1. Khái quát về ngân hàng số và mô hình ngân hàng số trên thế giới
Thuật ngữ ngân hàng số không còn quá xa lạ đối với thị trường Việt Nam trong giai đoạn gần đây. Có nhiều quan điểm khác nhau về ngân hàng số trên cơ sở được hiểu là mô hình ngân hàng dựa trên nền tảng số hóa tích hợp tất cả các hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Viện Công nghệ Massachusetts trong “Tuyên ngôn ngân hàng kĩ thuật số: Sự kết thúc của Ngân hàng”, mô tả tương lai của ngân hàng kĩ thuật số như sau: Tình trạng không hài lòng với các ngân hàng hiện tại mở ra cơ hội duy nhất để xây dựng một ngân hàng kĩ thuật số từ đầu. Một ngân hàng như vậy sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm mật mã (cryptography) và kĩ thuật sổ cái phân tán, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và học sâu, một chức năng của trí tuệ nhân tạo. Ngân hàng sẽ tự do áp dụng trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn để tạo ra trải nghiệm khách hàng tuyệt vời, tự động hóa việc cấp tín dụng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời, cải thiện quản lí rủi ro.
Một số các học giả khác cũng đưa ra những định nghĩa về ngân hàng số như: Theo Chris (2014), ngân hàng số là mô hình hoạt động của ngân hàng mà trong đó, các hoạt động chủ yếu dựa vào các nền tảng dữ liệu điện tử và công nghệ số, là giá trị cốt lõi của hoạt động ngân hàng. Theo Sharma (2017), ngân hàng số là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Ngân hàng số đòi hỏi cao về công nghệ bao gồm sự đổi mới trong dịch vụ tài chính cho khách hàng xung quanh các chiến lược về ứng dụng kĩ thuật số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thanh toán, RegTech, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), giao diện lập trình ứng dụng (API), kênh phân phối và công nghệ (American Banker, 2018).
Như vậy, có thể hiểu một cách khái quát, ngân hàng số là một ngân hàng có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ và sản phẩm như những ngân hàng truyền thống nhưng nó được xây dựng, hoạt động và quản lí dựa trên những nền tảng công nghệ kĩ thuật hiện đại nhằm tối ưu hóa quá trình hoạt động, mang đến sự thuận lợi và tối ưu cho khách hàng. Một trong những khái niệm dễ gây nhầm lẫn với ngân hàng số đó chính là ngân hàng điện tử (E-Banking). E-Banking là hình thức ngân hàng bao gồm các dịch vụ con như: Internet Banking, Mobile Banking..., loại hình này hoạt động trên nền tảng Internet và được thiết lập để bổ trợ cho các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Bản thân E-Banking là ngân hàng truyền thống nhưng thiết lập dưới phương thức điện tử nhằm số hóa một số dịch vụ như thanh toán, chuyển tiền hay gửi tiết kiệm nhằm tạo thuận lợi cho người sử dụng khi họ không cần phải thực hiện các giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng số là một khái niệm rộng hơn nhiều so với khái niệm ngân hàng điện tử và là giai đoạn phát triển cao hơn của ngân hàng điện tử. Hoạt động của ngân hàng điện tử là một phần của ngân hàng số.
Với sự kết hợp những hoạt động truyền thống của ngân hàng cùng những công nghệ hiện đại, ngân hàng số đang là một xu hướng phát triển trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển có tỉ lệ dân số trẻ, sử dụng phổ cập Internet. So với ngân hàng truyền thống, ngân hàng số đã cho thấy tính ưu việt và những lợi ích to lớn trong thực tiễn:
Thứ nhất, ngân hàng số đã giúp người sử dụng và nhân viên ngân hàng tiết kiệm thời gian và công sức khi sử dụng các giao dịch trực tuyến mà không cần phải di chuyển, đồng thời các giao dịch được xử lí trên hệ thống với tốc độ nhanh chóng và dễ sử dụng, điển hình với các giao dịch chuyển tiền, thanh toán.
