân lực đa ngành và thiết lập hệ sinh thái số, cung ứng đa dạng và tiện lợi các sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn.
4. Kết luận
Với sự phát triển ngày càng cao của công nghệ, nền kinh tế và hành vi tiêu dùng của khách hàng, BoT nhận định ngân hàng ảo sẽ là bước phát triển tiếp theo của ngành Ngân hàng. Việt Nam cần tận dụng cơ hội để đón đầu xu hướng hiện đại này, đó cũng là tinh thần mà Chính phủ đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 70% nghiệp vụ ngân hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, ít nhất 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, ít nhất 80% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số được đề ra trong Quyết định số 810/QĐ-NHNN.
1 Đỗ Thị Tuyết Mai (2022), Phát triển ngân hàng ảo: Xu thế toàn cầu và hàm ý cho Việt Nam,
https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-ngan-hang-ao-xu-the-toan-cau-va-ham-y-cho-viet-nam.html
2 Lê Linh (2023), Cuộc đua giành giấy phép ngân hàng ảo của Thái Lan đang rất nóng, https://thesaigontimes.vn/cuoc-dua-gianh-giay-phep-ngan-hang-ao-cua-thai-lan-dang-rat-nong/
3 Nguyễn Thế Anh, Đào Thị Hương (2021), Rào cản sử dụng ngân hàng số của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 8, trang 30 - 34.
4 Phạm Hồng Hà (2022), Ngân hàng ảo - Xu thế phát triển ngân hàng trong tương lai, https://tapchinganhang.gov.vn/ngan-hang-ao-xu-the-phat-trien-ngan-hang-trong-tuong-lai.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thế Anh, Đào Thị Hương (2021), “Rào cản sử dụng ngân hàng số của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, số 8, trang 30 - 34.
2. Phạm Hồng Hà (2022), Ngân hàng ảo - Xu thế phát triển ngân hàng trong tương lai, Tạp chí Ngân hàng, truy cập ngày 20/4/2023, https://tapchinganhang.gov.vn/ngan-hang-ao-xu-the-phat-trien-ngan-hang-trong-tuong-lai.htm
3. Hong Kong Monetary Authority, Virtual Banks, https://www.hkma.gov.hk/eng/key-functions/banking/banking-regulatory-and-supervisory-regime/virtual-banks/
4. James Chen (2022), What Is the Race to the Bottom?, Investopedia, truy cập ngày 19/4/2023, https://www.investopedia.com/terms/r/race-bottom.asp#toc-what-is-the-race-to-the-bottom
5. Lê Linh (2023), Cuộc đua giành giấy phép ngân hàng ảo của Thái Lan đang rất nóng, https://thesaigontimes.vn/cuoc-dua-gianh-giay-phep-ngan-hang-ao-cua-thai-lan-dang-rat-nong/
6. Minh Phương (2024), Nhiều tổ chức tín dụng có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số, https://dangcongsan.vn/kinh-te/nhieu-to-chuc-tin-dung-co-ty-le-tren-90-giao-dich-thuc-hien-tren-kenh-so-663894.html
7. Đỗ Thị Tuyết Mai (2022), Phát triển ngân hàng ảo: Xu thế toàn cầu và hàm ý cho Việt Nam, https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-ngan-hang-ao-xu-the-toan-cau-va-ham-y-cho-viet-nam.html
8. Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
9. Somruedi Banchongduang, Sirivish Toomgum, Komsan Tortermvasana, Suchit Leesa-Nguansuk (2023), Banking on virtual success, Bangkok Post, truy cập ngày 20/4/2023, https://www.bangkokpost.com/business/2489077/banking-on-virtual-success
10. Stephanie Walden, Mitch Strohm (2021), What is a neobank, Forbes Advisor, https://www.forbes.com/advisor/banking/what-is-a-neobank/
11. Trần Kim Thoa (2022), “Sự phát triển của ngân hàng số tại châu Á và những cơ hội với Việt Nam”, Tạp chí Kế toán và kiểm toán, số tháng 8, trang 88 - 90.
12. Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Sách trắng doanh nghiệp năm 2022, NXB Thống kê, Hà Nội.
Mạch Hồng Phương