Kinh nghiệm quản lý và giúp đỡ tổ viên sử dụng vốn vay đạt hiệu quả tại Bắc Kạn
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề mà bất cứ tổ chức tín dụng nào đều quan tâm, lo lắng.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề mà bất cứ tổ chức tín dụng nào đều quan tâm, lo lắng. |
Nhận thức được điều đó, ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Kạn đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động với các ban ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến về các chính sách tín dụng đến với người dân. Không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, Chi nhánh đã thành lập được 1.640 tổ tiết kiệm và vay vốn để người dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi. Ðây thật sự là cầu nối giữa ngân hàng với các hộ nghèo và là đội ngũ góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng.
Đoàn công tác của NHCSXH do Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn về hoạt động tín dụng chính sách trong thời gian qua
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo đơn vị cấp huyện thực hiện nghiêm túc giao dịch đến tận xã mỗi tháng một lần vào ngày cố định để tạo điều kiện cho người dân thuận tiện vay vốn và trả lãi. Ðến nay, dư nợ các nguồn vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh là 1.255 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt 25,6 triệu đồng/hộ; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,39%.
Với nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp và ổn định, thời hạn cho vay tương đối dài kết hợp với sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ kiến thức… là những yếu tố quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu, thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Thôn Suối Hón là thôn thuần nông với hơn 80 hộ và 310 nhân khẩu, có 05 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Tày, Nùng, La Chí, Sán Chí); mật độ dân cư là rất thưa thớt, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp. Vì vậy, trước đây thu nhập của các hộ gia đình là rất thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn nhiều hộ gia đình mang những phong tục lạc hậu. Mặc dù đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo cấp ủy chính quyền địa phương, song để thay đổi những tồn tại và đảm bảo cho sự phát triển kinh tế cũng như từng bước xóa đói giảm nghèo cho các hộ gia đình trong thôn không thể đòi hỏi trong một thời gian ngắn được… Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, được NHCSXH huyện ủy nhiệm việc thu lãi, thu tiền gửi và thực hiện một số nội dung công việc khác trong quy trình cho vay của NHCSXH. Dù bước đầu rất bỡ ngỡ nhưng sau khi được tập huấn và tìm hiểu, đọc, tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhà họp thôn, Ủy ban nhân dân xã các thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp các hộ gia đình tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, có vốn sản suất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống, chăm lo cho con em học hành, giúp các hộ gia đình gắn kết chặt chẽ tình làng nghĩa xóm, xóa mặc cảm.
Hiện nay, tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Suối Hón có dư nợ là 810 triệu đồng, với 36 tổ viên, không có nợ quá hạn, không có lãi tồn đọng, số dư tiền gửi của tổ viên là 25 triệu đồng, các hộ gia đình đều sử dụng vốn vay đúng mục đích có hiệu quả, tham gia sinh hoạt định kỳ 01 tháng/lần, chấp hành đúng quy định của Tổ như việc nộp lãi, gốc đến hạn, 100% các hộ tham gia gửi tiền tiết kiệm, mức gửi năm sau luôn cao hơn năm trước... đoàn kết tương trợ lẫn nhau, cùng trao đổi những kinh nghiệm để phát triển chăn nuôi, làm kinh tế, có rất nhiều hộ gia đình nhờ có vốn ưu đãi từ NHCSXH đầu tư cho chăn nuôi bò, trâu, trồng rừng,… đã đem lại thu nhập cao hơn cho gia đình họ trước đây rất nhiều, giúp cho 53 hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giả. Có được những thành quả trên thực tế cho thấy ngay bản thân các thành viên trong ban quản lý tổ phải gương mẫu, thực hiện theo đúng quy ước hoạt động đã đề ra, thẳng thắn công khai ngay từ khâu bình xét tổ viên khi vay vốn tránh cả nể, cảm tính cá nhân. Cùng với đó là tranh thủ sự quan tâm của chính quyền xã, lãnh đạo Tổ chức hội xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn và của NHCSXH để triển khai thực hiện công việc.
Hiểu rằng, muốn có chất lượng hoạt động của tổ tốt không thể chỉ do một cá nhân nào quyết định; bởi vậy, ngay từ đầu tổ tiết kiệm và vay vốn đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban quản lý Tổ, tổ chức sinh hoạt đều, đi sâu đi sát với hội viên, thường xuyên trao đổi những thông tin chính sách tín dụng ưu đãi mới cho tất cả các hộ vay không những biết mà phải hiểu rất rõ, đôn đốc và giám sát lẫn nhau, các thành viên trong tổ thường xuyên tương trợ, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, khó khăn tạm thời về kinh tế để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, trả lãi cho Ngân hàng theo quy định.
Việc lưu trữ các loại sổ sách, chứng từ, hồ sơ cũng được tổ tiết kiệm và vay vốn hết sức quan tâm, với phương châm “không biết thì hỏi, muốn làm tốt thì phải ghi chép cẩn thận”.
Cho đến nay qua công tác kiểm tra của Ngân hàng và tổ chức Hội cấp trên, Ban quản lý tổ tổ tiết kiệm và vay vốn không để xảy ra sai sót và bị nhắc nhở, đặc biệt không có sự nhầm lẫn hay thiếu sót nào liên quan đến quyền lợi và lợi ích của hộ vay vốn.
Có thể thấy nhiệm vụ ủy nhiệm không phải khó, mà đơn giản là phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm. Bên cạnh những công việc đã làm được ở trên thì việc kiểm tra thực tế hộ vay sử dụng đồng vốn như thế nào sau khi nhận tiền từ ngân hàng về mới là hết sức quan trọng do vậy tổ tiết kiệm và vay vốn luôn dành rất nhiều thời gian cho việc kiểm tra giám sát đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích như trong đơn đã đề nghị, nắm bắt tình hình trả lãi, trả nợ gốc, kịp thời phát hiện những trường hợp chấp hành chưa tốt để nhắc nhở, đồng thời báo cáo Ngân hàng và tổ chức hội kịp thời tháo gỡ, đề nghị xử lý rủi ro kịp thời cho những hộ gia đình bị thiệt hại về tài sản do nguyên nhân khách quan gây ra…
Tất cả những việc làm đó có một mắt xích vô cùng quan trọng, đặc biệt là việc tham dự giao ban NHCSXH tại điểm giao dịch xã. Đó thực sự là nơi được nói, được trao đổi, học hỏi, tập huấn lại những gì chưa rõ, chưa hiểu… tiếp cận những chính sách mới nhất và quan trọng hơn cả là được bày tỏ nguyện vọng và nhu cầu của tổ viên trong công tác vay vốn, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc.
Những công việc mà Ban quản lý tổ làm như trên là hết sức bình thường như đối với bao tổ tiết kiệm và vay vốn khác, nhưng đối với Suối Hón, Yên Đĩnh là cả quá trình phấn đấu và thật sự nó sẽ không thể có được nếu thiếu đi sự quan tâm của các cấp chính quyền, của NHCSXH. Trong nền kinh tế hiện nay còn rất nhiều những biến động khó khăn ở phía trước nhưng với sự tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, vào hoạt động của NHCSXH sẽ tiếp tục giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tổ tiết kiệm và vay vốn mong nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa để các hộ gia đình trong thôn, xã tiếp tục vượt mọi khó khăn, vươn lên có được ấm no, hạnh phúc như những búp sen hồng trên ngực áo của những người cán bộ NHCSXH luôn thầm lặng, tâm huyết, tận tụy vì người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Việt Hùng
Tạp chí Ngân hàng số 5/2017