Tác động của thu hẹp quan hệ đại lý đối với nghiệp vụ ngân hàng quốc tế
30/11/2020 11.305 lượt xem
Trong bối cảnh hệ thống các ngân hàng phát triển nhanh chóng cùng với xu hướng toàn cầu hóa và thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, các ngân hàng đang dần chú trọng tới việc liên minh, hợp tác với nhau, nhằm giảm thiểu chi phí, thời gian giao dịch và gia tăng năng lực cạnh tranh của mình. Không dừng lại ở quy mô nội địa, các ngân hàng không ngừng hợp tác, liên kết với các tổ chức nước ngoài thông qua việc thiết lập quan hệ đại lý.
 
Quan hệ đại lý phát triển không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ ngân hàng hiện đại, mà còn mở rộng thị trường cho hoạt động ngân hàng quốc tế. Tuy nhiên, các khảo sát của nhiều tổ chức tài chính có uy tín trên thế giới cho thấy rằng, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đang thu hẹp dần quan hệ ngân hàng đại lý. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả muốn đề cập đến những tác động của thu hẹp này đến mảng nghiệp vụ ngân hàng quốc tế, cũng như các lưu ý đối với các ngân hàng thương mại khi thiết lập quan hệ đại lý.
 
1. Một số vấn đề cơ bản về ngân hàng đại lý
 
Ngân hàng đại lý (NHĐL) là một ngân hàng địa phương, thực hiện một số dịch vụ cho một, hoặc nhiều ngân hàng nước ngoài thông qua một thỏa ước ngân hàng được ký kết, có quy định rõ về các trách nhiệm và quyền hạn của NHĐL.(IMF, 2016) 
 
Hoạt động NHĐL là sự khởi đầu của việc thiết lập quan hệ hợp tác song phương giữa hai ngân hàng, bằng sự trao đổi SWIFT CODE và các hồ sơ pháp lý cho nhau, nhằm mục đích phục vụ các hoạt động ngân hàng quốc tế.
 
Khi thiết lập quan hệ đại lý, các ngân hàng cùng ký thỏa ước ngân hàng đại lý. Thỏa ước NHĐL là thỏa ước giữa hai ngân hàng về việc thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng trên cơ sở nguyên tắc hợp tác và cùng có lợi.
 
Một ngân hàng có thể có nhiều đại lý tại các ngân hàng khác nhau và cũng có thể đóng vai trò NHĐL cho nhiều ngân hàng. Các giao dịch thanh toán được thực hiện chủ yếu bằng chuyển khoản qua ngân hàng, bù trừ lẫn nhau trên các tài khoản mở tại các ngân hàng. (Hình 1)

 
NHĐL đóng vai trò quan trọng trong hoạt kinh doanh của ngân hàng. Bất kỳ một ngân hàng nào cũng đều gặp hạn chế khi tham gia vào một thị trường tài chính nhất định. Những hạn chế đó có thể là về không gian (do khác lãnh thổ), thời gian (do chênh lệch múi giờ), tập quán kinh doanh, năng lực kết nối, thông tin và mối liên hệ với khách hàng, thị trường, tập quán giao dịch, luật lệ địa phương… Do vậy, ngân hàng này phải sử dụng các dịch vụ của ngân hàng khác tại địa phương để thực hiện các giao dịch nhất định, nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất. NHĐL là một thành phần thiết yếu của hệ thống thanh toán toàn cầu, thông qua các mối quan hệ NHĐL. Các ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới cho khách hàng, hỗ trợ cho hoạt động thương mại quốc tế. Vì thế, NHĐL ngày càng khẳng định vai trò của nó đối với nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là nghiệp vụ thanh toán quốc tế, tài trợ ngoại thương. NHĐL có các đặc điểm sau:
 
Thứ nhất, khách hàng của NHĐL chủ yếu là các ngân hàng thương mại hoặc các định chế tài chính trung gian. Trên cơ sở thỏa ước NHĐL đã được ký kết, NHĐL sẽ tiến hành cung cấp các dịch vụ mà khách hàng yêu cầu. Mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại và các NHĐL của mình là quan hệ đối tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Quan hệ đại lý giúp giảm thiểu chi phí với thời gian cho cả hai bên, chính vì vậy khách hàng khi giao dịch với các ngân hàng có quan hệ đại lý với nhau sẽ nhận được nhiều quyền lợi và ưu đãi.
 
Thứ hai, nghiệp vụ NHĐL được xem là một trong các giao dịch bán buôn của các ngân hàng thương mại. Hầu hết các nghiệp vụ đại lý sẽ được thực hiện thông qua mạng truyền thông SWIFT với phương thức bù trừ tài khoản. Do vậy, về tổng thể, nghiệp vụ NHĐL giải quyết phần nào các giao dịch bán buôn giữa các ngân hàng thương mại với nhau, nhằm giảm bớt áp lực tiền mặt và củng cố quan hệ đối tác giữa các ngân hàng. 
 
Thứ ba, một số nghiệp vụ ngân hàng quốc tế như thanh toán quốc tế, tín dụng, bảo lãnh hay các nghiệp vụ tài trợ ngoại thương khác… sẽ không thể thực hiện được hoặc thực hiện không có hiệu quả nếu như thiếu đi hệ thống NHĐL. Thương mại quốc tế phát triển đặt ra nhu cầu thanh toán rất cao cho các bên đối tác. Bất kỳ hoạt động nào của ngân hàng có tính đến yếu tố xuyên biên giới đều kết thúc bằng việc chuyển giao và chu chuyển luồng tiền giữa hai ngân hàng. Chính vì vậy, một khi hai ngân hàng có quan hệ đại lý với nhau, nghiệp vụ NHĐL sẽ giúp đơn giản hóa, cũng như hỗ trợ rất nhiều cho các dịch vụ khác mà ngân hàng đang khai thác.
 
