Ứng phó của ngân hàng trung ương các nước trước rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu: Bài học đối với Việt Nam
Tóm tắt: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và các rủi ro do biến đổi khí hậu đối với hệ thống tài chính - ngân hàng ngày càng lớn, chủ đề giám sát rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương (NHTW) các nước. Bài viết cung cấp khái niệm rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu, các phương pháp đo lường cũng như cách ứng phó của NHTW Anh (BoE), Pháp, Na Uy, Nhật Bản. Từ đó, đề xuất các gợi ý chính sách cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bao gồm: (i) Xây dựng các nguyên tắc để quản lí và giám sát hiệu quả rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu; (ii) Tăng cường các yêu cầu công bố thông tin quản lí rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng; (iii) Xây dựng chính sách tiền tệ hướng đến nền kinh tế xanh nhằm giám sát và giảm thiểu các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng; (iv) Thực hiện phân tích kịch bản và các bài kiểm tra sức chịu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu cho hệ thống ngân hàng Việt Nam; (v) Truyền thông nâng cao nhận thức về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu; (vi) Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ứng phó đối với rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, NHTW, rủi ro tài chính.
RESPONSES OF CENTRAL BANKS TO CLIMATE - RELATED FINANCIAL RISKS: LESSONS FOR VIETNAM
Abstract: The topic of monitoring climate - related financial risks has become increasingly important in the context of increasingly severe climate change and the increasing risks posed by climate change to the financial and banking system. Policy makers and central banks have paid close attention to these risks. The article discusses the concept of climate - related financial risks, measurement methods, and the responses of the Bank of England, France, Norway, and Japan. Following that, the authors propose policy recommendations to the State Bank of Vietnam, including: (i) Developing principles for effective management and monitoring of climate - related financial risks; (ii) Strengthening disclosure requirements for banks’ climate - related financial risk management; (iii) Developing monetary policy towards a green economy to monitor and mitigate banks’ climate - related financial risks; (iv) Conducting scenario analysis and stress tests for climate - related financial risks for the Vietnamese banking system; (v) Communicating to improve awareness of climate - related financial risks; and (vi) Increasing international cooperation in addressing climate-related financial risks.
Keywords: Climate change, Central bank, financial risk.
1. Đặt vấn đề
Thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng và tần suất xuất hiện ngày càng dày. Số lượng và mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng, bão, lũ lụt, cháy rừng và các thảm họa liên quan đến khí hậu khác ngày càng tăng, đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người. Bất chấp mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C đến năm 2050, nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay cao hơn 1,1oC so với năm 1990, với các vùng cực nóng tăng gấp ba lần và một số khu vực khác phải đối mặt với những đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Sự gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt, hạn hán, hỏa hoạn và bão, cũng như mực nước biển dâng cao xâm lấn, có thể dẫn đến tổn thất, gây mất ổn định cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức trung gian tài chính, các doanh nghiệp có liên quan trực tiếp và gián tiếp với các mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Tài sản tài chính toàn cầu từ tác động trực tiếp và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong một kịch bản thông thường là 2,5 nghìn tỉ USD vào năm 2100, với trường hợp xấu nhất thì tổn thất hơn 24 nghìn tỉ USD. Các tính toán cho thấy từ năm 1997 - 2011, thế giới đã mất 4 - 20 nghìn tỉ USD hằng năm trong các ngành khai thác môi trường tự nhiên như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản do thay đổi việc sử dụng đất và 6,3 - 10,6 nghìn tỉ USD hằng năm do suy thoái đất (Caldecott và cộng sự, 2021). Nước biển dâng cao có thể khiến thế giới thiệt hại hơn 14 nghìn tỉ USD hằng năm từ năm 2100, nếu mục tiêu 2°C do Thỏa thuận Paris đặt ra không được thực hiện (Bernstein và cộng sự, 2019).