Thứ hai, ngân hàng số là một ngân hàng trực tuyến, được thể hiện dưới các ứng dụng trên điện thoại hoặc các website, do đó, người dùng hoàn toàn có thể thực hiện giao dịch trên điện thoại di động hoặc máy tính với các thao tác đơn giản và mang tới trải nghiệm thú vị cho người dùng.
Thứ ba, ngân hàng số mang lại lợi ích khổng lồ cho ngân hàng và người sử dụng khi tiết kiệm nhiều chi phí. Ví dụ như về phía người sử dụng có thể được hỗ trợ phí dịch vụ, nhận được các chương trình khuyến mại khi tham gia sử dụng dịch vụ trực tuyến; còn về phía ngân hàng sẽ giảm thiểu được chi phí vận hành, chi phí nhân sự...
Thứ tư, với những công nghệ hiện đại như eKYC, mã xác thực hay token, việc sử dụng ngân hàng số có những tính năng bảo mật cho người sử dụng, đảm bảo các thông tin an toàn trong giao dịch thanh toán, báo biến động số dư, quản lí tài khoản, quản lí thẻ thanh toán. So với những giao dịch tiền mặt trực tiếp, ngân hàng số mang lại những tính năng bảo mật cao cho người sử dụng bên cạnh sự thuận tiện và nhanh chóng.
Với những ưu điểm này, ngân hàng số đang là một xu hướng phát triển trên toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia châu Á. Hiện nay, sự phát triển và hoạt động của ngân hàng số tại các quốc gia rất đa dạng. Năm 2015, Tập đoàn công nghệ IBM đã đưa ra bốn mô hình chủ đạo đối với ngân hàng số1.
Mô hình thứ nhất: Các ngân hàng số với thương hiệu mới hoàn toàn được thành lập từ ngân hàng truyền thống đã có sẵn. Trong mô hình này, các ngân hàng truyền thống là những ngân hàng lớn, có thương hiệu và một hệ thống đại lí, chi nhánh khổng lồ, vì vậy, họ cảm thấy khá khó khăn khi chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình số. Do đó, các ngân hàng này thường lựa chọn thành lập thương hiệu mới cho ngân hàng số với một mô hình và những chiến lược hoàn toàn khác biệt, hướng tới những phân khúc khách hàng khác so với ngân hàng truyền thống. Với mô hình này, các ngân hàng số được biết đến như những ngân hàng có thương hiệu mới hoàn toàn nhưng có thể được tận dụng cơ sở hạ tầng từ ngân hàng truyền thống ban đầu. Mô hình này có thể được thấy tại một số ngân hàng như FRANK của OCBC tại Singapore hay LKXA của CaixaBank ở Tây Ban Nha.
Mô hình thứ hai: Được xây dựng và thực hiện bởi các doanh nhân hoặc các ngân hàng truyền thống. Trong mô hình này, những nhà sáng lập lại tư duy rằng, việc xây dựng ngân hàng số với thương hiệu mới gây nhiều chi phí và thời gian, trong khi những ngân hàng này chưa chắc có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thực tế của khách hàng - những đối tượng cần nhiều sự trải nghiệm mới mẻ và ưu việt khi sử dụng ngân hàng số. Do đó, trong mô hình này, những nhà đầu tư lại đi sâu vào việc cung cấp sản phẩm phục vụ cho việc hoạt động của các ngân hàng số như các điện thoại thông minh, các phần mềm hoặc ứng dụng cung cấp cho người dùng những trải nghiệm mượt mà nhất qua công nghệ hiện đại. Các công ty này bán các sản phẩm của ngân hàng truyền thống trên nền tảng ứng dụng của mình và sẽ gửi tiền của khách hàng vào một tài khoản được bảo hiểm bởi ngân hàng. Những công ty thành công trong mô hình này có thể kể đến những cái tên như Simple hay Moven ở Mỹ.
