Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm. Bất ổn địa chính trị gia tăng, lạm phát giảm chậm buộc hầu hết các nước vẫn tiếp tục thực hiện thắt chặt tiền tệ. Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn do những diễn biến phức tạp sau thời kì dịch Covid-19, bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi và tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.
1. Kinh tế thế giới năm 2023 phục hồi yếu
Năm 2023 là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới khi phải đối mặt với một loạt thách thức: Tàn dư của dịch Covid-19 vẫn tồn tại, sụt giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ xấu gia tăng, kim ngạch thương mại - đầu tư ảm đạm, cùng những hệ lụy không mong muốn của bất ổn địa chính trị (cuộc chiến Nga - Ukraine leo thang; xung đột Israel - Hamas tiếp tục căng thẳng, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2023 nổi lên cuộc khủng hoảng toàn diện tại Dải Gaza liên quan tới xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine); bên cạnh đó là các thách thức về an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… Những “cơn gió nghịch” này đã đẩy kinh tế thế giới năm 2023 rơi vào một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007 - 2008.
Kinh tế thế giới tiếp tục chật vật với cuộc chiến chống lạm phát do các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng và trải qua đợt tăng giá mạnh nhất từ khi nguồn nhập khẩu dầu khí từ Nga đứt gãy. Giá năng lượng tăng cao cộng với nguồn cung giảm đã đẩy lạm phát lõi tăng lên ở nhiều nước. Giá dầu đã tăng khoảng 25% do việc cắt giảm nguồn cung kéo dài từ thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+). Số vụ phá sản doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn đã tăng mạnh trong năm 2023: Tăng 30% (Mỹ), tăng 13% (Liên minh châu Âu - EU), thậm chí ở Bắc Âu vượt mức trước khủng hoảng 2008 - 2009.
Tăng trưởng chung của kinh tế thế giới năm 2023 đạt khoảng 2,9% so với mức tăng 3,3 - 3,5% GDP của năm 2022; tăng trưởng thương mại thế giới giảm xuống 2,0%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4,9% của giai đoạn 2000 - 2019. Suy giảm thương mại phản ánh nhu cầu toàn cầu giảm, gia tăng cơ cấu dịch vụ trong nước và gia tăng các rào cản thương mại toàn cầu. Lạm phát toàn cầu giảm xuống còn 6,8%, khi lạm phát trung bình ở phần lớn các nền kinh tế trên thế giới giảm. Chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục tạo áp lực cho một số ngân hàng, cả trực tiếp (thông qua chi phí huy động vốn cao hơn) và gián tiếp (do rủi ro tín dụng ngày càng tăng). Lãi suất thực tăng ở hầu hết các nền kinh tế, ngoại trừ Nhật Bản, khuyến khích tiết kiệm, khiến đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.
Trong năm 2023, Mỹ là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới. Mặc dù những tháng đầu năm kinh tế Mỹ có thời điểm đứng bên bờ vực suy thoái khi sự sụp đổ của các siêu ngân hàng như Signature Bank (SB) hay Silicon Valley Bank (SVB) kéo theo một cuộc khủng hoảng ngành Ngân hàng làm choáng váng nền kinh tế. Cùng chính sách tăng lãi suất để triệt để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bóp nghẹt dòng tiền, tạo thêm thách thức cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Mỹ đã thể hiện sức mạnh cao hơn kỳ vọng. Không chỉ thoát khỏi vòng xoáy suy thoái, kinh tế Mỹ còn tăng trưởng ổn định. Chi tiêu tiêu dùng mạnh, đầu tư tăng trưởng ổn định, với sự hỗ trợ hiệu quả của thị trường việc làm vững chắc và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (3,9%).
Tổng sản phẩm trong nước của Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng 3,3% GDP (tháng 12/2023). Mức tăng cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 2% GDP dự báo trước đó. Trong quý III/2023, kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9%. Không chỉ khả quan về tăng trưởng GDP, Mỹ còn cho thấy xu hướng xuống thang của lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm tăng 2% (quý IV/2023), bằng mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra. Trong khi đó, PCE toàn phần năm 2023 chỉ tăng 2,7%, chưa bằng một nửa so với mức tăng 5,9% năm 2022. Năm 2023, kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của giới đầu tư và chuyên gia phân tích Phố Wall đưa ra đầu năm.