Nếu những tác động tiềm ẩn này của rủi ro do biến đổi khí hậu không được giải quyết, chúng có thể ảnh hưởng tới sự ổn định đối với hệ thống tài chính và chi phí để khắc phục các rủi ro này trong tương lai ngày càng gia tăng. Trong thử nghiệm căng thẳng đầu tiên để đánh giá ngành dịch vụ tài chính sẽ đối phó với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon hơn sẽ như thế nào, BoE phát hiện ra rằng, các ngân hàng và công ty bảo hiểm của Vương quốc Anh phải đối mặt với thiệt hại liên quan đến khí hậu lên tới 334 tỉ bảng Anh (405 tỉ USD) trong ba thập kỉ tới, mức độ thiệt hại sẽ tùy thuộc vào mức độ chuyển sang mức phát thải ròng bằng “0” của nền kinh tế.
Bối cảnh này làm tăng mối lo ngại về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Không chỉ ưu tiên quan tâm đến các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), các nhà quản lí và NHTW các quốc gia cũng đang tìm hướng đi để chuẩn bị cho hành lang pháp lí trong tương lai về quản lí rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Chính vì vậy, nghiên cứu phân tích cách ứng phó với rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu của NHTW các nước châu Âu để rút ra các bài học kinh nghiệm cho NHNN trong việc giám sát rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu, nhằm mang lại sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng là cần thiết.
2. Rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu và các phương pháp đo lường
2.1. Rủi ro vật chất, rủi ro chuyển đổi
Rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu thường được phân loại thành rủi ro vật chất và rủi ro chuyển đổi. Rủi ro vật chất là rủi ro do các sự kiện biến đổi khí hậu, chẳng hạn như cháy rừng, bão và lũ lụt, trong khi rủi ro chuyển đổi là kết quả của hành động chính sách được thực hiện để chuyển đổi nền kinh tế khỏi nhiên liệu hóa thạch. Rủi ro vật chất có cả cấp tính và mãn tính (kinh niên hay kéo dài hằng năm). Các chủ thể kinh tế phải đối mặt với rủi ro vật chất cấp tính của các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn. Rủi ro vật chất kinh niên như trái đất nóng lên, nước biển dâng, axit hóa đại dương và những thay đổi khác đối với khí hậu ngày càng làm giảm năng suất cây trồng, năng suất lao động, phá vỡ hệ sinh thái cùng nhiều hậu quả khác. Vào cuối thế kỉ 22, nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt quá 3oC (5,4oF) có thể gây ra thiệt hại hằng năm tương đương 7 - 11% GDP thế giới. Rủi ro vật chất liên quan đến thiệt hại tài chính từ các tác động vật lí trực tiếp của biến đổi khí hậu, ví dụ, tài sản thế chấp cho khoản vay phải đối mặt với các hiểm họa tự nhiên do biến đổi khí hậu gia tăng. Tổn thất có thể tăng lên nếu người vay không được bảo hiểm đầy đủ hoặc biến đổi khí hậu khiến việc bảo hiểm một số tài sản trở nên quá đắt đỏ hoặc không thể thực hiện được.
Rủi ro chuyển đổi liên quan đến những tổn thất tiềm ẩn phát sinh từ việc thực hiện các chính sách nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, từ những thay đổi về công nghệ, thay đổi về hành vi do chuyển sang nền kinh tế ít phát thải hơn. Ví dụ, các nhà sản xuất than đã phải vật lộn với các chính sách mới hoặc dự kiến sẽ hạn chế lượng khí thải carbon và một số ngân hàng lớn đã cam kết không cung cấp tài chính cho các cơ sở than mới. Những thay đổi này có thể xảy ra “có trật tự”, cho phép các ngân hàng và công ty có thời gian thích ứng hoặc diễn ra đột ngột “không trật tự” (do hậu quả của việc không hành động ngăn ngừa trước đó), dẫn đến sự gián đoạn đối với thương mại quốc tế.
2.2. Các phương pháp đo lường rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu
Trong số các quy trình đo lường rủi ro hiện đang được các ngân hàng và cơ quan giám sát áp dụng, các phương pháp đo lường giám sát rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu thông thường và nổi bật hơn bao gồm: (i) Điểm hoặc xếp hạng rủi ro biến đổi khí hậu (climate risk scores or ratings); (ii) Phân tích kịch bản (scenario analysis); (iii) Kiểm tra căng thẳng (stress testing); (iv) Phân tích độ nhạy (sensitivity analysis) (Basel Committee on Banking Supervision, 2021).