Mô hình thứ ba: Ngân hàng số như một chi nhánh của ngân hàng truyền thống. Trong mô hình này, các ngân hàng số thuộc sở hữu của ngân hàng truyền thống nhưng hoạt động độc lập. Các ngân hàng truyền thống thấy việc chuyển đổi mô hình kinh doanh khó khăn, vì vậy, họ mong muốn tạo ra một mô hình hoàn toàn mới, hoạt động độc lập và được thiết kế riêng biệt trong tất cả các khâu, bao gồm cả các bước từ sáng tạo ứng dụng, thiết kế dịch vụ nhằm tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng. Đặc trưng của mô hình này có thể kể đến Hello Bank của BNP Paripas tại Pháp.
Mô hình thứ tư: Ngân hàng hoàn toàn dựa trên kĩ thuật số. Đối với mô hình này, các ngân hàng số được triển khai từ đầu với tất cả các nguồn lực, hoạt động và tương tác đều được triển khai trên mô hình số. Các ngân hàng này có thể không có bất cứ chi nhánh nào. Mô hình này được thấy tại một số nước như: Monzo Bank tại Anh, Ngân hàng Fidor của Đức và Tangerine của Canada.
Tóm lại, các ngân hàng số hiện nay phát triển tại mỗi quốc gia rất đa dạng, phụ thuộc vào rất nhiều những yếu tố khác nhau như trình độ khoa học kĩ thuật tại quốc gia đó, các điều kiện về kinh tế, xã hội và đặc biệt là khung pháp lí để quản lí hoạt động của các ngân hàng số này cũng là một yếu tố quan trọng.
2. Quy định pháp luật về ngân hàng số tại Malaysia
Trước sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp Fintech cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng cùng với yêu cầu đòi hỏi khung pháp lí cho các công ty dịch vụ tài chính Hồi giáo, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã ban hành khung pháp lí cấp phép cho ngân hàng số tại quốc gia này. Văn bản được ban hành vào ngày 31/12/2020 và đến tháng 7/2021, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã nhận được 29 đơn xin cấp phép từ các đơn vị khác nhau. Đến tháng 5/2022, ba đơn vị được cấp phép theo Đạo luật Dịch vụ Tài chính 2013 (FSA) bao gồm: Liên minh được thành lập bởi Boost - chi nhánh Fintech của Axiata và Ngân hàng RHB; liên minh của GXS Bank và Kuok Brothers; liên minh của Sea Limited - công ty mẹ của Shopee và YTL Digital Capital. Hai đơn vị còn lại được cấp phép theo Đạo luật Dịch vụ Tài chính Hồi giáo 2013 (IFSA) gồm: Liên minh được thành lập bởi AEON Financial Service, AEON Credit Service (M) Berhad và MoneyLion; một liên minh do Ngân hàng Đầu tư KAF dẫn dắt. Với văn bản chính thức này, Malaysia đã quy định một số các nội dung quan trọng như: Quy định về cấp phép và hoạt động của ngân hàng số, các giới hạn của ngân hàng số so với ngân hàng truyền thống và các vấn đề về bảo mật dữ liệu2.
