Kinh tế - xã hội quý I năm 2022 phục hồi và tăng trưởng trở lại
Sáng 29/3/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố Số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2022. Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi họp báo.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì họp báo
Kinh tế - xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đồng thời đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, sự ủng hộ của Nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu quý I/2022 như sau:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 5,03%
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 6,4%
- Số doanh nghiệp thành lập mới: 34,6 nghìn doanh nghiệp
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 4,4%
- Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội: + 8,9%
- Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 12,9%
- Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 15,9%
- Xuất siêu: 809 triệu USD
- Khách quốc tế đến Việt Nam: + 89,1%
- Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 1,92%
- Lạm phát cơ bản: + 0,81%
Giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Do chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới, cùng với đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia và trong nước, chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp cho thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2022 ước tính là 51,2 triệu người (tăng 441,1 nghìn người so với quý trước và tăng 158,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021); lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước quý I/2022 ước tính là 2,46%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,88%; khu vực nông thôn là 2,19%; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của cả nước ước tính là 3,01%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,39%; khu vực nông thôn là 3,40%.
Quang cảnh buổi họp báo
Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trong quý I/2022, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách và xã hội hóa là gần 1 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền và quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 1,3 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 2,1 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ tình hình đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ…) phát sinh tại địa phương gần 1,9 nghìn tỷ đồng. Hơn 25,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai thực hiện. Ngoài ra, để hỗ trợ cho người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2022, ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 340/QĐ-TTg xuất cấp không thu tiền 1.006,59 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La và Điện Biên.
Bảo Ly