Điểm hoặc xếp hạng rủi ro khí hậu: Điểm rủi ro khí hậu đánh giá mức độ rủi ro khí hậu của tài sản, danh mục đầu tư của doanh nghiệp hoặc quốc gia. Cách này kết hợp sơ đồ phân loại rủi ro với một bộ tiêu chí chấm điểm để gán điểm chất lượng cho các rủi ro theo phân loại. Các tiêu chí chấm điểm được sử dụng trong các phương pháp này có thể dựa trên các yếu tố định tính hoặc định lượng. Điểm rủi ro khí hậu có thể giúp các ngân hàng và cơ quan giám sát đánh giá mức độ rủi ro khí hậu tương đối của hoạt động trung gian tín dụng hiện tại và tương lai. Các phương pháp và tiêu chí xếp hạng rủi ro khí hậu giữa các ngân hàng và các tổ chức khác gồm các phương pháp tiếp cận được phát triển với dữ liệu chi tiết cao, cụ thể theo địa điểm, kết hợp chuỗi cung ứng và thông tin cụ thể của các đối tượng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể có nhiều sai lệch trong trường hợp dữ liệu về các đối tác nhỏ hơn và lịch sử dữ liệu ngắn.
Phân tích kịch bản: Phân tích kịch bản khí hậu dự báo tương lai các kết quả rủi ro và thường được tiến hành theo bốn bước: (i) Xác định các kịch bản rủi ro vật chất và chuyển tiếp; (ii) Liên kết tác động của các kịch bản với rủi ro tài chính; (iii) Đánh giá mức độ nhạy cảm của đối tác và/hoặc ngành đối với những rủi ro đó; (iv) Ngoại suy tác động của những mức độ nhạy cảm đó để tính toán thước đo tổng hợp về mức độ phơi nhiễm và tổn thất tiềm ẩn. Phân tích kịch bản có thể được thực hiện ở các mức độ chi tiết khác nhau để xác định các tác động đối với các rủi ro riêng lẻ hoặc đối với danh mục đầu tư. Bằng cách kiểm tra tác động của một loạt các kịch bản hợp lí, phân tích kịch bản cũng có thể hỗ trợ định lượng rủi ro và có thể làm rõ những điều không chắc chắn vốn có của các rủi ro liên quan đến khí hậu.
Kiểm tra mức độ căng thẳng: Kiểm tra mức độ căng thẳng là một tập hợp con cụ thể của phân tích kịch bản, thường được sử dụng để đánh giá khả năng phục hồi ngắn hạn của một tổ chức tài chính đối với các cú sốc kinh tế, thường thông qua mục tiêu về mức đủ vốn. Thông thường, khi xem xét khả năng thanh toán, có hai loại kiểm tra căng thẳng: Kiểm tra an toàn vĩ mô, đo lường mức độ ảnh hưởng của các cú sốc tài chính đến hệ thống tài chính, có thể gây ra rủi ro hệ thống và kiểm tra an toàn vi mô, đánh giá khả năng thanh toán của một tổ chức tài chính, cá nhân với rủi ro danh mục đầu tư. Gần đây, kiểm tra căng thẳng đã được một số ngân hàng và cơ quan giám sát mở rộng, bao gồm các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Thử nghiệm căng thẳng khí hậu đánh giá tác động của các kịch bản khí hậu khắc nghiệt nhưng hợp lí đối với khả năng phục hồi của các tổ chức hoặc hệ thống tài chính.
Phân tích độ nhạy: Phân tích độ nhạy cũng là một tập hợp con của phân tích kịch bản được sử dụng để đánh giá tác động của một biến số cụ thể đối với kết quả kinh tế. Trong các phân tích này, một tham số được thay đổi trong nhiều lần chạy kịch bản để quan sát phạm vi kết quả đầu ra của kịch bản. Trong một số trường hợp nhất định, một số tham số có thể được thay đổi để quan sát sự tương tác giữa các tham số. Phân tích độ nhạy thường được sử dụng trong đánh giá rủi ro chuyển đổi để phân tích các tác động tiềm tàng của một chính sách cụ thể liên quan đến khí hậu, đặc biệt là trong các ngành liên quan đến thuyết carbon.