Thứ nhất, quy định về cấp phép và hoạt động của ngân hàng số. Trong khung cấp phép của Ngân hàng Trung ương Malaysia, ngân hàng kĩ thuật số cần phải đạt được một số điều kiện để được cấp phép hoạt động, đồng thời sau khi bắt đầu hoạt động, các ngân hàng này cần phải đạt một ngưỡng tài sản trong 03 đến 05 năm đầu tiên. Tối đa sau 05 năm, ngân hàng số được cấp phép cần có tổng quy mô tài sản không vượt quá 3 tỉ RM (khoảng 727 triệu USD), vốn yêu cầu tối thiểu là 100 triệu RM (khoảng 24,2 triệu USD). Yêu cầu này đặt ra như một giai đoạn nền tảng để ngân hàng số có thể chứng minh khả năng tồn tại, phát triển và các rủi ro đi kèm của mình. Trong thời gian này, các yêu cầu về quy định trong ngân hàng có thể sẽ được áp dụng đơn giản hơn cho các ngân hàng số. Cụ thể như, đối với việc cấp phép cho ngân hàng số, Ngân hàng Trung ương Trung ương Malaysia đưa ra hai yếu tố xem xét trước khi thông qua kế hoạch kinh doanh: Đảm bảo những lợi ích nhất định cho nền tài chính Malaysia; cổ đông trong ngân hàng số. Trong yếu tố cân nhắc lợi ích cho nền tài chính, Ngân hàng Trung ương Malaysia đưa ra yêu cầu ngân hàng số cần thỏa mãn các tiêu chí trong Phụ lục 5 của FSA hoặc IFSA. Cụ thể, ngân hàng số cần đảm bảo thúc đẩy tài chính toàn diện, đảm bảo tiếp cận có chất lượng và cung cấp có trách nhiệm dịch vụ tài chính đặc biệt với những người yếu thế. Những yếu tố này cần được các cổ đông của ngân hàng thể hiện trong một bản cam kết theo mục 259 của FSA hoặc mục 270 của IFSA. Yếu tố thứ hai được Ngân hàng Trung ương Malaysia quy định về điều kiện cổ đông, trong đó, quan trọng nhất đối với một ngân hàng số, đặc biệt có khi sự tham gia của những ngân hàng lớn, nắm giữ vị trí quan trọng trong nền tài chính thì cần có cổ đông là người có quốc tịch Malaysia. Sau khi đáp ứng được các yếu tố này, ngân hàng số nộp kế hoạch kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn nền tảng với những vấn đề quan trọng như: Đảm bảo khối lượng tài sản phát triển theo đúng quy định, đưa ra kế hoạch kinh doanh bền vững đảm bảo ngân hàng trụ vững trong ít nhất 05 năm đầu, kế hoạch chi tiết về các dịch vụ ngân hàng, tỉ lệ sử dụng và khai thác yếu tố công nghệ trong hoạt động ngân hàng bao gồm cả hoạt động quản trị và quản lí kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng số cần xây dựng một kế hoạch rút lui trong trường hợp việc áp dụng các mô hình kinh doanh mới và chưa được thử nghiệm mà không hiệu quả và không thành công. Kế hoạch rút lui được dự trù trước này để đảm bảo rằng ngân hàng số được cấp phép có thể tự nguyện ngừng hoạt động kinh doanh của mình mà không cần bất kỳ sự can thiệp pháp lí nào và không gây ra bất kì gián đoạn nào đối với khách hàng và hệ thống tài chính.
Thứ hai, quy định về giới hạn dành cho ngân hàng số so với ngân hàng truyền thống. Một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển ngân hàng số tại Malaysia là giai đoạn nền tảng được diễn ra trong thời gian tối đa 05 năm sau khi được cấp phép. Trong giai đoạn này, ngân hàng số không cần phải đáp ứng đủ yêu cầu về vốn tối thiểu như những ngân hàng truyền thống thông thường nhưng ngân hàng số cần phải đảm bảo duy trì mức tài sản tối đa là 3 tỉ RM trong giai đoạn này. Quy định này nhằm mục tiêu kiểm soát quy mô của ngân hàng số và đồng thời, Ngân hàng Trung ương Malaysia có thể thực hiện kiểm tra các hoạt động của những ngân hàng này. Sau ít nhất 03 năm, các ngân hàng số mới được dỡ bỏ các giới hạn quy định hoạt động và cần phải nộp đơn yêu cầu. Căn cứ vào đơn yêu cầu, cũng như một số các yếu tố khác mà Ngân hàng Trung ương sẽ xem xét, đánh giá liệu ngân hàng kĩ thuật số có được cấp phép hay không dựa trên: Tuân thủ tất cả các luật hiện hành và yêu cầu quy định trong khung pháp lí của Ngân hàng Trung ương; đạt được số vốn tối thiểu là 300 triệu RM; không bị ảnh hưởng bởi thua lỗ; thể hiện tiến độ khả quan trong việc đạt được giá trị đã cam kết trong kế hoạch kinh doanh. Nếu không đạt được những yêu cầu này, tối đa 05 năm, các ngân hàng kĩ thuật số được cấp phép phải đạt được mức vốn tối thiểu là 300 triệu RM mà không bị ảnh hưởng bởi thua lỗ. Trong khoảng thời gian này, các ngân hàng số cần phải tuân thủ quy định tại mục 14 của Khung pháp lí dành cho các hoạt động của mình bao gồm: Quy định về hệ số an toàn vốn ít nhất là 08%; quy định về tính thanh khoản; quy định về kiểm tra sức chịu đựng ngân hàng; quy định về công khai thông tin; quy định của Luật Tôn giáo (Sariah) cho các ngân hàng Hồi giáo. Kết thúc giai đoạn nền tảng, các ngân hàng không đạt yêu cầu sẽ phải thực hiện kịch bản rút lui như đã trình trước đây, còn lại các ngân hàng đạt yêu cầu sẽ được tiếp tục hoạt động như những ngân hàng thông thường khác mà không bị ảnh hưởng bởi những giới hạn.
Thứ ba, quy định về ứng dụng công nghệ trong ngân hàng số. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để thiết lập ngân hàng số và khiến cho ngân hàng số trở nên khác biệt và ưu việt hơn ngân hàng truyền thống đó là sự ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động ngân hàng. Do đó, ngoài các quy định về vốn, về quản lí rủi ro và các hoạt động kinh doanh ngân hàng thông thường, Ngân hàng Trung ương Malaysia còn đưa ra quy định khung về ứng dụng công nghệ cho ngân hàng số và các chủ thể nộp đơn cấp phép cần phải thể hiện được năng lực số của mình trong kế hoạch kinh doanh trong hồ sơ xin cấp phép. Các quy định này được thể hiện trong mục 10.3 của Khung pháp lí. Cụ thể, trong kế hoạch kinh doanh của mình, ngân hàng số cần bao gồm một mô tả về kế hoạch triển khai công nghệ tại mức tối thiểu bao gồm: Mô tả về ngăn xếp công nghệ được sử dụng trong công cụ điện toán đám mây (bao gồm tổng quan về sơ đồ kiến trúc hệ thống và mạng sơ đồ kiến trúc); tổng quan về chiến lược đám mây và mô hình triển khai của nó (phần mềm dưới dạng dịch vụ, nền tảng dưới dạng dịch vụ, cơ sở hạ tầng như một dịch vụ) cho các hệ thống quan trọng. Bên cạnh đó, bản dự thảo của ứng viên cần mô tả về chiến lược để áp dụng những công nghệ mới có liên quan đến hoạt động chính của ngân hàng số như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ sổ cái phân tán để đáp ứng nhu cầu tài chính với mục tiêu hòa nhập cũng như để đạt được lợi thế cạnh tranh. Các chiến lược sẽ phác thảo rõ ràng làm thế nào các công nghệ mới này được sử dụng để giải quyết các thuộc tính sau: (i) Tính linh hoạt của giải pháp để tích hợp với nhiều nền tảng hoặc công nghệ mới nổi với những thay đổi tối thiểu hoặc sự gián đoạn đối với các hệ thống cốt lõi; (ii) Khả năng mở rộng: Module hóa trong thiết kế để đảm bảo khả năng thích ứng với thay đổi xu hướng thị trường. Ngoài ra, bản kế hoạch còn cần đưa ra việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực khác như: Quản trị hệ thống, điều hành nội bộ, kế hoạch dự phòng để phục hồi hệ thống, đảm bảo dịch vụ liên tục cho khác hàng và dự phòng, giải quyết hiệu quả mối đe dọa về tấn công an ninh mạng và sự cố mạng.
Như vậy, để nhằm đảm bảo cho việc thiết lập và hoạt động của các ngân hàng số tại Malaysia, Ngân hàng Trung ương quốc gia này đã đưa ra một khung pháp lí tương đối toàn diện với quy định liên quan đến hoạt động ngân hàng nói chung và yêu cầu về năng lực số nói riêng. Quan trọng nhất là Chính phủ Malaysia đã đưa ra một khoảng thời gian bắt buộc (giai đoạn nền tảng) để giúp ngân hàng số định hướng được hoạt động ban đầu và hướng tới phát triển bền vững, đồng thời giúp Ngân hàng Trung ương có thể kiểm soát được quy mô và hoạt động của các ngân hàng này nhằm đảm bảo được an toàn cho các ngân hàng nói chung và nền tài chính quốc gia nói riêng.
3. Bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam
Fintech nói chung và ngân hàng số nói riêng là một xu hướng phát triển tất yếu và các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam sẽ chứng kiến một sự bùng nổ về lĩnh vực này trong thời gian sắp tới. Đứng trước những thay đổi đó, căn cứ vào các quyết định của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, ngày 11/5/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã kí Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là một quyết định quan trọng của NHNN như một định hướng cụ thể cho những chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một mô hình số hóa cho ngành Ngân hàng. Theo đó, đến năm 2025, các tổ chức tín dụng cần đạt được ít nhất 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại truyền thống tại Việt Nam cũng có những bước phát triển lớn trong các mô hình hoạt động của mình bằng cách phát triển công nghệ cải tiến cho các sản phẩm, dịch vụ thông qua ứng dụng công nghệ với các dịch vụ Mobile Banking. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã thiết lập nền tảng ngân hàng số hiện đại bằng cách hợp tác với công ty Fintech nhằm tạo ra một mô hình mới như: Công ty Giải pháp tài chính trực tuyến toàn cầu (Global Online Financial Solution Company - GOFS) hợp tác với Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt để ra mắt nền tảng ngân hàng số Timo Plus; sự hợp tác giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng và ứng dụng gọi xe công nghệ Be Group tạo ra nền tảng ngân hàng số CAKE; hợp tác giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông và Công ty Fintech Farm lập ra nền tảng ngân hàng số LioBank. Về bản chất, các mô hình này không phát sinh giấy phép ngân hàng riêng mà hoạt động dựa trên giấy phép của ngân hàng mẹ hoặc ngân hàng hợp tác, bảo trợ, do đó, ngân hàng số sẽ chịu trách nhiệm về pháp lí hoạt động liên quan nền tảng ngân hàng số và chịu trách nhiệm cuối cùng trước những rủi ro liên quan đến dịch vụ và nền tảng ngân hàng số.
Như vậy, việc xây dựng một khung pháp lí cho sự vận hành những ngân hàng số mới tại Việt Nam là vô cùng cần thiết hay ít nhất là những quy định hướng dẫn cho sự hoạt động của mô hình tổ chức thực hiện những hoạt động ngân hàng như hiện nay. Dựa trên những nghiên cứu về khung pháp lí dành cho ngân hàng số tại Malaysia, tác giả đã rút ra một số gợi ý cho sự phát triển các quy định pháp luật về ngân hàng số:
Một là, trước khi nghiên cứu ban hành một khung pháp lí toàn diện cho việc thành lập và hoạt động của ngân hàng số độc lập, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đẩy mạnh việc phát triển các chính sách, quy định thúc đẩy sự phát triển của ngành Fintech nói chung và ngân hàng số nói riêng như xây dựng, vận hành khuôn khổ pháp lí thử nghiệm (Regulatory Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng; nghiên cứu, xây dựng khung khổ pháp lí về giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), chia sẻ dữ liệu ngân hàng mở (Open Banking); sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định pháp luật nhằm tạo thuận lợi ứng dụng các công nghệ số, sử dụng dữ liệu thay thế trong hoạt động ngân hàng... Ví dụ như tại Malaysia, trước khi ban hành khung pháp lí cho ngân hàng số vào năm 2020, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã đưa một số những chính sách nhằm thúc đẩy các hoạt động Fintech phát triển và tạo tiền đề cho các ngân hàng số như: Phát triển hệ thống thẻ Mykad được triển khai từ năm 2001 với công nghệ xác thực chíp tiếp xúc, kết hợp nền tảng chữ ký số, tích hợp 08 dịch vụ trong đó có 04 dịch vụ công (chứng minh nhân dân, bằng lái xe, giấy thông hành trong nước và sổ y bạ) và 04 dịch vụ tư nhân (ví điện tử, thẻ rút tiền tự động, thẻ Touch’n Go cho giao thông và thẻ chữ ký số cho giao dịch điện tử). Với hệ thống thẻ tích hợp này, việc xác định mã định danh cho các nhân cùng các thông tin nhân thân được hệ thống hóa tạo tiền đề cho việc phát hành số tài khoản của ngân hàng số sau này. Bên cạnh đó, năm 2016, Malaysia đã ban hành khung pháp lí thử nghiệm cho Fintech nhằm cung cấp một môi trường pháp lí thuận lợi cho việc triển khai công nghệ tài chính và tạo điều kiện đổi mới tổng thể trong lĩnh vực tài chính Malaysia. Điều này đã tạo thuận lợi cho các ngân hàng số phát triển, tính đến tháng 01/2023, đã có 17 doanh nghiệp trong ngành Ngân hàng và cho vay tài chính tham gia cơ chế thử nghiệm bên cạnh tổng số 93 doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như bảo hiểm, dịch vụ tiền tệ, thanh toán...
Hai là, một điều quan trọng mà theo Giorgio (2017) có đề cập là những chính sách cần tập trung vào quy định công nghệ được cung cấp chứ không chỉ chú trọng vào tổ chức cung cấp dịch vụ. Bởi trong thời đại số, công nghệ là các yếu tố then chốt. Những công nghệ chủ đạo là Blockchain, eKYC hay điện toán đám mây là chìa khóa cho những thay đổi số hóa của ngành Ngân hàng, cần có những quy định ưu tiên phát triển và đảm bảo sự an toàn, bảo mật cho người tiêu dùng. Đây cũng là một nội dung chính trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của NHNN. Một trong những mục tiêu quan trọng của các công nghệ này là lưu trữ dữ liệu, định danh, nhận diện khách hàng một cách chính xác. Tuy nhiên, thông tin của khách hàng đều được lưu trữ tại một cơ sở dữ liệu khổng lồ và nếu không có những quy định về đảm bảo tính bảo mật của hệ thống cũng như những chế tài nghiêm khắc cho việc lợi dụng, đánh cắp thông tin của tội phạm mạng thì khách hàng sẽ không được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Hơn nữa, việc quy định những tiêu chuẩn về eKYC cũng là một định hướng để có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn xa hơn khi hợp tác với các đối tác tại các quốc gia có quy định nghiêm khắc về bảo mật thông tin khách hàng. Do vậy, để tạo nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, NHNN cần phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển đặc biệt: Nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia. Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa NHNN với các cơ quan quản lí trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu, viễn thông, công nghệ thông tin, an ninh mạng nhằm phối hợp giám sát ngân hàng số là một mục tiêu rất quan trọng.
Ba là, trong dài hạn, NHNN có thể xem xét ban hành khung pháp lí quy định về tổ chức và hoạt động cho các ngân hàng số được tồn tại như một thực thể pháp lí độc lập. Khi xây dựng khung pháp lí này, Nhà nước cần xem xét dựa trên tổng thể các văn bản pháp luật liên quan như: Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng và dựa trên định hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Chính phủ để đưa ra những quy định phù hợp nhất. Đặc biệt, nhìn dưới góc độ của Malaysia, khi quy định về hoạt động của ngân hàng số, cần đặt mục tiêu ưu tiên sự phát triển ổn định của nền tài chính quốc gia; mục tiêu nền tài chính toàn diện, hướng tới tiếp cận những nhóm người yếu thế... Do đó, khung pháp lí dành cho ngân hàng số cần bảo đảm những yếu tố như: (i) Quy định các điều kiện, tiêu chuẩn để ngân hàng số có thể hoạt động hiệu quả và an toàn (mức vốn tối thiểu, mức tổng tài sản tối đa, tỉ lệ trích lập dự phòng, tính thanh khoản cần phải duy trì tương tự như các ngân hàng truyền thống hiện hữu), đặc biệt chú trọng các quy định, yêu cầu tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, yêu cầu về hệ thống công nghệ thông tin...; (ii) Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn mới về vốn pháp định/vốn điều lệ, tỉ lệ sở hữu và điều kiện năng lực tài chính của các cổ đông sáng lập, giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài (cơ cấu, yêu cầu đối với thành phần cổ đông nước ngoài cần điều chỉnh phù hợp với mô hình, phạm vi, đối tượng khách hàng của ngân hàng số); (iii) Quy định về việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng trong mô hình ngân hàng (quy định này là điều quan trọng nhất, bởi lẽ tất cả các hoạt động của ngân hàng số đều được thực hiện trên nền tảng công nghệ, do đó, việc các ngân hàng số độc lập cần thiết lập các công nghệ riêng mang tính khép kín mang tính chất bắt buộc, đồng thời cần có những hành lang bảo vệ cho hoạt động này khỏi sự tấn công của tội phạm an ninh mạng); (iv) Quy định các giai đoạn khác nhau cho quá trình cấp phép và các giai đoạn thử nghiệm cho quá trình hoạt động ban đầu của ngân hàng số (có thể kéo dài 03 - 05 năm dưới sự kiểm soát của NHNN), đồng thời cần thiết lập chế độ an toàn cho các ngân hàng số này trong trường hợp không thành công sau thời gian thử nghiệm.
1 IBM, 2015, Designing a sustainable digital bank.
2 Bank Negara Malaysia, 2021, Licensing Framework for Digital Banks.
Tài liệu tham khảo:
1. Bank Negara Malaysia, 2021, Licensing Framework for Digital Banks.
2. Bank Negara Malaysia, 2022, Five successful applicants for the digital bank licences, truy cập tại: https://www.bnm.gov.my/-/digital-bank-5-licences
3. Bank Negara Malaysia, 2023, Regulatory Sandbox, truy cập tại: https://www.bnm.gov.my/sandbox
4. Giorgio Barba Navaretti, Giacomo Calzolari, Alberto Franco Pozzolo, Fintech and Banks: Friends or Foes?, European Economic: Banks, Regulation and Real Sector, Year 3, Issue 2, 2017.
5. Hoàng Thế Thỏa, 2019, Xu hướng phát triển ngân hàng số, truy cập tại: https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/trangchu/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet
6. Huỳnh Thu Hiền, 2021, Phát triển ngân hàng số tại Đông Nam Á và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính kì 1 tháng 5/2021.
7. IBM, 2015, Designing a sustainable digital bank.
8. Lê Anh Dũng, Nguyễn Thùy Anh, 2022, Mô hình ngân hàng số: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/mo-hinh-ngan-hang-so-kinh-nghiem-quoc-te-va-khuyen-nghi-chinh-sach-cho-viet-nam.htm
9. Nguyễn Đức Kiên, Dương Quốc Anh, Đào Minh Thắng, Trần Văn, 2022, Cơ hội cho ngân hàng số ở Việt Nam (kỳ 3): Lựa chọn mô hình phù hợp, truy cập tại: https://diendandoanhnghiep.vn/co-hoi-cho-ngan-hang-so-o-viet-nam-ky-2-lua-chon-mo-hinh-phu-hop-229578.html
10. Phạm Tiến Đạt, Lưu Ánh Nguyệt, 2019, Ngân hàng số - Triển vọng và phát triển trong tương lai, Tạp chí Ngân hàng số 2+3/2019.
11. Tô Thị Diệu Loan, 2022, Kinh nghiệm phát triển ngân hàng số tại một số quốc gia khu vực châu Á và bài học đối với Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/kinh-nghiem-phat-trien-ngan-hang-so-tai-mot-so-quoc-gia-khu-vuc-chau-a-va-bai-hoc-doi-voi-viet-nam.htm
ThS. Nguyễn Kim Anh