Thị trường tài chính tiền tệ 2015 và triển vọng 2016
22/02/2017 16.830 lượt xem
TS. Lê Thị Thùy Vân
 
Trong năm 2015, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới có nhiều biến động với sự lên giá mạnh của đồng Đô la Mỹ (USD), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, Trung Quốc giảm giá mạnh đồng Nhân dân tệ (CNY) và sự sụt giảm thất thường của thị trường chứng khoán Trung Quốc…Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam chịu nhiều tác động, khiến biến động trên các thị trường tăng lên (lãi suất, tỷ giá và chứng khoán…). Tuy nhiên, sự phản ứng chính sách linh hoạt và những điều chỉnh chính sách kịp thời của các cơ quan hoạch định chính sách đã giúp ổn định thị trường và đạt được những kết quả tích cực. Mặc dù vậy, vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm nhằm giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn của thị trường.
 
1. Thị trường tiền tệ - tín dụng
Trong năm 2015, với việc chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng nới lỏng thận trọng, các lãi suất chính sách vẫn được duy trì ở mức thấp kể từ sau lần điều chỉnh vào tháng 3/2014 (9%/năm đối với lãi suất cơ bản; 6,5%/năm đối với lãi suất tái cấp vốn; 4,5%/năm đối với lãi suất tái chiết khấu). Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát thấp, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục được duy trì ổn định ở mức thấp. Cụ thể, mức lãi suất huy động bình quân dưới 1 năm được duy trì ở mức 6,5%/năm, trên 1 năm là 7,2%/năm. Đây là mức lãi suất thấp nếu xét chung cho cả giai đoạn 2011-2015.
Bên cạnh đó, trần lãi suất huy động đồng Việt Nam (VND) tiếp tục được duy trì ở mức 5,5%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, kể từ đợt điều chỉnh tháng 10/2014. Trong khi đó, trần lãi suất tiền gửi USD đã được điều chỉnh 2 lần trong năm 2015  nhằm hạn chế tâm lý găm giữ ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối trong bối cảnh thị trường tiền tệ quốc tế biến động mạnh (Trung Quốc giảm giá CNY, Mỹ tăng lãi suất). Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của cá nhân và tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đều xuống mức 0%/năm từ mức trước đây lần lượt là 0,75% (đối với tổ chức) và 0,25% (đối với cá nhân). Việc giảm lãi suất USD về 0% sẽ giúp giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, tăng cung USD trên thị trường, chống tình trạng đô la hoá nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với quyết định giảm lãi suất tiền gửi đồng USD về 0%, cần có sự quan sát thận trọng đối với việc rút tiền gửi USD của các cá nhân ở các ngân hàng thương mại (NHTM) xem có sự dịch chuyển sang tiền VND trên thực tế không, trên cơ sở đó, mới có thể đánh giá hiệu quả của chính sách.
Đối với lãi suất cho vay, mặt bằng chung cho vay ngắn hạn khoảng 8,15%/năm, trung và dài hạn là 10,2%/năm vào thời điểm cuối năm. Như vậy, cùng với xu hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhẹ trong năm 2015 và duy trì ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Lãi suất cho vay thấp trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tích cực đã thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2015. Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2015 tăng nhanh hơn so với các năm trước, đạt mức 17,17% (tính đến cuối tháng 21/12/2015), cao hơn nhiều  so với cùng kỳ năm 2014 (14,16%) và hoàn thành chỉ tiêu đặt ra cho cả năm (13 - 15%). Tín dụng trong thời gian này có xu hướng tập trung ở các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, vận tải viễn thông1, và đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Như vậy, nhân tố chính thúc đẩy tín dụng có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2012 là lãi suất ở mức thấp trong nhiều năm, tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục tích cực, đã tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp vay vốn và tiếp tục đầu tư đẩy mạnh sản xuất.
Tuy nhiên, trái với tăng trưởng tín dụng, tốc độ tăng huy động vốn và tổng phương tiện thanh toán so với năm 2014 lại khá chậm. Tổng phương tiện thanh toán M2 đến ngày 21/12/2015 tăng 13,55% so với cuối năm trước. Song song với tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng huy động cũng đạt 13,59% tính đến cùng thời điểm, nhưng cả 2 chỉ tiêu tăng trưởng này đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (tháng 12/2014, tăng trưởng cung tiền M2 là 17,69%, tăng trưởng huy động là 15,15%). Trong năm 2015, nhìn chung 2 chỉ tiêu tăng trưởng này vẫn tiếp tục xu hướng tăng dần sau các tháng trong năm như những năm gần đây. Tuy nhiên, việc tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn và cung tiền tăng chậm lại trong năm 2015 có thể tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt thanh khoản của hệ thống, và còn tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất trong những tháng cuối năm, qua đó gây khó khăn cho mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 1-1,5% trong năm 2015 của Chính phủ. (Đồ thị 1)
Đồ thị 1: Tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng trong năm (so với tháng 12 năm trước), 2013-2015. 
 