3. Ứng phó của các NHTW đối với rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu
Một cuộc khảo sát năm 2021 do Công ty quản lí đầu tư Invesco thực hiện cho thấy, 63% các NHTW được khảo sát cho rằng, biến đổi khí hậu nằm trong sự quan tâm của các NHTW và 45% đồng ý rằng, giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu nên là một mục tiêu của chính sách tiền tệ. Một số NHTW lớn trên thế giới đang tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi thấy rằng biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định giá cả và ổn định hệ thống tài chính - hai mục tiêu truyền thống của các NHTW. Các NHTW và cơ quan giám sát tài chính đã thừa nhận mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra đối với sự ổn định tài chính và mức giá chung, đồng thời cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon. Các NHTW và cơ quan quản lí tài chính ngày càng thừa nhận biến đổi khí hậu có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định tài chính của hệ thống tài chính - ngân hàng. Các NHTW khác nhau có phản ứng khác nhau với rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu.
BoE là NHTW đầu tiên quan tâm đến rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu (vào năm 2014). Báo cáo của BoE về tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực bảo hiểm của Vương quốc Anh được xuất bản vào ngày 29/9/2015 và bài phát biểu cùng ngày của Thống đốc BoE đánh dấu lần đầu tiên một NHTW kêu gọi xem xét các rủi ro liên quan đến khí hậu và tài sản bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Báo cáo và bài phát biểu đã đưa ra các nguyên tắc về cách BoE tiếp cận với biến đổi khí hậu trong tương lai và xác nhận rằng tổ chức coi việc quản lí rủi ro liên quan đến khí hậu là một phần nhiệm vụ được quy định trong luật. Năm 2020, BoE đã bắt buộc các công ty lớn và tổ chức tài chính ở Vương quốc Anh báo cáo rủi ro khí hậu theo hướng dẫn. Các công ty được yêu cầu trải qua một quy trình chính thức để xác định và sau đó công bố chi tiết về các rủi ro và cơ hội quan trọng phát sinh từ biến đổi khí hậu theo các kịch bản khí hậu khác nhau trong tương lai (BoE, 2019).
NHTW Canada (BoC) và Văn phòng Giám đốc các Tổ chức Tài chính (OSFI) đã xuất bản báo cáo hướng dẫn và kết quả phân tích kịch bản rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu của sáu tổ chức tài chính tại Canada. Để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu mà các kịch bản dự kiến, Canada và nền kinh tế toàn cầu phải cấu trúc lại các ngành kinh tế. Báo cáo cũng xác định các tác động kinh tế vĩ mô tiềm ẩn như thay đổi chính sách trong nước, ngoài nước đối với nền kinh tế Canada và đặc biệt nhấn mạnh thay đổi chính sách khí hậu toàn cầu có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu vốn, hàng hóa. Các kịch bản nhấn mạnh việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu sẽ dẫn đến những thay đổi cơ cấu quan trọng đối với nền kinh tế Canada và toàn cầu, đồng thời quá trình chuyển đổi này sẽ gặp nhiều thách thức hơn ở các quốc gia có nhiều ngành sử dụng nhiều nguồn năng lượng phát thải carbon cao như Canada. Tuy nhiên, sự chậm trễ của bất kì hành động chính sách khí hậu nào cũng làm tăng các tác động kinh tế tổng thể và rủi ro đối với sự ổn định của khu vực tài chính (Ens và Johnston, 2020). Bên cạnh đó, BoC cũng xác định rất rõ vai trò của mình trong Chính phủ bằng việc quan tâm tới việc phân bổ rủi ro đối nền kinh tế, tài chính và khả năng đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Thuế, chi tiêu phát triển công nghệ, giảm phát thải không phải là nhiệm vụ của BoC.