Động lực chính đưa kinh tế Mỹ tăng trưởng trong năm 2023 là người tiêu dùng trong nước tiếp tục chi tiêu mạnh mẽ. Tiêu dùng cá nhân của Mỹ tăng 2,8% (quý IV/2023) so với cùng kỳ năm 2022. Chi tiêu của chính quyền các bang và địa phương tăng 3,7% và chi tiêu của Chính phủ liên bang tăng 2,5%, cũng là những nguồn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP. Ngoài ra, một động lực tăng trưởng quan trọng khác là đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng 2,1%. Tiêu dùng duy trì vững và thị trường lao động thắt chặt đã thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong năm 2023 cho dù ngành sản xuất còn yếu và Fed tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát.
Trung Quốc là động lực của kinh tế thế giới trong năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt khoảng 5,4% GDP so với mức dự báo trước đó là 5% GDP nhờ duy trì sự ổn định kinh tế thông qua phối hợp chính sách kiểm soát dịch Covid-19 với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Trung Quốc đưa ra những gói kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ công bố phát hành 1.000 tỉ nhân dân tệ trái phiếu (137 tỉ USD) cho các chính quyền địa phương; ổn định giá tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu. Việc phát hành trái phiếu bổ sung đến 1.000 tỉ Nhân dân tệ sẽ khiến cho thâm hụt ngân sách của Trung Quốc tăng lên ngưỡng 3,8% GDP (năm 2023). Cổ phiếu Trung Quốc đã tăng 37% kể từ đầu tháng 11/2022 sau những tín hiệu nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại.
Kinh tế Trung Quốc hiện đang chịu sức ép từ nhiều vấn đề như thất nghiệp và thị trường bất động sản tăng trưởng thiếu ổn định. Thị trường bất động sản đang là một mảng tối trong bức tranh kinh tế Trung Quốc - lĩnh vực chiếm 1/4 nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chìm trong cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Khủng hoảng bất động sản là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc giữ cho tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng.
Chính phủ Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công, cắt giảm nhẹ lãi suất, bơm tiền khối lượng lớn… Tuy nhiên, theo Cơ quan thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của ngành sản xuất - thước đo sản xuất chủ chốt của các nhà máy ở mức 49,0 trong tháng 12/2023, dưới mốc 50 điểm (ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và thu hẹp), là mức tồi tệ nhất trong năm (thấp nhất kể từ tháng 12/2022). Hoạt động sản xuất tiếp tục giảm, rủi ro giảm phát gia tăng (chỉ số giá tiêu dùng CPI giảm 0,5%, thương mại hàng hóa bất ổn khi xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 0,5% nhưng nhập khẩu vẫn giảm 0,6%...; sản xuất công nghiệp tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng so với mức 4,6% (tháng 10/2023). Doanh số bán lẻ tăng 10,1%, tăng từ mức 7,6% phần lớn do nhu cầu về dịch vụ thực phẩm hơn là hàng hóa.
Các yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc bởi kinh tế Trung Quốc hiện đang đương đầu với rất nhiều thách thức, trong đó có thách thức từ bên ngoài và cả thách thức tại nội địa (tình trạng già hóa dân số, tỉ lệ sinh đẻ thấp). Số trẻ em sinh ra tại Trung Quốc giảm 10% xuống còn 9 triệu em năm 2023. Nhu cầu bên ngoài yếu vẫn là lực cản lớn đối với hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc, với chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới đạt 45,8 (tháng 12/2023), giảm tháng thứ 9 liên tiếp.
Trong khi đó, châu Âu đã mất đà tăng trưởng kinh tế năm 2023 do chi phí sinh hoạt cao, nhu cầu bên ngoài yếu và thắt chặt tiền tệ. Đây là một năm đặc biệt khó khăn đối với kinh tế châu Âu do hậu quả của hai cuộc khủng hoảng là dịch Covid-19 và năng lượng liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn còn hiện hữu khiến người dân châu Âu phải gồng mình chịu đựng. Trên toàn khối EU, tỉ lệ lạm phát là 6,5%, dự kiến sẽ giảm xuống 3,5% năm 2024 và 2,4% vào năm 2025. Tác động chính khiến lạm phát giảm là giá năng lượng giảm. Giá thực phẩm cũng đang giảm, dù tốc độ giảm vẫn còn chậm. Tình hình càng xấu đi khi cuộc xung đột Israel - Hamas nổ ra, nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung lại một lần nữa đè nặng người dân châu Âu. Các doanh nghiệp buộc phải tính toán lại bài toán kinh tế và người dân dường như cũng thắt chặt chi tiêu hơn. Chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân và đầu tư đã giảm sút bởi quy mô tăng lãi suất chưa từng có của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) năm 2023. Điều này khiến nhu cầu vay vốn của các công ty và hộ gia đình giảm sút và các điều kiện cho vay của ngân hàng bị thắt chặt mạnh.
