Khủng bố là một trong những vấn đề nghiêm trọng và nguy cơ hàng đầu đối với an ninh toàn cầu. Sự phát triển không ngừng của các mạng lưới, thủ đoạn tài trợ khủng bố đã tạo ra một loạt các thách thức phức tạp cho cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với khủng bố. Bài viết sẽ tìm hiểu khái niệm, quy trình tài trợ khủng bố và hậu quả của nó, cũng như nhìn nhận về công tác phòng, chống tài trợ khủng bố ở Việt Nam.
Tài trợ khủng bố
Tài trợ khủng bố là một khái niệm tương đối mới và phức tạp trong các nghiên cứu học thuật cũng như pháp luật Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về khái niệm này, cần tìm hiểu cụ thể dưới hai góc độ: Trong các nghiên cứu học thuật và trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Về mặt học thuật, tài trợ khủng bố là việc cung cấp tài chính hoặc nguồn lực khác để hỗ trợ các hoạt động khủng bố, bao gồm việc cung cấp tiền bạc, vũ khí, đào tạo và hỗ trợ hậu cần cho các tổ chức khủng bố. Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức trên thế giới, tài trợ khủng bố là một hoạt động nguy hiểm và phi pháp mà các tổ chức khủng bố sử dụng để duy trì hoạt động.
Cung cấp tiền bạc: Tài trợ khủng bố thường bắt đầu từ việc cung cấp tiền bạc cho các tổ chức khủng bố. Tiền này có thể được chuyển qua các kênh tài chính hợp pháp hoặc phi pháp để che đậy nguồn gốc và đảm bảo tính bí mật.
Các ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng
trong việc ngăn chặn tài trợ khủng bố thông qua hệ thống tài chính
Cung cấp vũ khí: Tài trợ khủng bố cũng có thể bao gồm việc cung cấp vũ khí, đạn dược và trang thiết bị quân sự khác cho các nhóm khủng bố. Điều này giúp họ thực hiện các hoạt động bạo lực.
Đào tạo: Tài trợ khủng bố có thể liên quan đến việc cung cấp đào tạo quân sự, chiến thuật, và kĩ năng cần thiết cho các thành viên của tổ chức khủng bố. Điều này giúp nâng cao khả năng hoạt động của chúng.
Các ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tài trợ khủng bố thông qua hệ thống tài chính
Hỗ trợ hậu cần: Tài trợ khủng bố cũng có thể bao gồm việc cung cấp hỗ trợ hậu cần như thực phẩm, chỗ ở, y tế, và giao thông cho các nhóm khủng bố, giúp chúng duy trì và mở rộng hoạt động.
Theo pháp luật Việt Nam, khái niệm “tài trợ khủng bố” được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013 như sau: “Tài trợ khủng bố là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kì hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố”. Trước đó, năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 1999 đã quy định bổ sung tội tài trợ khủng bố vào Điều 230b: “Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kì hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm”. Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định cụ thể hơn các hành vi liên quan đến tài trợ khủng bố và đưa ra các quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự (bao gồm cá nhân và pháp nhân thương mại) đối với hoạt động này. Điều 300 Bộ luật Hình sự năm 2015, được bổ sung bởi khoản 102 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định về tội tài trợ khủng bố như sau:
“Tội tài trợ khủng bố
1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kì hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐTP ngày 25/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 300 Bộ luật Hình sự như sau:
“Huy động tiền, tài sản dưới bất kì hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố” quy định tại khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi vận động, kêu gọi cá nhân, tổ chức cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
“Hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kì hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố” quy định tại khoản 1 Điều 300 của Bộ luật Hình sự là hành vi cung cấp, tặng cho, cho vay tiền, cho mượn tài sản hoặc dưới hình thức khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã sửa đổi và bổ sung một số quy định tại Luật Phòng, chống khủng bố liên quan đến tài trợ khủng bố để đảm bảo rằng Việt Nam có cơ sở pháp lí mạnh mẽ để ngăn chặn tài trợ khủng bố và đảm bảo an ninh quốc gia.
Về quy trình tài trợ khủng bố, có thể thấy quy trình điển hình tài trợ khủng bố có sự tương đồng với quy trình rửa tiền. Quá trình tài trợ khủng bố thường bắt đầu từ việc thu thập tiền từ các nguồn tài chính khác nhau, sau đó chuyển tiền này thông qua mạng lưới tài chính phức tạp để che đậy nguồn gốc. Tiền này sau đó được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động khủng bố. Các bước của quy trình này thông thường bao gồm:
Bước 1. Thu thập: Quá trình tài trợ khủng bố thường bắt đầu từ việc thu thập tiền từ các nguồn tài chính khác nhau. Đây có thể là tiền mặt, tài sản, hoặc tài chính khác như tài khoản ngân hàng. Người tài trợ khủng bố có thể sử dụng các phương thức khác nhau để lấy tiền này, bao gồm cả hoạt động trái phép như trộm cắp, buôn bán ma túy, hoặc lừa đảo tài chính.