NHTW Nhật Bản (BoJ) đã thiết lập một mạng lưới nội bộ, Trung tâm Điều phối Khí hậu để tăng cường các sáng kiến toàn ngành Ngân hàng về biến đổi khí hậu. BoJ cũng đang tìm cách thúc đẩy sự quan tâm của khu vực tư nhân bằng cách cung cấp vốn để ngân hàng cho các doanh nghiệp thân thiện với môi trường vay. Theo quan điểm của BoJ, hỗ trợ khu vực tư nhân về biến đổi khí hậu từ NHTW sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Tính đến đầu năm 2023, khoảng 63 tổ chức tài chính đã đủ điều kiện được hỗ trợ, với tổng dư nợ là 3,6 nghìn tỉ Yên (27 tỉ USD) được giải ngân. Khi thực hiện các hành động về chính sách tiền tệ, BoJ cho rằng cần thể hiện tính trung lập, tránh tham gia trực tiếp vào việc phân bổ nguồn lực ở cấp độ vi mô càng nhiều càng tốt.
NHTW châu Âu (ECB) tiến hành kiểm tra mức độ căng thẳng của rủi ro do biến đổi khí hậu đối với 41 định chế tài chính trong Liên minh châu Âu. Trong kịch bản khó khăn nhất (các chính phủ hành động muộn để chống lại sự nóng lên toàn cầu, hạn hán và lũ lụt, lượng carbon cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan), các tổ chức này phải đối mặt với khả năng thiệt hại 70 tỉ Euro (71 tỉ USD) về tín dụng và thị trường do thiên tai gia tăng cùng những thay đổi sâu rộng trong các ngành kinh tế. Tuy nhiên, kết quả chưa phản ánh đầy đủ rủi ro thực tế, một phần là do các cú sốc khí hậu không đi kèm với suy thoái kinh tế rộng lớn và chỉ giới hạn ở các danh mục đầu tư cụ thể. ECB cho biết, những phát hiện này tái khẳng định quan điểm rằng các ngân hàng phải tăng cường tập trung vào rủi ro khí hậu. ECB đã yêu cầu các ngân hàng khẩn trương tăng cường nỗ lực quản lí rủi ro khí hậu, sau khi thử nghiệm căng thẳng đầu tiên cho thấy họ không kết hợp đầy đủ vấn đề này vào các khuôn khổ quản lí rủi ro và mô hình nội bộ. ECB cũng đã điều chỉnh các chính sách tài sản thế chấp và bắt đầu điều chỉnh danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để khuyến khích các tổ chức hoạt động ít gây ô nhiễm hơn.
Tại Pháp, theo nghiên cứu của cơ quan giám sát ACPR và Banque de France (2019), đã có những tiến bộ đáng kể trong nhận thức của các tổ chức về rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh ESG vốn đã được quan tâm từ năm 2015, rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu đã dần dần tích hợp vào các quy trình quản lí rủi ro tài chính thông thường. NHTW Pháp cũng nhìn nhận các khía cạnh cần quan tâm bao gồm rủi ro chuyển đổi, rủi ro vật lí, rủi ro pháp lí và vấn đề quản trị về rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên do Pháp không đối mặt với rủi ro cao từ biến đổi khí hậu nên chưa có những điều chỉnh lớn để thích ứng ở cấp độ ngành.
Na Uy, quốc gia phụ thuộc nhiều vào ngành dầu mỏ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro chuyển đổi khi cơ cấu lại nền kinh tế để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải. Biến đổi khí hậu và thích ứng với giảm phát thải khí hậu có thể kéo theo rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Với lĩnh vực dầu mỏ rộng lớn, Na Uy có thể gặp khó khăn đặc biệt liên quan đến việc thích ứng với giảm phát thải. Việc giảm đầu tư của các nhà sản xuất dầu, việc giảm sử dụng nhiên liệu từ dầu của các ngành sản xuất kéo theo sự suy thoái của khu vực dầu mỏ kèm theo tổn thất cho vay gia tăng đã đặt ngân hàng vào các rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, sự không chắc chắn xung quanh tác động của biến đổi khí hậu, các quy định về khí hậu trong tương lai và những tiến bộ công nghệ cũng đặt ra nhu cầu phải ước tính rủi ro và đánh giá rủi ro.