Thứ tư, nghiệp vụ NHĐL là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc nâng cao tính cạnh tranh của ngân hàng. Hệ thống tài chính toàn cầu phát triển buộc các ngân hàng phải liên kết với nhau, một mặt để mở rộng thị trường và đối tượng khách hàng, mặt khác nhằm nâng cao tính cạnh tranh dựa trên mối quan hệ đại lý đã mở với những ngân hàng khác có uy tín. Thay cho việc phải mở một chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ vấp phải rào cản pháp lý và những quy định của nước sở tại, thiết lập quan hệ đại lý với các ngân hàng nước ngoài được xem là một trong những phương thức đơn giản, hiệu quả và chi phí thấp khi một ngân hàng có ý định thâm nhập thị trường mới. Chính vì vậy, phân phối dịch vụ thông qua NHĐL thường áp dụng đối với những ngân hàng chưa có chi nhánh. Do đó, ngân hàng thường thông qua một ngân hàng có trụ sở tại địa điểm kinh doanh làm đại lý về một nghiệp vụ nào đó và NHĐL được hưởng hoa hồng, như: đại lý thanh toán, đại lý chuyển tiền,... Đây là một trong các loại kênh phân phối có xu thế phát triển cùng với xu thế toàn cầu hóa thị trường tài chính quốc tế. Đồng thời, đây cũng là bước đệm để ngân hàng thăm dò và tìm hiểu văn hóa địa phương cũng như các quy định pháp lý trước khi chính thức thâm nhập thị trường nước ngoài.
 
Trong hoạt động NHĐL, thường sử dụng tài khoản Nostro Vostro
 
“Tài khoản Nostro (Nostro theo tiếng Latin là “của chúng tôi”) là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn “của chúng tôi” mở tại NHĐL (chúng tôi là chủ tài khoản, còn NHĐL là người giữ tài khoản cho chúng tôi)” (Nguyễn Văn Tiến, 2014).
 
Tài khoản Nostro thường có số dư bằng ngoại tệ nên sẽ linh hoạt trong việc thanh toán do không phải mất thời gian và chi phí để chuyển đổi đồng tiền. 
 
Trên phương diện Việt Nam, tài khoản Nostro là tài khoản tiền gửi giao dịch vốn của các ngân hàng thương mại Việt Nam mở và duy trì tại các ngân hàng nước ngoài.
 
“Tài khoản Vostro (hay còn gọi là tài khoản Loro – theo tiếng Latin là “của các bạn”) là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn “của quý vị” mở tại ngân hàng chúng tôi (quý vị là chủ tài khoản, ngân hàng chúng tôi là người giữ tài khoản cho quý vị)” (Nguyễn Văn Tiến, 2014). 
 
Tài khoản Nostro hay tài khoản Vostro có thể được duy trì bằng một ngoại tệ tự do chuyển đổi được sử dụng phổ biến trong hoạt động thanh toán. Đặc biệt là đối với các nước có đồng tiền chưa được tự do chuyển đổi phải dùng ngoại tệ mạnh trong 
thanh toán.
 
2. Thu hẹp quan hệ ngân hàng đại lý
 
Phát triển quan hệ đại lý để phục vụ tốt các hoạt động ngân hàng quốc tế dường như là một quy luật tất yếu nhưng các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một hiện tượng ngược lại. Một trong những đánh giá sớm nhất về nguy cơ thu hẹp quan hệ NHĐL đã được đưa ra bởi Viện Quản trị Basel (the Basel Institute on Governance), Hiệp hội Ngân hàng về Tài chính và Thương mại (BAFT), Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA), Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Viện Tài chính Quốc tế (IIF) và Nhóm Wolfsberg, với nội dung cảnh báo rằng “Phòng chống rửa tiền (AML), Phòng chống tài trợ khủng bố (CFT) và các rủi ro về tội phạm tài chính khác đang khiến các ngân hàng rút lui hoặc giảm bớt sự liên hệ với một số quốc gia, khu vực khách hàng, sản phẩm, ngành nghề kinh doanh và thị trường”.  
 
Trong khảo sát được tiến hành vào năm 2014, Công ty tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng thế giới đã đưa ra những lưu ý về dấu hiệu của hiện tượng thu hẹp này trong hoạt động NHĐL khi thu thập ý kiến của 333 ngân hàng, thuộc Chương trình tài trợ thương mại toàn cầu (GTFP) tại 107 nước (gồm cả các nền kinh tế mới nổi và các nước thuộc OECD). Kết quả khảo sát cho thấy, 66% các ngân hàng thuộc GTFP cho biết tổng số quan hệ đại lý với các ngân hàng thuộc các nền kinh tế mới nổi đã giảm đi trong vòng sáu tháng trước khi thực hiện khảo sát. Đối với sự giảm sút này lý do chủ yếu được đưa ra là do nguy cơ tiềm ẩn về tội phạm tài chính, cũng như do chi phí để tuân thủ các quy định pháp luật ngày càng tăng lên. 
 
Vào năm 2015, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tiến hành một cuộc khảo sát với 22 NHĐL tại 8 quốc gia trong khu vực đồng euro (EUR) và tìm thấy mối quan hệ của NHĐL với các ngân hàng ủy thác đã giảm đều trong 13 năm trước đó.  
 
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cũng vào năm 2015 cho thấy quan hệ  NHĐL toàn cầu đang trong xu hướng giảm, một số sản phẩm tài chính rõ ràng bị ảnh hưởng. Cuộc khảo sát bao gồm 110 cơ quan quản lý ngân hàng, 20 ngân hàng lớn và 170 ngân hàng nhỏ, hơn bao gồm các ngân hàng địa phương và khu vực, tại 91 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong gần một nửa số quốc gia tham gia khảo sát (49 trong số 91), các cơ quan quản lý ngân hàng cùng các ngân hàng địa phương và khu vực cho biết có sự suy giảm trong quan hệ NHĐL. Ba phần tư các NHĐL lớn trong cuộc khảo sát cho biết họ đã cắt giảm số lượng quan hệ đại lý. Các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ yêu cầu thẩm tra khách hàng (Customer Due Dilligence - CDD) được cho là nguyên nhân chính dẫn đến của sự suy giảm quan hệ này.  
 
Trong một cuộc điều tra năm 2016, do Hiệp hội các chuyên gia phòng chống rửa tiền được chứng nhận (ACAMS) và LexisNexis tiến hành, 30% ngân hàng tham gia cho biết tổ chức của họ đã áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn khi tiếp nhận khách hàng. 40% số ngân hàng tham gia cho biết ngân hàng của họ đã rời các khu vực địa lý cụ thể, với hai lý do hàng đầu là phân khúc không còn trong mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng, hoặc chi phí tuân thủ làm cho khu vực này không còn mang lại lợi nhuận.
 
Bên cạnh những nghiên cứu dựa trên bảng khảo sát như đã đề cập ở trên, đã có những nỗ lực thu thập số liệu định lượng nhằm xác định sự phát triển của quan hệ NHĐL thông qua dữ liệu từ Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và Tài chính quốc tế (SWIFT), một nền tảng thông qua đó một phần đáng kể các giao dịch tài chính xuyên biên giới trên toàn cầu được tiến hành. Dịch vụ điện tín của SWIFT, được sử dụng bởi hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chính bởi sự phổ biến của hệ thống này trong thanh toán quốc tế mà SWIFT được cho là có thể cung cấp những số liệu có ý nghĩa trong nghiên cứu liên quan đến hoạt động NHĐL. Ủy ban về cơ chế thanh toán và cơ sở hạ tầng thị trường (CPMI) đã thực hiện phân tích dữ liệu SWIFT hàng tháng liên quan đến NHĐL từ đầu năm 2011 đến hết năm 2018, bao gồm việc phân tích số lượng điện SWIFT (SWIFT messages) được gửi và nhận, giá trị danh nghĩa tính bằng đồng đô la Mỹ (USD) của mỗi bức điện và số lượng các mối quan hệ đại lý có trạng thái hoạt động. Nhìn chung, các số liệu cho thấy sự suy giảm về số lượng các mối quan hệ NHĐL diễn ra ở tất cả các khu vực nhưng ở mức độ khác nhau. Ngoài ra, nguồn dữ liệu từ SWIFT cũng cho thấy, số lượng các NHĐL có hoạt động được định nghĩa là ngân hàng có gửi và nhận điện thanh toán qua SWIFT, đã giảm 20% trong giai đoạn 2011 - 2018. Mặc dù hiện tượng này đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu nhưng tại một số khu vực hiện tượng này dường như có biểu hiện rõ rệt hơn. Ví dụ, tại Châu Mỹ (trừ khu vực Bắc Mỹ) số lượng quan hệ ngân hàng đại lý đã giảm 30% kể từ năm 2012, trong khi tại khu vực Bắc Mỹ con số này là 10% (CPMI, 2019). (Hình 2)

 
Trong nghiên cứu mới nhất thực hiện bởi Rice, Peter và Boar (2020), các tác giả đã công bố dữ liệu thay đổi số lượng ngân hàng đại lý theo tỷ lệ phần trăm tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2012 - 2018. Theo đó, tại khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Myanmar là quốc gia mới mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, có sự tăng lên đáng kể số lượng quan hệ đại lý ngân hàng (144,26%), các quốc gia khác đều thể hiện sự suy giảm giống với xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu. (Bảng 1)

 
Từ những kết quả nghiên cứu nêu trên, có thể bước đầu khẳng định sự tồn tại của hiện tượng thu hẹp quan hệ đại lý. Diễn biến của sự thu hẹp này vẫn đang tiếp tục được theo sát, nghiên cứu và liên tục cập nhật trong các công bố của nhiều tổ chức, các cơ quan chính phủ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đang chịu ảnh hưởng từ hiện tượng này.
 
3. Ảnh hưởng của quá trình thu hẹp quan hệ NHĐL đến hoạt động ngân hàng
 
3.1. Ảnh hưởng đến hoạt động tài trợ thương mại
 
Quá trình thu hẹp quan hệ NHĐL có thể gây tác động tiêu cực tới hoạt động tài trợ thương mại của các ngân hàng, qua đó hạn chế thương mại quốc tế, một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của hầu như tất cả các nền kinh tế. 
 
Về bản chất, các sản phẩm tài trợ thương mại được tạo ra để giải quyết các rủi ro phát sinh do sự thiếu sự tin tưởng giữa người mua và người bán, sự chênh lệch về thời gian giữa nhu cầu tiền mặt và dòng tiền, và các rủi ro khác như rủi ro quốc gia hay rủi ro đối tác. Các sản phẩm này được thiết kế dựa trên mối quan hệ tín dụng sẵn có giữa các ngân hàng là đối tác của nhau. Ví dụ, khi tham gia hoạt động thanh toán quốc tế, các ngân hàng thường được yêu cầu “xác nhận thanh toán cho nhà xuất khẩu nếu bộ chứng từ phù hợp với các điều kiện và điều khoản của thư tín dụng (L/C). Điều này có nghĩa là họ đã chấp nhận rủi ro hoàn trả liên quan đến các ngân hàng địa phương ở nước nhập khẩu. Nói cách khác, để hàng hóa có thể được gửi đi, ngân hàng xác nhận phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro thanh toán liên quan đến ngân hàng ở nước nhập khẩu. Như vậy, mối quan hệ giữa các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch thanh toán xuyên quốc gia. 
 
Sự quan trọng này khiến xu thế rút khỏi các quan hệ đại lý giữa các ngân hàng có tác động tiêu cực tới hoạt động tài trợ thương mại. Ví dụ, nếu các ngân hàng tại nước nhập khẩu không thể phát hành L/C vì không còn mối quan hệ đại lý với ngân hàng tại nước xuất khẩu, lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nước sẽ giảm. Ngược lại, nếu ngân hàng tại nước xuất khẩu không thể xác nhận L/C được ngân hàng ở nước nhập khẩu phát hành bởi lý do tương tự, kim ngạch thương mại cũng sẽ giảm. Rõ ràng, nếu các ngân hàng mất đi, hoặc bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ NHĐL của mình, hoạt động tài trợ thương mại sẽ bị giảm sút kéo theo sự suy giảm của kim ngạch thương mại toàn cầu. Theo ước tính của BIS, các sản phẩm tài trợ thương mại do các ngân hàng cung cấp đã hỗ trợ khoảng 1/3 trong tổng số 119 tỉ đô la Mỹ (USD) thương mại toàn cầu năm 2013. Thêm vào đó, các số liệu từ năm 2005 đến năm 2011 cho thấy, tài trợ thương mại cứ tăng 1% thì lượng hàng hóa thực tế nhập khẩu vào một quốc gia trung bình, sẽ tăng khoảng 0,4%. Các con số được công bố này đều cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động tài trợ thương mại đối với sự phát triển của thương mại toàn cầu đồng thời cũng có thể một phần nói lên mức độ ảnh hưởng của hiện tượng thu hẹp quan hệ NHĐL đối với kim ngạch xuất nhập khẩu của thế giới.
 
Những nguyên nhân gây trở ngại tới hoạt động tài trợ thương mại của các ngân hàng đã được ICC chỉ ra trong nghiên cứu năm 2016; trong đó, yêu cầu về phòng chống rửa tiền (AML - Anti Money Laundring), được 62% đối tượng tham gia khảo sát đánh giá là lý do khiến các ngân hàng thương mại phải thu hẹp quan hệ NHĐL, từ đó dẫn đến số lượng giao dịch tài trợ thương mại giảm. Một nghiên cứu của ADB năm 2016 cũng cho thấy, 90% ngân hàng thuộc 114 quốc gia đã liệt kê yêu cầu AML, là cản trở chính đối với hoạt động tài trợ thương mại; 77% đưa ra lý do liên quan tới quy định của Basel III. Gần 50% ngân hàng địa phương và khu vực khi trả lời câu hỏi tương tự trong điều tra của Ngân hàng Thế giới về NHĐL cho biết, khả năng tiếp cận (để sau đó cung cấp cho khách hàng của họ) các sản phẩm tài trợ thương mại đã bị ảnh hưởng ở mức vừa đến cao, cũng bởi sự sụt giảm các dịch vụ NHĐL từ các ngân hàng nước ngoài.
 
3.2. Ảnh hưởng đến hoạt động chuyển tiền quốc tế
 
Quan hệ NHĐL đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chuyển tiền quốc tế. Vì vậy, sự sụt giảm số lượng quan hệ này có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng hoạt động của các kênh chuyển tiền không chính thức, gây khó khăn trong công tác kiểm soát và điều tra các giao dịch chuyển tiền và gia tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính. 
 
Như đã đề cập ở trên, quan hệ NHĐL hỗ trợ hoạt động chuyển tiền quốc tế thông qua việc các tổ chức trung gian tài chính như các công ty chuyển tiền (MTO - Money transfer operator), tập hợp những món tiền nhỏ vào tài khoản của mình rồi sử dụng quan hệ đại lý giữa các ngân hàng để chuyển cho đối tác là đơn vị sau đó sẽ phân phối lại thành những món nhỏ tới người thụ hưởng thực sự. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động của các MTO đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự sụt giảm các dịch vụ cung cấp bởi các NHĐL. Ngân hàng Thế giới khi điều tra về hoạt động chuyển tiền quốc tế cho biết, 28% trong tổng số các MTO được hỏi đã trả lời rằng họ không còn có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng nữa. Trong số 28% này, 74% duy trì sự hiện diện trên thị trường bằng cách sử dụng các kênh thay thế để thanh toán và chuyển các khoản tiền quốc tế, 26% còn lại cho biết họ không thể hoạt động thường xuyên qua các kênh ngân hàng. Trong báo cáo của IFC (2017), nhiều MTO nhỏ đã phải đóng cửa, hoặc trở thành đại lý cho các MTO lớn hơn; điều này có nghĩa là chỉ còn một vài MTO lớn còn có thể duy trì tài khoản tại các ngân hàng. 
 
Một trong những lý do đằng sau hiện tượng hạn chế hoặc ngừng cung cấp dịch vụ  cho các MTO, là bởi các công ty này đang bị các ngân hàng nhận diện, là đối tượng khách hàng có rủi ro pháp lý liên quan đến hoạt động rửa tiền và các hoạt động phi pháp khác quá cao (IFC, 2017). Trong một số trường hợp, NHĐL đã yêu cầu ngân hàng đối tác phải đánh giá lại khách hàng của mình, dẫn đến việc các ngân hàng ủy thác chấm dứt cung cấp dịch vụ tới một số loại khách hàng có rủi ro cao, trong đó có MTO nhằm giữ lại và duy trì mối quan hệ đại lý đang có. Theo IMF (2016), việc rút khỏi quan hệ đại lý với các ngân hàng ở một số nước khu vực Thái Bình Dương, đã tạo ra sức ép khiến các ngân hàng ủy thác tại đây đơn phương đóng tài khoản của các MTO đang mở tại các ngân hàng này. 
 
Khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng ngày càng thấp của các MTO có thể gây ra rủi ro ổn định tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiếp cận tài chính của tất cả các đối tượng trong nền kinh tế. Sự ngừng lại hay chậm trễ trong việc chuyển tiền đối với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào các dòng vốn xuyên quốc gia, có thể gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế - xã hội. Ví dụ, ở Haiti khoảng 75% lượng tiền được chuyển từ Bahamas đến Haiti qua MTO mỗi ngày, vì thế sự giảm tốc của dòng tiền này có thể ảnh hưởng đến đời sống cũng như công việc kinh doanh của hàng triệu người khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính cũng như thương mại quốc tế. 
 
Ngoài ra, việc các MTO có thể ngừng hoạt động trong tương lai sẽ dẫn đến sự tìm kiếm các kênh chuyển tiền quốc tế phi chính thức, ví dụ như hệ thống chuyển tiền Hawala. Hawala là một mạng lưới chuyển tiền không chính thức, cho phép hai bên trao đổi tiền mặt từ những khoảng cách xa, hoạt động dựa vào sự trung thực và tin tưởng giữa các bên chứ không dựa vào tính bắt buộc thực hiện pháp lý của các phương tiện thanh toán như hối phiếu nhận nợ. Trong khi một số tổ chức trong hệ thống này dần có những động thái để phù hợp hơn với những thay đổi trong môi trường pháp lý toàn cầu, như lưu giữ hồ sơ giao dịch cẩn thận, thực hiện kiểm tra danh tính và đối chiếu tất cả các bên giao dịch với danh sách đen, vẫn còn nhiều công ty khác chưa áp dụng những biện pháp phòng ngừa cần thiết. Các luồng kiều hối di chuyển thông qua các kênh phi chính thức với độ minh bạch thấp sẽ khiến việc theo dõi và kiểm soát giao dịch khó khăn hơn, làm giảm hiệu quả những nỗ lực chống tài trợ khủng bố và rửa tiền cũng như những nỗ lực tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. 
 
3.3. Ảnh hưởng đến khả năng thực hiện giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng
 
Sự sụt giảm số lượng quan hệ NHĐL có thể làm giảm khả năng thực hiện giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng ở các nền kinh tế đang phát triển. Bởi vì, nếu một ngân hàng muốn thực hiện giao dịch bằng USD, ngân hàng đó phải đặt tại quốc gia có một trong những trung tâm thanh toán bù trừ USD, hoặc phải có quan hệ đại lý với một ngân hàng ở quốc gia đó. Tương tự như vậy, tất cả các giao dịch sử dụng Euro (EUR) phải được thực hiện thông qua các tổ chức tài chính thuộc khu vực EUR. Rõ ràng là nếu một ngân hàng ở nước ngoài mất đi mối quan hệ đại lý với ngân hàng ở Mỹ hay EU, thì đồng nghĩa với việc ngân hàng này sẽ gặp nhiều hạn chế, thậm chí không thể (nếu không thể thiết lập mối quan hệ đại lý mới với ngân hàng khác) cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch bằng USD hay EUR. Trong khi đây là hai đồng tiền được sử dụng phổ biến nhất trong thanh toán quốc tế, với khoảng 45% các giao dịch thanh toán toàn cầu sử dụng USD và 28% lượng giao dịch sử dụng EUR. Theo khảo sát năm 2015 của Ngân hàng thế giới, thì Mỹ và EU là những quốc gia và khu vực kinh tế chung có nhiều NHĐL chấm dứt và hạn chế quan hệ với ngân hàng nước ngoài nhất. Như vậy, các dịch vụ ngân hàng bị ảnh hưởng bởi quá trình thu hẹp quan hệ NHĐL, bao gồm hoạt động cho vay, tài chính có cấu trúc, dịch vụ ngoại hối, dịch vụ đầu tư, quản lý tiền mặt, tài trợ thương mại, thanh toán séc, thanh toán bù trừ và chuyển khoản ngân hàng quốc tế. Các ngân hàng quốc tế lớn đã ghi nhận sự sụt giảm của các dịch vụ này. Các ngân hàng tại địa phương và khu vực đã gặp khó khăn đáng kể trong việc tiếp cận các dịch vụ thanh toán bù trừ, thanh toán séc, và tài trợ thương mại; ở mức độ thấp hơn, các ngân hàng này cũng đang phải chịu sự suy giảm trong các dịch vụ như quản lý tiền mặt, dịch vụ đầu tư, chuyển khoản ngân hàng quốc tế, ngoại hối, cho vay, và tài chính có cấu trúc (World Bank, 2015).
 
4. Một số khuyến nghị
 
Để duy trì NHĐL cần phải có các khoản chi phí tuân thủ nhất định, phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia mở NHĐL, như phải duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản Nostro, lệ phí NHĐL… Khi mà lợi nhuận do hoạt động NHĐL đó mang lại không đạt được kỳ vọng thì các ngân hàng sẽ nghĩ đến việc thu hẹp lại quan hệ NHĐL. Một nguyên nhân nữa dẫn đến quá trình thu hẹp này là tiêu chí để lựa chọn NHĐL ngày càng được thắt chặt. Nhìn chung, tiêu chí lựa chọn các NHĐL thực hiện giao dịch liên hàng - nghiệp vụ quan trọng trong hoạt động ngân hàng quốc tế như sau:
 
- Là ngân hàng không nằm trong danh sách cấm vận, tài trợ khủng bố, rửa tiền.
- Là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong nước và nước ngoài.
- Là ngân hàng có quan hệ đại lý rộng với nhiều ngân hàng tại các quốc gia khác nhau và có kế hoạch quản lý và sử dụng tốt các tài khoản Nostro.
- Là ngân hàng có quy mô lớn, nền tảng công nghệ tiên tiến và là thành viên tham gia SWIFT.
- Là ngân hàng có uy tín và có kinh nghiệm trong nghiệp vụ ngân hàng quốc tế.
 
Trong các tiêu chí trên, tiêu chí đầu tiên, không nằm trong danh sách cấm vận, tài trợ khủng bố, rửa tiền là tiêu chí quan trọng nhất để quyết định có nên thiết lập quan hệ đại lý hay không. Bởi việc trở thành NHĐL không chỉ nhằm phục vụ mục đích của khách hàng mà còn đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nếu có các yêu tố dính tới pháp luật, phạm tội sẽ gây nên những tổn thất lớn cho ngân hàng khi rủi ro xảy ra.
 
Do vậy, các NHTM khi thiết lập quan hệ NHĐL với ngân hàng đối tác nước ngoài phải thu thập thông tin về ngân hàng đối tác để biết đầy đủ về bản chất kinh doanh, uy tín của ngân hàng đối tác và bảo đảm ngân hàng đối tác phải chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan quản lý có thẩm quyền nước ngoài. Bên cạnh đó, phải đánh giá được việc thực hiện các biện pháp về phòng, chống rửa tiền của ngân hàng đối tác. 
 
Ngoài ra, các ngân hàng có thể xem xét đến việc thành lập một nền tảng dữ liệu điện tử đa phương tập trung, liên quan đến các thông tin về khách hàng của ngân hàng và có thể bao gồm cả thông tin về người thụ hưởng cuối cùng. Điều này có thể sẽ giúp xác minh thông tin về khách hàng cũng như giải quyết vấn đề minh bạch hóa thông tin và tuân thủ các quy định về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Một mặt, các ngân hàng sẽ tiếp cận nền tảng dữ liệu này nhằm cung cấp các thông tin ban đầu, sau đó cập nhật khi cần thiết dựa trên mẫu đã có sẵn. Mặt khác, các NHĐL có thể truy cập để lấy các thông tin cần thiết. Theo CPMI, việc sử dụng nền tảng thông tin khách hàng như vậy có những lợi ích như (i) nâng cao tính chính xác và thống nhất của thông tin vì khi đó các ngân hàng chỉ duy trì một bộ dữ liệu mà thôi; (ii) thúc đẩy quá trình tiêu chuẩn hóa thông tin do ngân hàng cung cấp cho các đối tác thông qua việc sử dụng một mẫu duy nhất; (iii) thúc đẩy quá trình xác minh thông tin khách hàng; (iv) giảm thiểu chi phí từ việc giảm thiểu việc trao đổi thông tin bằng chứng từ giấy. Ý tưởng về một cơ sở dữ liệu chung cho các ngân hàng trong thực tế đã hoặc đang được nhiều ngân hàng và các định chế tài chính tại một số quốc gia thiết lập, nhằm xác minh danh tính khách hàng trong các giao dịch nội địa. 
 
Bên cạnh đó, cần phải làm rõ ý nghĩa của phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro (risk-based approach), đang được nhiều NHĐL áp dụng. Trong khi phần lớn các nguồn luật liên quan đến phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cũng như các đạo luật chống lẩn tránh thuế ủng hộ việc sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro để thực hiện công tác đánh giá các nguy cơ vi phạm, nhiều NHĐL đang hiểu phương pháp này thành phương pháp tiếp cận ‘không khoan nhượng’ (zero-tolerance approach) trong phát hiện các vi phạm. Vì thế, cần thiết phải làm rõ mức độ rủi ro nào là có thể chấp nhận được, khi các ngân hàng đại lý đánh giá các vi phạm thay vì chấm dứt việc cung cấp dịch vụ đại lý tại một số khu vực như hiện nay. Ví dụ, phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro có thể sử dụng để đưa ra một nhận định tổng quát về mức độ rủi ro cho một khu vực. Nhận định này sẽ giúp các tổ chức cung cấp thanh toán xuyên biên giới, bao gồm các MTO, ý thức được mức độ minh bạch thông tin mà họ cần phải cung cấp tới các NHĐL để đảm bảo duy trì việc cung cấp dịch vụ trong tương lai. 
 
Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, các bên bao gồm: NHĐL, ngân hàng sử dụng dịch vụ NHĐL, MTO và các nhà quản lý nên duy trì trao đổi thông tin về sự phát triển của ngành ngân hàng cũng như các rủi ro đang và sẽ xuất hiện. Ví dụ, một nghiên cứu về xu hướng rút khỏi quan hệ NHĐL tại khu vực Ca-ri-bê bởi tổ chức IMF đã chỉ ra rằng nhiều ngân hàng đã bị bất ngờ bởi quyết định ngừng cung cấp dịch vụ của các ngân hàng đại lý, sau nhiều năm hợp tác mà không có cơ hội, để giải quyết mối quan ngại đưa ra bởi NHĐL. Việc tăng cường trao đổi thông tin sẽ giúp ích cho tất cả các bên liên quan. Cụ thể, thông qua đối thoại, NHĐL có thể hoàn thiện các chính sách liên quan đến mức độ rủi ro có thể chấp nhận. Trong khi đó, các ngân hàng sử dụng dịch vụ đại lý có thế công bố các bước mà họ sẽ thực hiện, để giải quyết các nguyên nhân đưa đến quyết định ngừng cung cấp dịch vụ NHĐL.
________________

Tài liệu tham khảo:
 
Tiếng Việt
 
GS., TS. Nguyễn Văn Tiến, TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, TS. Trần Nguyễn Hợp Châu, TS. Nguyễn Thị Cẩm Thủy, Giáo trình Thanh toán quốc tế và Tài trợ ngoại thương(2014), NXB Thống kê, Hà Nội.
 
Tiếng Anh
 
- CPMI. “New correspondent banking data - the decline continues”. Bank for International Settlements, 2019.
- ECB. “Ninth survey on correspondent banking in euro.” European Central Bank, 2015.
- IFC. “De-risking and other challenges in the emerging market financial sector”. International Finance Corporation, The World Bank Group, 2017.
- IMF. “The Withdrawal of Correspondent Banking Relationships:A Case for Policy Action”. IMF Staff Discussion Note, 2016.
- Rice, Peter and Boar. “On the global retreat of correspondent banks”. BIS weekly review, 2020.
- World Bank. “Withdrawal from correspondent banking: where, why, and what to do about it.” The World Bank, World Bank Working Paper 101098, 2015. 

TS. Trần Nguyễn Hợp Châu
ThS. Nguyễn Hồng Hạnh


Theo Tạp chí Ngân hàng số 11/2020
Bình luận Ý kiến của bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Đóng lại ok
Bình luận của bạn chờ kiểm duyệt từ Ban biên tập
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Phát triển Quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp - Một số kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
21/03/2024 1.895 lượt xem
Hệ thống hưu trí là một bộ phận quan trọng của hệ thống an sinh xã hội với hai hệ thống hưu trí bắt buộc và hệ thống hưu trí tự nguyện. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại doanh nghiệp ở các nước trên thế giới rất quan trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
Dự báo kinh tế thế giới năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn
19/03/2024 3.515 lượt xem
Năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi yếu và không đồng đều giữa các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, từ sản lượng công nghiệp đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế đều giảm.
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
Ứng phó với các thách thức nhân khẩu học: Chiến lược thích ứng của ngành Ngân hàng và gợi ý đối với Việt Nam
07/03/2024 3.392 lượt xem
Những thay đổi về nhân khẩu học toàn cầu, đặc biệt là xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức và rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Fed năm 2024 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
03/03/2024 4.556 lượt xem
Sau gần hai năm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát và đưa lạm phát của nền kinh tế Hoa Kỳ về gần lạm phát mục tiêu là 2%, trong năm 2024, dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những thay đổi lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
Chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị
15/02/2024 4.678 lượt xem
Kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường và bảo vệ giá trị của tổ chức thông qua chức năng cung cấp sự đảm bảo, tư vấn khách quan, chuyên sâu và theo định hướng rủi ro.
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Ngân hàng Mizuho Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
13/02/2024 4.705 lượt xem
Nhìn lại năm 2023, trên khắp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tháng 12/2023, Mizuho đã hỗ trợ Diễn đàn kinh tế Nhật Bản - Việt Nam tại Tokyo cùng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và các định chế tài chính khác.
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024
26/01/2024 6.092 lượt xem
Sau những cú sốc mạnh trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu có dấu hiệu ổn định vào đầu năm 2023.
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
Kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa quy trình bằng robot trong lĩnh vực ngân hàng trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
15/01/2024 6.548 lượt xem
Chuyển đổi số và sự bùng nổ công nghệ có ảnh hưởng lớn đến hành vi của khách hàng và hoạt động kinh doanh. Xu hướng thay đổi này dẫn đến quá trình số hóa trong các lĩnh vực như sản xuất, chuỗi cung ứng, tài chính và các dịch vụ phụ trợ khác.
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Thẩm quyền để xử lí ngân hàng đang đổ vỡ một cách nhanh chóng và kịp thời - Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
05/01/2024 7.417 lượt xem
Trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ sụp đổ của những ông lớn trong lĩnh vực ngân hàng, điều này dấy lên hồi chuông cảnh báo về tính chất dễ đổ vỡ của ngân hàng. Việc một ngân hàng đổ vỡ thể hiện kỉ luật thị trường đối với những ngân hàng có hoạt động kinh doanh thiếu an toàn, lành mạnh nhưng lại tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng và người gửi tiền.
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
Phân tích lợi ích và rủi ro của tiền kĩ thuật số Ngân hàng Trung ương
21/12/2023 8.623 lượt xem
Sự chuyển dịch nhanh chóng của hệ thống tiền tệ số toàn cầu đã khiến chính phủ các nước có phần lúng túng trong việc thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi chi tiêu và đầu tư của người dân.
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Hợp tác của Trung Quốc với các nước châu Phi trong lĩnh vực ngân hàng và một số kinh nghiệm cho Việt Nam
20/12/2023 8.027 lượt xem
Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất của châu Phi trong thời gian qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Bài viết này tóm lược sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước châu Phi trong thời gian hơn một thập kỉ vừa qua và việc Trung Quốc sử dụng lĩnh vực ngân hàng hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga - Ukraine và hàm ý cho Việt Nam
16/11/2023 9.171 lượt xem
Bài viết khái quát quá trình triển khai huy động dòng vốn toàn cầu thông qua tiền mã hóa của Chính phủ Ukraine và Liên bang Nga; từ đó, đánh giá hiệu quả thực tiễn của việc sử dụng tiền mã hóa trong thanh toán xuyên biên giới, nguy cơ sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động rửa tiền, khủng bố và đưa ra hàm ý cho Việt Nam.
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
Quy định về hoạt động huy động vốn cộng đồng theo hình thức cổ phần tại Malaysia - Một số gợi mở cho Việt Nam
06/11/2023 9.095 lượt xem
Hoạt động huy động vốn cộng đồng đã trở nên phổ biến sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, phương thức này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới. Trong đó, hoạt động huy động vốn theo hình thức cổ phần (Equity - based Crowdfunding - ECF) là hình thức gọi vốn được các doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất ưa chuộng. Với ECF, các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ cộng đồng thông qua một nền tảng trên Internet.
Phát triển ngân hàng hợp kênh: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam
Phát triển ngân hàng hợp kênh: Kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất cho Việt Nam
20/10/2023 10.302 lượt xem
Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và việc sử dụng ngày càng nhiều điện thoại thông minh và máy tính bảng, xu hướng hợp kênh đã dần trở nên quan trọng đối với tập hợp đa dạng các dịch vụ ngân hàng. Hoạt động ngân hàng hợp kênh cung cấp đường dẫn đến các dịch vụ tài chính, ngân hàng thông qua nhiều kênh khác nhau (như chi nhánh ngân hàng, ATM, tổng đài điện thoại, eBanking, Internet Banking và Mobile Banking) một cách hợp nhất dựa trên ý tưởng “mọi thứ đều có thể được làm trên mọi kênh”.
Quản trị rủi ro số tại các ngân hàng thương mại: Kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương Đức và một số khuyến nghị
Quản trị rủi ro số tại các ngân hàng thương mại: Kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương Đức và một số khuyến nghị
04/10/2023 14.422 lượt xem
Khi thế giới ngày càng trở nên số hóa và kết nối, cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày một gia tăng, tạo động lực cho các ngân hàng thích ứng và thực hiện chuyển đổi số. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối... đang hỗ trợ và đẩy nhanh tốc độ của quá trình chuyển đổi số, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khách hàng.
Giá vàngXem chi tiết

GIÁ VÀNG - XEM THEO NGÀY

Khu vực

Mua vào

Bán ra

HÀ NỘI

Vàng SJC 1L

79.300

81.300

TP.HỒ CHÍ MINH

Vàng SJC 1L

79.300

81.300

Vàng SJC 5c

79.300

81.320

Vàng nhẫn 9999

68.500

69.750

Vàng nữ trang 9999

68.400

69.250


Ngoại tệXem chi tiết
TỶ GIÁ - XEM THEO NGÀY 
Ngân Hàng USD EUR GBP JPY
Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra Mua vào Bán ra
Vietcombank 24,590 24,960 26,123 27,556 30,490 31,787 158.88 168.16
BIDV 24,645 24,955 26,329 27,558 30,623 31,921 159.49 167.99
VietinBank 24,545 24,965 26,353 27,648 30,916 31,926 160.45 168.4
Agribank 24,610 24,955 26,298 27,570 30,644 31,779 159.81 167.89
Eximbank 24,580 24,970 26,426 27,196 30,846 31,746 161.32 166.02
ACB 24,590 24,990 26,466 27,124 30,989 31,632 160.93 166.09
Sacombank 24,585 24,945 26,552 27,112 31,086 31,598 161.79 166.8
Techcombank 24,616 24,959 26,918 27,538 30,506 31,826 157.09 169.49
LPBank 24,400 25,100 26,147 27,684 30,958 31,917 159.21 170.66
DongA Bank 24,640 24,990 26,440 27,130 30,860 31,710 159.00 166.20
(Cập nhật trong ngày)
Lãi SuấtXem chi tiết
(Cập nhật trong ngày)
Ngân hàng
KKH
1 tuần
2 tuần
3 tuần
1 tháng
2 tháng
3 tháng
6 tháng
9 tháng
12 tháng
24 tháng
Vietcombank
0,10
0,20
0,20
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
BIDV
0,10
-
-
-
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,70
VietinBank
0,10
0,20
0,20
0,20
1,70
1,70
2,00
3,00
3,00
4,70
4,80
ACB
0,01
0,50
0,50
0,50
2,30
2,40
2,60
3,50
3,70
4,50
4,50
Sacombank
-
0,50
0,50
0,50
2,10
2,30
2,50
3,50
3,60
4,50
4,80
Techcombank
0,10
-
-
-
2,20
2,20
2,30
3,40
3,45
4,40
4,40
LPBank
0.20
0,20
0,20
0,20
1,80
1,80
2,10
3,20
3,20
5,00
5,30
DongA Bank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,30
3,30
3,30
4,30
4,50
4,80
5,00
Agribank
0,20
-
-
-
1,60
1,60
1,90
3,00
3,00
4,70
4,70
Eximbank
0,50
0,50
0,50
0,50
3,00
3,20
3,30
3,80
3,80
4,80
5,10

Liên kết website
Bình chọn trực tuyến
Nội dung website có hữu ích với bạn không?