Bước 2. Phát tán: Sau khi thu thập tiền, người tài trợ cần chuyển gửi tiền này thông qua mạng lưới tài chính phức tạp để che đậy nguồn gốc. Các nguồn tài chính này có thể bao gồm ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức phi chính phủ, hoặc cả tiền điện tử và tiền ảo. Mạng lưới này thường bao gồm nhiều tầng và liên kết đa dạng, làm cho việc theo dõi trở nên khó khăn.
Bước 3. Quy tụ: Tiền sau khi chuyển gửi thông qua mạng lưới tài chính này sau đó được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động khủng bố, có thể bao gồm: (i) Mua vũ khí, đạn dược, và trang thiết bị quân sự để tăng cường khả năng tấn công của các tổ chức khủng bố; (ii) Trả lương, hưởng thụ và cung cấp các dịch vụ cho các thành viên của tổ chức khủng bố, đảm bảo duy trì sự trung thành và hoạt động; (iii) Xây dựng cơ sở hậu cần như chỗ ở, y tế và giao thông để đảm bảo sự tiếp tục của các hoạt động khủng bố.
Quy trình tài trợ khủng bố đang dần trở nên phức tạp hơn do sự phát triển của công nghệ và mạng lưới tài chính. Điều này đặt ra thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc tìm hiểu và cập nhật các phương thức, thủ đoạn tài trợ khủng bố nhằm ngăn chặn tài trợ khủng bố và bảo vệ an ninh toàn cầu. Việc sử dụng tiền điện tử, tiền ảo và các công nghệ khác khiến cho việc theo dõi và ngăn chặn tài trợ khủng bố ngày càng trở nên khó khăn, thách thức hơn. Dưới đây là những phương thức mới đang xuất hiện:
Tiền điện tử và tiền ảo: Việc sử dụng tiền điện tử và tiền ảo đã giúp hoạt động tài trợ khủng bố có thể diễn ra hoàn toàn trực tuyến, dẫn đến việc những kẻ khủng bố dễ dàng che giấu nguồn gốc của tiền, tài sản do các giao dịch này không cần sự can thiệp của ngân hàng hoặc hệ thống tài chính truyền thống.
Sử dụng các ứng dụng mã hóa: Các công nghệ mã hóa khiến cho việc theo dõi các giao dịch tài trợ khủng bố trở nên khó khăn, việc xác định và ngăn chặn tài trợ khủng bố trở nên thách thức hơn.
Hệ thống tài chính phi chính phủ: Khủng bố thường lợi dụng các tổ chức phi chính phủ để thực hiện tài trợ khủng bố, tạo ra khó khăn trong việc xác định nguồn gốc và mục đích sử dụng tiền khi các tổ chức này thường hoạt động ở nhiều quốc gia và đòi hỏi sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ để chống lại tài trợ khủng bố.
Sử dụng các công nghệ giao dịch ẩn danh: Các công nghệ giao dịch ẩn danh (như mạng lưới Tor) và các loại tiền điện tử riêng tư đã làm cho việc theo dõi và truy tìm các giao dịch tài trợ khủng bố trở nên khó khăn hơn, đồng thời bảo vệ tính riêng tư của những người liên quan.
Tác hại của tài trợ khủng bố
Tài trợ khủng bố hỗ trợ trực tiếp cho khủng bố với những hậu quả nặng nề không chỉ ảnh hưởng an ninh quốc gia mà còn có tác động xấu đến sự ổn định kinh tế - xã hội, dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng gồm thất thoát của nguồn tài chính và nguồn lực quốc gia; tạo điều kiện cho các tổ chức khủng bố hoạt động và phát triển mạnh mẽ; gây ra thương vong người dân và sự hoảng loạn trong xã hội.
Thất thoát của nguồn tài chính và nguồn lực quốc gia: Tài trợ khủng bố là bệ đỡ nguồn lực để khủng bố thực hiện các hoạt động phi pháp nguy hiểm có tác động lớn đối với an ninh quốc gia, sự ổn định kinh tế - xã hội của quốc gia nói riêng và trên toàn cầu nói chung, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và dẫn đến sự thất thoát lớn nguồn tài chính cũng như nguồn lực quốc gia.
Trên phạm vi toàn cầu, tài trợ khủng bố dẫn đến thất thoát đáng kể nguồn lực tài chính khi các tổ chức khủng bố sử dụng tiền, tài sản để hỗ trợ các hoạt động bạo lực, tiêu tiền cho việc mua vũ khí, đào tạo và duy trì cơ sở hậu cần. Các vụ tấn công khủng bố, đặc biệt là những vụ tấn công lớn, gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và có thể làm suy yếu hệ thống kinh tế, gây mất mát lớn cho doanh nghiệp và các ngành công nghiệp. Điều này khiến các quốc gia phải tăng cường chi tiêu cho an ninh và phòng ngừa khủng bố để đối phó với nguy cơ tài trợ khủng bố như đầu tư vào lực lượng an ninh và thông tin tình báo, làm tăng áp lực tài chính quốc gia. Đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển không có đủ nguồn lực để đối phó với nguy cơ tài trợ khủng bố, an ninh kém và nguy cơ khủng bố có thể làm cho các nhà đầu tư quốc tế tránh xa khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi tài trợ khủng bố gây thất thoát của cơ hội đầu tư và sự phát triển kinh tế trong các nước đang phát triển.
Tạo điều kiện cho các tổ chức khủng bố hoạt động và phát triển mạnh mẽ: Tài trợ khủng bố là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển và hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức khủng bố trên khắp thế giới. Một trong những cách quan trọng nhất để tổ chức khủng bố tồn tại và phát triển là có đủ nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Tài trợ khủng bố cung cấp tiền bạc và tài sản cho các tổ chức này, cho phép chúng mua vũ khí, trang thiết bị quân sự, và duy trì các cơ sở hậu cần. Điều này tạo ra sự động viên cho các thành viên của tổ chức khủng bố để duy trì lòng trung thành và năng suất. Nếu không có nguồn tài chính ổn định, tổ chức khủng bố có thể suy yếu và trở nên dễ bị tiêu diệt.
Gây ra thương vong người dân và sự hoảng loạn trong xã hội: Tài trợ khủng bố gây ra thương vong người dân và sự hoảng loạn trong xã hội là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của loại tội phạm này. Tài trợ khủng bố tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố khác nhau hợp tác và thực hiện các tấn công chung. Việc chia sẻ tài chính và nguồn lực giữa các tổ chức khủng bố làm tăng khả năng thực hiện tấn công lớn. Các tổ chức khủng bố có thể sử dụng tiền tài trợ để phát công nghệ và trang thiết bị kĩ thuật để thuê chuyên gia và nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, vũ khí và truyền thông. Điều này làm cho tổ chức khủng bố trở nên nguy hiểm hơn và khó theo dõi hơn đối với cơ quan thực thi pháp luật và quân đội. Đặc biệt khi việc tài trợ khủng bố được tiến hành qua các mạng lưới tài chính phức tạp và được che giấu kĩ lưỡng. Điều này tạo ra thách thức lớn cho các cơ quan tình báo và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc theo dõi và ngăn chặn hoạt động của các tổ chức khủng bố.
Một số vụ khủng bố đã xảy ra là minh chứng rõ nhất cho hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của khủng bố:
Vụ đánh bom 11/9 tại Mỹ (năm 2001): Một trong những vụ tấn công khủng bố nổi tiếng nhất trong lịch sử, vụ đánh bom 11/9 đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Ngoài thương vong vật lí, sự hoảng loạn và sợ hãi đã lan rộng trong cả nước Mỹ và trên toàn thế giới. Cuộc tấn công này đã gây ra những thay đổi cấu trúc toàn diện về an ninh và chính trị.
Vụ đánh bom 7/7 tại London (năm 2005): Cuộc tấn công này là một ví dụ khác về tác hại của khủng bố. Vào ngày 07/7/2005, một nhóm khủng bố tự sát đã thực hiện loạt vụ đánh bom trên hệ thống giao thông công cộng ở London, Anh. Kết quả là 52 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Sự kinh hoàng và lo sợ đã lan tỏa trong cộng đồng và gây ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và cuộc sống hàng ngày của người dân.
Cuộc tấn công bất ngờ tại Paris (2015): Vào tháng 11/2015, Paris, Pháp đã chứng kiến một loạt vụ tấn công khủng bố bất ngờ. Những cuộc tấn công này đã khiến 130 người thiệt mạng và hơn 350 người khác bị thương, thể hiện sự tàn ác của khủng bố và tác động đối với cả một quốc gia.
Cuộc tấn công bởi ISIS tại Istanbul (2016): Vào tháng 6/2016, một cuộc tấn công bằng bom tự sát đã xảy ra tại sân bay Istanbul Atatürk ở Thổ Nhĩ Kì, làm 45 người thiệt mạng và hơn 230 người bị thương. Cuộc tấn công này đã tạo ra sự hỗn loạn và lo sợ trong xã hội Thổ Nhĩ Kì và gây ra sự lo ngại về an ninh quốc gia.
Công tác phòng, chống tài trợ khủng bố
Công ước và các chuẩn mực quốc tế
Công ước và các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống khủng bố đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống tài chính an toàn và ngăn chặn tài trợ khủng bố. Hai tài liệu quốc tế quan trọng trong lĩnh vực này là Công ước chống tài trợ khủng bố - 1999 và các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF).
Công ước chống tài trợ khủng bố - 1999: Công ước này nắm giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống quy định quốc tế về phòng, chống khủng bố bằng việc thiết lập các biện pháp quốc tế để ngăn chặn và trừng phạt tài trợ khủng bố. Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp cụ thể để ngăn chặn và truy cứu tội tài trợ khủng bố, trong đó chú trọng đến việc đánh giá và tăng cường khả năng tình báo tài chính, xác minh danh tính của các khách hàng và báo cáo các giao dịch đáng ngờ. Ngoài ra, Công ước cũng khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc chống lại tài trợ khủng bố và xây dựng các biện pháp phòng ngừa.
Các khuyến nghị của FATF: FATF là một tổ chức quốc tế tập trung vào việc đối phó với rửa tiền và tài trợ khủng bố. FATF đã phát triển một loạt các khuyến nghị, trước đây là "40+9 Khuyến nghị" và hiện nay là "40 Khuyến nghị". Những khuyến nghị này bao gồm các biện pháp phòng, chống tài trợ khủng bố, đặc biệt là việc kiểm tra và theo dõi các hoạt động tài chính, xác minh danh tính của khách hàng và báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền. FATF yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ các biện pháp này và thực hiện các biện pháp kiểm tra tuân thủ để đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống phòng, chống tài trợ khủng bố.
Cả hai tài liệu này đều cung cấp các nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể để giúp quốc gia thành viên xây dựng và duy trì hệ thống phòng, chống tài trợ khủng bố hiệu quả. Sự tuân thủ và thực thi đúng các chuẩn mực quốc tế này là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng tài trợ khủng bố không thể sử dụng hệ thống tài chính của một quốc gia hay quốc tế để thực hiện các hoạt động nguy hiểm cho an ninh quốc gia và sự ổn định toàn cầu.
Các quốc gia thành viên của FATF đã thiết lập các quy định và pháp luật nghiêm ngặt để đảm bảo sự hợp tác của các ngân hàng trong việc phòng, chống tài trợ khủng bố (Mỹ, Pháp, Anh và Úc). Ví dụ như tại Mỹ, ngân hàng thương mại phải tuân thủ nhiều quy định pháp luật để phòng, chống tài trợ khủng bố, bao gồm: Đạo luật PATRIOT yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng và thực hiện các chương trình phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, báo cáo giao dịch đáng ngờ cho cơ quan nhà nước. Mỹ có Văn phòng quản lí tài sản nước ngoài (OFAC) để quản lí danh sách đen của các cá nhân và tổ chức bị cấm tham gia vào các hoạt động tài chính do liên quan đến tài trợ khủng bố; ngân hàng phải tuân thủ các yêu cầu của OFAC. Tương tự tại các quốc gia như Anh, Úc và Pháp đều có các đạo luật yêu cầu các ngân hàng phải tuân thủ nghĩa vụ về phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố như xây dựng các chương trình phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, báo cáo các hoạt động đáng ngờ cho cơ quan tình báo tài chính quốc gia.
Quy định của pháp luật Việt Nam và nghĩa vụ của các ngân hàng thương mại
Điều 300 Bộ luật Hình sự quy định về tài trợ khủng bố và hình phạt đối với những người tham gia vào hoạt động này.
Luật Phòng, chống khủng bố và các văn bản có liên quan: Ngoài Bộ luật Hình sự, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản khác như Luật Phòng, chống khủng bố, các nghị định, quyết định có liên quan để thực hiện phòng, chống tài trợ khủng bố. Luật Phòng, chống khủng bố quy định tại Chương V. Chống tài trợ khủng bố gồm các Điều: Điều 33. Phát hiện tài trợ khủng bố, tiếp nhận, xử lí tin báo, tố giác về tài trợ khủng bố; Điều 34. Nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng và áp dụng biện pháp tạm thời; Điều 35. Kiểm soát vận chuyển tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã sửa đổi và bổ sung Điều 34 và Điều 35 của Luật Phòng, chống khủng bố để đảm bảo rằng Việt Nam có cơ sở pháp lí mạnh mẽ để ngăn chặn tài trợ khủng bố. Theo đó, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan áp dụng quy định tại các điều từ Điều 9 đến Điều 40 của Luật Phòng, chống rửa tiền để nhận biết khách hàng, thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo về phòng, chống tài trợ khủng bố. Ngay khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc khách hàng nằm trong danh sách đen thì tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan báo cáo cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải áp dụng các biện pháp tạm thời theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Nhìn vào quy trình tài trợ khủng bố và thực tiễn cho thấy, trong cuộc chiến chống khủng bố, các ngân hàng thương mại đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tài trợ khủng bố thông qua hệ thống tài chính. Theo quy định tại các văn bản pháp luật nêu trên, các ngân hàng thương mại Việt Nam có nhiệm vụ chặt chẽ trong việc theo dõi các giao dịch tài chính và báo cáo các hoạt động nghi ngờ liên quan đến tài trợ khủng bố cho các cơ quan chức năng.
Kết luận
Tài trợ khủng bố là một nguy cơ lớn đối với an ninh toàn cầu và sự ổn định kinh tế - xã hội. Việc nắm rõ khái niệm, quy trình tài trợ và tác hại của tài trợ khủng bố là cần thiết để xây dựng các biện pháp phòng, chống tài trợ khủng bố hiệu quả. Việt Nam đã có những bước tiến cụ thể trong việc đặt ra các quy định và nghĩa vụ cụ thể để ngăn chặn tài trợ khủng bố và đảm bảo an ninh quốc gia, đặc biệt trong hệ thống ngân hàng.
Tăng cường công tác phòng, chống tài trợ khủng bố trong hệ thống ngân hàng đòi hỏi sự hợp tác, đầu tư vào công nghệ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chuẩn mực quốc tế. Công tác phòng, chống tài trợ khủng bố trong hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng để đảm bảo rằng nguồn tài chính không thể sử dụng để hỗ trợ các hoạt động khủng bố và bảo vệ an ninh quốc gia. Để tăng cường công tác phòng, chống tài trợ khủng bố trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại cần tăng cường thực hiện các giải pháp sau đây:
(1) Đào tạo và nâng cao nhận thức: Các ngân hàng cần được đào tạo để có đủ thông tin về tài trợ khủng bố và biết cách nhận diện các dấu hiệu đáng ngờ liên quan tới tài trợ khủng bố, thực hiện đầy đủ báo cáo và các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật.
(2) Đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tích cực hợp tác với cơ quan quản lí nhà nước: Ngân hàng cần phải ban hành các quy định nội bộ để triển khai quy định pháp luật về phòng, chống tài trợ khủng bố, đồng thời có cơ chế hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lí và cơ quan thực thi pháp luật để đảm bảo rằng các biện pháp phòng, chống tài trợ khủng bố được thực thi một cách hiệu quả.
(3) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: Hoạt động tài trợ khủng bố ngày càng bị tác động bởi tiến bộ công nghệ. Do đó, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) phải được ứng dụng để có thể theo dõi và phát hiện các hoạt động tài trợ khủng bố, tự động phát hiện các giao dịch đáng ngờ một cách hiệu quả hơn.
(4) Tăng cường sự trách nhiệm tại cấp lãnh đạo: Sự cam kết của lãnh đạo ngân hàng đối với công tác phòng, chống tài trợ khủng bố là yếu tố quan trọng, đảm bảo rằng toàn bộ tổ chức áp dụng các biện pháp phòng, chống tài trợ khủng bố và tuân thủ các quy định.
(5) Giám sát các giao dịch tiền ảo, tài sản ảo: Với sự phát triển của tiền ảo, tài sản ảo và thực tiễn hoạt động tài trợ khủng bố thời gian qua, ngân hàng cần kiểm tra và theo dõi các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo để ngăn chặn tài trợ khủng bố thông qua các kênh này.
(6) Hợp tác quốc tế: Tài trợ khủng bố là hoạt động thường diễn ra xuyên biên giới quốc gia, vì vậy ngân hàng cần hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng đối tác và cơ quan quản lí của quốc gia mình và các quốc gia khác để chia sẻ thông tin và thông báo về các hoạt động đáng ngờ. Việc chia sẻ thông tin và hợp tác trong việc theo dõi, ngăn chặn tài trợ khủng bố trên toàn cầu sẽ giúp hệ thống tài chính trở nên bền vững và khó bị lợi dụng hơn đối với các tổ chức khủng bố.
ThS. Nguyễn Thị Minh Thơ
Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền - NHNN