GDP thực tế của EU giảm dần vào cuối năm 2023 và hầu như không tăng trưởng trong 3 quý đầu năm 2023. Lạm phát tuy vẫn ở mức cao nhưng đã giảm, trong khi chính sách tiền tệ thắt chặt đã gây thiệt hại nặng nề hơn dự kiến, cùng với các yếu tố bên ngoài tiêu cực. EU tiếp tục đối diện với áp lực lạm phát, do những yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng. Tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 0,6% ở EU. Các yếu tố làm lu mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế EU gồm giá các mặt hàng năng lượng cùng với lãi suất tăng cao hơn trong khi xuất khẩu giảm. Sự sụt giảm của các chỉ số khiến cho tăng trưởng kinh tế của EU đã giảm tốc. Cùng với đó là sự suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế EU. Trong số năm nền kinh tế lớn nhất của EU, gồm Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Hà Lan, chỉ có Hà Lan ghi nhận sự cải thiện của chỉ số niềm tin kinh tế của các doanh nghiệp với mức tăng 0,9 điểm trong năm 2023.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của châu Âu, một trong những số liệu quan trọng để đánh giá tình hình kinh tế, tiếp tục giảm xuống 46,5 điểm (tháng 10/2023) và chạm mức thấp nhất trong 3 năm (2000 - 2023). Tình hình kinh tế của châu Âu chưa bao giờ kém như hiện tại. Khi chỉ số PMI xuống dưới 50 thì các hoạt động kinh tế nói chung bắt đầu đình trệ. Sự đình trệ sẽ càng gia tăng khi chỉ số PMI càng giảm và ngược lại, hoạt động kinh tế sẽ khởi sắc khi PMI vượt quá ngưỡng 50. Kinh tế Đức và Italia kết thúc năm 2023 trong tình trạng suy thoái. Thụy Điển cũng chính thức gia nhập câu lạc bộ suy thoái của châu Âu (tháng 11/2023), sau Estonia, Hà Lan và Áo.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) liên tiếp trong quý III và quý IV/2023 tăng trưởng GDP giảm và có dấu hiệu xác định suy thoái kinh tế kỹ thuật. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng suy thoái kinh tế kỹ thuật là lạm phát và chi phí tín dụng cao đè nặng lên tiêu dùng hộ gia đình, trong khi đầu tư kinh doanh bị thu hẹp, đi kèm với đó là những khó khăn của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Với bài toán lạm phát chưa giải quyết triệt để, tình hình kinh tế khó khăn chung cũng như những căng thẳng địa chính trị, các hiện tượng thời tiết cực đoan hỏa hoạn, hạn hán và lũ lụt… ngày càng xảy ra thường xuyên và mạnh mẽ hơn đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự tăng trưởng kinh tế của châu Âu. Đây là những “yếu tố” khiến nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu liên tục gặp khó khăn trong năm 2023.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng khoảng 4% GDP. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và đầy biến động, Việt Nam cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực. Tăng trưởng của Việt Nam đạt 5% GDP - thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 6,5% GDP nhưng vẫn cao hơn gấp đôi mức tăng GDP trung bình toàn cầu và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2023.
2. Dự báo triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục giảm xuống 2,7% năm 2024. Đây là một trong những mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản chậm lại, dưới mức tiềm năng; kinh tế châu Âu nhiều khả năng sẽ rơi vào trì trệ. (Bảng 1)
Bảng 1: Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 và triển vọng
Nguồn: OECD, tháng 11/2023
Bốn nguyên nhân khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới bị kìm hãm: Một là, hiệu ứng sẹo (scarring effect) từ cú sốc nguồn cung vẫn chưa biến mất. Các tác động ngoại sinh khiến cho hoạt động kinh tế không thể phục hồi hoàn toàn về mức tăng trưởng cân bằng; Hai là, vấn đề già hóa dân số của các nền kinh tế chủ chốt (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…) đang trở nên nổi cộm. Lực lượng lao động giảm dẫn đến tốc độ tăng trưởng tiềm năng giảm; Ba là, hiệu ứng tích lũy (accumulative effect) gây nên từ việc các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu tiếp tục tăng lãi suất sẽ được thể hiện rõ nét hơn trong năm 2024. Việc thu hẹp tín dụng có thể tạo ra lực cản đáng kể đối với tăng trưởng; Bốn là, mặc dù điều kiện thương mại toàn cầu năm 2024 sẽ được cải thiện hơn nữa gắn liền với chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi, nhưng một loạt rủi ro địa chính trị trầm trọng như cuộc xung đột Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas… sẽ khiến cho tăng trưởng thương mại toàn cầu không thể lập tức trở lại mức bình thường. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về tài chính tiếp tục tác động đến tăng trưởng và tổng cầu yếu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 chậm lại chắc chắn sẽ kèm theo sự gia tăng trầm trọng của cạnh tranh lợi ích, cộng thêm ảnh hưởng của biến động địa chính trị, dẫn đến kinh tế toàn cầu sẽ dễ hứng cú sốc của những sự kiện bất ổn. Kinh tế thế giới năm 2024 thể hiện rõ ba đặc trưng lớn: Tăng trưởng chậm, nhạy cảm cao và thay đổi sâu sắc.
Thứ nhất, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục ở giai đoạn phục hồi, sau khi hứng chịu cú sốc dịch bệnh và rủi ro địa chính trị lan tỏa. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế tổng thể dự kiến sẽ chậm lại, ước tính tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 sẽ chậm lại, xuống còn 2,7%.
Thứ hai, môi trường kinh tế toàn cầu sẽ vẫn duy trì tính nhạy cảm cao. Một mặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 chậm lại chắc chắn sẽ kèm theo sự gia tăng trầm trọng của cạnh tranh lợi ích, cộng thêm ảnh hưởng của biến động địa chính trị, nên kinh tế toàn cầu sẽ dễ hứng cú sốc của những sự kiện bất ổn.
Thứ ba, sự thay đổi sâu sắc của hệ thống kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra đồng thời trong quá trình thay đổi giữa động lực tăng trưởng cũ và mới. Rủi ro và cơ hội của kinh tế toàn cầu cùng tồn tại. Một mặt, các nhân tố rủi ro luôn tồn tại. Dưới tác động liên tiếp của ba rủi ro lớn (dịch bệnh, tăng lãi suất và địa chính trị). Những rủi ro đe dọa tăng trưởng toàn cầu là thương mại suy yếu, chi phí vay cao, nợ công tăng cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Cấu trúc nợ của một số nước trên thế giới bị méo mó nghiêm trọng. Năm 2024, dự kiến sẽ có hơn 30% các nước trên toàn cầu tiếp tục đối diện với sự đe dọa của rủi ro nợ tăng.
