Năm 2023, đánh dấu một năm nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ công tác chỉ đạo điều hành tới tham mưu triển khai thực hiện tín dụng chính sách và cũng là năm hệ thống NHCSXH hoàn thành khối lượng công việc lớn nhất trong các năm kể từ khi thành lập hệ thống NHCSXH cho tới nay.
Theo đó, NHCSXH đã chủ động bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023 và Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH để tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; toàn hệ thống NHCSXH đã tích cực triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả trong công tác huy động nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn vốn, giải ngân kịp thời, nhanh chóng đến khách hàng vay vốn.
1. Hoàn thành xuất sắc mọi kế hoạch và nhiệm vụ chính trị được giao
Đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt hơn 346 nghìn tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 39.174 tỉ đồng, tăng 8.573 tỉ đồng so với năm 2022, một số chi nhánh có số tuyệt đối nguồn vốn nhận ủy thác tăng cao, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc...; tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 332 nghìn tỉ đồng với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ; tổng doanh số cho vay toàn hệ thống đạt 108.044 tỉ đồng, với hơn 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ toàn hệ thống đạt 59.359 tỉ đồng.
Giai đoạn 2022 - 2023, NHCSXH đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 181/NQ-CP ngày 02/11/2023 về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHCSXH đã rất khẩn trương, quyết liệt thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng được giao tới khách hàng vay vốn. Đến hết năm 2023, NHCSXH đã hoàn thành cho vay 38.400 tỉ đồng, với 615,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% kế hoạch được giao trong 02 năm 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, NHCSXH đã giải ngân tổng số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 158.994 tỉ đồng, cho hơn 3,3 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền cả giai đoạn 2022 - 2023 là 2.995,2 tỉ đồng, trong đó: (i) Năm 2022 là 877,5 tỉ đồng; (ii) Năm 2023 là 2.117,7 tỉ đồng; tổng số vốn hỗ trợ lãi suất đã được ngân sách nhà nước cấp là 2.469,5 tỉ đồng.
Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì ổn định. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn hệ thống NHCSXH là 1.907 tỉ đồng, chiếm 0,57%/tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 534 tỉ đồng, chiếm 0,16%; nợ khoanh là 1.372 tỉ đồng, chiếm 0,41%. Toàn hệ thống có 59/63 chi nhánh tỉ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%.
Toàn hệ thống NHCSXH có 100% chi nhánh xếp loại chất lượng tín dụng tốt và có chất lượng hoạt động giao dịch xã xếp loại tốt. Một số chi nhánh có điểm đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng cao so với bình quân toàn quốc như: Quảng Trị, Sơn La, Quảng Nam, Đắk Lắk...; một số chi nhánh có chất lượng hoạt động giao dịch xã cao như: Quảng Trị, Yên Bái, Đắk Nông, Sơn La, Phú Thọ... Cùng với đó, 168.378 tổ được xếp loại trong đó có 93,1% tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xếp loại tốt. Một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ tổ TK&VV xếp loại tốt cao là Quảng Ninh, Hưng Yên, Thành phố Hà Nội, Đắk Lắk, Bình Định...
Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến ngày 31/12/2023, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 35.367 tỉ đồng và tăng 8.573 tỉ đồng so với năm 2022, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 39.174 tỉ đồng. Một số chi nhánh NHCSXH điển hình nhận nguồn vốn ủy thác từ địa phương nhiều kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai...
Trong năm 2023, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 790 nghìn lao động, trong đó giúp gần 8,6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và trên 2.000 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp gần 97.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân hơn 4.000 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng trên 1.435 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.383 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 15.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp... góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, hoạt động của hệ thống NHCSXH luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của HĐQT, Ban điều hành NHCSXH; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị nhận ủy thác cùng sự quyết tâm, trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống từ Hội sở chính đến các chi nhánh tỉnh, thành phố; nhờ đó, NHCSXH đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đảm bảo chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tốt, triển khai kịp thời các Chương trình cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ và các chương trình tín dụng mới. Kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã được Đảng, Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, NHCSXH cũng tồn tại một số khó khăn như chưa có chính sách cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh đối với những hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở...; mức cho vay của chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư và diễn biến giá cả thị trường; một số địa phương dành nguồn lực từ ngân sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế.
2. Tập trung thực hiện tốt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024
Năm 2024, dự báo tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, Chủ tịch HĐQT NHCSXH đã phê duyệt kế hoạch tín dụng tài chính năm 2024 và 03 năm 2024 - 2026 trình các bộ, ngành tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước năm 2024 tăng 10% so với dư nợ thực hiện đến cuối năm 2023 (tương ứng tăng khoảng 24.500 tỉ đồng); các bộ, ngành dự kiến giao tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 8% so với thực hiện năm 2023 (tương ứng tăng khoảng 19.600 tỉ đồng); dự kiến tăng dư nợ tín dụng các chương trình tín dụng nhận vốn từ ngân sách nhà nước và NHCSXH nhận ủy thác tại địa phương khoảng 4.850 tỉ đồng. Đến ngày 31/12/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH dự kiến khoảng 356.350 tỉ đồng.
Cùng với đó, các đơn vị trong toàn hệ thống NHCSXH tiếp tục tham mưu Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, trọng tâm ưu tiên bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030; đồng thời, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023, Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 của HĐQT và Chương trình hành động của Tổng Giám đốc NHCSXH; đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 ngay khi được Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025.
Song song đó, NHCSXH cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát các tổ TK&VV, tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở; nâng cao chất lượng công tác quản lí và xử lí nợ trong toàn hệ thống.
Công tác chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm tiếp tục được chú trọng nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng toàn diện cho các đối tượng khách hàng của NHCSXH; bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội cũng như vai trò, hiệu quả hoạt động của NHCSXH; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động; đánh giá, khen thưởng kịp thời những cán bộ có thành tích xuất sắc, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở nhằm động viên, khích lệ cán bộ trong toàn hệ thống hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với những thành tựu đã đạt được thời gian qua, bước sang năm 2024, NHCSXH sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách, bứt phá để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.
Ngọc Mai (Hà Nội)