Có thể thấy, các phân tích theo phương pháp khác nhau đều cho rằng, thích ứng sớm sẽ giảm tác động đột ngột của biến đổi khí hậu, cũng như của việc thay đổi chính sách nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Các NHTW nên hành động từ bây giờ.
4. Bài học đối với NHNN để giám sát rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu
Nghiên cứu từ NHTW các quốc gia châu Âu và Nhật Bản cho thấy, NHTW các nước rất quan tâm đến việc thích ứng với rủi ro khí hậu và thể hiện bằng cách sử dụng các công cụ của mình. Những vấn đề mà NHNN có thể tham khảo bao gồm:
Một là, xây dựng các nguyên tắc để quản lí và giám sát hiệu quả rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu
Để thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là cơ quan quản lí, NHNN cần đưa rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu vào các quy định đánh giá rủi ro tương tự như các loại rủi ro hiện tại mà NHNN đang theo dõi như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động. NHNN cần xây dựng các nguyên tắc để quản lí và giám sát hiệu quả rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu, đồng thời ban hành các hướng dẫn giám sát và đưa ra các khuyến nghị nhằm đánh giá và giải quyết rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu để thông báo cho các ngân hàng thương mại. Đây là cách BoE đã thực hiện để điều chỉnh hành vi của các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Để ứng phó với rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu, các NHTW có thể đặt ra quy tắc giám sát rủi ro khí hậu bắt buộc, tiến hành thử nghiệm đối với rủi ro liên quan đến khí hậu của các ngân hàng, hay duy trì chính sách tiền tệ khiến ngân hàng phải trả phí cao hơn khi tài trợ cho các công ty có rủi ro do ô nhiễm môi trường hay các ngành có lượng khí thải nhà kính cao.
Hai là, tăng cường yêu cầu công bố thông tin quản lí rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng
Dựa trên kinh nghiệm của cơ quan quản lí và NHTW các quốc gia như: Canada, Pháp và đặc biệt là Anh về việc yêu cầu công bố công khai các thông tin về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng, NHNN cần có lộ trình yêu cầu các định chế tài chính công khai các thông tin bắt buộc về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu để đảm bảo tính minh bạch, giải trình và định hướng điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Có như vậy mới có thể cùng các bộ, ngành khác thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết tại COP26. Về các yêu cầu bắt buộc công bố thông tin, NHNN có thể dựa trên các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm về Công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD - Task Force on Climate -
Related Financial Disclosure). Bên cạnh đó, NHNN cần ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, chỉ tiêu đo lường rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu bắt buộc và thống nhất cho các ngân hàng để có thể lượng hóa và so sánh.
Ba là, xây dựng chính sách tiền tệ hướng đến nền kinh tế xanh nhằm giám sát và giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng
Học hỏi kinh nghiệm của BoJ, NHNN có thể sử dụng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các nỗ lực về biến đổi khí hậu thông qua việc khuyến khích tài trợ cho các ngành ít phát thải carbon nhằm giám sát và giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của các ngân hàng. Các công cụ có thể sử dụng là hạn mức, tỉ lệ dự phòng rủi ro tín dụng cao cho các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều carbon và có khả năng chịu tổn thất nghiêm trọng khi xảy ra biến cố bất ngờ liên quan đến khí hậu. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần ban hành các chính sách tài chính, các tiêu chí đánh giá, loại trừ và thủ tục được áp dụng khi các ngân hàng xem xét việc cung cấp dịch vụ tài chính cho các công ty hoạt động trong các lĩnh vực hoặc khu vực nhạy cảm với khí hậu. Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện quản lí rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bước đi ban đầu của NHNN thể hiện sự quan tâm vấn đề này.
