1. Đặt vấn đề
Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) là những định chế tài chính phát triển lớn, thành công trên thế giới; trong đó, CDB - một ngân hàng có giai đoạn đầu hoạt động mang nhiều nét tương đồng với tình trạng hiện tại của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, từ một ngân hàng bên bờ vực phá sản đã trở thành ngân hàng phát triển lớn nhất thế giới. Thành công của các ngân hàng này chính là bài học cho Việt Nam tìm hiểu các yếu tố tạo nên sự phát triển bền vững trong việc xây dựng các công cụ chính sách phục vụ chiến lược phát triển đất nước.
Các ngân hàng phát triển KfW, CDB, KDB... là những ví dụ quan trọng về cách một ngân hàng phát triển quốc gia có thể phục vụ thành công lợi ích công cộng, đồng thời duy trì kết nối với khu vực tư nhân (Ảnh: Internet)
2. Các yếu tố mang lại thành công của một số ngân hàng phát triển nước ngoài
2.1. Mô hình hoạt động được thể chế hóa bằng khung pháp lý chắc chắn
Hoạt động của KfW, CDB và KDB đều tuân theo luật riêng: Luật KfW; Luật CDB; Đạo luật KDB. Địa vị, vai trò, cơ cấu tổ chức, nguồn vốn, cơ chế hỗ trợ vốn, phạm vi kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh... được quy định rất rõ ràng trong luật, đảm bảo rằng KfW, CDB có thể hoạt động độc lập, đưa ra các quyết định độc lập về hoạt động hằng ngày và phản ứng kịp thời với những thay đổi của thị trường. KfW và CDB đều không có đại hội đồng cổ đông mà thành lập ban kiểm soát để đảm bảo hoạt động được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cơ cấu, nhiệm vụ của ban kiểm soát cũng được pháp luật quy định rõ ràng. KfW tuân theo sự giám sát được quy định trong Luật KfW dưới sự giám sát của Bộ Tài chính liên bang với sự tham vấn của Bộ Kinh tế và hành động khí hậu liên bang, còn CDB tuân thủ theo "Các biện pháp giám sát và quản lý của CDB" chịu giám sát trực tiếp của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc. Riêng KDB có đại hội đồng cổ đông và chịu sự giám sát của Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC) phù hợp với các quy định của Đạo luật KDB và các lệnh do FSC ban hành.
2.2. Được Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ
Chương đầu tiên của “Đạo luật KfW” là “Bảo lãnh từ Chính phủ Đức”, trong đó quy định rõ ràng rằng, Chính phủ bảo lãnh mọi khoản nợ liên quan đến hoạt động kinh doanh của KfW. CDB được bảo lãnh “ngầm” khi điều lệ hoạt động của CDB quy định rõ trái phiếu do CDB phát hành được hưởng tín dụng quốc gia và có trọng số rủi ro 0%. Tương tự, KDB được Chính phủ đảm bảo khả năng thanh toán với quy định bù lỗ tại Điều 32 Đạo luật KDB: Tổn thất ròng hằng năm của KDB sẽ được bù đắp mỗi năm bằng dự trữ và nếu dự trữ không đủ, phần hụt sẽ được bù đắp bởi Chính phủ.
Cả KfW, CDB và KDB đều có xếp hạng tín dụng rất cao, tương đương với xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Cụ thể: KfW được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng ở mức cao nhất là AAA, được Chính phủ liên bang cấp vốn để thực hiện các chương trình chống khủng hoảng, ví dụ chống khủng hoảng kinh tế, chống dịch bệnh... thông qua Quỹ bình ổn kinh tế WSF; Quỹ đặc biệt ERP (Quỹ tài sản đặc biệt của Chương trình phục hồi châu Âu); CDB được Moody’s và Standard and Poor xếp hạng lần lượt là AA và A, được nhận khoản cho vay bổ sung cầm cố (Pleded add Lending - PSL) từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cơ chế này mang lại sự ổn định lâu dài về nguồn vốn với lãi suất thấp. Chức năng chính của khoản vay PSL là cung cấp nguồn tài chính dài hạn quy mô lớn để hỗ trợ phát triển các lĩnh vực then chốt, mắt xích yếu của nền kinh tế quốc tế dân như nông nghiệp, nông thôn và nông dân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cải cách khu ổ chuột. PSL được phát hành dưới hình thức cầm cố và thế chấp tài sản đủ điều kiện. Tài sản thế chấp bao gồm tài sản trái phiếu cấp cao và tài sản tín dụng chất lượng cao; KDB được Moody’s xếp hạng ở mức Aa2, Standard and Poor xếp hạng AA, KDB được Chính phủ Hàn Quốc bơm vốn thường xuyên nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Giai đoạn 2015 - 2022, tổng số vốn KDB được Chính phủ cấp vốn là 7.972 tỷ KRW.
Ngoài ra, Chính phủ Đức và Chính phủ Trung Quốc có các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với hoạt động kinh doanh chính sách của KfW, CDB là: Miễn thuế thu nhập và toàn bộ lợi nhuận được để lại KfW, CDB để tái bổ sung cho hoạt động.
Sự hỗ trợ như vậy của Chính phủ đã giúp các ngân hàng này: (i) Có được chi phí tài chính thấp để đảm bảo có thể cung cấp vốn vay rẻ hơn cho các ngân hàng khác thực hiện cho vay lại hoặc cho khách hàng vay trực tiếp với lãi suất rất thấp; (ii) Giúp nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, từ đó các ngân hàng này cải thiện mức độ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường cũng như giảm thiểu rủi ro hoạt động (tỷ lệ an toàn vốn của KfW, KDB và CDB từ năm 2014 - 2022 luôn ở mức cao trên 10,5% theo khuyến cáo của Basel III. Cụ thể, tỷ lệ an toàn vốn năm 2022 của KfW, KDB và CDB lần lượt là 25,2%, 12,28% và 11,37%). Nguồn vốn dài hạn từ trái phiếu là trụ cột chính đã cung cấp sự đảm bảo cho sự phát triển của KfW, KDB và CDB.
2.3. Có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý
Nhờ cấu trúc thể chế như một cơ quan Chính phủ, KfW có quan hệ chặt chẽ với nhiều bộ của Đức và CDB có quan hệ chặt chẽ với nhiều bộ của Trung Quốc. Luật KfW quy định rõ ràng rằng hội đồng quản trị (HĐQT) có trách nhiệm xem xét và liên tục giám sát hoạt động kinh doanh và quản lý tài sản của KfW, điều đó có nghĩa là HĐQT của KfW cũng đảm nhận các chức năng của Ban kiểm soát. Luật KfW quy định rõ, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang và Bộ trưởng Bộ Tài chính Liên bang lần lượt là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ban giám sát của KfW, mỗi năm luân phiên một lần, các thành viên khác được Quốc hội Liên bang chỉ định,... tổng cộng có 37 thành viên.
Còn HĐQT của CDB có sự tham gia của người đứng đầu các bộ và ủy ban: Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngoài ra còn có một ủy ban của Chính phủ đặt tại trụ sở của CDB để CDB có thể liên hệ trực tiếp với Chính phủ.
KDB không có cơ cấu tổ chức giống như KfW và CDB. Tuy nhiên, Chủ tịch của KDB thường là người thân cận với Tổng thống Hàn Quốc, các thành viên HĐQT đều từng giữ chức vụ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền của Hàn Quốc, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính, cố vấn Tổng thống ...
Những mối quan hệ này phân biệt KfW, CDB và KDB với các ngân hàng thương mại khác. Nhờ mối quan hệ này mà KfW, CDB và KDB thường có lợi thế về thông tin, các xu hướng chính sách nhằm xử lý kịp thời các vấn đề trong quá trình hoạt động. KfW, KDB và CDB đều thường xuyên tư vấn cho Chính phủ về các khả năng khác nhau để thực hiện các dự án. Ví dụ “KfW đã thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong việc lựa chọn các lĩnh vực chính sách mục tiêu, thiết kế các dự án và chương trình, thực hiện, cấp vốn cho chúng, theo dõi tiến độ và đánh giá kết quả, sau đó thông báo cho lần lặp tiếp theo của chương trình”1. Trên cơ sở vai trò KDB là Ban Thư ký cho Hội đồng Chính sách tăng trưởng đổi mới, KDB đã đưa ra các hướng dẫn và khuyến nghị cho quá trình chuyển đổi của Hàn Quốc sang một nền kinh tế số hóa và nền kinh tế xanh, cũng như cung cấp sự hỗ trợ toàn diện cho các tổ chức tài chính của Chính phủ và khu vực công để phân bổ vốn tăng trưởng cho nhiều ngành, lĩnh vực.
Cả kiến thức kỹ thuật và kiến thức cơ bản của KfW, KDB, CDB đều hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách. Điều này tạo cơ hội cho các nhà làm luật trong việc xây dựng và thực hiện chính sách. Do vậy, sự tham gia tích cực vào chương trình chính sách cuối cùng cũng hỗ trợ như một ngân hàng hoạt động thực hiện ý chí của Chính phủ.
2.4. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương
Kinh nghiệm của Đức, Hàn Quốc và Trung Quốc đã chứng minh rằng, hoạt động hiệu quả của hệ thống dịch vụ tài trợ xã hội đòi hỏi sự tham gia chung của Chính phủ, các tổ chức tài chính theo định hướng chính sách và các lực lượng xã hội. Cụ thể: KfW, KDB và CDB đều không đứng độc lập khi thực hiện nhiệm vụ phục vụ chương trình phát triển của đất nước, mà luôn kết hợp, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương. Ví dụ như trường hợp của CDB: CDB luôn ký những thỏa thuận hợp tác với các bộ, chính quyền địa phương để thiết lập một hệ thống tư vấn công việc, tận dụng lợi thế của mỗi bên và tích cực thực hiện hợp tác theo nguyên tắc "dựa trên dự án, dựa trên chính sách và dựa trên trách nhiệm". Hai bên cùng tổ chức các hoạt động như nghiên cứu chung, đào tạo kinh doanh, xúc tiến dự án và trao đổi kinh nghiệm để tăng cường trao đổi nhân tài và thiết lập cơ chế phối hợp công việc, tăng cường liên lạc và hợp tác chặt chẽ, chia sẻ thông tin chính sách và dự án, đồng thời giải quyết kịp thời các vấn đề, cũng như những khó khăn trong tài trợ và xây dựng dự án. Các bộ, sở, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên phân loại danh sách các doanh nghiệp, dự án đáp ứng yêu cầu, tích cực giới thiệu chúng đến các chi nhánh của CDB, đồng thời tạo thuận lợi và hỗ trợ cho việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính và các dự án lớn của CDB. Trên cơ sở tuân thủ luật pháp và các quy định cũng như rủi ro có thể kiểm soát được, CDB độc lập cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án và doanh nghiệp đủ điều kiện theo nguyên tắc thị trường hóa.
2.5. Kinh doanh toàn diện
Cả ba ngân hàng đã trở thành một nền tảng tài chính phát triển quan trọng dựa trên hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ và toàn diện, thúc đẩy tín dụng bên ngoài, hỗ trợ và hợp tác tài chính, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. KfW, KDB và CDB đã thực hiện việc tách biệt tài chính chính sách và tài chính thương mại thông qua việc thành lập công ty con. Thông qua các công ty con thuộc sở hữu toàn phần, họ tương ứng tham gia vào kinh doanh chính sách và kinh doanh thương mại khác nhau. Cụ thể:
KfW có 6 công ty con, hoạt động chính của nhóm các công ty con là: (i) KfW IPEX-Bank, cung cấp tài chính xuất khẩu và dự án; (ii) DEG, xúc tiến khu vực tư nhân ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
CDB có các công ty con: Công ty Trách nhiệm hữu hạn CDB Capital chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và quản lý tài sản; Công ty TNHH chứng khoán CDB kinh doanh 7 lĩnh vực: Tài trợ nợ, tài trợ vốn cổ phần, đầu tư tự doanh, quản lý tài sản, giao dịch ký quỹ, môi giới và hợp tác quốc tế; Công ty TNHH cho thuê tài chính CDB; Công ty TNHH Quỹ phát triển Trung Quốc - Châu Phi; Công ty TNHH quỹ cơ sở hạ tầng CDB...
KDB có 7 công ty con: Công ty TNHH KDB châu Á; Thung lũng Silicon KDB; Ngân hàng KDB Châu Âu; Ngân hàng KDB Uzbekistan; Ngân hàng KDB Indonesia; Công ty hoạt động được chỉ định KDB Iceland (DAC); Ngân hàng KDB Brazil.
2.6. Trung lập về cạnh tranh
Để tránh cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại, KfW, CDB và KDB thường không trực tiếp cho các khách hàng vay mà dựa vào mạng lưới của các ngân hàng thương mại để đánh giá rủi ro, phân bổ các khoản vay và giám sát việc trả nợ. Cụ thể:
Tại Đức, KfW không trực tiếp tham gia tài trợ dự án mà thực hiện mô hình hợp tác cho vay lại với các ngân hàng thương mại. Ngoại trừ các dự án đặc thù, tài trợ doanh nghiệp đặc biệt, dự án năng lượng quy mô lớn và các chiến lược cho vay lại không phù hợp khác, KfW cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại để các ngân hàng này cho vay tái cấp vốn cho khách hàng. Phương thức hoạt động cụ thể như sau: Khách hàng lựa chọn ngân hàng đại lý của ngân hàng thương mại do KfW hợp tác, nộp hồ sơ vay vốn cho ngân hàng theo các điều kiện hồ sơ do KfW công bố; cơ quan trung gian nộp hồ sơ cho KfW sau khi xét duyệt theo các điều kiện và KfW tiến hành xem xét lần thứ hai; sau khi phê duyệt, KfW cung cấp các khoản tái cấp vốn có mục tiêu cho ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi và ngân hàng ký hợp đồng với khách hàng để phát hành khoản vay. Thông qua chiến lược cho vay lại này, các tổ chức trung gian thu được chênh lệch cho vay lại và phí quản lý, đồng thời chịu rủi ro tín dụng nhất định cho khách hàng. Ngoài ra, KfW cũng trả phí cho quỹ rủi ro đặc biệt và có thể nhận tiền bồi thường thiệt hại khi công ty vỡ nợ. Nhờ đó, KfW có thể sử dụng lợi thế của các ngân hàng thương mại để có được số lượng khách hàng lớn, giảm rủi ro tín dụng dự án và hình thành quan hệ đối tác bổ sung với các ngân hàng thương mại.2
Tương tự, CDB chỉ cho vay trực tiếp cho một số công ty, tập đoàn lớn thuộc nhà nước và các chương trình cho vay lại không phù hợp, còn lại thực hiện cho vay lại thông qua ngân hàng thương mại, ngân hàng địa phương với cách thức tương tự như KfW đã làm.
KDB cũng áp dụng chương trình cho vay lại để tăng cường tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng độ tin cậy tài chính yếu. Các khoản vay được thực hiện tại bất kỳ chi nhánh của tổ chức tài chính trung gian của KDB theo các thủ tục cho vay lại đã được thỏa thuận trước với KDB.
Mô hình cho vay lại với thiết kế hợp lý và đủ ưu đãi là nền tảng để KfW, CDB, KDB và các ngân hàng thương mại hình thành lợi thế bổ sung và hợp tác đôi bên cùng có lợi, cho phép các ngân hàng bán buôn phát hành các khoản vay bán lẻ cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các ngân hàng cho vay lại và giúp KfW, CDB, KDB tránh cạnh tranh với các ngân hàng thương mại.
2.7. Quy trình tín dụng chặt chẽ
Năm 1999, CDB đã đưa ra cơ chế tường lửa và thành lập Ủy ban độc lập vào năm 2002 với quy trình xét duyệt khoản vay chặt chẽ nhằm hạn chế các rủi ro. Khuôn khổ của tường lửa bao gồm ba bộ phận mới: Bộ phận phân tích thị trường và ngành, bộ phận phân tích tài chính, bộ phận đánh giá và xem xét; Ủy ban độc lập gồm các chuyên gia nội bộ, luật sư bên ngoài, kế toán và nhà kinh tế. Trước tiên, chi nhánh sẽ đệ trình kế hoạch dự án tới trụ sở chính ở Bắc Kinh, sau đó ba bộ phận nói trên sẽ lần lượt xem xét dự án về các khía cạnh là tương lai thị trường, khả năng trả nợ và tính tuân thủ. Tiếp theo bộ phận đánh giá và xem xét sẽ báo cáo tất cả thông tin cho Ủy ban đánh giá độc lập để bỏ phiếu đưa ra quyết định. Khi bộ phận đánh giá và xem xét báo cáo cho Ủy ban độc lập, bên vay sẽ thực hiện một buổi công bố thông tin thông qua các phương tiện điện tử, bằng cách này các thành viên Ủy ban độc lập nhận được nhiều thông tin hơn từ người vay nhưng không xuất hiện trước mặt người vay, một dự án sẽ bị từ chối nếu có ít nhất 30% ủy viên có ý kiến phản đối. Sau bước này, các dự án được phê duyệt được trình lên ủy ban tại trụ sở chính và cuối cùng là chủ tịch ngân hàng. Theo cách này, chủ tịch không thể phê duyệt một dự án ngay từ đầu, và chỉ có quyền phủ quyết khi kết thúc.3
2.8. Có kiến thức sâu rộng và sử dụng đội ngũ chuyên gia về các lĩnh vực
KfW, KDB và CDB đều có nhiều chuyên gia giỏi trong và bên ngoài. Hơn nữa, các ngân hàng này rất am hiểu môi trường hoạt động.
KfW tuyển dụng các chuyên gia có kiến thức về lĩnh vực trong nông nghiệp, năng lượng, giao thông, nước, tài nguyên thiên nhiên và kỹ thuật dân dụng. Điều này cho phép KfW đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên một loạt các tiêu chí từ nội bộ nhân viên thay vì dựa vào thị trường nói chung hoặc các tác nhân bên ngoài, chẳng hạn như các công ty tư vấn”.4
CDB luôn duy trì một số chuyên gia bao gồm cả trong và ngoài nước để tìm ra lỗi và tư vấn cho CDB.5
KDB sở hữu các chuyên gia lành nghề trong thực tế mọi lĩnh vực tài chính cũng như các kinh nghiệm phong phú bắt nguồn từ các hoạt động nghiên cứu và hoạt động kinh doanh sâu, rộng của ngân hàng.
Sự hiểu biết sâu sắc hơn về các lĩnh vực và thị trường liên quan giúp KfW, KDB và CDB xác định các điểm không hoàn hảo của thị trường, từ đó dự đoán hậu quả của các chương trình và can thiệp tương ứng. Ngoài ra, có thể tương tác tốt hơn với các nhà hoạch định chính sách trong suốt chu kỳ chính sách để thực hiện các chính sách phát triển hiệu quả hơn.
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Kinh nghiệm của KfW, CDB và KDB là những ví dụ quan trọng về cách một ngân hàng phát triển quốc gia có thể phục vụ thành công lợi ích công cộng, đồng thời duy trì kết nối với khu vực tư nhân. Về vấn đề này, mô hình của KfW, CDB và KDB cung cấp những bài học quan trọng về cách các ngân hàng phát triển quốc gia có thể hoạt động. Theo đó, một số bài học kinh nghiệm rút ra là:
Một là, sự bảo vệ của pháp luật là nền tảng cho sự tồn tại của các tổ chức tài chính dựa trên chính sách là điều kiện cần thiết để tổ chức này hoạt động lành mạnh. Các ngân hàng phát triển nước ngoài được xây dựng, hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật, sửa đổi pháp luật theo tình hình cần thiết và kịp thời theo yêu cầu thị trường. Các nước đều ban hành luật ngân hàng phát triển với nội dung trước hết tập trung vào các chức năng, phạm vi kinh doanh cơ bản của ngân hàng phát triển. Trên cơ sở này, họ đưa ra các quy định tương ứng về phương thức huy động vốn, cơ cấu tổ chức nội bộ và các yêu cầu quản lý, qua đó đảm bảo ngân hàng phát triển có các thuộc tính, chức năng, nghiệp vụ và tính nghiêm túc và ổn định của hoạt động giám sát. Việt Nam không chỉ phải xây dựng luật ngân hàng phát triển càng sớm càng tốt mà còn phải học hỏi mô hình và nội dung của luật ngân hàng phát triển nước ngoài.
Hai là, tín dụng và hỗ trợ tài chính quốc gia là cơ sở cho sự tồn tại, phát triển của các ngân hàng nói chung và ngân hàng phát triển nói riêng. Mục tiêu kinh doanh của ngân hàng phát triển xác định rằng nó phải dựa vào nguồn tín dụng và hỗ trợ chính sách của đất nước để mở ra các kênh tài chính mới cho mình. Tín dụng quốc gia là nền tảng; ý nghĩa của tín dụng quốc gia là Chính phủ cung cấp bảo lãnh để củng cố tín dụng của ngân hàng phát triển, tạo thuận tiện cho việc huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu và giảm chi phí tài chính. Chúng ta nên học hỏi từ cách làm của các ngân hàng phát triển nước ngoài, ngoài việc bơm tài chính trực tiếp, cũng nên mở rộng nguồn vốn thông qua vay tài chính, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để cung cấp một số khoản vay dài hạn không lãi suất hoặc lãi suất thấp, phân bổ tối đa các nguồn vốn ưu đãi ODA thực hiện thông qua ngân hàng phát triển, điều này cần phải được quy định trong luật.
Ba là, mối liên kết chặt chẽ giữa Chính phủ và tổ chức tài chính phát triển giúp ngân hàng phát triển tại các quốc gia này giữ vững vị thế là tổ chức bán công, làm cầu nối giữa khu vực công và khu vực tư nhân, giúp cho các tổ chức tài chính phát triển sự linh hoạt đáng kể hơn so với các tổ chức chức khác. Thay vì đóng vai trò là cơ quan tài chính của Chính phủ một cách thụ động, các tổ chức tài chính phát triển tích cực tham gia vào việc tác động đến kết quả của chính sách ở mỗi giai đoạn nhất định. Đây là kinh nghiệm có thể học hỏi áp dụng cho mô hình hoạt động mới của ngân hàng phát triển.
Bốn là, triển khai thực hiện hoạt động nhằm hoàn thành sứ mệnh và tự chủ phát triển bền vững thông qua phương thức kết hợp, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương là một kinh nghiệm hiệu quả đã được kiểm chứng từ sự thành công của KfW, CDB. Ở nước ta, có trường hợp của Ngân hàng Chính sách xã hội. Do vậy, trong mô hình hoạt động tương lai, Việt Nam cần áp dụng kinh nghiệm này cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển.
Năm là, chiến lược cho vay lại cho phép các ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại hợp tác, chia sẻ rủi ro kinh doanh và thúc đẩy các tổ chức tài chính thương mại cung cấp các dịch vụ tài chính chính sách. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm “mô hình cho vay lại” của các ngân hàng phát triển nước ngoài áp dụng cho Ngân hàng Phát triển.
Sáu là, thông qua sự kết hợp giữa tài chính chính sách và tài chính thương mại, các định chế tài chính phát triển không chỉ triển khai và thực hiện hiệu quả định hướng chiến lược và các yêu cầu chính sách của Chính phủ mà còn tính đến lợi ích kinh tế và thực hiện hoạt động bền vững. Các hoạt động của các ngân hàng phát triển nước ngoài được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, phân tách rõ ràng các hoạt động kinh doanh chính sách và kinh doanh thương mại thông qua việc thành lập các công ty con. Do vậy, Việt Nam có thể học hỏi từ triết lý kinh doanh này.
Bảy là, kinh nghiệm của các tổ chức tài chính phát triển quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, KfW, KDB, CDB giúp mang lại nhiều bài học cho sự phát triển của Ngân hàng Phát triển. Để định hướng tốt hơn cho hoạt động của Ngân hàng Phát triển trong tương lai, Việt Nam cần tổng kết các nguyên tắc của tài chính phát triển và trả lời các câu hỏi cơ bản về bản chất, đặc điểm, nhiệm vụ, mục tiêu của tài chính phát triển, điều chỉnh phù hợp với đặc điểm điều kiện quốc gia, cố gắng nắm bắt quy luật tài chính phát triển, đúc kết các nền tài chính tiên tiến quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm về thiết lập cơ sở pháp lý và sự liên kết chặt chẽ với Chính phủ trước, trong và sau quá trình hoạch định chính sách kinh tế tài chính quốc gia.
1 Ulf Moslener, Matthias Thiemann, and Peter Volberding (2017). National development banks as active financiers: The case of KfW for Policy Dialogue BNDES, Governo federal Brasil and Development bank of Latin American
2 Ulf Moslener, Matthias Thiemann, and Peter Volberding (2017). National development banks as active financiers: The case of KfW for Policy Dialogue BNDES, Governo federal Brasil and Development bank of Latin American
3 Xu Qiyuan (2017). CDB: Born Bankrupt, Born Shaper. Initiative for Policy Dialogue BNDES, Governo federal Brasil and Development bank of Latin American
4 Ulf Moslener, Matthias Thiemann, and Peter Volberding (2017). National development banks as active financiers: The case of KfW for Policy Dialogue BNDES, Governo federal Brasil and Development bank of Latin American
5 Chen Yuan (2004). Trung Quốc cũng có thể xây dựng một ngân hàng đẳng cấp thế giới. Tuần báo Kinh tế Trung Quốc. Truy cập ngày 20/01/2021, http://finance.sina.com.cn/g/20041220/11571236918.shtml
Tài liệu tham khảo:
1. Các biện pháp giám sát và quản lý của Ngân hàng Phát triển Quốc gia, http://www.gov.cn/gongbao/content/2018/content_5260809.htm.
2. Điều lệ CDB. https://vpr.hkma.gov.hk/statics/assets/doc/100296/ma01_chi.pdf
3. Đạo luật KDB, https://www.kdb.co.kr/wcmscontents/pdf/The_KDB_Act_2020.pdf
4. Luật liên quan đến KfW, Quy định KfW và Điều lệ của KfW, https://www.kfw.de/About-KfW/Service/Download-Center/Konzernthemen/Rolle-und-Aufgaben-der-KfW-Bankengruppe/
5. Ulf Moslener, Matthias Thiemann, and Peter Volberding (2017). National development banks as active financiers: The case of KfW for Policy Dialogue BNDES, Governo federal Brasil and Development bank of Latin American.
6. Xu Qiyuan (2017). CDB: Born Bankrupt, Born Shaper. Initiative for Policy Dialogue BNDES, Governo federal Brasil and Development bank of Latin American.
7. Chen Yuan (2004). Trung Quốc cũng có thể xây dựng một ngân hàng đẳng cấp thế giới. Tuần báo kinh tế Trung Quốc. Truy cập ngày 20/01/2021, http://finance.sina.com.cn/g/20041220/11571236918.shtml
8. Báo cáo thường niên các năm của KfW, https://www-kfw-de.translate.goog/%C3%9Cber-die-KfW/Service/Download-Center/Finanzpublikationen/Gesch%C3%A4ftsbericht/?_x_tr_sl=de&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc3
9. Báo cáo thường niên các năm của KDB, https://www.kdb.co.kr/index.jsp
10. Báo cáo thường niên các năm của CDB, https://www.cdb.com.cn/gykh/ndbg_jx/
Đặng Thị Hương Thảo
Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Hà Nam Ninh