Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro. Để khẳng định vai trò đó, ngoài những yêu cầu về tính khách quan, độc lập của tổ chức, cá nhân và các yêu cầu về năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, một trong những yếu tố quan trọng là đơn vị có chức năng kiểm toán nội bộ phải xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ làm công cụ đánh giá mức độ tuân thủ của bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ đối với các chuẩn mực kiểm toán, việc áp dụng nghiêm các quy tắc đạo đức, từ đó đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả của bộ phận kiểm toán nội bộ và xác định các cơ hội cải thiện và nâng cao mức độ tuân thủ của bộ phận kiểm toán nội bộ. Với vai trò là lớp kiểm soát thứ ba trong mô hình 3 vòng kiểm soát theo chuẩn mực chung về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ cần tự đánh giá nội bộ cũng như được đánh giá độc lập để đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ.
Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi nghiên cứu, xem xét, đề cập đến một số các quy định của Chuẩn mực thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ của Viện Kiểm toán viên nội bộ quốc tế thuộc Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) về Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán; kinh nghiệm của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước, thực tiễn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán tại NHNN nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán nội bộ NHNN.
1. Chuẩn mực quốc tế về thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ năm 2017 của Viện Kiểm toán viên nội bộ quốc tế IIA
Chuẩn mực số 1300 đến 1312 của Chuẩn mực quốc tế về thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ IIA năm 2017 (Chuẩn mực) quy định Trưởng Kiểm toán nội bộ phải xây dựng và duy trì một Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng bao phủ tất cả các khía cạnh của bộ phận kiểm toán nội bộ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán cần được thiết kế để đánh giá các khía cạnh sau:
(1) Sự phù hợp về định nghĩa kiểm toán nội bộ, Chuẩn mực đạo đức và Chuẩn mực quốc tế về thực hành kiểm toán nội bộ.
(2) Sự đầy đủ của điều lệ kiểm toán, mục tiêu, chính sách và quy trình.
(3) Sự đóng góp của Kiểm toán nội bộ vào quản trị tổ chức, quản lí và kiểm soát rủi ro.
(4) Mức độ bao phủ của phạm vi kiểm toán tổng thể.
(5) Mức độ tuân thủ với luật, quy định, chuẩn mực.
(6) Rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán nội bộ.
(7) Hiệu quả của việc tiếp tục nâng cao chất lượng và ứng dụng thông lệ tốt nhất trong thực hiện kiểm toán.
(8) Cách thức kiểm toán nội bộ làm gia tăng giá trị, tăng cường hiệu quả hoạt động và đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu của tổ chức.
Để đạt được mức độ bao phủ tất cả các hoạt động của kiểm toán nội bộ, Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán cần ứng dụng hiệu quả tại cả 3 cấp độ (khía cạnh):
- Triển khai kiểm toán: Có quy trình kiểm toán để triển khai hiệu quả kế hoạch kiểm toán; kế hoạch, thực hiện, báo cáo thực hiện theo chuẩn mực; cơ chế để theo dõi thực hiện kiến nghị phù hợp…
- Hoạt động của kiểm toán nội bộ: Ban hành chính sách quản lí và chuyên môn, kết quả kiểm toán đạt được mục tiêu đề ra.
- Yếu tố bên ngoài: Trưởng Kiểm toán nội bộ đảm bảo hoạt động của kiểm toán nội bộ cần được đánh giá ít nhất 05 năm một lần bởi các chuyên gia độc lập có trình độ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng phải bao gồm đánh giá nội bộ và đánh giá độc lập:
Đánh giá nội bộ
Đánh giá nội bộ phải bao gồm:
- Giám sát thường xuyên hoạt động của bộ phận kiểm toán nội bộ.
Giám sát thường xuyên là một phần không tách rời của hoạt động giám sát, soát, xét và đánh giá hằng ngày của bộ phận kiểm toán nội bộ. Hoạt động giám sát thường xuyên được quy định trong các chính sách và hướng dẫn quản lí bộ phận kiểm toán nội bộ, sử dụng các quy trình, công cụ, thông tin cần thiết để đánh giá mức độ tuân thủ quy tắc đạo đức và Chuẩn mực.
- Định kì thực hiện tự đánh giá hoặc do phòng, ban khác trong cùng tổ chức có kiến thức đầy đủ về chuyên môn kiểm toán nội bộ thực hiện.
Đánh giá định kì được thực hiện để đánh giá việc tuân thủ quy tắc đạo đức và Chuẩn mực.
Dù có trọng tâm khác nhau nhưng đánh giá định kì có liên quan đến giám sát thường xuyên, trong đó tập trung vào: Sự tuân thủ điều lệ kiểm toán nội bộ, quy tắc đạo đức và các chuẩn mực, chất lượng giám sát, việc đạt các chỉ tiêu/chỉ số hoạt động…
Mục tiêu chính của đánh giá định kì là xác định chất lượng của giám sát thường xuyên và các cơ hội để cải thiện quy trình và thủ tục kiểm toán.
Đánh giá độc lập
Đánh giá độc lập phải được một chuyên gia hoặc một nhóm chuyên gia độc lập có chuyên môn từ bên ngoài tổ chức thực hiện ít nhất 05 năm một lần.
Chuyên gia đánh giá độc lập phải kết luận về việc tuân thủ quy tắc đạo đức và Chuẩn mực. Đánh giá độc lập cũng có thể bao gồm các nhận xét về hoạt động hoặc chiến lược.
Đồng thời, Chuẩn mực cũng quy định việc Trưởng Kiểm toán nội bộ báo cáo kết quả của Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ với lãnh đạo cấp cao (về tần suất thực hiện đánh giá nội bộ và độc lập, trình độ chuyên gia đánh giá độc lập, khuyến nghị của chuyên gia và kế hoạch hoàn thiện Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán). Ngoài ra, Chuẩn mực cũng quy định việc bộ phận kiểm toán nội bộ tuyên bố tuân thủ Chuẩn mực quốc tế về thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ là phù hợp chỉ khi kết luận đó được hỗ trợ bởi kết quả của Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng cho thấy vai trò của việc xây dựng và triển khai Chương trình nâng cao chất lượng kiểm toán.
2. Kinh nghiệm NHTW các nước về xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán
NHTW là một thực thể đặc biệt có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là trung tâm của hệ thống tiền tệ và tài chính mỗi quốc gia. Với vai trò, vị trí của mình, NHTW được kì vọng là tổ chức có được sự hoàn thiện, hiệu quả nhất trong việc tổ chức và hoạt động kiểm toán nội bộ trong lĩnh vực công, trong đó bao gồm cả nội dung về Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán. Qua nghiên cứu, tham khảo học tập kinh nghiệm của NHTW các nước (thông qua các khóa học và là thành viên của Mạng lưới các nhà lãnh đạo kiểm toán nội bộ NHTW các nước Đông Nam Á) cho thấy, kiểm toán nội bộ NHTW các nước đã xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán như một cam kết mạnh mẽ với lãnh đạo cấp cao và các đơn vị nội bộ cũng như các đối tượng bên ngoài về tính hiệu quả, chất lượng và chuyên nghiệp của kiểm toán nội bộ, giúp tăng cường vai trò và vị thế của mình trong mô hình quản trị NHTW, góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHTW.
2.1. NHTW Hàn Quốc
NHTW Hàn Quốc coi trọng việc đảm bảo, duy trì chất lượng kiểm toán và xây dựng Chương trình đánh giá chất lượng kiểm toán nhằm giúp:
- Nâng cao giá trị của Vụ Kiểm toán nội bộ đối với NHTW (NHTW cần biết giá trị thật của kiểm toán nội bộ).
- Kiểm toán nội bộ thực hiện trách nhiệm với sự hiệu quả, chuyên nghiệp.
Theo đó, NHTW Hàn Quốc xây dựng rất nhiều cơ chế để đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán, bao gồm: Thực hiện kiểm toán trên cơ sở rủi ro, báo cáo kiểm toán được thẩm định bởi bộ phận thẩm định trước khi ban hành chính thức; hằng năm thực hiện các cuộc khảo sát trong nội bộ NHTW để đánh giá chất lượng của Kiểm toán nội bộ; theo dõi số lượng và việc thực hiện kiến nghị như là một thước đo đảm bảo chất lượng kiểm toán.
2.2. NHTW Malaysia
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán được xây dựng và thực hiện hiệu quả nhằm đảm bảo việc tuân thủ Chuẩn mực:
(1) Giám sát thường xuyên.
(2) Đánh giá định kì được thực hiện trong quy trình kiểm toán bởi kiểm toán nội bộ, bao gồm phối hợp với Vụ Quản lý rủi ro trong đánh giá rủi ro mới/mới nổi để xây dựng kế hoạch kiểm toán, tập trung vào những vấn đề rủi ro cao, theo dõi vấn đề kiểm toán qua phần mềm tự động, theo dõi việc thực hiện kiến nghị thông qua hệ thống tự động, thực hiện đánh giá độc lập để nâng cao nhận thức về văn hóa rủi ro; xây dựng đội ngũ làm công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; nghiên cứu và ứng dụng các phương thức, thông lệ kiểm toán tốt nhất từ các tổ chức hàng đầu.
(3) Đánh giá độc lập: 05 năm một lần, dựa trên sự tương thích với hai mô hình năng lực về kiểm toán nội bộ:
- Mô hình đánh giá mức độ trưởng thành của kiểm toán nội bộ: Cung cấp các mức độ hoàn thiện và các thông lệ tốt nhất để đạt được các chuẩn mực về kiểm toán. Mô hình bao gồm 05 cấp độ, trong đó mỗi cấp độ mô tả khả năng hoạt động của kiểm toán nội bộ.
- Mô hình năng lực kiểm toán nội bộ: Giúp xác định năng lực của kiểm toán nội bộ tối ưu để thúc đẩy cải tiến liên tục, đánh giá 06 yếu tố quan trọng về tính hiệu quả của kiểm toán nội bộ.
Ngoài ra, NHTW Malaysia cũng tận dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm giám sát liên tục quá trình thực hiện kiểm toán và cung cấp kịp thời thông tin chuyên sâu cho các bên liên quan, gồm:
- Cập nhật Phần mềm quản lí kiểm toán (phiên bản web TeamMate+).
- Xây dựng và hoàn thiện Bảng theo dõi kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm theo dõi tiến độ cuộc kiểm toán và hiệu quả của kiểm toán viên. Hỗ trợ theo dõi trạng thái của các cuộc kiểm toán đã thực hiện và theo dõi KPI (kết quả, số ngày làm việc để hoàn thành các cuộc kiểm toán). Tự động hóa việc tính toán ngày công và công việc để báo cáo cho Ủy ban Kiểm toán và Hội đồng quản trị.
2.3. NHTW Philippines
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán của NHTW Philippines (được phê chuẩn vào tháng 7/2021) theo chuẩn mực số 1300 của IIA nhằm đảm bảo chất lượng cho tất cả các khía cạnh của hoạt động kiểm toán nội bộ nằm trong chiến lược xây dựng các chỉ số đo lường và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm toán:
- Giám sát thường xuyên: Được thực hiện đối với từng cuộc kiểm toán, sử dụng công cụ và mẫu sẵn có, thực hiện bởi Nhóm kiểm soát chất lượng kiểm toán của Vụ Kiểm toán nội bộ.
- Đánh giá định kì hằng năm: Thực hiện hằng năm, thực hiện bởi kiểm toán nội bộ hoặc các đơn vị trong ngân hàng.
- Đánh giá độc lập bên ngoài: Thực hiện 05 năm một lần và bởi những đơn vị được chứng nhận.
Có thể thấy, NHTW các nước đều rất coi trọng việc xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ theo chuẩn mực IIA như một cam kết có tính pháp lí rõ ràng về việc thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ nhằm đảm bảo tính khách quan, độc lập, chuyên nghiệp trong điều hành, hoạt động.
3. Thực trạng về công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ của NHNN
Công tác kiểm toán nội bộ NHNN hiện đang được triển khai theo quy định tại Chương VI Luật NHNN năm 2010 và Thông tư số 06/2020/TT-NHNN ngày 30/6/2020 của Thống đốc NHNN quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ NHNN. Trong đó, tại Điều 31 của Thông tư số 06/2020/TT-NHNN quy định về đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ, cụ thể: “1. Hoạt động kiểm toán nội bộ, cuộc kiểm toán nội bộ của NHNN phải được giám sát, đánh giá nội bộ để đảm bảo yêu cầu, chất lượng kiểm toán. 2. Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ quy định, hướng dẫn và tổ chức đánh giá, kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ NHNN phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao” cho thấy, NHNN luôn coi trọng công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ NHNN theo chuẩn mực IIA. Theo đó, NHNN đã ban hành đầy đủ các quy định để đảm bảo nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ: (i) Quy trình Kiểm toán nội bộ của NHNN; (ii) Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nội bộ NHNN; (iii) Quy chế thẩm định, phê duyệt và ban hành báo cáo kiểm toán của NHNN; (iv) Mẫu báo cáo kiểm toán và các quy trình hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể để triển khai hiệu quả công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ của NHNN. Việc đảm bảo chất lượng kiểm toán được triển khai toàn diện trong các mặt hoạt động của Vụ Kiểm toán nội bộ trong hoạt động của NHNN nói chung và tổ chức kế hoạch kiểm toán nói riêng.
- Đối với kiểm soát thường xuyên: Trên thực tế, việc kiểm soát chất lượng kiểm toán đang được Kiểm toán nội bộ NHNN thực hiện thường xuyên thông qua việc ban hành đầy đủ và thường xuyên rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy định, quy trình, quy chế, thủ tục kiểm toán theo quy định, thông lệ và chuẩn mực mới; thực hiện nghiêm túc quy định về thẩm định và ban hành báo cáo bởi bộ phận thẩm định và kiểm soát chất lượng kiểm toán thuộc Vụ Kiểm toán nội bộ, trong đó việc giám sát chất lượng được thực hiện định kì, thường xuyên đảm bảo việc kiểm toán tuân thủ đầy đủ quy trình kiểm toán, quy chế đoàn kiểm toán, kế hoạch và mục tiêu của từng cuộc kiểm toán. Hoạt động của các đoàn kiểm toán, báo cáo kiểm toán, kết quả và hiệu quả của người làm công tác kiểm toán được theo dõi, thẩm định trực tuyến qua phần mềm kiểm toán TeamMate và dự thảo báo cáo kiểm toán. Ngoài ra, hiện nay, để tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán, Vụ Kiểm toán nội bộ cũng đang tích cực nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ phương thức kiểm toán trên cơ sở rủi ro, là một nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ NHNN.
- Đối với đánh giá độc lập: Mặc dù hiện nay, việc đánh giá độc lập chưa được quy định cụ thể trong văn bản pháp quy về Kiểm toán nội bộ NHNN, tuy nhiên, Vụ Kiểm toán nội bộ cũng thường xuyên tham mưu cho Thống đốc NHNN, đề xuất hỗ trợ kĩ thuật về kiểm toán nội bộ từ các chuyên gia về kiểm toán nội bộ của các tổ chức tài chính quốc tế để rà soát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn mực của Kiểm toán nội bộ NHNN và tiếp nhận khuyến nghị, tư vấn Kiểm toán nội bộ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lí về kiểm toán nội bộ nói chung và Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng nói riêng.
Như vậy, có thể thấy, việc ban hành đầy đủ các quy định pháp lí về Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế và nghiêm túc triển khai các quy định trong thực tiễn thời gian qua đã góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng công tác kiểm toán nội bộ NHNN. Hiệu quả của hoạt động kiểm toán nội bộ NHNN trong những năm qua đã góp phần đảm bảo hoạt động của NHNN an toàn, hiệu quả, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHNN.
4. Một số khuyến nghị
Để đảm bảo tuân thủ và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế về kiểm toán nội bộ nhằm phát huy đầy đủ vai trò và nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ, đáp ứng kì vọng của lãnh đạo cấp cao, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện một số nội dung sau đây:
Một là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình quản trị rủi ro của NHNN theo mô hình 3 tuyến phòng thủ nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ trong việc nhận diện, đánh giá, đo lường và quản lí, kiểm soát rủi ro trong mọi hoạt động, làm cơ sở cho Kiểm toán nội bộ thực hiện chuyển đổi phương pháp kiểm toán nội bộ trên cơ sở rủi ro.
Hai là, nghiên cứu xây dựng mô hình phù hợp, bảo đảm tăng cường tính độc lập, khách quan của bộ phận Kiểm toán nội bộ, đồng thời thực hiện rà soát, nghiên cứu ban hành quy chế về kiểm soát chất lượng kiểm toán nội bộ, trong đó quy định đầy đủ hơn trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong kiểm soát chất lượng, hoàn thiện hơn cách thức kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng như nghiên cứu, tham mưu bổ sung quy định về đánh giá độc lập đảm bảo phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế đã được thừa nhận và áp dụng.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh quá trình nghiên cứu chuyển đổi phương pháp kiểm toán trên cơ sở rủi ro nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kiểm toán nội bộ, đảm bảo nâng cao vai trò, vị thế của kiểm toán nội bộ cũng như góp phần cải thiện quy trình quản lí rủi ro trong hoạt động của NHNN đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.
Bốn là, tiếp tục xây dựng chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác kiểm toán nội bộ NHNN, đặc biệt là chuẩn hóa đội ngũ làm công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán góp phần nâng cao năng lực, việc tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực kiểm toán nội bộ.
Việc tiếp cận và áp dụng các chuẩn mực quốc tế về kiểm toán nội bộ, bao gồm cả Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán là đòi hỏi khách quan trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng của nền kinh tế Việt Nam cũng như lĩnh vực tài chính - ngân hàng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây cũng là chìa khóa để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trong hoạt động của kiểm toán nội bộ NHNN trong giai đoạn tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
1. Chuẩn mực thực hành chuyên môn kiểm toán nội bộ - IPPF standards của Viện Kiểm toán viên nội bộ quốc tế - IIA 2017.
2. Quality assurance and improvement program -
IIA 2012.
3. Sổ tay đảm bảo chất lượng cho Kiểm toán nội bộ - Quality assurance manual IIA 2013.
4. Tài liệu khóa học kiểm toán nội bộ tại NHTW Hàn Quốc 2018.
5. Tài liệu Hội nghị các nhà lãnh đạo Kiểm toán nội bộ NHTW các nước Đông Nam Á lần thứ 8 Campuchia năm 2023.
ThS. Lê Quốc Nghị (Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ, NHNN)