Bốn là, thực hiện phân tích kịch bản và các bài kiểm tra sức chịu rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu cho hệ thống ngân hàng Việt Nam
Kinh nghiệm của ECB, BoE... cho thấy, trước khi ra quyết định điều chỉnh hành lang pháp lí, NHTW các nước thường áp dụng các kĩ thuật kiểm tra sức chịu đựng bằng những phương pháp khác nhau tùy vào trình độ phát triển tài chính của mỗi nước. NHNN nên thực hiện phân tích kịch bản và các bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro do biến đổi khí hậu đối với hệ thống ngân hàng tại Việt Nam theo hướng dẫn của Mạng lưới Xanh hóa Hệ thống tài chính (NGFS - Network for Greening the Financial System), phù hợp với điều kiện và các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Để chuẩn bị kiểm tra sức chịu đựng, NHNN và các cơ quan giám sát cần ban hành hướng dẫn, đưa ra phương pháp luận và công cụ cho phép tích hợp phân tích kịch bản theo ngành cụ thể vào bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro vĩ mô cho hệ thống ngân hàng. Thông qua kết quả kiểm tra và giám sát, NHNN sẽ tổ chức thảo luận chuyên sâu với các ngân hàng để đưa ra những khuyến nghị và giải pháp chung cho toàn bộ hệ thống nhằm quản lí các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu.
Năm là, truyền thông nâng cao nhận thức về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu
Việc điều chỉnh để thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp và ngân hàng. Để các văn bản điều chỉnh hành vi của ngân hàng, doanh nghiệp thông qua công cụ của chính sách tiền tệ khi ban hành được thực thi nhanh chóng và hiệu quả, NHNN cần có chính sách truyền thông phù hợp. Trên website của NHTW các nước được đề cập trong bài có khá nhiều bài viết về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu, cung cấp tất cả các thông tin, chính sách, công cụ, nguồn tài nguyên, hoạt động… liên quan đến rủi ro do biến đổi khí hậu. Nội dung và cấu trúc có thể tham khảo chuyên mục này của BoE.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ứng phó đối với rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu
NHTW các quốc gia được đề cập trong bài đều là thành viên của NGFS. Đến tháng 10/2022, NGFS đã tăng lên 121 thành viên và 19 quan sát viên. Mạng lưới này đã đưa ra các thống nhất chung trong quản lí rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Các NHTW và cơ quan quản lí ở Canada, Úc, Pháp, Anh và Hà Lan đã bắt đầu thực hiện các bài kiểm tra căng thẳng khí hậu hoặc đã công bố ý định thực hiện. Kể từ năm 2017, các cơ quan quản lí và NHTW trên khắp thế giới đã nỗ lực chia sẻ các phương pháp hay nhất để quản lí rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu. Thử nghiệm căng thẳng rủi ro khí hậu là một lĩnh vực đang phát triển và các nỗ lực hợp tác đang được triển khai hết sức hiệu quả. Các nhà quản lí và NHTW thừa nhận rằng, các đánh giá được thực hiện cho đến nay vẫn còn những hạn chế, nhưng chúng cung cấp những điểm khởi đầu hữu ích để hiểu những rủi ro của biến đổi khí hậu đối với các ngân hàng. NHNN cần tham gia vào NGFS để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu rõ hơn kênh truyền dẫn rủi ro của biến đổi khí hậu đối với sự ổn định của hệ thống tài chính, các chỉ số đo lường và giám sát, phương pháp đo lường rủi ro tài chính liên quan khí hậu... để từ đó, có thể đưa ra các biện pháp giám sát phù hợp. NHNN cũng có thể tham khảo vấn đề này từ các diễn đàn quốc tế và khu vực, từ các nhóm nước và tổ chức như G7, G20, ASEAN hay Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng, Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), TCFD...
Tác động của biến đổi khí hậu đến nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng ngày càng sâu rộng, chính vì thế NHTW và nhà hoạch định chính sách ở từng quốc gia cần nhanh chóng ban hành các chương trình hành động và chính sách ứng phó nhằm giảm thiểu rủi ro vì hành động càng sớm thì thiệt hại càng giảm đáng kể. Bài viết đã đưa ra góc nhìn tổng thể toàn cảnh về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu cũng như cách ứng phó của một số NHTW trên thế giới để giúp NHNN có thể rút ra bài học kinh nghiệm nhằm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. ACPR & Banque de France (2019). Climate change: Which risks for banks and insurers? Banque de France White Paper.