Mỹ đối diện với tình trạng nợ chồng chất của Chính phủ liên bang là một rào cản đối với tăng trưởng kinh tế. Lần đầu tiên trong lịch sử nợ công của Mỹ đã vượt ngưỡng 34.000 tỉ USD và tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, những mối lo chính trị trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, cộng thêm căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và chiến tranh tiếp diễn ở Ukraine cũng có thể ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống 4,6% GDP năm 2024 do lĩnh vực bất động sản tiếp tục gặp khó khăn và nhu cầu bên ngoài giảm sút. Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng được dự đoán sẽ giảm dần xuống còn khoảng 3,5% GDP năm 2028 giữa bối cảnh năng suất yếu và dân số già hóa. Mặc dù Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản, nhưng Chính phủ cần làm nhiều hơn để đảm bảo phục hồi nhanh chóng và làm giảm chi phí kinh tế trong quá trình chuyển đổi. Sự kết hợp giữa sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản và khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương có thể xóa đi phần lớn tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng nên phát triển một chiến lược tái cơ cấu toàn diện để hạn chế quy mô nợ của những công cụ tài chính do các chính quyền địa phương phát hành. Trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV) được chính quyền địa phương phát hành để tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, công cụ này đang mang đến những rủi ro lớn đối với nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc. Các khoản nợ tổng hợp của LGFV đã phình to lên tới khoảng 9.000 tỉ USD¹. Để tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm tới Trung Quốc cần tiến hành cuộc cải tổ lớn để gia tăng vai trò của tiêu dùng trong nước, thay thế mô hình tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và sản xuất. Nếu nhu cầu tiêu dùng của người dân yếu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu ở Trung Quốc bất chấp nỗ lực của Trung Quốc trong kích thích tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù đã tránh được suy thoái trong suốt năm 2023, nhưng EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn “đứng trên bờ vực nguy hiểm” năm 2024. Tăng trưởng của EU được dự báo sẽ cải thiện lên 0,9% GDP (năm 2024). Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ thấp hơn một chút, ở mức 1,2%. Với lạm phát và lực cản từ việc thắt chặt tiền tệ giảm xuống, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 1,5% đối với EU và 1,6% đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (năm 2025). Lạm phát chung ở khu vực đồng tiền chung châu Âu được dự đoán sẽ giảm từ 5,6% vào năm 2023 xuống 3,2% vào năm 2024 và 2,2% vào năm 2025. Tại EU, lạm phát chung được dự đoán sẽ giảm từ 6,5% vào năm 2023 xuống 3,5% vào năm 2024 và 2,4% năm 2025. Tăng trưởng việc làm ở EU được dự đoán là 1,0% trong năm 2023, trước khi giảm xuống 0,4% trong cả hai năm 2024 và 2025. Tỉ lệ thất nghiệp ở EU dự kiến sẽ duy trì ổn định ở mức 6,0% năm 2023 - 2024 và sẽ giảm xuống mức 5,9% vào năm 2025. Tiền lương thực tế dự kiến sẽ chuyển biến tích cực năm 2024 nhờ tiền lương danh nghĩa tiếp tục tăng và lạm phát giảm. Tiền lương tăng là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu.
Sự phục hồi chậm của Trung Quốc có thể tác động mạnh hơn đến thị trường châu Âu. Việc lãi suất ngân hàng cao đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn cũng như mở rộng sản xuất. Người dân khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng không dám đi vay để mua sắm và trang trải. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của khu vực này. Cầu giảm dẫn đến cung giảm, khó khăn lại càng khó khăn.
Mỹ, một trong những đối tác chính của EU, khi Fed quyết định áp dụng chính sách tăng lãi suất như ở châu Âu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Chưa kể đến Trung Quốc (một đối tác hàng đầu của 27 quốc gia thành viên EU không bao gồm Anh), vẫn đang trong quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19, càng làm cho nền kinh tế châu Âu thêm ảm đạm. Không những thế, lượng du khách giảm đáng kể khiến một số nước có nguồn thu nhập lớn đến từ các dịch vụ như Pháp, Italia hay Tây Ban Nha phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Trong điều kiện địa chính trị bất ổn, việc giảm lãi suất ngân hàng có nhiều rủi ro nhất định. Mối nguy hại lớn nhất là tỉ lệ lạm phát vẫn chưa ổn định. Chỉ cần một biến động địa chính trị ở tầm khu vực cũng có thể khiến ngọn lửa lạm phát bùng lên và nhấn chìm nền kinh tế châu Âu trong thời gian ngắn. Việc duy trì mức lãi suất như hiện nay cũng không ổn khi ECB không thể đảm bảo hiệu quả khống chế lạm phát như mong đợi. Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức, những cơn bão lạm phát, cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, lãi suất tăng cao gây ra vẫn chưa được chữa lành khiến triển vọng của kinh tế châu Âu thực sự không lấy gì làm sáng sủa.
Châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu năm 2024. Ngân hàng phát triển châu Á dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,8% năm 2024. Ngân hàng này nhấn mạnh, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tương đối lạc quan, nhu cầu trong nước lành mạnh, kiều hối dồi dào và đà phục hồi tích cực của ngành du lịch là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế.