(Nguồn: NHNN)

2. Thị trường ngoại hối
Trên thị trường ngoại hối chính thức, trong năm 2015, NHNN đã ba lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng (BQLNH) vào tháng 1, tháng 5 và tháng 8 với biên độ mỗi lần điều chỉnh 1%, nâng tổng mức điều chỉnh lên 3%, vượt quá mục tiêu điều chỉnh của NHNN (không quá 2% trong năm 2015). Đồng thời, NHNN cũng liên tiếp hai lần điều chỉnh biên độ dao động tỷ giá, mỗi lần tăng thêm 1% vào tháng 82, trước sức ép từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ so với USD3. Ngoài ra, giá trị đồng USD liên tục tăng giá trên thị trường quốc tế (đến 31/12, chỉ số đô la Mỹ đã tăng 9,3% so thời điểm cuối năm 2014), cùng với xu hướng lên giá của VND so với các ngoại tệ chủ chốt như đồng Euro (EUR), đồng bảng Anh (GBP) do những đồng tiền này mất giá mạnh so với USD4 và việc gia tăng thâm hụt thương mại cũng khiến nguồn cung ngoại tệ bị giảm sút5.
Bên cạnh biện pháp điều chỉnh tỷ giá BQLNH và biên độ dao động, nhằm duy trì ổn định thị trường ngoại hối, trong năm 2015, NHNN đã áp dụng các biện pháp siết chặt việc mua ngoại tệ. Thông tư 15/2015/TT-NHNN chỉ cho phép các nhà nhập khẩu được mua ngoại tệ giao ngay 2 ngày trước thời điểm thanh toán. Đồng thời, điều chỉnh hạ lãi suất tiền gửi USD6 và đưa ra cam kết sẽ duy trì ổn định mức tỷ giá này đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016.Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này vẫn chưa đủ để bình ổn thị trường. Tỷ giá USD/VND trên thị trường chính thức luôn sát với mức trần tỷ giá, thậm chí tỷ giá trên thị trường tự do còn vượt cả mức trần giao dịch cho phép. Đến ngày 31/12/2015, tỷ giá BQLNH là USD/VND = 21.890 với biên độ dao động
+/- 3%, theo đó, tỷ giá trần áp dụng trên thị trường sẽ là USD/VND = 22.547 và tỷ giá sàn là USD/VND = 21.233. Trong khi đó, tỷ giá trung bình của các NHTM là USD/VND = 22.506 tăng 5,3% so với cuối năm 2014; tỷ giá tự do là USD/VND = 22.656, tăng 5,3% so với cuối năm 2014. (Đồ thị 2)
Đồ thị 2: Diễn biến tỷ giá USD/VND  năm 2015
(Nguồn: NHNN, Reuters)

Việc FED tăng lãi suất sẽ dẫn đến áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND và chính sách tỷ giá của Việt Nam bởi các lý do: (i) Việc can thiệp liên tục để ổn định tỷ giá trong bối cảnh mới có thể làm suy giảm và ảnh hưởng đến sự an toàn của dự trữ ngoại hối; (ii) Dư địa cho việc áp dụng biện pháp hành chính trần lãi suất tiền gửi USD đã ở mức 0%; (iii) Cùng với việc đồng CNY được đưa vào rổ tiền tệ SDR, chính sách tỷ giá của Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn, đồng CNY có thể sẽ tiếp tục giảm giá nhiều hơn, do đó, sẽ đặt áp lực linh hoạt tỷ giá đồng VND để đảm bảo tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam với xuất khẩu của Trung Quốc trên các thị trường chung (Mỹ, EU, Nhật Bản…) và hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc.
Ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Quyết định 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác. Theo đó, hàng ngày, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD - tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND với USD.
Tỷ giá trung tâm của VND với USD được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá BQLNH, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Trước mắt, NHNN lựa chọn 8 đồng tiền làm căn cứ tham chiếu, bao gồm: USD, EUR; CNY; Yên Nhật (JPY), Đô la Singapore (SGD), Won Hàn Quốc (KRW) và Đài tệ (Đài Loan), Bath Thái Lan (THB).
Cơ chế tỷ giá mới sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt hơn, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc đồng hành tỷ giá theo cơ chế mới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
 
3. Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán đã có nhiều biến động trong năm 2015, tuy nhiên, vẫn tăng điểm so với năm 2014.Tính đến ngày 31/12, chỉ số VnIndex đạt mức 579,03 điểm, tăng tương ứng 6,1%. Thanh khoản trên thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2015 giảm so với năm 2014. Trung bình 1 phiên trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) HSX và HNX, khối lượng giao dịch theo phương thức khớp lệnh bình quân chỉ khoảng 158 triệu cổ phiếu, giảm 20% so với năm 2014. (Đồ thị 3)
 
Đồ thị 3: Diễn biến và khối lượng giao dịch của chỉ số VnIndex năm 2015
 
(Nguồn: Viện CL&CSTC tổng hợp)

Ngay từ thời điểm quý I/2015, giai đoạn tăng điểm không được như kỳ vọng so với các năm trước đã dự báo một năm nhiều rủi ro trên thị trường chứng khoán (chỉ tăng khoảng 4% trong quý I/2015 so với mức trung bình tăng điểm hơn 20% trong quý I của giai đoạn 2012 - 2014). Tổng quan trong năm 2015 đã có 2 đợt giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán vào tháng 5/2015 và tháng 8/2015. Cụ thể, đợt giảm điểm đầu tiên bắt đầu từ tháng 3, khi chỉ số VnIndex mới khôi phục lại mốc 600 điểm kể từ thời điểm cuối năm 2014, và kết thúc vào tháng 5/2015 đã lấy đi của VnIndex 71,44 điểm, tương ứng mức giảm gần 12% trong 2 tháng. Và đợt giảm điểm thứ hai diễn ra trong 2 tháng 7 - 8/2015 đã kéo chỉ số VnIndex về mức 526,93 điểm, thấp nhất trong khoảng 8 tháng trước đó.
Tuy nhiên, tiếp theo những đợt giảm điểm, thị trường chứng khoán cũng đã có những phiên phục hồi cần thiết ngay sau đó giúp chỉ số VnIndex không bị giảm quá sâu. Một số thông tin tích cực xuất hiện trên thị trường tạo hiệu ứng tăng điểm cho chỉ số VnIndex là: (i) Chính sách phát triển TTCK từ phía cơ quan quản lý nhà nước (như: xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh với sự ra đời của Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh; Nới lỏng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết với sự ra đời của Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP hay xu hướng rút ngắn thời gian giao dịch trong các năm gần đây); (ii) Các nhóm cổ phiếu thay phiên nhau dẫn dắt thị trường tăng điểm như bất động sản, tài chính, ngân hàng (dù có giai đoạn sụt giảm nhưng vẫn tăng giá khá mạnh so với thời điểm cuối năm 2014); (iii) Sau 5 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua bởi 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam vào đầu tháng 10/2015. Việc các quốc gia hoàn tất TPP đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thủy sản, da giầy, gỗ, phân phối ô tô…
Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, lại chứng kiến đợt bán ròng khá mạnh của nhóm nhà đầu tư ngoại khi trong chưa đầy 2 tháng (tháng 11 - 25/12) nhóm này đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá hơn 2.400 tỷ đồng (trong đó có phiên giao dịch ngày 10/12 bán ròng 440 tỷ đồng, lớn nhất trong năm 2015). Nguyên nhân cho đợt bán ròng này có thể đến từ việc quyết định tăng lãi suất của FED đã được dự báo từ trước. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (và các thị trường mới nổi khác) đều có xu hướng bán ròng để thực hiện 2 mục tiêu: cơ cấu danh mục đầu tư vào dịp cuối năm và rút vốn để đầu tư vào những tài sản có thể tốt hơn trong thời gian tới như trái phiếu và tiền USD. Bên cạnh đó, với quyết định tăng lãi suất của FED, đồng USD được dự báo sẽ mạnh lên và có thể tác động tới đồng VND, dẫn tới khả năng NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND trong tương lai gần cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu. Theo thống kê của Reuters thì các quỹ ETF tại TTCK mới nổi đã rút ra khoảng 430 triệu USD trong 30 ngày từ giữa tháng 11 - tháng 12 và tại riêng Việt Nam thì con số này là 43,5 triệu USD (tương đương gần 1.000 tỷ đồng). Với việc phần lớn nhà đầu tư trên thị trường là nhà đầu tư cá nhân nên hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài có tác động khá lớn tới quyết định của nhóm nhà đầu tư cá nhân, qua đó tác động tới diễn biến của thị trường chung. Những phiên giao dịch bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thường dẫn tới xu hướng giảm giá hàng loạt trên SGDCK khi các nhà đầu tư cá nhân cũng thực hiện theo quyết định đó.
 
4. Thị trường bảo hiểm
Trong  năm 2015, thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng khả quan, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tích cực triển khai các hoạt động kinh doanh với các sản phẩm bảo hiểm mới7, mô hình kinh doanh mới. Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trong năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 81.374 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% GDP. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 68.024 tỷ đồng, tăng 21,43% so với cùng kỳ; trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.374 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014 và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.650 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Về chi trả quyền lợi bảo hiểm, trong năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường thực và trả tiền bảo hiểm ước đạt 21.160 tỷ đồng, ước tăng 7,1% so với năm 2014, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bồi thường ước đạt 13.177 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bồi thường ước đạt 7.983 tỷ đồng. Đặc biệt các doanh nghiệp bảo hiểm đã cơ bản giải quyết xong việc bồi thường cho khách hàng tham gia bảo hiểm trong vụ việc gây rối trật tự tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh, với số tiền gần 1.000 tỷ đồng.
 
5. Triển vọng năm 2016
Trong năm 2016, chính sách tiền tệ có thể sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tỷ giá kinh tế ở mức hợp lý. Tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ được duy trì ở mức dưới 20%, nhằm đảm bảo tương xứng với tỷ lệ tăng trưởng 6,7% và cũng nhằm hỗ trợ cho thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển. Ngoài ra, tăng trưởng huy động và tổng phương tiện thanh toán có thể sẽ được định hướng tăng cao hơn năm trước nhằm bảo đảm thanh khoản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn 2 chỉ tiêu này trong năm 2015.
Đối với lãi suất thị trường mở OMO vốn được điều hành với mục đích chính là điều chỉnh lãi suất ngắn hạn trên thị trường nợ nhằm kiểm soát lạm phát, thì nửa đầu năm 2016, nhiều khả năng sẽ tiếp tục được giữ ổn định ở mức 5%, bởi trong thời gian ngắn sắp tới, áp lực lạm phát của Việt Nam khá thấp, do giá dầu được dự kiến tiếp tục giảm và cũng bởi cán cân thương mại của Việt Nam đang trong tình trạng thâm hụt8. Tuy nhiên, nhiều khả năng lãi suất này sẽ tăng khoảng 0,5% trong nửa cuối năm 2016, vì lạm phát và GDP được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, lộ trình nâng lãi suất của FED trong năm 2016 sẽ tạo ra sức ép lên mặt bằng lãi suất đồng VND của Việt Nam.
Trên thị trường ngoại hối trong nước, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục chịu sức ép tăng giá do: (i) USD liên tục tăng giá và chu kỳ tăng lãi suất vừa được FED mở ra trong năm 2016; (ii) Định hướng duy trì mặt bằng lãi suất VND thấp để hỗ trợ tăng trưởng và tâm lý đầu cơ USD; (iii) Thâm hụt thương mại có xu hướng gia tăng; (iv) Thị trường vẫn còn nhiều đợt cao điểm về nhu cầu ngoại tệ trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ của một số yếu tố như: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân duy trì xu hướng tăng tích cực9, lạm phát đang ở mức thấp nhất 14 năm trở lại đây, kiều hối được dự báo có thể đạt 12,25 tỷ USD trong năm 201510, khiến cho mức độ biến động trên thị trường có thể là không quá lớn.
Trên thị trường chứng khoán, những yếu tố cơ bản hỗ trợ thị trường vẫn còn, như tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, khuôn khổ pháp lý của thị trường, tiềm năng đón nhận dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài… bên cạnh những lo ngại về tình hình kinh tế của Trung Quốc có thể tác động đến thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, nhiều khả năng TTCK những tháng đầu năm sẽ biến động nhẹ, không duy trì được xu thế tăng điểm như các năm trước đây.
Thị trường bảo hiểm dự báo tăng trưởng tốt, trong điều kiện thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng: (i) Tốc độ tăng trưởng của thị trường có xu hướng tăng qua các năm; (ii) Mới chỉ có 6% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm và các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các nghiệp vụ mới; (iii) Việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho thị trường bảo hiểm phát triển.
 