2. https://acpr.banque-france.fr/sites/default/files/medias/documents/as_cover_note_en.pdf
3. Bank of England (2019). The 2021 biennial exploratory scenario on the financial risks from climate change. Bank of England Discussion Paper.
4. https://www.bankofengland.co.uk/-/media/boe/files/paper/2019/the-2021-biennial-exploratory-scenario-on-the-financial-risks-from-climate-change.pdf
5. Basel Committee on Banking Supervision (2021). Climate-related financial risks - measurement methodologies. Bank for International Settlements. https://www.bis.org/bcbs/publ/d518.pdf
6. Bernstein, A., Gustafson, M. T., & Lewis, R. (2019). Disaster on the horizon: The price effect of sea level rise. Journal of financial economics, 134(2), pages 253-272.
7. https://doi.org/10.1016/j.jfineco.2019.03.013 Caldecott, B., Clark, A., Koskelo, K., Mulholland, E., & Hickey, C. (2021). Stranded assets: Environmental drivers, societal challenges, and supervisory responses. Annual Review of Environment and Resources, 46, 417-447. https://doi.org/10.1146/annurev-environ-012220-101430
8. Climate Central (2021). Coastal Risk Screening Tool: Land projected to be below annual flood level in 2050. Climate Central. https://coastal.climatecentral.org/map/
9. Davis, K. F., Bhattachan, A., D’Odorico, P., & Suweis, S, 2018. A universal model for predicting human migration under climate change: examining future sea level rise in Bangladesh. Environmental Research Letters, 13(6), pages 253-272.
10. https://doi.org/10.1016/j.jfineco.2019.03.013
11. Dietz, S., Bowen, A., Dixon, C., & Gradwell, P. (2016). ‘Climate value at risk’of global financial assets. Nature Climate Change, 6(7), pages 676-679. https://www.nature.com/articles/nclimate2972
12. Ens, E., & Johnston, C. (2020). Scenario analysis and the economic and financial risks from climate change. Bank of Canada staff discussion paper.
13. https://www.bankofcanada.ca/2020/05/staff-discussion-paper-2020-3/
14. Invesco (2021). Central bank foreign currency reserves management The greening of central banks and reserves management. White paper. https://www.invesco.com/content/dam/invesco/apac-master/en/pdf/apac/2021/esg/central-bank-foreign-currency-reserves-management.pdf
15. Jevrejeva, S., Jackson, L. P., Grinsted, A., Lincke, D., & Marzeion, B. (2018). Flood damage costs under the sea level rise with warming of 1.5 C and 2 C. Environmental Research Letters, 13(7), 074014. https://doi.org/10.1088/1748-9326/aacc76
16. Field, C. B., & Barros, V. R. (Eds.) (2014). Climate change 2014-Impacts, adaptation and vulnerability: Regional aspects. Cambridge University Press.
17. NGFS, 2020. Guide to climate scenario analysis for central banks and supervisors. Network for Greening the Financial System.
18.https://www.ngfs.net/sites/default/files/medias/documents/ngfs_guide_scenario_analysis_final.pdf
19. TCFD (2017) Recommendations of the task force on climate-related financial disclosures final report. Task Force on Climate-Related Financial Disclosures White paper.
20. https://assets.bbhub.io/company/sites/60/ 2021/10/FINAL-2017-TCFD-Report.pdf
21. Turtveit, L. & Goldsack, Madeleine (2019). Technological advances and climate measures can influence banks’ credit risk. Norges Bank. https://www.norges-bank.no/contentassets/01a933ec0dc84f90a6df4fdafffbb197/staff_memo_6_2018_eng.pdf?v=03/07/2019152620&ft=.pdf
22. Woetzel, J., Pinner, D., & Samandari, H. (2020). Climate risk and response: Physical hazards and socioeconomic impacts. Rep., McKinsey Glob. Inst., McKinsey & Co., New York.
23.https://www.mckinsey.com/~/media/mckinsey/business%20functions/sustainability/our%20insights/climate%20risk%20and%20response%20physical%20hazards%20and%20socioeconomic%20impacts/mgi-climate-risk-and-response-full-report-vf.pdf
PGS., TS. Hạ Thị Thiều Dao, Nguyễn Minh Sáng
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh