Phát triển tài chính toàn diện - hướng tiếp cận vốn mới cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ
Ngày 25/10/2024, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam”. Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú dự và phát biểu tại tọa đàm.
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm có sự tham dự của Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, bộ ngành, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp tài chính công nghệ (fintech),…
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, Việt Nam là một trong 25 quốc gia ưu tiên tập trung phát triển tài chính toàn diện trong Sáng kiến phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020. Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Chiến lược).
Chiến lược xây dựng mục tiêu tổng quát là tối đa hóa các đối tượng được tiếp cận và sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, có chi phí hợp lý, có trách nhiệm và bền vững, được cung ứng bởi các tổ chức hợp pháp. Theo đó, việc hình thành tài chính toàn diện để bảo đảm sự công bằng cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, thuận tiện, có trách nhiệm và bền vững là xu thế trong thập niên thứ hai và thứ ba của thế kỷ 21. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng của thế giới khi Chính phủ đã sớm hợp tác với Ngân hàng Thế giới để xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc thúc đẩy tài chính toàn diện là nội dung Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất quan tâm. Ngành Ngân hàng luôn trăn trở việc làm thế nào để hỗ trợ người dân vùng sâu vùng xa, người yếm thế có sự hiểu biết về tài chính và có thể tiếp cận tài chính một cách bình đẳng. Tài chính toàn diện cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tiến tới mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Thực tế, các quốc gia đang phát triển muốn bao phủ nhanh và hiệu quả dịch vụ tài chính chính thức cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa các kênh cung ứng dịch vụ tài chính hiện đại.
Việt Nam không chỉ đi sau mà còn có quy mô thị trường lớn với gần 100 triệu dân, nếu không có giải pháp đột phá, không sử dụng công nghệ sẽ khó tăng tốc. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số dịch vụ tài chính, song thực trạng bức tranh tiếp cận dịch vụ cho thấy vẫn còn dư địa lớn để cải thiện.
Toàn cảnh tọa đàm
TS Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), nhấn mạnh tài chính toàn diện góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo, tăng sinh kế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các dịch vụ tài chính sẽ là đòn bẩy giúp mở rộng dịch vụ tài chính cho người dân sống ở những nơi khó tiếp cận, đồng thời giảm thiểu chi phí và tạo ra các sản phẩm tài chính linh hoạt, dễ sử dụng.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, khả năng tiếp cận tài chính của các đối tượng mục tiêu đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đang ở phía trước. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược. Đồng thời, cần nghiên cứu, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp giai đoạn Chiến lược mới cũng như phù hợp sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế; Tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính, nhất là bảo vệ người tiêu dùng tài chính trước các rủi ro do sử dụng tài chính số.
Phân tích, thông lệ tốt của thế giới, TS Trần Văn - Viện trưởng IDS cho rằng việc áp dụng công nghệ giúp các dịch vụ tài chính - ngân hàng có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào, kể cả không có sự hiện diện của ngân hàng. Nhờ đó, những rào cản đối với tài chính toàn diện như thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý gần như được xóa bỏ, giúp cho cả những người nghèo, người thu nhập thấp - những đối tượng trước đây chưa từng tiếp cận với dịch vụ tài chính có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính thuận lợi hơn.
Trong một góc nhìn rộng hơn, tài chính toàn diện là hỗ trợ cho người dân không chỉ tiếp cận vốn để phục vụ đời sống mà còn xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi, chính sách của Nhà nước. Thời gian qua, để thực hiện mục tiêu này, ngành Ngân hàng tăng cường các chương trình giáo dục tài chính toàn diện một cách tích cực, đầu tư kinh phí một cách thỏa đáng; tổ chức lại hệ thống ngân hàng, tài chính vi mô để giúp người dân tiếp cận vốn một cách dễ dàng, thuận lợi hơn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại diện của một số hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiên phong triển khai fintech đưa đến những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình triển khai dịch vụ công nghệ tài chính đáp ứng yêu cầu của một thị trường có quy mô 100 triệu dân. Các doanh nghiệp cũng đề xuất những kiến nghị về cơ chế chính sách tạo đòn bẩy cho việc gia tăng bao phủ dịch vụ tài chính chính thức cũng như chuyển đổi số dịch vụ tài chính thông qua việc kiến tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả các tổ chức tham gia như mục tiêu mà Chiến lược đã đặt ra ngay từ ban đầu.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, tọa đàm này đã quy tụ được nhiều ý kiến rất hay và có ý nghĩa của các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu. Thực tế minh chứng, tài chính toàn diện là vấn đề vô cùng quan trọng về cả mục tiêu, ý nghĩa và vai trò. Nguồn lực trong nền kinh tế của chúng ta không hề nhỏ, nguồn lực ngay ở bản thân các doanh nghiệp, nguồn lực từ các gia đình không hề nhỏ, song chúng ta phải khai thác thế nào, chuyền tải như thế nào để mọi người hiểu rõ và có thể tiếp cận.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mấu chốt chính là việc Nhà nước xây dựng cơ chế pháp lý và hạ tầng để biến những mong muốn về sự lớn mạnh của tài chính vi mô trở thành hiện thực. Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, tài chính toàn diện có bốn trụ cột quan trọng, cần phải làm.
Thứ nhất là hành lang pháp lý, chúng ta đang hoàn thiện hệ thống pháp lý của đất nước, trên cơ sở đổi mới, để tất cả những vấn đề chúng ta đặt ra hôm nay cần phải được vận hành một cách trôi chảy, có ràng buộc nhưng vẫn thuận lợi.
Thứ hai là phải đổi mới, sắp xếp lại một cách có hiệu quả, hay nói đúng hơn là làm rõ các tổ chức cung ứng mô hình dịch vụ tài chính cho các đối tượng yếm thế được thụ hưởng, kể cả của Nhà nước cũng như của thị trường, xã hội như: các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các công ty tài chính…
Thứ ba là giáo dục nhận thức tài chính và quản lý tài chính toàn diện.
Thứ tư chính là vấn đề đang bàn là ứng dụng công nghệ số, ứng dụng công nghệ nền tảng kỹ thuật, công nghệ mới để nó vừa trở thành phương tiện, vừa trở thành nguồn lực hỗ trợ những đối tượng thụ hưởng tài chính toàn diện.
Thực tế, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới đem lại nhiều thuận lợi, tạo ra hướng đi, tạo ra “con đường mới” cho các doanh nghiệp triển khai dịch vụ tiếp cận các đối tượng của tài chính vi mô này. Đây là một xu hướng mang tính thời đại, xu hướng ứng dụng công nghệ số, kho dữ liệu số, công nghệ nền tảng...
Tài chính toàn diện không chỉ giúp các đối tượng yếm thế và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận dịch vụ tài chính, mà còn là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam tiến xa hơn trong quá trình hội nhập và phát triển. Với các giải pháp được đề xuất, tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế công bằng, bền vững và bao trùm, nơi mọi người dân và doanh nghiệp đều có thể tiếp cận và tận dụng các dịch vụ tài chính một cách hiệu quả.
Theo sbv.gov.vn