 
1Theo NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nông, lâm, nghiệp, thủy sản tính đến tháng 9/2015 đạt 13,08% cao hơn nhiều so với mức 8,83% của cùng kỳ năm trước. Tín dụng cho xây dựng tính đến tháng 9/2015, tăng 14,29% cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,25%. Ðối với vận tải, viễn thông tín dụng đã tăng 11,97%, cao hơn so với mức tăng trưởng âm của năm trước là -2,06%.
2Ngày 12/8, NHNN đã điều chỉnh biên độ dao động tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%. Ðây là lần chỉnh biên độ dao động tỷ giá đầu tiên kể từ lần gần đây nhất là ngày 11/2/2011, hạ biên độ dao động từ +/-3% lên +/-1%.Ðến ngày 19/8, NHNN tiếp tục điều chỉnh biên độ dao động tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
3Trong 3 ngày từ 11-13/8/2015, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ 4,6%.
4So với thời điểm đầu năm 2015, đến nay (ngày 31/12), đồng EUR đã mất giá tới 10,3% so đồng USD, đồng GBP cũng đã mất giá 5,2% so với USD.
5Thâm hụt thương mại hàng hóa năm 2015 của cả nước ước khoảng  3,17 tỷ USD.
6Theo Quyết định số 1938/QÐ-NHNN ngày 25 tháng 9 năm 2015 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ ngày 28/9/2015 lãi suất gửi USD với tổ chức còn 0%/năm (mức cũ 0,25%/năm). Lãi suất tiền gửi của cá nhân cũng được hạ xuống mức 0%/năm (mức cũ là 0,25%/năm)  từ 18/12 theo Quyết định số 2589/QÐ-NHNN.
7Trong năm 2015, đã có 16 sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của các DNBH phi nhân thọ và 46 sản phẩm mới của các DNBH nhân thọ được phê chuẩn.
8Theo HSBC, chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 9-2015 của Việt Nam đã giảm từ mức 51,3 điểm trong tháng 8 xuống còn 49,5 điểm - kết quả yếu nhất kể từ tháng 8-2013, với sự suy giảm mạnh ở các đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại. Xuất khẩu giảm cùng với nhu cầu nội địa phục hồi có nghĩa rằng cán cân thương mại của Việt Nam lại rơi vào thâm hụt, dẫn đến kỳ vọng lạm phát và tăng trưởng trong thời gian ngắn sắp tới cũng ở mức thấp.
9Trong 12 tháng năm 2015, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% với cùng kỳ năm 2014.
10Theo WB (2015) về di cư và kiều hối, lượng kiều hối  Việt Nam đón nhận trong 2015 tăng khoảng 0,25 tỷ USD so với năm 2014, đạt mức khoảng 12,25 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới và đứng thứ 3 ở khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines, về lượng kiều hối nhận được.
 
 
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Thùy Vân (2015), “Thị trường Tài chính Việt Nam trước những biến động của thị trường tài chính thế giới”. Tạp chí Tài chính tháng 10/2015.
2. Lê Thị Thùy Vân (2016), “ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất: Tác động đến Việt Nam và kiến nghị chính sách”. Tạp chí Tài chính số 1/2016
3. WB (2016), Báo cáo “Migration and remittances factbook 2015”
4. http://www.hnx.vn
5. http://www.hsx.vn
6. http://www.sbv.gov
7. http://www.mof.gov.vn
 
(Tạp chí Ngân hàng số 3+4, tháng 2/2016)
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
Thực thi chính sách tín dụng nông thôn - Kinh nghiệm của Brazil
16/04/2024 971 lượt xem
Chính sách tín dụng nông thôn (tín dụng nông thôn) ở Brazil là các chương trình cho vay nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, năng suất và đầu tư; nâng cao thu nhập của các trang trại và doanh nghiệp; nâng cao mức sống của người dân nông thôn.
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
Cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
04/04/2024 2.314 lượt xem
Bài viết phân tích, đánh giá một số kinh nghiệm quốc tế về cơ cấu thu NSNN bền vững thông qua bốn loại thuế, gồm: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế TTĐB. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện cơ cấu thu NSNN bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 4.290 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 9.204 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 5.868 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 7.980 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 6.545 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 6.514 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
26/01/2024 7.774 lượt xem
Sau những cú sốc mạnh trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023.
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
15/01/2024 8.207 lượt xem
Chuyển đổi số và sự bùng nổ công nghệ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh. Xu hướng thay đổi này dẫn đến quá trình số hóa trong các lĩnh vực như sản xuất, chuỗi cung ứng, tài chính và các dịch vụ phụ trợ khác.
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
05/01/2024 8.982 lượt xem
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ sụp đổ của những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính chất dễ đổ vỡ của ngân hàng. Việc một ngân hàng đổ vỡ thể hiện kỉ luật thị trường đối với những ngân hàng có hoạt động kinh doanh thiếu an toàn, lành mạnh nhưng lại tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng và người gửi tiền.
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
21/12/2023 10.429 lượt xem
Sự chuyển dịch nhanh chóng của hệ thống tiền tệ số toàn cầu đã khiến chính phủ các nước có phần lúng túng trong việc thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi chi tiêu và đầu tư của người dân.
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
20/12/2023 9.637 lượt xem
Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bài viết này tóm lược sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi trong thời gian hơn một thập kỉ vừa qua và việc Trung Quốc sử dụng lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
16/11/2023 10.765 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
06/11/2023 10.603 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity - based Crowdfunding - ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

81.000

83.500

Vàng SJC 5c

81.000

83.520

Vàng nhẫn 9999

74.200

76.100

Vàng nữ trang 9999

74.000

75.300


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 25,145 25,485 26,411 27,860 30,670 31,974 159.56 168.87
BIDV 25,185 25,485 26,528 27,748 30,697 31,977 159.6 168
VietinBank 25,160 25,485 26,651 27,946 31,096 32,106 161.07 169.02
Agribank 25,180 25,485 26,599 27,900 30,846 32,001 160.64 168.67
Eximbank 25,160 25,485 26,632 27,531 30,915 31,959 161.35 166.79
ACB 25,190 25,485 26,768 27,476 31,178 31,876 161.53 166.97
Sacombank 25,250 25,485 26,880 27,440 31,315 31,817 162.5 167.51
Techcombank 25,228 25,485 26,523 27,869 30,720 32,037 157.83 170.27
LPBank 24,943 25,485 26,344 27,844 31,044 31,948 159.37 170.59
DongA Bank 25,250 25,485 26,760 27,440 31,070 31,920 159.80 166.90
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,60
1,60
1,90
2,90
2,90
4,60
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?