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm 2023 và sẽ tiếp tục xuống còn khoảng 4,8% năm 2024. Lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) cũng dự kiến giảm xuống 4,5%. Thị trường lao động khởi sắc, chi tiêu toàn cầu bắt đầu tăng sau giai đoạn trì trệ hậu đại dịch Covid-19. Tỉ lệ thất nghiệp tại phần lớn các nền kinh tế hàng đầu đều ở mức thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch. Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (trừ Trung Quốc) dự báo sẽ tăng trưởng 4,2% năm 2024 và 4,4% năm 2025. Đây là mức tăng đáng kể so với 4,0% vào năm 2023. Triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục được nhận định là tích cực. Việt Nam là một trong hai nền kinh tế Đông Nam Á có khả năng đạt được những bước tiến vượt bậc trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới giai đoạn 2024 - 2038. Việt Nam vươn lên từ vị trí nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới (năm 2023) sẽ tăng nhanh lên vị trí 24 (năm 2033) và trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới (năm 2038)².
Tóm lại, kinh tế thế giới đã qua giai đoạn tồi tệ nhất và tránh được một vòng xoáy suy thoái nhưng khả năng sẽ tăng trưởng chậm trong năm 2024. Các xung đột địa chính trị vẫn là một trong các rủi ro lớn nhất với kinh tế thế giới. Cục diện thế giới vẫn đối mặt nhiều bất ổn. Tuy nhiên, có những tín hiệu khởi sắc như chi tiêu tiêu dùng tăng, sản xuất phục hồi, tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm và lạm phát đang trên đà hạ nhiệt. Năm 2024, kinh tế thế giới cũng được hậu thuẫn bởi một số yếu tố thuận lợi, bao gồm:
(i) Các cam kết và thỏa thuận về toàn cầu hóa tuy chững lại ở cấp độ toàn cầu, nhưng các dòng chảy của toàn cầu hóa vẫn tiếp tục diễn ra; (ii) Một số động lực tăng trưởng kinh tế mới xuất hiện đó là xu hướng chuyển đổi xanh và liên kết kinh tế sau đại dịch Covid-19 tiếp tục được thúc đẩy. Cộng thêm sự phát triển nhanh của chuyển đổi số nhờ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tiếp diễn sẽ tạo ra những đột phá mới hỗ trợ đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Kinh tế số và kinh tế ít carbon sẽ tiếp tục phát huy hiệu ứng tích cực trong năm 2024. Đây được xem là những tín hiệu lạc quan cho kinh tế thế giới những năm tới.
¹ Phương Nga (2023), Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, https://mof.gov.vn
² Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024, https://vtv.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Vân Anh (2023), Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng nhờ sản lượng, doanh số bán lẻ cao hơn, https://thitruongtaichinhtiente.vn
2. Thạch Bình (2023), Ba đặc trưng của kinh tế toàn cầu năm 2024, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, https://mof.gov.vn
3. An Huy (2023), Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không mấy sáng sủa, Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới, https://vneconomy.vn
4. Việt Hùng (2024), Kinh tế thế giới 2023 và triển vọng 2024: Thuận lợi, khó khăn và cơ hội nào cho Việt Nam? https://thitruongtaichinhtiente.vn
5. Tùng Lâm (2024), Kinh tế thế giới năm 2024: Những điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua, https://kinhtedothi.vn
6. Bình Minh (2023), Kinh tế Trung Quốc tăng mạnh hơn dự báo, kích cầu đã phát huy tác dụng? Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới, https://vneconomy.vn
7. Anh Tuấn (2023), Bức tranh kinh tế châu Âu năm 2023: Gam màu xám vẫn là chủ đạo, https://vov.vn
8. Thanh Tuấn (2023), Kinh tế toàn cầu năm 2023: Nhiều ảm đạm nhưng vẫn có vài điểm sáng, https://vietnamplus.vn
9. Đăng Tuấn (2023), Trung Quốc công bố khoảng 9.600 dự án sử dụng vốn từ nguồn phát hành trái phiếu 1.000 tỉ Nhân dân tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, https://thitruongtaichinhtiente.vn
10. Quốc Việt (2024), Kinh tế Liên minh châu Âu năm 2023: Bức tranh nhiều gam màu xám, https://congthuong.vn
ThS. Lê Thị Thu Hương ( Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới)
PGS., TS. Phạm Thị Thanh Bình (Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội)